PHÁT HUY NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC, QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
Bước vào thế kỷ 21, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt là công nghệ thông tin và Internet đã hình thành xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức, gắn kết các quốc gia, các dân tộc xích lại gần nhau hơn. Thông tin và Truyền thông đã trở thành mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và tăng năng suất, hiệu suất lao động. Trên thế giới đã hình thành các Tập đoàn, các hãng Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) xuyên quốc gia, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các tập đoàn, giữa các quốc gia trong lĩnh vực CNTT-TT. 

Trước bối cảnh đó, năm 2002 Chính phủ đã thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông - tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay - nhằm thống nhất quản lý nhà nước và tạo sự phát triển cho lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ở tỉnh ta, ngày 18/01/2005 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Sở Bưu chính, Viễn thông với chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử. Ngày 25/3/2008, theo Quyết định số 530/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở Sở Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa - Thông tin.

Sau hơn 05 năm đi vào hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng với sự phối hợp của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố và sự thống nhất, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông, Sở đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về bưu chính, viễn thông: ngay sau khi đi vào hoạt động Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông Quảng Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch phát triển trạm thu phát sóng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,... Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã đầu tư phát triển hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, hạ tầng viễn thông phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, rộng khắp trong toàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng thành thị và nông thôn. Hệ thống truyền dẫn cáp quang, Internet tốc độ cao, di động 3G đã đến các vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh có 07 mạng di động phủ sóng khắp địa bàn toàn tỉnh. Chương trình viễn thông công ích được triển khai nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người dân. Nhờ vậy, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có điện thoại cố định, Internet tốc độ cao phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin của người dân, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đặc biệt trong các đợt lũ kép vào năm 2010 hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo cho sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và thông tin liên lạc cho người dân.

Về công nghệ thông tin: tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 26/10/2001 của Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch nhằm khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND của UBND tỉnh được ban hành nhằm thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh thực hiện Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2008-2010, Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch triển khai đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" tại Quảng Bình. Hiện nay, hạ tầng CNTT của các cơ quan nhà nước được đầu tư, nâng cấp thống nhất trong toàn tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tỉnh Quảng Bình được đầu tư triển khai thống nhất trong các cơ quan nhà nước; cơ sở hạ tầng phục vụ cho hội nghị trực tuyến đã được đầu tư; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước được triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; nhiều dịch vụ công được triển khai, phần mềm một của điện tử cấp huyện đã được triển khai tại 04 huyện và thành phố; trang thông tin điện tử của UBND tỉnh đã được nâng cấp, cập nhật đầy đủ thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá nhất, nhì vào năm 2008, 2009; nhiều sở, ban, ngành, UBND các huyện cũng đã có trang thông tin điện tử. Về báo chí, xuất bản: hơn ba năm qua, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 155-QĐ/TW, ngày 23/4/2008 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 909/KH-UBND ngày 16/5/2011 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015. Công tác quản lý nhà nước về báo chí được tăng cường, hàng tháng Sở đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban báo chí địa phương, định hướng, hướng dẫn tuyên truyền; quản lý và cấp phép các bản tin....

Về công tác thanh tra, kiểm tra: đã tổ chức thực hiện tốt các cuộc thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được chú trọng triển khai thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở; đối tượng thanh tra, địa bàn thanh tra rộng khắp trên toàn tỉnh; các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội phản ánh như: Internet công cộng, trò chơi trực tuyến, xuất bản phẩm, quản lý thuê bao di động trả trước đã được chú trọng, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những sai phạm, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của Sở, đưa ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh nhà ngày càng phát triển. Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng ngành Thông tin và Truyền thông vẫn gặp phải một số khó khăn, tồn tại, đó là: Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực Thông tin và Truyền thông cấp huyện có trình độ chuyên môn chưa phù hợp chuyên ngành nên hoạt động quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng trạm BTS, cáp truyền dẫn viễn thông ở một số địa phương còn có biểu hiện phát triển tự phát, không tuân thủ qui hoạch, chưa có giấy phép xây dựng. Hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình và truyền thanh cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, chưa được đầu tư thay thế, nâng cấp, cải tạo.

Hiệu quả ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước chưa cao, chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành. Phần mềm dùng chung triển khai chưa đạt hiệu quả. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi. Hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về CNTT còn thiếu. Nguồn nhân lực CNTT còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng ở tỉnh ta, cán bộ, công nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông Quảng Bình cần phát huy những kết quả đạt được và tập trung thực hiện những tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Thứ nhất, tổ chức, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2010-2015, các chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015; phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015. Tiếp tục triển khai các quy hoạch, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, gồm: Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch triển khai đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" tại Quảng Bình; Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2011-2015. Thứ hai, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển báo chí và phát thanh truyền hình Quảng Bình đến năm 2015 định hướng đến 2020; Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2015 định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển thông tin và truyền thông về nông thôn giai đoạn 2011-2015. Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo nguyên tắc "Quản lý phải theo kịp sự phát triển".

Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát triển mạng lưới thông tin cơ sở nhằm rút ngắn khoảng cách về thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng,... Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo đưa hoạt động của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư phát triển hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn thông tin.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT-TT, tăng cường ứng dụng CNTT; gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu, triển khai dịch vụ hành chính công, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử nhằm minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, ngành Thông tin và Truyền thông Quảng Bình cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:

1. Tích cực, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước...

2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cải tiến lề lối làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác.

3. Kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước thông tin và truyền thông các cấp; tăng cường nhân lực quản lý về CNTT-TT có chuyên môn cao; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý công nghệ thông tin và truyền thông các cấp và có chế độ đãi ngộ hợp lý.

4. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công nghệ thông tin và truyền thông đối với các ngành, các cấp, nhất là trong công tác an ninh, quốc phòng; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng. Phát động phong trào học tập, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xã hội, khuyến khích văn hoá chia sẻ thông tin.

5. Xây dựng cơ chế thông thoáng, các chính sách đặc biệt, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; tạo lập môi trường thuận lợi để Quảng Bình trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn và tin cậy của các tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông phát triển hạ tầng, mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT có trình độ cao, hình thành các khu công nghiệp công nghệ thông tin.

Tin tưởng rằng, trong những năm tới, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các địa phương, đơn vị, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức của ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông Quảng Bình sẽ thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra./.

Hoàng Việt Hùng 

More