Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 01-7-2020

Post date: 01/07/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1.                Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng. 1

2.                Dồn dập thoái vốn nhà nước tại 124 doanh nghiệp trong năm 2020. 2

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

3.                Bloomberg: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt dự báo bất chấp COVID-19. 3

4.                Báo Ấn Độ: EVFTA sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Ấn Độ với Việt Nam.. 3

5.                Đối thoại với doanh nghiệp châu Âu: Lắng nghe khó khăn, tìm kiếm sáng kiến cải cách  5

6.                Việt Nam - “Đất lành” hút FDI chất lượng cao sau đại dịch. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

7.                Đưa tiền cho thanh tra xây dựng, đòi lại có được không?. 7

QUẢN LÝ.. 8

8.                Tổ chức Đại hội qua những con số và điểm mới 8

9.                Đề xuất giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ cho ô tô kinh doanh vận tải 10

10.             Đã chi trả gần 7.000 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp. 11

11.             Nửa năm xử phạt 86.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

12.             Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế “về đích” trước thời hạn 5 năm.. 12

13.             Bộ Tài chính cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. 13

14.             Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. 14

15.             Từ 1/7, ngồi nhà cũng có thể nộp phạt vi phạm giao thông. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

16.             Bội chi ngân sách hơn 69 nghìn tỷ đồng sau 6 tháng. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

17.             Dùng bằng không hợp pháp, một bí thư xã ở Lào Cai bị đề nghị cách chức. 16

THẾ GIỚI 16

18.             Trung Quốc trừng phạt hàng nghìn quan chức vì vi phạm quy tắc tiết kiệm.. 16

19.             Interpol "dội gáo nước lạnh" vào đề nghị của Iran truy nã ông Trump. 17

 CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng

Liên quan đến sự cố cháy rừng xảy ra tại Nghệ An và Hà Tĩnh từ ngày 26 đến ngày 28/6 vừa qua, ngày 30/6, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 776 / CĐ - TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

 Tuyệt đối không để lặp lại tình trạng cháy rừng xảy ra trên diện rộng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự bảo, cảnh báo cháy rừng, chế độ báo cáo , đảm bảo cập nhật, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm; chỉ đạo , hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

 Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn, có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết , đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

 Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

Dồn dập thoái vốn nhà nước tại 124 doanh nghiệp trong năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

 Theo Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 là doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 doanh nghiệp.

 Quyết định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tiến độ và tỷ lệ đã được phê duyệt theo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về đề xuất thoái vốn và kết quả thực hiện.

 Đồng thời, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn của từng doanh nghiệp, liệt kê tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này; trước ngày 31/7/2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tổ chức thực hiện việc thoái vốn theo lộ trình đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (trong trường hợp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt) thoái vốn trước ngày 31/7/2020 đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa được liệt kê tại Quyết định này, đảm bảo tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ theo đúng quy định.

 Các đơn vị có tên trên kịp thời báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trường hợp không thể thoái vốn theo Quyết định này khi điều kiện thị trường không thuận lợi, hoặc gặp vướng mắc, khó khăn khách quan.

 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng kết tình hình thực hiện; xây dựng kế hoạch sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV/2020.

 Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn thu từ việc thoái vốn của các doanh nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước phù hợp với Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Bloomberg: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt dự báo bất chấp COVID-19

Mới đây, chuyên trang tài chính Bloomberg của Mỹ có bài viết nhận định nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng ngoài dự báo, bất chấp các tác động của dịch COVID-19.

 Tác giả bài báo dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 29/6 cho biết trong quý II, kinh tế Việt Nam ước tính đạt tăng trưởng dương, dù giao thương sụt giảm do dịch bệnh. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II ước tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi con số này của quý I là 3,68%.

 Trong một thăm dò do Bloomberg tiến hành trước đó, các chuyên gia kinh tế đã dự báo GDP của Việt Nam sẽ giảm 0,9%.

 Nếu tính trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP ước tính tăng 1,18%. So với các nước trong khu vực và thế giới, đây là một mức tăng trưởng khá.

 Số liệu tăng trưởng tích cực trên đạt được bất chấp thực tế là dịch COVID-19 khiến xuất khẩu giảm 2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng 5,3%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,17%. Chính phủ đặt mục tiêu đạt mức lạm phát trung bình 4% trong năm nay.

 Bài báo cho rằng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã bị tác động mạnh khi dịch bệnh làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định năm nay, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đạt thành quả tốt trong khu vực. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

Báo Ấn Độ: EVFTA sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Ấn Độ với Việt Nam

Financial Express đưa tin: Các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, đặc biệt là trong các lĩnh vực thâm dụng lao động. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, trong tương lai, doanh thu của họ còn được dự báo sẽ giảm mạnh hơn nữa, vì đối thủ cạnh tranh chủ chốt của Ấn Độ là Việt Nam đã ký kết thành công EVFTA.

 Hiệp ước này sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các quốc gia châu Á cho thị trường EU ngày càng khốc liệt hơn. Đây là thị trường lớn cho một loạt các sản phẩm như hàng may mặc, giày dép, hàng hải, nhựa, cao su, da và cà phê. Quan trọng hơn, sau khi EVFTA có hiệu lực, 71% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU và 65% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Có tới 99% các loại thuế quan còn lại sẽ được Việt Nam bãi bỏ trong vòng 10 năm và EU bãi bỏ trong vòng 7 năm. Trong khi, nguồn cung của Ấn Độ sẽ tiếp tục phải chịu thuế.

 Hơn nữa, các nhà phân tích thương mại cũng dự báo một sự nhảy vọt trong đầu tư của Trung Quốc và các nước khác vào Việt Nam để tận dụng quyền truy cập miễn thuế vào thị trường EU. Đó được cho là thiệt hại của phía Ấn Độ. Theo một báo cáo của Nomura năm ngoái, có tới 26/56 công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2019, đã đến Việt Nam.

 EU, điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ, chiếm khoảng 17% tổng số lô hàng xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên, trong một lĩnh vực thâm dụng lao động như hàng may mặc, thị phần của họ (bao gồm cả Vương quốc Anh) thường ở hoảng 30%.

 Các nhà phân tích đã cảnh báo, chưa nói đến việc hấp thu vốn từ Trung Quốc, Ấn Độ trước tiên sẽ cần phải đối mặt với những thách thức để duy trì thị phần của mình trong các mặt hàng xuất khẩu thâm dụng lao động khác nhau.  . 

Tất nhiên, số lượng mặt hàng Ấn Độ bán cho EU đa dạng hơn nhiều so với Việt Nam, điều này sẽ phần nào làm dịu đi tình hình. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại thường cho phép các quốc gia mở rộng danh mục sản phẩm của họ, Ấn Độ không nên tự mãn. 

Nhưng dù sao, đối với Ấn Độ, EU vẫn là điểm đến có mức thuế thấp, với mức thuế nhập khẩu bằng 0 hoặc tối thiểu đối với một số sản phẩm chính, bao gồm điện thoại di động, sắt thép, đồ nội thất và hạt điều.

 Ngoài ra, theo hiệp ước FTA, việc loại bỏ thuế của EU đối với hàng may mặc phải chờ đến 7 năm đối với các mặt hàng nhạy cảm và từ 0-3 năm đối với hàng hóa ít nhạy cảm hơn. Điều này sẽ cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ thời gian để xoay sở. 

Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 324 tỷ USD, trong khi đó hàng hóa sang EU giảm với tốc độ hơn 3%.

 Trong khi đó, sau 16 vòng đàm phán từ năm 2007-2013, các cuộc đàm phán FTA Ấn Độ - EU đã bị đình trệ do sự bất đồng đối với việc cắt giảm mạnh thuế quan đối với phụ tùng ô tô và rượu vang của New Delhi. Tuy nhiên, cả hai bên đang cố gắng hồi sinh các cuộc đàm phán thương mại hồi đầu năm nay khi Covid-19 tấn công.

 Ông Gautam Nair, Giám đốc điều hành tại Matrix Clothing, một trong những nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất Ấn Độ, gần đây đã nói với Financial Express: Sự chênh lệch rõ ràng về thuế quan ở thị trường EU có thể làm mất giá hàng hóa Ấn Đội ở các khu vực khác, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Ấn Độ với Việt Nam.

 Ông Raja M Shanmugham, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Tirupur, cho rằng đây không phải là vấn đề có thể giải quyết nhanh chóng, mà phải có một tầm nhìn dài hạn. "Thúc đẩy lĩnh vực hàng may mặc, khởi xướng cải cách cơ cấu và can thiệp chính sách phù hợp sẽ là một cách để tiến lên", ông nói gần đây. Tirupur là trung tâm xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất Ấn Độ.

 Ông Ajay Sahai, Tổng giám đốc của Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cũng cảnh báo trước sự cạnh tranh gay gắt hơn từ Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động. Đánh dấu mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh xuất khẩu của mình, Hội thảo Debroy trước đó cho biết: chỉ riêng chi phí hậu cần của Ấn Độ đã chiếm tới 15-16% giá trị lô hàng.

 Ngoài ra, như được chỉ ra trong một báo cáo trước đó của HSBC, các vấn đề nội tại của Ấn Độ chính chiếm tới một nửa (50%) lý do cho sự suy giảm gần đây trong xuất khẩu nói chung. Lý do tiếp theo là sự suy giảm của kinh tế thế giới, chiếm 33% nguyên nhân, trong khi tỷ giá hối đoái chỉ chiếm 17% tác động. (Cafef.vn 29/6)Về đầu trang

Đối thoại với doanh nghiệp châu Âu: Lắng nghe khó khăn, tìm kiếm sáng kiến cải cách

Sáng 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng chủ trì hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

 Với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA”, hội nghị nhằm thảo luận về cải cách hành chính trước thềm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hội nghị được trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và fanpage Thông tin Chính phủ.

 Hội nghị có sự tham dự của nhiều bộ, ngành như: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ cùng cộng đồng doanh nghiệp EuroCham, các phái đoàn ngoại giao… để cùng thảo luận về các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, góp phần mở khóa toàn bộ tiềm năng của Hiệp định EVFTA.

 Phát biểu tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đây là lần thứ 3 kể từ năm 2018 đến nay Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Việc đối thoại đã trở thành hoạt động thường niên của Hội đồng Tư vấn và EuroCham tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP hoan nghênh và ghi nhận những nỗ lực của EuroCham trong hoạt động công bố Sách Trắng 2020 và đánh giá cao chủ đề của Sách Trắng EuroCham năm nay là Cải cách thủ tục hành chính-vai trò thiết yếu trong thực thi Hiệp định EVFTA. Ấn phẩm này đã phản ánh một cách thực chất những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

 Với những nền tảng vững chắc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc triển khai Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định EVIPA sẽ tạo dựng những khuôn khổ ổn định, lâu dài nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư tương xứng với tầm vóc của quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội, tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời, xác lập “trạng thái bình thường mới”, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

 Liên quan tới nền kinh tế Việt Nam, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt mức 2,7%-4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu, tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác.

 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công, từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.

 Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

 Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 6 đi vào hoạt động, đến nay, đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến (tăng 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 03 tháng trước). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

 Để hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ, nêu cụ thể các khó khăn vướng mắc đang là cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hết sức hoan nghênh và khuyến khích các đại biểu hiến kế trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các rào cản đó.

 Về phía Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, sẽ tổng hợp quá trình đối thoại để sau Hội nghị phối hợp với EuroCham tại Việt Nam hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. (Baochinhphu.vn 30/6, Huy Hoàng)Về đầu trang

Việt Nam - “Đất lành” hút FDI chất lượng cao sau đại dịch

Tuy tổng vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm có xu hướng giảm, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm đến của FDI công nghệ cao từ xu hướng dịch chuyển sản xuất sau dịch.

 Vậy liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới? Đây là câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức ngày 30/6.

 Nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn một cách khách quan, sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc sẽ không ồ ạt, bởi đây vẫn là thị trường rất lớn, nhưng chỉ dịch chuyển 3% - 5% cũng đủ để Việt Nam tiếp nhận. Trên thực tế, Việt Nam đang có cơ hội thực sự để đón luồng vốn đầu tư dịch chuyển và là một luồng vốn khác, chứ không phải chỉ là sự gia tăng bình thường như trước đại dịch COVID-19.

 "Luồng vốn đó là một phổ rất rộng, chính vì vậy chúng ta phải chọn lọc. Việt Nam cần thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn và phát triển nguồn nhân lực tốt hơn. Đó chính là cách chúng ta nâng tầm của Việt Nam lên. Một điều hết sức quan trọng là vào đây không phải tư duy khai phá mà là tư duy hợp tác" - ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định.

 Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định để sẵn sàng đón sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại. Nền kinh tế Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, tiền tệ ổn định, nhân lực dồi dào… Sau COVID-19, Việt Nam đang nổi lên là một nước thành công trong ngăn chặn, dập dịch và trở thành điểm đầu tư an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 Với những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư, dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là "đất lành" thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch. Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Đưa tiền cho thanh tra xây dựng, đòi lại có được không?

Tiền đưa cho thanh tra, vì bị ép, vì bị dọa dẫm, hay vì có sai phạm nên mua sự im lặng? Làm cho rõ rồi hãy đòi lại tiền. Hoặc cũng có thể là đưa hối lộ.

 Vụ Nguyễn Thị Kim Anh lợi dụng hoạt động thanh tra lấy tiền của doanh nghiệp đã được cơ quan điều tra làm rõ và có kết luận ban đầu.

 Tổng số tiền các bị can đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính từ hoạt  động thanh tra ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, số tiền các bị can chiếm đoạt là hơn 1,3 tỉ đồng; số tiền thu lợi bất chính là gần 750 triệu đồng. Các bị can phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền chiếm đoạt của các doanh nghiệp.

 Thanh tra các dự án con con, đã thu chừng đó tiền. Đối với các công trình tiền tấn, không biết quan thanh tra sẽ trục lợi như thế nào nếu như có lòng tham.

 Về vụ ở Vĩnh Phúc, tạm ghi nhận con số ban đầu này, và tất nhiên phải có người đưa thì các quan thanh tra mới nhận. Ai đưa?

 Có 49 cá nhân đã đưa và nay đề nghị trả lại số tiền từ vài triệu đồng đến gần 100 triệu đồng. Trong số 49 người đề nghị trả lại tiền, có tới hơn 10 người đề nghị trả lại từ 50 triệu đồng trở lên. Các cá nhân này là đại diện các doanh nghiệp, đã đưa tiền cho cán bộ thanh tra. Vì sao đưa?

 Vì bị ép, vị bi dọa dẫm, và các doanh nghiệp muốn được yên thân để còn làm ăn lâu dài nên cắn răng đưa tiền. Nhưng cũng có thể do làm ăn gian dối, có sai phạm, bị thanh tra phát hiện, nên đưa tiền mua sự im lặng.

 Vậy thì, phải làm rõ hành vi chiếm đoạt hay hành vi đưa và nhận hối lộ. Chiếm đoạt là một bên sai phạm, đưa và nhận hối lộ là cả hai phía. Luật pháp là phải thẳng ngay.

 Nếu có dấu hiệu đưa hối lộ thì phải làm rõ. Đưa hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm hình sự, sao có thể đòi tiền hối lộ lại được.

 Làm gì có chuyện đưa hối lộ để được bỏ qua sai phạm, sau khi mọi việc bung bét thì đòi nhận lại tiền. Vậy thì còn chi công bằng, còn gì luật pháp. Và như vậy sẽ không đủ sức răn đe các trường hợp đưa hối lộ khác.

 Cho nên, phải làm cho rõ từng trường hợp trong 49 trường hợp đưa tiền. Người nào đưa tiền vì bị ép buộc, người nào "đưa hối lộ", nếu có phải xử lý theo pháp luật. Đừng vì lấy việc khởi tố các cán bộ thanh tra rồi đổ hết "tội" cho họ, rồi lấy tội của họ khỏa lấp sai phạm của mình.

 Thử đặt câu hỏi, nếu doanh nghiệp không sai phạm, thì thanh tra có ép cũng không dễ. Cũng có thể cả 49 trường hợp đều vì sợ thanh tra nên phải cống nạp, nếu chính xác như vậy thì trả lại tiền cho họ. Đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt của doanh nghiệp. (Laodong.vn 30/6, Lê Thanh Đông)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tổ chức Đại hội qua những con số và điểm mới

Tính đến 30/6, đã có hơn 52.000 tổ chức cơ sở Đảng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 (đạt trên 99,7%). Hiện còn 120 tổ chức cơ sở Đảng chưa tổ chức Đại hội.

 Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, ngày 30/6 là thời hạn các Đảng bộ trong cả nước hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020- 2025. 

Đến thời điểm này, có thể khẳng định Đại hội đại biểu cấp cơ sở trên toàn quốc đã được tổ chức thành công, dù diễn ra trong điều kiện hết sức đặc biệt, cả nước tập trung phòng, chống đại dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách xã hội trong gần 1 tháng. Công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội cơ bản theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm đúng quy trình, quy định, mang tinh thần đổi mới, nghiêm túc. Hầu hết, các Đại hội đều chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo chính trị, không khí thảo luận khá cởi mở, bảo đảm khách quan, dân chủ.

 Theo ghi nhận, công tác chuẩn bị Đại hội được thực hiện chu đáo, công phu, đúng quy định, phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các địa phương, đơn vị đều đã chủ động, sáng tạo chỉ đạo quyết liệt để tổ chức Đại hội các tổ chức cơ sở Đảng.

 Đề án nhân sự đều được các địa phương đơn vị chuẩn bị chu đáo. Nhân sự giới thiệu tham gia cấp ủy, Ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban kiểm tra, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

 Việc thảo luận ở nhiều Đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tạo không khí tin tưởng, dân chủ, đoàn kết. Quy chế bầu cử trong Đảng được thực hiện nghiêm.

 Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó có cấp cơ sở được các cấp ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tất cả các tỉnh thành ủy, đảng bộ trực thuộc Trung ương, đều đã dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, kịp thời Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Nhiều cấp ủy còn thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát. Công tác chuẩn bị văn kiện đại hội được các cấp ủy cơ sở đặc biệt chú trọng. Nhiều cấp ủy đã bám sát thực tế để xây dựng văn kiện với nhiều điểm mới, khâu đột phá.

 Đánh giá về kết quả đạt được, đại diện của Ban Tổ chức Trung ương nhận định, đây là kỳ Đại hội có nhiều điểm mới từ quá trình chuẩn bị đến tổ chức Đại hội.

 Nhìn chung, tại Đại hội Đảng cấp cơ sở vừa qua, công tác chuẩn bị nhân sự đã được các cấp ủy thực hiện chặt chẽ, công khai, đúng quy trình thủ tục; hướng tới mục tiêu chọn lựa một lớp cán bộ "đủ đức, đủ tài", có kinh nghiệm thực tiễn, đảm đương tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, tinh thần dân chủ được phát huy mạnh mẽ. Điều này đã giúp cho các địa phương, đơn vị lựa chọn ra được một đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng, có uy tín ngay từ cấp cơ sở, cấp gần dân nhất và cũng là cấp trực tiếp thực hiện đưa các đường lối chủ trương vào cuộc sống.

 Một trong những bước tiến quan trọng, góp phần mang lại thành công tại Đại hội Đảng cấp cơ sở vừa qua, đó chính là việc phát huy dân chủ trong Đại hội cũng như quá trình chuẩn bị địa hội trước đó. Dân chủ không chỉ trong thảo luận, lấy ý kiến xây dựng văn kiện mà còn thể hiện rõ nét trong công tác chuẩn bị lựa chọn nhân sự, mà ở đó quy trình 5 bước đối với người tái cử cũng như người giới thiệu tham gia cấp ủy lần đầu được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

 Theo các chuyên gia, quy trình 5 bước đối với nhân sự cấp ủy tại đại hội cơ sở đã mang lại không khí dân chủ, sự minh bạch. Với quy trình này, tất cả nhân sự được lựa chọn giới thiệu ra Đại hội đều là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất và năng lực, và đều phải được tín nhiệm cao trong cấp ủy và trong đội ngũ cán bộ chủ chốt.

 Tuy nhiên, quá trình tiến hành Đại hội Đảng cấp cơ sở cũng cho thấy còn một số hạn chế, phải rút kinh nghiệm. Tại một số Đảng bộ, văn kiện Đại hội chưa toàn diện, sâu sắc; chưa thể hiện tinh thần phê và tự phê; chưa mạnh dạn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm; chưa xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới. Kiểm điểm của ban chấp hành chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủ. Ở một số nơi tham luận tại Đại hội còn hình thức, chung chung; chưa đi sâu đề xuất giải pháp thiết thực, phù hợp thực tiễn của địa phương, chưa tạo được không khí tranh luận, phản biện. Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng nhân sự chủ chốt do cấp ủy khóa trước chuẩn bị không trúng cử như tại TP Hà Nội, có tới 8 đồng chí là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường không trúng cử.

 Đặc biệt, đã có tình trạng gian lận trong bầu cử, dù chỉ là cá biệt. Đó là câu chuyện vi phạm nguyên tắc bầu cử do vận động bỏ phiếu trái quy định tại Đại hội Đảng bộ phường Thủy Biều, TP Huế mới đây.

 Ngày 28/5/2020, ngay tại phiên họp lần thứ nhất để bầu ban thường vụ đảng bộ phường Thủy Biều khóa mới đã xảy ra tình trạng một số đảng viên không chấp hành chủ trương của Đảng về công tác nhân sự, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ.

 Sau khi phát hiện và xác minh tính chất, mức độ của những sai phạm trên, ngày 12/6, thành ủy Huế đã ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Ông Mai Bá Hoàng, Trưởng Công an phường Thủy Biều cũng bị kỷ luật với hình thức cách chức Đảng ủy viên.

 Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thành ủy Huế đã kịp thời điều động nhân sự khác về làm Bí thư đảng ủy phường Thủy Biều để nhanh chóng ổn định bộ máy tại địa phương. Tuy nhiên điều đáng tiếc hơn cả là việc vi phạm này lại được gây ra bởi những cán bộ trẻ, được đánh giá là có năng lực, đã có ít nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

 Một sự việc gian lận nữa cũng gây xôn xao dư luận, đó là hành vi đánh tráo phiếu bầu tại Đại hội Đảng bộ xã An Bình, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình hồi tháng 5 vừa qua, khiến xã này phải tổ chức Đại hội lại. Còn tổ trưởng tổ kiểm phiếu đã bị khai trừ Đảng, buộc thôi việc.

 Đây chỉ là những sai phạm cá biệt. Tuy nhiên, những sai phạm này đã khiến cho kết quả Đại hội Đảng ở cấp cơ sở vừa qua trở nên chưa trọn vẹn. Nhưng chắc chắn đây sẽ là những vấn đề cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm để việc tổ chức các Đại hội các cấp cao hơn trong thời gian tới sẽ diễn ra đúng quy trình, quy định và thành công. (Kênh VTV1 – Thời sự 19h ngày 29/6)Về đầu trang

Đề xuất giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ cho ô tô kinh doanh vận tải

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

 Theo đó, xe ô tô của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải thuộc đối tượng chịu phí theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính dự kiến sẽ nộp phí như sau:

 Xe ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng nộp phí bằng 70% mức thu quy định tại các điểm 2, điểm 3, điểm 4, điểm 5 Mục 1 Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC. 

Xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo: nộp phí bằng 90% mức thu quy định tại các điểm 2, điểm 3, điểm 4, điểm 5, điểm 6, điểm 7, điểm 8 Mục 1 Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC.

 Mức thu dự kiến trên sẽ được thực hiện kể từ ngày Thông tư mới có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020. Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này, sẽ không thu theo mức quy định tại các điểm 2, điểm 3, điểm 4, điểm 5, điểm 6, điểm 7, điểm 8 Mục 1 Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC.

 Trường hợp phương tiện đã được nộp phí theo mức phí quy định tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC cho thời gian có hiệu lực của Thông tư mới, chủ phương tiện sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch giữa mức phí theo quy định tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC với mức phí theo quy định tại Thông tư mới vào số phí phải nộp của chu kỳ tiếp theo. Đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền phí cho chủ phương tiện vào chu kỳ tiếp theo.

 Từ 1/1/2021 trở đi, mức phí sử dụng đường bộ sẽ được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC. (VOV.vn 29/6)Về đầu trang

Đã chi trả gần 7.000 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sáu tháng đầu năm 2020 đã chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỷ đồng.

 Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sáu tháng đầu năm 2020 lên đến 565.000 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019.

 Đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

 Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng 17,6 triệu người; 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

 Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với tỷ lệ ảnh hưởng là 72% lao động của khu vực. Tiếp đến là khu vực công nghiệp với tỷ lệ ảnh hưởng là 67,8%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng là 25,1%.

 Số lao động bị mất việc làm trong sáu tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

Nửa năm xử phạt 86.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn

Chiều 30.6, Cục Cảnh sát giao thông - C08, Bộ Công an đã thông tin kết quả kiểm tra trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020.

 Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý: 1.835.483 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền: hơn 1.617 tỉ đồng; tước 150.931 giấy phép lái xe, bằng chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 304.955 phương tiện.

 Trên đường bộ xử lý 1.757.988 trường hợp; phạt tiền: 1.537 tỉ 461 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 150.744 trường hợp; tạm giữ 304.644 phương tiện.

 Trong đó có 86.044 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 563 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; 18.617 trường hợp quá tải; 177.569 trường hợp chạy quá tốc độ; 304.213 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.

 Cũng theo thông tin từ C08, 6  tháng đầu năm 2019 lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 73.164 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (trong đó người điều khiển ôtô vi phạm: 10.578 trường hợp, tương đương 18,4 %; người điều khiển môtô 47.202 trường hợp, tương đương 81,6 %).

 Theo số liệu của C08, ăm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã kiểm tra xử lý 884 trường hợp vi phạm về ma túy; 182.725 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. (Laodong.vn 30/6, Việt Dũng)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế “về đích” trước thời hạn 5 năm

Sáng 30/6, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành... Bộ Y tế đã công bố hoàn thành Cổng dịch vụ công trực tuyến mức 4.

 Ngày 13/11/2019, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế chính thức được khai trương tại địa chỉ https://dichvucong.moh.gov.vn là cổng trực tuyến duy nhất tập trung tất cả các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Y tế. Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 100 % thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, kết nối với Cổng Dịch vụ Công Bộ Y tế.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống để việc thực hiện thuận tiện, đúng mục tiêu đề ra, đồng thời cần nhân rộng tới tất cả các bộ ngành, triển khai nhanh chóng hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

 Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai DVCTT, từ năm 2014, Bộ Y tế đã là một trong số những Bộ tiên phong trong việc thực hiện dịch DVCTT mức độ 4 đối với lĩnh vực An toàn thực phẩm “Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm”. DVCTT cung cấp đầy đủ các giao dịch trực tuyến từ nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, bổ sung hồ sơ, nhận kết quả, sử dụng chữ ký số.

 Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đã được tích hợp thành công lên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống dịch vụ công của địa phương tạo thành một nền tảng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông suốt.

 Theo thống kê, qua 6 tháng triển khai, với 321 dịch vụ công trực tuyến, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là hơn 33.400 hồ sơ.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, đây là một cuộc cách mạng số trong ngành y tế, góp phần thay đổi bộ mặt của ngành trong sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin: “Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là yếu tố tiên quyết, quyết định sự triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế có tính đột phá, về đích trước thời gian 5 năm so với lộ trình đề ra ban đầu”. (VOV.vn 30/6, Thiên Bình)Về đầu trang

Bộ Tài chính cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực tài chính.

 Bộ Tài chính đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản do Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

 Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản về hành chính, Thông tư của Bộ trưởng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

 Theo đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật.

 Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng như: Tham gia chương trình tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Rà soát cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính trên tất cả các lĩnh vực vào phần mềm thống kê, rà soát.

 Cùng với đó, rà soát và kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong đó, ưu tiên nhóm quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; Hàng năm các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để kịp thời trình Bộ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. 

Tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp, người dân về các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài chính, qua đối thoại, tham vấn để đề xuất những vấn đề cần ưu tiên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ hoặc thay thế các quy định…

 Trong thời gian tới, các đơn vị thuế, hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa trong công tác thu nộp ngân sách. Theo đó, tiếp tục triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN… (Tapchitaichinh.vn 30/6, Trần Huyền)Về đầu trang

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ thời điểm 1/7, thêm 6 dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, người dân có thể đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn.

 6 dịch vụ được tích hợp thêm dịp này gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính; Đóng BHXH tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông. 6 dịch vụ này chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử. 

Trước đó, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch Covid-19, từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Từ ngày 1/7, Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục tích hợp thêm 6 dịch vụ công chú trọng vào thanh toán điện tử để phục vụ người dân, DN.

 Trở thành một trong những cơ quan tham gia cung cấp dịch vụ sớm nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể nói, ngành BHXH đã tạo cho mình ưu thế lớn. Mức độ sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công của ngành BHXH được xác lập trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cũng như thực hiện tốt việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan.

 Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 14,404 triệu người. Con số này giảm 11.500 người so với tháng 4/2020, giảm 796.000 người so với năm 2019. Tuy nhiên, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ghi nhận xu hướng tăng, với 600.600 người, đạt 50% kế hoạch giao, tăng 26.000 người so với năm 2019. Trước đó, trong 4 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH bắt buộc nói chung và BHXH tự nguyện giảm do nhiều nguyên nhân khách quan.

 Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phải triển khai hơn 12.400 đại lý thu BHXH, BHYT với hơn 37.300 điểm thu và hơn 52.200 nhân viên đại lý thu nhằm phục vụ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Qua tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia, các DN có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan.

 Cùng với việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các DN, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết. (Kinhtedothi.vn 30/6, Thảo Nguyên)Về đầu trang

Từ 1/7, ngồi nhà cũng có thể nộp phạt vi phạm giao thông

Từ 1/7 tới đây, dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc.

 Theo đó, 6 dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính; Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế; Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.

 Trước đó, vào tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của cảnh sát giao thông).

 Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông) trên Cổng DVCQG.

 Được biết, Cục Cảnh sát giao thông cũng hoàn thiện dữ liệu thông tin để từ 1/7, triển khai đồng bộ và hoàn thiện phần mềm của xử phạt, thực hiện đồng bộ đến các Phòng Cảnh sát giao thông của 63 tỉnh, thành phố. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bội chi ngân sách hơn 69 nghìn tỷ đồng sau 6 tháng

Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê , Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm.

 Theo Tổng cục Thống kê , nhờ công tác kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện tốt và có hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6/2020 đã từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

 Bên cạnh đó, việc giá xăng, dầu trong nước tăng theo sự khởi sắc của thị trường dầu thô thế giới đã tác động tích cực đến kết quả thu, chi NSNN trong 15 ngày đầu tháng Sáu.

 Trong các khoản thu, thu nội địa đạt 503,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9%; thu từ dầu thô 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 82,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8%.

 Ở thu nội địa, thu từ khu vực DNNN đạt 59 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 86,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 92,3 nghìn tỷ đồng, bằng 34%; thu thuế bảo vệ môi trường 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6%.

 Có hai khoản thu đạt mức hoàn thành khá so với mặt bằng chung là khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân, đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1%; thu tiền sử dụng đất 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4%.

 Về chi ngân sách, tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 676,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 475,1 nghìn tỷ đồng, bằng 45%; chi đầu tư phát triển 140,3 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8%; chi trả nợ lãi 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8%. (Cafef.vn 30/6)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Dùng bằng không hợp pháp, một bí thư xã ở Lào Cai bị đề nghị cách chức

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai vừa đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, kỷ luật ông Hoàng Văn Pao, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Hoàng Văn Pao bằng hình thức “cách tất cả các chức vụ trong Đảng”, đồng thời chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật về chính quyền và các vi phạm khác theo quy định.

 Lý do ông Hoàng Văn Pao bị đề nghị kỷ luật là sử dụng văn bằng không hợp pháp (Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông) để đi học đại học, tiến tới được bầu giữ các chức vụ chủ chốt ở địa phương.

 Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, kỷ luật 1 cán bộ đảng viên vi phạm tương tự liên quan đến văn bằng không hợp pháp đối với bà Triệu Thị Ghến, nguyên Huyện ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐND xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà. (Baogiaothong.vn 30/6) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc trừng phạt hàng nghìn quan chức vì vi phạm quy tắc tiết kiệm

Tân Hoa xã ngày 28/6 đưa tin, tổng cộng 14.506 quan chức Trung Quốc đã bị trừng phạt trong tháng 5 vì vi phạm các quy tắc tiết kiệm.

 Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia, các quan chức này có liên quan đến 10.091 vụ việc. Những người bị trừng phạt bao gồm: 43 người ở cấp tỉnh hoặc tương đương, 849 người ở cấp quận hoặc tương đương.

 6.687 trong số đó bị trừng phạt vì không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

 Tổng cộng có 5.707 người bị trừng phạt vì sống theo chủ nghĩa hưởng lạc và có những hành vi phung phí quá mức, bao gồm cả việc nhận quà tặng và chi các khoản phụ cấp sai quy định. (Thanhtra.com.vn 29/6, Đức Anh)Về đầu trang

Interpol "dội gáo nước lạnh" vào đề nghị của Iran truy nã ông Trump

Interpol cho biết không thể hành động theo yêu cầu của Iran truy nã Tổng thống Donald Trump vì đã ra lệnh giết Tướng Qassem Soleimani.

 Các quy tắc riêng của Interpol không cho phép hành động theo yêu cầu của Iran để bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump vì ra lệnh giết tướng Qassem Soleimani - Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế Interpol cho biết.

 Tehran hôm 29.6 tuyên bố sẽ tìm cách bắt giữ 36 người liên quan đến vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani hồi tháng 1. Công tố viên trưởng Iran cho biết sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ đến Interpol, và nói thêm rằng Tổng thống Donald Trump đứng đầu danh sách nghi phạm.

 Interpol - tổ chức có trụ sở tại Lyon, Pháp - nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng, nếu nhận được yêu cầu bắt giữ Tổng thống Donald Trump của Iran, các quy tắc riêng của tổ chức sẽ không cho phép họ hành động như vậy. 

Interpol hoạt động như một cơ quan liên lạc giữa các tổ chức thực thi pháp luật ở các quốc gia thành viên, giúp họ hợp tác với nhau trong việc giải quyết tội phạm và bắt giữ các nghi phạm bỏ trốn trong một phạm vi tài phán khác.

 Interpol duy trì tính trung lập chính trị và bị cấm bởi điều lệ tham gia vào các hoạt động mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc - người phát ngôn của tổ chức này cho biết.

 Qassem Soleimani - chỉ huy Lực lượng Quds ưu tú của Iran - đã bị giết trong một cuộc không kích của Mỹ trong chuyến thăm Iraq. Chính quyền Washington nói rằng vụ hạ sát là hợp lý do ông Soleimani đứng sau kế hoạch tấn công lính Mỹ. Tehran coi đó là một hành động khủng bố nhà nước. (Laodong.vn 30/6, Song Minh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More