Tài liệu tuyên truyền Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024) số 08

Post date: 07/05/2024

Font size : A- A A+

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu Tài liệu tuyên truyền “Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024)”. Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình biên soạn và phát hành.

II. BƯỚC CHÂN THỜI GIAN

(Tiếp theo)

2. Quảng Bình - Vang mãi hào khí

2.1. Quảng Bình dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn và thực dân Pháp

Do nằm ở vùng đất tranh chấp của hai thế lực phong kiến vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong cùng với chính sách bóc lột, đàn áp của tập đoàn phong kiến Đàng Trong và Đàng Ngoài đã làm cho nhân dân Quảng Bình điêu đứng, cực khổ. Năm 1771, phong trào nông dân Đàng Trong chống áp bức, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Chỉ trong vòng 10 ngày của tháng 6 năm 1786, nhân dân Quảng Bình đã nổi dậy phối hợp với nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 3 vạn quân Trịnh trên phòng tuyến sông Gianh. Sau đó tiếp tục tiến thẳng ra Bắc Hà, lật đổ chế độ nhà Trịnh, thống nhất đất nước. Tháng 12 năm 1788, Quang Trung - Nguyễn Huệ dẫn quân tiến thẳng ra Thăng Long, quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh. Lên ngôi chưa được bao lâu thì Nguyễn Huệ qua đời. Năm 1802, Nguyễn Ánh cấu kết với giặc ngoài lật đổ triều Tây Sơn lên làm vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế), lập ra nhà Nguyễn. 

Sau nhiều năm chuẩn bị, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 27/6/1885, quân Pháp tiến vào kinh đô Phú Xuân, triều Nguyễn đầu hàng vô điều kiện. Trong triều đình Huế lúc này phân thành hai phe “Phe chủ chiến” và “Phe chủ hoà”. “Phe chủ chiến” do Thượng thư Tôn Thất Thuyết đứng đầu đã vạch ra kế hoạch tấn công quân Pháp ở Huế. Sau vụ phản công ở Huế tháng 7/1885 không thành, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị), sau ra huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) phát Chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên phò vua cứu nước.

Hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhân dân Quảng Bình đã vùng dậy dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, quan lại và trí thức có lòng yêu nước, đánh trả quân xâm lược. Vùng đất Quảng Bình trở thành một trong những nơi tụ nghĩa của phong trào Cần Vương. Các sĩ phu yêu nước của đất Quảng Bình như: Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Lê Mô Khởi, Đoàn Đức Mậu, Hoàng Phúc, Mai Lượng... đã chiêu tập nghĩa quân, đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 19/7/1885, quân Pháp nhanh chóng chiếm thành Đồng Hới. Thực dân Pháp còn tổ chức nhiều cuộc tấn công vào căn cứ của vua Hàm Nghi ở vùng Tuyên Hóa. Tại đây đã xảy ra những trận đánh lớn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phạm Tuân và các tướng khác. Tháng 01/1886, tại Khe Ve, nghĩa quân đã đánh bại hai lần tấn công quy mô của quân Pháp, giết và làm bị thương nhiều tên địch.

Tháng 4/1886, ở Mỹ Lộc (Lệ Thủy) nghĩa quân Cần Vương dưới sự chỉ huy của thống lĩnh Hoàng Phúc đã đánh tan cuộc truy lùng của 500 lính khố xanh và quân Pháp, bắt sống tên cầm đầu là Võ Bá Liên. Cũng vào thời điểm này ở đồn Lèn Bạc, Áng Sơn, Khe Giữa (Lệ Thủy), các thủ lĩnh Đề Chít, Đề Én, Lãnh Nhưỡng đã lãnh đạo nghĩa quân lần lượt đẩy lùi những cuộc tiến công của quân Pháp ở vùng núi này...

Ngày 01/11/1888, Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, phong trào Cần Vương ở Quảng Bình tạm thời lắng xuống nhưng tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân vẫn âm ỉ cháy, rồi lại bùng lên mạnh mẽ trong các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, trong các phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân do Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng... Tuy nhiên, do chưa có một đường lối chính trị đúng đắn, nên không thể đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Phải đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) đảm đương sứ mệnh của một Đảng lãnh đạo thì lúc đó các phong trào chống Pháp ở Quảng Bình mới phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Các tổ chức cơ sở Đảng lần lượt ra đời: Chi bộ ga Bố Trạch (Kẻ Rấy năm 1930); chi bộ Trung Lực - Mỹ Thổ, huyện Lệ Thủy (1931); chi bộ Bãi Đức, huyện Tuyên Hóa (1931); chi bộ Lũ Phong, thị xã Ba Đồn (1933),... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu cao, thuế nặng ở Quảng Bình liên tiếp nổ ra...

Từ năm 1936 - 1939, Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (sau này là Mặt trận dân chủ Đông Dương) ra đời. Các tổ chức quần chúng được thành lập từ tỉnh đến xã với nhiều hình thức như: công hội, nông hội, hội cứu tế...Các cuộc đấu tranh trong thời kỳ này đã làm cho phong trào cách mạng ở Quảng Bình có sự khởi sắc, đội ngũ cán bộ, đảng viên trưởng thành. Quần chúng cách mạng được tập hợp, thử thách trong thực tiễn đấu tranh. Đó là những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng không những làm cho quần chúng gắn bó mật thiết với nhau mà còn tạo tiền đề cho cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945.

Trong thời kỳ 1939 - 1941, phong trào cách mạng ở Quảng Bình tập trung vào việc đấu tranh để bảo vệ những thành quả đã giành được trong thời kỳ mặt trận dân chủ và duy trì các hình thức tổ chức cũ. Tháng 02/1942, các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh được thành lập, các đội tự vệ tuyên truyền xung phong lần lượt ra đời ở Lệ Thuỷ, Quảng Trạch.

Ngày 17/8/1945, Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức hội nghị quán triệt lệnh Tổng khởi nghĩa do đồng chí Tố Hữu phái viên của Trung ương vào truyền đạt. Hội nghị bàn kế hoạch lãnh đạo và quyết định lấy ngày 23/8/1945 làm ngày khởi nghĩa chung toàn tỉnh. Sau hội nghị, phong trào cách mạng ở Quảng Bình có bước phát triển nhảy vọt và trưởng thành nhanh chóng. Các cơ sở Việt Minh huyện, thị được củng cố. Hàng trăm cuộc mít tinh được tổ chức. Phong trào sắm sửa vũ khí và luyện tập quân sự phát triển khắp nơi cùng với phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng, khí thế cách mạng đã lan rộng ra khắp các huyện, thôn, xóm báo hiệu một cuộc vùng lên mạnh mẽ của quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ cách mạng của Mặt trận Việt Minh.

Đêm 22 rạng ngày 23/8/1945, các tầng lớp nhân dân ở vùng ven và quanh khu vực thị xã Đồng Hới với băng cờ, gươm, giáo mác, gậy gộc... tập trung đông đảo quanh thành Đồng Hới đợi lệnh tổng khởi nghĩa. Mờ sáng ngày 23/8/1945, lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố. Dân chúng từ các nơi đổ vào cửa thành, bao vây toà sứ, trại lính. Lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm giữ các vị trí xung yếu trong nội thị, sẵn sàng đánh trả mọi hành động chống cự của địch. Tám giờ ngày 23/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa làm lễ ra mắt và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, quần chúng cách mạng ở các phủ, huyện đã đồng loạt vùng lên giành chính quyền. Đến ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống phủ, huyện, xã đều được thiết lập.

Ngày 23/8/1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Bình. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày đêm, quần chúng nhân dân trong tỉnh nhất tề nổi dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa diễn ra nhanh gọn và thu được thắng lợi to lớn.

Ngày 2/9/1945, lần đầu tiên trong lịch sử, quân và dân Quảng Bình với đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, từ miền xuôi đến miền ngược đã tập trung về tỉnh lỵ và huyện lỵ dự cuộc mít tinh lớn mừng ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tất cả cùng háo hức và tập trung lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới “Nước Việt Nam đã thành một nước tự do, độc lập”... “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

                                                                             (Còn nữa)

More