Bản tin ngày 14/8/2014

Post date: 15/08/2014

Font size : A- A A+

Dowload file tại đây.

 I. Thời sự - Chính trị

1. Tuyên Hóa: Chủ động phòng chống lụt bão. 1

II. Kinh tế. 3

1. Tuyên Hóa: Đẩy mạnh thực hiện thu, chi ngân sách năm 2014. 3

2. Bản “bơi qua sông đi học” ở Quảng Bình đã có cầu treo. 6

III. Xã hội 6

1. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình. 6

2. Quảng Bình: Công bố bẫy ảnh ghi hình loài Sao La quý hiếm... 7

3. Quảng Bình: Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thế giới ca trù. 8

4. Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Nỗ lực phá bỏ "rào cản". 8

5. Đức Trạch (Bố Trạch): Nỗi lo khi cửa sông bị bồi lắng và sạt lở. 11

6. Quảng Bình: Đất, mộ người dân có nguy cơ bị xóa sổ. 13

7. Gần 1,5 triệu USD bảo vệ rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Bình. 14

8. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng:Thẩm định hồ sơ di sản lần 2. 15

9. Bình yên Phúc Trạch. 15

IV. An ninh – Quốc phòng. 17

1. Hội đàm giữa BĐBP Quảng Bình và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn, Lào. 17

V. Điểm tin đã đưa. 18

 

I. Thời sự - Chính trị

1. Tuyên Hóa: Chủ động phòng chống lụt bão

(Baoquangbinh.vn 14/8, tác giả Nguyễn Hoàng)

 

Đến hẹn lại lên, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Tuyên Hóa đang khẩn trương thực hiện các biện pháp đồng bộ, cấp bách để đối phó với mưa lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Đặc điểm địa hình huyện Tuyên Hóa có 3 vùng cơ bản gồm: vùng núi cao, vùng đồi núi trung du và vùng đồng bằng. Địa hình hẹp và dốc, nghiêng từ Tây sang Đông, lại bị chia cắt bởi 3 con sông, gồm sông Gianh (2 nhánh Rào trổ và Rào Nậy), sông Nan và sông Ngàn Sâu cùng nhiều khe suối. Bởi vậy, vào mùa mưa lũ, mực nước trên các sông dâng cao, chảy xiết nên gây thiệt hại không nhỏ đối với huyện miền núi còn nghèo này.

Theo thống kê, địa bàn huyện Tuyên Hóa hiện có trên 60 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có những hồ đập xung yếu như: đập Bẹ ở xã Mai Hoá; đập Thuỷ điện Hố Hô, đập Cây Trâm, đập Cây Ươi ở xã Hương Hoá... Dung tích chứa của các công trình thủy lợi này khá lớn nên công tác bảo vệ an toàn được chính quyền địa phương hết sức quan tâm.

Trên cơ sở xác định những vùng trọng điểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ gồm: ngập úng ở các địa phương có địa hình nằm hai bên bờ sông Gianh, cụ thể các xã: Văn Hoá, Tiến Hóa, Châu Hoá, Mai Hoá, Phong Hoá, Đức Hoá, Thạch Hoá, Đồng Hoá, Thuận Hoá, Lê Hoá, Thanh Hoá, Thanh Thạch và một số vùng ngập úng cục bộ thuộc thị trấn Đồng Lê...; các vùng thường xảy ra lũ quét như: khu vực hai bên bờ và hạ lưu các con suối ở các xã: Tiến Hóa, Ngư Hoá, Cao Quảng, Đức Hóa, Kim Hoá, Hương Hoá, Thanh Thạch, Thanh Hoá, Lâm Hoá,...; sạt lở đất thường xuất hiện ở khu vực hai bên bờ sông Gianh và những vùng núi cao có địa chất không ổn định...

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) huyện đã xây dựng phương án PCLB-GNTT với những nội dung sát thực. Cụ thể, ở cấp huyện sẽ kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan làm ban viên. Ban Chỉ huy có trách nhiệm phân công, chỉ đạo các thành viên phụ trách các xã, thị trấn.

Ở cấp xã sẽ kiện toàn Ban Phòng chống lụt, bão xã, thị trấn do đồng chí chủ tịch UBND xã, thị trấn làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm phó ban, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan làm ban viên, đồng thời phân công các đồng chí trong Ban phòng chống lụt, bão phụ trách các thôn và các cơ quan đơn vị. Ngoài ra, đối với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, mỗi đơn vị phải thành lập 1 tổ phòng chống lụt, bão do đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm tổ trưởng và xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão của đơn vị mình.

Bám sát phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy PCLB huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời cảnh báo, thông báo diễn biến tình hình thời tiết để người dân có kế hoạch phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Các lực lượng công an, quân đội cũng đã xây dựng phương án PCLB của đơn vị mình một cách cụ thể, sát thực. Chủ động phân công lực lượng trực 24/24 giờ nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện công tác PCLB; đồng thời phân công trách nhiệm cho các chiến sỹ bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng lụt bão để trộm cắp tài sản. Các tổ lực lượng cơ động ứng cứu tại các địa bàn xung yếu cũng đã được thành lập với số lượng mỗi tổ từ 20 đến 30 người. Trong đó, nòng cốt là cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự huyện, công an huyện, đoàn viên thanh niên và dân quân tự vệ các địa phương ít chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Trước thời điểm bão lũ xảy ra, UBND huyện và Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện sẽ chủ động ban hành công điện yêu cầu các xã, thị trấn, thủ trưởng các ban, ngành tập trung chỉ đạo phòng, chống lụt bão. Đồng thời, Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện bố trí các thành viên về tận cơ sở cùng chỉ đạo PCBL; các cơ quan Công an, Quân sự điều động tối đa quân số tham gia cùng với lực lượng dân quân, tự vệ, lực lượng thanh niên ở các xã, thị trấn để  tổ chức di dời dân, canh gác theo dõi tình hình bão, lũ; tiếp tế viện trợ lương thực, thực phẩm, cứu đói, cấp cứu những người bị nạn...

Tinh thần chỉ đạo là trước, trong thời điểm diễn ra mưa, lũ tất cả các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện phải có mặt thường trực 24/24 giờ để chỉ đạo phòng, chống lũ, lụt và thông tin báo cáo kịp thời cho tỉnh. Lãnh đạo các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị cũng tổ chức trực chỉ huy PCLB 24/24h.

Do đặc điểm địa bàn Tuyên Hóa có nhiều khu vực dân cư thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra, đặc biệt là các xã thuộc hạ lưu sông Gianh và hai bên bờ các con suối như: Văn Hóa, Châu Hóa, Thạch Hóa, Phong Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa, Ngư Hóa, Cao Quảng... nên Ban Chỉ huy PCLB huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động thống kê và quản lý số thuyền của các hộ dân; thực hiện việc ký hợp đồng, cam kết huy động ứng cứu kịp thời người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra. Các địa phương có đê, đập và các công trình thủy lợi chủ động thành lập các đội hộ đê với số lượng từ 50-200 người có sức khỏe tốt để ứng cứu kịp thời khi gặp sự cố mưa lũ.

Ngay sau khi có mưa bão xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB huyện sẽ tập trung huy động tối đa các lực lượng để thực hiện tốt công tác cấp phát hàng cứu trợ, tu sửa và dựng lại nhà ở cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng và Trạm Thú y chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phòng, chữa bệnh cho người và gia súc, phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm khống chế các loại dịch bệnh thường xảy ra sau lũ, bảo đảm sớm ổn định đời sống cho nhân dân. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201408/tuyen-hoa-chu-dong-phong-chong-lut-bao-2117776/

II. Kinh tế

1. Tuyên Hóa: Đẩy mạnh thực hiện thu, chi ngân sách năm 2014

(Baoquangbinh.vn 14/8, tác giả Nguyễn Hoàng)

 

Những tháng đầu năm nay, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa vẫn còn không ít khó khăn.

Những khó khăn lớn nhất được chính quyền địa phương huyện Tuyên Hóa xác định là: Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; triệt để tiết kiệm, tiếp tục cắt giảm đầu tư công; thực hiện miễn, giảm thuế cho các đối tượng chịu thuế theo Luật Thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, điều chỉnh công tác quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Trong khi đó, với đặc thù của huyện miền núi còn nghèo, nguồn thu ngân sách trên địa bàn chưa bảo đảm tính vững chắc, số thu đưa vào cân đối ngân sách chủ yếu là thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng số thu ngân sách địa phương những lại phụ thuộc vào khả năng sản xuất kinh doanh thiếu ổn định của các doanh nghiệp.

Thông kê số thu ngân sách trên địa bàn huyện Tuyên Hóa 6 tháng đầu năm 2014 là trên 23 tỷ đồng, đạt 56,2% dự toán tỉnh giao, 56,1% dự toán huyện giao và bằng 88,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó số thu đưa vào cân đối ngân sách là 16, 7 tỷ đồng (làm tròn số-PV). Nhiều khoản thu đạt cao như: Thu lệ phí trước bạ đạt 76,9% dự toán tỉnh, huyện giao, tăng 34,7% so cùng kỳ năm trước; thu phí và lệ phí đạt 121,1% dự toán tỉnh giao, đạt 125% dự toán huyện giao và tăng 333,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu có số thu đạt thấp như: thu tiền sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đạt 2,3% dự toán huyện giao, thu cấp quyền sử dụng đất 40% dự toán giao. Đặc biệt, thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách trên địa bàn nhưng cũng chỉ đạt 46,1% dự toán giao. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng chi ngân sách trên địa bàn huyện Tuyên Hóa là gần 214 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trên cơ sở thực tiễn thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách thời gian qua, huyện Tuyên Hóa cũng đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, đó là: Việc phân bổ, lập và công khai dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa đúng thời gian quy định. Công tác quyết toán nguồn vốn xây dựng cơ bản theo niên độ ngân sách chưa kịp thời; công tác quyết toán các công trình xây dựng cơ bản của một số chủ đầu tư chậm, nhiều sai sót và còn để thất lạc hồ sơ. Một số công chức làm công tác kế toán năng lục chuyên môn nghiệp vụ hạn chế...

Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là mùa mưa bão bắt đầu. Đây cũng là giai đoạn khó khăn trong thực hiện công tác thu, chi ngân sách của địa phương cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2014, huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên cơ sở dự toán thu chi ngân sách đã được giao tiến hành rà soát lại, chủ động phối hợp với cơ quan thuế đôn đốc các đội thuế, cán bộ thu tích cực khai thác, thu nộp kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước như phí chứng thực, phí chợ, phí bến bãi,...

Đồng thời có biện pháp khắc phục nợ hộ khoán như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng đối với các loại phương tiện vận tải. Mặt khác, Chi cục Thuế huyện cần phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn; rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp phần giảm thu do thực hiện chính sách thuế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; phân tích, đánh giá chính xác số thuế nợ đọng của từng đơn vị để tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhằm giải quyết dứt điểm nợ đọng thuế kéo dài đã nhiều năm; có biện pháp thực hiện chống thất thu ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế và chủ động nuôi dưỡng nguồn thu.

Một trong những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2014 mà huyện Tuyên Hóa đặt ra nữa là đẩy mạnh và tăng thu các khoản thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền cấp quyền sử dụng đất... Tăng cường tính công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí.

Đẩy mạnh công tác quản lý nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31-7-2013 của UBND tỉnh. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ.

Để giải quyết khâu yếu của cán bộ, UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, coi trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác tài chính, đặc biệt là công chức làm công tác kế toán các xã, thị trấn và ở các trường học. Vấn đề quan trọng nhằm góp phần ngăn chặn tiêu cực, bảo đảm điều kiện sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước và các khoản đóng góp của nhân dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương là phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý kinh tế-tài chính ở cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của HĐND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, qua đó giúp nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Khó khăn vẫn còn ở phía trước, song với những giải pháp cụ thể được đưa ra, hy vọng việc thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách của huyện Tuyên Hóa sẽ tiến hành thắng lợi. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201408/tuyen-hoa-day-manh-thuc-hien-thu-chi-ngan-sach-nam-2014-2117782/

2. Bản “bơi qua sông đi học” ở Quảng Bình đã có cầu treo

(Baoquangbinh.vn 13/8, tác giả Hương Giang)

 

Sáng 13-8, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) Đinh Quý Nhân cho biết, cầu treo bản Ông Tú, xã Trọng Hóa - nơi học sinh phải bơi qua sông để đi học đã hoàn thành, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và đời sống.

Hai năm trước, bản Ông Tú được cả nước biết tới là một vùng dân cư biệt lập, bị chia cắt bởi sông Khe Rào. Học sinh đi học phải cho quần áo, sách vở vào túi nylon rồi buộc lại bơi qua sông. Có em không có túi thì cởi quần áo một tay cầm giơ cao trên mặt nước, tay còn lại bơi qua sông để đến trường.

Ngay sau phản ánh của báo chí, huyện Minh Hóa quyết định trích từ nguồn vốn chương trình 30a số tiền 8,5 tỷ đồng và cùng với nguồn kinh phí đóng góp 1,3 tỷ đồng của bạn đọc báo Dân trí để xây dựng cầu treo Ông Tú.

Đến giữa tháng 8, cầu treo này hoàn thành với chiều dài 105m, rộng 2,7m, tạo thuận lợi cho người và phương tiện hai bánh qua lại. Từ năm học 2014-2015, học sinh bản Ông Tú không còn phải bơi đến trường.

Theo ông Đinh Quý Nhân, địa phương cũng đã sữa chữa bốn cầu treo ở các xã Dân Hóa, Hóa Thanh, Trung Hóa và Thượng Hóa để người dân đi lại an toàn, nhất là trong mùa mưa bão này.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào kế hoạch đầu tư bốn cầu treo ở huyện Minh Hóa, trong đó có hai cầu ở xã biên giới Trọng Hóa là cầu vào bản Ka Oóc và cầu bản Rôông.

“Việc đầu tư xây dựng thêm các cầu treo này không chỉ giúp cải thiện đời sống cho người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở huyện nghèo Minh Hóa” - ông Đinh Quý Nhân nói. Về đầu trang

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/24036602-ban-%E2%80%9Cboi-qua-song-di-hoc%E2%80%9D-%E1%BB%8F-qu%E1%BA%A3ng-b%C3%ACnh-da-co-cau-treo.html

III. Xã hội

1. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình

(Nhà Báo và Công Luận số ra từ ngày 15-21/8, tr2, tác giả Ngọc Thành)

 

Ngày 5.8.2014, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam, do đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội làm trưởng đoàn, đã có cuộc làm việc vời lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình tại trụ sở của Hội tại thành phố Đồng Hới.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch, đồng chí Hoàng Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực  Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình đã báo cáo tình hình hoạt động của Hội trong thời gian qua. nhấn mạnh nỗ lực của các cấp Hội trong việc củng cố tổ chức Hội, nâng cao trình độ chuyên môn báo chí, xuất bản đặc san Người làm báo, tổ chức giải báo chí của tỉnh...Lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình cũng báo cáo việc chuẩn bị về nội dung và nhân sự cho Đại hội lần thứ 6 của Hội Nhà báo tỉnh, dự kiến vào quý IV năm 2014.

Đồng chí Hà Minh Huệ ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Hội Nhà báo tỉnh trong công tác xây dựng Hội, trong chuyên môn, nghiệp vụ, đạt được nhiều giải báo chí quốc gia trong những năm gần đây. Đồng chí chỉ đạo HNB tỉnh Quảng Bình thời gian tới phát huy tốt hơn nữa vai trò của tổ chức hội, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, chuẩn bị tốt cho Đại hội nhiệm kỳ của Hội Nhà báo tỉnh, đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhân sự chủ chốt và đề nghị những người làm báo tỉnh Quảng Bình tích cực tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020.

Nhân dịp này đồng chí Hà Minh Huệ thông báo tình hình hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nâng cao trách nhiệm xã hội, ý nghĩa công dân, đạo đức nghề nghiệp, cảnh giác trước những ý đồ của những kẻ giả danh nhà báo hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước. 

 

Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình hiện có 160 hội viên, sinh hoạt tại 6 chi hội. Trên địa bàn còn có 25 nhà báo của các cơ quan báo chí thường trú, chưa sinh hoạt trong tổ chức Hội. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình có trụ sở riêng, có 5 biên chế chuyên trách công tác Hội. Tuy nhiên, hoạt động Hội vẫn còn khó khăn do hạn chế về kinh nghiệm, kinh phí hạn chế. Về đầu trang

2. Quảng Bình: Công bố bẫy ảnh ghi hình loài Sao La quý hiếm

(Sài Gòn Giải Phóng ,14/8, tr6, tác giả Minh Phong)

 

Ngày 13-8, tại TP Đồng Hới, Quảng Bình, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt và Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình chính thức công bố đã phát hiện loài Sao La qua những bức ảnh chụp được từ năm 2012 và năm 2013 bằng phương pháp bẫy ảnh ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Động Châu - Khe Nước Trong (Lệ Thủy).

Thông cáo báo chí cho biết; Sao La có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, là một loài thú lớn đặc hữu của Việt Nam và Lào, tình trạng bảo tồn rất nguy cấp trên toàn cầu. Trong nỗ lực tìm kiếm các loài động vật quý hiếm ở Khu vực Khe Nước Trong bằng phương pháp bẫy ảnh, hai cá thể Sao La đã được chụp vào hai thời điểm khác nhau của hai năm 2012 và 2013.

Một cá thể Sao La trưởng thành đã được chụp vào ngày 14-7-2012 với 9 kiểu ảnh; một cá thể Sao La khác khoảng chừng hơn một năm tuổi đã được chụp vào ngày 8-6-2013 với duy nhất một kiểu ảnh. Cả hai cá thể đều được chụp vào ban đêm lúc gần 21 giờ tối và gần 2 giờ sáng.

Các nhà khoa học khẳng định, Khe Nước Trong là 1 trong 2 khu vực duy nhất ở Việt Nam đã có sự hiện diện của loài thú cực kỳ quý hiếm trên thế giới (bị đe dọa trên toàn cầu ở mức độ rất nguy cấp).

http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2014/8/358035/#sthash.bQpUEAQO.dpuf

3. Quảng Bình: Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thế giới ca trù 

(Văn Hóa 13/8, tr2, tác giả Phạm Phú Thép)

 

Từ ngày 6 -11.8 tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao thị xã Ba Đồn, Sở VHTTDL Quảng Bình đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng đàn và hát ca trù cho các nghệ nhân ở các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn tỉnh.

Tham gia lớp bảo tồn ca trù lần này có 23 ca nương nòng cốt ở tám câu lạc bộ ca trù của các huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa. Đó là câu lạc bộ (CLB)ca trù xã Minh Hóa, CLB ca trù xã Yên Hóa (Minh Hóa); CLB ca trù Phong Châu (Tuyên Hóa), CLB ca trù thôn 4 xã Quảng Kim, CLB ca trù xã Quảng Phong, CLB ca trù xã Quảng Minh, CLB ca trù thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, CLB ca trù Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch).

Trong thời gian theo học, các ca nương đã được các nghệ nhân hát ca trù thuộc CLB Đông Dương truyền dạy kỹ năng hát 3 lối hát cửa đình tiêu biểu hiện nay ở Quảng Bình, kỹ năng sử dụng đàn đáy. Về đầu trang

4. Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Nỗ lực phá bỏ "rào cản"

(Baoquangbinh.vn 14/8, tác giả PV)

 

Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, đồng thời hỗ trợ người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, hơn 45.000 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ta cũng đang nhận được những sự hỗ trợ tích cực về pháp lý mặc dù vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, gian nan trong việc thực hiện lộ trình này.

Anh Doãn Trung Phú (Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) có khuyết tật bẩm sinh ở tay, nhưng với ý chí vươn lên trong cuộc sống, vượt qua nhiều mặc cảm, thử thách, anh đã có công ăn việc làm ổn định với một cửa tiệm nhỏ chuyên photocopy và chụp ảnh. Ngoài ra, anh cũng là một thành viên của Câu lạc bộ Người khuyết tật của xã, thường xuyên tham gia các công việc hỗ trợ, giúp đỡ cho người đồng cảnh ngộ.

Tuy vậy, trên thực tế, anh lại không nắm được những thông tin cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật như mình. Hiện tại, khi mong muốn mở rộng cơ sở kinh doanh và có nhu cầu vay vốn, anh mới bắt đầu hỏi rõ các thủ tục để thực hiện xác nhận người khuyết tật, mức độ khuyết tật và tìm hiểu các quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm...

Anh thật thà chia sẻ, từ trước đến giờ luôn nghĩ chính quyền địa phương sẽ làm hết các thủ tục này, không hề biết người khuyết tật khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình thì cần gửi đơn tới UBND xã. Theo ông Nguyễn Trường Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật xã Lộc Ninh, mỗi khi người khuyết tật có vấn đề thắc mắc, cần sự hỗ trợ về pháp lý đều trực tiếp tìm đến câu lạc bộ hoặc chính quyền địa phương để được trợ giúp.

Bản thân câu lạc bộ cũng thường xuyên cập nhật thông tin, phát tờ rơi tuyên truyền về pháp luật... cho hội viên của mình. Nhưng, nhận thức hạn chế và tâm lý mặc cảm, ngại tiếp xúc hoặc thờ ơ, không quan tâm của người khuyết tật luôn được xem là những rào cản lớn trong quá trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) luôn đánh giá công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một trong những hoạt động trọng tâm của hội. Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Quyền Chủ tịch AEPD khẳng định, bên cạnh việc xây dựng hệ thống tài liệu, đặc biệt là sách giải đáp pháp luật cho người khuyết tật dạng hỏi-đáp, tờ rơi... và thường xuyên cập nhật thông tin về pháp luật cho hơn 37 câu lạc bộ tự lực của người khuyết tật ở 5 huyện, thành phố, AEPD còn chú trọng việc lồng ghép những nội dung về pháp luật, chính sách liên quan đến người khuyết tật xuyên suốt trong các hoạt động của mình.

 

Đội ngũ cán bộ thực địa, cộng tác viên cơ sở của AEPD chính là những “trợ thủ” đặc lực nhất, để giải đáp kịp thời thắc mắc của người khuyết tật, hoặc đóng vai trò kết nối với những đơn vị liên quan để người khuyết tật có thể tìm ra cách thức giải quyết hiệu quả vấn đề mà họ đang vướng mắc. Khó khăn lớn nhất chính là tìm được sự chia sẻ từ người khuyết tật, bởi không phải bất cứ người khuyết tật nào cần hỗ trợ pháp lý đều có thể dễ dàng vượt qua rào cản tâm lý của chính mình và tìm đến địa chỉ để được tư vấn, giúp đỡ. Đó là chưa kể đến những người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng hay dạng tâm thần mãn tính.

Ông Trần Ngọc Hòa, Chủ nhiệm câu lạc bộ Người khuyết tật phường Bắc Nghĩa (TP.Đồng Hới) cho biết, vì lẽ đó, mới chỉ hơn 30% nhu cầu về pháp lý của người khuyết tật ở địa phương được đáp ứng. Mặt khác, thực tế cho thấy mặc dù các thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã được tham gia các lớp tập huấn về chính sách, pháp luật, nhưng do kiến thức rất rộng, phức tạp, thời gian tập huấn lại khá ngắn và trình độ nhận thức còn hạn chế, cho nên, việc tiếp thu và truyền đạt lại cho hội viên không hề đơn giản.

Thực trạng này được xem là khó khăn chung của hơn 37 câu lạc bộ người khuyết tật do AEPD quản lý ở tỉnh ta. Điểm thuận lợi nhất của các câu lạc bộ trong quá trình này chính nằm ở tư vấn đồng cảnh ngộ (người khuyết tật trợ giúp người khuyết tật) và đường dây nóng 04.6281.1234 tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC).

Theo báo cáo tổng hợp kết quả điều tra của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2013, trong thời gian qua, đã có 2,4% người khuyết tật được hỗ trợ tư vấn pháp lý, bao gồm tư vấn về quyền, đối thoại chính sách, tổ chức cho người khuyết tật vận động chính sách. Dự báo cho thấy số người khuyết tật có nhu cầu được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tăng rất cao, chiếm đến 61,5%, chủ yếu thông qua hình thức tư vấn pháp luật liên quan đến quyền của người khuyết tật và các chính sách hỗ trợ người khuyết tật.

Trong năm 2013, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) đã tiến hành trợ giúp pháp lý cho 114 người khuyết tật, đồng thời phối kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, đặc biệt ở các thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa. 58 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý dần định hình và phát triển, triển khai lồng ghép những nội dung liên quan đến hỗ trợ pháp luật vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của địa phương. Mạng lưới 184 cộng tác viên trợ giúp pháp lý trải khắp toàn tỉnh hoạt động hiệu quả, tích cực. Những tháng đầu năm 2014, 8 người khuyết tật được Trung tâm hỗ trợ pháp lý.

Trong hai năm 2013 và 2014, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ta, chỉ rõ các nội dung và các sở, ban, ngành, đơn vị thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, khó khăn không chỉ nằm ở nhận thức hạn chế hay thái độ mặc cảm của người khuyết tật, mà còn từ sự thiếu tập trung, chưa quan tâm đúng mức tới công tác trợ giúp pháp lý của một số cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chưa cao, chưa thực sự thu hút đông đảo người dân tham gia.

Các nội dung triển khai thực hiện khá nhiều, trong khi đối tượng và địa bàn được hưởng các chính sách trợ giúp pháp lý nói chung, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật nói riêng lại tương đối rộng. Theo thống kê, gần 90% người khuyết tật sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng còn rất vất vả, đặc biệt nhiều trường hợp cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang ven biển... điều kiện đi lại khó khăn, hiểm trở. Bên cạnh đó, trong khi hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành ngày càng nhiều, các vụ việc tranh chấp pháp lý xảy ra ngày càng tăng và phức tạp, nhưng một số trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức xã hội. Bởi, trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật, các kỹ năng chuyên sâu về tiếp cận, tư vấn... luôn được đòi hỏi cao và chặt chẽ hơn.

Trong thời gian tiếp theo, song song với việc tăng cường hỗ trợ nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các tổ chức và đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, rất cần đề cao hơn nữa trách nhiệm và sự phối kết hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, theo dõi của các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Ngoài ra, việc chú trọng quan tâm, nhân rộng các mô hình điểm trong trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và mạnh dạn đổi mới nhiều cách thức tiếp cận đa dạng, hiệu quả cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Hỗ trợ đồng cảnh ngộ, để người khuyết tật trợ giúp người khuyết tật, là một biện pháp hay, cần xem xét đánh giá để áp dụng. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201408/tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-khuyet-tat-no-luc-pha-bo-rao-can-2117781/

5. Đức Trạch (Bố Trạch): Nỗi lo khi cửa sông bị bồi lắng và sạt lở

(Baoquangbinh.vn 14/8, tác giả Đ.Nguyệt-T.Hoa)

 

Mùa hè cát bồi lắng, mùa đông sạt lở, đó là những gì đang diễn ra ở cửa sông Lý Hòa, xã Đức Trạch, Bố Trạch. Cửa sông bị bồi lắng khiến cho hàng chục tàu thuyền không có nơi neo đậu, phải vất vả tìm những cửa sông khác để neo nhờ. Không những vậy nhiều người dân phải chịu thiệt hại về tài sản khi đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông .

Xã Đức Trạch hiện có 1.700 hộ dân thì có hơn 70% hộ theo nghề biển. Số lượng tàu thuyền toàn xã tương đối lớn, trong số hơn 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì có 240 chiếc có công suất trên 90CV. Nhiều ngư dân cho biết, trước đây cửa sông Lý Hòa được xem là một trong cửa sông tấp nập, vì có lượng tàu thuyền ra vào tương đối lớn.

Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, cửa sông này không còn là nơi neo đậu, tránh trú của những tàu thuyền sau mỗi bận ra khơi. Nguyên nhân chính là do cửa sông Lý Hòa đang ngày càng bị cát bồi lắng nghiêm trọng. Có những đoạn dòng chảy đổ ra biển chỉ rộng khoảng 10m, độ sâu chưa đến nửa mét.

 

Tàu thuyền qua lại nơi đây thường xuyên bị mắc cạn. Đối với những loại tàu có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ có thể ra vào cửa sông thì cũng thường xuyên bị hư hỏng một vài bộ phận do va vào phải đá hoặc các vật cản. Sau một thời gian, những con thuyền nhỏ này phải thay lại ván thuyền hoặc chân vịt.

Những ngư dân cho biết, sau cơn bão số 10, 11 năm ngoái, nhiều gốc cây và các chướng ngại vật bị giữ lại ngay giữa cửa sông. Khi tàu thuyền, hoặc bơ nan đi qua đều bị vướng phải gây khó khăn và cản trở cho việc vận hành của tàu thuyền lúc ra biển cũng như khi vào bờ. Để bảo đảm an toàn, nhiều chủ tàu đã lựa chọn cách tìm các cửa sông khác như Roòn, Thanh Khê... để tránh trú sau mỗi chuyến ra khơi.

Đối với một địa phương lâu nay kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào ngư nghiệp như Đức Trạch thì cửa sông, cửa biển Lý Hòa đóng vai trò không nhỏ. Tuy nhiên, khi cửa sông này bị bồi lắng, tàu thuyền không thể ra vào neo đậu khiến cho không chỉ ngư dân gặp khó mà kéo theo đó nhiều dịch vụ cũng lâm vào tình cảnh khó khăn.

Một chủ kinh doanh xăng dầu cho biết, tàu thuyền không thể ra vào cửa sông buộc họ phải mất thêm chi phí để vận chuyển xăng dầu từ Lý Hòa đến tận các cửa sông khác để cung cấp xăng dầu cho các chủ tàu thuyền ở Đức Trạch đang neo đậu ở đó. Hay như cơ sở đóng tàu thuyền có công suất lớn ở gần cửa sông Lý Hòa cũng không ngoại lệ.

Mặc dù cửa sông bị bồi lắng nhưng theo những người đóng tàu nơi đây cho hay, không có vị trí nào phù hợp hơn cho việc đóng mới tàu thuyền. Mỗi lần hạ thủy cho tàu ra khơi, các chủ tàu cũng phải bỏ thêm tiền bạc thuê tàu máy kéo tàu thuyền ra khỏi cửa sông Lý Hòa hoặc tốn thêm nhiên liệu để chạy tàu vượt qua khu vực bãi cạn. Khi đã ra được biển, họ phải neo đậu tàu thuyền thêm vài ngày để kiểm tra, sửa chữa lại những bộ phận hỏng hóc như chân vịt... do va vào các vật cản rồi mới tiếp tục vươn khơi.

Ông Nguyễn Tất Thành, Phó chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết: Việc cửa sông Lý Hòa đang dần bị bồi lắng nghiêm trọng khiến tàu thuyền không thể ra vào để neo đậu, phải đi các cửa sông khác để neo nhờ. Vì vậy, sản phẩm sau mỗi chuyến ra khơi, đánh bắt về khó tiếp cận được với địa phương, các dịch vụ nghề cá vì thế cũng khó có thể phát triển được. Mong muốn lớn nhất của chính quyền và ngư dân Đức Trạch là được sự quan tâm của cấp trên xem xét cải tạo, khơi thông các luồng lạch.

Cùng với nỗi lo cửa sông Lý Hòa đang dần bị bồi lắng nghiêm trọng thì rất nhiều hộ dân nơi đây cũng đang trong tâm trạng bất an khi phải sống chung với tình trạng xâm thực, sạt lở mỗi lúc mùa mưa bão đến. Dọc cuối bờ sông Lý Hòa, đoạn qua thôn Nam Đức, xã Đức Trạch hàng chục hộ dân đứng ngồi không yên khi nhiều năm nay, dòng sông cứ từng ngày ăn sâu vào làng khiến nhiều người bất an.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, thôn Nam Đức có 470 hộ dân thì đã có 30 hộ dân đang nằm trong diện buộc phải di dời do sạt lở nhưng chưa di dời được... Mỗi năm lũ về, dòng sông cứ lấn dần vào khu dân cư, khiến nhiều người đi chẳng đành mà ở cũng không xong.

 

Ông Trương Phi, Trưởng thôn Nam Đức cho biết: “Những năm trước, muốn ra sông phải đi bộ mất cả trăm mét, nhưng nay con sông đã đổi dòng, lấn sâu, kề sát vườn của nhiều nhà dân. Cứ sau mỗi trận lũ, lòng sông lấn vào bờ thêm một ít". Trung bình, mỗi năm sông Lý Hòa xâm thực vào đất liền khoảng 3-5m, có khi lên đến 7-8m, với chiều dài gần 500m. Nhiều người dân cho hay, trước đây, những hàng dương được người dân trong thôn trồng để chắn sóng đều bị con sông này nuốt chửng. Nhiều tài sản của người dân cũng tan theo dòng nước.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Mai Thanh Bình tiếc nuối: Trước đây, gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, chỉ một thời gian anh phải chấp nhận từ bỏ tài sản của mình khi dòng sông cứ lấn dần và nuốt nguyên cả hồ.

Do tình trạng sạt lở quá nghiêm trọng, nhiều hộ dân, trong đó có hộ của bà Trương Thị Bình và hộ anh Nguyễn Xuân Vĩnh ở thôn Nam Đức đã di dời đi nơi khác để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, với hơn 30 hộ nằm trong diện cần di dời thì kinh phí để người dân xây lại nhà cửa kiên cố không phải là ít. Trong khi đó, việc xây kè ngăn sạt lở thì lại vượt quá tầm của chính quyền xã nên chỉ biết trông chờ vào cấp trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tất Thành cho biết thêm, việc xây kè ngăn sạt lở hiện nay vượt quá tầm của chính quyền địa phương. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở lại càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chính quyền và nhân dân đã nhiều lần kiến nghị lên HĐND tỉnh, huyện để mong được sự quan tâm, giúp đỡ. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn đang phải sống chung với nạn sạt lở, nguy cơ mất an toàn mỗi mùa mua bão vẫn là nỗi lo thường trực của nhiều hộ dân nơi đây. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201408/duc-trach-bo-trach-noi-lo-khi-cua-song-bi-boi-lang-va-sat-lo-2117784/

6. Quảng Bình: Đất, mộ người dân có nguy cơ bị xóa sổ

(Lao Động 13/8, tác giả Lê Phi Long)

 

Đời sống người dân vùng hạ lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khi nhà máy thủy điện Hố Hô được khởi công đến nay.

Theo báo cáo của UBND H.Tuyên Hóa, từ khi nhà máy thủy điện Hố Hô được xây dựng và hoạt động đã làm thay đổi dòng chảy khiến hơn 31ha đất sản xuất của 196 hộ dân vùng hạ lưu bị vùi lấp và sạt lở nghiêm trọng.

Quá trình sạt lở diễn ra với cường độ liên tục và gia tăng theo từng năm. Trung bình người dân nơi đất mất khoảng 4ha đất nông nghiệp/năm.  Ngoài ra, 24 ngôi mộ ở hạ lưu thủy điện Hố Hô hiện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phần đất xói lở chỉ còn cách phần mộ chừng 10m.

Điều đáng nói, hiện nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn chưa có phương án hỗ trợ di dời cho người dân trong khi mùa mưa bão đã cận kề, nguy cơ số mộ trên bị xóa sổ là rất cao. Trước thực trạng trên, người dân đã rất nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 1 nhằm có phương án khắc phục và đền bù, hỗ trợ thiệt hại nhưng đến nay phía Cty vẫn không có động thái nào khiến đời sống người dân đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Về đầu trang

http://laodong.com.vn/xa-hoi/quang-binh-dat-mo-nguoi-dan-co-nguy-co-bi-xoa-so-234024.bld

7. Gần 1,5 triệu USD bảo vệ rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Bình

(Nhân Dân 13/8, tác giả Hương Giang)

 

Để bảo vệ đa dạng sinh học vùng rừng Động Châu - khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy giai đoạn 2014-2019, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình huy động được gần 1,5 triệu USD từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khởi động Dự án “Bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu - khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình” do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình tổ chức ngày 13-8, tại TP Đồng Hới.

Dự án nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học độc đáo và phát huy các giá trị dịch vụ hệ sinh thái của dải rừng lá rộng thường xanh trên đất thấp của khu vực phía tây nam tỉnh Quảng Bình và phía tây bắc tỉnh Quảng Trị với diện tích gần 20.000 ha.

Bên cạnh hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, Dự án còn trợ giúp phát triển sinh kế cho cộng đồng sống chung quanh khu vực rừng phòng hộ Động Châu, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Dự án dự kiến thực hiện trong 30 năm. Riêng năm năm đầu tiên (2014-2019) nguồn vốn hỗ trợ gần 1,5 triệu USD từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Tại hội thảo, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cũng công bố kết quả khảo sát đa dạng sinh học bằng phương pháp bẫy ảnh tại vùng rừng khe Nước Trong từ năm 2011 đến nay. Qua đó ghi nhận được 57 loài động vật hoang dã, trong đó có tám loài đang bị đe dọa săn bắn và gần bị đe dọa trên toàn cầu, trong đó có sự xuất hiện của bốn loài thú gồm sao la, mang lớn, mang Trường Sơn và thỏ vằn.

Riêng sao la là loài thú cực kỳ quý hiếm trên thế giới lần đầu tiên được phát hiện tại rừng khe Nước Trong. Về đầu trang

http://www.nhandan.org.vn/khoahoc/moi-truong/item/24037102-gan-1-5-trieu-usd-bao-ve-rung-va-da-dang-sinh-hoc-%E1%BB%8F-qu%E1%BA%A3ng-b%C3%ACnh.html

8. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng:Thẩm định hồ sơ di sản lần 2

(Giáo Dục và Thời Đại 13/8, tác giả Nhật Lệ)

 

Ngày 12/8, Tổ chức UNESCO thế giới đã cử các chuyên gia bảo tồn động thực vật hoang dã thế giới đến Quảng Bình thẩm định hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai đối với Vườn quốc gia này từ ngày 12- 16/8 để nghiên cứu xem xét các lĩnh vực về sinh thái, các loại đa dạng sinh học…

Đoàn thẩm định gồm 2 chuyên gia của tổ chức Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên thế giới (IUCN), một chuyên viên của Ủy ban UNESCO Việt Nam và ông Nguyễn Duy Lương chuyên gia bảo tồn độc lập.

Ngoài ra đoàn chuyên gia cũng sẽ nắm bắt thông tin từ người dân để xác định đa dạng sinh học mới nhằm bổ sung bổ sung vào hồ sơ đệ trình lên UNESCO và lập các phương pháp bảo tồn trong tương lai. Về đầu trang

http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/vuon-quoc-gia-phong-nha-ke-bangtham-dinh-ho-so-di-san-lan-2-230220-c.html

9. Bình yên Phúc Trạch

(Đại Đoàn Kết 14/8, tr6,  tác giả Xuân Thi)

 

Để người dân có cuộc sống yên bình, mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” như chất men khơi dậy tinh thần lao động hăng say, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bình yên, giàu đẹp.

Nằm ở vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, xã Phúc Trạch là xã miền núi có nhiều tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 2.753 hộ với trên 11.428 nhân khẩu, phân bố ở 12 thôn, trong đó có 96% đồng bào theo đạo Công giáo tham gia sinh hoạt tại 2 giáo xứ và 6 giáo họ. Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” với 5 nội dung về "xứ, họ đạo bình yên” và 5 tiêu chí về "gia đình hòa thuận” ở Phúc Trạch đã dần dần đi vào cuộc sống. Đặc biệt, với sự quan tâm của các vị linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ, họ đạo phối hợp với chính quyền địa phương đến nay, mô hình đã lan tỏa về tận 12 khu dân cư với 100% các hộ gia đình tham gia.

Đến thôn 1 Phúc Đồng ở giáo xứ Đồng Troóc nơi có 350 hộ với trên 1.500 khẩu, trong đó bà con theo đạo Công giáo chiếm 99%. Trước đây, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở thôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, ý thức công dân chấp hành chính sách, pháp luật còn yếu... Triển khai thực hiện mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình gương mẫu”, thôn 1 Phúc Đồng đã họp chi bộ, bàn thống nhất biện pháp, ra Nghị quyết thực hiện.

Ông Đinh Bá Phúc, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, trước tiên nhân dân trong thôn phải đoàn kết, đồng thuận với chủ trương, mọi việc chung của thôn đều được dân biết, dân bàn và thực hiện bằng chính nội lực của người nay, an ninh trong thôn được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, thôn đã xây dựng được 2 tuyến đường liên thôn, 18 tuyến đường nội thôn, cứng hóa nền đường đảm bảo chất lượng với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.

Hiện tại, chính quyền địa phương và 12 thôn ở xã Phúc Trạch đã triển khai thực hiện mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” nên công tác an ninh trật tự trên địa bàn toàn xã ổn định. Điều đáng ghi nhận là các vị linh mục, hội đồng mục vụ các xứ, họ đạo và toàn thể giáo dân không chỉ đồng tình ủng hộ mà còn tích cực tham gia vào công tác an ninh trật tự ở cơ sở.

 

Anh Nguyễn Trọng Tuyên ở thôn 3 Phúc Đồng cho biết, sau nhiều thời gian bươn chải kiếm sống nhưng cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình anh. Quyết tâm xóa đói giảm nghèo ngay từ vùng đất quê hương, vợ chồng anh mạnh dạn vay mượn nguồn vốn đề đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng tiêu và những cây dài ngày khác. Đến nay, cuộc sống gia đình anh đã đảm bảo, có của ăn của để, vợ chồng hòa thuận. Riêng bản thân anh Tuyên luôn nhiệt tình tham gia các tổ tuần tra, tổ an ninh ở khu dân cư để đảm bảo bình yên thôn xóm.

Không chỉ đảm bảo bình yên thôn xóm, gia đình hòa thuận, đồng bào giáo dân ở các khu dân cư trên địa bàn xã Phúc Trạch đã đồng sức đồng lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới với các công trình ý nghĩa, nhiều đoạn đường được làm mới do nhân dân tự quản. Điển hình như đoạn đường vào nhà thờ xứ Troóc; đoạn đường từ đường Hồ Chí Minh qua nhà thờ xứ Chày; đoạn đường từ nhà thờ Đồng Thanh nối sang thôn 1 Thanh Sen; hay như đoạn đường bao quanh thôn 1 Phúc Khê…

Dọc theo con đường làng đã được cứng hóa uốn lượn bên những vườn tiêu xanh mướt mắt, chúng tôi tới một điểm đặt tiếng kẻng an ninh tại thôn 2 Phúc Đồng.

Nhìn chiếc kẻng được treo ngay ngắn nơi góc sân, ông Nguyễn Hữu Thời, Trưởng thôn hồ hởi cho biết: Từ khi đi vào hoạt động, tiếng kẻng an ninh có rất nhiều tác dụng. Nó thôi thúc việc học tập của các cháu học sinh vào ban đêm. Cụ thể, cứ vào 19 giờ tối, sau khi nghe tiếng kẻng, các cháu ngồi vào bàn học bài, người lớn trong gia đình mở nhỏ tivi để không ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu. Những lúc thôn có họp dân, tiếng kẻng thông báo cho mọi người đến đúng giờ. Ngoài ra, từ ngày có tiếng kẻng, các đám hiếu, hỉ trong thôn đã chấp hành tốt quy định về sử dụng âm nhạc, âm thanh để không ảnh hưởng đến xóm giềng lúc đêm khuya.

Theo như lịch phân công, cứ sau 22 giờ đêm, khi nghe hiệu lệnh tiếng kẻng thì các tổ tuần tra thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn khu dân cư. Tiếng kẻng còn nhắc nhở nhân dân tắt điện, đóng cửa, kiểm tra tài sản, nâng cao ý thức cảnh giác để phòng các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra. Và càng đặc biệt hơn, khi địa bàn xã Phúc Trạch gần rừng nên tiếng kẻng góp phần đắc lực trong việc báo động, huy động lực lượng nhanh chóng kịp thời để chữa cháy rừng hiệu quả khi có sự cố.

Đến thời điểm hiện nay, 12 thôn ở xã Phúc Trạch đã có tiếng kẻng an ninh, qua đó góp phần tạo ra nền nếp sinh hoạt lành mạnh, giảm thiểu khả năng xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn. Về đầu trang

http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=87477&menu=1371&style=1

IV. An ninh – Quốc phòng

1. Hội đàm giữa BĐBP Quảng Bình và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn, Lào

(Bienphong.com.vn 14/8, tác giả Trung Chính – Đức Trí)

 

Nhận lời mời của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào, từ ngày 12 đến ngày 14-8, Đoàn Đại biểu Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình do Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình làm Trưởng đoàn đã thăm và hội đàm với Đoàn đại biểu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn. Những nội dung được hai bên ký kết tại Hội đàm lần này tiếp tục góp phần xây dựng biên giới hai tỉnh Quảng Bình-Khăm Muộn ngày càng ổn định và phát triển.

Tại buổi hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình chung của hai địa phương; tình hình lực lượng, tình hình biên giới và công tác phối hợp bảo vệ biên giới, những vấn đề còn tồn tại và đề ra phương hướng phối hợp trong thời gian tới.

Trong những năm qua, tình hình khu vực biên giới giữa hai tỉnh Quảng Bình - Khăm Muộn luôn ổn định, hai lực lượng đã phối hợp giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nguyên trạng hệ thống đường biên, mốc quốc giới; thực hiện có hiệu quả Dự án tôn tạo và tăng dày mốc quốc giới Việt Nam-Lào; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới nắm vững và chấp hành nghiêm pháp luật của mỗi nước, Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Lào; phối hợp tuần tra song phương, kiểm tra đoạn biên giới và mốc giới giữa hai tỉnh; phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng quy định của Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Lào.

Phối hợp chặt chẽ trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống hoả hoạn, thiên tai, dịch bệnh. Duy trì tốt chế độ hội đàm, giao ban trao đổi tình hình, thăm hỏi, chúc mừng nhân các ngày lễ, tết, ngày truyền thống của nhau.

Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ biên giới cho 18 cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn, giúp đỡ cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn đi khám, điều trị bệnh và một số vấn đề khác, góp phần giữ vững tình cảm đoàn kết đặc biệt, tạo thuận lợi và giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Thừa ủy quyền Bộ Tư lệnh BĐBP, Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình trao Kỷ niệm chương cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung trong thời gian tới, Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ, thống nhất một số nội dung trọng tâm, trong đó có tổ chức ký kết nghĩa lực lượng bảo vệ biên giới giữa các đồn BP tuyến biên giới Quảng Bình và các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn.

Trong dịp này, thừa ủy quyền của Tư lệnh BĐBP, Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình đã trao tặng Kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc" cho 13 đồng chí lãnh đạo thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn.

Đoàn cũng đã đến thăm và trao tặng Kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc" cho 5 đồng chí lãnh đạo thuộc Sở An ninh tỉnh Khăm Muộn vì đã có nhiều công lao, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia hai nước Việt Nam-Lào. Về đầu trang

http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/hoi-dam-giua-bdbp-quang-binh-va-bo-chi-huy-quan-su-tinh-kham-muon-lao/26535.bbp

V. Điểm tin đã đưa

 

Tài nguyên và Môi trường 14/8, tr9 điểm lại tin: Nhiều gia đình tại Tân Hóa (Minh Hóa) đang làm nhà bè chống bão lũ bằng thùng phi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ chưa làm được vì mua thùng phi cũng mất một số tiền lớn. Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG