Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 20-10-2021

Post date: 20/10/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 2

  1. Thủ tướng: Có những quyết định rất nhanh trong một khoảnh khắc rất khó khăn. 2
  2. Thứ trưởng Bộ Y tế: “Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới làm được điều này”  2
  3. Điều chỉnh kinh phí mua trang thiết bị phòng, chống COVID-19. 5
  4. 32 tỉnh thành công bố cấp độ dịch, không nơi nào thuộc cấp độ 3, 4, Việt Nam đã "an toàn" trở lại?. 5
  5. Quận huyện TP HCM phải đánh giá cấp độ dịch hàng tuần. 6
  6. Lý do TP HCM chưa triển khai Nghị quyết 128. 7
  7. Liên tục đổi cách chống dịch, Quảng Ninh gây khó lực lượng chức năng. 8

MÔ HÌNH HAY CHỐNG COVID-19. 9

  1. Bài học từ chống dịch ở Kon Tum: Lấy dân làm gốc, xây dựng tổ Covid cộng đồng vững mạnh. 9

TIN QUỐC HỘI 11

  1. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chia làm 2 đợt, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. 11
  2. Xây dựng đề án xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền. 12

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP. 12

  1. Việt Nam được đánh giá cao về phục hồi kinh tế. 12
  2. Chuyên gia thế giới: Việt Nam là điểm đến đầu tư thân thiện nhất châu Á.. 13
  3. VESS dự báo GDP Việt Nam 2021 có thể đạt từ 0.2% ~ 1.8%.. 15
  4. Đề xuất chưa tiêm vaccine vẫn được đi máy bay. 16
  5. Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI 17

QUẢN LÝ.. 18

  1. TP HCM giải trình việc “chủ tịch không tiếp dân suốt 18 tháng”. 18
  2. Hà Nội: 21 lãnh đạo phường phải nghỉ việc khi thí điểm chính quyền đô thị 19
  3. 83% chuyên gia nước ngoài lạc quan về cuộc sống ở Việt Nam.. 20
  4. Phát hiện mới trong thống kê giới Việt Nam 2020: Người dân ở vùng nào dễ “ế” nhất?. 21
  5. Biến động thứ hạng địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất: Hà Nội tụt bậc, Đà Nẵng ra khỏi top 10. 22
  6. Lộ diện tỉnh có dân nhập cư nhiều hơn cả TP. HCM, Đà Nẵng: Cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở đây, thì 1 người là đến từ tỉnh khác. 23

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 24

  1. TP.HCM giảm 50% lệ phí cấp sổ hồng, đăng ký cư trú qua mạng. 24
  2. Tây Ninh: Triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính. 25

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 25

  1. Khi bộ ngành, địa phương trả vốn ODA: Lo hay mừng?. 25

THẾ GIỚI 27

  1. Ả Rập Saudi: Nhiều quan chức Chính phủ bị cáo buộc tham nhũng. 27

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Thủ tướng: Có những quyết định rất nhanh trong một khoảnh khắc rất khó khăn

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số nguyên nhân giúp chúng ta đạt được những kết quả bước đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản trên phạm vi toàn quốc. Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ngày 17/10.

Hội nghị đã đánh giá những kết quả bước đầu, những bước ngoặt quan trọng trong phòng, chống đợt dịch thứ 4, thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, để rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược phòng dịch tốt hơn cho giai đoạn trở lại cuộc sống bình thường mới.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân giúp chúng ta đạt được kết quả nói trên, mà trước hết là sự nỗ lực, phấn đấu, cố gắng hết mình của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, đóng góp của của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chúng ta đã kế thừa những biện pháp phù hợp trước đây, đồng thời bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đổi mới, đưa ra giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện một số biện pháp có tính chất bước ngoặt như điều động lực lượng hỗ trợ các địa phương tâm dịch; chuyển hướng chiến lược từ tập trung sang phân cấp tới tận cơ sở trong triển khai các biện pháp y tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân vừa là chủ thể, là trung tâm trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

"Có những quyết định rất nhanh trong một khoảnh khắc rất khó khăn. Tôi nói thật với các đồng chí là rất khó khăn đối với chúng tôi lúc bấy giờ. Tất nhiên có sự lãnh đạo của các đồng chí chủ chốt, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban chấp hành Trung ương. Nhưng thực sự chúng ta đứng trước thử thách rất lớn mà chúng ta phải chịu trách nhiệm" - Thủ tướng phát biểu. (VTV.vn 18/10)Về đầu trang

Thứ trưởng Bộ Y tế: “Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới làm được điều này”

Tại buổi Tọa đàm: "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới", lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã đưa ra những kết quả nổi bật, và kinh nghiệm được rút ra trong công tác chống dịch tại Việt Nam trong thời gian qua.

Mở đầu tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam:

Thứ 1, đó là sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân. Cả nước đã đồng lòng triển khai các chủ trương, chính sách với tinh thần cao, quyết liệt, cùng với đó là sự chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh: "Đối với đợt dịch thứ 4 - biến chủng Delta lây lan mạnh, phức tạp, rất khó khăn trong vấn đề dự báo, nhưng với sự phối hợp của toàn dân, toàn quân, và các cấp chính quyền, thì đến nay, chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19".

Thứ 2, xác định giải pháp cho từng thời điểm cụ thể, Bộ Y tế đã nhanh chóng ban hành hướng dẫn về quy định cách ly, tiêm phòng, khoanh vùng diện hẹp, tổ chức xét nghiệm nhanh, thần tốc, để làm sao tiến độ xét nghiệm phải đi trước tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Thứ 3, Việt Nam đã làm tốt công tác ngoại giao vaccine, trong bối cảnh cả thế giới đều đang khan hiếm nguồn cung vaccine. Đến nay, vaccine tại Việt Nam đã đạt được độ bao phủ nhất định trong cộng đồng, tạo tiền để cho khôi phục, phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân sớm trở lại bình thường.

Thứ 4, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus Covid-19.

Về công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch, đến nay, nước ta đã có hệ thống kết nối trên 1.000 điểm cầu để tiến hành hội chẩn, thảo luận giữa các tỉnh, thành.

Đặc biệt, gần đây nhất, các điểm cầu xã, phường đã kết nối được với ban chỉ đạo Trung ương để thuận tiện cho quá trình thông tin kịp thời, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp cho từng thời điểm, tại từng địa phương.

Ngoài ra, Việt Nam còn ứng dụng công nghệ để truy vết, khai báo y tế. Ứng dụng PC-Covid đã tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ người dân, mà còn góp phần giúp các cấp chính quyền kiểm soát tốt dịch bệnh, kịp thời ứng phó với đại dịch.

Thứ 5, hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh nghiên cứu vaccine trong nước, hướng tới mục tiêu chủ động vaccine trong thời gian sớm nhất. Việt Nam đã có vaccine thử nghiệm ở giai đoạn 3, và 1 số loại vaccine trong nước khác đang được triển khai nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin những khó khăn trong công tác chống dịch tại Việt Nam trong thời gian qua như sau:

Thứ 1, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành khác trên cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam, trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, công tác điều hành của các cấp thời gian đầu còn lúng túng, bị động. Có nhiều nơi còn nóng vội, chưa kịp thời điều chính theo tình hình dịch bệnh. Các quy định trong thời gian đầu còn chưa bao quát được hết tình huống. Song, cần nhìn nhận rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện công tác phòng chống dịch như vậy, trước đây chưa từng có tiền lệ.

Thứ 2, khâu tổ chức vẫn còn khá yếu, khi đưa các chính sách để tổ chức thực hiện tại từng vùng, có nhiều nơi còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa phù hợp với điều kiện của từng địa phương khác nhau, từ đó chưa đảm bảo được hiệu quả của chính sách.

Thứ 3, hệ thống y tế còn bộc lộ 1 số hạn chế như y tế cơ sở, và y tế dự phòng. Người dân rất khó tiếp cận được các dịch vụ y tế, dẫn đến tình trạng dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Đặc biệt, các sinh phẩm y tế, vaccine,... vẫn dựa vào nguồn nhập khẩu là chính, trong nước chưa sản xuất được, nên bước đầu vẫn bị động, chưa đảm bảo được 1 số chính sách mà cấp chính quyền đưa ra.

Thứ 4, công tác truyền thông vẫn chưa chuẩn bị kỹ, kịp thời, nên cũng còn nhiều lúng túng. Các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chống dịch, trong thời gian đầu vẫn chưa tích hợp thành 1 nền tảng thống nhất, dẫn đến việc quản lý đi lại,... còn chậm, khiến người dân chưa cập nhật được thông tin về Covid-19, một cách kịp thời.

Từ những khó khăn và kết quả nổi bật trong đợt dịch vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã đưa ra những bài học cho Việt Nam:

Thứ 1, cần lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, và phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và toàn dân. Đồng thời, phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tất cả nguồn lực cả trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.

Thứ 2, phải phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền để tăng cường kiểm tra giám sát, kết hợp hài hòa giữa "4 tại chỗ", tập trung nguồn lực nhiều hơn để hỗ trợ những vùng đang có hoặc có nguy cơ bùng dịch, để xử lý kịp thời ngay từ đầu.

Thứ 3, bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo, để đưa ra biện pháp kịp thời, xây dựng công tác phòng chống dịch từ sớm, đồng bộ giữa các cấp.

Thứ 4, người dân cần bình tĩnh, không hốt hoảng,... trước những diễn biến mới của đại dịch. Do việc chống dịch chưa từng có tiền lệ, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, cần tham khảo các kinh nghiệm của các nước với các giải pháp hiệu quả, để thực hiện kiên định, nhất quán và quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, khi thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta phải thực hiện nghiêm, đúng, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu của từng chính sách, từng biện pháp, để triển khai linh hoạt, hiệu quả, nhưng vẫn phải đảm bảo an sinh cho người dân.

Thứ 5, cần huy động tổng lực ngành y tế, thiết lập điều trị từ sớm, từ xa. Hiện nay, chúng ta đã thành lập được các trạm y tế lưu động từ các cấp cơ sở,... đảm bảo cho người dân tiếp cận được dịch vụ y tế ngay từ ban đầu, không chỉ trong thời gian phòng chống dịch, mà còn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, cần tiếp cận và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về vaccine, đồng thời, làm tốt công tác thông tin truyền thông, chủ động đi trước 1 bước để người dân hiểu, đồng cảm,... với những biện pháp chính quyền đưa ra.

Ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, có làm được những điều này thì trong thời gian tới, công tác phòng chống dịch sẽ được triển khai tốt hơn, đồng bộ và nhất quán hơn. (Cafef.vn 19/10, Hồng Nhuận)Về đầu trang

Điều chỉnh kinh phí mua trang thiết bị phòng, chống COVID-19

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1737/QĐ-TTg điều chỉnh nội dung chi của Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 3/6/2021 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để trang bị phòng xét nghiệm lưu động.

Cụ thể, Quyết định điều chỉnh nội dung chi của số kinh phí 48.400 triệu đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 tại Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 3/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ để mua 5 xe xét nghiệm lưu động phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 chuyển sang mua vỏ đựng oxy y tế và các vật tư đi kèm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên bảo đảm đúng quy định, đúng mục đích, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. (VTV.vn 19/10)Về đầu trang

32 tỉnh thành công bố cấp độ dịch, không nơi nào thuộc cấp độ 3, 4, Việt Nam đã "an toàn" trở lại?

Đến 18 giờ ngày 18/10/2021, trong 32 tỉnh thành công bố cấp độ dịch COVID-19, có đến 18 tỉnh là cấp độ 1, 14 tỉnh, thành phố thuộc cấp độ 2, và không nơi nào ở cấp độ 3, 4.

18 địa phương xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 1 gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Sóc Trăng.

Riêng với Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn Hà Nội với các tiêu chí 1 (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian); tiêu chí 2 (về độ bao phủ vaccine) ở cấp độ 1.

Tại Ninh Bình, mặc dù chưa công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128, nhưng theo lãnh đạo UBND tỉnh, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương hiện nay tương ứng với cấp độ 1.

Hoạt động vận tải hành khách, lưu thông nội tỉnh; hoạt động của các cơ quan, công sở, trường học diễn ra bình thường. Ninh Bình kiểm soát chặt chẽ những người vào tỉnh từ huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), và thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), đây là 2 địa phương đang có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

14 địa phương xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 2 gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long.

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố chưa chính thức ban hành văn bản xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 nhưng đã có hướng dẫn, triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch để ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo đó, Nghị quyết 128 quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Với 32/63 tỉnh thành đã công bố, đều thuộc cấp độ dịch có nguy cơ thấp và trung bình. Quá bán tỉnh thành thuộc cấp độ 1, 2 như vậy, liệu Việt Nam đã đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh?

Phát biểu tại tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới", lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: "Đối với đợt dịch thứ 4 - biến chủng Delta lây lan mạnh, phức tạp, rất khó khăn trong vấn đề dự báo, nhưng với sự phối hợp của toàn dân, toàn quân, và các cấp chính quyền, thì đến nay, chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19". (Cafef.vn 19/10, Hồng Nhuận)Về đầu trang

Quận huyện TP HCM phải đánh giá cấp độ dịch hàng tuần

Kết quả cấp độ dịch ở quận, huyện phải đối chiếu, so sánh với cấp độ của phường, xã, thị trấn trực thuộc để có giải pháp can thiệp phù hợp và báo cáo vào thứ 6 hàng tuần.

Nội dung được đề cập trong công văn của Sở Y tế TP HCM gửi Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quận, huyện trên địa bàn về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế, hôm 17/10.

Theo đó, dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, quận, huyện đánh giá phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các địa phương phải đánh giá cấp độ dịch vào thứ 6 hàng tuần. Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn tổng hợp và báo cáo về ban chỉ đạo cấp huyện.

Nghị quyết 128 được Chính phủ ban hành hôm 11/10 có 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ. Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi một, tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.

Nghị quyết này khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Về đánh giá cấp độ dịch tại quận, huyện, Sở Y tế yêu cầu đảm bảo chỉ số đánh giá có cùng thời gian với phường, xã, thị trấn trực thuộc. Kết quả cấp độ dịch ở quận, huyện phải đối chiếu, so sánh với cấp độ dịch của phường, xã, thị trấn trực thuộc để có giải pháp can thiệp phù hợp. Ban chỉ đạo cấp huyện tổng hợp báo cáo về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP HCM cùng kế hoạch can thiệp với địa bàn dịch diễn biến theo chiều hướng xấu (cao hơn ít nhất một cấp so với cấp độ đánh giá của toàn quận, huyện).

Căn cứ kết quả đánh giá, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố sẽ công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch của từng địa phương tại Cổng thông tin Covid-19 TP HCM và Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, TP HCM chưa ở giai đoạn "bình thường mới", chỉ cơ bản kiểm soát được dịch, chuyển từ cấp độ xấu nhất là "vùng đỏ" xuống "vùng cam". Nếu tình hình kiểm soát dịch chuyển biến tốt, người dân thực hiện nghiêm 5K và tiêm vaccine, mới có thể xuống cấp độ 2 - "vùng vàng". Sau đó, thành phố tiến tới cấp độ 1 là "vùng xanh" - lúc này mới sang giai đoạn "bình thường mới". (Vnexress.net 18/10, Hữu Công)Về đầu trang

Lý do TP HCM chưa triển khai Nghị quyết 128

Tinh thần chung của Nghị quyết 128 đã vận dụng và cập nhật trong Chỉ thị 18 nên thành phố chưa có kế hoạch triển khai nghị quyết này, theo lãnh đạo TP HCM.

Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa X sáng 19/10, khi báo cáo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn.

Theo ông Mãi, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, trong đó nghiên cứu, tiếp thu các định hướng từ dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 của Trung ương. Chỉ thị 18 về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố áp dụng từ ngày 1/10 cũng đã tiếp thu những nội dung mới nhất trong bản dự thảo mà sau này trở thành Nghị quyết 128 của Chính phủ.

"Đó là lý do đến giờ này, TP HCM chưa có kế hoạch tổng thể triển khai Nghị quyết 128. Trên thực tế, tinh thần chung Nghị quyết 128 đã được vận dụng trong Chỉ thị 18", ông Mãi nói và cho biết thành phố đang khẩn trương tổng kết làn sóng dịch thứ 4, để cuối tháng 10 này ban hành phương án phòng chống tổng thể.

Nghị quyết 128 quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 được Chính phủ ban hành hôm 11/10. Theo đó, 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi một, tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.

Đến nay, có 40 tỉnh, thành công bố cấp độ dịch bệnh theo Nghị quyết mới của Chính phủ. Trong đó, 20 địa phương đạt cấp 1 (bình thường mới); 20 tỉnh cấp 2 (nguy cơ trung bình).

Trước đó, sau 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, hôm 30/9 UBND TP HCM ban hành Chỉ thị 18 Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, áp dụng từ đầu tháng 10. Nhiều cơ quan, ngành nghề kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo an toàn với Covid-19. Sau gần 20 ngày "mở cửa", nhiều quán xá đã hoạt động, đường phố nhộn nhịp, đô thị lớn nhất nước phần nào lấy lại sức sống.

Về hướng phòng chống dịch thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố cho biết thành phố sẽ có cơ chế giám sát, cảnh báo và có cơ sở dữ liệu khoa học làm nền tảng phục vụ việc ra quyết định để điều chỉnh theo hướng nới lỏng hay siết chặt các biện pháp ở từng địa bàn, thời điểm.

Thành phố cũng sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và cộng đồng, gắn với hoàn thiện và phát huy mô hình điều trị 3 tầng cũng như tiêu chí an toàn phòng, chống dịch. Mục tiêu là đảm bảo năng lực phản ứng y tế khi có tình huống dịch.

Các bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch cũng được hoàn thiện, cập nhật để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đời sống theo kết quả kiểm soát dịch.

Thành phố sẽ đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người già neo đơn, trẻ mồ côi; có kế hoạch tri ân những đóng góp và mất mát, hy sinh trong đại dịch. Đồng thời, chính quyền thành phố tập trung nghiên cứu, đề xuất cải thiện nhà trọ, nhà trên kênh rạch, thay thế chung cư cũ... đảm bảo đời sống người dân.

Liên quan kế hoạch dạy học trực tiếp, ông Phan Văn Mãi đánh giá việc mở cửa trường học là vấn đề phức tạp, yêu cầu đặt ra là tổ chức dạy học trong môi trường an toàn. Các trường trước đây được sử dụng cho công tác phòng chống dịch thì nay được sửa chữa lại. Ngành giáo dục cần điều chỉnh chương trình cho phù hợp với điều kiện giãn cách, rút gọn nhưng đảm bảo trọng tâm, trọng điểm.

Về vấn đề tiêm vaccine, ông Mãi cho biết thành phố thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng với "nguyên tắc tự nguyện", tôn trọng quyết định của phụ huynh. Thành phố sẽ tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các cháu có nguy cơ như béo phì, bệnh nền để giảm rủi ro khi mở cửa trường học. (Vnexress.net 19/10, Hữu Công)Về đầu trang

Liên tục đổi cách chống dịch, Quảng Ninh gây khó lực lượng chức năng

Đến hết ngày 18, đầu ngày 19/10, tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa chính thức ban hành văn bản công bố cấp độ dịch của địa phương và liên tục thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khiến lực lượng kiểm soát dịch ở cửa ngõ tỉnh lúng túng.

Các trạm kiểm soát dịch ở đầu cửa ngõ tỉnh phải mệt mỏi "đuổi theo" yêu cầu của tỉnh, lúc thì đề nghị người vào Quảng Ninh phải có giấy xét nghiệm (vào thời điểm trước ngày 16/10), lúc cần phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, lúc chỉ cần 1 mũi...

Riêng trong ngày 18/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh liên tiếp ban hành 2 văn bản, số 7373/UBND-DL1 và 7395/UBND-DL1, đều có nội dung hướng dẫn tạm thời việc cách ly, xét nghiệm, di chuyển phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đáng nói, theo Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021, Bộ Y tế chỉ quy định xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị...; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người...) như lái xe, người chạy xe môtô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)... mà không quy định phải xét nghiệm tầm soát đối với người nhà của nhóm người này.

Tuy nhiên, theo công văn số 7395/UBND-DL1 ngày 18/10/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh lại yêu cầu phải xét nghiệm sàng lọc định kỳ với tần suất 1 lần/tuần đối với tất cả học sinh, giáo viên, người lao động mà có cha, mẹ, người thân (ở cùng nhà, có tiếp xúc hằng ngày) đang làm việc ở các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị, lái xe, người chạy xe ôm, người giao hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng Quảng Ninh, cũng như các địa phương khác trong cả nước, cần sớm công bố công khai cấp độ dịch của mình để làm căn cứ ban hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho phù hợp, tránh việc liên tục thay đổi, gây khó khăn cho cả cán bộ thực thi công vụ lẫn người dân, doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện, Quảng Ninh được xếp vào “vùng xanh” an toàn, ở cấp độ 1 về dịch COVID-19 ở cả ba cấp-tỉnh, huyện, xã. Lý do là Quảng Ninh đã trải qua hơn 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng; độ phủ vaccine phòng COVID-19 đạt cao - đã tiêm mũi 1 và dự kiến sẽ tiêm mũi 2 trong tháng 10 cho 100% người dân được chỉ định tiêm; năng lực y tế và cách ly của tỉnh được đảm bảo. (TTXVN 19/10, Văn Đức) Về đầu trang

MÔ HÌNH HAY CHỐNG COVID-19

Bài học từ chống dịch ở Kon Tum: Lấy dân làm gốc, xây dựng tổ Covid cộng đồng vững mạnh

Tỉnh Kon Tum từ trước đến nay chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, đây được xem là thành quả rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân trên địa bàn. Để làm được điều đó, rất nhiều cách làm hay đã được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tạo được đồng thuận lớn trong xã hội.

Kon Tum là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, trên trục đường giao thông huyết mạch Quốc lộ 14 và Quốc lộ 24 nối các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên. Vì vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh của tỉnh luôn được Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm hàng đầu. Cùng với đó, Kon Tum có chiều dài đường biên giới với các nước bạn Lào và Campuchia nên việc tuần tra cũng được thực hiện một cách thường xuyên, quyết liệt.

Với phương châm, chiến lược bám chắc cơ sở “phòng dịch từ xa”, “dập dịch khép kín”; đi trước một bước và cao hơn một mức để không phải chống dịch. Áp dụng hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; chú trọng vai trò chủ động của các cơ quan quân sự, bộ đội biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.

Cùng với đó, công tác chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế và các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ PCD theo đúng kịch bản đã được xây dựng, không để bị động, bất ngờ. Tỉnh đã phối hợp nhịp nhàng với các địa phương vùng dịch để tổ chức đưa, đón công dân trong tỉnh từ địa phương trở về chu đáo, an toàn theo đúng quy định. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phối hợp đón đầu, hỗ trợ thức ăn, xăng xe, dẫn đường cho bà con ở các tỉnh miền Trung và phía Bắc trở về quê khi đi qua địa bàn.

Song song với đó, tỉnh Kon Tum cũng triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả Bệnh viện dã chiến chuyên điều trị các ca mắc Covid-19; quản lý chặt chẽ khu cách ly, phong tỏa, giám sát thường xuyên việc cách ly tại nhà theo quy định. Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả 2.848 tổ Covid cộng đồng, với hơn 8.540 thành viên. Đây là tổ thực hiện nhiệm vụ không quản ngại ngày nắng, đêm mưa để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhằm hướng dẫn, giám sát người dân thực hiện theo đúng các biện pháp trong phòng chống dịch.

Thành phố Kon Tum là trung tâm đầu não, kinh tế, chính trị của tỉnh, cũng là địa bàn có cửa ngõ vào tỉnh từ phía Nam. Vì vậy, công tác kiểm tra chốt cửa ngõ Sao Mai và các chốt giáp ranh “cực kỳ” quan trọng.

Theo ông Nguyễn Thanh Mân (Chủ tịch UBND TP. Kon Tum), các tổ Covid cộng đồng “hết sức” quan trọng. Nếu như tại chốt, công dân khai báo y tế sai, cố tình khai báo không trung thực như ở nơi nào, vùng nào về... Vậy nên, bộ phận làm công tác khai báo y tế ở các chốt trạm sẽ chụp phiếu, ghi hình, chụp chứng minh nhân dân người đó gửi về các phường, xã. Từ đây, các xã, phường cấp tốc đưa những thông tin vừa nhận được về tổ cộng đồng. Lúc này, tổ cộng đồng sẽ biết người này đi từ vùng nào về rồi phản hồi ngược lại cho cấp trên. Khi phát hiện khai báo sai là xử phạt nghiêm minh, rồi đưa đi cách ly theo đúng quy định.

Một điểm đặc biệt từ phía nhân dân là tinh thần đoàn kết, ý thức về sự nguy hiểm của dịch Covid rất cao, từ đó họ giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất. Vì vậy, khi thấy người lạ, biển số xe lạ, họ sẽ báo cáo ngay cho tổ Covid cộng đồng.

Thành phố hiện nay cũng đã áp dụng phần mềm điện tử, đây được xem là phần mềm phản ánh “hiện trường” trong tất cả các trường hợp cấp thiết. Theo đó, khi một nhóm nào đó tụ tập, không thực hiện quy định 5K thì họ sẽ giữ lại rồi báo lên, lập tức có đội lực lượng tới xử lý ngay, tức thì.

Ngoài ra, tất cả những người về khu dân cư, hàng ngày đều có số liệu. Thôn thì báo cáo lên phường, xã; Phường, xã thì báo cáo lên thành phố. Cứ như vậy, bộ máy từ cơ sở đến chính quyền các cấp hoạt động theo “một đường ray” nhịp nhàng, ổn định, linh hoạt.

TP. Kon Tum hiện có 710 tổ Covid cộng đồng, nên công tác quản lý khu dân cư làm rất bài bản. Những người cách ly tại nhà, thời gian cách ly bao nhiêu ngày, đều được dán giấy trước cổng để cộng đồng giám sát.

Đối với bà con dân tộc, tôn giáo khi được tuyên truyền vận động, họ đã nhận thức được đây là sự việc hết sức quan trọng để tránh ảnh hưởng đến cộng đồng nên họ tích cực hưởng ứng và thực hiện rất tốt.

Riêng chốt Sao Mai Kon Tum, là cửa ngõ từ các tỉnh phía Nam về để đi vào tỉnh cũng như đi về các tỉnh ở miền Trung và phía Bắc, trong những ngày gần đây với hàng ngàn người/ngày. Tất cả đều được tiếp tế lương thực, xăng, nước, áo ấm cho các em bé. Đội ngũ làm nhiệm vụ luôn niềm nở, hướng dẫn người dân một cách nhiệt tình. (Congly.vn 18/10, Trần Sỹ) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chia làm 2 đợt, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chiều 19/10 đã diễn ra buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Kỳ họp được chia 2 đợt như sau:

Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021). Quốc hội làm việc 02 ngày thứ bảy, 01 ngày chủ nhật. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021). Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy.

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết: "Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt chúng ta đang từng bước trở về trạng thái "bình thường mới", vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch".

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Những dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Những dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ… (VTV.vn 19/10)Về đầu trang

Xây dựng đề án xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Sáng 19/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Các đại biểu cho ý kiến về báo cáo chuyên đề số 10 "Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Cho ý kiến vào dự thảo báo cáo chuyên đề số 12 "Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các cáo báo đã bám sát tiến độ đề ra, được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, huy động được trí tuệ chuyên gia, nhà khoa học, đảm bảo cả về lý luận và thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình chuẩn bị chuyên đề cần quán triệt, tuân thủ bám sát nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan trong thực thi các quyền. Các Tiểu ban cần tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, quan điểm của Đảng trong hoàn thiện báo cáo, đôn đốc bám sát kế hoạch đã đề ra, cũng như tăng cường công tác phối hợp, kết nối thông tin giữa các tiểu ban, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất trong tổng thể chung của đề án. (VTV.vn 19/10)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Việt Nam được đánh giá cao về phục hồi kinh tế

Các doanh nghiệp FDI lớn đánh giá tuy đại dịch đã gây ra cú sốc lớn nhưng giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn mới là quan trọng.

Suốt gần 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện được khả năng chống chịu tốt với những cú sốc về đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động, liên tiếp có sự điều chỉnh để ưu tiên cho mặt trận sản xuất, trong khi vẫn bảo đảm an toàn cho người dân. Nhiều tổ chức uy tín của quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá rất cao nỗ lực này và đưa ra phân tích tích cực về triển vọng dài hạn của Việt Nam.

Mới đây, công ty quản lý tài sản AXA Investment Managers Asia (có trụ sở ở Singapore) đã đăng tải bài đánh giá của hai nhà kinh tế Aidan Yao và Shirley Shen cho biết: "Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sau Trung Quốc, hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu nhiều thập kỷ gần đây. Hiện Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua - vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của khu vực châu Á".

Còn Tiến sĩ Oliver Massmann từ công ty luật Duane Morris - một trong 100 công ty luật lớn nhất thế giới - ngày 11/10 khẳng định rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư "thân thiện" nhất tại châu Á bởi những yếu tố như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, cộng với việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách kịp thời để khôi phục nền kinh tế.

Tình hình COVID-19 ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể với hầu hết dân số ít nhất đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các chính sách ưu đãi về thuế và phí cho các doanh nghiệp chịu hậu quả của đại dịch COVID-19.

Tuy đại dịch đã gây ra cú sốc lớn nhưng giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn mới là quan trọng. Đây là đánh giá của các doanh nghiệp FDI lớn đang tiếp tục mở rộng làm ăn và kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Kajiwara Junichi - Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam cho biết: "Tính đến nay chúng tôi đã hoạt động 26 năm tại thị trường Việt Nam. Từ đó đến nay, Acecook Việt Nam đã đạt được những tăng trưởng to lớn cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Hiện tại chúng tôi đang cố gắng đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường như trước đây như quán triệt các biện pháp phòng chống COVID-19 với toàn thể cán bộ công nhân viên công ty, cố gắng để không có thêm ca nhiễm mới; đồng thời đẩy nhanh việc tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine cho nhân viên dưới sự chỉ đạo của cơ quan Nhà nước".

"Hiện nay Intel Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống sản xuất, lắp ráp và kiểm định của Tập đoàn Intel. Kế hoạch thì chúng tôi vẫn muốn đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn cho người lao động, đảm bảo an toàn cho người dân, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế", bà Hồ Uyên - Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Việt Nam cho hay.

Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty Nestle Việt Nam nói: "Chúng tôi không nhìn ngắn hạn, chúng tôi luôn nhìn dài hạn đó là lý do tại sao ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của COVID-19, chúng tôi vẫn quyết định rằng Việt Nam là một nơi mà bạn mong muốn để đầu tư. Vì vậy, gần đây chúng tôi đã thông báo rằng chúng tôi sẽ đầu tư 115 triệu USD vào các nhà máy mới, dây chuyền mới để sản xuất cà phê hòa tan khử caffein cho Nestle trên toàn thế giới". (VTV.vn 19/10)Về đầu trang

Chuyên gia thế giới: Việt Nam là điểm đến đầu tư thân thiện nhất châu Á

Tiến sĩ Oliver Massmann, từ công ty luật Duane Morris - một trong 100 công ty luật lớn nhất thế giới khẳng định: "Việt Nam là điểm đến đầu tư thân thiện nhất tại châu Á, bởi những yếu tố như các hiệp định thương mại tự do song phương, và đa phương mà Việt Nam tham gia, cộng với việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách kịp thời, để khôi phục nền kinh tế".

Mới đây, công ty quản lý tài sản AXA Investment Managers Asia (có trụ sở ở Singapore), đã đăng tải bài đánh giá của hai nhà kinh tế Aidan Yao và Shirley Shen cho biết:

"Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, sau Trung Quốc, hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu nhiều thập kỷ gần đây. Hiện Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua - vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của khu vực châu Á".

Ngày 11/10/2021, Tiến sĩ Oliver Massmann, từ công ty luật Duane Morris - một trong 100 công ty luật lớn nhất thế giới khẳng định:

"Việt Nam là điểm đến đầu tư thân thiện nhất tại châu Á, bởi những yếu tố như các hiệp định thương mại tự do song phương, và đa phương mà Việt Nam tham gia, cộng với việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách kịp thời, để khôi phục nền kinh tế".

Bên cạnh đó, tại tọa đàm COVID-19 và FDI, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh: "Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài".

Tính đến hết tháng 7/2021, Mỹ đã đăng ký đầu tư trực tiếp gần 9,7 tỷ USD vào Việt Nam, xếp thứ 11 trong số các quốc gia có nguồn vốn tại nước ta.

Hiện tại, doanh nghiệp Mỹ tạo doanh thu nhiều nhất ở Việt Nam chính là Intel. Năm 2020, nhà sản xuất chip nhớ, bán dẫn đạt doanh thu hơn 38.400 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm trước đó.

Đặc biệt, nhà máy tại Việt Nam của Intel không chỉ là nhà máy chế tạo ATM lớn nhất trong hệ thống, mà còn có đủ nguồn lực duy trì công nghệ hiện đại, nâng công suất chế tạo từ 13 triệu đơn vị lên 15 - 16 triệu đơn vị sản phẩm/tuần.

Trong buổi hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, và đại diện các doanh nghiệp vốn vốn đầu tư nước ngoài, trên địa bàn thành phố, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Products Việt Nam thông tin:

"Hiện, Intel Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, khi đảm nhận sản lượng lớn các sản phẩm bán dẫn của tập đoàn, và xuất khẩu đến nhiều đơn vị trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng xuất khẩu của công ty đạt 64% tổng giá trị xuất khẩu của cả khu công nghệ cao và 35% toàn TP. Hồ Chí Minh".

Ngoài ra, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, và Công ty LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng, ông Jung Hai Jin, Tổng Giám đốc LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng chia sẻ:

"Tập đoàn LG nói chung, và LG Electronics nói riêng, xác định Việt Nam là một quốc gia có môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn, do vậy, việc duy trì và tiếp tục đầu tư tại đây là chiến lược phát triển lâu dài và bền vững". (Cafef.vn 19/10)Về đầu trang

VESS dự báo GDP Việt Nam 2021 có thể đạt từ 0.2% ~ 1.8%

Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay được dự báo đạt 0.2% (kịch bản thấp) và 1.8% (kịch bản cao).

VESS TALK là buổi trao đổi mở về kinh tế vĩ mô do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam tổ chức. Chủ đề trong buổi 18/10 là về “Đánh giá tình trạng kinh tế Việt Nam 2021 và dự báo những rủi ro trong năm 2022”.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, đã công bố hai kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021.

Kịch bản cao: Việt Nam thống nhất được các biện pháp thích ứng với tình hình dịch bệnh và đảm bảo được sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy từ quý IV/2021.

Các chuyên gia của VESS nhận định, với kịch bản này, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trên cả nước phục hồi một cách chậm chạp nhưng phải tích cực. Trong nửa đầu quý IV, các trung tâm kinh tế cần hoàn thành kế hoạch tiêm chủng và mở rộng ra các tỉnh trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, tình trạng phong tỏa, cát cứ trong quý III sẽ không lặp lại.

Với kịch bản này, GDP năm 2021 ước đạt 1,8% với tăng trưởng các lịch vực như sau: nông, lâm và thủy sản (2,5%), công nghiệp và xây dựng (4%), và dịch vụ (0%).

Kịch bản thấp: Chính sách còn thiếu đồng bộ, cũng như dịch bệnh có khả năng tái phát lại ở một số địa phương dẫn đến phải thực hiện hạn chế đi lại, tình hình chưa có cải thiện đáng kể trong năm 2021.

TS. Nguyễn Đức Thành cho biết thêm, với kịch bản thấp, nếu tình trạng “đóng-mở” lạp lại ở một số địa phương sẽ làm tăng tính bất định cho sản xuất. Ngoài ra, các đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong kịch bản thấp, VESS dự đoán thiếu hụt lao động diễn ra đến hết quý I/2022 có thể gây ảnh hưởng đến quỹ đạo phục hồi nền kinh tế. Thêm nữa, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đồng thời nhiều doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Ở kịch bản này, GDP Việt Nam được dự báo đạt 0.2%, trong đó tăng trưởng các lịch vực như sau: nông, lâm và thủy sản (1.4%), công nghiệp và xây dựng (1%), và dịch vụ (-0.7%).

Đại diện cho VESS, TS Nguyễn Đức Thành có đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để có thể ổn định kinh tế trong thời gian tới.

Đầu tiên, Việt Nam cần ưu tiền đẩy nhanh tiến độ và quy mô tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ đó, vấn đề khai thông đi lại và lưu thông hàng hóa có thể được giải quyết.

Thứ hai, Chính phủ cần đưa ra các gói tài khóa tập trung vào củng cố hạ tầng, trang thiết bị ngành y tế và lực lượng y bác sĩ. Đồng thời, người lao động mất việc cần được hỗ trợ ngay. Ngoài ra, các lãnh đạo tỉnh cũng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tiếp nhận người lao động quay trở lại địa phương trên toàn quốc.

Thứ ba, Việt Nam cần đưa ra chính sách tiền tệ thích ứng để đáp ứng được nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành có lưu cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10% cũng như đi kèm các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Cuối cùng, các lãnh đạo cần nhất quán trong các phát ngôn về điều hành kinh tế, kiên định với các nguyên tắc kinh tế thị trường đã được xác lập.

Vị giám đốc của VESS có nói thêm, việc đề xuất ý tưởng huy động USD từ người dân là chưa đúng đắn, sẽ làm tăng bất ổn vĩ mô. Ngoài ra, huy động nguồn lực trong xã hội cần thống nhất thực hiện bằng công cụ lãi suất và các cơ chế trên thị trường tài chính, với đối tượng điều hành duy nhất là VNĐ. (Cafef.vn 18/10)Về đầu trang

Đề xuất chưa tiêm vaccine vẫn được đi máy bay

Trong đề xuất mới nhất gửi Bộ GTVT về việc khai thác các đường bay nội địa từ ngày 21/10/2021 đến hết ngày 30/11/2021, Cục Hàng không phân thành hai nhóm khách khác nhau với những điều kiện khác nhau, cụ thể:

a) Trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa): Cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

b) Trường hợp hành khách khác cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện:

+ Người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay;

+ Người có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay;

+ Người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Trước đó, theo quy định thí điểm từ ngày 10 đến ngày 20/10/2021, hành khách đi máy bay phải tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Như vậy nếu đề xuất của Cục Hàng không được chấp nhận, từ ngày 21/10 tới, hành khách chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có thể bay nội địa nếu xét nghiệm âm tính.

Ngoài những điều kiện trên, tất cả hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...

Hành khách được yêu cầu luôn đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc trên chuyến bay. (VTV.vn 19/10)Về đầu trang

Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

Sáng 19/10, Thành ủy - UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19".

Tại Hội nghị này, TP Hà Nội thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua đồng thời sẽ cung cấp thông tin về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi Hà Nội đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết TP Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Với riêng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Dũng cho biết mặc dù TP Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi COVID-19 nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố. Trong 9 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào TP Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD.

Tuy nhiên trên quan điểm nhìn thẳng vào thực tế, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội nhấn mạnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô.

"Tổng sản phẩm GRDP TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Mặc dù số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 77%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 12%, doanh nghiệp giải thể tăng 22%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước", ông Dũng thông tin.

Theo ông Dũng, thấu hiểu những khó khăn đó, chính quyền Thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực hết mình, thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. (VTV.vn 19/10) Về đầu trang

QUẢN LÝ

TP HCM giải trình việc “chủ tịch không tiếp dân suốt 18 tháng”

Năm 2020, Chủ tịch UBND TP HCM có 4 buổi tiếp công dân nhưng chưa báo cáo, ngoài ra do Covid-19 bùng phát thành phố tạm hoãn tiếp dân để phòng dịch.

Nội dung được đề cập trong báo cáo, giải trình tiếp dân của Chủ tịch UBND thành phố trong 18 tháng (1/1/2020 đến 30/6/2021) vừa được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo UBND thành phố, ngày 27/8 chính quyền thành phố báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND thành phố. Tuy nhiên, trong báo cáo này, cơ quan chuyên môn thiếu kiểm tra, rà soát công tác tiếp dân của Chủ tịch UBND thành phố và chỉ báo 9 vụ việc tiếp dân của các Phó chủ tịch UBND thành phố

Vì vậy, UBND thành phố bổ sung trong năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố khi đó là ông Nguyễn Thành Phong đã tiếp dân, đối thoại giải quyết khiếu nại với các hộ dân thuộc dự án Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức); chủ trì, phối hợp Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Trung ương tổ chức 3 buổi tiếp dân, đối thoại các hộ dân thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho 2 Phó chủ tịch cùng với Cục 3, Thanh tra Chính Phủ và Ban Tiếp công dân Trung ương tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại của các hộ dân thuộc Dự án đầu tư xây dựng công viên Thảo Cầm viên mới tại huyện Củ Chi.

Theo UBND thành phố, trong năm 2020, Ban Tiếp công dân thành phố đã bố trí lịch để người đứng đầu chính quyền thành phố tiếp công dân và gửi giấy mời công dân đến dự nhưng diễn biến dịch phức tạp nên các buổi tiếp phải hoãn lại.

Đặc biệt trong năm 2021, TP HCM trải qua nhiều đợt bùng phát Covid-19 phức tạp nên Chủ tịch UBND thành phố đã "tập trung toàn tâm, toàn lực" cho chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Thời gian này, thành phố nhiều lần áp dụng giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch, trong đó tạm ngưng công tác tiếp dân trực tiếp, hạn chế những cuộc họp chưa cần thiết. Do đó việc tiếp công dân nói chung và tiếp người dân của Chủ tịch UBND thành phố chưa đảm bảo quy định theo Luật Tiếp công dân.

Đến tháng 8/2021, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong được Trung ương điều động về Ban Kinh tế Trung ương, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi giữ chức vụ Chủ tịch UBND thành phố. Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Mãi chỉ đạo bố trí lịch tiếp công dân của Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các sở, ngành thành phố. Thời gian tới, ngay khi dịch trên địa bàn kiểm soát hiệu quả, người đứng đầu chính quyền thành phố cùng với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường tiếp công dân nhiều hơn.

Theo UBND TP HCM, là một đô thị lớn với dân số đông, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tình hình phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trên địa bàn diễn ra nhiều và phức tạp. Trung bình những năm qua, các cơ quan nhà nước cấp quận, huyện và thành phố tiếp khoảng 45.000 người dân, trong đó riêng cấp thành phố tiếp khoảng 15.000 người.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 11/10, ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, cho hay trong kỳ giám sát 18 tháng (1/12020 đến 30/6), nhiều lãnh đạo chỉ tiếp dân một, hai ngày. Số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên cả nước là 471, trung bình 8 ngày, đạt 42% yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Số Chủ tịch cấp tỉnh tiếp dân bảo đảm theo quy định (18 ngày/18 tháng) chỉ có hai vị ở Đồng Tháp và Ninh Thuận; đạt từ 1/2 quy định trở lên là 13 vị; đạt dưới 1/2 quy định 45 vị; chỉ tiếp dân một ngày trong 18 tháng có 5 vị. Bốn Chủ tịch cấp tỉnh không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng, gồm Bình Dương, Đăk Nông, Thừa Thiên - Huế, TP HCM. Sau đó, 3 trong bốn địa phương có phản hồi. (Vnexress.net 18/10, Hữu Công)Về đầu trang

Hà Nội: 21 lãnh đạo phường phải nghỉ việc khi thí điểm chính quyền đô thị

UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND về chế độ hỗ trợ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và công chức phường nghỉ công tác do thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Tờ trình, hiện tại, thành phố có 175 phường, trong đó 150 phường loại 1; 24 phường loại 2 và 1 phường loại 3 thuộc 13 quận, thị xã.

Trước khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tổng số Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và công chức phường là 3.535 người. Trong đó có 172 Chủ tịch HĐND; 116 Phó Chủ tịch HĐND; 168 Chủ tịch UBND; 331 Phó Chủ tịch UBND; 831 cán bộ khác và 1.917 công chức.

Đến 1/7/2021, thời điểm mô hình chính quyền đô thị đi vào hoạt động, đã bổ nhiệm 173 Chủ tịch UBND, 335 Phó Chủ tịch UBND phường; chuyển 1.944 công chức phường sang công chức thuộc biên chế UBND quận, thị xã quản lý.

Do các phường không tổ chức HĐND, nên đã sắp xếp công việc cho 288 người là Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND phường. Trong đó, 227 người đang kiêm nhiệm hoặc được chuyển sang giữ các chức danh cán bộ khác; 32 người được tiếp nhận vào công chức không qua thi.

Số lượng cán bộ phường, gồm các chức danh: Bí thư Đảng uỷ, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh; Chủ tịch Hội LHPN; Bí thư Đoàn thanh niên và Chủ tịch Hội nông dân (ở phường thuộc Thị xã Sơn Tây) là 1.025 người.

Tổng số người nghỉ công tác, chuyển công tác là 58 người. Trong đó nghỉ công tác do dôi dư khi không tổ chức HĐND phường, do không được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch UBND, không đủ điều kiện để bổ nhiệm hoặc chuyển thành công chức phường là 21 người (Chủ tịch HĐND: 11 người; Phó Chủ tịch HĐND: 9 người, Phó Chủ tịch UBND: 1 người); số người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác hoặc nghỉ thôi việc do nguyện vọng cá nhân là 33 người.

UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố xem xét, thông qua mức hỗ trợ 3 tháng lương hiện hưởng/người đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường không đủ điều kiện để bổ nhiệm; công chức phường không được chuyển thành công chức thuộc biên chế quận, thị xã phải nghỉ công tác do thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Mức lương hiện hưởng bao gồm lương theo hệ số, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Thời điểm nghỉ công tác của những người này được tính từ ngày 1/7/2021 - thời điểm mô hình chính quyền đô thị đi vào hoạt động. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho 21 Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, công chức phường trên địa bàn thành phố nghỉ công tác do thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là 388,393 triệu đồng, được bố trí từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương của ngân sách quận, thị xã. (Tienphong.vn 19/10, Trường Phong)Về đầu trang

83% chuyên gia nước ngoài lạc quan về cuộc sống ở Việt Nam

Nghiên cứu Expat Explorer thứ 14 cho biết Việt Nam đứng thứ 19 về những nơi đáng sống và làm việc nhất trong năm 2021 của chuyên gia nước ngoài.

HSBC đã vừa công bố "Nghiên cứu Expat Explorer thứ 14" – một khảo sát được tiến hành trên toàn cầu với sự tham gia của hơn 20.000 người đang sống và làm việc ở nước ngoài. Nghiên cứu cho thấy gần 2/3 (65%) chuyên gia nước ngoài cảm thấy lạc quan về tương lai trong vòng một năm sắp tới bất chấp những biến động khó lường trong 18 tháng vừa qua.

"Nguyên nhân chính khiến họ lạc quan là niềm hy vọng sớm được trở lại cuộc sống "bình thường" (75%)", Expat Explorer thứ 14 cho biết.

Tại Việt Nam, tỷ lệ chuyên gia nước ngoài lạc quan được khảo sát lên đến 83%, tương đương với New Zealand và Australia, và chỉ xếp sau Đài Loan (Trung Quốc) – 85%.

Đánh giá tổng thể, Nghiên cứu Expat Explorer thứ 14 cho biết năm nay Việt Nam tăng 3 bậc để vươn lên vị trí thứ 19 (thứ 5 khu vực châu Á – Thái Bình Dường) về những nơi đáng sống và làm việc nhất trong năm 2021 của chuyên gia nước ngoài.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết trong bối cảnh cả thế giới gặp nhiều thách thức vì đại dịch COVID-19, tinh thần lạc quan ngày càng lan rộng vì tiến độ triển khai tiêm phòng vaccine ngày một nhanh hơn. Ở Việt Nam, điều đó còn đồng nghĩa với kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại với một đất nước năng động và thú vị.

"Không chỉ có một nền kinh tế năng động, phát triển nhanh chóng, quốc gia này còn sở hữu điều kiện địa lý đa dạng từ núi cao, rừng rậm đến biển khơi, đồ ăn tuyệt vời và những con người thân thiện dễ mến. Là một chuyên gia nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, tôi không muốn chuyển đi bất cứ nơi nào khác trong giai đoạn đặc biệt hiện nay", ông Tim Evans cho biết.

Ở Top đầu, theo Nghiên cứu Expat Explorer thứ 14, Thụy Sĩ là lựa chọn số 1 về nơi đáng sống và làm việc nhất trong năm 2021 của chuyên gia nước ngoài. Tiếp theo là Australia, New Zealand, UAE… (VTV.vn 19/10)Về đầu trang

Phát hiện mới trong thống kê giới Việt Nam 2020: Người dân ở vùng nào dễ “ế” nhất?

Năm 2020, tỷ số giới tính của Việt Nam có thay đổi nhỏ, ở mức 99,2 nam/100 nữ. Nhìn chung, dân số nam vẫn ít hơn dân số nữ.

Theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019; tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Trong đó, dân số nam là 47.881.061 ngƣời, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.

Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Sau hơn 10 năm (kể từ 2009), quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009.

Một trong những chỉ tiêu quan trọng để phân tích cấu trúc dân số đó là tỷ số giới tính. Năm 2019, tỷ số giới tính của Việt Nam là 99,1 nam/100 nữ. Dân số nam ít hơn dân số nữ do nam giới thường có tuổi thọ thấp hơn nữ giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chiến tranh trong quá khứ.

Tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Vùng Tây Nguyên có tỷ số giới tính cao nhất (năm 2019 là 101,7). Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất (năm 2019 là 97,8). Tỷ số giới tính theo vùng, miền hoặc theo tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nhân khẩu học như sinh, chết, các yếu tố liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống, văn hóa và các yếu tố lịch sử khác.

Tỷ số giới tính khi sinh thông thường ở mức 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ sơ sinh nữ và số liệu cho thấy có sự khác nhau theo vùng, cao nhất là ở khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng (115) và thấp nhất là ở Tây Nguyên (105).

Các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (trên 115) tập trung ở miền Bắc là Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La.

Năm 2020, tỷ số giới tính của Việt Nam có thay đổi nhỏ, ở mức 99,2 nam/100 nữ. Nhìn chung, dân số nam vẫn ít hơn dân số nữ. Tây Nguyên tiếp tục là vùng có tỷ số giới tính cao nhất, ở mức 102,24 nam/100 nữ. Đáng chú ý, Đông Nam Bộ không còn là vùng có số giới tính thấp nhất, thay vào đó là đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 97,31 nam/100 nữ.

Liên quan đến tuổi thọ trung bình, năm 2019, con số này tăng lên 73,6 tuổi. Trong đó, nam giới là 71 tuổi, thấp hơn của nữ giới là 76,3 tuổi. Thực tế ở Việt Nam và ở đa số các nƣớc, mức tử vong của nam thường cao hơn mức tử vong của nữ ở tất cả các độ tuổi.
 

Do vậy, tuổi thọ trung bình của nam thường thấp hơn của nữ. Báo cáo nhận định, hàng triệu phụ nữ cao tuổi nhiều khả năng dễ rơi vào tình trạng sống một mình, nên các chương trình bảo trợ xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe công và tư cần phải được tăng cường.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009. Trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Cả nam và nữ ở khu vực thành thị có xu hướng kết hôn muộn hơn nam và nữ ở khu vực nông thôn.

Sang năm 2020, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng nhẹ ở mức 25,7 tuổi. Trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,5 tuổi (tương ứng là 27,9 tuổi và 23,4 tuổi). Cả nam và nữ ở khu vực thành thị tiếp tục có xu hướng kết hôn muộn hơn nam và nữ ở khu vực nông thôn. (Cafef.vn 19/10, Hà Trần)Về đầu trang

Biến động thứ hạng địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất: Hà Nội tụt bậc, Đà Nẵng ra khỏi top 10

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt.

Theo báo cáo Điều tra Lao động Việc làm 2020 của Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam năm 2020 gặp nhiều sóng gió, lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt.

Thu nhập từ việc làm bình quân/tháng năm 2020 của lao động làm công ăn lương 2 là 6,6 triệu đồng/tháng. Trong đó, nam giới có thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn so với nữ giới (6,92 triệu đồng và 6,17 triệu đồng).

Xét theo địa phương, TP. HCM tiếp tục là địa phương có thu nhập bình quân lao động dẫn đầu cả nước với 8,619 triệu đồng/tháng. Đồng Nai đã vươn từ vị trí thứ 3  năm 2019 lên đứng thứ 2 năm 2020 với 8,008 triệu đồng/tháng. Hà Nội đứng thứ 3 sau Đồng Nai với 7,721 triệu đồng/tháng.

Các địa phương tiếp theo trong top 5 là hai trung tâm sản xuất công nghiệp Bình Dương và Bắc Ninh.

Đáng chú ý, Đà Nẵng đã rơi từ vị trí thứ 5 xuống đứng thứ 11 về thu nhập bình quân lao động với 6,523 triệu đồng/tháng, giảm đáng kể so với năm 2019 là 7,558 triệu đồng/tháng.

Nếu xét theo vùng kinh tế xã hội, vùng có thu nhập bình quân lao động cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (7,872 triệu đồng một người một tháng), vùng có thu nhập bình quân lao động thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (6,091 triệu đồng một người một tháng).

Báo cáo cũng chỉ ra, khoảng 40,9% lao động làm từ 40-48 giờ/tuần, thấp hơn 5,4 điểm phần trăm so với năm 2019 và có 30,9% lao động làm việc trên 48 giờ một tuần, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm trước.

Mặt khác, số lao động làm việc dưới 20 giờ/tuần chiếm tỷ trọng thấp (6,6%), tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (33,9%) cao hơn của nữ (27,4%). Tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần của năm 2020 là 21,8%; tỷ trọng này chênh lệch đáng kể giữa thành thị (15,2%) và nông thôn (25,0%).

Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (13,4%) và cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (30,7%). Tỷ trọng lao động làm việc trên 60 giờ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (9,3%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (3,6%).

Số giờ làm việc bình quân/tuần của năm 2020 là 41,9 giờ/tuần, số giờ làm việc bình quân/tuần của nam cao hơn nữ và khu vực thành thị cao hơn nông thôn, vùng Đông Nam Bộ có số giờ làm việc bình quân/tuần cao nhất trong 6 vùng (44,2 giờ/tuần), giữa các vùng có sự chênh lệch số giờ làm việc bình quân/tuần giữa thành thị và nông thôn khác nhau.

Mức chênh lệch này lớn nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (4,3 giờ/tuần), thấp nhất ở Đồng bằng sông Hồng (0,4 giờ/tuần), riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh số giờ làm việc bình quân/tuần khu vực nông thôn lại cao hơn thành thị tương ứng là 2,2 giờ/tuần và 0,2 giờ/tuần. (Cafef.vn 19/10, Hoàng Hà)Về đầu trang

Lộ diện tỉnh có dân nhập cư nhiều hơn cả TP. HCM, Đà Nẵng: Cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở đây, thì 1 người là đến từ tỉnh khác

Theo dữ liệu từ báo cáo thống kê giới tại Việt Nam, liên quan đến cơ cấu hộ dân cư chia theo giới tính, chỉ 27% hộ gia đình có chủ hộ là nữ. Có đến 67% phụ nữ là chủ hộ trong hộ gồm 1 thành viên, con số này ở nam giới là gần 33%.

Báo cáo nhấn mạnh, con số này cho thấy, phụ nữ có nhiều khả năng sống tại các hộ gia đình đơn thân, chỉ có một người trưởng thành.

Trong khi đó, với các hộ gia đình có quy mô từ 2 người trở lên, tỷ lệ chủ hộ là nam cao hơn nhiều so với tỷ lệ chủ hộ là nữ. Đối với những hộ gia đình có từ 6 người trở lên, chỉ 19% hộ có chủ hộ là nữ, còn 81% chủ hộ nam.

Tương tự, với hộ gia đình từ 3-6 người, chênh lệch chủ hộ nam - nữ cũng tương đối lớn (77,5% và 22,5%). Hộ gia đình có 2 người cũng có tỷ lệ 68,2% - 31,8%.

Báo cáo cũng nhấn mạnh về tỷ suất di cư, với 12 tỉnh trên toàn quốc có tỷ suất di cư thuần dương. Điều này có nghĩa là, người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất, (200,4‰) với hơn 489 nghìn người nhập cư, nhưng chỉ có khoảng 38 nghìn người xuất cư khỏi tỉnh này trong 5 năm trước.

Như vậy, cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở tỉnh Bình Dương, thì có 1 người đến từ tỉnh khác. Tiếp theo là Bắc Ninh, TP. HCM và Đà Nẵng với tỷ suất di cư thuần lần lượt là 85,3‰, 75,9‰ và 68,4‰.

Tây Nguyên chuyển từ vùng nhập cư trở thành vùng xuất cư, với tỷ suất di cư thuần là -12‰. Đặc biệt, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 2 vùng nhập cư lớn nhất cả nước. Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển với các khu công nghiệp lớn, tiếp tục là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư, với 1,3 triệu người nhập cư năm 2019.

Nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư, nhưng sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư).

Song do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, tính từ tháng 7 đến 15/9, cả nước đã có khoảng 1,3 triệu lao động về quê tránh dịch. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam

Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP. HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Đối với Bình Dương, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, tính đến ngày 11/10 đã giải quyết cho gần 90.500 người dân cư trú trên địa bàn tỉnh về quê.

Thống kê 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh. (Cafef.vn 19/10, Anh Vũ)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP.HCM giảm 50% lệ phí cấp sổ hồng, đăng ký cư trú qua mạng

HĐND TP.HCM vừa ban hành Nghị quyết 14/2021 ngày 24-8-2021 về giảm lệ phí các thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

Tại Nghị quyết 14, HĐND TP.HCM chấp thuận giảm 50% lệ phí đối với tất cả trường hợp yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trong các lĩnh vực gồm: Đăng ký cư trú; Hộ tịch; Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Đăng ký kinh doanh; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) và Cấp giấy phép xây dựng.

Quy định về miễn giảm trên sẽ không áp dụng đối với các đã được miễm giảm theo quy định pháp luật (hộ nghèo, cận nghèo...).

Việc giảm lệ phí sẽ thu hút người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp và áp dụng đến hết 31-12-2021. (Plo.vn 18/10, Trúc Phương)Về đầu trang

Tây Ninh: Triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh vừa đề ra các giải pháp nâng cao vị trí xếp hạng và cải thiện điểm số đối với chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh và cơ quan hành chính các cấp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về CCHC và các cuộc thi tìm hiểu về Chỉ số CCHC, các chỉ số khác phản ánh nền hành chính của tỉnh như chỉ số PCI, PAPI, ICT…

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần đổi mới cách thức truyền tải thông tin về các hoạt động CCHC đến người dân, doanh nghiệp, thông báo công khai các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để người dân thực hiện giám sát, phản ánh hiện trường các vấn đề khó, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xóa bỏ nhận thức về cơ chế “xin - cho”, “lót tay” để được làm trước, làm sớm các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, các ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính, sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã triển khai như Một cửa điện tử, Họp không giấy... Xây dựng, triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số tiến tới xây dựng xã hội số, nền kinh tế số… (Sggp.org.vn 18/10, Xuân Trung)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Khi bộ ngành, địa phương trả vốn ODA: Lo hay mừng?

Sau 3 quý của năm 2021, nhiều bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) nên xin trả lại vốn kế hoạch. Theo các chuyên gia, việc trả vốn sẽ tác động lớn tới nền kinh tế thời gian tới, đặc biệt là động lực cho phục hồi sau 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát.

Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm, vốn vay nước ngoài mới giải ngân được 6.539 tỷ đồng, đạt hơn 12% so với kế hoạch cả năm (chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước).

Tới ngày 6/10, có 9 bộ, ngành đề nghị trả 8.054 tỷ đồng vốn vay kế hoạch (khoảng 44% kế hoạch vốn cả năm). Số liệu thống kê cũng cho thấy, các địa phương mới giải ngân được 3.529 tỷ đồng vốn vay nước ngoài, tương đương 10% kế hoạch cả năm. Có 23 địa phương xin giảm vốn vay kế hoạch.

Tại hội nghị giải ngân vốn vay nước ngoài do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, đại diện Bộ GTVT, NN&PTNT... dẫn nguyên nhân khiến giải ngân vốn vay chậm chủ yếu do dịch COVID-19.

Đại diện bên tài trợ vốn, chuyên gia, nhân sự nhà thầu khó sang để giải quyết thủ tục và triển khai dự án. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội cũng làm cho quá trình thi công dự án gặp khó khăn, thậm chí phải tạm dừng thi công...

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, năm nay địa phương được giao kế hoạch vốn 7.800 tỷ đồng (vốn ODA). Tới hết tháng 9 mới giải ngân được 1.361 tỷ đồng (hơn 17% kế hoạch).

Theo ông Hải, ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, các dự án còn vướng mặt bằng, giá vật liệu xây dựng tăng cao. Do đó, Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn khoảng 4.500 tỷ đồng của năm nay.

Tương tự, tới hết tháng 9, TPHCM mới giải ngân được hơn 12% vốn kế hoạch năm (vốn ODA), nên đề nghị giảm kế hoạch vốn hơn 14.800 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển) cho rằng, việc bộ, ngành, địa phương trả kế hoạch vốn ODA cũng là cơ hội tốt để xem xét lại từng dự án cụ thể, cũng như tổng thể về vay nước ngoài. Ngoài lý do ảnh hưởng của dịch bệnh, sẽ có dự án chưa thật sự cần thiết và hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ.

“Trước đây, các bộ, ngành, địa phương đua nhau xin dự án vốn ODA vì thấy rẻ, vốn trong nước ít, nay đầu tư công không dễ tiêu như trước nữa. Chính phủ giờ vay về cho địa phương vay lại, tự vay tự trả, nên chính quyền các địa phương cũng phải tự cân nhắc. Nhân cơ hội địa phương trả lại, các bộ, ngành nên rà soát lại toàn bộ dự án. Nếu dự án nào chưa khởi công mà thấy chưa cấp bách, chưa cần thiết có thể xem xét hủy vay, vì vốn ODA giờ không rẻ nữa”, ông Đào nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết, việc bộ, ngành, địa phương trả lại vốn ODA thực tế chỉ là trả vốn kế hoạch, không phải trả tiền. Lý do là theo Luật Đầu tư công, dự án muốn được giải ngân phải có trong hạn mức kế hoạch được giao.

“Về bản chất, tất cả vốn ODA đều dành cho từng dự án cụ thể, giải ngân theo tiến độ thực tế, không thể sử dụng tiền vay dự án A cho dự án B. Việc trả lại hay điều chuyển kế hoạch vốn chỉ thực hiện trên thủ tục trong nước, không ảnh hưởng tới hiệp định vay, vốn vay cho từng dự án. Dự án chỉ bị ảnh hưởng nếu không kịp tiến độ dẫn tới hết hạn giải ngân, phải đàm phán gia hạn hiệp định vay hoặc hủy vốn”, ông Long nói.

Theo ông Long, việc trả lại kế hoạch vốn vay cũng không ảnh hưởng tới nợ công. Nợ công chỉ tính khi giải ngân cho dự án, bên cho vay thông báo chuyển tiền và ghi nhận nợ của Chính phủ.

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nhìn nhận, việc giải ngân vốn ODA chậm tác động rất lớn đến nền kinh tế, tới cân bằng vĩ mô và tăng trưởng. “Không giải ngân sẽ không có tiền chảy vào nền kinh tế, không tạo được việc làm, không thúc đẩy được sản xuất, tiêu dùng”, ông Long nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện vốn kế hoạch 5 năm (2021-2025), việc các bộ, ngành, địa phương phải trả vốn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch các năm tiếp theo. Nếu năm nay giải ngân thấp sẽ dồn vốn sang các năm tiếp theo, áp lực giải ngân lớn hơn.

Về khả năng giảm vay ODA khi trong nước đang dư thừa vốn, theo ông Long, Bộ Tài chính cũng thường xuyên khuyến nghị các bộ ngành, địa phương khi xây dựng dự án sử dụng vốn ODA cần tính toán, cân nhắc do vốn vay ưu đãi thường đi kèm điều kiện như sử dụng nhà thầu, nguyên vật liệu, máy móc, nhân công... của bên cho vay.

“Hiện vay, vay ODA ngày càng khó, ưu đãi giảm dần nên phải xem dự án nào thật sự cần thiết mới vay. Vốn ODA thường có kỳ hạn vay 30-40 năm, thông qua vay vốn cơ hội tiếp nhận công nghệ mới, vấn đề đối ngoại được cải thiện. Trong khi vốn trong nước thường ngắn hạn, nếu Nhà nước vay sẽ mất phần đáng ra sẽ dành cho các thành phần kinh tế vay. Khi đàm phán vay vốn nước ngoài, chúng tôi cũng đấu tranh để có được các điều khoản có lợi mới vay, ODA không còn thuần túy như trước đây”, ông Long nói.

Đại diện Bộ Tài chính dẫn chứng, trước đây nhà thầu nước ngoài gần như làm toàn bộ các dự án ODA, nhưng nay hầu hết dự án nhà thầu nước ngoài phải liên danh, liên kết với nhà thầu trong nước. Điều này giúp nhà thầu trong nước có thể tiếp thu công nghệ, kỹ thuật nước ngoài tiến tới tự làm chủ. (Tienphong.vn 19/10)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ả Rập Saudi: Nhiều quan chức Chính phủ bị cáo buộc tham nhũng

Ả Rập Saudi đã bắt giữ nhiều quan chức Chính phủ trong cuộc đàn áp tham nhũng mới nhất.

Cơ quan Giám sát và Chống tham nhũng của Ả Rập Saudi (Nazaha) xác nhận, đã bắt giữ một số sĩ quan cấp cao và quan chức Chính phủ bị cáo buộc liên quan đến các vụ án tham nhũng.

Cũng theo Nazaha, gần đây cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án hình sự và tiến hành thủ tục pháp lý chống lại các cá nhân bị cáo buộc. Nazaha chia sẻ thông tin về 10 vụ việc.

Vụ thứ nhất: Giám đốc của một pháp nhân thương mại và 2 nhân viên ngân hàng bị bắt. Nhà quản lý này đã trình tới ngân hàng một hợp đồng không hợp lệ với một công ty lớn, và nhận được khoản tài trợ trị giá 102 triệu SR.

Nhà chức trách đã tìm thấy khoản tiền mặt trị giá 700.000 SR trong tài khoản của nhân viên ngân hàng mà người này không thể giải thích được.

Vụ thứ 2: Giám đốc sở y tế và giám sát kiểm dịch tại một khu vực đã bị bắt vì đã đề nghị tìm việc làm cho một công dân nữ để đổi lại, người này sẽ rút đơn tố cáo về việc tống tiền.

Vụ thứ 3: Một sĩ quan mang quân hàm đại tá, một hạ sĩ quan làm việc trong Ban Giám sát công tác phân giới cắm mốc và một công dân bị bắt vì thông đồng thao túng các khu vực và bất động sản nằm trên biên giới để nhận tiền bồi thường cho chủ sở hữu tài sản. Đổi lại, những người này bỏ túi 50% tổng giá trị bồi thường.

Vụ thứ 4: Một nhân viên Công ty Nước sạch Quốc gia bị bắt quả tang nhận 300.000 SR trong số 600.000 SR đã thỏa thuận từ một công ty bất động sản để đổi lấy việc hoàn thành thủ tục cấp nước cho dự án xây dựng biệt thự dân cư của Bộ Đô thị, Nông thôn và Nhà ở.

Vụ thứ 5: Hạ sĩ quan làm việc tại cơ quan quản lý nhà tù khu vực bị bắt vì nhận 1 triệu SR từ một trong những người bị giam giữ để đổi lấy việc anh ta được phóng thích bất hợp pháp.

Vụ thứ 6: Hai người bị bắt vì thành lập và quản lý một hiệp hội từ thiện, quyên góp và chuyển 748.404 SR vào tài khoản cá nhân của họ.

Vụ thứ 7: Một người bị bắt quả tang hối lộ 100.000 SR và một chiếc iPhone cho nhân viên của Bộ Thương mại để đổi lấy việc không bị phạt và mở lại kho hàng đã bị Bộ đóng cửa vì gian lận thương mại.

Vụ thứ 8: Nhân viên Trung tâm Tuân thủ Môi trường Quốc gia thuộc Bộ Môi trường, Nước và Nông nghiệp đã bị bắt vì hối lộ 54.700 SR để đổi lấy việc hoàn thành thủ tục giấy tờ tại Văn phòng Hỗ trợ Môi trường tại Trung tâm. Cơ quan điều tra phát hiện số tiền gửi vào tài khoản ngân hàng lên tới 714.000 SR mà người này không thể giải thích.

Vụ thứ 9: Hai bác sĩ Ả Rập làm việc trong một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bị bắt vì kê đơn thực phẩm sữa không đúng (loại sữa này trong danh mục phân phát cho trẻ em, không nhằm mục đích bán) và nhận lại tiền cùng quà từ 3 người (cũng đã bị bắt, làm tiếp thị cho nhà sản xuất sữa, với mục đích bán lại những sản phẩm này để tăng doanh thu).

Vụ thứ 10: Một công dân làm việc tại Bộ Đô thị, Nông thôn và Nhà ở bị bắt vì nhận 20.000 SR trong số 125.000 SR đã thỏa thuận từ một nhà đầu tư để đổi lấy việc chia hợp đồng thuê bất động sản giữa chủ đầu tư và thành phố với mục đích giảm giá trị của hợp đồng. (Thanhtra.com.vn 19/10, Đức Anh)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More