Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 09-4-2021

Post date: 09/04/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng, trưởng ngành. 1

2.                Bà Trương Thị Mai được phân công giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương. 2

3.                Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. 3

4.                Quốc hội hoàn thành công tác nhân sự, bế mạc Kỳ họp 11. 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

5.                Chính sách thôi việc ngay với công chức, viên chức do tinh giản biên chế. 5

6.                Bổ sung nhiều đối tượng vào diện được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất 6

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 7

7.                Cần Thơ: Nhiều cách làm hay ở đơn vị dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính. 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

8.                EuroCham lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam.. 8

9.                WB: Việt Nam lấy lại đà phục hồi, nhưng vẫn còn bất bình đẳng trong thu nhập hộ gia đình. 10

10.            Thay đổi rất lớn với hộ kinh doanh lớn: Phải khai thuế như doanh nghiệp. 10

11.            Ngành Thuế thanh tra, kiểm tra tại 18 doanh nghiệp có giao dịch liên kết 12

QUẢN LÝ.. 12

12.            Đề xuất rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo mới 12

13.            Lắng nghe báo chí, công luận để xử lý các hành vi nhũng nhiễu. 13

14.            Việt Nam chuẩn bị triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine. 15

15.            Phía sau việc người có trình độ cao đẳng và đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

16.            Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang và ông Lê Văn Phước. 16

17.            Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật 17

THẾ GIỚI 17

18.            Công chức Campuchia bị cấm đến trụ sở làm việc nếu không tiêm vaccine. 17

19.            Ban lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc đồng loạt từ chức. 18

 TIÊU ĐIỂM

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng, trưởng ngành

Sáng 8/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. 455/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành Nghị quyết, chiếm 94,79% tổng số đại biểu.

 Theo đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với: ông Lê Minh Khái (Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ) và ông Lê Văn Thành (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng).

 Quốc hội cũng phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ gồm:

 - Ông Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 - Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

 - Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 - Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 - Ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

 - Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 - Ông Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 - Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Bà Trương Thị Mai được phân công giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Chiều 8/4, Quốc hội họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Trong danh sách được Quốc hội phê chuẩn có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

 Như vậy, bà Trương Thị Mai được phân công giữ cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, kế nhiệm ông Phạm Minh Chính, người vừa được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng.

 Trước đó, hôm 7/4, Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm 2 Phó Chủ tịch và 8 Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia tiền nhiệm. 2 Phó Chủ tịch được miễn nhiệm là bà Tòng Thị Phóng - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - nguyên Phó Chủ tịch nước.

 8 Ủy viên được miễn nhiệm gồm các ông: Phạm Minh Chính, Ngô Xuân Lịch, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Trần Văn Túy, Nguyễn Hạnh Phúc, Lê Vĩnh Tân và Lê Quốc Phong.

 Để kiện toàn nhân sự đảm bảo hoạt động của Hội đồng bầu cử Quốc gia, ông Vương Đình Huệ đã trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn một số Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia mới.

 Hai nhân sự mới được trình ra để phê chuẩn Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

 8 nhân sự được trình ra để phê chuẩn ủy viên Hội đồng gồm:

 - Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

 - Ông Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 - Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

 - Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

 - Bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 - Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

 - Bà Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

 - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia

Chiều 8/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. 449/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,54% tổng số đại biểu.

 Theo đó, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách 2 Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia gồm:

 - Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 - Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

 Danh sách 8 ủy viên Hội đồng được phê chuẩn gồm:

 - Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

 - Ông Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 - Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

 - Ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

 - Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 - Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

 - Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Ban Tổ chức Trung ương.

 - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

 Trước đó, vào chiều 7/4, Quốc hội đã miễn nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng với bà Tòng Thị Phóng (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội); bà Đặng Thị Ngọc Thịnh (nguyên Phó Chủ tịch nước).

 Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia với 8 thành viên, gồm các ông: Phạm Minh Chính (Thủ tướng); Ngô Xuân Lịch (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); Uông Chu Lưu và Phùng Quốc Hiển (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội); ông Trần Văn Túy (Trưởng Ban Công tác đại biểu); ông Nguyễn Hạnh Phúc (nguyên Tổng Thư ký Quốc hội); ông Lê Vĩnh Tân (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và ông Lê Quốc Phong (Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp). (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Quốc hội hoàn thành công tác nhân sự, bế mạc Kỳ họp 11

Diễn ra từ 24/3-8/4, Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, nhất là việc kiện toàn 25 chức danh Nhà nước.

 Trước khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Trước đó, Quốc hội đã dành hơn 3 ngày để thảo luận tại tổ và trên hội trường về các báo cáo này.

 Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

 Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 12 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp. Quốc hội đã tổng kết sâu sắc, toàn diện công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, xem xét, quyết định công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.

 Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đánh giá các Báo cáo công tác của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Quốc hội thống nhất đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn và biến động phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của Nhân dân, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã cố gắng phấn đấu cao độ, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tạo nên những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

 Thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn nhân sự sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy nhà nước, đảm bảo dân chủ, đúng quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận rất cao.

 Trước Quốc kỳ, Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp, nguyện nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

“Quốc hội bày tỏ niềm tin rằng, các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này, sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Quốc hội cũng ghi nhận, tri ân những cống hiến, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các vị lãnh đạo tiền nhiệm trong suốt thời gian qua và mong muốn các vị tiếp tục quan tâm, đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nói chung và hoạt động của Quốc hội nói riêng” – ông Vương Đình Huệ nói.

 Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV kết thúc, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vương Đình Huệ chân thành cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội về những đóng góp tích cực, góp phần làm nên một nhiệm kỳ Quốc hội thành công với nhiều dấu ấn sâu đậm, khó quên. (VTV.vn 08/4) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Chính sách thôi việc ngay với công chức, viên chức do tinh giản biên chế

Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 143/2020/NĐ-CP) quy định về chính sách thôi việc ngay với công chức, viên chức do tinh giản biên chế.

 Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014 có tuổi tối đa thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 108/2014, hoặc có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 108/2014 nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:

 - Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; 

- Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội. 

Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014 có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, song đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:

 - Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng;

 - Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;

 - Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;

 - Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;

 - Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.

 Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, các đối tượng thôi việc nêu trên được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; không được hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP và Nghị định 29/2012/NĐ-CP. (Cafef.vn 08/4, Hà Trần)Về đầu trang

Bổ sung nhiều đối tượng vào diện được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất

Nhiều đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc các lĩnh vực kinh doanh gặp khó khăn do dịch đã được Bộ Tài chính bổ sung vào diện được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất năm 2021.

 Năm 2020, Bộ Tài chính trình và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho nhiều đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhận thấy sang năm 2021, các doanh nghiệp vẫn chịu những bất lợi từ dịch bệnh, do đó, Bộ Tài chính xây dựng và hoàn thiện để sớm trình Chính phủ dự thảo nghị định này.

 Theo dự thảo nghị định, nguyên tắc lựa chọn đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất cần phải đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách phải là những doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch COVID-19.

 Căn cứ tình hình kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành và kết quả nộp NSNN năm 2020 theo ngành; đồng thời thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất một số đối tượng được gia hạn trong năm 2021. 

Cụ thể, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với toàn bộ các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020.

 Đồng thời bổ sung tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên được thu theo hiệp định, hợp đồng); hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng; sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị...

 Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo nghị định là 115.000 tỷ đồng. Nội dung này nằm trong tờ trình của Bộ Tài chính lên Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Cần Thơ: Nhiều cách làm hay ở đơn vị dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính

Từ năm 2018 đến 2020, phường Thới Bình là đơn vị dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính (CCHC) khối phường của quận Ninh Kiều. Kết quả trên cho thấy, hệ thống chính trị của phường luôn chủ động và sáng tạo triển khai nhiều mô hình, cách làm hay góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC, gắn với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng văn hóa công sở, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

 Từ đầu năm đến nay, nhu cầu làm các loại giấy tờ tùy thân, nhất là căn cước công dân của người dân tăng cao, vì vậy các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch phát sinh nhiều. Anh Nguyễn Quốc Vinh, công chức Văn phòng - Thống kê, UBND phường Thới Bình, cho biết: “Trong 3 tháng đầu năm 2021, Bộ phận Một cửa của phường tiếp nhận 1.640 hồ sơ, nhưng chỉ có 4 hồ sơ lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, còn lại là lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch, như: sao y/chứng thực, khai sinh, khai tử, kết hôn”. Trong đó, các thủ tục bổ sung giấy tờ để làm căn cước công dân (khai sinh, trích lục khai sinh…) chiếm khá nhiều.

 Hồ sơ phát sinh nhiều, đòi hỏi công chức Bộ phận Một cửa phải tăng thời gian làm việc để giải quyết sớm cho người dân. Theo chị Ðăng Ngọc Xuyên, công chức Tư pháp - Hộ tịch, UBND phường, mỗi ngày chị đều tranh thủ thời gian nghỉ trưa để ghi sổ bộ, giấy tờ hộ tịch bởi trong giờ hành chính, chị vừa hướng dẫn người dân viết hồ sơ, vừa nhập dữ liệu trên phần mềm hộ tịch để đảm bảo hoàn thành công việc nên không còn thời gian để ghi sổ bộ. Với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”, quý I-2021, tất cả hồ sơ đều được phường giải quyết đúng hẹn. Chị Xuyên cho biết: “Theo quy định, thủ tục đăng ký khai sinh được giải quyết trong vòng 5 ngày làm việc nhưng thực tế tại phường, hầu hết các thủ tục đều được giải quyết chỉ trong 2 ngày”. 

Ông Lê Văn Tịnh (57 tuổi) ngụ đường Hùng Vương, phường Thới Bình, cho biết, do hoàn cảnh gia đình, ông chưa làm giấy khai sinh nên ông đến Bộ phận Một cửa của phường đăng ký khai sinh. Ông được công chức phường hướng dẫn tận tình, các thủ tục đều hoàn thành trong buổi sáng, ông rất hài lòng. Có thể thấy, tinh thần tận tụy phục vụ người dân đã góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Thực tế có tới 98% người dân đến liên hệ thực hiện TTHC hài lòng với hoạt động của bộ máy hành chính ở phường Thới Bình. Ðó cũng là 1 nội dung của chương trình tổng thể về CCHC mà phường đạt mức độ rất cao.

 Ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Thới Bình, chia sẻ: “Ðầu mỗi tuần, lãnh đạo phường họp với các công chức Bộ phận Một cửa. Qua đó, phổ biến những quy định mới liên quan đến công tác CCHC, nhắc nhở công chức thực hiện nghiêm các quy định văn hóa công sở, nhất là thái độ, ứng xử với người dân”. Trên thực tế, một số công chức còn hạn chế về kỹ năng giao tiếp nên đôi lúc người dân chưa thực sự hài lòng. Do đó, lãnh đạo phường thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm từng trường hợp cụ thể để khắc phục hạn chế, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của công chức, cơ quan hành chính nhà nước.

 Ðể đạt được hiệu quả trong CCHC, thời gian qua, UBND và các đoàn thể phường Thới Bình tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trong đó, điểm nhấn là mô hình tuyên truyền “Nhân dân với cải cách TTHC”. Qua đó, UBND phường đã tuyên truyền, phổ biến các TTHC cần thiết với người dân, như: lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh - Xã hội, Bảo hiểm y tế. Hay như sáng kiến “Lời chào công sở và phục vụ nước uống ngày thứ Hai hằng tuần tại Bộ phận Một cửa” được triển khai từ đầu năm 2020 đến nay được người dân đánh giá cao.

 Theo ông Lê Văn Hùng, phường đã áp dụng quy trình của Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 vào giải quyết TTHC. Cán bộ, công chức tiếp nhận và thực hiện liên thông, chuyển giao hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong ngày. Các hồ sơ liên thông đều trả kết quả đúng hẹn, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch hành chính, không phải đi lại nhiều cơ quan, mà chỉ nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận Một cửa của phường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cũng được UBND phường triển khai đạt kết quả tốt. Nổi bật là tất cả văn bản đến và đi đều được gửi qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành hiệu quả. Tỷ lệ lãnh đạo cấp phường tham gia xử lý hồ sơ trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử đạt 100%. (Baocantho.com.vn 08/4, Quốc Thái)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

EuroCham lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Chỉ số BCI trong quý IV/2020 của Việt Nam tăng 6 điểm, đạt 63,6 điểm phần trăm. Đây là mức điểm cao khi kết thúc năm 2020, tăng tổng cộng 37 điểm kể từ năm 2019, sau khi ghi nhận mức điểm thấp kỷ lục tại quý I/2019 với sự bùng phát dịch COVID-19 lần thứ nhất.

 Kết quả chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố cho thấy, các doanh nghiệp (DN) châu Âu đã kết thúc năm 2020 với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, ghi nhận ở mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19.

 Báo cáo của EuroCham cho thấy, BCI trong quý IV/2020 của Việt Nam tăng 6 điểm, đạt 63,6 điểm phần trăm. Đây là mức điểm cao khi kết thúc năm 2020, tăng tổng cộng 37 điểm kể từ năm 2019, sau khi ghi nhận mức điểm thấp kỷ lục tại quý I/2019 với sự bùng phát dịch COVID-19 lần thứ nhất. Kể từ đó, BCI đã duy trì mức tăng trưởng tích cực khi Việt Nam đối phó thành công với đại dịch COVID-19, kết hợp với thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), cải thiện niềm tin vào nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

 Khi được hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong quý I/2021, 57% thành viên EuroCham phản hồi khảo sát dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021. So với 39% trong quý III/2020, sự tự tin về triển vọng kinh tế quý I/2021 tăng 18%. Điều này cho thấy, sự lạc quan của các DN châu Âu về triển vọng kinh tế Việt Nam đầu năm 2021.

 Đánh giá về triển vọng của DN trong quý I/2021, lãnh đạo các công ty châu Âu tỏ ra lạc quan hơn quý IV/2020. Khoảng 30% thành viên EuroCham dự đoán số lượng nhân viên sẽ tăng lên trong quý tiếp theo, và 57% dự đoán sẽ duy trì mức tương tự. Trong khi đó, 30% người tham gia khảo sát dự đoán đầu tư sẽ phát triển và 43% dự đoán các đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng trưởng.

 Với việc EVFTA đã có hiệu lực, 70% các thành viên EuroCham tham gia cuộc khảo sát cho biết, DN của họ đã được hưởng lợi từ EVFTA kể từ ngày 1/8/2020. Tuy nhiên, 33% cũng cho rằng, thủ tục hành chính sẽ là thách thức chính để các DN tối ưu EVFTA. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát thực thi hiệp định.

 Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam (đơn vị thực hiện điều tra thực địa và thu thập dữ liệu cho BCI) cho biết, xu hướng nhận thức tích cực của các DN châu Âu cho thấy, niềm tin ngày càng tăng vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.

 “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, sự tự tin về tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng trên diện rộng. Các lãnh đạo DN báo cáo họ kỳ vọng và dự đoán khối lượng nhân sự sẽ tăng khoảng 33% trong quý đầu tiên của năm 2021, cao hơn 10% so với 23% được dự đoán trong quý III/2020. Trong khi đó, 30% lãnh đạo DN dự kiến tăng trưởng đầu tư của họ trong quý tới, tăng từ 20% trong quý III/2020”, ông Thue Quist Thomasen nói.

 Theo Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier, BCI mới nhất là một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng năm 2021. Niềm tin của cộng đồng DN vào nền kinh tế ngày càng được củng cố trong một năm qua, là minh chứng cho việc Chính phủ Việt Nam xử lý thành công đại dịch COVID-19 và hợp tác xúc tiến EVFTA, tạo ra một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam.

 “Trong khi đó, các thành viên của chúng tôi báo cáo tác động tích cực của Hiệp định EVFTA kể từ khi hiệp định có hiệu lực cách đây 6 tháng. Lãnh đạo các DN châu Âu kỳ vọng sự tăng trưởng thương mại và đầu tư mà Hiệp định sẽ mang lại, đồng thời cũng nêu rõ một số vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo việc thực hiện Hiệp định diễn ra suôn sẻ và thành công”, ông Nicolas Audier nói. (Vnbusiness.vn 08/4)Về đầu trang

WB: Việt Nam lấy lại đà phục hồi, nhưng vẫn còn bất bình đẳng trong thu nhập hộ gia đình

"Mặc dù Việt Nam đang lấy lại đà phục hồi kinh tế, song việc đảm bảo công bằng thu nhập cho các nhóm hộ gia đình vẫn còn khó khăn", Ngân hàng Thế giới nhận định.

 Theo khảo sát với các hộ gia đình Việt Nam về tác động Covid-19 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, đã gần một năm trôi qua kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, song các tác động kinh tế vẫn ảnh hưởng không đồng đều lên các nhóm hộ gia đình.

 Cụ thể, hầu hết các hộ gia đình đang phục hồi thu nhập, nhưng mức độ phục hồi lại không đồng đều giữa các nhóm. Tỷ lệ phục hồi thu nhập thấp hơn đối với đối tượng là các hộ gia đình nằm ở cuối đường phân phối thu nhập trước thời điểm xảy ra Covid-19, phụ nữ và dân tộc thiểu số.

 Những kết quả này cho thấy, dù nền kinh tế và tình hình xã hội trong nước được duy trì tương đối ổn định, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo phục hồi thu nhập công bằng cho các nhóm hộ khác nhau.

 Đặc biệt, mức độ bất bình đẳng có thể lớn hơn. Về chỉ số thu nhập hộ gia đình, mức thu nhập hộ gia đình được tính là 100 vào tháng 6/2020 - thời điểm thực hiện vòng đầu tiên của Khảo sát đánh giá tác động của Covid-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam. Đến tháng 1/2021, thu nhập bình quân hộ gia đình được ước tính thấp hơn 11-22% so với tháng 6/2020. Mức thu nhập giảm lớn nhất vào thời điểm giữa vòng điều tra đầu tiên và thứ hai, và được duy trì tương đối ổn định kể từ vòng 2.

 Ngoài ra, xu hướng phục hồi thu nhập thay đổi, tùy theo nhóm hộ gia đình. Tháng 1/2021, thu nhập hộ gia đình trung bình của nhóm có thu nhập cao nhất thấp hơn khoảng 11,4- 21,6% so với mức thu nhập tháng 6/2020. Trong khi đó, các hộ gia đình ở nhóm thu nhập thấp nhất vẫn bị giảm thu nhập liên tục trong mỗi vòng khảo sát, với mức thu nhập tháng 1/2021 ước tính đã giảm từ 14-25% so với thời điểm tháng 6/2020. (Cafef.vn 08/4)Về đầu trang

Thay đổi rất lớn với hộ kinh doanh lớn: Phải khai thuế như doanh nghiệp

Hộ kinh doanh lớn sẽ phải nộp thuế theo hình thức kê khai và thực hiện chế độ kế toán như doanh nghiệp là một nội dung mới được quy định tại Luật quản lý thuế số 38. Đây là bước thay đổi rất lớn so với hiện nay.

 Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) - cho biết tới đây các hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ phải thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ như một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng ở mức đơn giản hơn.

 Cụ thể, tại dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế với hộ kinh doanh lớn, Bộ Tài chính đề xuất các hộ kinh doanh lớn có thể kê khai thuế theo tháng hoặc quý và không phải quyết toán thuế.

 Các hộ này cũng sẽ phải thực hiện việc khai và nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử khi cơ quan thuế triển khai điện tử hóa. Khi cơ quan thuế chưa triển khai, họ vẫn khai hồ sơ giấy và sử dụng hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in.

 Trước quy định này, nhiều chủ hộ kinh doanh lớn cho rằng việc kê khai đầu vào đầu ra sát với hoạt động thực tế cũng nên làm. Tuy nhiên, nhiều hộ băn khoăn. Như ông Nguyễn Phương Ân, chủ hộ kinh doanh tuyến vận tải liên tỉnh Phú Thọ - Hà Nội, lo ngại sẽ phải tốn thêm chi phí thuê kế toán.

 Ông này cũng đặt vấn đề nếu buộc hộ kê khai thuế như doanh nghiệp thì có được khấu trừ chi phí hợp lý trước khi tính thuế như doanh nghiệp hay không? Mặt khác, hộ kinh doanh lớn có được xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT)?

 Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng trên thực tế có những hộ kinh doanh có doanh thu rất lớn, quy mô như một doanh nghiệp nhưng vẫn nộp thuế khoán như những hộ kinh doanh nhỏ. Như vậy là không công bằng. 

Thời gian qua cơ quan thuế vận động hộ cá nhân lên doanh nghiệp nhưng do không có biện pháp bắt buộc nên họ vẫn ở trong mô hình hộ vì không phải thực hiện các chế độ kế toán, không bị thanh tra kiểm tra...

 TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng việc yêu cầu các hộ kinh doanh lớn phải thực hiện sổ sách kế toán là một bước để thúc đẩy các hộ lên doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông Tú, việc yêu cầu các hộ lớn kê khai thuế theo đúng doanh thu từng được cơ quan thuế thực hiện nhưng thất bại.

 Chẳng hạn một hộ kinh doanh đang được khoán doanh thu 1 tỉ đồng/tháng, hộ bên cạnh cũng khoán 1 tỉ, nếu họ kê khai lên 1,5 tỉ, nhưng hộ bên cạnh chỉ kê khai 1 tỉ, họ sẽ thấy "thật thà thì thua thiệt". Khi đó, họ phải nộp thuế nhiều hơn, khó cạnh tranh được với hộ kinh doanh khác. Trong khi nếu vẫn kê khai và nộp thuế với doanh thu như cũ thì họ cũng không bị gì.

 Về mục đích chính của quy định quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn được đưa vào luật, bà Lan nhấn mạnh là để quản lý chặt chẽ những hộ lớn sử dụng hóa đơn GTGT, tránh buôn bán hóa đơn GTGT để hợp thức hóa đầu vào cho doanh nghiệp. Hiện cả nước có hơn 100.000 hộ lớn, hoạt động tập trung ở các thành phố lớn.

 Vì quy định lâu nay là các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn áp dụng thuế khoán, không phải lưu giữ sổ sách kế toán, chứng minh đầu vào, kê khai với cơ quan thuế, trong khi đó họ vẫn xuất hóa đơn GTGT bình thường. Vì vậy, một số hộ kinh doanh lợi dụng việc này để buôn bán hóa đơn GTGT mặc dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh.

 "Tới đây các hộ phải thực hiện sổ sách kế toán và kê khai định kỳ với cơ quan thuế về các chi phí liên quan đến hàng hóa dịch vụ đó", bà Lan nhấn mạnh. (Tuoitre.vn 08/4, A.Hồng – L.Thanh)Về đầu trang

Ngành Thuế thanh tra, kiểm tra tại 18 doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Trong quý I/2021, ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, qua đó đã truy thu, truy hoàn và phạt 49,8 tỷ đồng.

 Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong quý I/2021 toàn ngành Thuế đã thực hiện được 5.931 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp và kiểm tra được 79.868 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.

 Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 6.581 tỷ đồng, giảm lỗ gần 5.100 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 189,4 tỷ đồng. Số thuế đã nộp ngân sách nhà nước là hơn 622,5 tỷ đồng.

 Trong đó, ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 49,8 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 640,7 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 1,4 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 236,8 tỷ đồng. 

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu hơn 24,3 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 617,8 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 184,2 tỷ đồng.

 Ngành Thuế cũng đã thực hiện 844 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, tương ứng với tổng số tiền thuế đề nghị hoàn là hơn 10.175 tỷ đồng. Tổng số tiền truy hoàn và phạt là hơn 22,4 tỷ đồng (trong đó truy hoàn hơn 16,7 tỷ đồng, phạt hơn 5,9 tỷ đồng), đã nộp ngân sách nhà nước gần 9 tỷ đồng.

 Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các vụ, đơn vị, các cục thuế tập trung công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, chống chuyển giá. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để nhận diện, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao, các doanh nghiệp có khả năng có số thu điều tiết ngân sách trung ương lớn.

 Ngành Thuế cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống thất thu ngân sách nhà nước. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo mới

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.

 Đáng chú ý, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm thực hiện từ ngày 1-9 đến hết ngày 15-12 của năm.

 Thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên thực hiện tại thời điểm UBND cấp xã nhận được giấy đề nghị bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc đề nghị thoát nghèo, thoát cận nghèo của hộ gia đình.

 Dự thảo nêu rõ, quy trình rà soát định kỳ hằng năm gồm 7 bước sau:

 1 - Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát;

 2 - Tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình; 

3 - Họp lấy ý kiến nhân dân về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo;

 4- Niêm yết, thông báo công khai danh sách rà soát lần 3;

 5- Báo cáo chủ tịch UBND cấp huyện; 

6- Phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo;

 7- Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo ở cấp huyện và cấp tỉnh.

 Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp, có văn bản báo cáo kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn cho chủ tịch UBND cấp huyện.

 Đặc biệt tại cấp tỉnh, căn cứ văn bản báo cáo của chủ tịch UBND cấp huyện về kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt kết quả chung trên toàn địa bàn và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Lắng nghe báo chí, công luận để xử lý các hành vi nhũng nhiễu

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kiểm tra Đảng, nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác quý I năm 2021, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2021, diễn ra ngày 7/4.

 Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong quý I, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung nghiên cứu, thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung về công tác kiểm tra, giám sát trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII; kịp thời ban hành hướng dẫn giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thành lập 17 tổ biên tập sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát… Đây là những văn bản rất quan trọng, làm cơ sở để sớm đưa Nghị quyết Đại hội về nội dung công tác kiểm tra, giám sát vào cuộc sống.

 Cũng trong quý I, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 1.744 tổ chức đảng và 6.323 đảng viên, trong đó 1.419 cấp ủy viên. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích và kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình là công tác kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp.

 Công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; nhiều vi phạm chưa được phát hiện kịp thời.

 Công tác giám sát chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp, hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật có nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, có nơi còn né tránh…

 Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Cẩm Tú ghi nhận những kết quả toàn ngành Kiểm tra đã đạt được trong những tháng đầu năm, đồng thời đề nghị cấp ủy, UBKT các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, đồng thời xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII sát với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.

 Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XIII thành các văn bản, quy định, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, khắc phục những bất cập trong các quy định hiện hành; trong đó chú trọng đổi mới, cải tiến các phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát để chủ động phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ gốc vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên; cần phải siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương.

 Ngoài ra, UBKT các cấp tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao với quyết tâm cao hơn; không ngại khó, càng khó càng phải quyết tâm hơn nữa.

 Cụ thể, phải tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, những nơi có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, y tế, giáo dục; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; huy động, sử dụng các nguồn vốn; thực hiện dự án đầu tư và công tác cán bộ...

 Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cần tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát; chú ý giám sát đều các khu vực, các lĩnh vực, các địa phương - coi đây là việc làm thường xuyên để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm từ xa, giải quyết từ sớm, với mục đích “trị bệnh cứu người”, không để khuyết điểm kéo dài thành vi phạm, vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng. (Congluan.vn 08/4, Vân Thanh)Về đầu trang

Việt Nam chuẩn bị triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine

Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận hộ chiếu vaccine thông qua mã QR code.

 Từ góc độ tiếp cận của ngành y tế, hộ chiếu vaccine thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có hộ chiếu vaccine không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19.

 GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết: "Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, nhà mạng thông tin, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4/2021. Về chính sách cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân các nước đã được tiêm vaccine phòng COVID-19". 

Tập đoàn Viên thông Quân đội Viettel là đơn vị được Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia chỉ định tham gia làm hộ chiếu vaccine. Theo cập nhật mới nhất, hạ tầng kỹ thuật cũng như con người đã được chuẩn bị sẵn sàng. Việc tích hợp thông tin, mẫu của loại hộ chiếu cũng đã xong và chỉ chờ ngày sẵn sàng triển khai.

 Hiện, lực lượng nhân sự tham gia làm hộ chiếu vaccine ở 63 tỉnh, thành trên cả nước đã có đủ, thậm chí có thể đi theo tới từng trạm y tế xã; đảm bảo mỗi điểm tiêm đều có nhân sự hướng dẫn, cập nhật số liệu thông tin người tiêm.

 Sẵn sàng là thế, tuy nhiên, theo lãnh đạo đơn vị này, vấn đề đáng lo ngại nhất là sự liên thông hộ chiếu vaccine giữa các quốc gia.

 Ông Lưu Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế số, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel - phân tích: "Thông tin cá nhân, mũi tiêm, giờ tiêm của người nhập cảnh giữa Việt Nam với các nước phải có quy chuẩn chung. Chúng tôi đang đánh giá những yếu tố này hiện là khó nhất".

 Sớm vào cuộc vì một tương lai gần có thể áp dụng hộ chiếu vaccine nhưng hẳn là vẫn còn rất nhiều vấn đề phát sinh mà Việt Nam cần nghiên cứu, giải quyết. Không chỉ có nỗi lo về khi nào mới có quy chuẩn chung giữa các nước trong việc áp dụng hộ chiếu vaccine như trăn trở của ông Lưu Thế Anh mà còn không ít khó khăn vây quanh triển vọng áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam như ý kiến của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam. Đó là Việt Nam cần xác định chuẩn bị trước nhiều tình huống để hòa nhập vào lộ trình của hộ chiếu vaccine một cách an toàn mà không phá vỡ rào chắn dịch bệnh. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Phía sau việc người có trình độ cao đẳng và đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất

Theo Điều tra lao động việc làm năm 2019 Tổng cục Thống kê mới công bố gần đây, cũng như nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, tình trạng thất nghiệp thường cao hơn hẳn ở khu vực thành thị, trong khi vấn đề thiếu việc làm lại là phổ biến ở khu vực nông thôn.

 Chính vì vậy, các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và các nhà dùng tin khác.

 Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của Việt Nam là 2,17%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao gần gấp 2 lần khu vực nông thôn (3,11% so với 1,69%). Mức độ thất nghiệp của nữ cao hơn của nam 0,17 điểm phần trăm (2,26% và 2,09%).

 So sánh giữa các vùng kinh tế - xã hội, Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất (2,90%), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2,47%) và Đông Nam Bộ (2,45%). Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về 2 khu vực - Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (tương ứng là 1,29% và 1,37%). TPHCM có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với Hà Nội (2,82% so với 1,78%).

 Quan sát theo nhóm tuổi cho thấy mức độ thất nghiệp có xu hướng giảm dần khi tuổi tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm 15-19 tuổi (7,62%), tiếp đến là nhóm 20-24 tuổi (6,0%). Xu hướng này cũng đúng đối với cả khu vực thành thị và nông thôn.

 Phân tổ tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ cho thấy nhóm những người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là (3,79% và 2,87%) và những người có trình độ sơ cấp nghề và chưa từng đi học có tỷ lệ thấp nhất (1,08% và 1,53%).

 Điều này phần nào phản ánh chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao - Tổng cục Thống kê nhận định. (Cafef.vn 08/4)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang và ông Lê Văn Phước

Ngày 7/4/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, nguyên Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Biên soạn lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Văn Phước, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên.

 Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước, đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

 Ông Lê Văn Phước, với trách nhiệm Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã vi phạm Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, gây hậu quả rất nghiêm trọng và tham ô, chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước, đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định xử phạt 12 năm 6 tháng tù về tội "Tham ô tài sản".

 Vi phạm của 2 đồng chí là rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang và ông Lê Văn Phước. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai vừa qua đã thảo luận, xem xét việc thi hành kỷ luật đối với ông Võ Văn Tỉnh, quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Nai.

 Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai, với vai trò quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, ông Võ Văn Tỉnh thiếu trách nhiệm, không kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo xem xét, xử lý cán bộ công chức thuộc quyền vi phạm theo quy định của ngành. 

Ngoài ra, ông Tỉnh còn ký xác nhận đánh giá, phân loại công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để thực hiện quy trình bổ nhiệm và trình Tổng cục Quản lý thị trường bổ nhiệm đối với công chức vi phạm đang trong thời gian xem xét, kiểm điểm trách nhiệm là vi phạm quy định Luật Cán bộ, công chức. 

Căn cứ Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định thi hành kỷ luật ông Võ Văn Tỉnh bằng hình thức khiển trách. (Baovephapluat.vn 08/4, Huyền Ngân)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Công chức Campuchia bị cấm đến trụ sở làm việc nếu không tiêm vaccine

Campuchia sẽ cấm những công chức nhà nước và người trong lực lượng vũ trang đến trụ sở làm việc hoặc tham gia các cuộc họp nếu không tiêm vaccine.

 Campuchia đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu tiêm vaccine cho đủ từ 10 triệu đến 13 triệu người để đảm bảo tạo kháng thể cộng đồng chống lại đại dịch COVID-19.

 Sau khi phát hiện một số công chức chính phủ và lực lượng vũ trang không tham gia tiêm vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng cảnh báo sẽ không cho những công chức nhà nước và lực lượng vũ trang nào không tham gia tiêm vaccine đến trụ sở làm việc hoặc tham gia cuộc họp.

 Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, hiện nay Chính phủ Campuchia đang tập trung ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng vũ trang và công chức nhà nước. Nếu những ai trốn tránh không tham gia tiêm vaccine thì họ là người không đủ tư cách tham gia trong lực lượng vũ trang cũng như công chức nhà nước, bởi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. (VTV.vn 08/4)Về đầu trang

Ban lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc đồng loạt từ chức

Ngày 8/4, tất cả thành viên Ban lãnh đạo đảng Dân chủ Đồng hành (DP) cầm quyền tại Hàn Quốc đã đồng loạt từ chức để nhận trách nhiệm về thất bại của đảng này trong cuộc bầu cử bổ sung quan trọng vừa diễn ra.

 Nghị sỹ Kim Tae-nyeon – quyền Chủ tịch đảng Dân chủ Đồng hành- công bố thông tin này trong cuộc họp báo chiều 8/4 tại Quốc hội Hàn Quốc.

 Như vậy, toàn bộ Ban lãnh đạo của đảng cầm quyền quyết định chấm dứt sớm nhiệm kỳ, theo kế hoạch còn kéo dài tới tháng 8 năm sau. Đảng cầm quyền Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh việc bầu ra đại diện mới tại Quốc hội trong tuần sau và sẽ tổ chức Đại hội toàn đảng vào ngày 2/5 để bầu Chủ tịch mới.

 Theo kết quả kiểm phiếu sáng 8/4, đảng Dân chủ Đồng hành của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử bổ sung 21 vị trí lãnh đạo địa phương ngày 7/4, trong đó có chức thị trưởng hai thành phố lớn nhất đất nước là thủ đô Seoul và thành phố cảng Busan. Cả hai ghế thị trưởng đều thuộc về ứng viên của đảng đối lập Sức mạnh Quốc dân.

 Bất chấp kết quả cuộc bầu cử bổ sung, Chủ tịch Ủy ban đối sách khẩn cấp của đảng Sức mạnh Quốc dân Kim Jong-in hôm 8/4 cũng  tuyên bố từ chức sau 10 tháng cầm quyền. Ông Kim giải thích việc từ chức nhằm để đảng Sức mạnh Quốc dân không lầm tưởng cuộc bầu cử này là một "chiến thắng" 

Cuộc bầu cử bổ sung tại Hàn Quốc được coi là thước đo quan trọng về uy tín của các chính đảng Hàn Quốc trước cuộc bầu cử Tổng thống, dự kiến diễn ra tháng 3/2022. (VOV.vn 08/4, Võ Giang)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More