Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 09-4-2020

Post date: 09/04/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.             "Việt Nam đã nổi lên như một ví dụ về cách ứng phó hiệu quả với COVID-19". 1

2.             "Chưa thể nói có tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 15/4 hay không". 3

3.             Phải hiểu và thực hiện đúng Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. 4

4.             Nhiều băn khoăn về đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp. 5

5.             Toàn bộ công an một phường ở Hà Nội bị cách ly. 6

CHÍNH SÁCH MỚI 7

6.             Lao động bị nghỉ việc có thể được hỗ trợ mức cao nhất 1,8 triệu đồng. 7

7.             Ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. 8

CHỈ THỊ MỚI 8

8.             Bộ NN và PTNT đề nghị các địa phương kiểm soát giá bán lợn thịt 8

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 9

9.             Bí quyết khiến tỷ lệ người dùng dịch vụ công trực tuyến Bình Tân tăng vọt 9

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 11

10.          Chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thấp nhất trong 10 năm.. 11

11.          Chính phủ chuẩn bị kế hoạch vực dậy nền kinh tế. 11

12.          Chủ tịch VCCI: Nếu dịch bệnh diễn ra phức tạp, chỉ một nửa số doanh nghiệp trên thị trường có thể trụ vững được 6 tháng! 12

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 14

13.          Cấm đò, thu phí, bêu tên người vi phạm... để cách ly xã hội 14

QUẢN LÝ.. 16

14.          Bí thư huyện lên tiếng việc giới thiệu con gái làm Phó Bí thư Huyện đoàn. 16

15.          Tin mới vụ 4 con quan chức Quảng Ngãi du học không về phục vụ địa phương. 18

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 19

16.          Đề xuất liên thông thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 19

17.          Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính. 20

THẾ GIỚI 21

18.          Hàn Quốc sẽ bơm thêm 46 tỷ USD cho gói kích thích kinh tế bổ sung. 21

19.          Singapore cách ly 20.000 lao động nước ngoài 21

 TIÊU ĐIỂM

"Việt Nam đã nổi lên như một ví dụ về cách ứng phó hiệu quả với COVID-19"

Trang tin liberationnews.org của Đảng Chủ nghĩa xã hội và Giải phóng (Party for Socialism and Liberation - PSL) của Mỹ cho hay, trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nổi lên như một ví dụ về cách ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.

 Theo trang tin này, Việt Nam, nơi có chung biên giới với Trung Quốc và cách Vũ Hán - nơi khởi phát đại dịch gần 2.000km, đã vượt qua đại dịch với những kết quả bất ngờ. Số liệu của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, tính tới trưa 8.4, Việt Nam ghi nhận 251 ca COVID-19, với 126 ca hồi phục và chưa có ca tử vong nào.

 "Phản ứng của nước này với dịch bệnh đã nhận được sự công nhận quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhờ mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp. Đại diện của WHO tại Việt Nam - Tiến sĩ Ki Dong Park, chứng nhận rằng, chính phủ "đã luôn luôn chủ động và chuẩn bị cho các hành động cần thiết"" - tác giả bài viết "Vì sao Việt Nam không có ca tử vong nào do virus Corona?" nêu rõ.

 Liberationnews.org chỉ ra, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp chống đại dịch bằng cách triển khai các quy định cách ly xã hội trên toàn quốc, như cấm tụ tập bên ngoài hơn 2 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và đóng cửa tạm thời các doanh nghiệp không thiết yếu, trong đó có các nhà hàng, trung tâm giải trí và địa điểm du lịch. Các siêu thị và các dịch vụ thiết yếu khác vẫn mở, nhưng được hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe khách hàng bằng cách kiểm tra nhiệt độ và cung cấp chất khử trùng tay.

 Ngoài ra, trang tin này cũng cho biết, chính phủ Việt Nam cũng đã cảnh báo tránh đổ xô tích trữ và có hành động mạnh với các doanh nghiệp tăng giá. Để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng, Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD bao gồm tất cả các chi phí cho người lao động trong thời gian cách ly hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh.

 "Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp sớm để ứng phó với đại dịch COVID-19. Các quan chức bắt đầu chuẩn bị các chiến lược để đối phó với dịch bệnh ngay lập tức sau khi ca đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc" - tác giả Tina Ngo viết. 

 Theo đó, từ 1.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản phân loại virus là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A - các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao. Văn bản này được đưa ra chỉ sau khi ca mắc COVID-19 thứ 6 ở Việt Nam được ghi nhận.

 Thêm vào đó, chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để đẩy nhanh các phản ứng trước đại dịch. Hướng dẫn chính thức về điều trị COVID-19 đã được lưu hành trên cả nước. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế Việt Nam cũng đã nhanh chóng tạo ra một ứng dụng y tế để người dùng khai báo sức khỏe và phổ biến thêm thông tin về dịch bệnh...

 Bài viết đăng ngày 6.3 cho hay: "Bởi hệ thống y tế của Việt Nam tập trung vào sự an toàn và sức khỏe của người dân - chứ không phải lợi nhuận của các công ty bảo hiểm - Việt Nam đã chứng kiến sự thành công ấn tượng trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Điển hình như, năm 2003, WHO tuyên bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công SARS".

 "Từ thời kỳ kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, đến SARS và COVID-19, Việt Nam có một lịch sử thành công trong cuộc chiến chống lại những dịch bệnh gây chết người.

 Tinh thần hợp tác này trong nhân dân hình thành từ một hệ thống xã hội nhấn mạnh nỗ lực tập thể và đoàn kết cho mục tiêu chung.

 Khi chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi "mọi doanh nghiệp, mọi người dân, mọi khu dân cư phải là một pháo đài phòng chống dịch bệnh".

 Lời kêu gọi này đã khơi dậy ý thức hợp tác ở người dân Việt Nam, vốn đã quen với việc đoàn kết trong thời gian khó khăn" - liberationnews.org thông tin thêm.

 Cũng theo liberationnews.org, thành công của Việt Nam trong đối phó đại dịch COVID-19 cho đến thời điểm hiện tại "không chỉ đơn giản là một phép màu".

 Đó là kết quả của nhiều yếu tố cấu thành trong đó có một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên hết. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có hiện nay, cần có sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó, "chúng ta nên học hỏi từ những thành công của người dân Việt Nam". (Laodong.vn 08/4, Thanh Hà)Về đầu trang

"Chưa thể nói có tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 15/4 hay không"

Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, việc dừng hay tiếp tục thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến dịch COVID-19.

 Chiều ngày 8/4/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng tiếp tục trả lời báo chí để làm rõ hơn về cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

 Khi được hỏi về việc có kéo dài cách ly xã hội qua ngày 15/4 hay không? Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay: "Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/3, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận phải duy trì và thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng.

 Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, gỡ bỏ từ từ biện pháp này hoặc quyết định tiếp tục thực hiện từ sau ngày 15/4 tùy diễn biến dịch bệnh".

 Như vậy, đến ngày 15/4, nếu còn phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg, lúc đó phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay chưa thể nói trước gì cả việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

 Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg và sau 4 ngày (ngày 31/3), Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg. Cấp độ của Chỉ thị 16/CT-TTg so với Chỉ thị 15/CT-TTg là cao hơn một bước. Lý do bởi nhận định tình hình dịch trên toàn cầu rất phức tạp, nhiều nước có số ca nhiễm tăng vọt, có những nước có số ca tử vong lớn. Khi đó, Thủ tướng đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ trong chỉ thị 16/CT-TTg.

 Việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta và trước mắt sẽ được áp dụng đến ngày 15/4.

 Về vấn đề cách ly xã hội, đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng. Đặc biệt Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2 m...

 Nhận định về điều này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói: "Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc ta làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn.

 Đây là giải pháp được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ và thực hiện tốt. Có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ khác.Tôi thấy rằng nhiều địa phương vào cuộc mạnh, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ như: Thiết kập chốt kiểm tra thân nhiệt, test nhanh để kiểm tra nhiễm COVID-19, rà soát các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam chưa khai báo..."

 Khi được hỏi về những biểu hiện chủ quan lơ là, người dân vẫn ra đường đông hoặc tụ tập..., Bộ Trưởng nhấn mạnh: "Một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Tôi cho rằng thế là không được vì rất nguy hiểm. Phải thống nhất giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm chéo. Như vậy mới vừa phòng chống dịch tốt vừa bảo đảm phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

 Quan điểm của Thủ tướng là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg để kiểm soát chặt. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu địa phương thực thi nghiêm, đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người. Thủ tướng cũng giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật, hành hung, chống người thi hành công vụ liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống dịch hay hành vi tái chế khẩu trang để kiếm lời bất chính...". (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Phải hiểu và thực hiện đúng Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh các địa phương cần hiểu và thực hiện đúng Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt.

 Ngay sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg được ban hành và có hiệu lực, các địa phương đã bắt tay vào thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội từ Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, một số tỉnh có giải pháp "sáng tạo" như gửi văn bản yêu cầu cách ly người đến từ Hà Nội, TP.HCM, trước đó lại có nơi cấm người dân từ Hà Nội, TPHCM đến địa phương mình; TP. Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ đạo nêu tên người đi chợ quá 2 lần/ngày...

 Việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg như kể trên có những điểm tích cực, nhưng ngược lại, cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dân. Trong chiều 08/04/2020, nhận định về hiện tượng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho hay: "Chúng ta phải nhìn dưới 2 góc độ. Thứ nhất là Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng có những việc chưa có tiền lệ. Thứ hai là một số địa phương đau đáu quyết tâm ngăn ngừa dịch, vì vậy khái niệm thôn cách ly thôn, xã cách ly xã… thì địa phương cho rằng quản lý chia nhỏ theo địa phận ở địa phương. Cho nên một số địa phương có điểm tích cực khi đưa ra nhiều giải pháp mạnh, sáng tạo, như Hà Nội thành lập các trạm kiểm soát đo thân nhiệt, test nhanh kiểm tra người nhiễm bệnh, phân vùng tìm người liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai...

 Đến khi Thủ tướng công bố dịch thì có địa phương cho rằng Hà Nội và TPHCM hiện nay có số ca nhiễm lớn nên cho đây là vùng dịch. Người ở Hà Nội và TPHCM khi về địa phương thì phải cách ly 14 ngày và tự trả chi phí cách ly. Bên cạnh đó, cũng có vấn đề các xe vận tải hàng hóa không được vào thì không có nguyên liệu sản xuất...

 Sau khi có những chuyện như vậy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng để giải thích, hướng dẫn rõ hơn Chỉ thị 16/CT-TTg.

 Sau khi có văn bản này và cũng qua các cơ quan báo chí thông tin nên các địa phương hiểu rõ hơn. Cụ thể là KHÔNG được ngăn sông cấm chợ, không được làm các rào cản giao thông trên đường vì như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ dừng vận tải công cộng còn xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phải hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ hàng hóa cho thị trường, người dân.

 Tôi cho rằng "cách ly xã hội" là việc chưa có thông lệ nên còn cách hiểu khác nhau, nhưng sau khi có văn bản hướng dẫn và báo chí thông tin thì đến nay cơ bản địa phương đều đồng tình. Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 6/3, Thủ tướng nói các địa phương phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân.

 Thủ tướng đã đưa ra 2 thông điệp: Nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam và sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất". (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Nhiều băn khoăn về đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo triển khai đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

 Đáng chú ý, doanh nghiệp nào có kết quả chỉ số rủi ro từ 80% sẽ phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, cách thức đánh giá đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp.

 Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm bao gồm 10 tiêu chí thành phần, ở mỗi tiêu chí doanh nghiệp sẽ được chấm điểm từ 1 - 10. Điểm càng thấp là mức độ rủi ro ít, điểm cao tương ứng rủi ro nhiều.

 Tiếp thu ý kiến từ hơn 150 doanh nghiệp, đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết với việc xác định nội dung các tiêu chí thiên về số lượng như hiện nay, doanh nghiệp nào càng lớn sẽ có kết quả chỉ số rủi ro càng cao nhưng thực tế lại không như thế.

 Chẳng hạn có doanh nghiệp thay vì để 1.000 lao động làm việc cùng lúc, đã chủ động chia thời gian làm việc ra làm nhiều ca, bao gồm ca đêm để giảm mật độ tập trung theo quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chiếu theo bộ chỉ số rủi ro, cứ làm ca đêm là bị mức 10 điểm - rủi ro rất cao.

 Theo quy định, nếu chỉ số rủi ro này tại doanh nghiệp nếu từ 30% trở lên phải đáp ứng các quy định kèm theo mới có thể tiếp tục hoạt động. Còn từ 80% trở lên sẽ bị buộc dừng hoạt động.

 Được hoạt động hay không là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Do đó, các luật sư cho rằng, cần có một cơ chế tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp khi triển khai đánh giá chỉ số rủi ro.

 Hiện Ban quản lý các khu công nghiệp, công nghệ cao và Ủy ban quận, huyện đang gia hạn cho các doanh nghiệp gửi kết quả tự đánh giá chỉ số rủi ro trong thời gian từ ngày 10-12/4. Nếu doanh nghiệp có kiến nghị, phản biện gì từ thực tiễn cũng được hướng dẫn để gửi cùng lúc. Sau đó, các cơ quan này sẽ phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả để từ đó có hướng xử lý phù hợp. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Toàn bộ công an một phường ở Hà Nội bị cách ly

Chiều 8/4, tại cuộc giao ban trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19 cùa thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho hay, qua rà soát các trường hợp tiếp xúc với "bệnh nhân 243" trên địa bàn, quận phát hiện 8 trường hợp tiếp xúc gần (F1), 64 F2 và gần 200 F3.

 Trong số các F1 có Phó công an phường Đông Ngạc, từng đi ăn cơm cùng "bệnh nhân 243", sau đó về sinh hoạt cùng 18 cán bộ, chiến sĩ công an phường.

 "Chúng tôi đã cách ly, giám sát sức khoẻ toàn bộ công an phường Đông Ngạc (tại gia đình và đơn vị) cùng một số trường hợp F1 khác, gồm một thợ sửa điện, ba người ngồi uống nước và ba người bán hoa cùng bệnh nhân. Những người này đều được lấy mẫu xét nghiệm, hiện chưa có kết quả", ông Cương nói.

 Lãnh đạo công an quận Bắc Từ Liêm cho hay đã chỉ đạo các đội công tác hỗ trợ công an phường Đông Ngạc thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng hình sự quận được giao lập các tổ công tác, tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 

Công an các phường lân cận bố trí lực lượng thay thế công an phường Đông Ngạc tại các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn phường này. Người dân phường Đông Ngạc khi có thông tin trình báo hoặc cần giải quyết thủ tục hành chính thì lên trụ sở công an quận.

 Cũng theo ông Trần Thế Cương, quận Bắc Từ Liêm đã kiểm đếm được 250 người buôn, bán hoa ở hai phường Tây Tựu và Liên Mạc ("bệnh nhân 243" từng đi giao hoa tại chợ hoa Quảng Bá vào buổi tối); rà soát camera ở khu vực chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ), ghi nhận 8 người tiếp xúc với các F1 của "bệnh nhân 243". Quận đã giao các phường đo thân nhiệt những trường hợp trên, nhưng do đặc thù công việc họ thường đi đêm về sớm nên việc kiểm tra y tế gặp khó khăn.

 Quận Bắc Từ Liêm đề xuất thành phố cấp các bộ test nhanh để xét nghiệm những người bán hoa trên địa bàn. Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cũng đề xuất xét nghiệm nhanh toàn bộ cư dân thôn Hạ Lôi hơn 11.000 người - nơi cư trú của các "bệnh nhân 243, 250".

 Đến nay huyện Mê Linh rà soát được 132 F1 của "bệnh nhân 243", lấy mẫu test nhanh đều cho kết quả âm tính.

 "Bệnh nhân 243", nam, 47 tuổi, từng đưa vợ đi khám bệnh tại khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 12/3. Sau đó anh đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, đến 6/4 bị ghi nhận dương tính với nCoV.        

 Ngày 8/4, Bộ Y tế ghi nhận người hàng xóm và có tiếp xúc gần "bệnh nhân 243" là "bệnh nhân 250", nữ, 50 tuổi, trú cùng thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Ngày 2/4, bà khởi phát bệnh, ngày 5/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, ngày 7/4 kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

 Hiện thôn Hạ Lôi bị phong toả trong 28 ngày, tính từ 8/4; nhà chức trách lập 9 chốt kiểm soát ra vào khu vực này. (Vnexpress.net 08/4, Võ Hải)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Lao động bị nghỉ việc có thể được hỗ trợ mức cao nhất 1,8 triệu đồng

Ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp để xem xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.

 Ngày 6/4, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ đã gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì COVID-19. Theo tính toán của Chính phủ, gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (tăng 420 tỷ so với dự kiến ban đầu) dành cho khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng, và sẽ chi trong tháng 4, 5, 6.

 Về nguồn vốn của gói này, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương 22.000 - 23.000 tỷ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư....

 Ngoài ra, gói hỗ trợ này còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỷ đồng). Dự kiến trong tuần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về gói hỗ trợ trên.

 Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (Tienphong.vn 08/4)Về đầu trang

Ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Chiều 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

 Nghị định gồm 32 điều. Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm có các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính như các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ngoài ra, đối tượng áp dụng còn có tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán trên môi trường điện tử.

 Nghị định cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công khác áp dụng Nghị định này trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Bộ NN và PTNT đề nghị các địa phương kiểm soát giá bán lợn thịt

Ngày 8.4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các giải pháp để kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn.

 Nhằm tổ chức kiểm soát giá bán thịt lợn, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung các nguồn lực phòng, chống đại dịch Covid-19, Bộ NN và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền cơ sở các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 132/TB-VPCP nêu trên.

 Trong đó, Bộ NN và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn, đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi, tiến tới giảm xuống 65.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg lợn hơi và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 Rà soát các địa phương đã hết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) để tổ chức công bố hết dịch theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN và PTNT.

 Chỉ đạo rà soát, chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng.

 Tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.

 Bộ NN và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ NN và PTNT để phối hợp giải quyết. (Daibieunhandan.vn 08/4, Minh Hương)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Bí quyết khiến tỷ lệ người dùng dịch vụ công trực tuyến Bình Tân tăng vọt

Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), quận Bình Tân, TP.HCM là một trong những quận, huyện có mô hình tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 hiệu quả thời gian qua.

 Cung cấp dịch vụ công trực tuyến được nhận định là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.

 Dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.

 Thông tin về mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả của Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, TP.HCM, đại diện Phòng Thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho hay, tại thời điểm cách đây 3 năm, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp tham gia nộp trực tuyến mức độ 3, 4 chỉ chiếm khoảng hơn 4% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận.

 Đến năm ngoái, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp tham gia nộp trực tuyến mức 3 là 10.296/18.507 hồ sơ tiếp nhận giải quyết, đạt tỷ lệ 55,63%. Với các dịch vụ công trực tuyến mức 4, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp tham gia nộp trực tuyến là 4.034/6.891 hồ sơ tiếp nhận giải quyết, đạt 58,54%.

 Theo chia sẻ của đại diện UBND quận Bình Tân, để đạt được kết quả này, cùng với việc huy động hệ thống chính trị tham gia công tác vận động, hỗ trợ người dân tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, quận đã tổ chức lấy ý kiến góp ý, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về các vấn đề liên quan đến dịch vụ công trực tuyến.

 Cụ thể, UBND quận Bình Tân đã phối hợp với Ban Dân vận quận ủy tổ chức bộ phận hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 luân phiên trực Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu.

 Mô hình tổ tư vấn trực tuyến đã được triển khai tại 10 phường và 130 khu phố trên địa bàn quận Bình Tân nhằm đẩy mạnh hiệu quả truyền thông, hỗ trợ cải cách hành chính, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến.

 UBND 10 phường trên địa bàn Bình Tân đã thực hiện xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị cho các Văn phòng khu phố để các Tổ tư vấn kể cả người dân có phương tiện thực hiện hỗ trợ hoặc đăng ký dịch vụ công trực tuyến ở 130 khu khố. “Mô hình này đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM ghi nhận và trao giải Ba giải thưởng sáng tạo năm 2019”, đại diện UBND quận Bình Tân chia sẻ.

 Bên cạnh đó, cũng trong thời gian qua, UBND quận Bình Tân đã thường xuyên cấp phát các tài liệu tuyên truyền hướng dẫn từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó có thông tin về địa chỉ website, số điện thoại tư vấn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

 Các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về công tác cải cách hành chính đang được UBND quận Bình Tân tiếp nhận qua 4 kênh gồm đường dây nóng của Thành phố, trang thông tin điện tử quận, ứng dụng công dân số và góp ý trực tiếp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố.

 Ngoài ra, UBND quận cũng tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền, tiếp xúc, trao đổi ý kiến về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho gần 500 cán bộ, công chức, doanh nghiệp và thành viên các Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến quận, phường, khu phố.

 Các UBND phường trên địa bàn Bình Tân cũng được yêu cầu tổ chức các hội nghị tiếp xúc người dân, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, phản ánh với công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến của quận, từ đó đề ra các giải pháp phục vụ người dân hiệu quả hơn.

 Đáng chú ý, góp phần vào thành công của mô hình triển khai dịch vụ công trực tuyến tại quận Bình Tân, TP.HCM, theo chia sẻ của cơ quan này còn là nhờ việc gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức với kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

 Tại mỗi cơ quan, đơn vị và UBND 10 phường trên địa bàn Bình Tân, UBND quận đã phân công cụ thể cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính và một công chức theo dõi, phụ trách tổng hợp về công tác triển khai thực hiện dịch vụ công thuộc lĩnh vực của đơn vị.

 “Nhiệm vụ tham mưu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị, Theo đó, Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu không đạt chỉ tiêu giải quyết thủ tục trực tuyến đã được quận đề ra theo các lĩnh vực”, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết.

 Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của cơ quan trực tiếp cung cấp và xử lý các thủ tục hành chính, đại diện Cục Tin học hóa cho rằng, muốn triển khai các dịch vụ công trực tuyến thực sự hiệu quả, phải xuất phát từ gốc, đó là việc xử lý hồ sơ thủ tục trực tuyến dựa trên các nền tảng dùng chung, các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công tại bộ, ngành, địa phương - đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp.

 “Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đạt kết quả ra sao, làm sao để người dân, doanh nghiệp thực sự hài lòng vẫn thuộc trách nhiệm chính của các bộ, ngành, địa phương”, đại diện Cục Tin học hóa nhận định. (Vietnamnet.vn 7/4, M.T) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thấp nhất trong 10 năm

Đây là đánh giá mới nhất của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh Quý I/2020 vừa được công bố.

 Theo đó, chỉ số Môi trường Kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất với 26 điểm trong Quý I năm nay, so với mức điểm từ 77 được ghi nhận vào cuối năm 2019.

 Với kết quả này, hơn 50% doanh nghiệp châu Âu đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh kém hiệu quả, so với cùng kỳ năm 2019 chỉ gần 10%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, 3 ảnh hưởng rõ rệt nhất trong Quý I là mất doanh thu, gián đoạn chuỗi cung ứng và các đơn hàng.

 Tuy nhiên, các thành viên EuroCham cũng hoan nghênh các biện pháp kịp thời và thiết thực của Chính phủ Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Chính phủ chuẩn bị kế hoạch vực dậy nền kinh tế

Chính phủ vừa chủ động bảo đảm nền kinh tế không bị đổ gãy, vừa chuẩn bị các giải pháp phục hồi nền kinh tế, khi dịch bệnh qua đi.

 Chiều 8/4, Thường trực Chính phủ đã họp với lãnh đạo các Bộ để chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân trước tác động của dịch COVID-19, sẽ diễn ra sau 2 ngày nữa.

Để giảm bớt những tác động rất lớn chưa thể lường hết được của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và đời sống của nhân dân, từ gần 2 tháng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ và cơ quan ngang Bộ đưa ra các chính sách về miễn giảm, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất vay vốn, cùng với chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và thúc đẩy đầu tư công. Bên cạnh đó là chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân bằng chính sách hỗ trợ tiền mặt và các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

 Đến nay, gói hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ có quy mô 185.000 tỷ đồng đã được triển khai từ trung tuần tháng 3. Nay dự kiến sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở rộng lên 300.000 tỷ.

 Còn gói chính sách về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với kinh phí lên đến 62.000 tỷ đồng tương đương trên 2,6 tỷ USD sẽ được Thủ tướng ký ban hành trong nay mai. Nhờ đó, khoảng 20 triệu người bị giảm sâu thu nhập trong cả nước sẽ được nhận hỗ trợ bằng tiền mặt và được thụ hưởng gói chính sách này.

 Để hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nâng quy mô của gói hỗ trợ bằng chính sách tài khóa, thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất từ 30.000 tỷ đồng lên 180.000 tỷ. Bên cạnh đó, việc miễn, giảm 26 loại phí có quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng. Hiện dự thảo của Nghị định này đã hoàn thành, trong đó, nhóm doanh nghiệp sản xuất cơ khí, phụ trợ, bất động sản và 29 nhóm dịch vụ sẽ được nhận hỗ trợ.

 Còn để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội Bộ Công an cũng đã chuẩn bị trình Chính phủ một loạt các giải pháp đồng bộ nhằm không để xảy ra mất an ninh trật tự do số người thất nghiệp, mất việc làm ra tăng do dịch bệnh, nhất là ở nông thôn.

 Tại hội nghị toàn quốc ngoại việc tập trung thảo luận các nhóm giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các bộ sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ mới này.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù lúc này, cả nước đang dành ưu tiên cao nhất để chống đại dịch COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của nhân dân nhưng cũng ở thời điểm rất khó khăn này, Chính phủ phải nhận rõ được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để vừa chủ động bảo đảm nền kinh tế không bị đổ gãy, vừa bảo đảm được mức sống tối thiểu cho những người yếu thế trong xã hội vừa chuẩn bị các giải pháp phục hồi nền kinh tế, khi dịch bệnh qua đi.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay nhưng các địa phương đầu tàu của nền kinh tế như TP.HCM và Hà Nội phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh để họ có đóng góp vào tăng trưởng của cả nước. Thủ tướng yêu cầu, tại hội nghị toàn quốc này, các Bộ, ngành và địa phương cũng phải nhận thức rõ được trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Vì hiện nay, cả nước đang có tới gần 700.000 tỷ vốn nhà nước và ODA, tương đương với khoảng 30 tỷ USD. Nếu được sử dụng có hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng trực tiếp của người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương. Đến tháng 9, nếu Bộ, ngành và địa phương nào chưa hoàn thành giải ngân Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội điều chuyển vốn.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau hội nghị trực tuyến toàn quốc với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng sẽ một hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo các doanh nghiệp để kêu gọi giới doanh nhân nỗ lực cùng Chính phủ đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện nay. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Chủ tịch VCCI: Nếu dịch bệnh diễn ra phức tạp, chỉ một nửa số doanh nghiệp trên thị trường có thể trụ vững được 6 tháng!

Trước thềm Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc đã đưa ra một số đánh giá về doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.

 Theo ông Vũ Tiến Lộc, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu đó.

 Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay.

 Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

 Một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4 cho thấy tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.

 Theo đó, gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.

 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

 Khảo sát cũng cho biết nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

 Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

 Khảo sát của VCCI cũng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động.

 Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà.

 Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. Đó là những ứng sử linh hoạt đầy trách nhiệm.

 "Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt", ông Lộc nói. (Cafef.vn 08/4, Đức Minh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cấm đò, thu phí, bêu tên người vi phạm... để cách ly xã hội

Mỗi địa phương lại có phương pháp cách ly xã hội khác nhau như buộc cách ly tập trung với người từ nơi khác đến, thu phí cách ly, đọc tên người đi chợ 2 lần/ngày trên loa...

 Ngày 7/4, UBND TP.Hạ Long cho biết địa phương này sẽ tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trong giai đoạn cách ly xã hội, trong đó có hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không thật sự cần thiết, đi chợ quá 2 lần/ngày... Đáng lưu ý là danh sách người vi phạm sẽ được "bêu tên" trên phương tiện thông tin đại chúng như Cổng thông tin điện tử, báo địa phương.

 Ngay sát Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh mới gia nhập danh sách các địa phương thực hiện cách ly những người đến hoặc đi qua vùng có dịch về địa phương. Trước đó, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng, ... cũng đã thực hiện biện pháp này.

 Trong đó, TP.Đà Nẵng còn yêu cầu người dân từ TP.HCM và TP.Hà Nội đến sẽ phải đóng phí cách ly tập trung, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt và người đã hoàn thành cách ly. Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày rời khỏi Hà Nội và TP.HCM.

 Phí cách ly gồm phí ăn, sinh hoạt thu theo quy định hiện hành. Tiền ở thu theo chi phí của cơ sở cách ly.

 Tỉnh Quảng Nam vẫn thực hiện cách ly người trở về từ các địa phương có dịch, nhưng không thu phí trong thời gian cách ly tập trung mà nguồn kinh phí này sẽ được vận động xã hội hóa.

 Còn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu buộc những người ở ngoại tỉnh về Thừa Thiên Huế cam kết không ra khỏi nhà, cơ sở lưu trú khi chưa đủ 14 ngày, nếu vi phạm, sẽ bị đưa vào khu cách ly có trả tiền. 

 Trước đó, ở Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử phạt những người ra đường khi không cần thiết.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP đã họp và ra thông điệp, tất cả những trường hợp không nằm trong diện quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng mà ra đường sẽ bị xử phạt.

 Đã có 3 người bị xử phạt khi ra đường không đúng mục đích thiết yếu bị UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) xử phạt. Quyết định xử phạt căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013 về hành vi "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế".

 Ở TP.Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã ký ban hành văn bản số 2449 quy định tổ chức cách ly y tế tập trung đối với tất cả người từ các vùng dịch về Hải Phòng từ ngày 3/4. Những người cách ly không thuộc đối tượng được vào thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phải tự chi trả chi phí phục vụ cách ly.

 Cũng tại văn bản nói trên, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng yêu cầu người Hải Phòng đi đến tỉnh, thành phố khác sẽ phải có giấy xác nhận cho phương tiện ra ngoài thành phố của Chủ tịch UBND cấp quận, huyện và khi trở về phải cách ly tập trung..

 Các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có hệ thống giao thông đường thủy sôi động cũng đã áp dụng những biện pháp để thực hiện cách ly xã hội. Nhưng cũng như trên, mỗi địa phương có mức độ thực hiện khác nhau.

 Trong 3 ngày liên tiếp, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Sóc Trăng lần lượt ra 3 thông báo về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh này.

 gày 30/3/2020, Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng có thông báo số 498 về việc tổ chức lại hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu các bến khách ngang sông thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

 Theo đó, hành khách đi qua các bến phà, bến khách ngang sông bắt buộc phải đeo khẩu trang, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời, cương quyết không vận chuyển khi hành khách không chấp hành theo hướng dẫn.

 Sau đó 1 ngày, tức ngày 31/3, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng ra thông báo số 562 về việc dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

 Đến ngày 1/4, Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có thông báo số 564, theo đó, đối với các bến phà, bến khách ngang sông, Sở GTVT tỉnh này yêu cầu "hạn chế vận chuyển hành khách". Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cũng nêu rõ thông báo số 564 thay thế thông báo số 562 trước đó.

 Người dân cho rằng việc "hạn chế vận chuyển hành khách" trên các phà, bến khách ngang sông chứ không cấm hẳn là hợp lý và cần thiết, qua đó góp phần phòng chống dịch Covid-19 được hiệu quả hơn.

 Cũng như Sóc Trăng, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang chỉ yêu cầu các đơn vị có liên quan cho tạm dừng toàn bộ hoạt động đò dọc, riêng đối với đò ngang chỉ phục vụ nhu cầu thiết yếu dân sinh, khi vận chuyển không quá 50% theo giấy đăng ký phương tiện, bố trí người ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế và giữ khoảng cách 2m. Chủ phương tiện phải trang bị yêu cầu khách đeo khẩu trang, trang bị nước sát khuẩn.

 Khác với 2 địa phương trên, Sở GTVT TP.Cần Thơ vừa có thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với tất cả các bến khách ngang sông trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4.

 Sở GTVT TP.Cần Thơ cũng nêu rõ, sẽ ngoại trừ trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân cấp cứu.

 Sau thông báo này, nhiều công nhân ngụ ở xã Tân Quới, xã Tân Lược (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) thường xuyên qua phà để làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc (TP.Cần Thơ) cho hay, họ buộc phải chạy đường vòng qua cầu Cần Thơ, tức phải xa hơn hàng chục cây số, làm mất nhiều thời gian.

 Anh Nguyễn Văn Chính - ngụ ở xã Tân Lược (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) là công nhân làm trong Khu công nghiệp Trà Nóc (TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ qua đò là coi như tới. Bây giờ, đò ngang không hoạt động mấy ngày qua rồi, tôi phải chạy xe máy lên thị xã Bình Minh rồi qua cầu Cần Thơ. Rồi từ cầu Cần Thơ vào quận Ninh Kiều, tiếp đó là qua quận Bình Thuỷ rồi mới tới khu công nghiệp tôi làm rất thời gian và công sức".

 Còn bà Lê Thi Chanh ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ nói: "Tôi mong cơ quan chức năng cho đò, phà hoạt động chở lại nhưng hạn chế người chở và cho kiểm tra sức khoẻ. Chứ cấm hẳn như hiện nay có người dùng ghe, vỏ lãi cá nhân lén chở người hoặc rau quả qua bên Vĩnh Long rất nguy hiểm".

 Liên quan đến vấn đề đi lại của công nhân, ông Lư Thành Đồng - Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.Cần Thơ cho biết, theo thống kê có khoảng 800 công nhân có nhu cầu đi đò, phà bị ảnh hưởng bởi quy định về việc tạm dừng bến khách ngang sông, tập trung chủ yếu tại khu công nghiệp Trà Nóc 1&2.

 Còn ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ cho biết, công nhân vẫn chưa được xét là trường hợp đặc biệt để qua sông bằng đò. Những người này còn có đường khác để qua Cần Thơ là đi qua cầu Cần Thơ.

 Cũng theo ông Dũng, trên địa bàn TP.Cần Thơ có cù lao Tân Lộc là người dân còn phải dựa vào đò nên ngành chức năng đã cho hai trong số năm bến đò ngang hoạt động. Theo đó, người dân sinh sông ở cù lao Tân Lộc nếu đến bến đò ngang này và cho biết là đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn đi được. (Nông Thôn Ngày Nay 08/4, Huỳnh Xây)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bí thư huyện lên tiếng việc giới thiệu con gái làm Phó Bí thư Huyện đoàn

Bí thư Huyện ủy và người đứng đầu Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã lên tiếng về việc nữ cán bộ Huyện đoàn đã quá tuổi nhưng vẫn được giới thiệu bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn.

 Liên quan đến việc chị Trương Thị M.T. được bố đẻ là ông Trương Văn Lịch, Bí thư Huyện ủy Bá Thước (Thanh Hóa) ký văn bản giới thiệu ứng cử để bầu bổ sung Phó Bí thư Huyện đoàn Bá Thước khi đã quá tuổi, phóng viên Dân trí đã có những trao đổi làm rõ.

 Chị Trương Thị. M.T được giới thiệu ứng cử bầu bổ sung Phó Bí thư Huyện đoàn Bá Thước, nhiệm kỳ 2012-2017 của Huyện ủy Bá Thước khi đã quá tuổi.

 Ông Trương Văn Lịch khẳng định việc chị T. con gái ông được bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn Bá Thước là không sai với quy định của Trung ương, của cấp trên.

 Ông Lịch viện dẫn, theo điểm 4, Điều 7, Quyết định số 289, ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi tắt là QĐ 289), có thể quá từ 1 - 2 tuổi, tùy tình hình thực tế ở địa phương.

 Ông Lịch giải thích thêm: “Điều 10 (QĐ 289) nói tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ Đoàn cấp huyện, tham gia Ban chấp hành lần đầu thì tuổi đời không quá 30 tuổi, thì cô này (chị Trương Thị M.T.) sinh ngày 18/10/1986, tháng 12/2016 bổ nhiệm thì quá 2 tháng. Nhưng tra cứu Điều 7 của QĐ 289 thì trong trường hợp cụ thể có thể tăng lên 1 - 2 tuổi”.

 Ông Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng khẳng định: “Việc đó (việc chị T. được bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn Bá Thước) là không sai”.

 Theo ông Trung, hiện nay cả tỉnh đang thiếu cán bộ Đoàn. Điểm 2, Điều 10 (QĐ 289) là tiêu chuẩn chung, trong trường hợp cụ thể vận dụng điểm 4, Điều 7 (QĐ 289).

 Ông Trung khẳng định thêm: “Đối với tất cả trường hợp như chị T., bổ nhiệm lần đầu, vận dụng điểm 4, Điều 7, QĐ 289. Cho nên kể cả bầu chị T. vào thời điểm năm 2018 vẫn đủ điều kiện”.

 Tuy nhiên, trong QĐ 289 quy định về tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp huyện, ghi rất rõ là: “Tham gia Ban chấp hành lần đầu không quá 30 tuổi và giữ chức vụ không quá 35 tuổi”. Đây là tiêu chuẩn quan trọng để các địa phương quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn đúng độ tuổi, tránh tình trạng “già hóa” cán bộ Đoàn.

 Cần nhắc lại một lần nữa, điểm 2, Điều 10, QĐ 289 là quy định tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp huyện tham gia Ban chấp hành lần đầu. Và trường hợp chị Trương Thị M.T. là lần đầu được giới thiệu vào Ban chấp hành Huyện đoàn Bá Thước.

 Còn tại điểm 4, Điều 7, QĐ 289 về tiêu chuẩn chung, ghi rõ: “Có sức khoẻ tốt; ngoại hình phù hợp với công tác thanh vận; tuổi cán bộ đoàn được quy định theo cương vị được giao và có thể hơn từ 1 đến 2 tuổi để phù hợp với yêu cầu công tác cụ thể”. Cần hiểu rõ rằng, đây là quy định tiêu chuẩn chung của cán bộ Đoàn, chứ không phải quy định riêng cho cán bộ Đoàn cấp huyện khi tham gia vào Ban chấp hành lần đầu.

 Liên quan đến việc, ngày 13/12/2016, Huyện ủy Bá Thước có công văn về việc xin tiếp nhận cán bộ công chức và trong cùng ngày Tỉnh đoàn có công văn về việc thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ, chức danh Phó Bí thư Huyện đoàn Bá Thước khóa XVII, nhiệm kỳ 2012-2017, ông Trung lý giải: “Huyện xuống làm việc trực tiếp, đó là văn bản thỏa thuận thống nhất, làm quy trình. Về mặt nghiệp vụ, Tỉnh đoàn hướng dẫn cho Ban chấp hành Huyện đoàn”.

 Một điều đáng chú ý khi QĐ 289 là căn cứ quan trọng về Quy chế cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhưng trong công văn số 439-CV/TĐTN-BTC, ngày 13/12/2016 của Tỉnh đoàn Thanh Hóa gửi Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước lại không nêu căn cứ vào QĐ 289 của Ban Bí thư?

 Về vấn đề này, ông Lê Văn Trung vòng vo: “Cái này theo phân cấp, chứ chưa có căn cứ, vì đã có nhân sự cụ thể đâu mà căn cứ 289 (QĐ 289)? Vì 289 là tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể của cán bộ Đoàn”.

 Liên quan đến câu hỏi về việc dư luận cho rằng, có sự ưu ái đối với con gái mình, ông Lịch phân trần: “Trường hợp con gái tôi hay trường hợp ai cũng vậy thôi, nó là bình thường. Vì chúng tôi trong Thường vụ, Thường trực không tính con gái của ai cả. Tổ chức tham mưu, tìm người, tiêu chuẩn giới thiệu lên, chứ không phải người ta lấy vì con gái của Bí thư”.

 Ông Lịch cho rằng, trong thực tế cán bộ Đoàn cấp huyện Bá Thước nói riêng và tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang thiếu, cho nên quy định về tuổi rất khó. Hơn nữa không có biên chế vì 5 năm nay tỉnh Thanh Hóa không tổ chức thi tuyển công chức. Còn những người đang trong công chức thì đã quá tuổi.

 Liên quan đến câu hỏi Ban tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trả lời công văn số 219-CV/HU, ngày 13/12/2016 về việc xin tiếp nhận cán bộ công chức của Huyện ủy Bá Thước hay chưa? ông Lịch cho biết: Do chị Trương Thị M.T. không thuộc diện Ban tổ chức Tỉnh ủy quản lý nên đơn vị này không trả lời. Còn huyện Bá Thước tiếp nhận chị Trương Thị M.T. - cán bộ, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Bá Thước về công tác tại cơ quan Dân Đảng để thực hiện quy trình bầu bổ sung Phó Bí thư Huyện đoàn là theo phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy, cán bộ của tỉnh Thanh Hóa.

 Nói về lý do theo quy định không phải xin ý kiến, nhưng Huyện ủy Bá Thước vẫn có công văn gửi Ban tổ chức Tỉnh ủy, ông Lịch cho biết: “Do anh em tham mưu liên quan đến vấn đề cán bộ của cơ quan thôi”. (Danviet.vn 08/4, Trần Lê)Về đầu trang

Tin mới vụ 4 con quan chức Quảng Ngãi du học không về phục vụ địa phương

Dư luận tại tỉnh Quảng Ngãi đang xôn xao trước thông tin tất cả các trường hợp con lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp ngành của tỉnh đi du học bằng ngân sách (nhưng không chịu về địa phương làm việc như cam kết) và vẫn chưa có trường hợp nào nộp lại tiền(?).

 Trả lời câu hỏi: "Sau gần 5 tháng ban hành quyết định thu hồi, có thông tin phản ánh đến nay 4 trường hợp là con lãnh đạo các cấp ngành ở Quảng Ngãi đi du học nước ngoài bằng ngân sách, nhưng không chịu về làm việc tại địa phương, vẫn chưa ai trả lại phần tiền nào cho ngân sách?", ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết: "Không đúng đâu, họ có trả lại rồi chứ".

  PV Báo Dân Việt tiếp tục đặt câu hỏi: "Vậy số tiền mà 4 trường hợp trên đã trả là bao nhiêu? Nếu bận việc, ông có thể chỉ đạo bộ phận kế toán của sở để chúng tôi đến, họ cung cấp thông tin về số tiền đã thu hồi được không?", vị Giám đốc Sở này nói: "Cụ thể thế nào thì trong cuộc họp giao ban báo chí sắp đến, tôi sẽ trả lời một lần luôn".

 Sáng 8/4, một trong 4 phụ huynh (xin được giấu tên) của các trường hợp trên khẳng định: "Đã chuyển trả cho Sở Nội vụ được 2 đợt, với số tiền khoảng 400 triệu đồng theo đúng lộ trình mà trong quyết định Sở này ban hành và yêu cầu".

 Như Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, vào gần cuối năm 2019, dư luận ở Quảng Ngãi xôn xao trước thông tin nhiều trường hợp là con lãnh đạo cao cấp, ngành của tỉnh đi du học bằng tiền ngân sách, tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp xong lại không về làm việc tại địa phương như cam kết lúc đầu.

 Cụ thể, 4 trường hợp vi phạm (không về làm việc tại tỉnh) gồm con của nguyên Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đương kiêm Giám đốc Sở Tài chính tỉnh và lãnh đạo TP.Quảng Ngãi. Theo đó, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi ban hành quyết định yêu cầu 4 trường hợp trên phải hoàn trả lại cho ngân sách số tiền khoảng 9 tỷ đồng.

 Trong 4 quyết định yêu cầu bồi hoàn mà Sở Nội vụ Quảng Ngãi đã ban hành vào ngày 6/11/2019, trường hợp phải bồi hoàn nhiều nhất là gần 3,5 tỷ đồng và ít nhất là khoảng 2 tỷ đồng. (Danviet.vn 08/4, Công Xuân)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đề xuất liên thông thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về việc phối hợp, liên thông của các cơ quan quản lý nhà nước trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khai trình sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in.

 Theo dự thảo, Nghị định này áp dụng đối với: Tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đăng ký doanh nghiệp, khai trình sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in theo quy định của pháp luật Việt Nam; cơ quan đăng ký kinh doanh; cơ quan quản lý nhà nước về lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; cơ quan thuế…

 Dự thảo quy định về Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp như sau: Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

 Nội dung Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm nội dung quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp và phương thức đóng bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp được ban hành kèm theo Nghị định này.

 Đối với phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về lao động: Sau khi cấp đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp gửi thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đơn vị trực thuộc và tổng số lao động dự kiến của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc cho hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhà nước về lao động để phục vụ quản lý nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật.

 Đối với phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội, dự thảo quy định: Sau khi cấp đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp gửi thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đơn vị trực thuộc, số lượng lao động dự kiến, phương thức đóng bảo hiểm xã hội cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội để phục vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

 Về phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong sử dụng hóa đơn đặt in, tự in: Khi hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp gửi thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc cho Hệ thống thông tin quản lý thuế. (Phapluatxahoi.vn 7/4, TQ) Về đầu trang

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính

Chiều 7-4, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Ban Chỉ đạo 896) chủ trì phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.

 Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan chủ động, quyết liệt hơn nữa, tạo hiệu quả, bứt phá đối với các nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng nêu rõ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, do đó Bộ Công an cần khẩn trương xây dựng các bước về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào vận hành, thử nghiệm từ cuối năm 2020, sử dụng, khai thác trong năm 2021; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2022-2025; phối hợp Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, trước hết là Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử cấp bộ, cấp tỉnh…

 Các bộ, ngành bám sát tiến độ để ban hành văn bản về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Nội vụ cần khẩn trương trình Chính phủ Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong phạm vi chức năng quản lý của bộ trong tháng 4 này; ban hành kế hoạch thực hiện. Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần tiếp tục triển khai cấp số định danh cá nhân theo đúng quy định.

 Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình thực hiện có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, không để lãng phí, chồng chéo. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ có bổ sung, kết nối kho dữ liệu của Bộ Công an, tạo ra hệ thống dữ liệu quốc gia phong phú, có sự phát triển; thiết kế phần mềm tương thích. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các bộ Nội vụ, Tư pháp, Công an nghiên cứu quy định cụ thể về thành phần, tên gọi và xây dựng danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam phù hợp thực tế, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

 Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan rà soát, ban hành các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo để các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện. Giao Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 xây dựng kế hoạch tổng kết Đề án giai đoạn 2013-2020, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tổng kết… (Nhandan.com.vn 8/4, PV) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hàn Quốc sẽ bơm thêm 46 tỷ USD cho gói kích thích kinh tế bổ sung

Ngày 8/4, Tổng thống Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này sẽ bơm thêm khoảng 56.000 tỷ Won (46 tỷ USD) cho gói kích thích kinh tế bổ sung trước tác động của COVID-19.

 Tại cuộc họp hàng tuần của Hội đồng kinh tế khẩn cấp, ông Moon cho hay nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái cực độ, do vậy kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào ngoại thương cũng đang hứng chịu một cú sốc rất lớn.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, gói kích thích kinh tế này nhằm tái tạo nguồn lực xuất khẩu, thúc đẩy nhu cầu trong nước và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và liên doanh. Cụ thể, trong gói kích thích mới, 36.000 tỷ Won (29,5 tỷ USD) sẽ được cung cấp cho lĩnh vực tài chính thương mại, bao gồm 30.000 tỷ Won (24,6 tỷ USD) để gia hạn thời gian đáo hạn của bảo hiểm thương mại cho các nhà xuất khẩu thêm 1 năm và hỗ trợ bảo lãnh xuất khẩu, 5.500 tỷ Won (4,5 tỷ USD) để hồi sinh các hoạt động thương mại và 1.000 tỷ Won (820 triệu USD) cấp thanh khoản khẩn cấp.

 Ngoài hỗ trợ tín dụng, Chính phủ Hàn Quốc còn xúc tiến tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp trực tuyến, hỗ trợ tư vấn, kết nối và ký hợp đồng từ xa, ứng dụng công nghệ AR (thực tế tăng cường) và VR (thực tế ảo) để tổ chức 50 cuộc triển lãm đặc biệt "Hàn Quốc Trực tuyến" với 10 gian hàng mỗi lần.

 Theo ông Moon, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức để duy trì nền tảng xuất khẩu song phương và đa phương, trong bối cảnh khó khăn nhân lực do các quy định phòng dịch như cấm nhập cảnh hay cách ly bắt buộc. Phương án sử dụng chuyên cơ để đảm bảo nhu cầu đi lại của các doanh nghiệp cũng được để ngỏ. Hàn Quốc dự kiến sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề cho phép nhập cảnh lực lượng kỹ sư nước ngoài cần thiết để vận hành các dây chuyền sản xuất thiết yếu trong nước. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Singapore cách ly 20.000 lao động nước ngoài

Singapore đã phải cho cách ly khoảng 20.000 lao động nhập cư, sau khi phát hiện tới 120 ca mắc COVID-19 được cho là bắt nguồn từ 2 khu định cư của những người lao động này.

 Những lao động nhập cư bị cách ly - chủ yếu đến từ các nước Nam Á. Phần lớn trong số họ không có tay nghề cao và làm việc trong ngành xây dựng. Những lao động này sẽ phải ở lại khu định cư trong vòng 14 ngày.

 Chính phủ Singapore cho biết: đây là hành động cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này đang tăng mạnh, với gần 1.500 ca mắc và 6 ca tử vong. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More