Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Post date: 13/04/2023

Font size : A- A A+

Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực qua các năm, đến năm 2022, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 30,38%, GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng.

Để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng Quảng Bình trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá của khu vực miền Trung, với mũi nhọn là ngành dịch vụ và du lịch; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần Nhân dân được nâng cao. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để phát triển du lịch bền vững.

Theo đó, 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh là:

1. Đổi mới tư duy, nhận thức, chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

3. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại làm trụ cột phát triển kinh tế.

4 Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

5. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

6. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

7. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

8. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững.

9. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường.

10. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, con người Quảng Bình, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

                                                                                        Thu Lan

More