Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 04-5-2021

Post date: 04/05/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

1.                Thủ tướng: Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19. 1

2.                Xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến lây nhiễm COVID-19. 3

3.                Đã có 6 địa phương ghi nhận ca bệnh lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 4

4.                Đà Nẵng kiểm điểm, đánh giá lại thiếu sót trong phòng, chống dịch COVID-19. 5

5.                Hà Nội cho toàn bộ học sinh dừng tới trường từ ngày 4/5. 6

6.                Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, Hà Nam 7

7.                Khách ken đặc khu du lịch: Đừng “thả gà ra để đuổi”. 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 9

8.                Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham đạt cao nhất từ khi Covid-19 bùng phát 9

9.                Yêu cầu mới về cải cách thể chế kinh tế, tăng năng suất lao động. 9

10.            Bloomberg: Indonesia tăng tốc trong cuộc đua FDI với Việt Nam và Singapore. 10

11.            Hơn 2000 doanh nghiệp ở ĐBSCL rút khỏi thị trường. 11

12.            Nikkei Asia: Panasonic sẽ ngừng sản xuất TV tại Việt Nam?. 12

QUẢN LÝ.. 13

13.            Chênh lệch lớn về lương hưu khiến nhiều người muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần. 13

14.            Ngành nông nghiệp sẽ thực hiện tiết kiệm từ 10-15% các khoản chi phí 14

15.            58 người chết vì tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ. 15

16.            Hà Nội: Bảo đảm ít nhất 80% cán bộ, công chức được bồi dưỡng đạo đức công vụ. 16

THẾ GIỚI 17

17.            Thế giới đang trong giai đoạn tồi tệ nhất dù đáng lẽ không đến mức như vậy. 17

18.            Nguyên nhân đằng sau thảm trạng Covid-19 tại Ấn Độ hiện nay. 18

 THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Thủ tướng: Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Công điện nêu rõ, thời gian vừa qua, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời, nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp đã được triển khai. Đến nay, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường.

 Thực tế, nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người.

 Trong điều kiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:

 1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 2. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch của các nước và các địa phương trong thời gian qua; bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động , sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay. 

3. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng… đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

 Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu:

 - Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng;

 - Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương; 

- Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

 Bộ Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và điều kiện phòng chống dịch ở các địa phương.

 4. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 05 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.

 5. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, động viên tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để tập trung cho việc phòng chống dịch hiệu quả. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

6. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, nhất là gây mất ổn định và hoảng loạn trong xã hội.

 7. Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, sáng suốt bám sát thực tế, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.

 8. Các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến vì danh dự, nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng, vì hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp. (Vtv.vn 03/5)Về đầu trang

Xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến lây nhiễm COVID-19

Các địa phương đã xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về cách ly phòng dịch, khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

 Tại tỉnh Yên Bái, trong cuộc họp vào chiều 2/5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ nhân viên khách sạn bị nhiễm COVID-19 từ chuyên gia Ấn Độ tại khách sạn Như Nguyệt 2 do tiếp xúc trực tiếp với người cách ly, không tuân thủ các quy định phòng dịch.

 Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hòa, ngay trong chiều 2/5, các tổ công tác đã "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" nhằm giám sát, truy vết những người đi về từ vùng dịch. Để hạn chế tụ tập đông người, từ 18h ngày 2/5, quán bar, karaoke, vũ trường, tiệm massage tại tỉnh này phải dừng hoạt động. Đồng thời, chính quyền địa phương yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường.

 Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 2899, dù cách ly đủ 14 ngày nhưng khi về địa phương không chấp hành quy định cách ly tại nhà, trước mắt bệnh nhân này bị xử phạt hành chính, giao cơ quan công an rà soát, nếu đủ căn cứ sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Đối với Trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vào ngày 24/4 biết bệnh nhân 2899 có ho sốt nhưng chưa xử lý, giải quyết kịp thời, gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, trước mắt sẽ kiểm điểm trách nhiệm, sau đó rà soát toàn bộ hồ sơ để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

 Áp lực của tình hình dịch bệnh trên cả nước là rất lớn. Phòng dịch là trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng, chính quyền, người đứng đầu mỗi địa phương - trách nhiệm với đất nước. (Vtv.vn 02/5)Về đầu trang

Đã có 6 địa phương ghi nhận ca bệnh lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Đến nay, đã có 6 địa phương ghi nhận ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng gồm các tỉnh, thành phố Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái và TP Hồ Chí Minh.

 Sau 34 ngày Việt Nam không ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 29/4, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên và ngay sau đó, một loạt trường hợp nhiễm mới đã được phát hiện. Đợt dịch này có những diễn biến khó lường hơn khi ca mắc mới đã cách ly nhưng vẫn ủ bệnh, gây lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, số vụ nhập cảnh trái phép qua biên giới trên bộ và trên biển vẫn không ngừng gia tăng và nguy hiểm nhất là trong kỳ nghỉ lễ dài, nhà nhà đi du lịch. Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và đang có nguy cơ xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố.

 Trưa 2/5, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp sinh sống tại Hà Nội. Đây là các ca bệnh liên quan đến nhóm chuyên gia Trung Quốc được cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2 (tỉnh Yên Bái), nơi có 4 trường hợp người Ấn Độ và 1 nhân viên khách sạn dương tính với virus SARS-CoV-2.

 Tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội đã tiến hành truy vết và thực hiện cách ly với các trường hợp F1 và cách ly tại nhà với các trường hợp F2.

 Liên quan đến ca bệnh số 2899 ở tỉnh Hà Nam là nguồn lây cho 15 bệnh nhân tại 4 tỉnh thành Hà Nam; Hà Nội, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh, sau khi truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh này, hơn 690 người đã được cách ly, số ca F2 là hơn 1.900 trường hợp.

 Tỉnh Hưng Yên đã lấy mẫu xét nghiệm toàn thôn Hoàng Xá, xã Tiên Tiến, huyện Phủ Cừ với 1134 mẫu, kết quả 785 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

 Liên quan đến trường hợp chuyên gia Trung Quốc mắc COVID-19, 5 người tiếp xúc gần ở tỉnh Vĩnh Phúc được xác định là có kết quả xét nghiệm dương tính. Ngay trong chiều 2/5, Bộ Y tế đã có cuộc kiểm tra, làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

 Chỉ từ một lỗ hổng nhỏ trong khu cách ly, đến nay, dịch COVID-19 đã quay trở lại, khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn để ngăn chặn sự lây lan. Đây là bài học sâu sắc từ tỉnh Hải Dương trong đợt dịch trước và nay lại lặp lại ở tỉnh Yên Bái. Do đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần cá thể hóa trách nhiệm. Đây là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra trong sáng 2/5 tại Văn phòng Chính phủ. (Vtv.vn 02/5)Về đầu trang

Đà Nẵng kiểm điểm, đánh giá lại thiếu sót trong phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 3/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã họp thảo luận, rà soát, đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

 Theo báo cáo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2021 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 72 ca bệnh COVID-19 là các trường hợp công dân Việt Nam nhập cảnh về nước. Tính đến hết ngày 2/5, Đà Nẵng đang thực hiện cách ly y tế 2.625 trường hợp; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị 39 bệnh nhân COVID-19, cách ly 15 trường hợp đã công bố khỏi bệnh. Tại cơ sở y tế đang thực hiện cách ly tập trung 104 người (32 trường hợp là F1 liên quan đến bệnh nhân Hà Nam, 72 trường hợp là F1 liên quan đến chuyên gia Trung Quốc). Trong đó, 104/104 trường hợp này đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19.

 Từ chiều tối 1/5 đến hết ngày 2/5, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã tiếp tục truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm 72 trường hợp tiếp xúc gần với hai người Trung Quốc, kết quả cả 72 người đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện các trường hợp này đang được cách ly y tế tập trung, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế.

 Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, hiện nay, bệnh nhân COVID-19 là người nhập cảnh vào Đà Nẵng liên tục được ghi nhận, trong đó từ đầu năm đến nay là 72 bệnh nhân, riêng từ 30/3 đến nay là 61 bệnh nhân. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 gây áp lực rất lớn cho các đội ngũ làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam nhập cảnh về nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lớn, gây khó khăn trong công tác quản lý cách ly. Bên cạnh đó hiện nay, một số địa phương trên cả nước ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, tình trạng nhập cảnh trái phép tại một số tỉnh, thành. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng thu hút một số lượng lớn du khách, người lao động, học sinh, sinh viên đến du lịch, làm việc, học tập, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan tại thành phố. 

Ngoài ra, hiện Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 không quy định cách ly tiếp tục 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung, mà quy định theo dõi sức khỏe 14 ngày và yêu cầu người hoàn thành cách ly tập trung thực hiện quy tắc 5K, gây khó khăn trong quá trình bảo đảm an toàn, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 sau khi người nhập cảnh hoàn thành cách ly tập trung.

 Bà Yến cho biết, trên thực tế chưa có địa phương nào đến tiếp nhận người hoàn thành cách ly; khó có thể bố trí phương tiện vận chuyển riêng có người giám sát, vì nhiều người hoàn thành cách ly lưu trú tại các địa điểm khác nhau, người hoàn thành cách ly khi thông báo cho đơn vị vận chuyển cũng không được bố trí chỗ ngồi phù hợp. Cùng với đó, đơn vị chức năng khó có thể giám sát người hoàn thành cách ly có thực hiện đúng cam kết hay không. 

Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến kiến nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao mức độ cảnh giác lên mức tối đa, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, các điều kiện, phương án, kế hoạch để sẵn sàng đáp ứng kịp thời, phù hợp với các tình huống các dịch bệnh; tiếp tục áp dụng quy định cách ly tại nhà, nơi lưu trú đối với người đến Đà Nẵng từ các xã, phường trên cả nước có ca mắc cộng đồng, cách ly tập trung đối với người đến Đà Nẵng từ khu vực phong tỏa, ổ dịch hoặc khu vực áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng; kích hoạt Khu ký túc xá phía Tây ngay trong ngày 3/5/2021 để sẵn sàng tiếp nhận, cách ly các trường hợp F1 và các trường hợp liên quan khác… 

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố rà soát, đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 Thủ trưởng các đơn vị, ban, ngành, địa phương nghiên cứu chỉ đạo, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19; Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng ra thông báo yêu cầu Bí thư các quận, huyện phải báo cáo về tình hình triển khai công việc liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 trước 17 giờ chiều hàng ngày. Riêng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố phải thực hiện báo cáo ngày về tình hình triển khai phòng, chống dịch.

 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng xem xét, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đề nghị của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Các cơ quan chức năng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại thời điểm bầu cử; lập kế hoạch xét nghiệm cho lực lượng phục vụ công tác bầu cử. Ngành y tế cùng các đơn vị liên quan phải khẩn trương truy vết, khoanh vùng các địa điểm mà hai người Trung Quốc đã đi qua; những người có liên quan đến công dân tỉnh Hà Nam phải thực hiện xét nghiệm, công khai F1, F2 để người dân an tâm.

 Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị, các cơ quan chức năng, địa phương cần đa dạng hình thức, tăng cường mật độ tuyên truyền; xem xét việc dừng tắm biển, trước mắt cần tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân xuống biển phải thực hiện giãn cách, mang khẩu trang khi trên bờ…

 "Nếu cần thiết phải khởi động lại lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 từ tổ dân phố để bổ sung cho lực lượng chuyên trách ở các địa phương, nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân ở nơi công cộng, địa điểm tập trung đông người, nhất là bãi biển về việc chấp hành việc thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế", ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh. (Vtv.vn 03/5)Về đầu trang

Hà Nội cho toàn bộ học sinh dừng tới trường từ ngày 4/5

Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội ông Lê Hồng Chung xác nhận với Tiền phong, ngày 4/5, toàn bộ học sinh các cấp của địa phương sẽ tạm dừng đến trường.

 Theo ông Chung, ngay trong chiều tối nay Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thông báo về việc học sinh các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, trung tâm ngoại ngữ, tin học…trên địa bàn tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 đến khi có thông báo mới. Thay vào đó, tất cả các trường sẽ chuyển sang kế hoạch dạy học trực tuyến.

 Thông tin này hoàn toàn bất ngờ vì trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, học sinh các cấp vẫn sẽ quay lại trường học sau dịp nghỉ lễ. Sáng nay, học sinh các trường THCS – THPT vẫn đến trường trong bối cảnh kích hoạt các phương án phòng dịch chặt chẽ.

 Trước đó, Hà Nội đã có yêu cầu các nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để dạy học trực tuyến khi cần thiết nên không bất ngờ hay gặp khó khăn.

 Như vậy, đến thời điểm này, đã có 5 địa phương cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 bao gồm: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Yên Bái, Hưng Yên, Hà Nội. Các địa phương chỉ đạo nhà trường, trong thời gian nghỉ học trên lớp sẽ dạy học bằng hình thức trực tuyến, truyền hình…nhằm đảm bảo thực hiện chương trình, kế hoạch năm học. (Tienphong.vn 03/5, Hà Linh)Về đầu trang

Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, Hà Nam

Chiều 3/5, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết: Sở đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Ngụy Cao Phi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, để báo cáo, giải trình về quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Đồng thời, Sở Y tế Hà Nam cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, tạm đình chỉ công tác với ông Lương Thanh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý vì chưa xử lý và giải quyết kịp thời trường hợp bệnh nhân 2899.

 Theo đó, ông Ngụy Cao Phi - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân và ông Lương Thanh Ngọc - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý bị đình chỉ công tác do có thiếu sót trong quản lý, điều hành tại đơn vị mình phụ trách dẫn đến làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng. Hiện ông Lương Thanh Ngọc cũng đang được đưa đi cách ly vì là F1 của bệnh nhân 2899.

 Trước đó, ngày 2/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam đã có cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và xem xét trách nhiệm, xử lý và kỷ luật những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch để dịch bệnh COVID-19 lây lan ra cộng đồng. 

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thuỷ giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, chỉ đạo xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân có liên quan đến việc bệnh nhân 2899 để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

 Cũng tại hội nghị này, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh Hà Nam và các ngành liên quan rà soát lại hồ sơ vụ việc, nếu hồ sơ đủ căn cứ sẽ truy cứu hình sự đối với bệnh nhân 2899 về hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đồng thời giao Công an tỉnh Hà Nam rà soát toàn bộ hồ sơ cá nhân thuộc các đơn vị, tổ chức liên quan, nếu có vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. (Dangcongsan.vn 03/5, Kim Chiến)Về đầu trang

Khách ken đặc khu du lịch: Đừng “thả gà ra để đuổi”

Hình ảnh dòng người ken đặc hòa mình giữa bãi biển Vũng Tàu những ngày nghỉ lễ khiến cộng đồng không khỏi lo sợ.

 Hình ảnh đó cũng dễ làm nhiều người liên tưởng đến biển người chen lấn ngâm mình "rửa tội" trên dòng sông Hằng (Ấn Độ) của những tín đồ Hindu giáo.

 Hậu quả Ấn Độ đã phải trả giá rất đắt, có ngày ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục, hơn 400.000 ca. Và nếu tính từ đầu dịch, quốc gia trên 1,3 tỉ dân này có hơn 19,5 triệu ca dương tính với 215.523 người tử vong (cập nhật đến ngày 2-5). 

Tương tự Campuchia, từ "sự kiện cộng đồng ngày 20-2" đẩy nước này đứng bên bờ vực vỡ trận. Đến nay số ca nhiễm từ sự kiện này tăng lên trên 13.000 người.

 Còn ở Việt Nam có thể khẳng định ca bệnh 2899 (28 tuổi, Hà Nam) là trường hợp "siêu lây nhiễm" trong cộng đồng. Người này vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly. Đáng lẽ sau khi rời khu cách ly tập trung phải tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà, bệnh nhân lại gặp gỡ nhiều người, đi hớt tóc và cả uống bia (!). Chính điều này là nguồn cơn gieo rắc dịch bệnh khắp cả nước.

 Cho đến nay đã có ít nhất 15 người ở Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM lây bệnh, cùng hàng trăm người khác thuộc diện tiếp xúc gần phải cách ly. Và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại...

 Mới đây, ngày 1-5 dư luận lại vô cùng bức xúc khi một thành viên tổ tuần tra kiểm soát COVID-19 ở Lào Cai làm "nội gián" tiếp tay đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép.

 Càng bức xúc hơn, sự việc này xảy ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực "giải quyết hậu quả" của chùm bệnh liên quan đến bệnh nhân 2899; đang tập trung mọi nguồn lực ngăn chặn nguy cơ xâm nhập COVID-19 từ các tỉnh biên giới Tây Nam và đặc biệt khi mà trong một tháng qua liên tục có các văn bản chỉ đạo "tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác" của Ban Bí thư, công điện của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

 Vi phạm của một cá nhân đã khiến cả cộng đồng phải trả giá; sự vô trách nhiệm của một người đẩy muôn người vào một cuộc chiến chống dịch với muôn vàn rủi ro; trực tiếp phá vỡ thành quả chống dịch của toàn cộng đồng xã hội. Đó là chưa kể đến những thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần khó có thể nào đong đếm. 

Tất nhiên để xảy ra hậu quả nghiêm trọng này còn có trách nhiệm của các tổ chức khi không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Đây đang là điểm yếu, là kẽ hở chết người trong cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam. Và nếu không kiểm soát chặt thì cũng giống như nhiều chuyên gia từng cảnh báo sẽ như "thả gà để đuổi". 

Chúng ta đã mạnh tay xử lý các cá nhân gây ra ổ dịch trong cộng đồng. Như trường hợp nam tiếp viên của Vietnam Airlines vừa bị kết án 2 năm tù (án treo). Và phải tiếp tục xác minh, xử lý nghiêm trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân gây ra ổ dịch ở Hà Nam như đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Chính phủ ngày 30-4.

 Chỉ khi các tổ chức, cá nhân có chung quan điểm "chống dịch như chống giặc", thực sự đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trước hết, lúc ấy mới thôi điệp khúc "lỗ nhỏ đắm thuyền lớn", vốn đang là bài học đau xót, đắt giá từ Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia... (Tuoitre.vn 03/5, Hoàng Lộc)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham đạt cao nhất từ khi Covid-19 bùng phát

Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa cho biết, Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (Business Climate Index - BCI) đạt 73,9 điểm phần trăm trong quý 1-2021. Đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý 3-2019, trước khi đại dịch Covid-19 tấn công hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu.

 Kết quả khảo sát này cho thấy sự lạc quan của lãnh đạo các DN châu Âu về môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục được duy trì, thậm chí tăng tới 47 điểm phần trăm trong 12 tháng qua.

Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2021 và kết quả này cũng được phản ánh qua niềm tin của các DN châu Âu. Khi được hỏi về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý tới, 67% dự đoán là “xuất sắc” hoặc “tốt”, tăng 12% so với quý trước. 

Bên cạnh đó, đại diện DN tham gia khảo sát cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của công ty họ. Hơn 2/3 (68%) dự đoán rằng đơn đặt hàng và doanh thu của họ sẽ “duy trì hoặc tăng” trong 3 tháng tới, tăng 25% so với quý 4-2020. 

Những chuyển biến tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (có hiệu lực từ ngày 1-8-2020) cũng thể hiện khá rõ. Hơn 60% số người được khảo sát cho biết công ty họ được hưởng lợi từ khi hiệp định này đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, lãnh đạo các DN cũng cho biết, thủ tục hành chính tiếp tục là rào cản lớn nhất.

 Bình luận về kết quả BCI, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết: “Kết quả Chỉ số Môi trường kinh doanh một lần nữa khẳng định rằng Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Trong khi các quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của Covid-19, Việt Nam có thể đảm bảo rằng các công ty ở đây tiếp tục hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các DN châu Âu. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các thành viên EuroCham đều lạc quan về triển vọng môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam”. (Sggp.org.vn 03/5, Anh Phương)Về đầu trang

Yêu cầu mới về cải cách thể chế kinh tế, tăng năng suất lao động

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã có các nghiên cứu chuyên sâu về lộ trình tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế thông qua những giải pháp phát triển thị trường lao động.

 Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, kết quả tăng trưởng kinh tế của năm 2020 và quý I-2021 một lần nữa khẳng định công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ có những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, kiên định với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đó là điều hành chủ động, bài bản gắn với việc cập nhật tình hình dịch bệnh và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, qua đó, giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai và không ngừng tạo dựng thêm không gian cho hoạt động kinh tế mới. Các cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tiếp tục có sự liền mạch với các năm trước, nhận được đồng thuận cao của cộng đồng, DN và người dân. Về phía DN cũng có sự thích ứng cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới.

 Tại báo cáo này, CIEM đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 dựa trên ba kịch bản tương ứng với các giải pháp điều hành. Cụ thể, ở kịch bản với giải pháp bình thường như hiện nay, CIEM dự báo tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2021-2023 đạt 6,35%/năm; ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ, GDP trung bình đạt 6,69% và ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt 6,76%/năm. 

“Như vậy, nếu Chính phủ chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn nhưng đi kèm với đó là áp lực lạm phát lớn hơn. Trong khi đó, nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021 - 2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

 Từ các kịch bản này, CIEM khuyến cáo: Mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, song Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế trong tương lai. Quá trình phục hồi kinh tế cần phải song hành với cải cách thể chế kinh tế. Nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết, đồng thời không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

 CIEM cũng đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023. Đó là tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; từ năm 2022, kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế, sau đó rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng để tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023. (Nhandan.com.vn 03/5)Về đầu trang

Bloomberg: Indonesia tăng tốc trong cuộc đua FDI với Việt Nam và Singapore

Để cạnh tranh với Việt Nam và Singapore, Indonesia đang đưa ra các biện pháp khuyến khích theo kiểu "đo ni đóng giày" cho nhà đầu tư, và có khả năng sắp tới sẽ là các chương trình cho phép đền bù carbon.

 Theo Bloomberg, các biện pháp thu hút đầu tư trước đó đã gò bó trong các quy định bị chỉ trích là lỗi thời, chồng chéo hoặc thậm chí mâu thuẫn. Với những cải cách hiện đang diễn ra mạnh mẽ sau khi thông qua Luật omnibus (về tạo việc làm) vào cuối năm ngoái, chính phủ có thể điều chỉnh lợi ích cho các công ty muốn đầu tư vào Indonesia - miễn là họ sẽ chi "rất lớn" sẽ phát triển đáng kể các ngành công nghiệp ở địa phương, Nurul Ichwan tại Ban điều phối đầu tư Indonesia cho biết. 

Ông này nói trong một cuộc phỏng vấn: "Việt Nam và Singapore có chương trình khuyến khích tương tự nhau, nhưng chúng tôi sẽ giành được các dự án cho mình với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thị trường khổng lồ, hiệu quả kinh tế và sự lãnh đạo của Indonesia".

 Cạnh tranh đầu tư nước ngoài đang nóng lên trong khu vực Đông Nam Á, với việc Việt Nam, Thái Lan và Philippines đều tăng cường ưu đãi hoặc cắt giảm thuế suất cho doanh nghiệp , Bloomberg nhận định. Giống như các nước láng giềng, Indonesia cũng rất muốn thúc đẩy đầu tư khi động cơ tăng trưởng đến từ tiêu dùng truyền thống của họ đã chậm lại trong bối cảnh đại dịch.

 Tổng thống Joko Widodo đã thúc đẩy một cuộc cải cách các quy định liên quan đến việc làm và đầu tư vào năm ngoái, nhằm thu hút vốn cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

 Mới đây, ông đã bổ nhiệm Bahlil Lahadalia, người đứng đầu Ban Đầu tư, lãnh đạo Bộ Đầu tư mới được thành lập, có quyền ban hành các quy định khuyến khích đầu tư. Chiến lược của Bộ sẽ vẫn phù hợp với Chiến lược của Ban Điều phối Đầu tư.

 Chiến dịch đang cho thấy những thành công bước đầu, với tổng vốn đầu tư tăng 2% lên 826 nghìn tỷ rupiah (tương đương 57,2 tỷ USD) vào năm 2020, ngay cả khi nền kinh tế Indonesia trải qua cuộc suy thoái đầu tiên sau hơn hai thập kỷ. Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 900 nghìn tỷ rupiah đầu tư trong năm nay. 

Indonesia cũng đang xem xét việc xây dựng chương trình đền bù carbon (carbon offset) - cho phép các nhà đầu tư bù đắp lượng khí thải của họ. Ban Đầu tư đang lên danh sách các vùng đất than bùn - nơi có thể lưu trữ một lượng lớn carbon, cùng với các hồ nhân tạo trong các khu vực từng dùng để khai thác để đặt các tấm pin mặt trời nổi, Ichwan nói.

 Động thái này nhằm thu hút các công ty sản xuất pin và xe điện muốn đầu tư vào chuỗi cung ứng niken của Indonesia, nhưng đang gặp khó khăn trước việc các nhà máy chế biến ở địa phương phụ thuộc vào than để sản xuất năng lượng. Chính phủ đã cố gắng thu hút các công ty như Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương đại của Trung Quốc, Công ty TNHH LG Chem của Hàn Quốc và Công ty Tesla Inc. của Mỹ thành lập cửa hàng. (Cafef.vn 03/5)Về đầu trang

Hơn 2000 doanh nghiệp ở ĐBSCL rút khỏi thị trường

Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ vừa cho biết, quý I/2021, vùng ĐBSCL có 3.326 DN gia nhập thị trường, trong đó có 2.462 DN thành lập mới (số vốn đăng ký mới 34.055 tỷ đồng) và 864 DN quay trở lại hoạt động.

 Số lao động tăng thêm toàn vùng là 21.483 lao động. Trong khi có 2.097 DN rút khỏi thị trường (gồm 1.541 DN tạm ngừng hoạt động và 556 DN đã giải thể).

 Trong số 13 tỉnh thành của vùng ĐBSCL, Long An là địa phương dẫn đầu về số lượng DN thành lập mới, kế đến là Kiên Giang, Cần Thơ… Còn về số vốn đăng ký, Kiên Giang là địa phương dẫn đầu, tiếp đến là Long An, Trà Vinh… 

Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Long An là tỉnh có số dự án và vốn đăng ký mới nhiều nhất vùng trong quý I/2021 với 13 dự án (gần 3,2 tỷ USD), kế đến là Cần Thơ (1 dự án, vốn hơn 1,3 tỷ USD) và Vĩnh Long (2 dự án, vốn 0,74 tỷ USD)...

 Báo cáo cũng ghi nhận sự biến động về lao động tại các DN. Tình trạng nhân viên nghỉ việc sau Tết vẫn còn xảy ra, gây thiếu hụt lao động và không đáp ứng được nhu cầu công việc của DN. Do đó, nhu cầu về lao động vẫn tiếp tục là vấn đề lớn đối với DN trong dự báo quý II.

 Kết quả khảo sát quý I cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của DN ĐBSCL vẫn đang ổn định và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, lượng đơn đặt hàng và giá bán sản phẩm của các DN đều tăng rõ rệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là tiền đề cho việc cải thiện các hoạt động kinh doanh trong quý II khi nhiều DN lạc quan về tình hình tăng trưởng doanh thu do thị trường dần hồi phục. (Tienphong.vn 03/5, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

Nikkei Asia: Panasonic sẽ ngừng sản xuất TV tại Việt Nam?

Panasonic đang muốn cắt giảm chi phí trong lĩnh vực sản xuất TV - nơi mà dấu ấn thương hiệu của họ đã trở nên mờ nhạt.

 Nikkei Asia đưa tin, Panasonic đã sẵn sàng gia công sản xuất TV cho đối thủ Trung Quốc TCL - nhà sản xuất TV lớn thứ ba thế giới. Đây là động thái mới nhất của Panasonic nhằm cắt giảm chi phí trong lĩnh vực sản xuất TV - nơi mà dấu ấn thương hiệu của họ đã trở nên mờ nhạt. Theo Nikkei, Panasonic và TCL đang đàm phán về phạm vi của hợp đồng sản xuất. Panasonic đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận ngay trong tháng tới.

 Panasonic, cũng như nhiều thương hiệu hàng đầu khác của Nhật Bản, đang rút lui hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất TV. Đây từng là lĩnh vực cạnh tranh chủ lực của ngành công nghiệp điện tử nước này.

 Panasonic sẽ tiếp tục sản xuất TV cao cấp mang thương hiệu của riêng họ, nhưng chủ yếu để bán tại thị trường Nhật Bản. Panasonic sẽ xem xét việc hợp nhất hoặc thu hẹp các địa điểm sản xuất ở Nhật Bản và nước ngoài. 

Việc sản xuất TV sẽ kết thúc trong năm tài chính này, tại các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam, theo Nikkei Asia. Việc phát triển TV dòng bình dân, vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp, cũng sẽ được tập đoàn này thuê ngoài để cắt giảm chi phí.

 Panasonic cho biết vào năm 2019, rằng họ sẽ tìm cách hợp tác với các công ty khác trong việc sản xuất TV như một cách để cắt giảm chi phí. Sau khi xem xét nhiều nhà sản xuất TV lớn, Panasonic lựa chọn TCL.

 Panasonic từng nắm giữ trên 10% thị phần TV toàn cầu, nhưng thị phần đã giảm với sự xuất hiện của các đối thủ Trung Quốc có giá rẻ hơn. Panasonic rút khỏi TV plasma, sau đó rút khỏi hoạt động sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Omdia của Anh, công ty này chiếm 1,8% thị phần vào năm ngoái, xếp ở vị trí thứ 12.

 TV ước tính chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu của Panasonic. Mảng này có khả năng đã thu được lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, nhờ thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ, nhưng công ty nhận thấy rất ít cơ hội thu nhập ổn định và dài hạn từ TV.

 Các đối thủ Nhật Bản của Panasonic cũng đã trải qua những cuộc tái cơ cấu tương tự. Hitachi đã chấm dứt hoạt động sản xuất TV của mình vào năm 2012 và ngừng bán TV mang thương hiệu của mình hoàn toàn vào năm 2018. Cùng năm đó, Toshiba đã bán hết dây chuyền TV của mình cho Tập đoàn Hisense của Trung Quốc.

 Trong khi đó, Sony đã đưa hoạt động kinh doanh TV của mình vào ổn định bằng cách cắt giảm các kênh bán hàng và dòng sản phẩm của mình.

 Panasonic đã và đang thoái vốn các hoạt động thua lỗ. Công ty này đã bán mảng kinh doanh bán dẫn cho Nuvoton Technology của Đài Loan và quyết định rút khỏi lĩnh vực sản xuất màn hình tinh thể lỏng và pin mặt trời.

 Một giám đốc điều hành của Panasonic cho biết: "Chúng tôi đang trên đường hoàn thành cải cách cơ cấu của các hoạt động kinh doanh thua lỗ lớn". (Cafef.vn 02/5, Nhã My)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chênh lệch lớn về lương hưu khiến nhiều người muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần

Do quá chú trọng đến nguyên tắc đóng - hưởng dẫn đến tình trạng có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp 1,3 triệu đồng, song có người hưởng mức lương hưu lại quá cao, hơn 100 triệu...

 Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng đang tồn tại sự chênh lệch khá lớn về mức lương hưu giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp.

 Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

 Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.

 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: đang tồn tại sự chênh lệch khá lớn về mức lương hưu giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp dẫn đến gia tăng số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong nhóm đối tượng này. 

Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, mức lương hưu bình quân là 4,26 triệu đồng/người/tháng. Trong khi mức lương hưu cao nhất đạt 101,3 triệu đồng/tháng thì cũng có hơn 4.100 người hưởng mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng, hơn 3.989 người hưởng mức từ 13 triệu đồng/tháng trở lên.

 Tính đến cuối năm 2020, khoảng cách về lương hưu giữa người có lương hưu cao nhất và người có lương hưu thấp nhất vẫn tương đối cao.

 “Do quá chú trọng đến nguyên tắc đóng - hưởng dẫn đến tình trạng có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp 1,3 triệu đồng, cá biệt có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao, hơn 100 triệu đồng gây những bức xúc trong xã hội”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định.

 Đánh giá về tác động của việc chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa các nhóm lao động, có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp và người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng có  thể  sẽ  làm giảm niềm tin của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, duy trì sự tham gia và ở lại trong hệ thống. Thậm chí, nhiều người đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống.

 Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 600.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.

 Mặc dù vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng hiện nay không có căn cứ pháp lý để thực hiện các nội dung liên quan của Luật Bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở.

 Theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, sẽ tiến tới việc bãi bỏ mức lương cơ sở, trong khi đó Luật Bảo hiểm xã hội có đến 11 nội dung gắn với mức lương cơ sở.

 Do vậy, nếu không sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội thì sẽ không còn căn cứ pháp lý để thực hiện những nội dung nêu trên, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

 Trước thực tế đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

 Hướng đề xuất là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu đối với người lao động được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó, và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trung bình của tất cả mọi người tham gia bảo hiểm xã hội. (Vneconomy.vn 03/5, Phúc Minh)Về đầu trang

Ngành nông nghiệp sẽ thực hiện tiết kiệm từ 10-15% các khoản chi phí

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

 Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được cấp có thẩm quyền giao với mục tiêu tiết kiệm từ 10 – 15% các khoản chi phí. 

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính.

 Bộ sẽ giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

 Bên cạnh đó, Bộ tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện. (TTXVN/Bnews.vn 02/5)Về đầu trang

58 người chết vì tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ

Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc có 58 người chết vì tai nạn giao thông, giảm khá sâu so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Cảnh sát giao thông.

 Ngày 3/5, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2021.

 Qua đó, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2020.

 Cụ thể, toàn quốc xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông, làm chết 58 người, bị thương 64 người.

 So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2020, giảm 22 vụ (-16,54%), giảm 21 người chết (-26,58%), giảm 12 người bị thương (-15,79%).

 Trong đó, đường bộ xảy ra 109 vụ, làm chết 56 người, bị thương 64 người; so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2020, giảm 23 vụ, giảm 23 người chết, giảm 12 người bị thương.

 Đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết; so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2020 số vụ không tăng, không giảm; tăng 1 người chết; giảm 01 người bị thương.

 Đường thủy cũng xảy ra một vụ làm một người chết; so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2020 tăng 1 vụ; tăng 1 người chết.

 Về công tác xử lý vi phạm, trong bốn ngày nghỉ lễ, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 32.621 trường hợp vi phạm (trong đó có 3.476 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 15 trường hợp dương tính với ma túy); phạt tiền gần 32 tỷ đồng. 

So với năm 2020, xử lý vi phạm tăng 3.449 trường hợp (+11,8%), tiền phạt tăng 18,3 tỷ đồng, xử lý nồng độ cồn tăng 1.646 trường hợp (+90%); xử lý lái xe dương tính tăng 12 trường hợp (+400%)…

 Đánh giá tổng kết, Cục Cảnh sát giao thông nhận định tình hình tai nạn giao thông đã giảm sâu so với năm 2020; đồng thời lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động triển khai kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe mô tô tốc độ cao, rú ga, nẹt pô, có biểu hiện đua xe trái phép tại một số địa phương phía Nam, góp phần phục vụ Nhân dân đi lại an toàn dịp nghỉ lễ.

 Dù vậy, do lưu lượng người và phương tiện giao thông đường bộ tăng cao trên một số tuyến giao thông trọng điểm, nhất là các cửa ngõ ra vào thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời nên mặc dù các lực lượng chức năng đã chủ động huy động tối đa lực lượng triển khai các phương án điều tiết giao thông từ sớm, từ xa, nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ ùn tắc.

 Đặc biệt, Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh có đơn vị quản lý đường cao tốc còn không phối hợp, xả trạm theo quy định khi được yêu cầu dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. (Vtv.vn 03/5)Về đầu trang

Hà Nội: Bảo đảm ít nhất 80% cán bộ, công chức được bồi dưỡng đạo đức công vụ

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1869/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

 Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố bảo đảm hằng năm có ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ; 25% cán bộ, công chức dưới 40 tuổi được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định.

 Đối với cấp xã, hằng năm, ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ; 100% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác.

 Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật, nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động ít nhất 1 lần trong thời gian 2 năm; 20% cán bộ, công chức cấp xã, 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định.

 Giai đoạn 2021-2025, 100% viên chức của thành phố cũng sẽ được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; hằng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định…

 Thành phố cũng sẽ bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho 100% đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đại biểu được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động ít nhất 1 lần trong nhiệm kỳ. (Hanoimoi.com.vn 03/5, Hoài Thu)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thế giới đang trong giai đoạn tồi tệ nhất dù đáng lẽ không đến mức như vậy

CNN đã đăng tải bài viết nhận định về tình hình thế giới hiện nay với tiêu đề: "Thế giới đang trong giai đoạn tồi tệ nhất, mà đáng lẽ nó sẽ không đến mức như vậy".

 Số ca mắc mới ghi nhận chỉ trong tuần trước đã "ngang ngửa" với số ca mắc trong 5 tháng đầu tiên của đại dịch. Có thể nói, tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19 đang rất đáng báo động và kéo theo nhiều hệ lụy. Ấn Độ đã trải qua ngày chết chóc nhất vì đại dịch COVID-19 trong 24 giờ qua với gần 3.700 ca tử vong. Như vậy, trong suốt 4 ngày liên tiếp vừa qua, số ca tử vong tại Ấn Độ đã vượt mức 3.000 trường hợp mỗi ngày.

 Cách đây 1 năm, khi thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh, hướng tiếp cận toàn cầu là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

 12 tháng đã trôi qua kể từ thời điểm đó. Những thảm kịch ở Ấn Độ, nơi các bệnh viện đều bị quá tải khi số ca mắc tăng cao và hàng nghìn người tử vong vì thiếu oxy, cho thấy, lời cảnh báo trên đã bị phớt lờ.

 Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nói: "Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng. Các ca bệnh hiện đã tăng liên tục trong suốt 9 tuần liên tiếp và số ca tử vong đã tăng trong tuần thứ 6 liên tiếp. Ngoài ra, tính riêng số trường hợp mắc mới trên toàn cầu vào tuần trước đã tương đương tổng số ca trong 5 tháng đầu tiên của đại dịch".

 Ấn Độ không phải điểm nóng COVID-19 toàn cầu duy nhất. Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào giai đoạn phong tỏa toàn quốc đầu tiên hôm 29/4 khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu. Bức tranh dịch bệnh ở nhiều nước Nam Mỹ cũng không khá hơn. Brazil với hơn 14,5 triệu ca mắc và hơn 400.000 ca tử vong tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong hàng ngày cao nhất thế giới.

 Đáng chú ý, tình trạng bất bình đẳng vaccine vẫn tiếp tục là vấn đề chưa có hướng giải quyết. Một số nước, trong đó có Mỹ, Canada và Anh, đã đặt hàng vaccine COVID-19 nhiều hơn mức cần thiết. Ở các nước thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người được tiêm vaccine. Trong khi đó, ở các nước thu nhập thấp, hơn 500 người mới có 1 người được tiêm vaccine. Thậm chí, một vài nước trong số 92 nước thu nhập thấp nhất thế giới còn chưa nhận được liều vaccine nào. (Vtv.vn 03/5)Về đầu trang

Nguyên nhân đằng sau thảm trạng Covid-19 tại Ấn Độ hiện nay

Một diễn đàn các cố vấn khoa học của chính phủ đã sớm cảnh báo giới chức New Delhi về mối đe dọa tiềm tàng từ một biến thể mới của virus gây bệnh Covid-19, nhưng bị phớt lờ, theo Reuters dẫn lời các chuyên gia. 

Bất chấp lời cảnh báo được đưa ra vào đầu tháng 3, bốn nhà khoa học cho hay chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi vẫn không áp dụng các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19.

 Hàng triệu người không đeo khẩu trang vẫn tham gia các buổi lễ tôn giáo và những buổi mít tinh chính trị do Thủ tướng Modi, các lãnh đạo đảng BJP cầm quyền và các chính khách tổ chức trong mùa bầu cử.

 Bên cạnh đó, hàng chục ngàn nông dân tiếp tục cắm trại ở rìa thủ đô New Delhi, phản đối các thay đổi trong chính sách nông nghiệp của chính phủ.

 Quốc gia đông dân nhất thế giới đang chật vật chống chọi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đang ập đến với mức độ nghiêm trọng hơn hẳn đợt đầu tiên vào năm ngoái. Và Thủ tướng Modi đang đối mặt cuộc khủng hoảng dữ dội nhất kể từ khi cầm quyền vào năm 2014. 

Ấn Độ vào ngày 3.5 đã ghi nhận 368.147 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên gần 20 triệu ca, trong khi số trường hợp tử vong là 218.959, theo số liệu của Bộ Y tế.

 Tuy nhiên, giới chuyên gia y khoa cảnh báo con số thực tế có thể cao gấp 5 đến 10 lần so với thông tin chính thức. (Thanhnien.vn 03/5, Thụy Miên)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More