Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 24-9-2019

Post date: 24/09/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 1

1. Chưa có chính sách hỗ trợ phát triển, doanh nghiệp xã hội gặp khó. 1

2.  Doanh nghiệp lo thu ngân sách nhà nước giảm nếu sửa Bộ Luật lao động?. 2

3. Thái Lan và Việt Nam có phải là đối thủ trong việc thu hút FDI từ chiến tranh thương mại?. 3

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 4

4. Chỉ số và thăng hạng. 4

QUẢN LÝ.. 5

5.  “Giao nhiệm vụ thấp, chỉ có con ông cháu cha mới vào được”. 5

6.   Nhiều vướng mắc trong thực thi Luật Xây dựng. 6

7. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. 7

8.  Mới thẩm định được 12 tỉnh về đề án sắp xếp đơn vị hành chính. 8

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 8

9.  Trên 30 thủ tục hành chính xuất nhập khẩu sẽ được triển khai trực tuyến cấp độ 3, 4. 8

10. Hải Phòng: Cổng thông tin điện tử - cầu nối thông tin giữa chính quyền và người dân. 9

11.TP.Biên Hòa: Triển khai mô hình “4 tại chỗ” trong cải cách hành chính. 10

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 10

12.  Xóa nợ thuế: Tính cho kỹ! 10

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 11

13.   Phát hiện nhiều sai phạm của Chủ tịch tỉnh Thái Bình, xử lý ra sao?. 11

14.Hà Nội: Kỷ luật 39 lãnh đạo, cán bộ liên quan đến vi phạm đất rừng Sóc Sơn. 13

15. Hà Nội: Kiểm điểm các cá nhân giao đất trái luật cho người nhà giám đốc Sở KHĐT. 13

16. Cách chức giám đốc, giao phó giám đốc phụ trách Công an Đồng Nai 14

THẾ GIỚI 15

17. Nga tinh giản biên chế quy mô lớn. 15

18.  Singapore phát triển thành công nhà ở xã hội 15

 MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chưa có chính sách hỗ trợ phát triển, doanh nghiệp xã hội gặp khó

Dù ra đời với mục đích rất nhân văn nhưng hiện nay, doanh nghiệp xã hội lại đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa được quan tâm, hỗ trợ.

 Trong những năm gần đây, chúng ta nghe nhắc nhiều về doanh nghiệp xã hội, nhưng khái niệm doanh nghiệp xã hội là gì thì nhiều người vẫn chưa biết hết. Trên thực tế, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp kinh doanh để giải quyết các vấn đề xã hội như: bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người dễ tổn thương (người khuyết tật, cơ nhỡ, nghèo khó…).

 Không chỉ Công ty TNHH Thiện Tâm Hương (TP.HCM) mà còn có rất nhiều đơn vị sẵn lòng giúp đỡ những người yếu thế, chẳng hạn như Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO do một Việt kiều Australia thành lập. Đây là nơi đào tạo nghề, giúp đỡ trẻ em đường phố, trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 Theo các chuyên gia, sự ra đời của các doanh nghiệp xã hội đã góp phần cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề xã hội như: xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người yếu thế. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp xã hội này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về quy định tỷ lệ lợi nhuận trích lập để tái đầu tư hay chưa có những chế độ ưu đãi để doanh nghiệp xã hội hoạt động.

 Nhiều doanh nghiệp cho biết, Luật Doanh nghiệp năm 2014 sửa đổi đã công nhận doanh nghiệp xã hội, nhưng chỉ mới công nhận tính pháp lý, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển. Do đó, hiện nay các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trên cả nước có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động như doanh nghiệp xã hội, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp đăng ký là doanh nghiệp xã hội hay chưa chuyển đổi sang doanh nghiệp xã hội.

 Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhiều cơ quan Nhà nước chưa tin tưởng doanh nghiệp xã hội, sợ bị trục lợi nên có những quy định rất khắt khe: "Sự nhận thức của xã hội và các cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp xã hội rất hạn chế, do đó chưa có sự tin tưởng vào vai trò của doanh nghiệp xã hội về giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế". 

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, để doanh nghiệp xã hội phát triển, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thay đổi nhận thức, tin tưởng vào vai trò của doanh nghiệp xã hội để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp này phát triển, đồng thời khuyến khích nhiều hơn các tổ chức tài chính, thiện nguyện, nhà tài trợ tham gia vào giải quyết những vấn đề xã hội, không để doanh nghiệp xã hội đơn độc như hiện nay. (VTV.vn 23/9)Về đầu trang

Doanh nghiệp lo thu ngân sách nhà nước giảm nếu sửa Bộ Luật lao động?

Các tổ chức, hiệp hội gồm VCCI, Vasep, Vitas, Lefaso, Veia, Amcham mới đây đã có bài viết đánh giá tác động của một số quy định trong dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. Bài đánh giá này dựa trên Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi ngày 11/8/2019.

 Đại diện các hiệp hội này cho rằng các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới sẽ kéo theo chi phí đầu tư vào sức lao động tăng cao, dẫn đến đẩy chi phí đầu vào ở mức lớn hơn, khiến cho nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực về tài chính để tồn tại và tiếp tục hoạt động.

 Khi đó, nhiều doanh nghiệp do không thể tồn tại được trước "áp lực gia tăng" của Bộ luật lao động mới sẽ buộc phải giải thể hoặc chấm dứt hoạt động, kéo theo nhiều người lao động mất việc và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam.

 "Nhiều doanh nghiệp sẽ có khả năng phải đối mặt với việc giải thể, phá sản hoặc cắt giảm công suất lao động do thiếu vốn. Nguyên nhân này dẫn tới nguồn thu từ hoạt động của doanh nghiệp (như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, …cũng sẽ bị sụt giảm theo và ảnh hưởng đáng kể tới việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của quốc gia do không có đủ nguồn thu, phát sinh bội chi, gây sức ép lớn cho Nhà nước", đại diện các Hiệp hội nhấn mạnh.

 Đối với doanh nghiệp dệt may, da giày hay chế biến thuỷ sản, hầu hết chỉ tập trung vào mùa Noel, tức tháng 12 hàng năm, chỉ có hoạt động sản xuất nhiều khoảng 5-6 tháng mỗi năm. Đây cũng là lúc người lao động làm việc có cơ hội để tăng thu nhập lo trang trải cho cuộc sống vào những thời điểm không có việc để làm.

 Với thời giờ làm việc là 48 giờ/tuần như hiện nay các máy móc thiết bị trong nhà máy vận hành vẫn có thể đảm bảo công suất, tuy nhiên nếu giảm còn 44 giờ/tuần sẽ làm cho nhà máy chạy dưới công suất, hoạt động cầm chừng.

 Mặt khác, dù làm việc theo thời gian 48 giờ/tuần hay 44 giờ/tuần thì doanh nghiệp cũng phải mất nhiều chi phí cho việc cài đặt, vận hành, duy trì, bảo dưỡng để máy móc được hoạt động hiệu quả. Đáng lẽ ra chi phí này là tương ứng với hoạt động sản xuất trong 48 giờ/tuần thì nay với quy định mới chi phí sẽ phải trả tương ứng 44 giờ/tuần khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận do phải thanh toán các chi phí vận hành.

 "Nhưng thật đáng tiếc, theo Dự thảo lần này, quy định về giới hạn giờ làm thêm không đáp ứng được mong muốn đó, doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng để xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia về kim ngạch xuất khẩu và cả lợi ích của người lao động khi chính bản thân họ đều có nhu cầu được làm thêm giờ để tăng thu nhập trong thời điểm đó", bản đánh giá nêu.

 Bên cạnh đó, các hiệp hội nêu trên cũng cho rằng, lợi thế duy nhất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là chi phí về lao động, nguồn nhân lực. Nhưng điểm mạnh này có thể trở thành điểm yếu khi môi trường pháp lý không thuận lợi, hàng loạt các chi phí cho người lao động ngày càng tăng cao, họ có thể từ bỏ Việt Nam để tìm kiếm các quốc gia khác.

 Dự thảo Bộ Luật lao động mới sẽ có thể khiến cho những nỗ lực của Nhà nước hướng tới đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể trở nên khó khăn.

 "Để doanh nghiệp Việt Nam không bị "chết" trên chính "sân nhà" bởi những quy định khắt khe của Bộ Luật lao động mới, Nhà nước nên sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới phù hợp với đặc thù "thời vụ" của một số ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa quan trọng hiện nay", Đại diện các hiệp hội kiến nghị. (Vneconomy.vn 23/9)Về đầu trang

Thái Lan và Việt Nam có phải là đối thủ trong việc thu hút FDI từ chiến tranh thương mại?

Dựa trên các số liệu về xu hướng nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp, có thể thấy nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm đến Thái Lan và Việt Nam, xây dựng cơ sở sản xuất mới để tránh thuế quan của Mỹ.

 WHA Corp Plc, nhà cung cấp hàng đầu của Thái Lan về các bất động sản công nghiệp, cho biết họ hy vọng các công ty Trung Quốc sẽ đạt 50% số hợp đồng mua bán đất trong năm nay và năm tới, tăng từ khoảng 12% vào năm 2018. Công ty này cũng phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.

 Ông David Nardone, giám đốc điều hành nhóm cho đơn vị phát triển công nghiệp của WHA nói: "Các công ty đang chuyển hướng việc sản xuất một số sản phẩm. Điều này sẽ tác động đáng kể đến Thái Lan và Việt Nam. Một giọt nước tràn từ Trung Quốc có trở thành một trận lụt đối với chúng ta, vì quy mô của các nền kinh tế rất khác nhau".

 Thái Lan đã đưa ra các ưu đãi bao gồm giảm thuế cho các nhà sản xuất muốn tìm cách áp dụng thuế quan mà Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt cho nhau. Nhưng các báo cáo gần đây cho thấy, Việt Nam đã vượt lên trong cuộc đua thu hút các nhà sản xuất. Số lượng các công ty đang lên kế hoạch di dời hoặc chuyển hướng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cao gấp 3 lần so với Thái Lan, theo nghiên cứu của Nomura Holdings Inc.

 Tuy nhiên, giá trị của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng vào Thái Lan từ các công ty Trung Quốc đang tăng lên. Nó đã tăng gấp 5 lần trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu của Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho thấy. Tổng vốn Trung Quốc và Hồng Kông trị giá khoảng 1 tỷ USD, chỉ đứng sau giá trị của Nhật Bản, các công ty Nhật đã sản xuất từ lâu ở Thái Lan.

 WHA dự kiến sẽ bổ sung 6 khu công nghiệp vào danh sách 10 công ty hiện tại ở Thái Lan và đã bắt đầu bán các vị trí bất động sản công nghiệp thuộc quản lý của công ty này tại Việt Nam.

 Ông Nardone không cảm thấy rằng Thái Lan và Việt Nam là đối thủ cạnh tranh của nhau. Ông nói rằng mỗi nước đều có điểm mạnh và điểm yếu: "Phải mất một thời gian khá dài để xây dựng các nhà máy ở Việt Nam, trong khi Thái Lan thì thiếu lao động. Các nhà sản xuất dường như chỉ chuyển một phần việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc với quy mô thị trường của họ".

 Các quan chức Thái Lan cho biết các công ty bao gồm Sony Corp, Sharp Corp và Harley-Davidson Inc đang chuyển một số sản xuất sang nước này. Họ hy vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp vực dậy nền kinh tế Thái Lan - hiện vẫn đang dẫn đầu xuất khẩu nhưng dòng vốn tăng trưởng chậm lại do sức tiền tệ lên giá, tác động của chiến tranh thương mại và phức tạp chính trị trong nước. (TTVN.vn 23/9)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Chỉ số và thăng hạng

Năm 2018, tổng số điểm chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp là 86.53/100 điểm, xếp thứ 3/18 bộ. Trong đó, điểm do Bộ Nội vụ tổng hợp, thẩm định trên cơ sở tự chấm điểm là 56,80/62.5 điểm, xếp thứ 3/18 bộ; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 29,74/37,5 điểm, xếp thứ 8/18 bộ.

 Kết quả cụ thể trên 7 lĩnh vực bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính là 9,5/10,5 điểm (Bộ Tư pháp bị trừ 1 điểm đối với tiêu chí thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2018); xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ là 14,36/16,5 điểm; cải cách thủ tục hành chính là 13,57/15,5 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính là 10,81/12,5 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức là 14,9/16 điểm; cải cách tài chính công là 11,68/13,5 điểm; hiện đại hóa hành chính là 11,71/15,5 điểm.

 Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ Tư pháp tăng giá trị điểm cũng như thăng hạng trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính cấp bộ (năm 2015 đạt 78,27/100 điểm, xếp thứ 9; năm 2016 đạt 82,90/100 điểm, xếp thứ 6; năm 2017 đạt 83,93/100 điểm, xếp thứ 4).

 Mặc dù, Bộ Tư pháp đứng thứ 3, nhưng điểm tuyệt đối cách xa so với đơn vị đứng thứ 2 và đứng rất gần với đơn vị đứng thứ 4. Như vậy, nguy cơ tụt hạng là có cơ sở, nhất là khi trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, bộ này còn khá nhiều hạn chế. Các hạn chế này, bao gồm từ việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chưa đạt tiến độ như yêu cầu; đến việc các đơn vị thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng quy định việc xin lỗi người dân, tổ chức các trường hợp trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính...

 Đáng quan tâm hơn, Bộ cũng chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách và ban hành chưa kịp thời quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định; số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 - 4 phát sinh còn thấp; số lượng đơn vị thực hiện đúng duy trì, cải tiến ISO 9001:2008 theo quy định còn chưa đạt 100% yêu cầu.

 Từ thực tế này, các đơn vị cần lưu ý những nội dung cải cách hành chính còn bị trừ điểm, nhất là những dịch vụ công được quy định tại Quyết định số 877/QĐ-TTg về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 như cấp phiếu lý lịch tư pháp, ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Hiện các dịch vụ này chưa đáp ứng được những yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; trong khi đó thời gian còn lại của năm 2019 không còn nhiều.

 Đồng thời, ngành tư pháp cũng cần chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sử dụng chữ ký số và gửi nhận văn bản điện tử góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. (Đại Biểu Nhân Dân 23/9, Nguyễn Minh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

“Giao nhiệm vụ thấp, chỉ có con ông cháu cha mới vào được”

Ngày 23-9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với chương trình Aus4Reform tổ chức hội thảo “Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025”.

 Các chuyên gia đã có nhiều ý kiến mang tính tổng kết giai đoạn cơ cấu lại DNNN trong 10 năm qua.

 TS Nguyễn Đình Cung nói rằng cần phải xem xét lại chức năng, vai trò và nhiệm vụ của DNNN trong nền kinh tế. “Chẳng hạn nói DNNN có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý” - TS Cung nói.

 Theo ông Cung, khi DNNN được dùng làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô thì đương nhiên sản phẩm, hàng hóa của DNNN không theo cơ chế của thị trường. Khi giá có xu hướng lên thì DNNN phải kìm giá, còn khi giá xuống thì lại phải đẩy giá lên. “Giá cả cứ bị ổn định như vậy là vô lý, không theo cơ chế thị trường” - TS Cung nói.

 Điều này, theo TS Cung, chẳng những làm cho DNNN bị “đè nén, đảo lộn” mà tín hiệu thị trường cũng bị sai lệch và DNNN luôn đứng trước nguy cơ bị thua lỗ. Những khoản thua lỗ đó, thực ra cuối cùng cũng là ngân sách phải bù vào và người tiêu dùng phải gánh.

  “Tất cả chỉ làm cho thị trường trở nên méo mó, DNNN trở nên kém năng động” - TS Cung khẳng định và đề nghị bỏ chức năng “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của DNNN”.

 TS Cung cũng nói rằng cải cách gì thì cải cách nhưng cải cách đầu tiên đối với DNNN là buộc DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, không gò bó. Tức là DNNN được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi, mục đích mà chủ sở hữu đặt ra chứ không nên hành chính hóa hoạt động của DNNN như hiện nay.

 Trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, TS Cung nói: “Hãy giao cho DNNN những nhiệm vụ đủ cao để chỉ người tài mới làm được. Đừng giao những nhiệm vụ đủ thấp để ai cũng có thể hoàn thành. Bởi chỉ giao những nhiệm vụ đủ thấp thì chỉ có con ông cháu cha mới vào được DNNN thôi. Và chúng ta đã nhìn thấy thực trạng ấy”.

 Đồng tình, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, nói thực chất DNNN chưa bao giờ kinh doanh theo cơ chế thị trường. “Nếu tới đây, chúng ta buộc tất cả DNNN phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì tất cả vấn đề đều được giải quyết”.

 Trình bày báo cáo về DNNN, TS Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM, cũng cho rằng: Trong giai đoạn tới, không cần thiết phải xác định DNNN là “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” cũng như sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường.

 Ngoài kiến nghị hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN để đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế, TS Trung còn kiến nghị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, co cấu lại sở hữu, ngành nghề của DNNN. 

“Chỉ nên giữ lại hình thức DN 100% vốn nhà nước đối với một số đơn vị như các nhà xuất bản, nhà máy in tiền quốc gia, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm lưu ký chứng khoán” - TS Trung đề xuất. (Plo.vn 23/9, Chân Luận)Về đầu trang

Nhiều vướng mắc trong thực thi Luật Xây dựng

Chiều 23/9, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 đang được áp dụng.

 Trong hội thảo, ý kiến được nhiều đại biểu tán thành nhất và mong muốn sửa đổi chính là tính chi tiết, nhất quán của Luật Xây dựng. Nguyên nhân là do hiện nay, Luật Xây dựng đang tồn tại nhiều hạn chế, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và thậm chí là cả các cơ quan chức năng quản lý tại địa phương.

 Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM), việc rút ngắn từ 122 ngày xuống chỉ còn 42 ngày cho quy trình cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP.HCM là một cải cách thủ tục hành chính đáng ghi nhận của thành phố. Tuy nhiên, với những công trình thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ, theo Luật Xây dựng hiện hành vẫn còn kéo dài như cũ do các quá trình thẩm định không được tích hợp. 

Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay Luật Xây dựng còn mang nặng tính lý thuyết chung. Đồng ý kiến với Sở Xây dựng TP.HCM, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nêu kiến nghị, khi sửa đổi, Luật Xây dựng nên được tích hợp với các bộ luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, đất đai, tránh tình trạng trùng lặp, không cụ thể, chi tiết, gây khó khăn cho công tác quản lý.

 Được biết, Luật Xây dựng đang áp dụng là luật được ban hành vào năm 2014, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2015. Trải qua 4 năm thực hiện, đến nay Luật Xây dựng đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, cần phải sửa đổi ngay để phù hợp với tình hình thực tế. (VTV.vn 23/9) Về đầu trang

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Không chỉ có lạm dụng chức vụ quyền hạn mà tình trạng "chạy chức", "chạy quyền" cũng là vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua.

 Nguyên nhân là do chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ khiến cho không ít người đứng đầu cấp uỷ lợi dụng quyền lực để "thao túng" công tác này.

 Hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống "chạy chức", "chạy quyền" là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay, nhất là trong bối cảnh các cấp ủy đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Điều đáng nói là trường hợp trên không phải là cá biệt. Rất nhiều vi phạm trong công tác cán bộ trước đó cũng được đưa ra ánh sáng.

 Ông Vũ Huy Hoàng, khi làm Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tự ý đề nghị bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ này đối với Trịnh Xuân Thanh.

 Ông Lê Phước Thanh, 5 ngày trước khi nghỉ hưu đã chủ trì cuộc họp để thông qua chủ trương đưa con trai lên làm Giám đốc Sở dù chưa đủ điều kiện.

 Ông Nguyễn Phong Quang, khi làm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ký bổ nhiệm 32 cán bộ không đủ tiêu chuẩn, trong đó có trường hợp chưa từng làm việc ngày nào cũng được bổ nhiệm làm Vụ phó. 

Ông Nguyễn Xuân Anh, khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cũng đã để lại nhiều điều tiếng khi quyết định một số nhân sự một cách áp đặt.

 "Thao túng", "lạm quyền" đang làm cho công việc "gốc" của Đảng trở nên méo mó. Chạy chức, chạy quyền cũng từ đây mà nảy sinh. Chính vì vậy, hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực, khắc phục tình trạng này trong công tác cán bộ đang được xem là nhiệm vụ cấp bách.

 Hiện tại, một quy định về kiểm soát tình trạng này đang được xây dựng, trong đó có các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là các giải pháp răn đe, để người giữ thẩm quyền trong công tác cán bộ cho dù có được "chạy" cũng không dám "nhận".  (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 23/9)Về đầu trang

Mới thẩm định được 12 tỉnh về đề án sắp xếp đơn vị hành chính

Chiều 20.9, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, trong đó đã trả lời nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay.

 Đến ngày 17.9, Bộ Nội vụ đã nhận được Phương án tổng thể của 41/46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đã có 19 tỉnh, thành phố gửi đề án chi tiết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh.

 Mặc dù Bộ Nội vụ đã có Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chưa có phương án tổng thể đề nghị các địa phương khẩn trương gửi phương án đến Bộ Nội vụ để xem xét cho ý kiến. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 2 thành phố là TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ chưa gửi Phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. (Lao Động 22/9, PV)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Trên 30 thủ tục hành chính xuất nhập khẩu sẽ được triển khai trực tuyến cấp độ 3, 4

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến đến năm 2020 sẽ triển khai khoảng trên 30 thủ tục hành chính còn lại theo hình thức trực tuyến cấp độ 3, 4.

 Theo Cục Xuất nhập khẩu, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực công thương, việc cải cách hành chính của Cục Xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

 Đến nay, Cục Xuất nhập khẩu đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 62 thủ tục hành chính trên tổng số 76 thủ tục hành chính, tương đương 81,6% số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực phụ trách của Cục Xuất nhập khẩu. 

Trong số này, có 2 thủ tục hành chính được bãi bỏ, 7 thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4 và kết nối hệ thống một cửa quốc gia.

 Ngoài ra, còn có 25 thủ tục hành chính được thực hiện qua internet dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; đồng thời cắt giảm thành phần hồ sơ và 28 thủ tục hành chính được đơn giản hoá theo hình thức giảm thành phần hồ sơ hoặc rút ngắn thời gian cấp phép.

 Cục Xuất Nhập khẩu cũng cho biết, đến ngày 1/10 tới sẽ có thêm 9 thủ tục hành chính của Cục Xuất nhập khẩu chính thức được thực hiện trực tiếp cấp độ 3 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.

 Cụ thể gồm cấp phép nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà; cấp mới, cấp lại, sửa đổi bổ sung, gia hạn giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam; cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; cấp giấy phép tạm xuất, tái nhập và cấp giấy phép kinh doanh chuyển khẩu.

 Bằng hình thức trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4, khi thực hiện các thủ tục hành chính của Cục Xuất nhập khẩu thương nhân gửi hồ sơ xin cấp phép và nhận kết quả qua mạng internet hoặc qua dịch vụ bưu chính, nhờ đó rút ngắn được thời gian xin giấy phép và giảm thiểu chi phí phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu.

 Hơn nữa, việc cải cách thủ tục hành chính đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. (TTXVN/Bnews.vn 23/9, Uyên Hương)Về đầu trang

Hải Phòng: Cổng thông tin điện tử - cầu nối thông tin giữa chính quyền và người dân

Ngày 21/9, tại Hải Phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố năm 2019. Đại diện lãnh đạo 31 cổng thông tin, điện tử thành phố trong cả nước tham dự hội nghị. 

Theo báo cáo về hoạt động của cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố năm 2019, có 30/31 cổng thông tin điện tử tỉnh, thành phố được quản lý theo mô hình là đơn vị sự nghiệp, 1 cổng thông tin điện tử tỉnh hoạt động như một văn phòng thuộc UBND tỉnh. Mô hình tổ chức hoạt động của cổng thông tin điện tử cũng theo cách thức của từng địa phương. Cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung như: cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo các điều kiện, phương tiện kỹ thuật, an toàn thông tin...

 Thời gian qua, cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố đã khẳng định được vị thế, tầm quan trọng trong cung cấp thông tin chính thống về công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế- xã hội của địa phương; định hướng thông tin, là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến.

 Tuy nhiên, hoạt động của cổng thông tin các tỉnh, thành phố còn gặp những khó khăn, vướng mắc như chưa có quy định thống nhất chung trên toàn quốc cho mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, vận hành. Chất lượng cổng thông tin điện tử phụ thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, thành phố. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên không được cấp thẻ nhà báo nên gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp.

 Thay mặt Ban tổ chức, ông Trần Huy Kiên - Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cổng thông tin điện tử Chính phủ đề xuất với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản quy định rõ cơ cấu, tổ chức bộ máy của cổng thông tin điện tử và ban biên tập cổng thông tin điện tử các cấp để hoạt động thống nhất và ổn định. Các cơ quan liên quan quy định rõ mã chức danh nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và được cấp thẻ nhà báo. Cổng thông tin điện tử Chính phủ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động của cổng thông tin điện tử cấp tỉnh, đảm bảo kinh phí, nhân lực và các nội dung khác. (TTXVN 21/9, Minh Thu) Về đầu trang

TP.Biên Hòa: Triển khai mô hình “4 tại chỗ” trong cải cách hành chính

Theo kế hoạch, từ ngày 1-10 tới, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND TP.Biên Hòa sẽ triển khai thực hiện mô hình '4 tại chỗ' (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả).

 Để công tác triển khai đạt hiệu quả, lãnh đạo thành phố yêu cầu các phòng liên quan đảm bảo về nhân sự; rà soát các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; đảm bảo cơ sở vật chất để giải quyết thủ tục tại chỗ cho người dân và doanh nghiệp. 

UBND thành phố cũng cho biết sắp tới sẽ đưa các dịch vụ công trực tuyến mà người dân, doanh nghiệp cần nhiều lên cổng dịch vụ công nhằm hạn chế tắc nghẽn hồ sơ và nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt đẩy mạnh giải quyết tình trạng bất cập, không đồng nhất giữa quy hoạch và sử dụng đất ở nhiều xã, phường, tránh gây bức xúc trong nhân dân. (Báo Đồng Nai 22/9, Ban Mai) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Xóa nợ thuế: Tính cho kỹ!

Tại kỳ họp tháng 10-2019 sắp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi. Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và được thực hiện trong 3 năm.

 Theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi, đối tượng được xóa nợ thuế là doanh nghiệp (DN) bị tuyên bố phá sản; cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự nhưng không còn tài sản để nộp; DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN và các khoản nợ đã quá 10 năm và không còn khả năng thu hồi; các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh không có khả năng nộp thuế.

 Dự thảo Nghị quyết quy định xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày 1-7-2020 (thời điểm Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành).

 Cụ thể, dự thảo đề xuất xóa nợ thuế đối với 7 nhóm đối tượng không còn khả năng nộp thuế, bao gồm người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, DN tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng…

 Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội chỉ ra nhiều lý do khiến nợ thuế không có khả năng thu ngày càng tăng, trong đó có nguyên nhân từ Luật Quản lý thuế quy định tiền phạt chậm nộp là 0,03%/ngày/số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, do người nộp thuế không còn khả năng nộp nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền lãi phạt đến cuối năm 2018 là 11.896 tỉ đồng song thực tế không có khả năng thu hồi. Đơn cử, 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; hơn 24.000 DN tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể; trên 731.696 người nộp thuế (trong đó 197.336 DN, 534.360 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động… Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế đến cuối tháng 8-2019 là hơn 82.700 tỉ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 39.000 tỉ đồng, chiếm 47,3% tổng số tiền nợ thuế.

 Theo ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Luật Quản lý thuế sửa đổi số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 chỉ cho phép khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với khoản nợ phát sinh sau thời điểm này. Vì thế, cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ thuế trước ngày 1-7-2020 đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp bởi nếu để tình trạng này kéo dài sẽ không phản ánh tình hình tài chính thực chất vì ngoài số tiền nợ gốc, nợ thuế khó đòi chủ yếu là tiền phạt nộp chậm. Việc xóa nợ thuế là cần thiết cho việc bảo đảm cơ cấu ngân sách, góp phần lành mạnh, minh bạch tài chính.

 Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), tin tưởng việc xóa nợ thuế sẽ minh bạch nguồn thu ngân sách. Khi DN chậm nộp thuế, số nợ tính từ giai đoạn chậm nộp cộng dồn với các khoản tiền lãi, tiền phạt tích lũy khiến số nợ ngày một lớn dần dẫn đến khoản phải thu của nhà nước tăng lên nhưng thực chất không thu được. "Nếu để nợ thuế khó đòi kéo dài năm này qua năm khác sẽ thành một con số treo, làm mất cân đối bảng kế toán ngân sách" - ông Toàn nói. (Nld.com.vn 23/9, Thy Thơ)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Phát hiện nhiều sai phạm của Chủ tịch tỉnh Thái Bình, xử lý ra sao?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Văn Thanh vừa ký thông kết luận TTCP trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (thời kỳ từ năm 2011 đến 2016) và đất đai, môi trường (thời kỳ từ năm 2006 đến 2016).

 Đáng chú ý, thông báo kết luận thanh tra của TTCP chỉ rõ nhiều vấn đề trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng đất của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

 Điển hình, tại Dự án khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Trong quá trình thực hiện, UBND huyện Thái Thụy đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và đã chi trả một phần tiền cho người dân nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất (năm 2005) dẫn đến việc khiếu.

 Dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và do UBND huyện Thái Thụy không bố trí được tài chính để thực hiện dự án. "Việc UBND tỉnh Thái Bình có Văn bản số 2788 ngày 3/8/2016 giao Liên danh Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng và Công ty Cổ phần Lam Sơn Thái Bình làm chủ đầu tư trong khi chưa xử lý việc đã giao UBND huyện Thái Thụy làm chủ đầu tư trước đây là chưa tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư", thông báo kết luận nêu rõ.

 Tại dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP.Thái Bình do Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị BID Việt Nam (BID GROUP) làm chủ đầu tư, quá trình lập hồ sơ để thực hiện dự án còn có một số thiếu sót, vi phạm về trình tự, thủ tục.

 Dự án khu quy hoạch dân cư phường Kỳ Bá, Quang Trung, TP.Thái Bình do Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379 làm chủ đầu tư đến thời điểm thanh tra chưa được giao đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. 

Bên cạnh đó, thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm khi triển khai thực hiện các dự án. Đơn cử, tại dự án khu đô thị Tây quốc lộ 10 tại huyện Đông Hưng, theo các hợp đồng vay vốn và thanh toán cho nhà thầu thi công thì UBND huyện Đông Hưng đã huy động số tiền 50,33 tỷ đồng, tương ứng với diện tích 40.762m2 đất phải bàn giao cho các công ty đã ứng vốn. “Việc giao đất không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của Luật Đất đai 2003” – trích thông báo kết luận của TTCP.

 Ngoài ra, TTCP đề nghị cần tiếp tục kiểm tra, làm rõ việc quản lý, sử dụng số tiền 50,33 tỷ đồng của UBND huyện Đông Hưng nhận từ các công ty góp vốn và nhà thầu thi công liên quan quá trình thực hiện dự án. Đến thời điểm thanh tra, phần diện tích 12,789ha đất còn lại của dự án, UBND tỉnh chưa giao cho chủ đầu tư là Liên danh Công ty Phú Hưng - Lam Sơn để hoàn chỉnh hạ tầng, dẫn đến chậm tiến độ đầu tư của dự án. 

Với dự án đầu tư xây dựng công trình đường Thái Bình, Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ, Ninh Bình do Công ty Phương Anh làm Chủ đầu tư có tổng diện tích 266.256,2m2, thi công từ năm 2010 đến năm 2017, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh.

 Công ty Phương Anh cũng được cấp giấy phép khai thác cát trên diện tích 7,5ha tại Khu bãi bồi thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà và đã khai thác cát nhưng không thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính về đất đai. 

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội Thái Bình (HUD2) tại TP Thái Bình, TTCP kết luận, diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội là 1.561m2 nhưng tỉnh cho miễn tiền sử dụng đất với diện tích 879m2 là không đúng quy định. 

Tại dự án nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 huyện Thái Thụy, kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp, dịch vụ và dự án nắn tuyến đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thụy cho triển khai thực hiện các dự án, ứng vốn cho các nhà thầu thi công, trong khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định.

 Trước những sai phạm trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Chủ tịch tỉnh Thái Bình thực hiện nhiều nội dung.

 Trong đó, về xử lý kinh tế, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra, xem xét để giảm trừ số tiền gần 15,7 tỷ đồng do được xác định là khoản chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư của dự án BT không đúng quy định của pháp luật khi thực hiện công tác quyết toán công trình đối với dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4-5 tầng (phường Lê Hồng Phong) do công ty BID Việt Nam làm chủ đầu tư. 

TTCP cũng kiến nghị kiểm tra, xem xét, xử lý và tiến hành xác định các nghĩa vụ tài chính để thu hồi về ngân sách Nhà nước đối với 4 dự án là: Dự án Diện tích đất xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng chợ Kỳ Bá do công ty Thành Công làm chủ đầu tư; Phần diện tích được miễn tiền sử dụng đất do HUD2 làm chủ đầu tư và dự án nhà ở xã hội do công ty 379 làm chủ đầu tư;… (Danviet.vn 23/9, Hoàng Thanh) Về đầu trang

Hà Nội: Kỷ luật 39 lãnh đạo, cán bộ liên quan đến vi phạm đất rừng Sóc Sơn

Ngày 23/9, TP Hà Nội đã ra quyết định kỷ luật 39 trong tổng số 80 lãnh đạo, cán bộ liên quan đến vi phạm của hàng trăm công trình xây dựng trên đất rừng huyện Sóc Sơn.

 UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với 80 trường hợp. Trong số này, có 19 trường hợp chưa đến mức kỷ luật; 22 người không bị kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh); 29 người bị khiển trách; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.

 Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ (2006 - 2011, 2011 - 2016, 2016 - 2021), trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện các nhiệm kỳ trên.

 Trước đó, tháng 3 năm nay, thành phố đã công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có gần 800 công trình vi phạm. (VTV.vn 23/9)Về đầu trang

Hà Nội: Kiểm điểm các cá nhân giao đất trái luật cho người nhà giám đốc Sở KHĐT

Ngày 23.9, một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết, cơ quan này đã có kết luận về vụ việc người nhà của ông Nguyễn Mạnh Quyền được giao đất trái luật tại huyện Quốc Oai trong thời kỳ ông làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện này. 

Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, huyện Quốc Oai đang triển khai kiểm điểm với những đảng viên có liên quan sự việc.

 Trong quá trình kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xác định, ông Quyền đã tích cực vận động bà Tạ Thị Huyên (mẹ ruột) và bà Nguyễn Thị Loan (chị gái ruột) trả lại dự án, bàn giao lại đất được giao trái luật cho huyện Quốc Oai quản lý, là yếu tố rất tích cực, tình tiết giảm nhẹ quan trọng.

 Vị này cho hay hiện 2 dự án tại Quốc Oai đã nhận bàn giao lại giấy chứng nhận, đất tại thực địa, huyện đang quản lý, như vậy là khắc phục được tuyệt đối về hậu quả.

 Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trịnh Nguyễn Cờ (68 tuổi, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) - một trong những người dân liên quan trong sự việc tố cáo sai phạm trong việc giao đất của ông Quyền - nói: "Chúng tôi mong muốn sự việc này cần được xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời mong muốn quyền lợi của người dân trong sự việc này sớm được chính quyền thực hiện".

 Còn ông Nguyễn Văn Sinh (thôn 2, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai) cho hay, thông tin xử lý vi phạm các cá nhân có liên quan trong vụ giao đất trái pháp luật tại huyện này bằng hình thức kiểm điểm là còn nhẹ, bởi sự việc này ảnh hưởng tới quyền lợi của trên 100 hộ dân trên địa bàn.

 Theo ông Đỗ Huy Chiến - Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, đầu tháng 8 vừa qua, huyện này đã ra quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định giao đất trái pháp luật về việc giao hơn 18,5 ha đất nông nghiệp thuộc địa bàn các xã Phú Cát, Phú Mãn và Hòa Thạch cho bà Nguyễn Thị Loan trước đó.

 Hiện UBND huyện Quốc Oai đã giao cho các phòng, ban chuyên môn khẩn trương giải quyết các nghĩa vụ tài chính còn tồn tại với bà Loan. Tiếp nữa, khu đất này sẽ do UBND huyện Quốc Oai quản lý và Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ xây dựng phương án khai thác, sử dụng khu đất.

 Đối với lô đất gần 2,3 ha đã thu hồi sau khi cấp sổ đỏ 49 năm sử dụng không đúng quy định pháp luật cho bà Tạ Thị Huyên (mẹ ruột ông Nguyễn Mạnh Quyền), đại diện UBND huyện Quốc Oai cho biết, huyện cũng đã tiếp quản lại.

 "Hiện nay đã có kết luận thanh tra nên theo quy trình, huyện sẽ xác minh và tiến hành xử lý về Đảng cũng như chính quyền đối với các cá nhân liên quan", vị này nói. (Lao Động 23/9, Vương Nguyên)Về đầu trang

Cách chức giám đốc, giao phó giám đốc phụ trách Công an Đồng Nai

 Bộ Công an vừa cách chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đối với Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, đồng thời phân công một Phó giám đốc phụ trách công an tỉnh này.

 Mới đây tại Đồng Nai, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an đã công bố quyết định của Bộ trưởng Công an về việc cách chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đối với Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh.

 Đồng thời, Bộ Công an quyết định phân công Đại tá Văn Quyết Thắng - Phó giám đốc phụ trách công an tỉnh Đồng Nai đến khi bổ nhiệm giám đốc mới.

 Đại tá Văn Quyết Thắng trước đây từng là Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai, thời điểm này Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh là thuộc cấp dưới quyền ông Thắng.

 Đại tá Văn Quyết Thắng sau đó được điều chuyển qua làm Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

 Tháng 9/2011, Chính phủ quyết định thành lập Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Đồng Nai, Đại tá Thắng cũng được điều chuyển đến công tác tại đây với chức vụ phó giám đốc, sau đó làm giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh. 

Ngày 16/8/2018, Bộ Công an quyết định sáp nhập Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Công an tỉnh Đồng Nai. Lúc này, Đại tá Văn Quyết Thắng được điều động giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đến nay.

 Đến ngày 12/9, sau khi Bộ Công an quyết định cách chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đối với Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh thì Đại tá Thắng được phân công phụ trách công an tỉnh này. (Vietnamnet.vn 23/9, Văn Nguyên) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nga tinh giản biên chế quy mô lớn

Từ năm 2020, Nga sẽ bắt đầu thực hiện cải cách trong lĩnh vực hành chính công, theo đó sẽ cắt giảm quy mô lớn lực lượng công chức và tăng lương cho những người còn lại.

 Việc tinh giản bộ máy nhà nước theo kế hoạch của Bộ Tài chính Nga sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, Nga sẽ giảm 10% biên chế tại các cơ quan trung ương của chính quyền hành pháp liên bang, giảm 5% biên chế tại các cơ quan địa phương; giai đoạn thứ hai là cải thiện cấu trúc bộ máy nhà nước, theo đó tiếp tục giảm biên chế.

 Theo Bộ Tài chính Nga, kế hoạch này nhằm giải quyết vấn đề hiện nay khi lương công chức không theo kịp lạm phát.

 Cũng theo Bộ này, nếu muốn tăng lương công chức lên mức cạnh tranh, ngân sách sẽ cần có thêm 100 tỷ Rubble, khoảng 1,5 tỷ USD/năm. (VTV.vn 23/9)Về đầu trang

Singapore phát triển thành công nhà ở xã hội

Singapore luôn được biết đến là một nơi vô cùng đắt đỏ, thế nhưng người dân ở đảo quốc sư tử này lại không phải đối mặt với những khó khăn về nhà ở.

 Chính phủ Singapore đã thực hiện chính sách một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nhà ở xã hội thông qua việc thành lập Ủy ban phát triển nhà ở (HDB) để phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả hơn. Việc này không những bảo đảm nguyên liệu, quỹ đất và nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng quy mô lớn, mà còn bảo đảm tiết kiệm chi phí cao nhất. Nhờ có sự định hướng, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý đã giúp chương trình nhà ở xã hội đi đúng lộ trình và đến được với người dân có nhu cầu thực sự.

 Giáo sư Widodo, Trường Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Khác với nhiều quốc gia khác, người dân chỉ có thể thuê nhà ở xã hội thì ở đây, người dân có quyền sở hữu và có thể bán nhà theo giá thị trường khi đã ở đó trong khoảng thời gian theo quy định. Người dân dễ dàng sở hữu được nhà ở xã hội bởi có sự hỗ trợ từ chính phủ, cũng như họ sẽ được phép trả dần tiền nhà thông qua việc trừ dần từ Quỹ phòng xa Trung ương của mỗi cá nhân do họ đóng góp hàng tháng".

 Ngoài ra, Singapore đã cho triển khai Chương trình thiết kế, xây dựng và bán nên có các kiểu căn hộ nhà ở xã hội rất phong phú từ 1 - 5 phòng để có thể đáp ứng nhu cầu ở đa dạng của người dân từ người độc thân cho tới các hộ gia đình lớn (3 thế hệ). Toàn bộ các khu nhà ở xã hội đều phải bảo đảm các dịch vụ cần thiết về y tế, giáo dục, rèn luyện sức khỏe, mua sắm, giao thông công cộng cho người dân sống ở trong khu vực đó.

 "Các khu nhà ở xã hội ở Singapore được thiết kế để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Ngoài các tiện ích cần thiết, các không gian chung cũng được tạo ra để giúp cho người dân kết nối với nhau hơn, hòa đồng hơn góp phần giúp xã hội Singapore trở nên hài hòa và đoàn kết", Giáo sư Widodo cho biết thêm.

 Với tầm nhìn xa và có quy hoạch rất tốt trong việc xây dựng các khu nhà ở xã hội, Singapore đã giải quyết tốt vấn đề nhà ở của người dân và phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời, giữ được quỹ đất cho tương lai cũng như phục vụ cho các mục đích khác. Nhờ sự can thiệp của Chính phủ Singapore trong chính sách nhà ở, nên có đến 90% dân số Singapore sống trong nhà ở xã hội.

 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh, Chính phủ Singapore vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ một cách tối ưu nhất để có thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho mọi người dân Singapore trong tương lai. (VTV.vn 23/9)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More