Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 12-11-2019

Post date: 13/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.  Quốc hội quyết chỉ tiêu 2020: Tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%.. 1

2. Làm rõ thêm các quy định trong dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. 2

3. Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 3

4. Thủ tướng: Đừng sợ dân giàu, Nhà nước không nên “ôm” dự án! 4

CHỈ THỊ MỚI 5

5.  Bộ Nội vụ yêu cầu tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng. 5

6. Doanh nghiệp phải báo cáo thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý trước 20/12. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7.  WB: Việt Nam có thể trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển. 6

8.   Sẽ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro nộp ngân sách lớn. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

9.   Không “thưa” nhưng vẫn “lọt”! 8

QUẢN LÝ.. 9

10.Thí điểm sáp nhập một số TAND cấp huyện có quy mô nhỏ. 9

11.Thắt chặt quản lý xe cơ giới 10

12. Quảng Bình: Gần 300 cán bộ dôi dư phải "nghỉ hưu non" sau sắp xếp. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

13. Công khai 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. 11

14. Hà Nội: Tập trung duy trì Chỉ số PAR INDEX và cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

15.  Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương. 13

16.   Nợ đọng thuế tại một số địa phương có xu hướng tăng dần. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

17.  Cà Mau: Thay cán bộ bắt dân đi “5 lần 7 lượt” để làm giấy khai sinh. 14

18.  Cà Mau: Lãnh đạo huyện cấp nền tái định cư cho cán bộ. 15

19.Thái Nguyên: Đình chỉ 1 tháng đối Thượng úy ném xúc xích, đánh nhân viên bán hàng  15

THẾ GIỚI 16

20. Niềm tin kinh doanh ở Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm.. 16

 TIN QUỐC HỘI

Quốc hội quyết chỉ tiêu 2020: Tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%

Với đa số phiếu thuận, sáng 11/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

 Trong mục tiêu tổng quát của năm sau, đặt lên hàng đầu vẫn là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Mục tiêu tổng quát cũng thể hiện rõ yêu cầu giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

 Quốc hội cũng đã quyết định 12 chỉ tiêu cho năm sau, theo đó GDP, CPI, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu đều không cao hơn 2019. Về GDP, Chính phủ đề xuất tăng khoảng 6,8% (2019 chỉ tiêu này là 6,6-6,8%). 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8%, không ghi "khoảng 6,8%".

 Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế.

 Từ đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý.

 Mức tăng này bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.

 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng phản hồi một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại cách tính chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

 Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn thách thức; cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ngày càng mạnh mẽ; năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp hỗ trợ đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

 Ngoài ra, giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm, hoạt động sản xuất, chế biến của một số ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu; xu hướng tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có thể dẫn đến kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao.

 Do vậy, khả năng năm 2020 sẽ nhập siêu, xin Quốc hội cho giữ mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phấn đấu thực hiện.

 Đây cũng chính là nội dung đã được Chính phủ gửi báo cáo riêng để giải trình về việc bốn năm liền xuất siêu, 2020 lại dự kiến nhập siêu. (Vneconomy.vn 11/11)Về đầu trang

Làm rõ thêm các quy định trong dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Chiều 11/11, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về dự án Luật này.

 Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng dự thảo luật đã được nghiêm túc chỉnh lý hoàn thiện, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

 Về cơ bản, các nội dung của dự thảo đã được rà soát, đảm bảo đồng bộ thống nhất. Các quy định đã bám sát nguyên tắc, chủ trương xây dựng lực lượng dự bị động viên, công tác quân sự quốc phòng, xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

 Các đại biểu cũng đã tập trung phát biểu làm rõ thêm nhiều quy định trong dự thảo luật như về xây dựng lực lượng, huy động lực lượng dự bị động viên trong đó quan tâm đến các quy định về đăng ký, huấn luyện, huy động lực lượng dự bị, đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và các quy định về chế độ chính sách.

 Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét thông qua theo chương trình kỳ họp. (VTV.vn 11/11)Về đầu trang

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Sáng 11/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

 Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra dự luật này. Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được đánh giá là dự luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để kêu gọi vốn xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án hạ tầng lớn, góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

 Một nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là quy định về bảo lãnh rủi ro cho dự án. Việc bảo lãnh này sẽ thể hiện trong 2 phần: một là bảo đảm cân đối ngoại tệ cho một số dự án với hạn mức tối đa 30% tổng mức đầu tư; hai là trong trường hợp các vấn đề phát sinh không giải quyết được bằng việc điều chỉnh giá phí hay thời hạn hợp đồng, Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tối đa 50% phần hụt thu thực tế so với doanh thu cam kết, cũng như nếu dự án tăng thu thì nhà đầu tư cũng phải cam kết chia sẻ lại tối thiểu 50% cho Chính phủ.

 Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần xem xét để phù hợp với Luật Quản lý nợ công và cần xác định cụ thể hơn nguồn tiền sẽ được sử dụng để xử lý những phát sinh liên quan.

 Ngoài ra, dự luật cũng quy định quy mô tối thiểu của dự án là để tránh đầu tư lẻ mẻ, dàn trải. Đồng thời, Chính phủ cũng thống nhất đề xuất phương án có một dòng ngân sách riêng trong kế hoạch vốn trung hạn cho các dự án PPP.

 Sáng 11/11, Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày. Có 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua với mục tiêu là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là một trong những nội dung được dư luận quan tâm với kỳ vọng tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. (VTV.vn 11/11)Về đầu trang

Thủ tướng: Đừng sợ dân giàu, Nhà nước không nên “ôm” dự án!

Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc ban hành Luật PPP là cấp bách và là kết quả quá trình thay đổi tư duy của Đảng, Nhà nước.

 Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, đã đến lúc vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, vai trò của tư nhân phải cao hơn.

 “Tôi đi các địa phương, người dân bức xúc về thiếu vốn đầu tư, công trình, dự án từ to đến nhỏ. Các nước phát triển người ta đầu tư xong rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Đừng sợ dân giàu, Nhà nước không nên “ôm” dự án! - 1

 Nhận định nguồn lực trong dân còn rất lớn, nhưng Thủ tướng cho biết nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư. “Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ ra được?” - Thủ tướng đặt vấn đề.

 Theo Thủ tướng, trong quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công - tư thì cả Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân đều có lợi, thậm chí nhân dân có thể giàu có hơn.

 “Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ! Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cái chính nằm ở đây, thị trường phải được đặt ra đồng thời với thu hẹp khoảng cách…” - Thủ tướng lưu ý.

 Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh về quan hệ đối tác công - tư: Trừ những việc mà Nhà nước phải nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh, còn lại tất cả Nhà nước và tư nhân cùng làm.

 “Điện lực chẳng hạn, Nhà nước độc quyền truyền tải điện, làm đường dây. Nhiều người muốn làm, làm xong khấu hao trả lại cho họ, chứ anh độc quyền cả đầu tư thì làm sao được, EVN không có tiền, vay quá hạn mức rồi.” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 Nêu quan điểm rõ ràng về việc này, Thủ tướng tái khẳng định “Chính phủ không nên ôm dự án, công trình, Nhà nước chỉ khuyến cáo những việc thật nguyên tắc. Nếu ôm hết từ A-Z thì làm sao được, tính thị trường là không để Nhà nước bảo lãnh hết”.

 Thảo luận về Luật PPP, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Gốc phải có, Nhà nước không thể chuyển toàn bộ rủi ro của Nhà nước sang cho tư nhân trong khi nhiệm vụ công lại đòi hỏi đầu tư tư. Khi đó, tư nhân sẽ không chơi, không làm.

 “Tất cả chúng ta có nhiều quyền nhưng nhà đầu tư có 1 quyền là chơi hay không chơi với mình. Làm sao ta phải thiết kế được 1 sân chơi bình đẳng, hấp dẫn, phải an toàn, ổn định thì nhà đầu tư mới sẵn sàng yên tâm bỏ tiền ra làm ăn với chúng ta. Chứ cái gì cũng có lợi cho Nhà nước, cái gì cũng chặt chẽ, thì nhà đầu tư sẽ sử dụng cái quyền duy nhất là không chơi với chúng ta nữa.” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ. (Dantri.com.vn 11/11, Châu Như Quỳnh)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Bộ Nội vụ yêu cầu tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng

Bộ Nội vụ vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, thống kê các giáo viên này.

 Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. 

Bộ Nội vụ yêu cầu, sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức. (VTV.vn 11/11)Về đầu trang

Doanh nghiệp phải báo cáo thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý trước 20/12

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có văn bản yêu cầu 63 địa phương khảo sát tình hình nợ lương, thưởng và thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, gửi về Bộ trước ngày 20/12/2019.

 Theo đó, các doanh nghiệp thuộc diện báo cáo chủ yếu thuộc 4 nhóm doanh nghiệp thu hút đông lao động như: công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh.

 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương cần khẩn trương yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, tiền thưởng theo thỏa thuận.

 Từ đó, xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 theo Điều 103 Luật Lao động 2012 và thông báo cho người lao động biết.

 Bộ lưu ý các địa phương chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất nắm tình hình nợ lương 2019, tiền lương và kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Canh Tý cho người lao động ở các doanh nghiệp cả trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

 Đối với tình hình nợ lương năm 2019, Bộ này cũng yêu cầu các địa phương tập trung vào lao động thuộc 4 nhóm gồm: dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt cần phân tách rõ các nguyên nhân gây nợ lương như: chủ doanh nghiệp bỏ trốn; doanh nghiệp đóng cửa và doanh nghiệp gặp khó khăn.

 Liên quan đến vấn đề đảm bảo lương, thưởng cho người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán 2020, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp tết sắp đến.

 Theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các công đoàn cơ sở cần chủ động đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Đặc biệt là kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.

 Trước đó, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức thưởng bình quân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019 bằng khoảng 1 tháng lương là 6,31 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với năm 2018 (năm 2018 là 5,527 triệu đồng/người).

 Cụ thể, khối công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng trung bình là 5,789 triệu đồng/người; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 6,825 triệu đồng/người.

 Ở khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng trung bình là 6,445 triệu đồng/người và doanh nghiệp FDI là 6,236 triệu đồng/người.

 Thực tế, theo quy định của Bộ luật Lao động thì tiền thưởng cuối năm cho người lao động do doanh nghiệp quyết định, căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và quy chế thưởng của doanh nghiệp.

 Do đó, tiền thưởng không phải là khoản tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải trả cho người lao động.

 Tuy nhiên, đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều có tiền thưởng Tết cho người lao động, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn. (Vneconomy.vn 11/11, Nhật Dương)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

WB: Việt Nam có thể trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển

Chiều 11/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp lại Giám đốc Ousmane Dione; đồng thời đánh giá cao vai trò của WB trong hợp tác toàn diện với Việt Nam và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua.

 Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả Hội nghị về báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về “Các yếu tố ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” được tổ chức ngày 7/11 vừa qua tại Nhà Quốc hội; cảm ơn WB đã luôn gắn bó với Quốc hội Việt Nam trong nhiều hoạt động hợp tác cụ thể; tin tưởng, WB sẽ tiếp tục đồng hành với Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số.

 Giám đốc Ousmane Dione cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp. Với vai trò là Giám đốc quốc gia của WB, ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam có cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới. Và như vậy, Việt Nam sẽ có điều kiện để thực hiện hiệu quả, toàn diện hơn công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống người dân, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số.

 Làm được như vậy, Giám đốc Ousmane Dione cho rằng Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển và chứng minh được rằng cùng với tăng trưởng, phát triển kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu phát triển bao trùm cho mọi người dân.

 WB không chỉ là ngân hàng cấp vốn thực hiện các dự án mà còn có bề dày kinh nghiệm có thể chia sẻ với Quốc hội Việt Nam trong quá trình xem xét, quyết định các chính sách phát triển quốc gia cũng như các chính sách liên quan đến người dân.

 Nhấn mạnh điều này và từ kinh nghiệm phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức thành công Hội nghị “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” vừa qua, Giám đốc Ousmane Dione đề xuất WB sẵn sàng tổ chức các hội nghị chuyên đề để chia sẻ thêm thông tin, kinh nghiệm với các đại biểu Quốc hội.

 Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Giám đốc Ousmane Dione cũng đã trao đổi cụ thể một số vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xây dựng thị trường chứng khoán, phát triển thị trường vốn, thúc đẩy hợp tác theo hình thức đối tác công-tư, các biện pháp thúc đẩy huy động vốn cho các dự án của ngành điện, những khó khăn, thách thức và các vấn đề cần giải quyết vì sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long, khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm... (TTXVN 11/11, Hoàng Thị Hoa)Về đầu trang

Sẽ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro nộp ngân sách lớn

Bộ Tài chính vừa ban hành công văn hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020.

 Theo Bộ Tài chính, kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2020 cần tập trung vào những nội dung trọng tâm như: Thanh tra việc thực hiện thu nộp NSNN; chú trọng thanh tra chống thất thu thuế, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.

 Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro về thu nộp NSNN lớn; DN hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn; DN kinh doanh xăng dầu, điện lực, kinh doanh bất động sản; DN phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù…; DN, tổ chức tài chính ngân hàng; DN đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá.

 Ngoài ra, DN nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, giá cả không ổn định, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài; DN chế xuất cũng là đối tượng tập trung thanh, kiểm tra.

 Cùng với đó, tăng cường thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các DN có hoàn thuế lớn, các DN có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN.

 Đối với công tác thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ chi NSNN, các đơn vị tập trung thanh tra việc bố trí, giao dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi NSNN, chú ý các khoản chi hỗ trợ từ NSNN, xác định các khoản chi NSNN còn lãng phí, không hiệu quả. Thanh tra, kiểm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu, nguồn kinh phí dự phòng; công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí, hàng hóa cứu trợ phòng chống thiên tai, các khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương,...

 Đối với công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá tài chính DN, Bộ Tài chính đề nghị chú trọng thanh tra, kiểm tra tính minh bạch của DN trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, trong việc thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin, kê khai, nộp NSNN và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra giá, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, thuế nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. (VOV.vn 10/11)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Không “thưa” nhưng vẫn “lọt”!

Sau vụ việc một nữ cán bộ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk sử dụng bằng cấp 3 của chị ruột để đi học rồi thăng tiến đến chức trưởng phòng nhưng đến nay, nhân thân thực sự của người này vẫn chưa được cơ quan chức năng xác định rõ thì tiếp tục có thông tin về một trưởng phòng thuộc Công an tỉnh Lai Châu sử dụng bằng cấp 3 giả để đi công an nghĩa vụ, sau đó đi học và được bổ nhiệm làm trưởng phòng. Thậm chí người này còn nằm trong diện quy hoạch làm Phó Giám đốc Công an tỉnh. Từ hai sự việc này, câu hỏi đặt ra là phải chăng trong việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, dù các quy định không phải là “thưa” nhưng vẫn “lọt”? 

Có lẽ ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua đã phần nào trả lời câu hỏi này: Hồ sơ tất cả cái gì cũng đẹp, học hành đàng hoàng, nhưng khi đề bạt bổ nhiệm rồi, lật ra mới thấy “có vấn đề”, mới thấy khai gian lý lịch…

 Cụ thể, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp. Nhiều cơ quan, địa phương cũng đã phải xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự nhiều cán bộ sai phạm... Cử tri có hỏi và tôi xin hỏi Bộ trưởng trả lời là chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ nhưng sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ của một bộ phận không đáp ứng yêu cầu? Nguyên nhân và giải pháp thế nào để khắc phục trong thời gian tới?

 Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, quy trình rất chặt với 5 bước, từ việc thảo luận về chủ trương, tiêu chí, điều kiện cho đến cán bộ chủ chốt, mở rộng và vòng 1 vòng 2, tới Ban Cán sự Đảng, tới Đảng ủy nhưng quan trọng là không nắm được cán bộ. Tất cả đều thông qua hồ sơ, lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới. Ở đây, chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn nhưng chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ. Thậm chí, trong vấn đề sai phạm cán bộ thời gian vừa qua, quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức khai không trung thực mà không phát hiện được vấn đề này. Rất nhiều các bộ hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến nhưng cơ quan tổ chức cất vào tủ, không đi xác minh…

 Giải quyết vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có các quyết định giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu, tổ chức khi nhận hồ sơ, cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại, làm cơ sở trong việc xem xét, đề bạt, bổ nhiệm của cán bộ chứ không phải là chỉ thấy có chữ ký của Vụ trưởng Tổ chức cán bộ hay chữ ký của cơ quan đơn vị gửi đến là coi như có trách nhiệm thuộc cơ quan trước… Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng khẳng định, vấn đề quản lý cán bộ hiện nay phải xuyên suốt, từ việc tuyển dụng, học hành, đề bạt, bổ nhiệm phải xuyên suốt, liên tục giống như đánh giá cán bộ.

 Có thể, những giải pháp mà Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đưa ra là đầy đủ. Việc lý giải nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ của một bộ phận không đáp ứng yêu cầu là thỏa đáng. Thế nhưng, điều cốt lõi vẫn là phải khắc phục cho được tình trạng này. Không thể tiếp tục để xảy ra các sự việc đáng tiếc rồi mới “lần” lại xem quy trình, thủ tục “có vấn đề gì không”. (Đại Biểu Nhân Dân 11/11, Khánh Ninh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thí điểm sáp nhập một số TAND cấp huyện có quy mô nhỏ

Ngày 11/11, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ 7 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Phó Trưởng Ban chỉ đạo.

 Các thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về 4 Đề án do Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và Ban cán sự Đảng TAND Tối cao trình. 

Về Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh, cần xác định rõ mục đích là nghiên cứu, đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư thời gian qua. 

 Phó Thủ tướng yêu cầu đề xuất giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư trong thời gian tới; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân... 

 Đồng thời, Đề án cần xác định rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về luật sư.

 Đối với Đề án “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với kết quả triển khai thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 địa phương và kết quả xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình các cơ quan của Quốc hội xem xét theo đúng quy định. 

 Phó Thủ tướng đề nghị Ban cán sự đảng TAND Tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật; chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để ban hành và thực hiện ngay sau khi Luật được thông qua.

 Về Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cơ bản nhất trí với đề xuất của Ban cán sự đảng TAND Tối cao về việc trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định chủ trương thí điểm thực hiện sáp nhập một số TAND cấp huyện có quy mô nhỏ, biên chế cán bộ từ 8 người trở xuống, số lượng án phải giải quyết dưới 200 vụ, điều kiện giao thông thuận lợi và được cấp ủy địa phương thống nhất.

 Theo Phó Thủ tướng, đề án thí điểm cần kế thừa kết quả nghiên cứu, xây dựng đề án về việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực; bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc địa hạt tư pháp nơi thí điểm sáp nhập các Tòa án cấp huyện đều hoạt động thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả. Đề án cần xác định cụ thể vai trò và trách nhiệm giám sát của cơ quan dân cử, của các tổ chức xã hội và nhân dân ở địa phương đối với Tòa án cấp huyện mới. (Dantri.com.vn 11/11, Thế Kha)Về đầu trang

Thắt chặt quản lý xe cơ giới

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư số 15 của Bộ về việc đăng ký xe.

 Điểm đáng chú ý của việc sửa đổi lần này là việc ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện khi có quyết định điều động, mua bán, cho, tặng xe. Cụ thể, sẽ bắt buộc người bán phương tiện phải đến nộp lại biển số xe, giấy tờ đăng ký và người mua phải đến làm thủ tục đăng ký lại để có biển số lưu thông trên đường.

 Bộ Công an kỳ vọng điều này sẽ giúp công tác quản lý xe được chặt chẽ hơn, tăng hiệu quả cho việc gửi thông báo vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến phương tiện khi lưu thông. (VTV.vn 11/11)Về đầu trang

Quảng Bình: Gần 300 cán bộ dôi dư phải "nghỉ hưu non" sau sắp xếp

Ngày 11-11, tin từ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình, cho biết sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã thì địa phương này đã giảm 8 xã, dôi dư tới 299 cán bộ, công chức.

 Theo báo cáo tóm tắt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2021, tỉnh này có 8 ĐVHC cấp huyện (6 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố). Tỉnh không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021.

 Toàn tỉnh Quảng Bình có 159 ĐVHC cấp xã (136 xã, 16 phường, 7 thị trấn). Số lượng cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 18 (16 xã, 2 phường). Trong đó, có 4 xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao và 14 xã, phường thuộc khu vực đồng bằng.

 Cụ thể, tại các huyện có ĐVHC cấp xã phải sắp xếp, gồm: Huyện Lệ Thủy (3 xã là Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Trường Thủy); TP Đồng Hới (có 2 phường: Đồng Mỹ, Hải Đình); huyện Bố Trạch (2 xã: Phú Trạch, Hoàn Trạch); huyện Quảng Trạch có 1 xã là Quảng Trường; huyện Tuyên Hóa có 1 xã Nam Hóa; huyện Minh Hóa có 1 xã Quy Hóa.

 Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, Quảng Bình sẽ dôi dư 299 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Đối với những trường hợp này sẽ thực hiện giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định, giải quyết chính sách tinh giản biên chế hoặc bố trí sang các xã khác không thực hiện sắp xếp…

 Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên nhằm tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, giảm biên chế, hoạt động chính quyền hiệu lực, hiệu quả. (Nld.com.vn 11/11, H. Phúc) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Công khai 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan

Tổng cục Hải quan vừa có công văn gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc công khai 1 thủ tục hành chính mới và 1 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung đến cộng đồng DN, người làm thủ tục, người khai hải quan.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 2061/QĐ-BTC về việc công bố thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính quy định.

 Theo đó, Bộ Tài chính công bố 1 thủ tục hành chính mới và 1 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Tài chính đối với thủ tục hành chính thực hiện tại cấp cục hải quan và thủ tục hành chính cấp trung ương.

 Đối với thủ tục hành chính mới, Bộ Tài chính quyết định công bố thủ tục kiểm tra khoản giảm giá đối với hàng NK thuộc thẩm quyền của cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Đối với thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính là thủ tục kiểm tra khoản giảm giá đối với hàng NK thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan được quy định tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính.

 Bộ Tài chính cũng bãi bỏ thủ tục kiểm tra khoản giảm giá đối với hàng hoá NK đã được công bố tại Quyết định 2770/QĐ-BTC ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (chi tiết tại số thứ tự 7, điểm A, Mục 2, Phần I hành hành kèm theo quyết định 2770.

 Để công bố rộng rãi đến cộng đồng DN, người làm thủ tục hải quan, khai hải quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được công bố tại quyết định 2061/QĐ-BTC theo các hình thức, cách thức quy định tại Điều 9, 10 Quy chế kiểm soát thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan; giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ của Ngành và Quyết định 2061/QĐ-BTC.

 Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục CNTT và thống kê hải quan chủ trì, phối hợp với Cục Thuế XNK đăng tải công khai các thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định 2061/QĐ-BTC trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

 Cục Thuế XNK chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tổng cục cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính công bố tại Quyết định 2061/QĐ-BTC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. (Haiquanonline.com.vn 10/11, Đảo Lê) Về đầu trang

Hà Nội: Tập trung duy trì Chỉ số PAR INDEX và cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn 4925/UBND-NC về việc duy trì Chỉ số PAR INDEX và cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2019 của thành phố.

 Để duy trì Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2019 của thành phố và những nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính triển khai chậm, chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu của Trung ương được nêu trong Báo cáo 175/BC-UBND, ngày 7-6-2019, của UBND thành phố, chủ động rà soát, đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ được thành phố giao.

 Để cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2019, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định về tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị và thông tin kịp thời đến cá nhân, tổ chức kết quả giải quyết; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án văn hóa công vụ; quy định của UBND thành phố về thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa" liên thông, về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, đặc biệt là tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bộ phận tiếp công dân.

 Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Văn phòng UBND thành phố theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ trung ương, thành phố giao hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng. Sở Nội vụ tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức... (Hanoimoi.com.vn 11/11, Thành Vinh) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016 - 2020; giao, điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 (đợt 4).

 Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh 1.977,8 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương (bao gồm trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020 cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 3 địa phương gồm Quảng Trị, Sóc Trăng, Lâm Đồng từ nguồn điều chỉnh nội bộ, dự phòng 10% vốn ngân sách Trung ương tại bộ, địa phương.

 Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 323,724 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn thu sử dụng đất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Thông tấn xã Việt Nam để bố trí cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa bố trí kế hoạch đầu tư từ năm 2017 trở về trước và các dự án đang thực hiện.

 Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 3.142,5 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn vay ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện trả nợ Quỹ tích lũy trả nợ cho hai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan và Dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20.

 Thủ tướng Chính phủ giao 5.705,015 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 (đợt 4) và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2019 (đợt 4) bao gồm số vốn thu hồi các khoản vốn ứng trước kế hoạch.

 Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh 733,752 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 (trong đó vốn trong nước là 136,267 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 597,484 tỷ đồng) giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ danh mục dự án, tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 (đợt 4) được giao nêu trên, quyết định giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục, mức vốn kế hoạch đầu tư ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 (đợt 4) của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình. (TTXVN/Bnews.vn 11/11)Về đầu trang

Nợ đọng thuế tại một số địa phương có xu hướng tăng dần

Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản… là nguyên nhân dẫn đến số nợ thuế tăng.

 Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế đến cuối tháng 10/2019 là 83.392 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ thuế có khả năng thu là hơn 43.500 tỷ đồng; nợ thuế không còn khả năng thu là gần 40.000 tỷ đồng.

 Tính đến cuối tháng 10 vừa qua, số nợ thuế thu được đạt gần 28.000 tỷ đồng, bằng hơn 71% tổng nợ có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2018, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Tổng cục Thuế cho biết, tình hình nợ đọng thuế tại một số địa phương hơn 10 tháng qua có xu hướng tăng dần lên. Đặc biệt, nợ có khả năng thu tăng lên ở khoản thu thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản liên quan đến đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

 Tỷ lệ tổng nợ trên tổng ước thu nội địa năm 2019 này ở mức 7%, cao hơn 2% so với yêu cầu của Chính phủ, cần những giải pháp đồng bộ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và thu hồi nợ đọng thuế. (VOV.vn 11/11, Phạm Hạnh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cà Mau: Thay cán bộ bắt dân đi “5 lần 7 lượt” để làm giấy khai sinh

Liên quan đến vụ “Dân đi 5 lần 7 lượt và phải chi tiền mới làm được giấy khai sinh” xảy ra tại thị trấn U Minh (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), ngày 10/11, theo nguồn tin của PV Dân trí, huyện này đã cho thay cán bộ “hành dân”. 

Theo đó, UBND huyện U Minh đã quyết định điều động một cán bộ khác thay thế ông Trần Minh Tiến làm cán bộ phụ trách Tư pháp - Hộ tịch của UBND thị trấn U Minh.

 Ông Tiến trước đó là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thị trấn U Minh, nhưng đã bị kỷ luật cách chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn U Minh và bị điều chuyển sang bộ phận khác chờ xử lý theo quy định.

 Ông Tiến bị kỷ luật vì có hành vi được cho là “hành dân” trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Theo nguồn tin của PV, người thay ông Tiến nguyên là Trưởng Công an một xã thuộc huyện U Minh.

 Ngoài ông Tiến, ông Nguyễn Minh Cà - Chủ tịch UBND thị trấn U Minh, cũng bị kiểm điểm nghiêm khắc rút kinh nghiệm vì đã thiếu kiểm tra dẫn đến việc cán bộ cấp dưới "nhũng nhiều, gây phiền hà cho dân".

 Trong tuần đầu tháng 10/2019, một người dân ở thị trấn U Minh (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đến Bộ phận một cửa của thị trấn 4 lần nhưng vẫn chưa làm được thủ tục giấy khai sinh cho trẻ dưới 6 tuổi.

 Ngày 8/10, người dân này lại đến (lần thứ 5) thì được công chức phụ trách Tư pháp - Hộ tịch yêu cầu ngồi chờ. Sau đó, người dân phải chi 200.000 đồng để nhận kết quả.

 Sau khi nhận giấy khai sinh, người dân yêu cầu làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, công chức Tư pháp - Hộ tịch đã từ chối với lý do “chưa thực hiện liền được”.

 Vụ việc trên được UBND tỉnh Cà Mau xác định là đã “nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân” trong giải quyết thủ tục hành chính. (Baodauthau.vn 11/11) Về đầu trang

Cà Mau: Lãnh đạo huyện cấp nền tái định cư cho cán bộ

Chính quyền huyện Đầm Dơi tạm ứng ngân sách xây dựng khu tái định cư hơn 40 nền, nhưng chỉ xét cấp cho cán bộ và người thân.

 Huyện Đầm Dơi phê duyệt báo cáo đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư khóm 1, thị trấn Đầm Dơi, trên đất công với hơn 40 lô nền, cuối năm 2018. Theo quy định, các lô nền này chỉ được xét cấp cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa, không còn chỗ ở nào khác. Tuy nhiên, tất cả đã được cấp cho cán bộ huyện và người thân.

 Hồi tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thành lập tổ kiểm tra, phát hiện việc cấp đất nền và quy trình thực hiện không đúng quy định.

 Ngày 11/11, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần, và Phó chủ tịch Trần Anh Chót bị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê bình do có sai phạm trong quá trình thực hiện khu tái định cư ở khóm 1.

 Cùng bị phê bình bằng hình thức này, còn có ông Võ Thanh Tòng (nguyên chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi), nhiệm kỳ 2011-2016, hiện là chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau. (Vnexpress.net 11/11, Hoàng Hạnh)Về đầu trang

Thái Nguyên: Đình chỉ 1 tháng đối Thượng úy ném xúc xích, đánh nhân viên bán hàng

Tối 11/11, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đặng Đức Đang - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định đình chỉ công tác 1 tháng đối với Thượng uý Nguyễn Xô Việt (SN 1984), cán bộ Công an Thị xã Phổ Yên, để xác minh làm rõ thông tin "tố cáo" thượng úy này đang lan truyền trên mạng xã hội.

 Trước đó, như  đã đưa tin, vụ việc xảy ra vào chiều 10/11, tại trạm nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, Phổ Yên, Thái Nguyên), khi một nhóm người vào mua đồ và nghỉ tại trạm này.

 Camera tại trạm ghi lại hình ảnh một người đàn ông chỉ cho một bé trai vào trong quầy hàng lấy đồ ăn. Sau khi bé trai lấy gói xúc xích, người đàn ông gọi cậu bé mang gói xúc xích ra bóc ăn, nhưng chưa trả tiền.

 Thấy vậy, hai nhân viên của trạm đã nhắc nhở người đàn ông thanh toán tiền. Sau đó người này gọi con mang gói xúc xích lại, ném từng chiếc xúc xích vào người nhân viên nữ đứng trong quầy tính tiền, sau đó tiến tới tát mạnh vào mặt của nhân viên nam đứng bên cạnh quầy.

 Toàn bộ sự việc được camera ghi lại và sau đó được đăng tải lên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra bất bình trước hành động của người đàn ông trên, nhất là ngay trước mặt con trẻ.

 Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phân công Công an thị xã Phổ Yên làm rõ, nếu xác minh có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

 Căn cứ báo cáo ban đầu của Công an thị xã Phổ Yên, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác của Thượng uý Nguyễn Xô Việt. Lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định, quan điểm của Côngan tỉnh là kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử của cán bộ chiến sĩ  Công an nhân dân, không bao che các hành vi vi phạm.

 Chiều ngày 11/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo công an xã Tân Phú (Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết, sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã nắm bắt được thông tin và xuống trạm dừng nghỉ tìm hiểu cụ thể vụ việc. 

Vị lãnh đạo công an xã Tân Phú cho biết thêm: Qua tìm hiểu vụ việc tại trạm dừng nghỉ, cơ quan chức năng đã nắm bắt được sự việc là do giữa người mua hàng và nhân viên bán hàng hiểu nhầm nhau, cộng thêm việc không kiềm chế được, để xảy ra lời qua tiếng lại giữa các bên nên mới dẫn đến hành động như vậy.

 Cũng ngay trong sáng 11/11, cả 2 bên đã ngồi làm việc với nhau và cả 2 đã xin lỗi, sự việc trên cũng đã được giải quyết xong. (Dantri.com.vn 11/11, Trần Thanh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Niềm tin kinh doanh ở Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm

Chỉ số niềm tin trong tháng 10/2019 của các “nhà quan sát kinh tế”, như lái xe taxi và nhân viên nhà hàng, đã giảm 10 điểm so với tháng Chín, xuống còn 36,7, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2011.

 Theo kết quả khảo sát công bố ngày 11/11 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, niềm tin kinh doanh trong những lao động có công việc nhạy cảm với các xu hướng kinh tế đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua trong tháng 10/2019, do doanh số bán yếu kém sau khi thuế tiêu dùng được lên 10% vào đầu tháng 10 vừa qua.

 Chỉ số niềm tin trong tháng 10/2019 của các “nhà quan sát kinh tế”, như lái xe taxi và nhân viên nhà hàng, đã giảm 10 điểm so với tháng Chín, xuống còn 36,7, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2011.

 Tâm lý kinh doanh, vốn giảm lần đầu tiên sau ba tháng, cũng giảm sút do ảnh hưởng của một loạt thảm họa thiên nhiên “đổ vào” Nhật Bản trong tháng 10, bao gồm cả siêu bão Hagibis.

 Mặc dù chỉ số này giảm mạnh, song Nội các Nhật Bản vẫn giữ nguyên đánh giá “nền kinh tế đã cho thấy sự dịch chuyển chậm chạp trong quá trình phục hồi”.

 Còn các quan chức cho rằng tác động của việc thuế tăng và các thảm họa chỉ là “yếu tố tạm thời”. (Bnews.vn 11/11, Minh Hằng)Về đầu trang./. 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More