Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 16-11-2020

Post date: 16/11/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage, săn bắt thú dữ. 1

2.                Chưa thành niên “dính” rượu bia, cha mẹ, người bán bị phạt tiền. 1

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH.. 2

3.                Khổ vì văn bằng, chứng chỉ 2

QUẢN LÝ.. 4

4.                Đấu giá biển số xe: Làm sao để tránh trục lợi, lợi ích nhóm?. 4

5.                Tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo. 5

6.                TP.HCM: Không thiếu kênh giám sát khi thực hiện đề án chính quyền đô thị 6

7.                TP.HCM: “Người đứng đầu phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ”. 7

8.                Bí thư Hà Nội: Không để tồn tại cơ chế “xin – cho” trong tài chính, ngân sách. 7

9.                Sau kỷ luật cảnh cáo, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa nghỉ hưu trước tuổi 8

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

10.             Thời gian cấp sổ BHXH chỉ còn 5 ngày. 9

11.             Thanh Hóa triển khai thí điểm mô hình phòng họp không giấy tờ. 9

12.             Bắc Ninh tạo đột phá theo cơ chế “4 tại chỗ” đối với thủ tục hành chính. 10

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 11

13.             Duyệt chi ngân sách Trung ương hơn 1 triệu tỷ đồng năm 2021. 11

14.             Đổi mới cơ cấu ngân sách. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

15.             Hà Tĩnh: Cán bộ xã tham gia đánh bạc bị phạt 1,5 triệu đồng. 13

16.             Bắt giam Giám đốc ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Ninh Bình. 13

THẾ GIỚI 14

17.             Tổng thống Trump lần đầu tiên nói ông Biden thắng. 14

18.             Dubai "trải thảm" đón người già trên toàn thế giới 14

 CHÍNH SÁCH MỚI

Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage, săn bắt thú dữ

Cuối tuần qua, tại Kỳ họp 10, Quốc hội khoá XIV vừa thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

 Luật này gồm 8 chương, 76 điều quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Luật có nêu rõ danh mục công việc và khu vực người lao động không được đi làm ở nước ngoài.  Cụ thể những công việc đó là: Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí; Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân;

 Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại; Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh;

 Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương); Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm;

 Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. (Laodong.vn 15/11, Ái Vân)Về đầu trang

Chưa thành niên “dính” rượu bia, cha mẹ, người bán bị phạt tiền

Nghị định 117/2020 (có hiệu lực từ 15.11) quy định xử phạt cả người từ 16 đến dưới 18 hút thuốc lá, rượu bia; xử phạt người sử dụng người dưới 18 tuổi mua thuốc lá, rượu bia và xử phạt người bán thuốc lá, rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi...

 Cụ thể, điều 26 Nghị định 117/2020 (thay thế Nghị định 176/2013) quy định xử phạt 3 - 5 triệu đồng hành vi “bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Ngoài ra phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian từ 3 - 6 tháng”; phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá; cảnh cáo hoặc phạt 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia; phạt từ 1 - 3 triệu đồng hành vi “bán, cung cấp rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi; phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia”.

 Đối với việc phạt tiền người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia, trong khi độ tuổi này chưa phải là đối tượng lao động, có thu nhập để nộp phạt, thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ là người nộp phạt thay người chưa thành niên. Bởi, theo điều 134 luật Xử lý vi phạm hành chính, thì về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, quy định người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay. (Thanhnien.vn 15/11)Về đầu trang

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

Khổ vì văn bằng, chứng chỉ

Thời gian qua vấn nạn chứng chỉ, văn bằng được ví như những giấy phép con trở thành gánh nặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.

 Theo đó, sẽ không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà chỉ quy định về năng lực sử dụng các kỹ năng trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính. Việc loại bỏ những giấy tờ này là hành động cụ thể nhằm loại bỏ dần “giấy phép con” trong công tác cán bộ.

 Vì sao người đứng đầu ngành Nội vụ lại đề cập đến các phương thức giảm những thủ tục, giấy tờ, những văn bằng trong công tác cán bộ? Vì thực tế thời gian qua vấn nạn chứng chỉ, văn bằng được ví như những giấy phép con trở thành gánh nặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

 Cụ thể, gần đây trong công cuộc tìm những công chức “cắp ô” trong nền công vụ, một yêu cầu được đặt ra đó là: CBCCVC nếu trình độ ngoại ngữ, tin học không đạt chuẩn có thể bị tinh giản biên chế. Vì lý do này mà nhiều người đăng ký học với mục đích duy nhất: “làm đẹp” hồ sơ.

 Vốn là kế toán trưởng của một bệnh viện lớn tại Hà Nội, chị Lan Hương (40 tuổi) gần đây phải ôm tập vở đi học tin học. Theo quy định mới, CCVC trong biên chế phải có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo Thông tư 01, chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03. “Khổ lắm, việc làm không hết ở cơ quan, nhưng đến ngày lại phải cắp sách đi học. Tin học cũng chỉ ở trình độ cơ bản, nhưng không học đủ số ngày thì không được thi” - chị Hương than thở.

 Không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mà còn rất nhiều chứng chỉ khác đang “hành” khiến rất nhiều CBCCVC mệt mỏi. Mới đây, giáo sư một trường ĐH lớn ở TP HCM có viết trên Facebook: “Sao nỡ lòng nào bắt giáo sư đi thi lấy chứng chỉ sư phạm nữa”. 

Theo vị giáo sư này, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp. Vậy mà giờ đây ông nhận được yêu cầu phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp, nếu không có chứng chỉ đó thì sau này không được hành nghề giảng viên. “Lúc thi vào biên chế, mình đã có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học rồi nhưng cái chứng chỉ này giờ đây không được chấp nhận, phải là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới được” - ông viết.

 Gần đây, một số họa sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang phản ứng về việc mở lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hoạ sĩ do trường ĐH Mỹ thuật TP HCM tổ chức. Đáng nói, lớp bồi dưỡng này sẽ phân chuẩn họa sĩ theo thứ hạng từ I, II, III, IV.

 Theo nhiều họa sĩ, đã làm nghề “cầm cọ” thì sự đánh giá của công chúng mới là quan trọng nhất, chứ giấy chứng nhận xếp hạng làm sao có thể đánh giá đúng được.

 “Công việc của người họa sĩ là sáng tạo, chúng tôi đa số đều có 4-5 năm học tại trường Mỹ thuật, có bằng cấp, trình độ hơn hẳn so với cái chứng chỉ ngắn ngày đó. Theo tôi, việc định nghĩa các cấp độ họa sĩ, chứng chỉ không thể nào áp dụng trong mỹ thuật, trong đào tạo mỹ thuật chứ đừng nói là áp dụng cho nghề họa sĩ và công việc sáng tạo” - một họa sĩ bức xúc nói.

 Ngành báo chí cũng gặp không ít phiền toái liên quan đến các chứng chỉ này. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên,... các phóng viên hạng III sẽ phải có 5 loại giấy tờ: Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, xuất bản trở lên (trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học khác chuyên ngành báo chí, xuất bản thì phải qua lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản từ 8 tuần trở lên).

 Trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT. Trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT. Trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Biên tập viên hạng III.

 Những quy định này dẫn đến thực tế là có những nhà báo đã làm việc hàng chục năm trong nghề, thậm chí giành nhiều giải báo chí, nhưng tốt nghiệp chuyên ngành khác như sư phạm, luật, kinh tế... giờ phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho… đủ thủ tục. Hay như yêu cầu trình độ tin học, trong khi các nhà báo vốn làm việc liên tục với máy tính và nhiều thiết bị công nghệ khác để phục vụ công việc, nhưng nay phải đi thi lấy chứng chỉ tin học văn phòng! Thật là vô lý! (Daidoanket.vn 15/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đấu giá biển số xe: Làm sao để tránh trục lợi, lợi ích nhóm?

Việc Bộ Công an thực hiện đấu giá biển số xe không chỉ góp phần tăng thu cho ngân sách, tăng đầu tư cho lực lượng Cảnh sát giao thông, mà còn hạn chế tiêu cực phát sinh, tạo công khai, minh bạch.

 Từ nhiều năm qua, đề án đấu giá biển số xe được đưa ra tranh luận rất sôi nổi từ nghị trường cho đến trên các diễn đàn báo chí, mạng xã hội. Đa phần ý kiến đều ủng hộ đề án đấu giá biển số xe đẹp, biển số theo nguyện vọng, mong muốn cá nhân. Qua đó, nhà nước có thể tăng thêm 1 nguồn ngân sách đáng kể. Quan trọng nhất là minh bạch, công khai công bằng hoạt động cấp biển, tránh trục lợi, lợi ích nhóm từ việc cấp biển số.

 Sở dĩ người dân đặt ra nghi vấn tiêu cực trong việc cấp biển số xe vì có một thực tế khi đi trên đường, chúng ta thường xuyên bắt gặp những chiếc xe sang giá bạc tỷ có những biển số "siêu đẹp". Trong khi đó việc bấm biển hiện giờ là ngẫu nhiên. Sự trùng hợp 1 cách kỳ lạ giữa xe sang đi liền với biển đẹp là một câu hỏi mà nhiều người khó lý giải. Vì vậy, đề án đấu giá xe khi đề xuất nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ nhân dân.

 Với nhiều người, biển số xe không dừng lại ở con số gắn với tài sản bình thường mà còn là vấn đề tâm linh, tính ngưỡng và sở thích của một số cá nhân. Họ cho rằng những con số đẹp sẽ đem lại may mắn nên sẵn sàng bỏ chi phí để sở hữu những biển số theo ý muốn.

 Việc đấu giá tuy được người dân ủng hộ, song cũng nhiều ý kiến lo ngại về việc liệu có xảy ra trục lợi, lợi ích nhóm khi tiến hành đấu giá biển số hay không?

 Trả lời 1 phần cho câu hỏi này, mới đây trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nêu Chính phủ sẽ quy định đấu giá biển số thông qua các công ty đấu giá chuyên nghiệp, hoạt động độc lập theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

 Theo đó, việc đấu giá biển số xe sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai và tránh tiêu cực. Biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật.

 Chính phủ cho biết, nhiều đoàn công tác của Bộ Công an đã được lập, tìm hiểu quy định tại nhiều nước như Mỹ, Nga, Thái Lan, Nhật Bản... Kết quả cho thấy một số nước cho người dân tự chọn biển số xe trong danh sách theo sở thích và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định, hoặc tổ chức đấu giá. Cơ quan đăng ký, cấp biển số xe cũng là nơi tổ chức đấu giá biển số xe, thông qua hệ thống phần mềm quản lý và bán đấu giá trên internet. 

Đến nay, Chính phủ khẳng định việc đấu giá biển số xe đã có đầy đủ căn cứ pháp lý, phù hợp, đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành.

 Trong đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công. Nghị định 151 nêu rõ kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là kho số phục vụ quản lý nhà nước.

 "Như vậy, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý để đăng ký, cấp biển số xe là tài sản công", báo cáo của Chính phủ nêu. Ngoài ra, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định bán tài sản công phải thông qua đấu giá.

 Dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này, tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào chiều 16/11. (Kienthuc.net.vn 14/11)Về đầu trang

Tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo

Ngày 15.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp gỡ 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

 Báo cáo tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 Đặc biệt, xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GDĐT đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngày càng tốt hơn.

 Theo đó, chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi có bảng lương mới.

 “Mới đây, Bộ GDĐT đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.

 Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới, ngành Giáo dục xác định sẽ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, trước hết là phải đổi mới trong suy nghĩ và hành động của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành.

 “Bộ GDĐT kính mong Quốc hội tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; động viên, chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục nói chung, của đội ngũ nhà giáo nói riêng" – Bộ trưởng bày tỏ mong mỏi. (Laodong.vn 15/11, Bích Hà)Về đầu trang

TP.HCM: Không thiếu kênh giám sát khi thực hiện đề án chính quyền đô thị

Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 16/11. Theo đó, nếu được chấp thuận, một nội dung quan trọng trong đề án sẽ được thực hiện là TP.HCM sẽ không còn Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, phường. 

Theo tính toán của TP.HCM, việc không tổ chức HĐND sẽ giúp thành phố tinh gọn bộ máy, giảm hơn 6500 đại biểu HĐND cấp quận, phường và mỗi năm giúp tiết kiệm ngân sách 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một vấn đề dư luận quan tâm là công tác giám sát, tiếp nhận thông tin của người dân liệu có mất đi từ cấp cơ sở. Từ thực tiễn và phân tích các chuyên gia, đây không phải là điều đáng lo.

 Với Zalo Quận 3 trực tuyến, người dân có thể nhắn tin, gọi điện thoại phản ánh, đánh giá hài lòng hay tham gia các ý kiến khảo sát. Đây là kênh tiếp nhận ý kiến người dân bất cứ lúc nào. Theo đại diện Quận 3, dù không có HĐND nhưng có nhiều thiết chế giám sát khác để người dân lựa chọn.

 Trong 33 tháng vừa qua, theo cơ chế này, bình quân 1 tháng, TP.HCM phải xử lý 10 Đảng viên và 11 cán bộ, công chức có sai phạm do người dân phát hiện.

 Với việc không có HĐND cấp quận, huyện, Mặt trận Tổ quốc sẽ phải chủ động hơn nữa trong việc đề xuất vấn đề giám sát, các đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội sẽ cần tăng chất lượng và hoạt động tiếp dân, đặc biệt là đẩy mạnh dân chủ trực tiếp ở cơ sở. 

TP.HCM đang phải ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh và chính quyền điện tử. Đây cũng là cơ sở để người dân dễ dàng phản ánh những vướng mắc của mình cũng như có thể kiểm tra, giám sát việc chính quyền thực thi những phản ánh đó. 

Đề án chính quyền đô thị giúp thành phố tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, nâng cao hiệu quả hoạt động của một đô thị đặc biệt như TP.HCM. (Vtv.vn 15/11)Về đầu trang

TP.HCM: “Người đứng đầu phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ”

Ngày 15.11, tại buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho biết công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã từng bước đổi mới về phương thức, cách làm.

 Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận trong 90 năm qua, dù có những hình thức và tên gọi khác nhau nhưng MTTQ VN luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội, hội tụ và phát huy truyền thống đoàn kết, lòng tự hào, trí tuệ và sức mạnh dân tộc. Các hoạt động giám sát phản biện xã hội, các hình thức tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân được tăng cường.

 Ông Nên đề nghị Ủy ban MTTQ VN các cấp tiếp tục bám sát cơ sở, gần dân để thấu cảm lòng dân và chia sẻ, hỗ trợ kịp thời khi người dân gặp khó khăn, bức xúc. Theo ông Nên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí góp phần xây dựng Đảng, chính quyền là một chức năng của Ủy ban MTTQ VN được Hiến pháp quy định, hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự chỉ đạo, lãnh đạo đối với Đảng.

 Thành ủy TP.HCM sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ VN các cấp làm đúng và làm tốt chức năng của mình. Để hoạt động giám sát, phản biện, xây dựng Đảng có hiệu quả, ông Nên đề nghị mỗi tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp phải có chương trình hành động trước khi được giao nhiệm vụ với cam kết “làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm báo cáo giải trình một cách công khai, minh bạch”. 

Ông Nên cũng đề nghị Ủy ban MTTQ VN tiếp tục nghiên cứu để huy động các nguồn lực từ trong nhân dân, kết nối với người giỏi, người tài, người có kinh nghiệm mong muốn đóng góp cho thành phố. (Thanhnien.vn 15/11, Sỹ Đông)Về đầu trang

Bí thư Hà Nội: Không để tồn tại cơ chế “xin – cho” trong tài chính, ngân sách

Chiều 14/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2021 của thành phố và một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”. 

 Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, đối với một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương rà soát, hoàn thiện từng nội dung trên cơ sở tính toán căn cơ về giải pháp, lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi cao và kịp thời trình HĐND thành phố trong nhiệm kỳ 2016-2021.

 Ông Huệ chỉ đạo, Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2021 để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước khi trình HĐND thành phố thông qua.

 Đối với kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2021-2023), 5 năm (2021-2025) và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ trình các vấn đề có tính chất khung khổ, nguyên tắc, để dành thời gian tập trung bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở những căn cứ xác đáng, bảo đảm phù hợp với khả năng chi và tính khả thi cao nhất.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các kế hoạch trên phải gắn bó chặt chẽ với nhau và gắn với quy hoạch phát triển thành phố, bảo đảm triển khai kịp thời, đầy đủ các công trình dự án và thực hiện các nhiệm vụ củng cố, phát triển hệ thống an sinh xã hội; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề dân sinh bức xúc như cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...

 Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát từng dự án năm 2021, trên cơ sở đó thẩm định kỹ, nhất là tổng mức đầu tư phải sát thực tế; từ nhu cầu đầu tư của các cấp, các ngành xác định rõ thứ tự ưu tiên. 

Trong đó, cần tập trung những lĩnh vực quan trọng như các công trình liên kết vùng, hạ tầng khung, kết cấu hạ tầng giao thông trong đô thị, các dự án hiện thực hóa quan điểm phát triển đồng đều của thành phố như quốc lộ 1A (cũ), quốc lộ 21B; hạ tầng cho những huyện đang phấn đấu lên quận, hạ tầng công nghệ thông tin...

  “Trong năm 2021, phải giải quyết dứt điểm tình trạng thôn, tổ dân phố thiếu nhà văn hóa và giải quyết ít nhất 50% địa bàn thiếu chợ dân sinh”, ông Huệ nêu.

 Về các nguyên tắc và giải pháp trong các kế hoạch liên quan đến tài chính - ngân sách, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cấp, các ngành liên quan phải tập trung vào giải pháp tăng thu, đồng thời triệt để tiết kiệm, nhất là các khoản chi khánh tiết, đi công tác nước ngoài...

 Đặc biệt, phải vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách mới đã được trung ương cho phép như giải phóng mặt bằng theo cơ chế rút gọn hay ứng trước từ nguồn dự trữ tài chính...

 Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, việc thực hiện các cơ chế liên quan đến tài chính - ngân sách phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không được phép vi phạm nguyên tắc, không để tồn tại cơ chế “xin - cho” và phải nhất quán, rõ ràng, mạch lạc. (Tienphong.vn 15/11, Hoàng Phong)Về đầu trang

Sau kỷ luật cảnh cáo, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa nghỉ hưu trước tuổi

Dù 2 năm nữa mới đến tuổi nhưng ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc sở Xây dựng Khánh Hòa, đã có quyết định nghỉ hưu theo chế độ đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm.

 Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết việc giải quyết cho ông Lê Văn Dẽ nghỉ hưu là thực hiện theo chế độ đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm. Ông Dẽ sẽ chính thức nghỉ công tác từ ngày 14-11, cho đến lúc đủ tuổi hưu theo chế độ.

 Ông Lê Văn Dẽ sinh tháng 12-1962, giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa từ năm 2010. Theo quy định, ông Dẽ sẽ nghỉ hưu vào năm 2022.

 Tại Đại hội Đại biểu lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa vào tháng 10-2020, ông Lê Văn Dẽ không trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới.

 Trước đó, tháng 8-2020, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Văn Dẽ bằng hình thức cảnh cáo.

 Ông Dẽ với cương Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa (từ năm 2011 đến thời điểm kiểm tra năm 2019) đã vi phạm Quyết định 1396 ngày năm 2012 của Thủ tướng về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025; vi phạm Luật Xây dựng 2014; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

 Những khuyết điểm, vi phạm của ông Lê Văn Dẽ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

 Hiện nay, ông Trần Nam Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, sẽ phụ trách sở này để tiếp tục điều hành công việc chung.

 Ngoài ông Dẽ, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư và ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.

 Ông Võ Tấn Thái sau đó có đơn xin thôi chức và được UBND đồng ý nghỉ từ ngày 15-9 theo nguyện vọng cá nhân. (Nld.com.vn 14/11)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thời gian cấp sổ BHXH chỉ còn 5 ngày

BHXH Việt Nam cho biết công tác cải cách thủ tục hành chánh của ngành đạt được nhiều bước tiến quan trọng, đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 32 thủ tục (năm 2016) và còn 27 thủ tục (năm 2019).

 Nhiều thủ tục hành chánh đã rút ngắn thời gian giải quyết như: thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn không quá 5 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp, không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin…

 Qua thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả, số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm. (Nld.com.vn 15/11, Ngọc Dung)Về đầu trang

Thanh Hóa triển khai thí điểm mô hình phòng họp không giấy tờ

Tiếp tục thực hiện đột phá về cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thí điểm mô hình phòng họp không giấy tờ tại huyện miền núi Như Thanh.

 Theo đó, tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án thí điểm mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng họp không giấy tờ cấp huyện, triển khai chữ ký số và tăng cường hệ thống một cửa điện tử cấp xã của UBND huyện Như Thanh.

 Dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng từ ngân sách, do UBND huyện Như Thanh làm chủ đầu tư, được thực hiện trong 2 năm 2020 – 2021.

 Mục tiêu của dự án là đầu tư hệ thống trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động và xây dựng phòng họp không giấy tờ; đồng thời tăng cường hoạt động của hệ thống một cửa điện tử cấp xã, từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng.

 Qua đó, nhằm tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; công khai, minh bạch quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính nhà nước. (TTXVN/Bnews.vn 15/11)Về đầu trang

Bắc Ninh tạo đột phá theo cơ chế “4 tại chỗ” đối với thủ tục hành chính

Trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “4 tại chỗ” và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.

 Tỉnh đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số gắn với cải cách hành chính. Tỉnh cũng thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và quản lý điều hành của UBND tỉnh; đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, công chức, viên chức là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ.

 Cùng với đó, phát huy vai trò Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt văn hóa công sở...

 Từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực và sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp văn minh, hiện đại.

 Trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, cơ chế, chính sách cho phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

 Tỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm gọn nhẹ, khoa học, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả... (TTXVN/Bnews.vn 14/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Duyệt chi ngân sách Trung ương hơn 1 triệu tỷ đồng năm 2021

Với 449/451 đại biểu tán thành, đạt 93,15% tổng số đại biểu, Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.

 Tổng số thu ngân sách Trung ương là 739.401 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

 Quốc hội giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương. Giao, hướng dẫn nhiệm vụ thu, chi năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị này tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020.

 Ngoài ra, cho phép bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021 để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, dự án đầu tư dở dang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục triển khai trong năm 2021 cho đến khi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định có hiệu lực; đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách xác định được nhiệm vụ nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, phân bổ cụ thể đúng quy định của pháp luật.

 Các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, dự án cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Ưu tiên các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn cho các dự án đã thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. (Vtv.vn 14/11)Về đầu trang

Đổi mới cơ cấu ngân sách

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, tổng thu NSNN là 1.343.330 tỷ đồng; tổng chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP.

 Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu NSNN năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020; tỷ lệ huy động vào NSNN là 15,5% GDP, trong đó từ thuế, phí là 13% GDP điều chỉnh. Để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và kích cầu trong nước, Chính phủ đề xuất bội chi NSNN năm 2021 là 4% GDP, tăng 1,5% so với dự toán năm 2020. Bội chi NSNN chỉ dành cho đầu tư phát triển, không dành cho chi thường xuyên. Khi đó, nợ công năm 2021 sẽ là 46,1% GDP điều chỉnh.

 Các con số nêu trên thực sự là những chỉ tiêu rất tích cực nhưng đầy thách thức trong điều hành khi nền kinh tế trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch Covid-19 vẫn biến động phức tạp; thiên tai, hạn mặn, lũ lụt, dịch bệnh là những yếu tố tác động không thuận lợi đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong nước. Tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội và NSNN không chỉ trong năm 2020 mà chắc chắn còn kéo sang năm 2021, thậm chí có thể một số năm tiếp theo. Thách thức là không nhỏ khi năm 2021, chúng ta vẫn quyết tâm duy trì mục tiêu kép, vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Để có thể hoàn thành được các chỉ tiêu của năm 2021 hay giai đoạn 2021-2025 cần sự nhất trí đồng lòng, chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp, sự kết hợp của các cơ quan quản lý, đặc biệt là của Bộ Tài chính trong điều hành.

 Nhìn lại NSNN giai đoạn 2016-2020, có thể thấy, cơ cấu thu - chi NSNN đã được tái cấu trúc và thực hiện kiên quyết. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ mức 68% của giai đoạn 2011-2015 lên mức 80,9% của giai đoạn 2016-2019 và ước đạt 84,3% trong năm 2020. Nguồn thu NSNN tăng trưởng ổn định, bền vững, ít bị phụ thuộc vào nguồn thu từ bên ngoài qua thuế xuất nhập khẩu, thu từ bán dầu thô và vay nợ quốc tế. Chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 có tỷ trọng tăng dần, lên mức 27%-28% tổng chi NSNN (vượt mục tiêu đề ra là 25%-26%); tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm xuống 60,5% trong năm 2020 (thấp hơn mục tiêu đề ra là 64%).

 Đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính và Chính phủ vì đã cắt giảm nhiều các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách, trong khi vẫn đảm bảo nguồn vốn NSNN thực hiện điều chỉnh lương cơ sở và các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

 Tỷ lệ bội chi NSNN đã được kiểm soát tốt và giảm dần qua các năm, nên mặc dù năm 2020 tăng cao (4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán) nhưng cả giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt khoảng 3,8% GDP - thấp hơn chỉ tiêu cả giai đoạn là 3,9% GDP. Tỷ lệ nợ công so với GDP đang giảm dần, từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55% năm 2019 và lên 56,8% năm 2020. Cơ cấu nợ công trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. 

Hướng về tương lai, để hoàn thành các mục tiêu về NSNN đã đặt ra, trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu NSNN, cải cách hệ thống thuế theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý; nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn thuế tài sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường.

 Cùng với đó là xem xét kỹ chính sách miễn, giảm, giãn thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và đảm bảo tính trung lập của thuế, tính công bằng, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, để tăng tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo nguồn thu bền vững. Bên cạnh đó là kiên quyết cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo tính hiệu quả của chi tiêu đầu tư công; quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên…

 Những chuyển biến tích cực của NSNN giai đoạn 2016-2020 đang tạo động lực mới cho giai đoạn tới. Và, hy vọng, với một Chính phủ hành động quyết liệt, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như vừa qua, Việt Nam sẽ có bước phát triển mới về đổi mới cơ cấu thu - chi NSNN, giảm thiểu thâm hụt và quản lý tốt nợ công trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia. (Sggp.org.vn 14/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hà Tĩnh: Cán bộ xã tham gia đánh bạc bị phạt 1,5 triệu đồng

Thông tin từ Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xác nhận, đơn vị đã ra quyết định xử phạt ông N.Q.H. (cán bộ địa chính xã Cẩm Minh) 1,5 triệu đồng vì hành vi Đánh bạc.

 Trước đó, vào khoảng 23h ngày 5/11, lực lượng chức năng đã ập vào nhà một người dân ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên bắt quả tang ông H. cùng 3 người khác đang tổ chức đánh bạc bằng hình thức đánh liêng. Lực lượng chức năng thu giữ hơn 3 triệu đồng. 

Một lãnh đạo Công an huyện Cẩm Xuyên cho hay, các đối tượng không có tiền án tiền sự gì. Sau khi làm rõ, Công an huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính với mức 1,5 triệu đồng/người.

 Ông Trần Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh, cho biết ông H. là công chức địa chính của xã nhiều năm. Hiện đơn vị đang xem xét xử lý về mặt chính quyền với cán bộ này. (Tienphong.vn 14/11, Hoài Nam)Về đầu trang

Bắt giam Giám đốc ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Ninh Bình

Ngày 14.11, thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Đặng Văn Quang (56 tuổi, ngụ P.Tân Thành, TP.Ninh Bình), Giám đốc Chi nhánh Co-opbank Ninh Bình để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 Cùng bị bắt giữ và khởi tố để điều tra về tội danh trên, còn có bị can Đinh Minh Tiến (39 tuổi, ngụ P.Ninh Khánh, TP.Ninh Bình), nguyên Trưởng phòng Tín dụng thành viên (giai đoạn 2016 – 2018) của Co-opbank Ninh Bình.

 Các bị can bị khởi tố cùng tội danh trên, nhưng được áp dụng biện ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, gồm: Trần Xuân Thành (44 tuổi, ngụ P.Phúc Thành, TP.Ninh Bình), nguyên Trưởng phòng Tín dụng thành viên Co-opbank Ninh Bình, giai đoạn 2018 – 2019; Nguyễn Ngọc Việt (39 tuổi, ngụ xã Ninh Xuân, H.Hoa Lư, Ninh Bình), Phó trưởng phòng Tín dụng thành viên Co-opbank Ninh Bình; Nguyễn Văn Quyền (34 tuổi, ngụ xã Ninh Nhất, TP.Ninh Bình), cán bộ Co-opbank Ninh Bình; Lê Hồng Phong (34 tuổi, ngụ xã Khánh Phú, H.Yên Khánh, Ninh Bình) cán bộ Co-opbank Ninh Bình.

 Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2017 – 2019, Đặng Văn Quang là Giám đốc Co-opbank Ninh Bình, cùng với các bị can trên đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay cho 26 hợp đồng tín dụng mà Co-opbank Ninh Bình cho Quỹ tín dụng nhân dân TT.Me (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) vay. (Thanhnien.vn 15/11)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Trump lần đầu tiên nói ông Biden thắng

Hãng Reuters ngày 15.11 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên ghi nhận đối thủ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ giành chiến thắng trong bầu cử ngày 3.11, nhưng vẫn khẳng định bầu cử có gian lận.

 Ông Biden chiến thắng tại hàng loạt bang chiến địa mà đảng Cộng hòa từng chiến thắng vào năm 2016. Cựu Phó tổng thống Mỹ còn thắng với cách biệt 3,6%, tương đương 5,5 triệu lá phiếu phổ thông.

 “Ông ấy thắng vì bầu cử bị gian lận. Không quan sát viên nào được phép, bầu cử bị sắp xếp bởi công ty tư nhân cực tả Dominion với tiếng xấu và các thiết bị đằng sau mà không đạt chất lượng ở Texas (nơi tôi thắng rất nhiều), truyền thông tin giả và im lặng, và nhiều điều khác”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

 Nhóm thực hiện chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã nộp đơn kiện nhằm thay đổi kết quả tại nhiều bang, dù không thành công. Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng kết quả bầu cử khó đảo chiều.

 Các quan chức bầu cử thuộc lưỡng đảng đều nói rằng họ không có chứng cứ về bất thường nào lớn. Phe Dân chủ và một số người cáo buộc Tổng thống Trump cố gắng làm bất hợp pháp hóa chiến thắng của ông Biden và hủy hoại lòng tin của công chúng vào quy trình bầu cử.

 Trước bầu cử, Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực ôn hòa. Điều này không thay đổi bản chất việc ông Biden trở thành tổng thống tân cử, nhưng đã cản trở quy trình thông thường chuẩn bị cho chính quyền của tổng thống mới.

 Theo Reuters, ông Ron Klain - người được ông Biden chọn làm chánh văn phòng của chính phủ nhiệm kỳ mới - cho hay nhóm chuyển giao vẫn chưa được tiếp cận với chính quyền đương nhiệm liên quan nỗ lực đối phó Covid-19. (Thanhnien.vn 15/11)Về đầu trang

Dubai "trải thảm" đón người già trên toàn thế giới

Ở nhiều nơi người già có thể bị xem là gánh nặng cho xã hội, vậy nhưng Dubai lại đang tiến hành chiến lược thu hút người già trên toàn thế giới.

 Sau nhiều cân nhắc, Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) mới đây đã chính thức ban bố chính sách cấp visa dành riêng cho những người về hưu. Chính sách này không khiến Dubai lo ngại về tình trạng già hóa dân số, mà nó còn được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính sách cấp visa cho người về hưu của Dubai với thời hạn 5 năm một, ở nơi đây, người già được xem là vốn quý.

 Bà Bubbles Kandhari - Nhà sáng lập Tổ chức Young Hearts chia sẻ: "Những người cao tuổi cần ở đó để đem đến cho xã hội kinh nghiệm, sự từng trải. Chúng tôi quyết định lập ra tổ chức này dành riêng cho người cao tuổi cũng vì lẽ đó. Nếu thế hệ trẻ là tương lai thì người già là xương sống của xã hội, chúng ta cần xương sống vững chãi thì mới có thể tiến lên".

 Để được cấp visa sống tại Dubai, những người về hưu cần có thu nhập tối thiểu 5,5 nghìn USD mỗi tháng, hoặc họ phải mua một bất động sản trên 550 nghìn USD, hay có một tài khoản gần 300 nghìn USD tại Dubai. Nhưng những điều ấy không khiến bà Patricia chần chừ chọn nơi đây cho cuộc sống khi về già. Dù châu Âu, quê hương bà, vốn ưu đãi hơn về thiên nhiên và khí hậu.

 "Tôi biết tại châu Á, mọi người đều dành sự kính trọng đối với người cao tuổi, nhưng tại châu Âu, người ta dường như không còn thời gian để tâm đến người già nữa. Và tôi nghĩ nơi đây là một thành phố tốt cho cuộc sống của chúng tôi", bà Patricia Raedemaeker - Người Bỉ sống tại Dubai nói.

 Hiện Dubai đang gấp rút cải thiện các cơ sở chăm sóc người già để đón đầu xu thế dịch chuyển của những người hưu trí có tiền. Mảnh đất sa mạc Hồi giáo này muốn mang danh mảnh đất thân thiện của người già. (Vtv.vn 14/11)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More