Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 13-10-2020

Post date: 13/10/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Chính sách mới về chế độ hưu trí từ 2021. 1

TIN QUỐC HỘI 2

2.                Khai mạc Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10. 2

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 3

3.                Đắk Lắk: Đột phá trong công tác cán bộ. 3

4.                Mô hình “Cà phê kết nối doanh nghiệp” ở Cà Mau có gì đặc biệt?. 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

5.                Nghiên cứu triển khai gói hỗ trợ thứ 2 về tín dụng cho doanh nghiệp. 4

6.                Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong ASEAN.. 5

7.                Bàn cách đón đại bàng. 5

8.                Sẽ đối thoại về chính sách, thủ tục hải quan với doanh nghiệp Nhật Bản. 6

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 7

9.                “Mạch” nhân sự đang chảy. 7

QUẢN LÝ.. 8

10.             100% đại biểu HĐND TP.HCM thông qua chủ trương lập Thành phố Thủ Đức. 8

11.             Hà Nội giảm 290 đơn vị sự nghiệp công lập. 8

12.             Bệnh viện Đa khoa Cà Mau lý giải mua máy CT 30 tỷ. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

13.             Bộ Tài chính có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. 11

14.             Ra mắt nền tảng hợp đồng điện tử giúp minh bạch thuế trong vận tải 11

15.             Khánh thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. 12

16.             Mắt xích quan trọng trong cải cách hành chính công của Quảng Ninh. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

17.             Ngân sách Nhà nước chi gần 18.000 tỷ đồng phòng chống COVID-19. 13

18.             Giải ngân vốn đầu tư công đạt: Thách thức ở quý 4. 14

 CHÍNH SÁCH MỚI

Chính sách mới về chế độ hưu trí từ 2021

Sau đây là 2 chính sách mới quan trọng về chế độ hưu trí áp dụng từ ngày 1-1-2021 mà người lao động cần biết:

 1. Thay đổi tỉ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH đối với lao động nam từ 2021

 Căn cứ quy định tại Luật BHXH 2014 thì lao động nam nghỉ hưu từ năm ngày 1-1-2021 trở đi thì mức lương hưu được tính như sau:

 - Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2021 thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (hoặc bằng 45% mức bình quân thu nhập đóng BHXH bắt buộc đối với người tham gia BHXH tự nguyện) tương ứng với 19 năm đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.

 - Lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (hoặc bằng 45% mức bình quân thu nhập đóng BHXH bắt buộc đối với người tham gia BHXH tự nguyện) tương ứng với 20 năm đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.

 2. Thay đổi điều kiện hưởng lương hưu

 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ theo lộ trình và bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2021. Nên điều kiện hưởng lương hưu của NLĐ từ năm 2021 cũng sẽ có sự thay đổi, cụ thể:

 - NLĐ trong điều kiện bình thường được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 54 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 BLLĐ 2019.

 - NLĐ bị suy giảm lao động sẽ được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 55 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 219 BLLĐ 2019. (Nld.com.vn 12/10, A.Chi)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Khai mạc Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10

Chiều 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 49 để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười.

 Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phiên họp diễn ra trong thời điểm các địa phương, bộ, ngành đang tổ chức đại hội đảng bộ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp.

 Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về cơ bản, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và hoàn thiện nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp. Đây là phiên họp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ mười, kết thúc sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ mười của Quốc hội. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi kết thúc mỗi nội dung, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cần khẩn trương phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ các báo cáo, các dự thảo nghị quyết, các dự thảo luật để kịp trình Quốc hội.

 Sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

 Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đoàn giám sát của Ủy bạn Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát; nghe ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng.

 Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện các FTA trong thời gian qua. Việc tham gia FTA là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn, các nước có tiềm lực về kinh tế và công nghệ hiện đại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên rõ rệt. (Vtv.vn 12/10)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Đắk Lắk: Đột phá trong công tác cán bộ

Đến nay, Đắk Lắk đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp cơ sở. Đây là tiền đề quan trọng góp phần vào thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, nhiều cách làm mới được áp dụng hiệu quả trong công tác lựa chọn cán bộ.

 Một trong những cách làm mới trong công tác lựa chọn cán bộ của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua là tiến hành thi tuyển cán bộ. Kế hoạch thí điểm đầu tiên thi tuyển Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn. Theo đó, việc tuyển chọn thí điểm Bí thư Huyện ủy 2 huyện dựa trên cơ sở Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác cán bộ.

 Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, việc tuyển chọn vào chức danh Bí thư huyện ủy ở 2 huyện này nhằm thực hiện tuyển chọn theo cơ chế cạnh tranh, bình đẳng, dân chủ, công khai và khách quan. Trên cơ sở đó, để lựa chọn những công chức lãnh đạo, quản lý thực sự có năng lực, trình độ và triển vọng. Tạo môi trường, điều kiện để ứng viên nghiên cứu học tập nâng cao trình độ bản thân, chắt lọc các đề án, giải pháp khả thi để xây dựng phát triển huyện... 

“Sau khi thực hiện quy trình 5 bước về tổ chức cán bộ, chúng tôi làm thêm một bước cuối cùng, tổ chức cho cán bộ thực hiện bảo vệ đề tài “Chương trình hành động” của mình trước hội đồng (Ban Thường vụ Tỉnh ủy-PV). Các ứng viên sẽ đứng ra bảo vệ đề án của mình trước Ban thường vụ Tỉnh ủy, với câu hỏi “nếu được làm Bí thư Huyện ủy, họ sẽ làm gì cho địa phương phát triển hơn”. Người nào đưa ra được những giải pháp tốt, chính sách tốt để giúp kinh tế - xã hội địa phương đi lên, người đó sẽ được chọn làm Bí thư Huyện ủy”, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường khẳng định.

 Ngoài ra, các ứng viên tham gia tuyển chọn phải đáp ứng các điều kiện như có 3 năm liền kề hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên; không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 82 Luật Cán bộ, công chức. Theo đó hai người có số điểm cao nhất là ông Võ Ngọc Tuyên (Phó giám đốc Sở KH&ĐT) giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Lắk và ông Ya Toan Ênuôl (Phó bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột) làm Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn.

 Tiếp đà thành công này, Đắk Lắk còn tổ chức thi tuyển nhiều chức danh khác như: Giám đốc Sở Công Thương và Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… (Tienphong.vn 12/10, N.L)Về đầu trang

Mô hình “Cà phê kết nối doanh nghiệp” ở Cà Mau có gì đặc biệt?

Ngày 12/10, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức buổi họp mặt kết nối doanh nghiệp nhân kỷ niệm 16 năm ngày doanh nhân Việt Nam và ra mắt mô hình “Cà phê kết nối doanh nghiệp”.

 Tại buổi ra mắt mô hình "Cà phê kết nối doanh nghiệp", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho biết, mô hình “Cà phê kết nối doanh nghiệp” của tỉnh Cà Mau sẽ giải quyết những vấn đề lớn hơn đó là làm sao tăng cường được năng lực cho doanh nghiệp địa phương và làm sao để doanh nghiệp địa phương kết nối được với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư lớn trong nước cũng như ngoài nước để cùng nhau khai thác những lợi thế và thế mạnh lớn của tỉnh trong giai đoạn sắp tới.

 “Chúng tôi sẽ tổ chức song song hai mô hình, một là “cà phê kết nối chuyên đề” (chuyên ngành về thủy sản, du lịch, về chuyển đổi số...) do UBND tỉnh đứng ra tổ chức có lãnh đạo tỉnh chủ trì, mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng ngồi với nhau, không cần thường xuyên định kỳ, nhưng theo lĩnh vực ưu tiên. Sau chuỗi chuyên đề là triển khai một loạt dự án, các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường.

 Và hai là “cà phê thường xuyên”, sẽ do Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh chủ trì, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong kinh doanh và trong quản lý điều hành giữa các doanh nghiệp trên địa bàn, duy trì kết nối mô hình với một số địa phương khác. Từ đó, chia sẻ kinh nghiệm năng lực, kết nối doanh nghiệp, học hỏi những bài học của nhau”, ông Quân chia sẻ. (Baogiaothong.vn 12/10, Gia Minh)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Nghiên cứu triển khai gói hỗ trợ thứ 2 về tín dụng cho doanh nghiệp

Ngày 9-10, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội nghị thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, triển khai Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

 Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, trong 9 tháng đầu năm, TPHCM gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là khi dịch bùng phát trở lại. Song, UBND TP đánh giá, tình hình kinh tế đang phục hồi, có khả năng tăng nhanh vào quý 4-2020. Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, TP đang phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; tiếp tục chủ động phòng chống dịch hiệu quả. Trong thúc đẩy phát triển kinh tế, UBND TP xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, TP cũng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; phối hợp triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 và nghiên cứu triển khai gói hỗ trợ thứ 2 về tín dụng cho doanh nghiệp TP.

 Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị, UBND TP cần tiếp tục quan tâm, triển khai tốt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, UBND TP cần bổ sung thêm các báo cáo về kết quả phòng chống ma túy, tiến độ dự án lấn biển Cần Giờ, báo cáo chuyên đề về công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn TPHCM để thông tin cho cử tri… (Sài gòn giải phóng 10/10)Về đầu trang

Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong ASEAN

Trong báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 26,2%.

 Theo đánh giá của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào gia tăng năng suất lao động, là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn này.

 Cũng trong báo cáo này, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2019 tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong ASEAN.

 Năm 2019, năng suất lao động Việt Nam theo giá hiện hành đạt 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD/lao động), theo giá so sánh (2010) tăng 6,28%, giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,8%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015, đạt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/ 02/ 2017 của Chính phủ (tăng trên 5,5%).

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào gia tăng năng suất lao động. Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020.

 Báo cáo nêu, năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 26,2%; trong đó, năng suất lao động nội ngành tăng 16,6%; năng suất do chuyển dịch cơ cấu ngành tăng 9,4% và năng suất do chuyển dịch lao động tăng 0,2% .

 Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2019 vẫn còn thấp là do quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, quá trình chuyển dịch kinh tế còn chậm. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động.

 Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chưa được như mong muốn, việc phân bổ nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định. (VTV.vn 12/10)Về đầu trang

Bàn cách đón đại bàng

Mỗi năm có hàng nghìn lượt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Trong bối cảnh, dòng vốn đầu tư dịch chuyển đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam có nhiều lợi thế để tiếp tục thu hút các đại dự án FDI. Giữa vòng xoáy dịch chuyển của dòng vốn FDI đang diễn ra, Việt Nam làm gì để đón được “đại bàng”?

 Đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư, Chính phủ ngay lập tức thành lập Tổ công tác đặc biệt thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổ công tác đặc biệt đã tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp lớn, có điều kiện phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam. Là một thành viên của Tổ công tác đặc biệt, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán với Tổ công tác đặc biệt về việc đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, các doanh nghiệp này đề nghị giữ bí mật thông tin dự án.

 “Chúng ta có thị trường gần 100 triệu dân. Nhờ yếu tố như nguồn lực lao động trẻ dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cải cách thủ tục hành chính đang quyết liệt, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới đang rộng mở. Vị trí trung tâm Đông Nam Á, giao thông nhộn nhịp cũng giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án đúng với mục tiêu của chúng ta đặt ra”, ông Hoàng cho biết.

 Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới ban hành nhiều chính sách mạnh mẽ lôi kéo các nhà đầu tư, Việt Nam cần có giải pháp đột phá. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau.

 “Chúng ta gọi đó là “chính sách may đo”. Đây là cuộc chơi cùng thắng cho cả hai và chúng ta phải hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư”, ông Cung kiến nghị.

  Là cơ quan chuyên trách của Chính phủ trong thu hút FDI, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) khẳng định, quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Bộ KH&ĐT là có hành động, cách làm đột phá trong thu hút FDI, chứ không đi theo lối mòn cũ. Theo đó, Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp như: chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính… Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao.

 “Bộ KH&ĐT dự thảo gói ưu đãi đặc biệt này và đang xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, để cập nhật thông tin về các chính sách mới, trả lời những mối băn khoăn của nhà đầu tư”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết. (Tienphong.vn 12/10, Quỳnh Nga)Về đầu trang

Sẽ đối thoại về chính sách, thủ tục hải quan với doanh nghiệp Nhật Bản

Ngày 16/10, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

 Hội nghị có sự tham gia của đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đại diện các bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam); đại diện các đơn vị vụ, cục thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

 Về phía Nhật Bản có sự tham gia của đại diện Đai sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện JCCI và các doanh nghiệp thành viên.

 Nội dung Hội nghị gồm 2 phần: Thông tin về các quy định chính sách pháp luật hải quan, thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan mới ban hành, sửa đổi, bổ sung trong năm 2020; đối thoại, trao đổi về chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan với các doanh nghiệp Nhật Bản.

 Được biết, thời gian qua, JCCI đã tích cực hợp tác với Tổng cục Hải quan để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.

 Thông qua các buổi làm việc, hội thảo với các doanh nghiệp Nhật Bản vào để trao đổi và xử lý vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan, cũng như tham gia xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật hải quan.

 Cụ thể, kiến nghị liên quan đến thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; trao đổi về tình hình cải thiện một số vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan trong quá trình vận hành hệ thống VNACCS; đóng góp về thúc đẩy thị trường ô tô... (Baohaiquan.vn 12/10, Quang Hùng)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

“Mạch” nhân sự đang chảy

Ở Hội nghị Trung ương 13 vừa bế mạc tuần qua, Ban Chấp hành trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự trung ương tái cử, nhân sự lần đầu tham gia Ban Chấp hành trung ương ở cả "bảng" chính thức và "bảng" dự khuyết.

 Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết số ứng cử viên ở hai "bảng" trên có số dư 10-15% (so với số dự kiến được bầu ở Đại hội Đảng 13 là 180 ủy viên trung ương chính thức và 20 ủy viên trung ương dự khuyết).

 Và vẫn dành "dư địa" cho "trường hợp đặc biệt": ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương có tuổi vượt độ tuổi (65 và 60) theo quy định chung. Nhân sự chủ chốt và các "trường hợp đặc biệt" sẽ được trung ương "chốt" ở hội nghị tới, để hình thành danh sách cuối cùng trình Đại hội Đảng 13 quyết định.

 Trong "mùa" đại hội đang diễn ra, có hai "mạch" nhân sự: từ địa phương chảy về trung ương và từ trung ương chảy về địa phương, như những bước chuẩn bị nhiệm kỳ mới.

 Có thể điểm lại ít nhất 5 ủy viên trung ương, bí thư tỉnh ủy đã được điều động gồm: ông Nguyễn Văn Hùng (59 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị làm thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch), Lê Minh Hoan (59 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp làm thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Trần Văn Sơn (59 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Điện Biên làm phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Nghị (44 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang làm thứ trưởng Bộ Xây dựng) và bà Phạm Thị Thanh Trà (56 tuổi, bí thư Tỉnh ủy Yên Bái làm phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, thứ trưởng Bộ Nội vụ).

 Năm trường hợp này đều còn tuổi tái cử, được điều động trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh để đại hội làm nhân sự mới bí thư tỉnh ủy và 5 nơi mà họ đến đều có bộ trưởng tới tuổi nghỉ hưu ở khóa mới.

 Ở chiều ngược lại, một số ủy viên trung ương cũng đã được điều động về địa phương: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên (63 tuổi) được giới thiệu để bầu làm bí thư Thành ủy TP.HCM, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (42 tuổi) được giới thiệu để bầu làm bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh (55 tuổi) làm chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng (45 tuổi, ủy viên trung ương dự khuyết) làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Quang Tùng (49 tuổi, ủy viên trung ương dự khuyết) làm bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.

 "Mạch" nhân sự này còn chảy tiếp khi "mùa" đại hội vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. (Tuoitre.vn 12/10, Đà Trang)Về đầu trang

QUẢN LÝ

100% đại biểu HĐND TP.HCM thông qua chủ trương lập Thành phố Thủ Đức

Đây là kết quả vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 21 Hội đồng Nhân dân TP.HCM Khóa 9 vào chiều 12/10.

 Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021.

 UBND thành phố sẽ là đơn vị hoàn tất hồ sơ, đề án, báo cáo Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

 Tại kỳ họp, các đại biểu cũng gửi gắm mong muốn của cử tri về việc tạo thuận lợi cho người dân, trong chuyển đổi giấy tờ hành chính, việc sắp xếp bộ máy nhân sự nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả đơn vị hành chính mới.

 Đại diện UBND TP cho biết sẽ hoàn thiện các vấn đề này trong đề án trình cấp trên trong thời gian tới. (Vtv.vn 12/10)Về đầu trang

Hà Nội giảm 290 đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều ngày 12/10, tại Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025,  bà Vũ Thu Hà - Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tham luận về kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Trung ương (khóa XII).

 Bà Vũ Thu Hà khẳng định, đến nay, Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hai nghị quyết trên, được Trung ương và dư luận đánh giá cao.

 Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật là tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các sở, phòng chuyên môn cấp huyện và toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định; khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố...

 Theo đó, qua sắp xếp, thành phố đã giảm 1 cơ quan hành chính cấp sở, 2 chi cục, 3 phòng chuyên môn cấp huyện; giảm 65 phòng thuộc sở; giảm 290 đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (với quy mô lớn 2.110 người) thành 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND thành phố, 3 ban quản lý duy tu thuộc sở, 3 ban quản lý dự án đặc thù và 30 ban quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã. Giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 2.708 thôn, tổ dân phố; giảm 65 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng cơ quan hành chính, 290 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm 18.403 biên chế công chức, viên chức; giải quyết nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 1.172 đối tượng.

 Bà Vũ Thu Hà cho biết, giai đoạn 2020-2025, ngoài việc tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế sự nghiệp 10% trong 4 năm 2021-2025 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong năm 2020 Chính phủ cũng đã ban hành 8 nghị định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đòi hỏi thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai khoa học và đề ra các giải pháp thực hiện kịp thời. Tại Báo cáo chính trị cũng đã xác định tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, là một trong 14 giải pháp chủ yếu. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 12/10, Phúc Nguyên)Về đầu trang

Bệnh viện Đa khoa Cà Mau lý giải mua máy CT 30 tỷ

Chiều 12/10, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã lên tiếng lý giải việc mua hệ thống CT 30 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc mua bán thiết bị y tế nếu có ý kiến nghi ngờ, thanh tra cần vào cuộc.

 Liên quan Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau mua máy chụp CT giá 30,6 tỷ đồng, chiều ngày 12/10, Bệnh viện đã có thông cáo báo chí, thông tin chi tiết về dự án mua sắm hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt trên.

 Theo đó, thông tin về quy trình thực hiện dự án, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi có chủ trương của UBND tỉnh (Thông báo số 55/TB-VP, ngày 18/1/2018), Hội đồng KHKT của Bệnh viện đã nghiên cứu và đề xuất đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính hai mức năng lượng (DE CT), 128 lát cắt, trình Sở Y tế xem xét và sở đã trình Bộ Y tế.

 Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật bằng văn bản số 6254 và Biên bản số 155 ngày 7/9/2018, trong đó có góp ý giá của hệ thống DE CT 128 lát cắt cấu hình cơ bản khoảng từ 26 – 28 tỷ đồng.

 Trên cơ sở này, Bệnh viện thực hiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 và UBND tỉnh cho phép triển khai thực hiện tại Quyết định số 1214. 

Bệnh viện ký hợp đồng với Viện Công nghệ và công trình sức khỏe thực hiện tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và trình Sở Kế hoạch đầu tư thẩm định. Đến ngày 30/10/2019, UBND tỉnh ra Quyết định số 1818, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngày 10/1/2020 UBND tỉnh ra quyết định số 62, về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ngày 22/4/2020, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Cà Mau ra quyết định số 103, phê duyệt dự toán của dự án. 

Về công tác đấu thầu và các bước sau đấu thầu, Bệnh viện ĐK cà Mau cho biết, đơn vị thực hiện đấu thầu qua mạng theo KHLCNT đã được phê duyệt. Bảo đảm công khai, minh bạch, giá cạnh tranh và đúng theo qui định của Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan.

 Nói về thông tin báo chí phản ánh công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Hợp Phú có ngành nghề kinh doanh không phù hợp, Bệnh viện Cà Mau cho biết đã kiểm tra hồ sơ năng lực và cổng thông tin điện tử, công ty Hợp Phú có ngành kinh doanh bán buôn máy móc, dụng cụ y tế, lắp đặt máy móc thiết bị y tế... phù hợp để thực hiện gói thầu.

 Về thông tin công ty cổ phần xây dựng Hoàng Mai là công ty hoạt động xây dựng dân dụng nhưng lại thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, bệnh viện đã xem xét hồ sơ năng lực của công ty trên trước khi ký kết hợp đồng thuê tư vấn, nhận thấy công ty này có đầy đủ pháp nhân để hoạt động tư vấn thẩm định HSMT và kết quả lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, nội dung đăng ký là “tư vấn quản lý dự án, lâp HSMT, đánh giá kết quả hồ sơ dự thầu các công trình xây dựng và mua sắm thiết bị”.

 Nói về việc thông tin cho rằng giá hệ thống CT hai mức năng lượng 128 lát cắt của Bệnh viện ĐK Cà Mau vừa trúng thầu có giá cao, bệnh viện cho biết, giá thiết bị bệnh viện thuê công ty tư vấn độc lập để xác định giá trị của hệ thống, tham khảo ý kiến của các chuyên gia Bộ Y tế cũng như khảo sát giá trúng thầu trong vòng 12 tháng của các hệ thống tương tự tại các tỉnh lân cận.

 Theo quan điểm của bệnh viện, khi so sánh giá mua vào của các hệ thống thiết bị y tế cao cấp phải là cùng công ty sản xuất, cùng model máy, cùng năm sản xuất, các tính năng kỹ thuật và công nghệ phải giống nhau, các phần mềm đi kèm phải bằng nhau, cũng như số năm bảo hành và các chế độ hậu mãi phải tương tự.

 Sẽ không công bằng và dễ gây ngộ nhận dư luận khi chỉ dựa đơn thuần vào mức giá mua để đánh giá máy CT của đơn vị này là đắt hay rẻ hơn của đơn vị khác. Cấu hình được đánh giá trúng thầu của Bệnh viện là máy chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt 2 mức năng lượng, phụ kiện đầy đủ, bao gồm các gói phần mềm xử lý hình ảnh cho tất cả kỹ thuật chụp cao cấp (full option), bảo hành 4 năm và 1 bộ lưu điện dự phòng UPS online 160 KVA cho gantry máy.

 Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho rằng, việc mua bán thiết bị y tế hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau với giá 30,6 tỷ nếu có ý kiến nghi ngờ, thanh tra cần vào cuộc để làm rõ thực tế giá thiết bị đó ra sao. (Kienthuc.net.vn 12/10)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Tài chính có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh- Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).

 Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW; xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

 Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và triển khai Đề án; tổng hợp xây dựng kinh phí năm 2021 phục vụ thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại theo quy định.

 Phó Thủ tướng giao Bộ Công an sớm triển khai kết nối Hệ thống chuyên ngành của Bộ với Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh triển khai NSW đường không theo Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 Các bộ, ngành tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát, thống nhất quy trình nghiệp vụ và chỉ tiêu thông tin; phân tích thiết kết; xây dựng hệ thống; kiểm thử, đào tạo và tập huấn; thí điểm và triển khai chính thức 61 thủ tục hành chính cần phải triển khai trong năm 2020.

 Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh điện tử hóa hoàn toàn việc thực hiện thủ tục hành chính theo dịch vụ công mức độ 4, khớp nối từ khâu nộp hồ sơ, thanh toán điện tử cho đến trả kết quả; thiết lập cơ chế và đẩy nhanh việc chia dữ liệu điện tử nhằm tối ưu hóa việc thực hiện thủ tục qua NSW và thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

 Tập trung cải cách hành chính theo hướng giảm thiểu gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục, trong đó ưu tiên tăng cường minh bạch thông tin, thống nhất các biểu mẫu và cắt giảm, đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục, cũng như thành phần hồ sơ.

 Cùng với đó, các bộ, ngành bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong quá trình triển khai, xây dựng kết nối các thủ tục và vận hành thủ tục điện tử, kịp thời hướng dẫn giải đáp các vướng mắc cho các bên liên quan. (Baohaiquan.vn 12/10)Về đầu trang

Ra mắt nền tảng hợp đồng điện tử giúp minh bạch thuế trong vận tải

Chiều 12/10, Công ty CP Công nghệ An Vui và Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan chính thức công bố nền tảng hợp đồng điện tử dành cho lĩnh vực vận tải hành khách, với mục tiêu giảm thủ tục giấy tờ, minh bạch thông tin trong quản lý hợp đồng thuê xe giữa doanh nghiệp vận tải và các cơ quan chức năng.

 Ông Phan Bá Mạnh, CEO của Công ty CP Công nghệ An Vui chia sẻ, nền tảng hợp đồng điện tử sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vận tải giảm chi phí in ấn, lưu trữ, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước quản lý chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng.

 Ứng dụng hợp đồng điện tử vào hoạt động kinh doanh vận tải là một trong những giải pháp tiên quyết giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng tốt hơn; đồng thời giúp cơ quan quản lý kiểm tra xác thực thông tin về chuyến xe, hành trình và danh sách hành khách. Hợp đồng điện tử được sinh ra tức thì trước khi xe lăn bánh. Có thể nói đây là bước ngoặt lớn cho lĩnh vực vận tải hướng đến minh bạch, an toàn và hiệu quả.

 "Nền tảng hợp đồng điện tử dành cho lĩnh vực vận tải ra đời trở thành công cụ hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý, cơ quan thuế, các doanh nghiệp vận tải dễ dàng quản lý hợp đồng cho thuê xe theo Nghị định số 130/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số", ông Mạnh cho biết. (Baogiaothong.vn 12/10)Về đầu trang

Khánh thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình

Sau hơn 8 tháng thi công, sáng 12/10, UBND tỉnh Ninh Bình đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đây là công trình được gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình là đầu mối để 20 sở, ban, ngành trong tỉnh bố trí cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc, thực hiện 1.373 thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. 

Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho rằng, việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình đi vào hoạt động nhằm khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Từ đó, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, nhất là trong điều kiện tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm chuyển đổi số.

 Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình được chờ đợi sẽ trở thành hạt nhân quan trọng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số của tỉnh Ninh Bình. (Daidoanket.vn 12/10, Đình Minh)Về đầu trang

Mắt xích quan trọng trong cải cách hành chính công của Quảng Ninh

Từ ngày Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh được đưa vào vận hành, mọi công việc hành chính của người dân đã được rút ngắn thời gian đáng kể.

 Hiện tổng số 1.435 thủ tục hành chính đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm. Tính từ ngày 1/7/2016 (thời điểm Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai đồng bộ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn địa phương), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 32.884 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 35.6% số hồ sơ giải quyết, tập trung chủ yếu vào các sở, ngành giao thông-vận tải, y tế, công thương, kế hoạch và đầu tư, xây dựng, nông nghiệp và ơhát triển nông thôn.

 Theo ông Bùi Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính về thời, hồ sơ, quy trình giải quyết… của các nhà đầu tư đến Quảng Ninh là rất cần thiết. Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh trở thành một mô hình chuyên trách để tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và hiệu quả.

 Điểm nổi bật của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh là cơ quan đầu mối duy nhất tập trung giải quyết thủ tục hành chính của tất cả các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và một số các thủ tục hành chính có tần suất giao dịch nhiều đối với doanh nghiệp, người dân (như doanh nghiệp kinh doanh điện và nước sạch). Theo đó, việc tổ chức thủ tục hành chính công của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và công khai, minh bạch tất cả các quy trình, quy định với sự tham gia giám sát của doanh nghiệp, người dân.

 Cán bộ của các sở, ngành được cử đến làm việc tại Trung tâm được lựa chọn và rà soát kỹ lưỡng đồng thời có chức danh từ phó trưởng phòng hoặc tương đương trở lên để có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính ngay trong ngày ngày cho doanh nghiệp và người dân.

 Ông Ngô Quang Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công Quảng Ninh  cho biết: “Thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được rút ngắn trung bình từ 50%-70 % so với thời gian theo quy định chung. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết ở Trung tâm trước hạn và đúng hạn luôn luôn đạt 99 % trở lên,” ông Hưng nói. (TTXVN/Vietnamplus.vn 12/10, Lâm Phan)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngân sách Nhà nước chi gần 18.000 tỷ đồng phòng chống COVID-19

Trong báo cáo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 9/2020 và quý III/2020, kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 10/2020 và quý IV/2020 mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến ngày 24/9/2020, Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 17,49 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

 Trong đó, 4,92 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch; 12,57 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch.

 Cũng theo báo cáo, Ngân sách Nhà nước đã thực hiện xuất cấp khoảng 16,2 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

 Báo cáo cũng cho biết, lũy kế chi Ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm là 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trong đó, chi trả nợ lãi đạt gần 80,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Chi thường xuyên đạt 756,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trong chiều ngược lại, luỹ kế thực hiện 9 tháng thu Ngân sách Nhà nước đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019 (ngân sách trung ương ước đạt 60,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 69,8% dự toán).

 Trong đó đáng chú ý thu ngân sách từ dầu mỏ trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 27,5 nghìn tỷ đồng - giảm 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái. (Vtv.vn 12/10)Về đầu trang

Giải ngân vốn đầu tư công đạt: Thách thức ở quý 4

Thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 9-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 57%. Tuy không đạt như kỳ vọng của Chính phủ, nhưng nếu xét trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì kết quả này còn tốt hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, như khối lượng giải ngân tăng tới 31% so với cùng kỳ năm 2019. Và nếu tiếp tục với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như trong tháng 9 hoặc cao hơn nữa, sẽ là động lực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 2% trong năm 2020.

 Theo nhận xét của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH-ĐT), vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng tăng tới 33% so với cùng kỳ, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội của hầu hết các nước trên thế giới đều chậm lại. Vì vậy, để ngăn suy giảm kinh tế, nhiều nước buộc phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ngân sách nhà nước, nhưng chưa có nhiều nước thành công như Việt Nam.

 Với trên 40% số vốn đầu tư công chưa giải ngân hết vẫn đang là thách thức trong quý 4-2020. Với bối cảnh hiện nay, cần tập trung giải ngân vốn cho các dự án lớn có ảnh hưởng lan tỏa, tác động đến nhiều địa phương. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương và nhà đầu tư cần tập trung tháo gỡ vướng mắc từng dự án cụ thể, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bàn giao sớm mặt bằng và kiên quyết thu hồi vốn đối với những dự án chậm triển khai để bố trí, phân bổ vốn cho những dự án khác.

 Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản 1529/TTg-KTTH. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công. (Sài gòn giải phóng 12/10)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More