Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Không vì mặt trái mà kìm hãm công nghệ số”

Post date: 15/03/2016

Font size : A- A A+
“Công nghệ số có mặt trái nhưng nguyên nhân là do người sử dụng công nghệ. Không lý gì vì tác động mặt trái mà kìm hãm công nghệ số”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định. 

Nhận định nêu trên vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ tại hội thảo công bố Báo cáo phát triển thế giới 2016 với chủ đề “Lợi ích số” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều nay, 14/3/2016, tại Hà Nội.

Đồng chủ tọa Hội thảo gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Giám đốc WB Việt Nam Victoria Kwakwa, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Tuyên, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Lê Invest Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình và 2 tác giả chính của báo cáo là Deepak Mishra, Uwe Deichmann.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (chính giữa) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.M

Phát biểu với tư cách là nhân chứng đã chứng kiến vàsống trong những ngày đầu đưa công nghệ số vào Việt Nam (cuối năm 1988), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại kỷ niệm xưa: “Khi đó, Tập đoàn của anh Trương Gia Bình (Tập đoàn FPT ngày nay) còn có tên là Công ty kỹ thuật thực phẩm. Và tôi là mộttrong những người hiếm hoi có máy tính cá nhân PC (cả nước lúc đó chính thức chỉ có 3 cá nhân được sử dụng PC). Tôi đãđược trực tiếp tham gia quá trình lắp đặt tổng đài kỹ thuật số tại Việt Nam dùng để đánh telex. Và tôi cũngchứng kiến khi đưa Internet vào Việt Nam đã có cuộc đấu tranh, tranh luận giữa hai quan điểm “chỉ cho phát triển Internet khi kiểm soát được nó”và “cứ cho phát triển rồi cố gắng nỗ lực nâng cao kiểm soát quản lý để ngăn chặn nhữngđiều có hại”. Và rồinhờ quan điểm mạnh dạn đi thẳng vào kỹ thuật số, tận dụng những thế mạnh kỹ thuật số mang lại nên mới có được ngày hôm nay”.

Liên quan tới chủ đề “Lợi ích số” của báo cáo do chuyên gia WB thực hiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh những lợi ích mà công nghệ số (Việt Nam hay dùng khái niệm CNTT-TT) đem lại như góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sức người,… Đặc biệt là giúp từng người, từng nhóm người, nhất là nhóm người hay bị thua thiệt, yếu thếcũng được chia sẻ, thụ hưởng, đóng góp vào thành tựu chung của nhân loại.

“Chúng ta cũng biết rõ những quan ngại về mặt trái của công nghệ. Nhưng mặt trái đó không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Không lý gì vì tác động mặt trái mà kìm hãm công nghệ số. Ngược lại, phải tìm mọi cách để phát triển công nghệ số”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

“Chuyện này không của riêng ai. Chính phủ Việt Nam rất chú trọng đưa ra chủ trương, chính sách để phát triển mạnh mẽ công nghệ số. Việt Nam coi CNTT là công cụ đặc biệt để giúp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. CNTT phải hướng tới giúp người yếu thế, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo có cơ hội, điều kiện để khẳng định mình; giúp người dân có đủ phương tiện để thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình.Chúng tôi muốn gửi gắm đến những doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, VNPTvà đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Các bạn phát triển vì lợi ích của mình nhưng cần phát huy trách nhiệm cộng đồng ngày càng cao để tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp CNTT đều có điều kiện phát triển cùng nhau, giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế, dân tộc nghèo có điều kiện phát triển lên. Điều này thể hiện rõ nhất là giá thành và độ thuận tiện các dịch vụ mà các doanh nghiệp mang lại.Người dân cũng không thể không có trách nhiệm, vì suy cho cùng sử dụng CNTT cũng là vì cuộc sống của người dân. Công nghệ là công cụ kỳ diệu, có thể mở ra cơ hội cho mình. Cần tìm cách tiếp cận công nghệ trong mọi công việc, việc nào cũng có thể ứng dụng CNTT được. Trước mặt trái của việc sử dụng CNTT, mọi người phải luôn ý thức, hình thành việc sử dụng công nghệ sao cho đúng để bảo vệ lợi ích của mình và của cộng đồng",Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích.


Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: N.M

Theo báo cáo “Lợi ích số” của WB, trên thế giới vẫn tồn tại khoảng cách lớn về công nghệ số, thể hiện qua những con số như: 6 tỷ người không sử dụng băng thông rộng; 4 tỷ người không có Internet; 2 tỷ người không có điện thoại di động; 0,4 tỷ người không nằm trong vùng phủ sóng.

Ưu tiên cấp bách hiện nay là phổ cập Internet và giữ chi phí sử dụng ở mức vừa phải. Giá thành công nghệ đã hạ nhưng chí phí người dùng vẫn rất khác nhau. Trong năm 2013, giá dịch vụ điện thoại di động tại đất nước đắt nhất cao gấp 50 lần nước rẻ nhất. Phí băng thông rộng cũng chênh lệch 100 lần. Lý do chính ở đây là thất bại chính sách, ví dụ tư nhân hóa không thành công, đánh thuế quá cao, kiểm soát độc quyền các cổng quốc tế…

Giám đốc WB Việt Nam Victoria Kwakwa khuyến nghị: “Đến nay, khu vực công của mộtsố nơi chưa đủ năng lực để thực hiện dự án đầy hoài bão về công nghệ số. Sẽ cần có những chương trình nghị sự lớn thúc đẩy cải cách trong môi trường kinh doanh, nâng cao kỹ năng hiệu quả quản trị… Đây là điều Việt Nam cần tính tới trong việc xác lập sự phát triển của mình. Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan có thể nghiên cứu báo cáo của WB để đem lại lợi ích cho càng nhiều người dân càng tốt”.

Theo Ictnews.vn

More