Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đối thoại trực tiếp trên truyền hình về Quản lý báo chí

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
(Website Sở TT&TT Quảng Bình) - Đúng 10 giờ 00 phút ngày 21/6/2009 Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn sẽ đối thoại trực tiếp với khán giả Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, độc giả VTC News, VietNamNet, ICT News, mic.gov.vn... về chủ đề “Quản lý báo chí”, nhân ngày Báo chí cách mạng VN. 

Truc-tuyen-1.jpg

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn tại trường quay S4 đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

 Sau đây là toàn bộ nội dung buổi đối thoại trực tuyến:

Ngày 21/6/1925, báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã ra mắt số đầu tiên. Sự kiện này là mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Từ đó tới nay, báo chí Cách mạng Việt Nam tham gia tích cực vào chặng đường giải phóng dân tộc và xây dựng, đổi mới đất nước. Ngày hôm nay, sau 84 năm, chúng ta lại có dịp có buổi trò chuyện đặc biệt với Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn để cùng nhìn lại những gì mà báo chí Cách mạng Việt Nam đã làm được và suy nghĩ về chặng đường đi tiếp trong tương lai.

- MC Ngọc Hân: Thưa Thứ trưởng, 84 năm đã qua kể từ ngày tờ báo Thanh niên có ấn bản đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhìn lại chặng đường dài gần 1 thế kỷ này, Thứ trưởng có suy nghĩ gì?

- Thứ Trưởng Đỗ Quý Doãn: Trước hết, hôm nay là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi xin gửi lời chúc mừng tới tất cả các nhà báo. 

Có thể nói, về vai trò quan trọng của Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã có nhiều đánh giá nhận xét xác đáng. 
Nói một cách khái quát thì Báo chí Việt Nam đang có sự phát triển phong phú đa dạng. 

Đến thời điểm này chúng ta đã có đầy đủ các loại hình báo chí mà thế giới đã có, như báo nói, báo hình, báo mạng, với số lượng tương đối phong phú; một đội ngũ những người làm báo đông đảo, với hơn 16 nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề chưa kể hàng trăm ngàn cộng tác viên báo chí. 

Có thể nói, thời gian gần đây, Báo chí của ta đã có sự đổi mới, kể cả nội dung, hình thức, cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động báo chí. Tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao và có thể nói trong bối cảnh hội nhập chúng ta đã có những bước khởi động, theo kịp với sự phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Từ khi ra đời, trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, báo chí luôn đóng vai trò rất quan trọng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, Nhà báo là chiến sĩ cách mạng, trang giấy và ngòi bút là vũ khí sắc bén của họ.

Hay nói cách khác, báo chí bao giờ cũng là một lực lượng làm công tác tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể. Báo chí bao giờ cũng đồng hành với dân tộc trong suốt chặng đường đấu tranh và xây dựng đất nước.

Trong công cuộc kháng chiến, nơi khó khăn nhất, ác liệt nhất là nhà báo đều có mặt. Trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, trong các mũi tấn công của dân tộc, bên cạnh máu xương của đồng bào, chiến sĩ thì đội ngũ nhà báo hy sinh cũng rất lớn.

Ngay khi đoàn quân tiến về Sài Gòn, ở tất cả các mũi tấn công đều có nhà báo. Ở các thời khắc quan trọng nhất đều có nhà báo và họ phản ánh trung thực các thời khắc đó cho người dân.

Trong công cuộc đổi mới, báo chí cổ vũ phát hiện nhân tố mới. Việc nhìn nhận đó góp phần nâng niu, ghi nhận những nhân tố đó. Từ việc phát hiện ra họ, đảng và nhà nước sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng.

Báo chí bao giờ cung là công cụ đắc lực, là kênh điều hành quan trọng của đảng và Nhà nước. Là diễn đàn rất quan trọng của nhân dân. Báo chí là cơ quan ngôn luận của nhân dân.

- MC Ngọc Hân: Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, Báo chí Việt Nam đã làm tốt những điều gì và làm chưa tốt ở những khía cạnh nào? (Câu hỏi của bạn Đào Thúy Hằng, thuyhangdspl@yahoo.com)

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Chúng ta cũng đã vừa tổ chức hội nghị báo chí đánh giá đầy đủ về những điều làm được và chưa làm được của báo chí.

Tôi cho rằng ưu điểm lớn nhất của báo chí chúng ta hiện nay là nội dung phong phú, đa dạng và toàn diện. Tính chuyên nghiệp của báo chí ngày càng được nâng lên, nắm bắt được những vấn đề mới mà công chúng quan tâm. Báo chí chúng ta hiện nay cũng đã làm tốt những đợt tập trung tuyên truyền trọng điểm về những chủ trương, chính sách của Nhà nước và đạt được những hiệu quả lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó báo chí hiện nay cũng còn những hạn chế, thiếu sót.

Trước hết, tình trạng thông tin thiếu chính xác vẫn là vấn đề khiến dư luận quan tâm.

Hạn chế thứ hai đó là sự trùng lặp thông tin, phản ánh giống nhau khiến công chúng nhàm chán. 

Thứ ba đó là báo chí hiện nay vẫn nặng về phản ánh sự kiện, thiếu những thông tin hướng dẫn cho người đọc người xem cần phải làm gì. Nói cách khác thì trong các thông tin yếu tố xây dựng còn kém.

Hạn chế cuối cùng là kỹ năng làm báo trong xu hướng hội tụ hiện nay đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao nhưng không phải người làm báo nào cũng đáp ứng được điều đó.

- MC Ngọc Hân: Một câu hỏi của bạn đọc được Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Phụ trách VTC News - chuyển đến Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: “Tôi từng đọc 1 tin an toàn giao thông về sự việc 1 chiếc xe khách bị tai nạn trên đường quốc lộ. Sự việc xe khách gặp nạn thì rõ ràng nhưng điều đáng nói là có tới 5 báo đưa 5 thông tin khác nhau về số người thiệt mạng. Vậy xin hỏi, Thứ trưởng nghĩ sao về điều này và nếu như tình trạng đưa tin theo kiểu này tái diễn ở các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng thì theo Thứ trưởng, biện pháp xử lý là gì?

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Câu hỏi rất thú vị, chúng tôi đã gặp và đã từng xử lý những vấn đề này. Đó chính là vấn đề thực tế trong công tác quản lý đã đặt ra. Để khắc phục tình trạng trên, như trường hợp độc giả nêu, trước hết khi sự kiện xảy ra, mỗi báo chí tiếp cận như thế nào thì lại mang phong cách của báo đó, nhưng quan trọng nhất vẫn là thông tin trung thực. Độc giả rất quan tâm tới sự trung thực của thông tin. Khi sự kiện đang diễn biến, thì rõ ràng, thông tin ban đầu chưa thực sự chính xác, vì khi tiếp cận, nhà báo mới nhận được thông tin ban đầu, trong quá trình đang giải quyết hậu quả của nó, thì có thể số liệu còn thay đổi.

Quan trọng nhất trong hoạt động nghiệp vụ, nhà báo phải xác định ngay nguồn tin. Theo tin của người có mặt ban đầu tại sự kiện đó cho biết thì thời điểm đó số liệu có thể khác. 15 - 20 phút sau, theo tin từ cảnh sát giao thông thì con số người thiệt mạng lại khác. Đến cuối cùng, theo nhận định của các cơ quan chức năng, sau khi hoàn tất sự việc thì con số lại khác nữa.

Quá trình diễn biến của sự việc, đang vận chuyển, trong từng thời điểm, mà bản thân sự việc đang vận động thì rất quan trọng trong báo chí.

Bộ TT&TT đã ban hành việc xác định nguồn tin. Nếu xác định đúng nguồn tin, thì độc giả sẽ đỡ phải mất công hơn nếu các cơ quan báo chí thực hiện đúng quy chế đó.

- MC Ngọc Hân: Thưa Thứ trưởng, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, theo ông, những lỗi vi phạm nào của các tờ báo khiến cơ quan quản lý cảm thấy đau đầu nhất? (Câu hỏi của bạn Võ Văn Cường, Nam, 26 tuổi, vocuong83@yahoo.com).

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Đối với cơ quan quản lý thì khi xử lý vi phạm bao giờ cũng rất đau đầu, băn khoăn, bởi cơ quan quản lý không mong muốn những vi phạm xảy ra. Tôi nhiều lần nói với cơ quan chức năng, chừng nào báo chí không vi phạm thì đó là điều tốt nhất.

Tất nhiên, trong quá trình tiến tới sự phát triển bao giờ cũng có những khoảng trống, cả ở trong đời sống báo chí, hoạt động báo chí, quản lý báo chí. Quản lý báo chí quan trọng là làm sao cho các đơn vị thấy tâm phục khẩu phục, những lỗi xảy ra là do cố ý hay hạn chế nhận thức… Khó khăn nhất của người quản lý cũng chính là cân nhắc những vấn đề như vậy.

Các BTV kênh VTC2 đang thực hiện cuộc giao lưu trực tuyế- MC Ngọc Hân: Thưa Thứ trưởng, nhân câu hỏi về giao thông trong chủ đề báo chí, tôi có 1 sự so sánh như thế này. Vấn đề xử lý các sai phạm báo chí cũng có nét giống như việc xử lý các sai phạm giao thông. Muốn giảm thiểu tai nạn thì phải quy hoạch tuyến đường. Còn với báo chí, theo Thứ trưởng, việc quy hoạch hệ thống báo chí sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc giảm thiểu các sai phạm?

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Thực ra, nói quy hoạch để giảm bớt sai phạm thì mới chỉ là 1 ý, 1 khía cạnh. Để hạn chế và ngăn ngừa vi phạm thì cần nhiều giải pháp nhưng quy hoạch để đảm bảo sự phát triển cân đối, đồng bộ, phù hợp với trình độ và xu hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế chung, và đặc biệt, nó phải đáp ứng được với mặt bằng phát triển của đất nước, quốc gia nhu cầu thông tin như thế nào thì báo chí phát triển tương ứng.

Tất nhiên, việc quy hoạch của chúng ta là tốt, có nghĩa là xác định rõ được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí và cũng hạn chế được những tờ báo không có chức năng cung cấp thông tin, điều đó sẽ góp phần hạn chế được những vi phạm trong quản lý báo chí.

- MC Ngọc Hân: Thưa Thứ trưởng, có 1 vấn đề mà khá nhiều người quan tâm, đó là việc hiện nay, rất nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội đứng ra xin giấy pháp xuất bản báo & tạp chí. Vậy, theo quy hoạch báo in đến năm 2020 thì những đơn vị nào đủ điều kiện để được cấp phép là cơ quan chủ quản của các báo & tạp chí? Và 1 đơn vị như vậy được phép xuất bản bao nhiêu ấn phẩm báo chí?

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Quay trở lại quy định của luật báo chí. Luật báo chí quy định, báo chí là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đây chính là những cơ quan có thể trở thành cơ quan chủ quản báo chí, nếu đủ điều kiện.

Trong luật còn quy định các điều kiện để thành lập cơ quan báo chí. Thứ nhất là phải có người đứng đầu. Thứ hai là phải có vốn ban đầu, tránh tình trạng in ra không có cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho các hoạt động báo chí. Điểm nữa là phải phù hợp với quy hoạch chung. Khi hội đủ các điều kiện trên thì mới được thành lập cơ quan báo chí.

- MC Ngọc Hân: Tiếp tục sẽ là 1 câu hỏi khá thời sự, thưa Thứ trưởng, vừa qua Chính phủ đã đồng ý việc lùi thời điểm trình dự án Luật Báo chí (sửa đổi), chậm hơn 1 năm so với dự kiến. Xin được hỏi Thứ trưởng, lí do của việc lùi thời điểm trình dự án Luật Báo chí (sửa đổi) là gì và việc này có ảnh hưởng tới quy hoạch hệ thống báo chí tại Việt Nam như thế nào? 

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Thực ra, Chính phủ đã có đề nghị xin tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật Báo chí (sửa đổi), và Quốc hội cũng đồng ý là để tiếp tục hoàn chỉnh Luật Báo chí (sửa đổi). Đây là việc rất cần thiết vì như tôi nói, trong những năm qua, sự phát triển của báo chí rất là nhanh, chúng ta phải có những dự báo và đánh giá 1 cách đầy đủ để khi sửa Luật, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phát triển báo chí trong thời gian ít nhất 10 năm, vì mỗi lần bổ sung Luật rất khó khăn. 

Chính vì thế, việc Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Luật Báo chí và Quốc hội đồng ý sửa đổi là để tiếp tục xây dựng Luật cho bài bản hơn. Hay nói cách khác, trong bối cảnh mới, trong tình hình mới, trong giai đoạn mới và đặc biệt là trong giai đoạn mà các loại hình báo chí rất phát triển, các phương tiện làm báo rất phát triển, xu hướng hội tụ đang diễn ra hết sức mạnh mẽ… , Luật Báo chí hiện hành chưa có điều kiện đưa vào. 

Còn việc chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh chính là chúng ta tiến hành quy hoạch báo chí một cách đầy đủ theo đúng các mục tiêu mà chúng ta đặt ra. Còn trong quá trình hoạt động, nếu cần thiết thì sẽ có những văn bản dưới Luật được ban hành để tăng cường quản lý báo chí.

Một độc giả hiện là giảng viên ĐH Kinh tế TP HCMNếu báo chí vẫn được coi là một lĩnh vực mang đậm tính chất “nhà nước”, thì có gì mâu thuẫn với việc hạn chế các tờ báo và tạp chí sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và dần tự chủ về tài chính hay không, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Đúng là báo chí có mang tính Nhà nước nhưng vẫn có tờ báo tự chủ được tài chính.

Năm 2008 - 2009 đang suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đánh giá chung báo chí và nhà nước, nhiều cơ quan báo chí đã có thể tự chủ tài chính, cân đối ngân sách, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Chưa nói về một số đài Truyền hình như Đài TP HCM, Đồng Nai, thu hằng năm hàng nghìn tỉ đồng.

 

- Một độc giả từ nước ngoài (trungdung1978@yahoo.com): Tôi là 1 du học sinh Việt Nam. Tôi đã từng du học cả ở Singapore và Australia. Cũng giống như nhiều du học sinh khác, chúng tôi chỉ có thể tiếp cận với thông tin từ Việt Nam qua báo điện tử, còn báo in thì gần như không. Ra sạp báo thì chỉ thấy Wasingtonpos, Herald Tribune, News straight Times nhưng chẳng bao giờ thấy Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động hay Tiền phong cả. Thiết nghĩ, xuất khẩu báo chí ra nước ngoài cũng là 1 cách để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Tôi rất cảm ơn ý kiến của một du học sinh. Tôi cũng từng là một du học sinh nên chia sẻ với mong muốn này của bạn.

Thời đại ngày nay có rất nhiều cách tiếp cận thông tin như internet, truyền hình, phát thanh… nhưng rõ ràng văn hóa đọc vẫn là một điều không thể thiếu, và mong muốn được nhận báo chí từ trong nước là một mong muốn chính đáng.

Tuy nhiên, xuất khẩu báo chí hiện nay vẫn là vấn đề khó khăn và chúng ta đang đang tìm cách giải quyết. Chẳng hạn, khó khăn thấy rõ nhất là việc vận chuyển, cước vận chuyển một tờ báo thậm chí đắt hơn giá tờ báo đó rất nhiều.

Bởi vậy, trong thời gian qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có một số biện pháp như: Cho phép một số cơ quan báo chí tổ chức cơ sở ở nước ngoài và xuất bản ở nước ngoài để báo đến được nhanh hơn với độc giả ngoài nước. Một số tờ báo như Tiền Phong, Thanh Niên, Công an Nhân dân… đã tiến hành thực hiện, từ đó sẽ rút ra những kinh nghiệm cho công tác này.

Biện pháp tiếp theo là huy động các nguồn lực trong xã hội làm công tác phát hành. Ví dụ như liên hệ với các công ty tư nhân vận chuyển theo theo hàng hóa của họ những tờ báo mà độc giả quan tâm, chậm một ngày hiện nay như thế cũng đáp ứng được một phần nhu cầu. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ những cơ sở có điều kiện để chuyển báo ra nước ngoài được nhiều và nhanh hơn, và tôi tin chúng ta sẽ làm tốt hơn việc này trong thời gian tới.

- MC Ngọc Hân: Câu chuyện về xuất khẩu báo chí cũng là 1 vấn đề của quy hoạch báo chí. Đây cũng là 1 yêu cầu đặt ra khi Việt Nam hội nhập cùng thế giới. Liên quan đến vấn đề này, thưa Thứ trưởng, để có thể đưa báo chí VN mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, có nhất thiết, chúng ta phải xây dựng những mô hình quản lý báo chí giống với một số quốc gia khác trên thế giới hay không? 

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Thực ra mô hình quản lý báo chí mỗi nước có một đặc điểm riêng. Và mình có thể học hỏi kinh nghiệm hay để áp dụng vào mô hình quản lý báo chí nước mình sao cho phù hợp với cơ cấu tổ chức, điều kiện của ta. 

Chúng ta cũng phải học tập kinh nghiệm xử lý, xử phạt, kinh nghiệm quản lý thông tin trong báo chí của các nước có cơ cấu tổ chức, điều kiện tương tự như nước ta./.

 

 

Xuân Ngọc (Theo Mic.gov.vn)

More