Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 27-02-2020

Post date: 27/02/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.           Thủ tướng: Cần giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19  1

2.           Business Insider: Coronavirus với Việt Nam có thể là "trong rủi có may". 2

CHÍNH SÁCH MỚI 3

3.           Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh. 3

4.           Cấm lái xe 5 năm nếu gian dối trong cấp lại giấy phép. 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

5.           Việt Nam tăng 21 bậc, vượt Thái Lan và Philippines về minh bạch trong bảng xếp hạng chỉ số nhận dạng tham nhũng. 5

6.           Báo Trung Quốc: Tại sao Việt Nam thu hút các thương hiệu từ xa xỉ đến bình dân như Louis Vuitton, Uniqlo, Zara...?. 5

7.           Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt khó tránh”'sổ mũi”. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

8.           Lãnh đạo thi trượt chuyên viên chính: Đoạn trường ai trải mới hay! 8

9.           BOT kêu cứu, BOT cũng cần giải cứu?. 9

QUẢN LÝ.. 10

10.        Tránh bổ nhiệm “thần tốc”, Bộ Nội vụ đề xuất thêm giải pháp. 10

11.        Xử lý người đứng đầu cấp ủy lơ là tiếp dân. 12

12.        Thủ tướng: Ngành thuế cần tiếp tục cải cách, kiện toàn bộ máy. 13

13.        Bất cập quy định đủ 4 chứng chỉ mới được khai thác xa bờ. 15

14.        Bộ Công an: Tháng 2 thu 227 tỷ từ xử phạt vi phạm nồng độ cồn. 15

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 16

15.        31% doanh nghiệp nông nghiệp than “phiền hà” về thủ tục hành chính đất đai 16

16.        TPHCM sẽ kiểm tra đột xuất trách nhiệm người đứng đầu cải cách hành chính. 17

17.        Long An tăng cường thực hiện chính quyền điện tử. 18

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

18.        Hà Tĩnh: Gian dối bằng cấp, cán bộ xã bị cách chức. 18

THẾ GIỚI 19

19.        Nhật Bản khuyến khích làm việc tại nhà để tránh dịch. 19

20.        Chính quyền Mỹ muốn Quốc hội chi 2,5 tỷ USD chống Covid-19. 20

 TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng: Cần giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Bộ Tài chính cần nghiên cứu để có chính sách tài khóa mới hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 vượt qua khó khăn. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị công bố hoàn thành Kế hoạch hợp nhất các Chi cục Thuế trong cả nước.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định, Chính phủ chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô của năm nay, trong đó có chỉ tiêu thu Ngân sách Nhà nước.

 Thủ tướng nêu rõ, hiện Việt Nam là một nước bước đầu rất thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và mọi hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường nhưng vì vì tính mạng, sức khỏe người dân, Thủ tướng vẫn quyết định thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế tập trung đông người, nhất là kiểm soát và cách ly y tế đối với những người đến và đi qua vùng dịch. Việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến du lịch, hàng không và một số ngành khác. Vì thế cần có chính sách để Chính phủ có thể thực hiện được mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài chính, trong đó có ngành thuế có bản lĩnh cùng đất nước vượt qua khó khăn, nhằm vượt thu 5% của chỉ tiêu thu ngân sách hơn 1,5 triệu tỷ đồng.

 Thủ tướng cũng biểu dương quyết tâm của Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đã hoàn thành trước thời hạn và vượt mục tiêu của kế hoạch hợp nhất các chi cục thuế. Theo đó, sau gần 2 năm, ngành thuế đã giảm được 296 Chi cục Thuế. Từ 711 Chi cục còn 415 Chi cục, trong đó có 269 Chi cục Thuế khu vực, để quản lý việc thu thuế ở nhiều quận, huyện, thị xã. Sau khi thực hiện kế hoạch hợp nhất, Tổng cục Thuế giảm được gần 2.500 đầu mối. (VTV.vn 26/02)Về đầu trang

Business Insider: Coronavirus với Việt Nam có thể là "trong rủi có may"

Bất chấp những tiêu cực, Stephen Wyatt, Giám đốc thị trường Việt Nam của Jones Lang LaSalle tin rằng coronavirus có khả năng tạo ra một số cơ hội kinh tế tại Việt Nam.

 Business Insider phỏng vấn một số công ty thương mại thường nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Họ cho biết hiện tại đã không thể nhập nguyên liệu từ đó, vì biên giới bị đóng cửa một phần. Các công ty xuất khẩu sang Trung Quốc, ngược lại, cũng phải chật vật để bán hàng hóa của họ .

 Du khách Trung Quốc, những người thường chiếm khoảng 1/3 khách du lịch đến Việt Nam, đang khan hiếm hơn bao giờ hết. Một phần vì lệnh cấm du lịch của Trung Quốc, và mặt khác cũng vì một vài doanh nghiệp đang cố gắng từ chối khách hàng Trung Quốc, vì sợ coronavirus lây lan.

 Vào ngày 14/2, Chính phủ tuyên bố sẽ không hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2020. Tính đến ngày 24/2, đã có 16 trường hợp được xác nhận về COVID-19 tại Việt Nam, trong đó 15 người đã được chữa khỏi (hiện đã chữa khỏi cả 16). Trên toàn cầu, đã có hơn 76.000 trường hợp và hơn 2.200 trường hợp tử vong.

 TS. Lê Đăng Doanh nói với Business Insider rằng kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực, bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu từ Trung Quốc, du lịch và dịch vụ vận tải như hàng không và tàu hỏa. "Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng không thay đổi", ông Doanh, người từng là thành viên của Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc từ năm 2016 đến 2018, cho biết trong một email. "Nhưng tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 có lẽ sẽ giảm khoảng 1 điểm % từ mục tiêu 6,9%, có thể xuống khoảng 6,0-5,9%".

 Stephen Wyatt, Giám đốc thị trường Việt Nam của Jones Lang LaSalle, cho biết tại thời điểm này, công ty bất động sản đã thấy khá ít tác động dài hạn từ quan điểm kinh doanh.

 Tuy nhiên, Wyatt cho biết, coronavirus đã có tác động rõ ràng, ngay lập tức đối với một số lĩnh vực nhất định. Các hội nghị hàng năm và các sự kiện quy mô lớn đã bị hủy bỏ. Theo Wyatt, lượng khách vào các trung tâm mua sắm đã giảm, vì mọi người không muốn tụ tập đông người ở không gian công cộng - nơi họ có thể bị nhiễm bệnh. "Chúng tôi đã nói chuyện với một số nhóm khách sạn và doanh số của họ giảm khá đáng kể - giảm 30%, 40%, 50%, 60% so với số liệu hàng năm," tại Việt Nam, Wyatt nói.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch của Việt Nam chuẩn bị cho tình huống thiệt hại hàng tỷ USD khi mọi người hủy bỏ kế hoạch du lịch và tránh đi lại. "Trong 3 tháng, thiệt hại trực tiếp ước tính đối với ngành du lịch của Việt Nam có thể lên tới từ 3 đến 4 tỷ USD", đại diện của cơ quan này cho biết.

 Khách Trung Quốc thường chiếm khoảng 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. Gần đây, con số đó đã giảm xuống gần như bằng không, do Trung Quốc cấm đi du lịch và Việt Nam cấm nhập cảnh đối với khách du lịch từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ dịch. Các du khách tiềm năng từ các quốc gia khác cũng đang tránh những điểm đến quá gần Trung Quốc.

 Trong một lưu ý, nhà phân tích Oliver Chen của Cowen dự đoán rằng coronavirus sẽ có tác động dễ thấy trong quý đầu tiên đối với các nhà bán lẻ quan trọng ở Trung Quốc và các nước láng giềng cũng có thể bị ảnh hưởng. "Chúng tôi tin rằng căn bệnh coronavirus sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng khách vào các cửa hàng ở Trung Quốc và các nước láng giềng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch Trung Quốc sắp tới và cũng có khả năng phá vỡ chuỗi cung ứng", Chen viết.

 Bất chấp những tiêu cực, Wyatt tin rằng coronavirus có khả năng tạo ra một số cơ hội kinh tế tại Việt Nam, trong rủi có may. Các vấn đề về chuỗi cung ứng ở Trung Quốc có thể giúp các nhà sản xuất quyết định chuyển thêm hoạt động sản xuất vào Việt Nam - đẩy mạnh xu hướng trước đó, diễn ra vì các công ty muốn đa dạng hóa sang Việt Nam, với thị trường lao động giá rẻ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết.

 "Mặt tích cực đối với Việt Nam có thể là, chúng ta sẽ thấy một sự di dời liên tục của các doanh nghiệp muốn rời khỏi Trung Quốc," Wyatt nói. (Cafef.vn 25/02)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó quy định hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.

 Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình phải đảm bảo các yêu cầu sau:

 Không thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5, hành vi uống rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10, hành vi bán rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này. Không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

 Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia.

 Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật ngoài các trường hợp quy định tại nêu trên phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt phim chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định phim theo quy định của Luật Điện ảnh hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chấp thuận theo quy định.

 Nghị định cũng quy định địa điểm công cộng không được uống rượu, bia. Cụ thể, ngoài các địa điểm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:

 1- Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày 24/2/2020.

 2- Nhà chờ xe buýt.

 3- Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

 Nghị định có hiệu lực từ ngày 24/2/2020. (Thanh tra 26/02, KH)Về đầu trang

Cấm lái xe 5 năm nếu gian dối trong cấp lại giấy phép

Có thể phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, thậm chí cấm lái xe trong vòng 5 năm đối với những lái xe có hành vi gian dối về bằng lái.

 Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hầu hết các lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đều có mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP; trong đó nhiều lỗi vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian tước giấy phép lái xe có thể lên tới tối đa 24 tháng. Vì vậy, để tránh việc bị tước giấy phép lái xe khi đến xử lý vi phạm, một số cá nhân đã giả khai báo mất giấy phép lái xe hoặc không có giấy phép lái xe. Mục đích của việc làm này là sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm vẫn có thể sử dụng giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện.

 Theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 37, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

 Ngoài ra, theo khoản 14, điều 33, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định, người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện vi phạm.

 Nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu. (VTV.vn 26/02)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam tăng 21 bậc, vượt Thái Lan và Philippines về minh bạch trong bảng xếp hạng chỉ số nhận dạng tham nhũng

Với 37 điểm, hạng thứ 96, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan (hạng 101) và Philippines (hạng 113) về độ minh bạch. Đây là năm Việt Nam có tiến bộ nhất, điểm minh bạch tăng nhiều nhất và thứ hạng cũng tăng nhiều nhất.

 Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số nhận dạng tham nhũng năm 2019 (Corruption Perceptions Index 2019).

 Trong bảng xếp hạng năm 2019, Việt Nam tăng 4 điểm về độ minh bạch (CPI) và tăng 21 hạng trong bảng xếp hạng 180 quốc gia (tăng từ hạng 117 năm 2018 lên hạng 96 năm 2019).

 Châu Phi cận Sahara, Đông Âu & Trung Á là hai khu vực có độ minh bạch thấp nhất, điểm minh bạch trung bình là 32 và 35 điểm (trên thang điểm 100). Tây Âu và EU, châu Á - Thái Bình Dương là hai khu vực có độ minh bạch cao nhất, điểm minh bạch trung bình là 66 và 45. Nam Mỹ có điểm minh bạch trung bình là 43, Trung Đông và Bắc Phi có điểm minh bạch trung bình là 39 xếp ở nhóm giữa.

 Với 37 điểm, hạng thứ 96, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan (hạng 101) và Philippines (hạng 113) về độ minh bạch. Đây là năm Việt Nam có tiến bộ nhất, điểm minh bạch tăng nhiều nhất và thứ hạng cũng tăng nhiều nhất từ trước đến nay.

 Trong 8 năm qua, chỉ có 22 quốc gia cải thiện đáng kể điểm số CPI, những nước tăng điểm minh bạch nhiều nhất là Hy Lạp (+12), Guyana (+12) và Estonia (+10). Việt Nam cũng năm trong số đó với mức tăng 8 điểm. Ngược lại, có 21 quốc gia điểm minh bạch lại giảm đáng kể, trong đó có Canada (-7), Australia (-8) và Nicaragua (-7). (Cafef.vn 26/02)Về đầu trang

Báo Trung Quốc: Tại sao Việt Nam thu hút các thương hiệu từ xa xỉ đến bình dân như Louis Vuitton, Uniqlo, Zara...?

South China Morning Post nhận xét: Việt Nam từ lâu đã trở thành một thế lực trong ngành dệt may toàn cầu. Giờ đây, quốc gia này đang trở thành một thị trường tiêu dùng phát triển nhanh.

 Giữa làn sóng thị hiếu thay đổi và nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang chạy đua để có mặt tại đây.

 Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills TP. HCM, đã nhận thấy sự tăng trưởng rõ rệt của lĩnh vực bán lẻ Việt Nam trong 3 năm qua. Trong khi các thương hiệu nước ngoài thường đến với người tiêu dùng thông qua các mạng lưới phân phối và bán buôn nhỏ, thì một số yếu tố đã khiến các công ty thời trang cả sang trọng lẫn bình dân đều muốn mở cửa hàng của riêng họ tại đây.

 "Các thương hiệu quyết định chuyển đến Việt Nam rất có niềm tin, bắt nguồn từ thị trường du lịch phát triển", bà nói. "Họ thấy người tiêu dùng Việt Nam mua sản phẩm ở những nơi như Singapore và Hong Kong, rồi mang chúng về quê nhà".

 Uniqlo là cái tên mới nhất đã vào Việt Nam. Cửa hàng rộng 3.000 m2 nằm trên đường Đồng Khởi, đã ra mắt vào tháng 12.

 Thông cáo báo chí từ công ty mẹ của thương hiệu Nhật Bản này - Fast Retailing, cho biết: Uniqlo Đồng Khởi là một trong những cửa hàng Uniqlo lớn nhất của chúng tôi ở Đông Nam Á. Chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành một tâm điểm mới của thị trường bán lẻ sôi động tại TP.HCM.

 Tadashi Yanai, Chủ tịch của Fast Retailing, nói thêm: "Tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất trên thế giới".

 Khi xem xét xu hướng kinh tế vi mô và vĩ mô ở Việt Nam, không khó để hiểu tại sao các nhà bán lẻ nước ngoài có thể cảm thấy lạc quan. Một báo cáo thị trường từ Savills cho thấy, sức mua của người tiêu dùng đã tăng 14% so với năm 2014, trong khi GDP thực ước tính sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trên 6%. Với quy mô dân số hơn 97 triệu người và cơ cấu dân số trẻ - theo Ngân hàng Thế giới, 70% dân số dưới 35 tuổi vào năm ngoái - tăng trưởng trong chi tiêu thời trang ở Việt Nam là đầy triển vọng.

 "Thật là tiện lợi khi có một cửa hàng Uniqlo ở đây", Hòa, một khách hàng 20 tuổi đang chọn áo phông tại Uniqlo Đồng Khởi nói. "Tôi đang học ở Úc nên đã quen mua sắm ở Uniqlo rồi. Giá ở Việt Nam có vẻ đắt hơn một chút, nhưng tôi nghĩ rất nhiều người sẽ vui khi có sự hiện diện của cửa hàng này".

 Bà Trần Nguyễn Thiên Hương - đại diện của tạp chí thời trang Harper's Bazaar Việt Nam và Chủ tịch của Sunflower Media, lưu ý rằng mua hàng xa xỉ ở Hà Nội đã phần nào phổ biến hơn, trong khi thị trường TP.HCM vẫn còn nhạy cảm hơn với giá cao.

 "Mặc dù các thương hiệu xa xỉ rất coi trọng việc chi cho quảng cáo ở Việt Nam và có cửa hàng ở đây, nhưng có một sự thật là ngay bây giờ rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam sẽ mua túi Dior ở Paris hoặc New York. Giá ở đây vẫn thường cao hơn từ 10 đến 20%", bà Hương nói.

 Bà Hương coi thập kỷ tiếp theo là giai đoạn then chốt cho sự tăng trưởng của thị trường mua sắm xa xỉ trên cả nước, đặc biệt là các hiệp định thương mại mới - dự kiến ​​sẽ thay đổi giá và giảm thuế đối với hàng hóa vào Việt Nam từ EU. 

"Sau đó, sẽ sớm có những chính sách mới giúp giá của hàng hóa xa xỉ nhập khẩu ở Việt Nam cạnh tranh hơn nhiều trên phạm vi toàn cầu", bà nói. "Khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ thị trường xa xỉ sẽ thực sự cất cánh. Phần lớn việc mua sắm trước đây từng được thực hiện ở châu Âu, châu Mỹ hoặc Hong Kong có thể chuyển về đây".

 "Sự phát triển của ngành du lịch trong nước cũng là chìa khóa". Bà Võ Thị Khánh Trang của Savills dự báo sự chuyển dịch tiềm năng trong đối tượng khách hàng - từ tầng lớp thượng lưu sang thị trường đại chúng - có thể dựa vào du lịch, đặc biệt là khi nhận thức về thương hiệu tiếp tục tăng và tầng lớp trung lưu mở rộng. (Cafef.vn 26/02)Về đầu trang

Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt khó tránh”'sổ mũi”

Tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp Việt lâm vào tình cảnh khó khăn.

 Nói theo cách của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi doanh nghiệp Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp chỉ là một ví dụ.

 Chủ tịch VCCI đánh giá, dịch Covid-19 đang diễn biến và có ảnh hưởng lớn tới "sức khỏe" cộng đồng và "sức khỏe" nền kinh tế. Xét trên lĩnh vực kinh tế, sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ còn kéo dài.

 "Kiểm soát dịch bệnh đã khó nhưng giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh cũng khó khăn không kém", ông Lộc đánh giá.

 Trên thực tế, những tác động tiêu cực đã thấy rõ như tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm... Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên.

 Ông Lộc chỉ rõ, "con virus" của căn bệnh kinh tế này mang tên “phụ thuộc” – tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu.

 Thống kê sơ bộ cho thấy riêng khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất. Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương.

 "Với tình trạng này thì khi doanh nghiệp Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt Nam không “sổ mũi” thì mới là chuyện lạ và tác động của dịch Covid-19 chỉ là một ví dụ", ông Lộc nói.

 Theo Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp đang cố gắng xoay xở tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế nhập từ các thị trường ngoài khu vực, nhưng rất khó tìm được chủng loại phù hợp và nếu có tìm được thì giá cả lại cao ngất ngưởng, cộng với chi phí vận tải cao, nên ngay cả các nghiệp lớn cũng khó mà chịu được.

 Nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... cho biết nếu tình hình không sáng sủa hơn thì họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I vì dự trữ nguyên liệu, vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới. Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên, các doanh nghiệp khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ.

 Theo ông Lộc, giải pháp về dài hạn là phải rất coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.

 Đặc biệt, trong cái rủi có cái may, việc dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại, đầu tư để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây dương như CPTPP và EVFTA... đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á để giảm tình trạng phụ thuộc.

 "Ở đây không chỉ có vai trò của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có cả vai trò thúc đẩy và dẫn dắt của các thương hiệu và chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam chỉ là một mắt xích. Cần những nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ để Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất của thế giới", ông Lộc nhấn mạnh. (Thời báo kinh doanh 25/02)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Lãnh đạo thi trượt chuyên viên chính: Đoạn trường ai trải mới hay!

Đề thi, cách thi chuyên viên chính không phù hợp với yêu cầu công việc, không góp phần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức. Kết quả kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên lên chuyên viên chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2019 có tới 38 cán bộ, công chức thi trượt.

 Thông tin này khiến nhiều người tin rằng đây là kết quả trung thực nhất về kỳ thi. Tuy nhiên, điều đó không nói lên năng lực, trình độ của các cán bộ, công chức bị trượt trong kỳ thi này. Bởi, thực tế, nhiều người đã từng tham dự kỳ thi này cho rằng, việc thi thố không đánh giá, xếp hạng được năng lực cán bộ; giữa làm việc thực tế và thi cử nhiều khi cách xa nhau “vạn dặm”; có những người thi vào những nội dung không phục vụ cho bất kỳ công việc nào của họ. Đơn cử, thời đại công nghiệp 4.0 rồi nhưng cán bộ, công chức vẫn phải làm những bài thi tin học văn phòng, soạn thảo văn bản…

 Những kỳ thi kiểu như vậy vừa tốn kém, vừa vô bổ nhưng nhiều người vẫn phải lao vào thi, xếp hàng đợi thi, có người phải cậy nhờ quen biết can thiệp để được thi… Sao lại phải đi thi? Đi thi để làm gì? Câu trả lời đơn giản là các tiêu chí, tiêu chuẩn về bổ nhiệm lãnh đạo hiện nay đều yêu cầu phải là chuyên viên chính; nhiều người xếp lương hết ngạch cũng phải thi chuyển ngạch nếu không sẽ rất thiệt thòi… Việc đi thi chỉ là để hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ.

 Rất chia sẻ với những người thi trượt, bởi chắc chắn họ phải chịu nhiều điều tiếng, áp lực ở địa phương, cơ quan; thậm chí có địa phương đưa ra khỏi qui hoạch những cán bộ không thi đạt chuyên viên chính… Cho nên, rất nhiều người đã phải “sống – chết” thi cho đỗ và thi cử có lẽ đã trở thành một mảnh đất màu mỡ để kiếm chác. Còn mục đích của chủ trương tìm được người tài để phục vụ hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước phần nào đã thất bại.

 Thực tế, nhiều người đã thi qua chuyên viên chính, rồi lên đến chuyên viên cao cấp nhưng trình độ, năng lực chuyên môn lại không có gì thay đổi, chất lượng công việc thì “vẫn y nguyên”. Về nguyên tắc, nếu là chuyên viên chính thì yêu cầu công việc phải cao hơn, nặng nề hơn chuyên viên thế nhưng nhiều đơn vị lại không có thước đo cụ thể, chính xác về vấn đề này, nên nhiều khi đến tuổi, đến năm, đủ tiêu chuẩn thì đi thi chuyên viên chính chứ không phải người đó có năng lực vượt trội hơn đồng nghiệp mà được đi thi.

 Bây giờ tiêu chí, tiêu chuẩn thi chuyên viên chính, nâng ngạch đã cao và khắt khe hơn trước nhưng ở từng đơn vị, cơ quan lại không xây dựng được vị trí việc làm nên nhiều khi chuyên viên chính lại đảm nhiệm những việc đơn giản hơn chuyên viên, thậm chí hiệu quả công việc còn không bằng chuyên viên.

 Vẫn biết việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ là cần thiết nhưng nếu cách làm và hiệu quả không đạt chúng ta cần mạnh dạn gạt bỏ và thay đổi. Nếu còn duy trì hình thức thi cử như hiện nay thì việc ra đề thi, tổ chức thi phải thực sự thiết thực, hiệu quả, đừng để những cán bộ, công chức phải tham gia một kỳ thi không phục vụ gì nhiều cho công việc mà lại gây căng thẳng và áp lực vô cùng. (Vov.vn 26/2, An Nhi) Về đầu trang

BOT kêu cứu, BOT cũng cần giải cứu?

Người dân, doanh nghiệp khản cổ kêu cứu vì BOT. Giờ đến lượt các BOT cũng kêu cứu.

 Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải xin tháo gỡ khó khăn. Tháo gỡ, bằng việc “hỗ trợ bằng nguồn vốn nhà nước với phần doanh thu bị hụt so với phương án tài chính của hợp đồng và các khoản chi phí phát sinh”.

 Tháo gỡ bằng cách xin các ngân hàng tài trợ vốn, điều chỉnh kế hoạch thu gốc, lãi doanh thu thu phí. Và cuối cùng, xin bổ sung trạm thu phí trên phạm vi dự án vì “các phương tiện đi qua cầu Hưng Hà đang sử dụng không trả phí dịch vụ... 1,6km đường của Dự án.

 Nguyên do của văn bản kêu cứu, là bởi sau 1 năm tính từ ngày thông xe, lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm (chủ yếu là xe nội vùng). Là vì “trong suốt hơn 2 năm rưỡi, nhà đầu tư gần như “ngồi chơi, ngắm xe chạy miễn phí” dù vẫn phải đều đặt thanh toán các khoản chi phí...”.

 Là vì từ tháng 2.2019 đến nay, doanh thu thu phí trung bình tại Dự án BOT cầu Thái Hà chỉ đạt khoảng 76 triệu đồng/ngày đêm, tương đương 15,9% phương án tài chính tại hợp đồng BOT”.

 Yếu tố lỗi, theo BOT Thái Hà, là trong quá trình lập dự án đầu tư, phương án tài chính, đơn vị tư vấn đã không đề cập, chiết giảm lưu lượng với các tuyến đường mới, không có dự báo phân tán lưu lượng sang công trình có cùng ý nghĩa kết nối được triển khai trên cùng địa bàn.

 Báo Đầu tư, dẫn lời Chủ tịch BOT Thái Hà cho biết cùng thời điểm triển khai Dự án BOT cầu Thái Hà, có một dự án sử dụng vốn ODA vượt sông Hồng cũng được xây dựng và chỉ nằm cách nhau khoảng 20 km.

 Cả hai cùng để kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Cả hai cùng xây dựng một thời điểm. Lại chỉ cách nhau 20km. Nhưng một bên thì thu phí BOT, một bên thì không.

 Đúng là quá "đen" cho BOT! Cái “đen”, có nguyên nhân sâu xa từ tầm nhìn quy hoạch giao thông.  Và đúng, nếu không được giải cứu, BOT Thái Hà “chết chắc”. Nhưng nhìn từ lời kêu cứu này, cũng lại đang cho thấy những vướng mắc đến vô lý trong “cơ chế BOT”.

 Bởi trên “chiến trường thị trường”, những doanh nghiệp phi BOT sẽ phải lãnh nhận những rủi ro nếu các phân tích không đúng tình hình, không nắm được quy hoạch, không đạt doanh thu, không đảm bảo phương án tài chính. Chứ không thể lỗ thì đổ tại khách quan. Thậm chí đổ tại tư vấn.

 Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Nhưng sẽ rất khó để đồng ý nếu Chính phủ, nếu Bộ GTVT chấp nhận giải cứu BOT bằng nguồn vốn nhà nước. Bởi như thế đồng nghĩa với việc người dân đang bị buộc phải giải cứu BOT bằng tiền thuế của mình - dù không hề đi một mét đường BOT. (Lao Động 26/02, Anh Đào)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tránh bổ nhiệm “thần tốc”, Bộ Nội vụ đề xuất thêm giải pháp

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước và lấy ý kiến nhân dân.

 Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 11 nhóm chức vụ (từ Thứ trưởng đến Trưởng, Phó phòng thuộc huyện).

 Tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, gồm: tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tiêu chuẩn chung về sức khỏe, độ tuổi. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh  đạo quản lý tại Quy định số 89-QĐ/TW.

 Về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, gồm 19 chức danh từ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng; Vụ trưởng; Cục trưởng… đến Giám đốc sở, Trưởng phòng và Phó phòng thuộc huyện.

 Mỗi chức danh được thiết kế gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về vị trí chức trách, năng lực, kinh nghiệm công tác, trình độ. Trong đó, về kinh nghiệm công tác, yêu cầu phải có thời gian tối thiểu là 3 năm đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp; đối với lãnh đạo cấp phòng thì phải có thời gian làm chuyên môn tối thiểu là 3 năm. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với Quy định số 89-QĐ/TW và Quy định số 214-QĐ/TW, đồng thời hạn chế việc bổ nhiệm “thần tốc” đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

 Về trình độ, dự thảo Nghị định yêu cầu phải tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác; đối với lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ, cấp sở và Vụ trưởng thuộc Tổng cục yêu cầu trình độ cao cấp; đối với lãnh đạo cấp Vụ phó thuộc Tổng cục, Trưởng phòng yêu cầu trình độ trung cấp. Đối với lãnh đạo cấp Phó phòng không quy định bắt buộc phải có trình độ lý luận chính trị để phù hợp với thực tế vì có nhiều trường hợp công chức được bổ nhiệm cấp phòng chưa phải là đảng viên hoặc theo Kết luận số 202-KL/TW về thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho phép trường hợp chưa phải là đảng viên được dự thi.

 Về trình độ quản lý, đề nghị yêu cầu phải bổ nhiệm vào một ngạch công chức tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm, đồng thời phải có chứng chỉ quản lý nhà nước theo chức danh bổ nhiệm.

 Về trình độ tin học, ngoại ngữ, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định cụ thể mà thực hiện theo quy định riêng của từng Bộ, ngành, địa phương. Trường hợp công chức công tác ở địa phương có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số thì cho phép sử dụng tiếng dân tộc thay thế cho tiêu chuẩn ngoại ngữ.

 Theo lý giải của Bộ Nội vụ, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xác định mục tiêu đến năm 2030, đối với cán bộ cấp chiến lược từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

 Quyết định số 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” cũng đã phấn đấu đến hết năm 2025, có 50% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên…

 Tuy nhiên, tại Quy định số 214-QĐ/TW và Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị chỉ yêu cầu trình độ tin học và ngoại ngữ cần thiết và phù hợp. Do vậy, để phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ tại dự thảo Nghị định này mà sẽ thực hiện theo quy định của từng bộ, ngành, địa phương (kể cả trường hợp quy định sử dụng tiếng dân tộc thay cho tiêu chuẩn ngoại ngữ) cho phù hợp.

 Hiện nay, các cơ quan thuộc Chính phủ bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập, và cơ quan thuộc Chính phủ không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, do vậy, Bộ Nội vụ đề xuất chỉ quy định việc áp dụng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thuộc Chính phủ.

 Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Nghị định này quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ lãnh đạo, quản lý, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của từng bộ, ngành, địa phươnh trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm, điều kiện, thực tiễn của bộ, ngành, địa phương.

 Trong thời hạn 2 năm đối với những người đã được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu còn thiếu tiêu chuẩn về trình độ theo quy định tại Nghị định này phải bổ sung đủ, trong thời gian này vẫn được xem xét bổ nhiệm lại. (VOV.vn 26/02, PV)Về đầu trang

Xử lý người đứng đầu cấp ủy lơ là tiếp dân

Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh kiến nghị của dân. Đây là tinh thần Quy định số 11 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành năm 2019.

 Theo đó, người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ cấp trên trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Khi cần thiết, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp thực hiện tiếp dân, đối thoại với dân để xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của dân theo thẩm quyền.

 Định kỳ quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp làm việc với bí thư cấp uỷ cấp dưới trực tiếp và thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan về tình hình, kết quả công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Định kỳ hằng tháng, quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình, kết qua tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; Bí thư cấp uỷ cấp huyện báo cáo với bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, ban nội chính, ban dân vận cấp uỷ cấp tỉnh; Bí thư cấp uỷ cấp xã báo cáo với bí thư và ban dân vận cấp uỷ cấp huyện.

 Người đứng đầu cấp uỷ cấp xã phải sắp xếp ít nhất 2 ngày trong tháng để tiếp dân. Ngoài ra, người đứng đầu cấp uỷ tiếp dân trong một số trường hợp đột xuất: khi có vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của mình, người đứng đầu cấp uỷ phải tiếp nhận để xem xét, xử lý, giải quyết, thông báo kết quả cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Với những trường hợp có nội dung căn cứ, rõ ràng, cụ thể phải xử lý, giải quyết ngay.

 Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, người đứng đầu cấp uỷ thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, giải quyết (thông tin rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người dân biết). Nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

 Người đứng đầu cấp uỷ bị xem xét xử lý khi thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Đặc biệt, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. (VOV.vn 26/02, PV)Về đầu trang

Thủ tướng: Ngành thuế cần tiếp tục cải cách, kiện toàn bộ máy

Ngành thuế cần tiếp tục cải cách, kiện toàn bộ máy là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố do Tổng cục Thuế tổ chức sáng 26/2, tại Hà Nội.

 Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2/2020, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế. Số lượng Chi cục Thuế sau khi hợp nhất còn lại 415 Chi cục, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước kế hoạch 10 tháng.

 Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương thành tích ấn tượng của ngành thuế trong việc sắp xếp bộ máy, thành lập Chi cục Thuế khu vực.

 “Ngành thuế đã làm quyết liệt, bài bản và đồng bộ, hoàn thành trước gần 1 năm mục tiêu đề ra. Đây là một điển hình. Các ngành khác trong Bộ Tài chính và các ngành trong Trung ương có thể học tập để tinh giản bộ máy, nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ chính trị được giao. Việc sắp xếp tinh gọn này là vượt mức và toàn diện, chứ không phải chỉ là con số giảm được bao nhiêu. Ngành thuế đã có lộ trình, bước đi chặt chẽ,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

 Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và ngành thuế làm sao cắt giảm hơn nữa các thủ tục thuế, rà soát có thể giảm thêm các thủ tục hành chính hay không.

 "Ngành thuế cần tiếp tục theo dõi, kiện toàn bộ máy hoạt động, chứ không phải đạt được như thế là đã xong. Ngoài ra, ngành thuế cần chủ động tích cực triển khai các nhiệm vụ trong việc cải cách thuế năm 2020 và xây dựng nhiệm vụ cải cách giai đoạn 2021 – 2030. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tiếp tục thanh tra, kiểm tra ngành thuế, chống chuyển giá... đối thoại thường xuyên hơn với doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ khó khăn cho họ...," Thủ tướng yêu cầu.

 Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII quy định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động, hiệu quả, Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất Chi cục Thuế cấp huyện để thành lập Chi cục Thuế khu vực.

 Ngày 13/4/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Theo lộ trình đến hết năm 2020, toàn hệ thống thuế sẽ phải hợp nhất khoảng 548 Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 Cục Thuế thành 257 Chi cục Thuế khu vực, giảm 291 Chi cục Thuế, chỉ còn 429 Chi cục Thuế cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trong toàn quốc.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhưng cũng rất khó khăn, vì vậy trong quá trình thực hiện cần phải có kế hoạch triển khai theo lộ trình phù hợp. Ngành thuế đã thực hiện làm điểm, qua đó rút kinh nghiệm để triển khai các đợt tiếp theo.

 Tính đến hết tháng 2/2020, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế. Số lượng Chi cục Thuế sau khi hợp nhất còn lại 415 Chi cục Thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước 10 tháng theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính và Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 Đồng thời, do làm tốt việc chuẩn bị trước và sau khi hợp nhất như công tác Đảng, đoàn thể; tuyên truyền, giáo dục tư tưởng; sắp xếp tổ chức, bộ máy nhân sự; nghiệp vụ chuyên môn; quản lý tài sản, tài chính, xây dựng cơ bản và ấn chỉ; công nghệ thông tin; pháp chế, trách nhiệm pháp lý... nên về cơ bản các Cục Thuế không gặp vướng mắc lớn, các Chi cục Thuế khu vực hoạt động ổn định, không xáo trộn, không gây khó khăn cho người nộp thuế.

 Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, đến nay, Quảng Ngãi đã giảm 6 Chi cục Thuế huyện, giảm 23 đội thuế; sau khi sắp xếp, mục tiêu là thu thuế tốt hơn, thuận tiện hơn cho người nộp thuế, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin.

 Đến nay, hơn 80% thu thuế qua mạng và tiến tới kê khai thuế thu nhập cá nhân qua mạng điện tử. Việc sắp xếp lại, tái cơ cấu giúp cho địa phương cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch.; đảm bảo thu đúng thu đủ, nhưng không thất thu và giảm tối đa nợ đọng thuế.

 Để tiếp tục rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41 của Thủ tướng; trong đó tập trung vào cấp Cục Thuế và Tổng cục Thuế.

 Cụ thể, đối với cấp Cục Thuế, báo cáo Thủ tướng cho phép bổ sung quy định về cấp phó của người đứng đầu Cục Thuế thuộc Tổng cục Thuế bình quân không quá 3 người. Đối với cấp Tổng cục Thuế, đồng tình với kiến nghị, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục đề xuất mô hình quản lý thuế đối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn và xuyên biên giới như mô hình quản lý thuế hiện đại của các quốc gia tiên tiến trong bối cảnh tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa hệ thống thuế. (Thanh tra 26/02, Đức Dũng)Về đầu trang

Bất cập quy định đủ 4 chứng chỉ mới được khai thác xa bờ

Để được mở biển, trên tàu cá khai thác xa bờ phải có từ 3 - 4 chức danh, tương ứng với mỗi chức danh là một ngư dân có chứng chỉ đào tạo.

 Đây là nội dung của Thông tư 22 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, quy định nhằm chuyên nghiệp hóa lao động trên tàu cá, đảm bảo an toàn cho các chuyến biển. Tuy nhiên, hơn một năm qua, quy định này khiến các chủ tàu vốn đã gặp khó trong việc tìm kiếm lao động đi biển lại càng thêm khó.

 Theo quy định, lao động trên tàu cá dài từ 15 - 24m phải có 3 chức danh gồm: thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy. Còn với những tàu cá từ 24m trở lên, ngoài 3 chức danh này phải có thêm chức danh thuyền phó. Để đảm nhận các chức danh, người lao động phải được đào tạo và có chứng chỉ. Các chủ tàu đều lâm vào tình cảnh chung là phải ngược xuôi tìm kiếm lao động đi biển có chứng chỉ theo yêu cầu.

 Giữa "cơn sốt" khan hiếm lao động biển, việc tìm đủ lao động đi biển đã là khó, giờ đây lại là lao động có chứng chỉ đào tạo. Đặc biệt, chức danh thợ máy lâu nay thường được các thuyền trưởng kiêm nhiệm nên lúc này bị thiếu hụt trầm trọng. Nhiều chủ tàu buộc phải bỏ tiền lo cho bạn thuyền đi học để lấy chứng chỉ. Tuy nhiên, đặc thù lao động biển rất không ổn định, có bạn thuyền học xong, nhận được chứng chỉ nhưng lại không đi biển, chủ tàu cũng đành chịu. (VTV.vn 26/02)Về đầu trang

Bộ Công an: Tháng 2 thu 227 tỷ từ xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Ngoài đấu tranh, trấn áp với các loại tội phạm, Bộ Công an cho hay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tiếp tục tăng cường, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên cả nước.

 Trong báo cáo tình hình kết quả công tác công an tháng 2, tại Hội nghị giao ban do Bộ Công an tổ chức ngày 26.2, Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng Bộ) cho hay, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, kế hoạch. Lực lượng CSGT đã luôn tăng cường tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông.

 Theo tướng Tô Ân Xô, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giao thông. Theo đó, các đơn vị CSGT trên cả nước đã xử lý 223.914 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó có 15.380 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt hành chính hơn 227,56 tỉ đồng, tạm giữ 43.483 phương tiện...

 Cũng trong tháng 2, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tăng cường đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về cờ bạc và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

 Về tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới: lực lượng các đơn vị địa phương tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, các tụ điểm ma túy phức tạp. Trong tháng đã phát hiện, bắt giữ 1.457 vụ, 1.978 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ gần 28kg heroin, 138,6kg và 162.526 viên ma túy tổng hợp, 5,5kg cần sa..

 Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương tinh thần nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương trong tháng 2.

 Trước tình hình an ninh trật tư thời gian tới dự báo sẽ phức tạp hơn, Bộ trưởng yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo với Bộ tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp về đối nội, đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 Bộ trưởng cũng chỉ đạo, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh COVID -19, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ về phòng, chống dịch; chủ động tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan.

 Tiếp tục triển khai Kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế năm Chủ tịch ASEAN 2020, các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng. (Lao Động 26/02, Việt Dũng)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

31% doanh nghiệp nông nghiệp than “phiền hà” về thủ tục hành chính đất đai

Sáng 25/2, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ispard) tổ chức hội thảo “Phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp ở Việt Nam”. Hội thảo được sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách hành chính kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

 Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5ha; 26% có diện tích đất nông nghiệp từ 0,5 - 2ha. Ngoài ra, một hộ có nhiều mảnh đất. Điều này gây ra hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong việc khuyến khích DN đầu tư…

 Thực tế, một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, có đến 31% trong tổng số 700 DN khi được hỏi cho rằng, đất đai là thủ tục hành chính gây phiền hà nhất cho các DN trong quá trình đầu tư. Xếp trên các yếu tố về thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, quản lý thị trường…

 Theo Phó Viện trưởng Ipsard Hoàng Vũ Quang, Nhà nước đã và đang có định hướng tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, tốc độ chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nguyên nhân chậm là do thị trường đất nông nghiệp hiện chưa phát triển. Tích tụ ruộng đất vẫn là bài toán nan giải với nhiều vấn đề cần tháo gỡ…

 Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Ipsard, VCCI, Ban Kinh tế Trung ương… đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm quốc tế về xây dựng các tổ chức/thể chế hỗ trợ phát triển thị trường đất nông nghiệp.

 Theo đó, kinh nghiệm ở các nước có thị trường đất nông nghiệp phát triển (40 nước trên tổng số 227 quốc gia), để xây dựng và phát triển thị trường đất nông nghiệp, bên cạnh chính sách pháp luật đất đai và các chính sách hỗ trợ khác, cần có các tổ chức hỗ trợ cung ứng hạ tầng phục vụ các giao dịch cho thị trường hoạt động như: Hệ thống quản lý đất đai hiệu quả, quỹ/ngân hàng phát triển đất có đủ năng lục, thẩm quyền và đọng lực phát triển quỹ đất.

 Bên cạnh đó, hội thảo cũng đưa ra một số đánh giá thị trường đất nông nghiệp Việt Nam, cũng như trao đổi về những vướng mắc trong thể chế phát triển thị trường từ chính sách, pháp luật đất đai, các thể chế hỗ trợ phát triển thị trường đất nông nghiệp, đến các vướng mắc trong quá trình thực hiện ở địa phương.

 Đại diện Ipsard cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, hội thảo sẽ đưa ra các đề xuất, khuyến nghị chính sách, trong đó, tập trung vào tăng cường vai trò cho các tổ chức/hệ thống hỗ trợ cho sự vận hành bền vững, hiệu quả của thị trường đất nông nghiệp. Đặc biệt là hệ thống quản lý đất đai, các công cụ hỗ trợ cần cân bằng cung cầu thị trường… (Kinhtedothi.vn 25/2, Lâm Nguyễn) Về đầu trang

TPHCM sẽ kiểm tra đột xuất trách nhiệm người đứng đầu cải cách hành chính

UBND TPHCM vừa phê duyệt và ban hành Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2020, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao văn hóa công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, kế hoạch này nhằm mục tiêu cải thiện chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.

 Cụ thể, tỷ lệ khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và sử dụng dịch vụ công (DVC) trong lĩnh vực giáo dục và y tế từ 85% trở lên; tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVC trực tuyến từ 50% cơ quan trở lên; 100% đơn vị đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trong từng lĩnh vực từ trên 90%, trong đó ít nhất 70% đơn vị đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trong từng lĩnh vực từ trên 95%. 

Theo kế hoạch, 30% trở lên của DVC trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4. Hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC từ 20% trở lên. Tích hợp DVC trực tuyến mức độ 3, 4 của thành phố với Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ 50% trở lên. 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử của thành phố.

 DVC trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử từ 50% trở lên. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 từ 90% trở lên. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền UBND quận - huyện được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 từ 40% trở lên. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng từ 30% trở lên.

 Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tối thiểu 30% sở, ban, ngành, UBND quận huyện, đặc biệt kiểm tra đột xuất trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử; đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ - công chức, viên chức trong thi hành công vụ. (Lao Động 26/02, Thế Lâm)Về đầu trang

Long An tăng cường thực hiện chính quyền điện tử

Thời gian qua, tỉnh Long An triển khai, thực hiện xây dựng chính quyền điện tử đạt nhiều kết quả. Tỉnh hoàn thành đầu tư nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu theo quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối đồng bộ đến 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, xã phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh.

 Ðến nay, có hơn 97% cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh được trang bị máy tính phục vụ công tác; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai mạng nội bộ. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được tỉnh triển khai đồng bộ, đến tất cả cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã, phường và công chức, viên chức. Phần mềm một cửa điện tử được triển khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, 17 sở, ngành, 15 UBND cấp huyện, 192 xã, phường phục vụ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng…

 Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2020; xây dựng kế hoạch chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025. Ðể triển khai, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin (SOC) của tỉnh; tuyên truyền về ứng dụng công nghệ, dịch vụ công trực tuyến cho cán bộ công chức và người dân; rà soát trình UBND tỉnh phê duyệt “Ðề án tổng thể phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030” làm cơ sở tổ chức thực hiện. (Nhandan.com.vn 26/2, PV) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hà Tĩnh: Gian dối bằng cấp, cán bộ xã bị cách chức

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Nhượng vì sử dụng bằng trung học cơ sở (THCS) không hợp pháp.

 Quyết định số 815/QĐ – UBND về việc kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã nêu rõ, ông Nguyễn Hoàng Lê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Nhượng bị cách chức vì “có hành vi sử dụng văn bằng THCS không hợp pháp”.

 Ngoài trường hợp của ông Nguyễn Hoàng Lê còn 3 cán bộ khác cũng nằm trong diện đang bị thanh tra về vấn đề bằng cấp. Theo đó, bà Nguyễn Thị Huyền (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND); ông Nguyễn Tông Thanh (công chức địa chính xã); ông Nguyễn Đình Hoàn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND) hiện đang bị thanh tra về vấn đề liên quan đến bằng cấp.

 Đối với trường hợp ông Nguyễn Tông Thanh, công chức địa chính xã Cẩm Nhượng, UBND huyện Cẩm Xuyên xác nhận, Bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở (PTCS) số 305 TNPTCS ngày 20/9/1991 mang tên Nguyễn Tông Thanh bị tẩy xóa.

 Ông Thanh thừa nhận, bằng tốt nghiệp của ông bị tẩy xóa là do ông sử dụng văn bằng của em trai để làm thủ tục xuất khẩu lao động, thực tế  chưa tốt nghiệp THCS.

 UBND huyện Cẩm Xuyên kết luận, sau khi đi học nghề, ông Thanh được học hoàn thiện chương trình văn hóa PTCS tại Trường Trung học và Dạy nghề cơ điện xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh Ninh Bình.

 Tuy nhiên, ông Thanh chỉ cung cấp được bằng tốt nghiệp nghề (học trong 2 năm), không có chứng chỉ chứng nhận việc học trên. Trường hợp ông Thanh đang chờ kết quả xác nhận từ cơ sở dạy nghề nên chưa có kết luận kỷ luật. 

Đối với bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND xã Cẩm Nhượng, Cơ quan Điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên xác minh bà Huyền đã học và có bằng tốt nghiệp THCS.

 Tuy nhiên, lý lịch đảng viên, bằng tốt nghiệp THCS và một số giấy tờ khác bị sai lệch ngày tháng năm sinh nên bà Huyền đang làm các thủ tục tư pháp để hoàn thiện hồ sơ.

 Riêng trường hợp của ông Nguyễn Đình Hoàn, sinh ngày 26/3/1975, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cẩm Nhượng, nhưng các văn bằng tốt nghiệp, ông Hoàn lại sinh ngày 20/3/1976.

 Về việc này, ông Ngô Văn Bính, Phòng Tư pháp (UBND huyện Cẩm Xuyên) đã có Văn bản số 14/XN-TP, ký xác nhận ông Nguyễn Đình Hoàn, sinh ngày 20/3/1976 và ông Nguyễn Đình Hoàn, sinh ngày 26/3/1975 là một người. Vì thế, Đảng ủy, UBND huyện Cẩm Xuyên không xem xét kỷ luật đối với ông Hoàn. (Thanh tra 26/02, Hải Yến)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhật Bản khuyến khích làm việc tại nhà để tránh dịch

Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà để hạn chế nguy cơ lây lan COVID-19.

 Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố kế hoạch mới để đối phó với dịch bệnh COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn đang không ngừng tăng lên. Theo đánh giá của Chính phủ Nhật Bản, dịch COVID-19 tại nước này đang lây lan ra nhiều cộng đồng dân cư và chính phủ chưa nắm được đường lây nhiễm, tuy nhiên dịch bệnh vẫn chưa bùng phát trên quy mô lớn. Dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm hơn cúm mùa, nhưng tỷ lệ tử vong không đặc biệt cao. Hai tuần tới sẽ là thời điểm quyết định để khống chế dịch bệnh.

 Trên tinh thần đó, Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo những người có biểu hiện cảm cúm nhẹ cũng nên nghỉ làm và ở nhà theo dõi, các công ty đẩy mạnh cho nhân viên làm việc từ xa, các sự kiện tập trung đông người cần phải hoãn lại và lùi thời điểm tổ chức. Các cơ sở y tế được cho phép tiếp nhận bệnh nhân nghi vấn có triệu chứng COVID-19 cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng ngừa. Chính phủ cần cung cấp thông tin chính xác cho nhân dân và các công ty về tình hình dịch bệnh.

 Nhật Bản đã có tổng cộng 851 trường hợp nhiễm COVID-19 trong đó có 5 trường hợp tử vong, tính chung cả các bệnh nhân trên du thuyền Diamond Princess. Kiểm soát tình hình dịch bệnh đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của cả đất nước Nhật Bản. (VTV.vn 26/02)Về đầu trang

Chính quyền Mỹ muốn Quốc hội chi 2,5 tỷ USD chống Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách trị giá 2,5 tỷ USD để chống dịch Covid-19.

 Theo Chính phủ Mỹ, hơn 1 tỷ USD trong khoản ngân sách này sẽ dành cho việc phát triển vaccine, trong khi số còn lại là để trị liệu và dự trữ các trang thiết bị bảo hệ y tế như khẩu trang.

 Thông tin đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tăng cường nỗ lực kiểm soát Covid-19 bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc hồi cuối năm 2019 và hiện đã lây nhiễm cho hơn 80.000 người, gấp 10 lần so với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.

 Trong khi đó, Quân đội Mỹ và Hàn Quốc cũng đang xem xét giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung do những lo ngại liên quan tới dịch bệnh này.

 Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 24/2 tuyên bố, Mỹ và Hàn Quốc đang xem xét giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung do những lo ngại liên quan tới Covid-19.

 Ít nhất 13 binh sĩ Hàn Quốc đã được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 7.000 binh sĩ bị cách ly nhằm ngăn chặn virus lây lan bên trong các doanh trại. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đây là một tình huống nghiêm trọng và nước này đã quyết định đình chỉ các kỳ nghỉ phép quân sự. (VOV.vn 26/02, Thu Hoài)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More