Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 05-8-2019

Post date: 05/08/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Chống tham nhũng: Nếu ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo xin thôi! 1

CHÍNH SÁCH.. 2

2.Quy định mới về quản lý và sử dụng tài nguyên internet 2

CHỈ THỊ MỚI 3

3.  Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 29/7-2/8. 3

4.  Xử lý dứt điểm việc ban hành văn bản trái pháp luật 4

TIN QUỐC HỘI 4

5. Phân công chuẩn bị Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 5

6.  Xử lý “nhẹ nhàng”! 5

7.Đừng chỉ than thiếu tiền. 6

QUẢN LÝ.. 7

8. Đối thoại, tiếp công dân phải thực chất 7

9.Hà Tĩnh: Sáp nhập xã, giảm gánh nặng ngân sách. 8

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

10.TP.HCM quyết “xử” cán bộ, công chức hành dân. 9

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 10

11. Nhiều bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công với tốc độ chậm.. 10

12.Vay vốn bảo lãnh Chính phủ đã lên tới 27,7 tỷ USD.. 10

13. TP.HCM dẫn đầu thu ngân sách 6 tháng 2019. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

14. TPHCM: Khai trừ Đảng đối với một chuyên viên Văn phòng UBND TPHCM.. 12

15. Tây Ninh: Bắt tạm giam Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Tân Châu. 13

16. Lập chứng từ khống, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình bị kỷ luật 14

THẾ GIỚI 14

17.Hồng Kông: Hàng ngàn công chức bất chấp cảnh báo, tham gia biểu tình. 14

18. Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo ngân sách mới 15

 TIÊU ĐIỂM

Chống tham nhũng: Nếu ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo xin thôi!

Đây là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

 Báo chí trong tuần này tiếp tục có nhiều bài viết về nội dung của Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng diễn ra cuối tuần trước. Trong đó đã có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, bị thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều Ủy viên Trung ương, gần 30 tướng lĩnh quân đội và công an.

 Trong bài viết "Chống tham nhũng không ngừng nghỉ", theo tờ Đại đoàn kết, chính nhờ quyết tâm phòng chống tham nhũng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, tạo không khí phấn khởi lan tỏa ra toàn xã hội khi không có chuyện chùng xuống trong đấu tranh chống tham nhũng.

 Nếu trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng "Nếu ai nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm" thì tại phiên họp Ban chỉ đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh hơn, quyết liệt hơn như một thông điệp cho cuộc đấu tranh từ trong nội bộ rằng "Nếu ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo xin thôi".

 Tờ Nông thôn ngày nay bình luận phát biểu này như một sự tuyên chiến không khoan nhượng với các nhóm lợi ích đang đan xen phức tạp hiện nay. Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã củng cố thêm niềm tin của người dân đối với của cuộc chiến tham nhũng đã và đang được triển khai quyết liệt chưa từng có.

 Nếu trước đây có ai đó băn khoăn việc kỷ luật hết lấy ai làm việc làm dân mất hết hy vọng, thì nay khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tuyên bố: "Dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào Đại hội sắp tới" và "Đại hội là dịp để sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ" như là lời cảnh tỉnh đối với những ai đã chót nhúng tràm thì hãy sớm dừng lại. Đây cũng là mệnh lệnh đối với các cấp ủy trong kỳ đại hội sắp tới. (Kênh VTV1 – Báo chí Toàn cảnh lúc 7h sáng 4/8)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH

Quy định mới về quản lý và sử dụng tài nguyên internet

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi bổ sung Thông tư 24/2015/TT-BTTTT về quản lý và sử dụng tài nguyên internet.

 Theo đó, Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT đã sửa đổi, bổ sung các điểm, khoản tại 12 Điều của Thông tư 24/2015/TT-BTTTT. Thông tư 06 được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể khi đăng ký sử dụng tài nguyên internet trên cơ sở thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đồng thời bổ sung quy định giải quyết một số tình huống phát sinh cho phù hợp với tình hình thực tế như: Thay đổi tên chủ thể sử dụng tài nguyên Internet trong trường hợp có sự sáp nhập, hợp nhất, thay đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức hoặc có sự tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; bổ sung quy định để cơ quan quản lý về tên miền xử lý các trường hợp có các vi phạm trong đăng ký sử dụng tên miền như cung cấp thông tin không chính xác, giả mạo, mạo danh đăng ký tên miền; bổ sung quy định về cấp tên miền liên quan tới hoạt động báo chí, tin tức nhằm tăng cường công tác quản lý liên quan tới hoạt động báo chí, tin tức.

 Ngoài ra, Thông tư đã sửa đổi, bổ sung 5 nội dung quy định mới gồm: Bổ sung quy định giải thích từ ngữ “thành viên địa chỉ”; bổ sung quy định về tên miền liên quan đến báo chí hoặc để thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội; bổ sung quy định tạm ngừng hoạt động tên miền trong các trường hợp không xác định được chủ thể do mạo danh đăng ký tên miền, tên miền có thông tin đăng ký không chính xác, chủ thể tên miền là tổ chức đã giải thể hoặc không còn tồn tại; bổ sung quy định về thực hiện biện pháp thu hồi tên miền của cơ quan quản lý tên miền trong quá trình kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng tài nguyên Internet đối với các tên miền vi phạm quy định đăng ký; thông tin không chính xác; giả mạo thông tin để đăng ký tên miền; bổ sung quy định cho phép thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng địa chỉ IP, số hiệu mạng.

 Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15.9.2019. (Đại Biểu Nhân Dân 3/8, N. Minh)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 29/7-2/8

Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tháo gỡ vướng mắc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 29/7-2/8/2019.

  Thủ tướng chỉ thị lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025: Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.

 Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước: Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Trong đó, nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm: 1- Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; 2- Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; 3- Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

 Quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo Nghị định này, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác.

 Tháo gỡ vướng mắc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang cùng với Nhà đầu tư Dự án làm việc với các ngân hàng cấp vốn để giải quyết về nguồn vốn vay, bảo đảm yêu cầu tiến độ Dự án. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam) kịp thời bố trí nguồn vốn tín dụng cho Dự án theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh Tiền Giang tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư dự án trong tháng 8 năm 2019 để triển khai thi công liên tục;...

 Xử lý thông tin báo nêu: Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý một số thông tin báo nêu. Trong đó, liên quan đến những thông tin báo nêu về vấn đề khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi, tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý phản ánh "Vì sao Quốc lộ 5 thành con đường tử thần" đăng trên Báo Thanh niên điện tử. Một số báo chí thông tin, phản ánh vụ việc 2 cháu bé tử vong do bị điện giật tại công trình xây dựng đường vành đai 2, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra thông tin báo chí phản ánh, có biện pháp xử lý đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/9/2019. (Báo Chính Phủ Điện Tử 3/8, Chí Kiên)Về đầu trang

Xử lý dứt điểm việc ban hành văn bản trái pháp luật

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ: Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh: Đồng Nai, Điện Biên, Quảng Ngãi thực hiện xử lý dứt điểm và đôn đốc việc xử lý các văn bản trái pháp luật đã phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản.

 Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, địa phương trên đánh giá hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và biện pháp khắc phục trong việc ban hành văn bản trái pháp luật; gửi kết quả đến Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

 Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo kết quả xử lý đối với văn bản trái pháp luật đã phát hiện qua kiểm tra theo thẩm quyền và do Bộ Tư pháp kiểm tra phát hiện; đánh giá hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và biện pháp khắc phục trong việc ban hành văn bản trái pháp luật, gửi kết quả đến Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc các cơ quan có văn bản trái pháp luật đã phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật xử lý dứt điểm, đánh giá hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và biện pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.2019. (Đại Biểu Nhân Dân 4/8, Th.Yến)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Phân công chuẩn bị Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Để chuẩn bị nội dung Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 12-17/8/2019), Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị những nội dung thuộc trách nhiệm để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

  Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.

 Bộ Quốc phòng phối hợp chuẩn bị Báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

 Bộ Tài chính phối hợp chuẩn bị Báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); Báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018".

 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chuẩn bị Báo cáo về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Lao động (sửa đổi); Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018. 

Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Công an chủ trì chuẩn bị Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018".

 Báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì chuẩn bị.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì chuẩn bị Báo cáo về dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

 Bộ Tư pháp chủ trì chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ tổng kết 3 năm lần thứ 2 về việc thi hành Luật Thủ đô.

 Các Bộ, cơ quan: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Ủy ban Dân tộc chuẩn bị báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. (Báo Chính Phủ Điện Tử 3/8, Minh Hiển)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Xử lý “nhẹ nhàng”!

Việc ban hành các văn bản quy pháp pháp luật, các quyết định, văn bản hành chính sai gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp không còn là cá biệt. Và khi xử lý, “giải pháp” chung nhất là bãi bỏ, thu hồi. Trong khi trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thường rất “mờ nhạt”, hình thức xử lý cũng chỉ ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm…

 Ví dụ mới nhất là việc Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cùng ký một văn bản hành chính cùng số, cùng ngày, tháng, năm ban hành, cùng nội dung nhưng khác phần phạm vi diện tích dự án. Đó là Văn bản số 2444/SXD-QLHTKT ngày 28.12.2012 về việc xin ý kiến chấp thuận về dự án xây dựng hạ tầng khu vực xung quanh Nhà Bảo tàng tỉnh do Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Hậu (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký và một văn bản do Phó Giám đốc Phan Tấn Cảnh (nay là Giám đốc) ký. Hai văn bản này chỉ khác nhau ở chỗ, một có phạm vi dự án 65.535m2 và một phạm vi dự án 50.596m2. Điều đáng nói là do sự chênh lệnh về diện tích nên đất của một số hộ dân bị thu hồi, dẫn đến khiếu nại nhiều năm qua. Thế nhưng, sự việc chỉ đơn giản là nhận khuyết điểm vì không thu hồi kịp thời văn bản trước. 

Hay như việc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa phải tổ chức Hội nghị kiểm điểm về trách nhiệm khi tham mưu thu hồi đất thực hiện dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim không đúng quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa do tham mưu trái luật liên quan dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại tại số 19 Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

 Chắc chắn trong những sự việc này đã có thiệt hại cho người dân và gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Thế nhưng, đáng tiếc, hình thức xử lý lại quá “nhẹ nhàng” hoặc không có hình thức xử lý nào. Lý giải về việc này, một số ý kiến cho rằng đó là do các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, cụ  thể, rõ ràng; do trình độ, năng lực của cán bộ còn hạn chế… Những lý do này là đúng nhưng chưa đủ. Còn một lý do quan trọng nữa không thể loại trừ đó chính là “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong việc ban hành các văn bản này. Điều quan trọng hơn đó là việc xử lý những tập thể, cá nhân khi để xảy ra sai sót, thậm chí là văn bản “phạm luật” chưa nghiêm; ít có địa phương kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm mà chủ yếu là kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiêm… dẫn đến tình trạng “huề cả làng”.

 “Hồn cốt” của của văn bản quy phạm pháp luật nói chung, các quyết định, văn bản hành chính nói riêng phải quy định rõ ràng người dân được làm gì, không được làm gì; quan điểm của Nhà nước về vấn đề đó ra sao và trình tự xây dựng, ban hành, áp dụng như thế nào. Vậy nên, chắc chắn rằng khi “có vấn đề” không thể nói do sơ xuất, do lỗi đánh máy hoặc bất cứ lý do nào khác. Và khi “việc đã rồi”, điều quan trọng là xử lý tập thể, cá nhân có liên quan với những hình thức tương xứng với mức độ vi phạm, sai sót cũng như hậu quả đã xảy ra. Không thể có chuyện người dân khi sai phạm thì xử lý đến nơi đến chốn, còn các cơ quan nhà nước thì chỉ “xử lý nhẹ nhàng” như rút kinh nghiệm hoặc phê bình, khiển trách… là xong. (Đại Biểu Nhân Dân 4/8, Khánh Ninh)Về đầu trang

Đừng chỉ than thiếu tiền

Chi phí logistics cao nhất nhì thế giới, trong khi cái “xương sống” đường sắt thì đì đẹt “100 năm không đổi”, ì trệ với những “chuyến tàu 1 người”. Ngay cả các tuyến đường sắt mang tính chất thông thương cũng “khó duy trì” khi lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

 Chủ tịch HĐTV Tổng Cty đường sắt VN vừa đưa ra một thông tin không mấy lạc quan: 3 tuyến tàu Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long đang lỗ tới 20 tỉ đồng mỗi năm. Nếu không có sự thay đổi thì rất khó để “duy trì”.

 Có lẽ, phải mở ngoặc cho sự vô lý từ việc nguy khốn của ngay cả các tuyến đường sắt mang tính chất thông thương này. Rằng dù được đánh giá an toàn, ít bị tác động bởi thời tiết, giá cước rẻ và khối lượng vận tải lớn, ấy thế mà vận tải đường sắt vẫn đang vắng khách tới khốn đốn.

 Rằng, với đơn giá 1 tấn hàng/km, cước vận tải đường sắt chỉ bằng khoảng 60 - 75% đường bộ, ấy vậy mà đường sắt thoi thóp, không cạnh tranh nổi.

 Và sự nguy khốn của ngành đường sắt chính là nguyên nhân trực tiếp khiến dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tới gần 20,9% GDP. Một chi phí quá cao, quá khủng khiếp.

 Đúng! Ngành đường sắt có cái khó khi phải tồn tại trên một hạ tầng quá cũ nát với những “cây cầu từ thời Pháp”, với những “thanh tà vẹt 40 tuổi đời” chưa được thay thế. Đúng! 2.000 tỉ đồng duy tu bảo trì mỗi năm chỉ như muối bỏ bể khi nó đáp ứng chỉ 40% chi phí. Đúng! Tỉ suất đầu tư đường sắt rất lớn (con số 38 triệu USD/km đường sắt cao tốc đúng là một vấn đề nan giải) trong khi khả năng thu hồi vốn lại thấp nên không nhà đầu tư nào quan tâm.

 Nhưng còn một nguyên nhân khác thuộc về chủ quan trong cả quản lý và đầu tư. Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn ở Nghệ An là một ví dụ. Từ gần 1 thập kỷ nay, dù không hề có tàu chạy, nhưng mỗi năm vẫn phải chi trả hàng tỉ đồng cho việc... bảo vệ, duy tu... Chưa kể, nếu dự án đường cao tốc Bắc - Nam được triển khai, lại phải xây thêm cầu vượt với số tiền rất lớn chỉ để tránh tuyến đường sắt bỏ hoang này.

 Hay “chuyến tàu 1 người” tuyến Yên Viên - Hạ Long chẳng hạn, 4.500 tỉ đồng đã bỏ ra và bỏ dở để tình trạng “tốc độ 25km/h, hàng chục người vận hành để “thu cả thảy được 2,6 triệu đồng mỗi chuyến” vẫn tồn tại bao năm nay.

 Có lẽ, ngành đường sắt phải tự thay đổi ngoài việc than thiếu tiền. Có lẽ, đường sắt tốc độ cao “bà mẹ đi chợ trẻ con đi học” cần được xem xét lại về sự hợp lý trong tổng thể xuống cấp và nát bét của ngành đường sắt nói chung chứ không thể chỉ ở khía cạnh tiêu tiền. (Lao Động 4/8, Anh Đào)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đối thoại, tiếp công dân phải thực chất

Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực hiện đúng và đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân chưa thực chất, còn hình thức. Đây là thực trạng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ trong Chỉ thị 10/CT-TTG về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, trong giải quyết công việc.

 Công tác tiếp công dân rất quan trọng, nếu ngay từ cơ sở, cán bộ tập trung giải quyết, người đứng đầu vào cuộc kịp thời sẽ góp phần tích cực giải quyết các bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của người dân ngay từ cơ sở, sẽ ngăn chặn được khiếu nại, tố cáo, không làm phát sinh những điểm “nóng”. Từ đó, sẽ có được chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Tiếc rằng, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt công tác này, vẫn còn những nơi cán bộ, người đứng đầu vẫn coi nhẹ công tác tiếp dân, hoặc coi việc tiếp dân là nhiệm vụ có tính đối phó.

 Thực tế này đã được Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám chỉ rõ, trong công tác tiếp dân, một số nơi, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, cơ sở chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc. Thậm chí, có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện, gây nên khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

 Trong khi đó, từ thực tế giám sát về công tác này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, công tác tiếp công dân chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo quy định, người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh 1 năm thực hiện 12 cuộc tiếp công dân, nhưng theo thống kê chỉ đạt được 6 buổi/năm. Trong năm 2018, tính trung bình tiếp công dân của người đứng đầu cấp tỉnh chỉ đạt 50% theo quy định, còn lại là ủy quyền cho cấp phó. Tuy nhiên, cũng có những tỉnh, người đứng đầu rất quan tâm đến công tác này, thực hiện đúng quy định, thậm chí còn tiếp dân nhiều hơn so với quy định. Trong khi đó, đối với cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện tiếp công dân 2 buổi/tháng, 24 buổi/năm nhưng trung bình việc tiếp công dân của người đứng đầu cấp huyện trên toàn quốc theo thống kê chỉ đạt khoảng 75 - 78%. Còn Chủ tịch xã sẽ phải tiếp công dân 4 buổi/tháng nhưng theo thống kê, chủ tịch UBND cấp xã tiếp định kỳ chỉ đạt khoảng 25%, tức là 1 buổi/tháng.

 Những thông tin mà Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ cho thấy, công tác tiếp công dân của một số nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm theo quy định. Câu hỏi đặt ra là, khi người đứng đầu không tham gia tiếp công dân thì làm sao nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm sao biết được những bất cập trong các chính sách cũng như trong công tác điều hành? Bởi những người tiếp công dân không đúng thẩm quyền, không đúng “vai” sẽ chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ “nghe phản ánh, về báo cáo lại” mà chưa thể đưa ra được hướng giải quyết thỏa đáng cho người dân. Đây cũng là lý do dẫn đến một số vụ việc bức xúc của người dân cứ bị “đẩy qua, đẩy lại”, không được giải quyết dứt điểm, gây khiếu nại đông người, bất ổn xã hội, nhiều cuộc đối thoại chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

 Để khắc phục những tồn tại trong công tác tiếp công dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật. Công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên trang thông tin điện tử và trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức.

 Nhiều ý kiến cho rằng, tiếp công dân, đối thoại với người dân, doanh nghiệp không thể hiệu quả nếu như chưa có chế tài cụ thể đối với những trường hợp không tuân thủ quy định về tiếp công dân. Chỉ khi có chế tài, coi kết quả tiếp công dân, đối thoại với người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ thì việc đối thoại, tiếp công dân mới không hình thức. (Đại Biểu Nhân Dân 3/8, Lê Hùng)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Sáp nhập xã, giảm gánh nặng ngân sách

Theo kế hoạch, hơn 600 xã không đạt tiêu chí về diện tích cũng như dân số sẽ phải sắp xếp lại từ nay đến năm 2021.

 Với 80 xã chịu tác động từ việc sáp nhập, Hà Tĩnh là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp lại lớn nhất cả nước. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh này đang lấy ý kiến nhân dân và bước đầu đạt được sự đồng thuận cao.

 Tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc sáp nhập trước Đại hội Đảng cấp cơ sở, để thuận tiện cho việc bố trí, sắp xếp nhân sự. Theo đó, số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ giảm đáng kể. Điều này đồng nghĩa với ngân sách dành cho việc chi trả lương sẽ giảm đi. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 3/8)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP.HCM quyết “xử” cán bộ, công chức hành dân

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Tư pháp về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) quý 2 năm 2019.

 Đáng chú ý, về cải cách hành chính, UBND TP.HCM cho biết đã triển khai thực hiện nền nếp, có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; hoàn thiện hệ thống thể chế và các thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở thành phố; 100% đơn vị áp dụng công nghệ thông tin quá trình tiếp nhận - xử lý - trả kết quả.

 Về thủ tục đăng ký đầu tư, đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký đầu tư sẽ giảm 30% so với quy định của luật Đầu tư; nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua mạng sử dụng hệ thống đăng ký đầu tư trực tuyến đạt 40% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận.

 Về đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với các hồ sơ đăng ký thành lập mới và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh so với quy định. Rút ngắn thời gian phản hồi qua mạng, đảm bảo 100% hồ sơ đăng ký qua mạng được phản hồi trong ngày…

 Về thủ tục liên quan đến đất đai, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai; thống kê và có biện pháp giảm tối thiểu diện tích đất ở thành phố chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Nhiều phản ánh về sự chậm trễ, phiền hà 

Từ đầu năm đến ngày 25.7.2019, Văn phòng UBND TP.HCM (cơ quan làm đầu mối tiếp nhận phản ánh, kiến nghị) đã tiếp nhận 53 trường hợp phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính ở thành phố. Cụ thể có 6 trường hợp tiếp nhận qua văn bản; 45 trường hợp tiếp nhận qua hộp thư điện tử và 2 trường hợp tiếp nhận qua số điện thoại phản ánh, kiến nghị.

 Trong đó, có 28 trường hợp phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức; có 25 trường hợp phản ánh, kiến nghị không thuộc phạm vi tiếp nhận, xử lý của Nghị định số 20/2008 đã được sửa đổi, bổ sung.

 Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản chuyển 28/28 trường hợp thuộc phạm vi tiếp nhận đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định (đạt tỷ lệ 100%); 20 trường hợp đã có kết quả xử lý và 20 trường hợp này đã được phản hồi kết quả xử lý đến người dân; 8 trường hợp đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. (Thanh Niên 3/8, Trung Hiếu)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Nhiều bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công với tốc độ chậm

Nếu 7 tháng năm 2018, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ ngành và địa phương đã ở mức thấp thì thống kê năm nay còn ghi nhận những con số đáng lo hơn.

 Bộ Tài chính tính toán, hiện mới có 5 bộ, ngành và 8 địa phương có số giải ngân đạt trên 60%. Trong khi ấy, có 35 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%. Đặc biệt, có 18 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

 Nói về nguyên nhân, đại diện Bộ Tài chính đánh giá: Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc về thủ tục đầu tư thì vẫn còn nguyên nhân chủ quan từ phía các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

 Đối với nguồn vốn trong nước, Bộ Tài chính chỉ ra, đến nay, vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành chậm thẩm định thiết kế chi tiết bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa đủ căn cứ để làm thủ tục đấu thầu. (VTV.vn 3/8)Về đầu trang

Vay vốn bảo lãnh Chính phủ đã lên tới 27,7 tỷ USD

Lũy kế đến hết năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,7 tỉ USD, trong đó 23,6 tỉ USD vốn vay nước ngoài, 4,1 tỉ USD vốn vay trong nước - thông tin được đưa ra tại báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh chính phủ năm 2018 mới được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ.

 Báo cáo cũng cho biết nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh do khó khăn về tài chính đã không có khả năng trả nợ, đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn hoặc phải tái cơ cấu do nợ quá hạn cao, hoặc Chính phủ phải dùng nguồn tiền từ Quỹ Tích lũy trả nợ quốc gia trả nợ thay.

 Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong các lĩnh vực quan trọng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn thì ngành điện chiếm tỷ trọng lớn nhất, bởi các dự án đầu tư nguồn điện đảm bảo lượng điện tiêu thụ và có hợp đồng bán điện dài hạn nên có nguồn thu ổn định và đảm bảo khả năng trả nợ tốt so với các lĩnh vực khác.

 Tuy nhiên, bảo lãnh trong lĩnh vực điện tập trung chủ yếu tại một số tập đoàn lớn, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản (TKV-Vinacomin). Tổng vốn đã cấp bảo lãnh cho EVN đến 31/12/2018 chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực điện, chiếm 58,43%, nhưng đã giảm 1,94% so với năm 2017 (60,37%), trong khi con số này của Petro Vietnam đã tăng lên 1,54% so với năm 2017, chiếm 17,61%.

 Chi tiết hơn, Chính phủ đã bảo lãnh vay vốn (lũy kế đến 31/12/2018) cho EVN là 10,1 tỷ USD, Petro Vietnam là 3,3 tỷ USD, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia EVN/NPT) là 615 triệu USD, TKV là 578,2 triệu USD, và các công ty khác là 2,6 tỷ USD. Tổng cộng bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lũy kế đến 31/12/2018 là 17,3 tỷ USD.

 Mặc dù trong năm 2018, Bộ Tài chính không thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước, tuy nhiên, đối với lĩnh vực điện, Chính phủ đã cấp bảo lãnh cho hai dự án điện là Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng với giá trị 1,6 tỷ USD.

 Theo Bộ Tài chính, việc bảo lãnh trong lĩnh vực điện tập trung chủ yếu tại một số tập đoàn lớn (EVN, Petro Vietnam, Vinacomin) với trị giá vay lớn tạo nên tỷ trọng dư nợ lớn trong danh mục sẽ làm tăng rủi ro nếu doanh nghiệp có vấn đề về tài chính.

 Về hiện trạng nợ của các doanh nghiệp điện, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, các dự án ngành điện hiện đều đang trả nợ bình thường, một số dự án của EVN và PVN đã trả nợ trước hạn. Dự án gặp khó khăn dài hạn trong quá trình vận hành và trả nợ là Xekaman 3 của Công ty Cổ phần Điện Việt Lào (bị sự cố địa chất bất khả kháng và vẫn đang trong quá trình khắc phục).

 Ngoài lĩnh vực điện, lĩnh vực hàng không cũng được Chính phủ bảo lãnh cho vay hàng tỉ USD, trong đó gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty Cổ phần Cho thuê máy bay (VALC). Cụ thể, VNA được bảo lãnh vay nợ 1,03 tỉ USD, VALC được bảo lãnh cho vay nợ 297,4 triệu USD.

 Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tính đến ngày 31/12/2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hành thêm 9.670 tỉ đồng trái phiếu, nâng mức dư nợ bảo lãnh trái phiếu lên 39.331 tỉ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được bảo lãnh phát hành thêm 16.545 tỉ đồng, nâng tổng dư nợ trái phiếu lên 118.406 tỉ đồng, giảm 7.885 tỷ đồng so với dư nợ đầu kỳ. (Vneconomy.vn 3/8)Về đầu trang

TP.HCM dẫn đầu thu ngân sách 6 tháng 2019

Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, báo cáo về kết quả thu ngân sách thời gian qua, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM cho hay, thu ngân sách trên địa bàn Tp.HCM ước đạt 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ.

 Cụ thể, thu nội địa ước đạt 121.825 tỷ đồng, đạt gần 45% dự toán và tăng 2%. Thu nội địa trừ thu tiền sử dụng đất đạt 118.100 tỷ đồng, đạt 45% dự toán và tăng 7,5%. Thu ngân sách địa phương đạt 37.300 tỷ đồng, chiếm 43% dự toán và giảm 10,6% cùng kỳ.

 Giải thích về nguyên nhân tổng mức thu nội địa đạt 121.825 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 45% dự toán, theo bà Lê Ngọc Thùy Trang là do Trung ương giao dự toán thu ngân sách Tp.HCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỷ đồng (con số chính xác là 399.125 tỷ đồng). Tính ra, 1% dự toán thu ngân sách thành phố đã tương đương 4.000 tỷ đồng.

 Bà Trang cho biết, trong cụm 5 thành phố trực thuộc Trung ương giao ước thi đua gồm Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ thì tổng số dự toán thu ngân sách 2019 của 4 địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỷ đồng; trong khi tổng dự toán thu ngân sách của Tp.HCM gần 400.000 tỷ đồng. Như vậy, dự toán thu ngân sách của thành phố năm 2019 cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 thành phố còn lại.

 Để bảo đảm nguồn thu được giao, Tp.HCM đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm huy động, nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên đến nay, số thu từ khu vực kinh tế chỉ tăng gần 8,5% so với cùng kỳ và vẫn không đạt được dự toán được giao (số giao dự toán năm 2019 đối với khu vực kinh tế tăng đến 21,15% so với thực hiện 2018).

 Về kết quả thực hiện thu ngân sách, mặc dù tăng so với cùng kỳ 2018 (tăng 7%) nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm so với các năm trước. Ví dụ tốc độ tăng thu nội địa chỉ đạt 2,17% so với cùng kỳ, thấp nhất so với tốc độ thu nội địa trong 3 năm trở lại đây (năm 2017 tăng 18,44%, năm 2018 tăng 9,57%).

 Số thu từ khu vực kinh tế tăng 8,48% là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại kể từ 2017; mà kết quả thu từ khu vực này tác động rất lớn đến kết quả số thu nội địa.

 Trong khi đó, tính đến hết tháng 7/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 96.221 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 12,8% so với tháng cùng kỳ năm 2018.

 Cụ thể: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 63.042 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng 6 và tăng 15,9% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có tỷ trọng cao trong doanh thu bán lẻ hàng hóa như: đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 11.434 tỷ đồng, chiếm 18,1%, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ; lương thực, thực phẩm 10.696 tỷ đồng, chiếm 17%, có mức tăng lần lượt so với các thời điểm như trên là 3,8% và 17,6%; xăng dầu các loại 5.138 tỷ đồng, chiếm 8,2%, tăng 2,8% và 8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 3.301 tỷ đồng, tăng 4,2% và 49,6%.

 Các loại thu khác như doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.229 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành 2.351 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác 21.599 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ.

 Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 654.075 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. (Vneconomy.vn 3/8)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

TPHCM: Khai trừ Đảng đối với một chuyên viên Văn phòng UBND TPHCM

Chiều 2.8, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Dân- Chính- Đảng TPHCM có thông báo thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đối với đảng viên Quách Duy, chuyên viên Văn phòng UBND TPHCM.

 Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM kết luận đảng viên Quách Duy, chuyên viên Văn phòng UBND TPHCM, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái tư tưởng chính trị rất nghiêm trọng.

 Cụ thể, thông qua trang Facebook cá nhân, ông Duy cố ý viết bài và đăng các thông tin, bài viết tổng hợp từ Internet và mạng xã hội có nội dung không đúng bản chất vụ việc, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cùa các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số cá nhân liên quan.

 Cố ý đưa lên mạng xã hội các bài viết dưới hình thức báo cáo, kiến nghị nhưng mang nội dung tố cáo, phản ánh kính gửi nhiều cấp, trong đó có cộng đồng mạng xã hội Facebook không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết, để nhiều đối tượng bình luận, nói xấu, xuyên tạc, làm hiểu sai lệch bản chất vụ việc, tạo cách nhìn và thái độ tiêu cực đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước.

 Hành vi của ông Duy vi phạm Quy định 102 năm 2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Quy định 47 năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng víên không được làm. 

Dù đã được các tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhắc nhở, giáo dục nhiều lần nhưng ông Duy không tiếp thu và không chấp hành các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Đảng ủy và chi bộ.

 Mặt khác, ông Duy đã đăng lên trang Facebook cá nhân nhiều bài viết có nội dung thể hiện thái độ thách thức, xem thường tổ chức Đảng, tạo dư Iuận, gây tác động xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

 Trong quá trình triển khai công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và thực hiện kiểm điểm, ông Duy có phát ngôn thiếu tôn trọng đoàn kiểm tra, đăng lên trang Facebook cá nhân các bài viết, thông tin nội dung buổi làm việc của đoàn kiểm tra không đúng sự thật, không tự giác nhìn nhận khuyết điểm, không tiếp thu các ý kiến đóng góp của đảng viên và tổ chức Đảng.

 Với những hành vi trên, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM xác định vi phạm của ông Duy rất nghiêm trọng và quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Duy bằng hình thức khai trừ; đồng thời, đề nghị Đảng ủy Văn phòng UBND TPHCM phối hợp với lãnh đạo văn phòng UBND TP tổ chức xem xét, xử lý kỷ luật về chính quyền đối với ông Duy theo quy định. (Lao Động 3/8, M.Q)Về đầu trang

Tây Ninh: Bắt tạm giam Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Tân Châu

Phó Viện trưởng VKSND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bị bắt khi đang nhận hối lộ số tiền 2.500 USD.

 Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khu vực phía Nam đã tạm giữ hình sự ông Đặng Trường An, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh vì có hành vi nhận hối lộ.

 Theo điều tra ban đầu, ông Đặng Trường An bị bắt quả tang nhận hối lộ 2.500 USD (gần 60 triệu đồng) từ tay một người chưa rõ danh tính để giải quyết vụ việc mà Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu thụ lý. (VTV.vn 4/8)Về đầu trang

Lập chứng từ khống, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình bị kỷ luật

Ngày 2/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Tỉnh ủy Quảng Bình vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Hữu Ninh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh này.

 Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với trách nhiệm là Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, phụ trách chương trình 135, Trưởng ban tổ chức các lớp tập huấn, ông Ninh thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, không hoàn thành kế hoạch tập huấn đề ra, do đó không giải ngân hết nguồn vốn được cấp; giảm thời gian các lớp tập huấn, làm ảnh hưởng đến chất lượng, mục đích của Dự án; thống nhất lập khống chứng từ để thanh toán chi phí phục vụ các lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức.

 Bên cạnh đó, ông Ninh thiếu kiểm tra, giám sát để Phòng Dân tộc các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; Văn phòng HĐND và UBND huyện Tuyên Hóa; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch thực hiện không đúng hợp đồng tập huấn và lập khống chứng từ đề nghị thanh toán, làm thất thoát ngân sách nhà nước. (VTC.vn 3/8)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hồng Kông: Hàng ngàn công chức bất chấp cảnh báo, tham gia biểu tình

Hàng ngàn công chức đã tham gia biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông hôm 2-8 bất chấp cảnh báo giữ quan điểm trung lập về chính trị.

 Một công chức tên Kathy Yip, 26 tuổi, chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng chính quyền nên đáp ứng các yêu cầu thay vì đẩy cảnh sát ra tiền tuyến như một lá chắn".

 Hàng ngàn công chức tham gia cuộc biểu tình tối 2-8 đã chặn các con đường lớn ở khu thương mại trung tâm. Trước đó, một nhóm tuyên bố đại diện cho giới công chức Hồng Kông đã viết một bức thư ngỏ trên Facebook, có đoạn: "Hiện tại, người dân Hồng Kông đang trên bờ vực sụp đổ. Thật đáng tiếc khi chứng kiến sự áp bức cực độ".

 Nhóm này đề ra 5 yêu cầu dành cho chính quyền đặc khu: rút hoàn toàn dự luật dẫn độ; ngừng mô tả các cuộc biểu tình là "bạo loạn"; huỷ cáo buộc chống lại những người bị bắt; mở cuộc điều tra độc lập và nối lại cải cách chính trị.

 Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra bất chấp cảnh báo của Hồng Kông hôm 1-8 rằng 180.000 công chức tại đặc khu phải giữ quan điểm trung lập về chính trị. "Vào thời điểm khó khăn này, họ phải đoàn kết và làm việc cùng nhau để duy trì các giá trị cốt lõi của nền công vụ" – chính quyền Hồng Kông kêu gọi.

 Ban tổ chức cho biết hơn 40.000 người đã tham gia cuộc biểu tình hôm 2-8 nhưng cảnh sát đưa ra con số 13.000 người. Ngoài công chức, hàng trăm nhân viên y tế cũng biểu tình phản đối cách xử lý tình huống của chính quyền. Các cuộc biểu tình quy mô lớn khác được lên kế hoạch vào cuối tuần này tại các quận Mong Kok, Tseung Kwan O và Western.

 Nhà chức trách đã bắt giữ 8 nghi phạm (7 nam và 1 nữ), bao gồm một nhà lãnh đạo ủng hộ độc lập, ở quận Sha Tin, khu Tân Giới, sau khi thu giữ vũ khí và vật liệu nghi dùng để chế tạo bom trong một cuộc đột kích.

 Để cảnh báo người biểu tình, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đồn trú tại Hồng Kông hôm 31-7 công bố một đoạn video quay cảnh diễn tập "chống bạo động" và lên án biểu tình bạo lực là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

 Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả làn sóng biểu tình ở Hồng Kông là "bạo loạn". Ông cho rằng Trung Quốc sẽ phải tự giải quyết vấn đề này. (Người Lao Động 3/8, Phạm Nghĩa)Về đầu trang

Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo ngân sách mới

Tối 1/8, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự thảo ngân sách mới cho 2 năm tiếp theo, trước khi gửi tới Tổng thống Trump ký ban hành.

 Bản dự thảo ngân sách mới đã được Thượng viện Mỹ thông qua với 67 phiếu thuận và 28 phiếu chống. Bản dự thảo này cũng đã được Hạ viện Mỹ thông qua hồi cuối tuần trước.

 Tuy nhiên, dự thảo đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ ngay trong Đảng Cộng hòa, khi bản dự thảo này tiếp tục nâng trần nợ công và gia tăng chi tiêu, bất chấp rủi ro thâm hụt ngân sách lớn.

 Dù vậy, Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ và hoan nghênh việc Quốc hội Mỹ chấp nhận dự thảo. (VTV.vn 3/8)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More