Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 21-8-2021

Post date: 20/08/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Thủ tướng chủ trì họp khẩn với địa phương về phòng, chống dịch COVID-19. 1
  2. Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Hà Nội vẫn ở mức cao, khó lường. 2
  3. Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu 3 lý do người dân ra đường đông hơn. 4
  4. Bình Dương vượt mốc 55.000 ca mắc, gần 300 doanh nghiệp “3 tại chỗ” tạm ngưng. 4

VI PHẠM CHỐNG DỊCH COVID-19. 5

  1. Yêu cầu xử lý hiện tượng “cò mồi luồng xanh”. 5
  2. Bình Dương tạm đình chỉ Bí thư và Chủ tịch phường vì lơ là chống dịch. 6
  3. Cục phó chơi golf ở Bình Định "xin rút kinh nghiệm". 6

TIN QUỐC HỘI 8

  1. Bế mạc Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 8

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 9

  1. Hà Nội: Mô hình “vùng xanh” tại chung cư đạt hiệu quả chống dịch COVID-19. 9

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 10

  1. Brecorder: Các quốc gia có thể học kinh nghiệm gì từ Việt Nam trong việc thu hút các "ông lớn" công nghệ như Samsung, Intel, LG…... 10
  2. Báo Nhật: Ấn Độ đang bị các quốc gia như Việt Nam bỏ xa trong cuộc đua hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. 11
  3. Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng. 12
  4. Doanh nghiệp quan tâm sản xuất "4 xanh". 13
  5. Vận tải còn điểm nghẽn dù có “luồng xanh”, Tổng cục Đường bộ công bố đường dây nóng  14

QUẢN LÝ.. 15

  1. Sửa Luật Đất đai: Việc đại sự nên lắng nghe càng nhiều càng tốt 15
  2. Dự thảo về nhà công vụ: Quy định mới về việc cấp nhà cho lãnh đạo. 16
  3. Quảng Ngãi: Hàng loạt lãnh đạo bị phê bình vì chậm giải quyết hồ sơ đất đai cho dân. 17
  4. 4 tỉnh, thành thay đổi lịch đi học lại 2021, tạm dừng tựu trường, khai giảng. 18

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 19

  1. Đắk Lắk: “Ba không, ba nên” trong cải cách hành chính. 19

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 20

  1. Cấp hàng loạt sổ đỏ trái luật, Phó giám đốc Sở TN&MT Gia Lai bị khiển trách. 20
  2. Hà Nội: Cựu phó chủ tịch HĐND phường bị truy tố vì lập vi bằng giả chiếm đoạt đất 21

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Thủ tướng chủ trì họp khẩn với địa phương về phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 19.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 

Theo đó, cuộc họp trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Chính phủ đến UBND các tỉnh, thành trong cả nước. Tại đầu cầu Chính phủ ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành.

Tham dự còn có Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công An, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ.

Điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phụ trách công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.

Tại điểm cầu UBND TP.HCM còn có các Thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong sáng nay, Văn phòng Chính phủ đã phát đi công văn thượng khẩn mời lãnh đạo các bộ ngành và địa phương dự họp cuộc họp này.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các địa phương diễn ra sáng nay, Thủ tướng dành thời gian để phát biểu về công tác phòng chống dịch.

Thủ tướng cho biết, hiện các địa phương đang triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 86 của Chính phủ, Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn.

Thủ tướng lưu ý, phải thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh, “ai ở đâu ở đó” thì mới có thể cách ly được nguồn lây, kiểm soát lây nhiễm.

Để làm tốt việc giãn cách, cần lo cho dân, bảo đảm không ai bị thiếu ăn thiếu mặc, bảo đảm nhu cầu y tế của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Đồng thời, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch.

Việc giãn cách xã hội còn kéo dài trong khi nguồn lực con người, vật chất đều có hạn, nhất là các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã làm việc hết sức mình trong thời gian dài, phải quá tải.

Thủ tướng kêu gọi các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương mình, tiếp tục chi viện, ủng hộ, giúp đỡ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam cả về con người và cơ sở vật chất theo tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì TP. Hồ Chí Minh”. (Laodong.vn 19/8, Vương Trần)Về đầu trang

Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Hà Nội vẫn ở mức cao, khó lường

Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành "Kết luận của Thường trực Thành ủy về tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố". Kết luận được đưa ra tại cuộc họp ngày 16/8 dưới sự chủ trì của ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.

Kết luận nêu rõ, vì nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường, việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và nhận định có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết; trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện "chặt ngoài, lỏng trong".

Để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt không để dịch lan rộng, Thường trực Thành ủy cơ bản thống nhất với Báo cáo số 659-BC/BCSĐ ngày 16/8/2021 của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc 7 nhiệm vụ.

Thường trực Thành ủy yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy ý chí quyết tâm, sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, quyết liệt, chung sức đồng lòng thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách thực chất, hiệu quả, sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý như đã nêu trong Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.

Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm; phát huy tốt vai trò các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong". Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.

Cũng theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, phải tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng, trong đó lưu ý việc xác định các khu vực nguy cơ cao bảo đảm chính xác, ưu tiên xét nghiệm các "vùng đỏ", các đối tượng nguy cơ cao như: Lực lượng tuyến đầu, người lao động tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, dịch vụ, công nhân lao động khu công nghiệp, chế xuất, giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện...

Nhận định các đợt tiêm vaccine vừa qua cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, an toàn, Thường trực Thành ủy yêu cầu thời gian tới, tiếp tục triển khai và kiểm soát việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, đúng quy định; triển khai tiêm ngay khi có vaccine; nhất trí ưu tiên các đối tượng như: Lực lượng tuyến đầu, những trường hợp thuộc diện tiêm phòng vaccine mũi 2, người lao động tham gia chuỗi cung ứng, các dịch vụ, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, công nhân vệ sinh môi trường, nhân viên các nhà tang lễ, tài xế taxi được huy động phòng, chống dịch, nhân viên bán hàng tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các dịch vụ thiết yếu, đối tượng làm việc tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao...

"Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố phân bổ vaccine, phê duyệt đối tượng tiêm trên địa bàn thành phố và trực tiếp kiểm tra, đồng thời, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra việc triển khai tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng và các cơ sở y tế trung ương trên địa bàn, nghiêm cấm việc đưa người từ các địa phương khác về thành phố tiêm, bảo đảm khoa học, an toàn và đúng đối tượng", kết luận của Thường trực Thành ủy nêu rõ. (VTV.vn 19/8)Về đầu trang

Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu 3 lý do người dân ra đường đông hơn

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết có 3 lý do chính khiến người dân ra đường đông hơn gồm: có thêm đối tượng được phép ra đường, các tuyến đường nhánh bị chặn và người dân đi tiêm vắc xin Covid-19.

Chiều 19.8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết theo thống kê của Công an TP.HCM thì mỗi ngày có khoảng 1,2 triệu người ra đường; lực lượng chức năng kiểm soát 200.000 phương tiện, trong đó có 100.000 phương tiện cá nhân, xử phạt 1.500 trường hợp, buộc quay đầu 3.200 trường hợp..

Về lý do người dân ra đường tăng lên, ông Đức cho biết có 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, sau thời gian áp dụng giãn cách chỉ có một số dịch vụ hoạt động, thì đến ngày 16.8, TP.HCM cho phép thêm nhiều dịch vụ được hoạt động để duy trì cuộc sống hằng ngày như: bảo trì hạ tầng kỹ thuật tòa nhà chung cư, cấp thoát nước, điều hòa…

Thứ 2, các địa phương rào chắn lại các tuyến đường nhánh và chỉ duy trì các tuyến đường chính để thuận tiện cho công tác kiểm soát. Ông Đức cho biết bản thân ông đi về cũng phải đi đường vòng, mất thêm 10 - 15 phút so với trước đây. Do vậy, dù quy mô số người ra đường vẫn như cũ nhưng số đường đi ít hơn nên có cảm giác đông hơn.

Thứ 3, là người dân cần ra đường để đi tiêm vắc xin Covid-19. Ông Đức thông tin mỗi ngày có khoảng 200.000 người đi tiêm vắc xin, thậm chí có ngày lên đến hơn 300.000 người. Đây là công tác quan trọng nên không thể dừng; và nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch thì không tạo ra mối nguy cơ lớn.

Về tình hình ùn tác ở các chốt kiểm soát, ông Đức cho biết sáng nay, Công an TP.HCM đã tổ chức cuộc họp, rà soát các đối tượng được phép hoạt động (hiện 17 đối tượng) để có quy định cụ thể hơn; trong đó nếu trường hợp không cần thiết thì sẽ hạn chế ra đường để thực hiện mục tiêu giãn cách. (Thanhnien.vn 19/8, Sỹ Đông)Về đầu trang

Bình Dương vượt mốc 55.000 ca mắc, gần 300 doanh nghiệp “3 tại chỗ” tạm ngưng

Tối 19/8, Sở Y tế Bình Dương thông tin, trong 24 giờ qua, địa phương ghi nhận thêm 3.255 ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 55.601 ca mắc COVID-19.

Trong đó có 5.178 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 17.624 ca bệnh phát hiện trong Khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 20.347 ca bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 10.698 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa). Bình Dương có hơn 15.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 422 ca tử vong.

Trong đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng lần 2 (từ ngày 2/8 đến nay) các địa phương lấy mẫu test nhanh và PCR cho 630.683 người, có 20.072 trường hợp dương tính. CDC tỉnh Bình Dương triển khai lấy mẫu PCR cho 111.076 công nhân tại 114 công ty trong các KCN, kết quả có 258 trường hợp dương tính.

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay trên địa bàn có 1.885 doanh nghiệp với 272.851 lao động đăng ký hoạt động “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”. Trong đó, có 1.370 doanh nghiệp với 141.840 lao động đang hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp thành lập 10.864 Tổ An toàn COVID-19 tại chỗ.

Ông Bùi Minh Trí – Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, trong quá trình hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, một số doanh nghiệp không đảm bảo được quy định phòng, chống dịch, một số công ty phát hiện ca F0. Do đó, tính đến nay đã có 294 doanh nghiệp xin tạm ngưng hoạt động.

Nói về mô hình hoạt động “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp và người lao động, địa phương tăng thêm điều kiện. Ngoài việc doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện “3 tại chỗ” trước đây, kèm theo điều kiện phải đảm bảo năng lực xử lý trong trường hợp phát hiện F0, như bố trí cách ly, điều trị tại công ty. (Tienphong.vn 19/8, Hương Chi)Về đầu trang

VI PHẠM CHỐNG DỊCH COVID-19

Yêu cầu xử lý hiện tượng “cò mồi luồng xanh”

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý hiện tượng “cò mồi luồng xanh” làm dịch vụ kê khai thông tin về giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) xuất hiện tại một số địa phương.

Tổng cục yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải địa phương công bố công khai, hướng dẫn đơn vị vận tải về quy trình kê khai thông tin giấy nhận diện phương tiện để nắm rõ; trong đó, nêu rõ việc kê khai thông tin rất đơn giản và nhanh chóng thông qua phần mềm trực tuyến (không tiếp xúc với cơ quan quản lý) nên đề nghị đơn vị vận tải không thông qua trung gian hoặc “cò mồi” để tránh bị lừa và mất tiền.

Các Sở Giao thông Vận tải công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, zalo, email người giải quyết, tiếp nhận thông tin phản ánh của sở; bố trí đội ngũ cán bộ để đảm bảo giải quyết ngay khi các đơn vị vận tải hoàn thành việc kê khai đầy đủ, chính xác các thông tin về giấy nhận diện theo hướng dẫn.

Yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hiện tượng ‘cò mồi’ luồng xanh tại địa phương thì phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra, xử lý kịp thời.

Đồng thời, đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ôtô các địa phương tăng cường tuyên truyền về giấy nhận diện phương tiện không phải là điều kiện bắt buộc khi phương tiện lưu thông vận chuyển hàng hoá, giấy nhận diện phương tiện để nhận diện và ưu tiên cho phương tiện trong quá trình tổ chức, điều tiết giao thông khi xảy ra dịch COVID-19. Phương tiện vận tải hàng hoá có hay không có giấy nhận diện đều được phép vận chuyển hàng hoá khi đáp ứng các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19.

Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền cho đơn vị vận tải về trình tự kê khai thông tin giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code để đơn vị hiểu và thực hiện về quy trình đơn giản và thuận tiện này; yêu cầu đơn vị vận tải tuyệt đối không thông qua dịch vụ để tránh tình trạng bị lừa đảo, gây thiệt hại về kinh tế và bức xúc cho đơn vị, chủ phương tiện. Trường hợp đơn vị vận tải cần có hướng dẫn chi tiết đề nghị liên hệ ngay với Sở Giao thông Vận tải địa phương để được hỗ trợ, giải quyết. (Laodong.vn 19/8, Minh Hạnh)Về đầu trang

Bình Dương tạm đình chỉ Bí thư và Chủ tịch phường vì lơ là chống dịch

Tại thành phố Thuận An, Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Hội - Bí Thư Đảng ủy phường Thuận Giao và ông Lý Bình Sơn - Chủ tịch UBND phường Thuận Giao (thành phố Thuận An, Bình Dương) bị tạm đình chỉ công tác vì lơ là chống dịch COVID-19.

Bí thư và Chủ tịch UBND phường Thuận Giao bị tạm đình chỉ công tác từ ngày 19.8 đến ngày 17.9 vì thiếu sâu sát, lúng túng trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Ngày 19.8, Ban Thường vụ Thành ủy Thuận An đã công bố quyết định trên và điều động nhân sự mới đảm nhận nhiệm vụ của ông Hội và ông Sơn.

Ban Thường vụ Thành ủy Thuận An phân công ông Nguyễn Hữu Châu - Chánh Thanh tra Thành phố Thuận An và ông Đoàn Tấn Dũng - Chánh Văn phòng HĐND-UBND Thành phố Thuận An lần lượt đảm nhiệm vị trí Trưởng ban và Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Thuận Giao kể từ ngày 19.8 đến ngày 17.9.

Theo ghi nhận, thành phố Thuận An là một trong những địa phương xảy ra dịch bệnh nặng nề nhất ở tỉnh Bình Dương. Phường Thuận Giao là địa bàn đông công nhân lao động, có đến 86.000 lao động đang sống và làm việc trên địa bàn. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trên địa bàn phường rất cao. Gần đây trên địa bàn phường Thuận Giao xảy ra một số sự vụ nóng như: Vụ nữ công nhân mắc COVID-19 tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngoài ra, tại các khu trọ, nhiều lao động lơ là phòng chống dịch, tụ tập trái quy định, không đeo khẩu trang.... nhưng thiếu sự xử lý của phường.

Về tình hình dịch bệnh, Bình Dương vẫn đang là điểm nóng chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 19.8, tỉnh Bình Dương tiếp tục phát hiện trên 3.255 ca mắc COVID-19. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh ghi nhận 55.601 ca mắc COVID-19. Thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát đang là địa bàn có xu hướng số ca mắc tăng. (Laodong.vn 19/8, Đình Trọng)Về đầu trang

Cục phó chơi golf ở Bình Định "xin rút kinh nghiệm"

Liên quan vụ chơi golf giữa đại dịch khiến Tổng cục Thuế phải ra quyết định tạm đình chỉ công tác, Cục phó Cục Thuế Bình Định Nguyễn Công Thành đã làm kiểm điểm cá nhân gửi cơ quan.

Ông Thành hiện đang tự theo dõi sức khỏe tại nhà ở phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn theo yêu cầu từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Bình Định.

Giải trình lý do hiện diện trong nhóm 4 người chơi golf, ông Thành cho biết nhận giấy mời của Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch Bình Định chiều 30.7, “về việc tham gia chuyến khảo sát thực địa tại hệ thống sân golf thuộc quần thể du lịch FLC Quy Nhơn cùng đồng chí giám đốc Sở Du lịch vào lúc 14h00 ngày 1.8 (chủ nhật) để làm cơ sở cho việc xây dựng quy trình và tiêu chuẩn sử dụng các dịch vụ sân golf theo Đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay charter đến Bình Định trong điều kiện bình thường mới”.

Xin lưu ý, đề án thí điểm trên, đến ngày 11.8, tức hơn 10 ngày sau, mới được UBND tỉnh Bình Định giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các đơn vị hữu quan xây dựng.

Ông Thành viết tiếp: “Nhận thấy việc khảo sát có ý nghĩa và liên quan đến nhiệm vụ bản thân trong lĩnh vực công tác (hiện được phân công theo dõi Phòng Thanh tra – Kiểm tra 1 quản lý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, thương mại, du lịch…); vừa có khả năng tham gia ý kiến trong hoạt động đánh golf của khách du lịch trong điều kiện bình thường mới, vừa góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tạo nguồn thu trang trải chi phí và đóng góp cho ngân sách trong thời kỳ dịch bệnh đang bùng phát mạnh; đồng thời bản thân cũng đã tiêm vaccine COVID-19, đủ điều kiện tham gia buổi khảo sát theo lời mời trên, tôi đồng ý tham gia”.

Ông Thành thuật lại đã đến sân golf bằng phương tiện cá nhân, tham gia buổi khảo sát theo chương trình, kế hoạch chuẩn bị trước cùng 4 nhân viên do ban quản lý sân golf bố trí. “Khi ra sân golf, mỗi xe điện chỉ chở 1 đại biểu ngồi phía trước và một nhân viên đứng sau xe. Các hoạt động trên sân golf đều giữ khoảng cách 2m theo quy định, xe điện đi quanh sân và các khu vực dự kiến khảo sát. Đại biểu đóng góp, trao đổi ý kiến cụ thể về các hoạt động dịch vụ trên sân golf, phân luồng dự kiến cho khoa học và khách đánh golf cùng các dịch vụ liên quan ngay trên sân. Sau đó, các đại biểu ra về ngay để hạn chế đến mức thấp nhất các tiếp xúc trong quá trình khảo sát”- giải trình của ông Thành có nhiều đoạn nhấn mạnh ý thức phòng dịch.

Ông Nguyễn Công Thành cho biết: “Sau khi thực hiện xong buổi khảo sát, tôi về thẳng nhà và không tiếp xúc với ai. Ngày 2.8.2021, tôi đi làm bình thường và về thẳng nhà, không tiếp xúc với ai. Ngày 3.8.2021, tôi thực hiện khai báo y tế và cách ly theo quy định”. Cho rằng “ban quản lý sân golf đã không kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định khai báo y tế của nhân viên, dẫn đến việc có nhân viên trong buổi khảo sát bị nhiễm COVID-19”, ông Thành nhìn nhận khuyết điểm bản thân là “không cẩn thận kiểm tra đầy đủ việc khai báo y tế của nhân viên phục vụ, làm ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan”.

Cục phó Cục Thuế Bình Định “tự nhận xét, đánh giá” như sau: “Để xảy ra sơ sót như trên, tôi xin nhận khuyết điểm và đây cũng là bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm đối với hoạt động của bản thân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến rất phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, ngay sau khi biết được sự việc, tôi đã chủ động, tích cực, kịp thời khắc phục tốt các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đến nay đã không để xảy ra lây lan dịch bệnh cũng như bất cứ thiệt hại nào cho những người đã tiếp xúc và cộng đồng.

Về việc chưa kịp thời báo cáo thủ trưởng cơ quan đối với hoạt động khảo sát nêu trên, tôi cũng xin nhận khuyết điểm vì dự kiến sẽ báo cáo sau khi thực hiện công việc trong ngày nghỉ nhưng sau đó bị cách ly theo quy định phòng chống dịch nên chưa kịp báo cáo”.

Ông Thành “tự nhận hình thức: Kiểm điểm rút kinh nghiệm”. (Laodong.vn 19/8, Xuân Nhàn)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Bế mạc Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 18.8, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ Hai.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình Phiên họp thứ Hai. Các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, sâu sắc, chất lượng và rất tâm huyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao đối với các vấn đề quyết định theo thẩm quyền; thống nhất các định hướng lớn về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội để các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục chuẩn bị, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nguyên tắc, định mức chung về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc cần phải làm rõ thêm để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi ký ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, giải thể các Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân. Thông qua Nghị quyết về quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Giao Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ký ban hành. 

Sau Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Nhất và tiếp tục hoàn thiện dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Hai gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Đối với các nội dung khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng triển khai các kết luận tại Phiên họp và hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành. (Daibieunhandan.vn 19/8, Trung Thành)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Hà Nội: Mô hình “vùng xanh” tại chung cư đạt hiệu quả chống dịch COVID-19

Mô hình “vùng xanh” được thiết lập tại TP Hà Nội đã nhiều ngày nay, nhiều khu chung cư cũng đã trở thành “vùng xanh”, giúp đạt hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thiết lập các "vùng xanh" là giải pháp có ý nghĩa phòng thủ rất quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Chính quyền cần hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định "vùng xanh", cách thức tổ chức cho người dân tự quản lý; giao Tổ COVID-19 cộng đồng làm nòng cốt, vận động người dân tham gia hoạt động chống dịch.

Tại Hà Nội, dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm bớt. Nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là các khu chung cư đã thiết lập "vùng xanh", tạo các chốt kiểm soát ra/vào trước mỗi tòa nhà để tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn cho hàng ngàn hộ gia đình sinh sống tại các chung cư.

Theo ghi nhận tại chung cư Thăng Long Number One (số 1 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), các chốt kiểm soát bảo vệ vùng xanh đã được Ban quản lý vận hành tòa nhà thành lập từ rất sớm. Ngay sau khi nhận được công văn thành lập tổ tự quản an toàn phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền, các tấm biển chốt "vùng xanh" trước cổng tòa nhà đã được dựng lên, tạo thành vành đai bảo vệ kín kẽ.

Ông Đặng Thanh Hải – Đại diện Ban quản lý vận hành VISAHO của chung cư Thăng Long Number One cho biết: "Ngoài Tổ COVID-19 cộng đồng, chúng tôi cũng thành lập các tổ trực chốt tại các cổng của chung cư. Các cổng đều có nhân sự trực 24/24, thực hiện kiểm soát người ra/vào tòa nhà mỗi ngày, kiểm soát việc tiếp nhận đồ chuyển phát từ vòng ngoài, không cho người lạ vào khu vực, kiểm tra và ngăn chặn những người ra đường không có lý do chính đáng để yêu cầu thực hiện theo đúng quy định về giãn cách; không cho các cư dân tự ý chuyển đồ từ người lạ vào khu dân cư, phát hiện sớm các yếu tố dịch tễ tại khu vực để thông báo cho Trạm y tế xử lý theo quy định…"

Ông Hải cho biết, việc lập chốt "vùng xanh" được chính quyền địa phương cũng như cư dân ủng hộ, đánh giá cao vì đã đảm bảo được an toàn cho cư dân. "Để ủng hộ việc lập chốt Vùng xanh, cư dân còn ủng hộ thêm các nhu yếu phẩm, lập quỹ để gửi tặng, động viên cho các nhân viên làm công việc trực chốt" – ông Hải chia sẻ thêm.

Về việc đảm bảo nhu yếu phẩm cho các cư dân tại tòa nhà trong thời gian giãn cách, Ban quản lý vận hành tòa nhà cũng hướng dẫn cư dân mua bán tại cửa hàng tiện lợi nằm trong tòa nhà nhưng đảm bảo giãn cách tối thiểu và các biện pháp phòng dịch. Đồng thời cũng đạo điều kiện để các hộ dân cư trao đổi, mua bán hàng hóa tại "chợ online" cư dân, hỗ trợ các biện pháp phòng dịch nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. (VTV.vn 19/8)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Brecorder: Các quốc gia có thể học kinh nghiệm gì từ Việt Nam trong việc thu hút các "ông lớn" công nghệ như Samsung, Intel, LG…

Brecorder (báo Pakistan) nhận định, Việt Nam đang trở thành quốc gia đáng học hỏi trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với quốc gia như Pakistan. Hiện Việt Nam đang là điểm đến của nhiều “ông lớn” công nghệ như Samsung, Intel,…nhờ các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tờ báo Pakistan đánh giá, nền kinh tế Pakistan chủ yếu dựa vào nhập khẩu trong suốt 7 thập kỷ qua, trong tháng 7/2021, giá trị nhập khẩu của quốc gia này đạt 5,4 tỷ USD.

Riêng trong tháng 6/2021, giá trị hàng hóa nhập khẩu của Pakistan ghi nhận mức giá trị cao nhất trong lịch sử, đạt ngưỡng 6,05 tỷ USD. Vì lẽ đó mà nguồn USD dần trở nên khan hiếm trên thị trường Pakistan. Do vậy, để cải thiện nguồn cung ngoại tệ và trả nợ nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước Pakistan buộc phải sử dụng khoản dự trữ ngoại hối, khiến giá trị đồng Rupee giảm từ 152 rupee/1 USD xuống còn 164 rupee/1 USD.

Sự sụt giảm đồng nội tệ càng làm giá cả mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, dễ khiến nền kinh tế Pakistan rơi vào tình trạng lạm phát tăng cao và đô la hóa trên thị trường.

Trước tình hình đó, biện pháp để Pakistan có thể khắc phục tình trạng này đó là tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao để chi trả cho các khoản nợ và hóa đơn nhập khẩu. Mặt hàng Chính phủ Pakistan muốn tăng cường xuất khẩu là điện tử, máy tính, điện thoại thông minh, các linh kiện công nghệ thông tin,…

Vi dụ, Zeeshan Mian Noor, một doanh nghiệp sản xuất điện thoại nội địa ở Pakistan, cho biết công ty hiện đang chủ yếu sản xuất các sản phẩm có thương hiệu từ Trung Quốc. Mục tiêu chính của doanh nghiệp trong tương lai đó là có thể thâm nhập vào thị trường Trung Đông cấp thấp như Iraq, Iran.

Tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của Trung Quốc hiện đang đạt hơn 140 tỷ USD, tuy nhiên giá nhân công đang có xu hướng tăng lên. Do đó, Trung Quốc đang hướng tới sản xuất mặt hàng công nghệ cao và dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh. Hiện tại, giá nhân công ở Việt Nam, Indonesia cũng đang tăng còn Ấn Độ đang vướng phải căng thẳng chính trị với Trung Quốc nên Bangladesh trở thành đối thủ duy nhất Pakistan cần cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bangladesh có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhanh chóng, tổng giá trị lên tới 35 tỷ USD. Mặc dù ngành dệt may vẫn đóng vai trò quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu nhưng các mặt hàng công nghệ thông tin, phần mềm, sản phẩm kĩ thuật nhẹ đang đang ngày càng có tốc độ tăng đáng nể. Điều đó khiến Pakistan phải nghiên cứu thật kỹ để chứng minh cho các nhà đầu tư rằng quốc gia này có thể đáp ứng các yêu cầu về cơ sở sản xuất và là điểm đến lý tưởng.

Để làm được điều đó, Việt Nam là quốc gia đáng để Pakistan học hỏi trong cuộc chiến thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Với chi phí tăng, Trung Quốc không còn là điểm đến cho các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam trở thành đối thủ nặng ký. Gần đây, số lượng đơn hàng và vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể.

Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh chi phí gia tăng và sự phức tạp về chính trị, cũng như môi trường pháp lý ở Trung Quốc.

Việt Nam có thể thành công trong việc thu hút nhà đầu tư do đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình. So với các nước đang phát triển trong khu vực, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia dẫn đầu về sản xuất và nguồn cung ứng chi phí thấp.

Hiện tại, chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng 50% so với Trung Quốc và khoảng 40% so với chi phí ở Thái Lan, Philippines. Chưa kể, chi phí lao động của Việt Nam không đắt, lực lượng lao động tăng đều đặn, tuổi trung bình lại trẻ và ngày càng có tay nghề cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư do các chính sách khuyến khích đầu tư về tài chính, pháp lý. Đồng thời, Chính phủ đã thực hiện cải cách nhiều quy định về kinh doanh, đầu tư cũng như không ngừng nâng cao chất lượng lao động. (Cafef.vn 19/8)Về đầu trang

Báo Nhật: Ấn Độ đang bị các quốc gia như Việt Nam bỏ xa trong cuộc đua hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Nikkei, do khả năng tiếp cận các gói ưu đãi thương mại còn kém nên Ấn Độ đang tụt lại trong việc tiếp cận với các chuỗi cung ứng được dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Kể từ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ - Trung xảy ra cùng với sự bùng nổ của đại dịch COVID-19, đã có nhiều ý kiến ​​cho biết các công ty đa quốc gia phương Tây nên dịch chuyển khỏi Trung Quốc để đảm bảo an toàn cho quá trình sản xuất.

Hơn nữa, ý kiến khác ​​cho rằng vì chi phí và quy mô nên được đa dạng hóa từ Trung Quốc sang các đối tác châu Á khác nên sự phụ thuộc vào các trung tâm của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) là cần thiết. Về lý thuyết, Ấn Độ với lực lượng lao động lớn sẽ là một đối tác lý tưởng.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2021, Ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS đã lưu ý trong báo cáo "Tìm kiếm lại chuỗi cung ứng: ở đâu, cái gì và bao nhiêu?" (Reshoring the supply chain: where, what and how much?), việc các công ty đa quốc gia phương Tây đang rút lui khỏi GVC ở Trung Quốc là điều không hoàn toàn rõ ràng.

Để giải thích cho điều này, UBS cho rằng, mặc dù mức lương ở Trung Quốc cao gần gấp 3 lần ở Ấn Độ, nhưng chi phí sản xuất ở đây lại thấp hơn ở Ấn Độ khoảng 5%. Vì quy mô kinh tế Trung Quốc lớn hơn đã cho phép các doanh nghiệp nước ngoài duy trì khả năng cạnh tranh của mình.

Ngoài quốc gia được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới với thị trường nội địa khổng lồ là Mỹ, thì Ấn Độ là quốc gia lớn duy nhất vắng mặt trong cả hai thỏa thuận thương mại lớn chiếm phần lớn hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu. Đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Theo Nikkei, Ấn Độ sẽ cực kỳ khó tiếp cận với bất kỳ GVC đang muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc do quốc gia đã không tiếp cận những ưu đãi của các hiệp định kể trên. Hơn nữa, khả năng các công ty Ấn Độ có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội tiếp cận các gói ưu đãi vốn không cao.

Theo một báo cáo năm 2017 về "Tận dụng FTA - Cơ hội đang chờ đợi cho ngành công nghiệp Ấn Độ" của Deloitte, chưa tới 3% các công ty Ấn Độ đang tận dụng các hiệp định thương mại, so với 80% ở các nước tiên tiến. Lý do chủ yếu là vì Ấn Độ không nhận ra được những lợi thế ưu đãi đi kèm của các hiệp định thương mại

Một thước đo được sử dụng rộng rãi để đánh giá sự hội nhập của nền kinh tế vào GVC là cơ sở dữ liệu "Thương mại trong chuỗi giá trị gia tăng và toàn cầu" của Tổ chức Thương mại Thế giới. Năm 2015, yếu tố giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ đạt 34,1%, còn Việt Nam đã dẫn đầu ở châu Á với yếu tố giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu đạt 55,7%.

Có lẽ điều này giúp giải thích mức độ tiếp cận kém của Ấn Độ trong các GVC hiện tại so với các nền kinh tế châu Á đang phát triển khác như Việt Nam. Nikkei nhận xét, Việt Nam đang bỏ xa Ấn Độ trong việc giành lấy bất kỳ khối GVC nào đang được dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. (Cafef.vn 19/8, Quỳnh Anh)Về đầu trang

Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn về việc thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ngân hàng nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, vào cuộc cùng với hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương để chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn thông qua giải pháp hỗ trợ hữu hiệu, thiết thực như giảm lãi suất, phí...

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại công văn ngày 16/7 để giữ uy tín của mỗi ngân hàng cũng như toàn ngành nói chung trước người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hàng tháng.

Đồng thời, tăng cường giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.

Mới đây, dưới sự định hướng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức họp 16 tổ chức tín dụng và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung đã nhất trí mỗi ngân hàng giảm 1.000 tỷ đồng tiền lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19. (VTV.vn 19/8)Về đầu trang

Doanh nghiệp quan tâm sản xuất "4 xanh"

Trong văn bản khẩn vừa ban hành về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch từ ngày 15-8 đến 15-9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu 5%-10% doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn theo 1 trong 4 phương án.

Trong đó, "4 xanh" là phương án được nhiều DN lựa chọn nhất. DN tổ chức hoạt động theo phương án "4 xanh" gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết đang chờ hướng dẫn của sở - ngành, chính quyền địa phương để bắt tay thực hiện phương án "4 xanh". "Anh em công nhân đã "cắm trại" hơn 1 tháng, nếu càng kéo dài càng rủi ro và nguy cơ mất lao động nên chúng tôi chờ có hướng dẫn là áp dụng ngay để giảm chi phí và giữ nguồn nhân lực" - ông Thiện bày tỏ.

Theo ông Thiện, người lao động rất có ý thức phòng dịch, sợ bị lây nhiễm bệnh nên họ sẽ tuân thủ tốt các quy định, cam kết mới (nếu có). Ban giám đốc công ty cũng đã yêu cầu Công đoàn chuẩn bị phương án đi chợ giùm công nhân để công nhân hết giờ làm không phải lo đi chợ mà có sẵn rau củ, thịt cá… mang thẳng từ công ty về nhà.

Đánh giá "4 xanh" là hình thức quản lý tương đối phù hợp nhưng còn một số vấn đề cần phối hợp để triển khai, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) chỉ ra cần có kết nối với cơ quan nhà nước trong công tác sàng lọc, xét nghiệm Covid-19 cho người lao động để kết quả xét nghiệm được cơ quan quản lý ở địa phương chứng nhận; kết nối trong tích hợp quản lý cơ sở dữ liệu người lao động…

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA, chủ trương của TP là trao quyền cho chủ DN nhiều hơn trong lựa chọn phương án sản xuất an toàn, phù hợp thực tiễn đơn vị. "Trong tuần này, HAWA sẽ có báo cáo chi tiết tình hình của DN trong hội và các giải pháp duy trì sản xuất an toàn. Theo số liệu khảo sát cách đây 10 ngày, chỉ còn hơn 40% DN ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ hoạt động, công suất sản xuất đang giảm đáng kể trong khi đây là dịp giao hàng quan trọng cho thị trường cuối năm. Vì vậy, khả năng là DN vẫn ưu tiên các giải pháp an toàn trong bối cảnh F0 ngoài cộng đồng còn nhiều; kế đến là các giải pháp thay thế mang tính khả thi" - ông Phương chia sẻ.

Theo ông Phạm Thanh Trực - Phó Ban Quản lý KCX-KCN TP HCM (Hepza), Hepza từ 780 DN đăng ký "3 tại chỗ", nay chỉ còn khoảng 600 DN đáp ứng mô hình sản xuất này và quy mô ngày càng giảm. Dù vậy, các DN chưa áp dụng "3 tại chỗ" đang nộp hồ sơ đăng ký triển khai nhằm giải quyết đơn hàng gấp và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, DN đang gặp khó vì theo Chỉ thị 16 là "ai ở đâu thì ở yên đó", việc tập kết người lao động từ nơi ở đến khách sạn hoặc nhà máy gặp khó.

"Về giải pháp "4 xanh", chúng tôi cố gắng kết nối với các địa phương để người lao động từ vùng xanh đến nhà máy xanh. "4 xanh" là điều kiện sản xuất lý tưởng nhưng việc triển khai sẽ rất khó trong khi hiện mới chỉ có khái niệm "4 xanh" trong văn bản chỉ đạo của TP, DN rất cần hướng dẫn cụ thể để bắt tay thực hiện" - ông Trực nêu ý kiến. (Nld.com.vn 19/8)Về đầu trang

Vận tải còn điểm nghẽn dù có “luồng xanh”, Tổng cục Đường bộ công bố đường dây nóng

Dù luồng xanh đã mang đến sự đột phá khơi thông vận tải hàng hóa, nhưng đến thời điểm này, một số nơi vẫn xuất hiện những điểm nghẽn. Trước tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải vào cuộc công bố đường dây nóng để gỡ khó cho doanh nghiệp.

COVID-19 đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các doanh nghiệp vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng. Các doanh nghiệp vận tải gặp khó khi nhiều tỉnh quy định một kiểu về xét nghiệm COVID-19, có những nơi yêu cầu tài xế xét nghiệm PCR thay vì test nhanh khiến chi phí đội lên.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội đưa ra số liệu: Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. So với trước dịch, sản lượng vận tải hành khách giảm sút 20-30%; Vận tải hợp đồng du lịch gần như đóng băng; doanh thu vận tải hàng hoá giảm sút 20-30%; Số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%.

Đối với vận tải hàng hóa, ông Quyền chia sẻ, vận tải hàng hoá lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên.

“Nói chung, vận tải hàng hoá hiện vẫn có thể hoạt động được nhưng sản lượng bị giảm sút, chi phí tăng lên. Đặc biệt điều kiện làm việc của anh em lái xe cũng rất khó khăn do phải thực hiện quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi/đến từ địa phương vùng dịch” – ông Quyền nhận định.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố công bố 2 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về vận tải đường bộ.

Theo đó, số điện thoại tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô phản ánh theo số: 0886016640.

Số điện thoại tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp về an toàn giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông: 0916608085.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố công bố đường dây nóng của Sở GTVT để tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, giải đáp kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, Cục Y tế GTVT và Sở GTVT các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị nêu trên phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các Bộ: Y tế, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ động tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

"Các đơn vị công bố số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa", Bộ GTVT chỉ đạo. (Tienphong.vn 19/8, Ngọc Mai)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sửa Luật Đất đai: Việc đại sự nên lắng nghe càng nhiều càng tốt

Chiều 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, song song với quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Chính phủ đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo để tổng kết thi hành Luật Đất đai và Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Tới nay, cơ bản các Bộ, ngành và địa phương đều tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo để cập nhật và hoàn thiện.

Trên cơ sở Nghị quyết 19 của Trung ương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu 9 định hướng sửa đổi Luật Đất đai 2013 là: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Về thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.

Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt tác động phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, chuyên sâu.

Do vậy, để tiến hành sửa đổi Luật Đất đai 2013, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng, ý kiến sắp tới của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 19 và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư, các bộ ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đất đai và xác định cả những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp.

Đặc biệt, phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm về thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, Đồng thời giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực về đất đai, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất.

Với 9 định hướng sửa đổi nội dung của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không xác định “cứng” 9 nội dung này mà trong quá trình đánh giá thực tiễn có thể xuất hiện nhiều nội dung khác cần chỉnh sửa và sẵn sàng bổ sung, tiếp thu.

“Đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi luật, nhất là bộ luật quan trọng như Luật đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Đáng lưu ý, do tác động của dự án luật rất lớn, nên cần coi trọng việc đánh giá tác động một cách công khai, khách quan, những vấn đề mới mà chưa có quá trình nghiên cứu thì cần hết sức thận trọng. “Việc đại sự nên lắng nghe càng nhiều càng tốt, nhiều người nói, từ nhiều phía, khiêm tốn, cầu thị, gạn đục khơi trong để tạo ra sự thay đổi căn bản trong thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, Ban chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19 Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ban hành Kế hoạch số 24, giao Đảng đoàn Quốc hội các nhiệm vụ: Chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2002; rà soát, hoàn thiện các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trong phạm vi cả nước. (Tienphong.vn 19/8, Luân Dũng)Về đầu trang

Dự thảo về nhà công vụ: Quy định mới về việc cấp nhà cho lãnh đạo

Theo Dự thảo về tiêu chuẩn nhà ở công vụ đang lấy ý kiến, cấp bộ trưởng hoặc tương đương trở lên được bố trí một trong hai loại hình nhà ở công vụ là nhà liền kề diện tích đất từ 200 - 250 m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 140 - 160m2.

Dự thảo quyết định về tiêu chuẩn nhà công vụ sẽ được Bộ Xây dựng lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.

Bộ Xây dựng cho biết đã có đánh giá việc áp dụng các tiêu chuẩn về nhà ở công vụ trong thời gian qua, thấy rõ được những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn nhà ở công vụ theo Quyết định 27/2015/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó đã kiến nghị Thủ tướng phê duyệt quyết định thay thế.

Theo Dự thảo về tiêu chuẩn nhà ở công vụ đang lấy ý kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bố trí biệt thự diện tích đất khuôn viên từ 450m2 đến 500m2. Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp tương đương trở lên được bố trí biệt thự diện tích đất khuôn viên từ 350m2 đến 400m2.

Cấp Bộ trưởng hoặc cấp tương đương trở lên được bố trí một trong hai loại hình nhà ở công vụ là nhà liền kề diện tích đất từ 200m2 đến 250m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 140m2 đến 160m2.

Cấp Thứ trưởng, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ hoặc cấp tương đương trở lên được bố trí căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 100m2 đến 140m2. Các đối tượng khác được bố trí căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 80m2 đến 100m2.

Tại cấp địa phương, tiêu chuẩn nhà công vụ được dự thảo là Bí thư Tỉnh ủy và cấp tương đương được bố trí một trong hai loại hình nhà ở công vụ: Nhà liền kề diện tích đất từ 200m2 đến 250m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 140m2 đến 160m2.

Cấp Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương được bố trí căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 100m2 đến 140m2.

Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Sở, chuyên viên cao cấp, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ hoặc công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) thuộc các đơn vị sự nghiệp có vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tương đương trở lên được bố trí căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 80m2 đến 100m2.

Các chức danh chuyên viên chính, công chức, viên chức (giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế) thuộc các đơn vị sự nghiệp có vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí gian nhà tập thể diện tích sử dụng từ 30m2 đến 45m2 (không kể diện tích công trình phụ)…

Dự thảo tiêu chuẩn nhà ở công vụ còn nêu rõ về thời gian thuê, trang bị nội thất, bảo hành bảo trì, quản lý vận hành, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân… (Laodong.vn 19/8, Cao Nguyên)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Hàng loạt lãnh đạo bị phê bình vì chậm giải quyết hồ sơ đất đai cho dân

Ngày 19-8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vừa có văn bản liên quan đến việc chấn chính, phê bình lãnh đạo Sở TN-MT cùng lãnh đạo của 11 địa phương vì chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê bình Giám đốc Sở TN-MT tỉnh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành vì chưa nghiêm túc trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền mình quản lý.

Phê bình Chủ tịch UBND các huyện Ba Tơ, Bình Sơn vì không phối hợp với Sở TN-MT báo cáo số liệu hồ sơ đề nghị cấp GCN-QSDĐ cho người dân địa bàn mình quản lý.

Phê bình Chủ tịch UBND các huyện Trà Bồng, Lý Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ vì phối hợp thực hiện không nghiêm túc trong công tác báo cáo, cung cấp số liệu hồ sơ đề nghị câp GCN-QSDĐ cho người dân, làm chậm trễ thời gian chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở TN-MT cùng các địa phương khẩn trương tổng hợp, báo cáo số hồ sơ đề nghị cấp GCN-QSDĐ lần đầu còn tồn đọng trên địa bàn. Tuy vậy, nhiều địa phương lại không chịu báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo báo không đầy đủ để Sở TN-MT và ngành chức năng tổng hợp tham mưu lên UBND tỉnh giải quyết.

Tại báo cáo số 1210/BC-VP, ngày 11-8-2021 của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, trong năm 2020 ngành chức năng tỉnh này phát hiện số lượng hồ sơ đăng ký GCN-QSDĐ tại TP Quảng Ngãi và huyện Nghĩa Hành bị tồn đọng, trễ hẹn rất nhiều, gây bức xúc cho nhân dân, phát sinh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Riêng năm 2020, TP Quảng Ngãi tiếp nhận 2.480 hồ sơ, nhưng chỉ giải quyết và trả kết quả được 632 hồ sơ cho người dân. Trong đó, giải quyết đúng hẹn 36 hồ sơ, còn 596 hồ sơ trễ hẹn. Tại huyện Nghĩa Hành tiếp nhận 251 hồ sơ nhưng chỉ giải quyết cho 136 hồ sơ, trong đó 40 hồ sơ đúng hẹn, còn 96 hồ sơ trễ hẹn…

Theo đánh giá của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, tuy để xảy ra những bất cập, chậm trễ gây bức xúc trên, song việc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của UBND TP Quảng Ngãi, UBND huyện Nghĩa Hành và Sở TN-MT chưa thực sự nghiêm túc. Hầu hết đều là kiểm điểm phê bình, rút kinh nghiệm. Chỉ duy nhất có 1 viên chức văn phòng đăng ký đất tại TP Quảng Ngãi bị kỷ luật hình thức “khiển trách”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng kéo dài đã vi phạm Luật Đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, lãnh đạo các đơn vị chưa nhìn thẳng vào sự thật còn né tránh trách nhiệm, không quyết liệt thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với công tác cải cách hành chính. (Sggp.org.vn 19/8, Ngọc Oai)Về đầu trang

4 tỉnh, thành thay đổi lịch đi học lại 2021, tạm dừng tựu trường, khai giảng

Đến nay, dựa vào khung kế hoạch năm học và những chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, các tỉnh, thành đã công bố lịch tựu trường, khai giảng của học sinh các cấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ở một số địa phương đã ghi nhận một số ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng. Để đảm bảo an toàn, các địa phương đã cho tạm dừng các hoạt động giáo dục, tạm hoãn kế hoạch tựu trường, khai giảng năm học 2021-2022.

Sơn La đã cho học sinh tựu trường từ 16/8, tuy nhiên sau 1 ngày, địa bàn tỉnh xuất hiện 2 ca dương tính với Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên chưa rõ nguồn lây. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị nhà trường cho học sinh nghỉ học từ ngày 18/8, cho đến khi có thông báo mới. Đối với các trường Phổ thông dân tộc Nội trú tạm thời cho học sinh ở tại trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và chờ chỉ đạo sau.

Ngày 16/8, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có văn bản về việc tạm dừng hoạt động các trung tâm và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, bắt đầu từ ngày 17/8/2021 cho đến khi có thông báo mới. Việc tạm dừng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên.

Ngày 10/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt khung thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, ngày tựu trường là 1/9/20201; riêng đối với lớp 1, tựu trường ngày 23/8/2021. Tuy nhiên, chiều 16/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu tạm dừng hoạt động dạy học tập trung của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục từ 7h ngày 17/8/2021 cho đến khi có chỉ đạo tiếp theo.UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, quán triệt nghiêm nội dung này.

Ngày 12-8, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9 (riêng học sinh lớp 1 tựu trường ngày 23/8); tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Tuy nhiên mới đây, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản hướng dẫn triển khai các phương án khai giảng năm học mới 2021 - 2022 cho các đơn vị trường học trong tỉnh. Trong đó, Đắk Lắk sẽ lùi thời gian tựu trường của học sinh lớp 1 trễ hơn 1 tuần so với khung thời gian Bộ GD&ĐT đưa ra. (Cafef.vn 19/8, Vũ Thịnh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đắk Lắk: “Ba không, ba nên” trong cải cách hành chính

Để công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả cao, thời gian qua, Công an huyện Ea Súp đã triển khai khẩu hiệu “Ba không, ba nên” trong cải cách hành chính nhằm từng bước tăng mức độ hài lòng của người dân.

Công an huyện đã thực hiện nghiêm khẩu hiệu: “Ba không, ba nên” đó là: “Không trễ hẹn; không gây phiền hà sách nhiễu; không để nhân dân đi lại nhiều lần”, “Nên hòa nhã, ân cần tiếp xúc với nhân dân; nên xin lỗi nhân dân khi sai; nên cảm ơn khi nhân dân tham gia đóng góp ý kiến”. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua đối với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị hằng năm.

Đáng kể nhất là trong đợt hưởng ứng chiến dịch cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử của Bộ Công an vừa qua, với tinh thần "Vì nhân dân phục vụ", Đảng ủy Công an huyện Ea Súp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm việc với tinh thần "không quản ngại ngày đêm", tiếp dân 24/24 giờ trong các ngày từ thứ hai đến chủ nhật, kể cả ngày lễ, xuống từng địa bàn, đến từng nhà, nhất là các trường hợp người khuyết tật, neo đơn, già yếu, bệnh tật để làm căn cước công dân.

Cùng với đó, phối hợp với Bưu điện huyện trong việc trả căn cước công dân tại nhà thông qua hình thức chuyển phát nhanh nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và tổ chức cấp lưu động tại các xã, thị trấn, cấp tại gia đình cho người già, người khuyết tật. Đến nay đơn vị đã cấp được 50.142 căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp Giấy đủ điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự đã thực hiện nhanh gọn, rút ngắn được 20% số ngày so với trước đây. Theo thống kê, đã có 6 thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết, 16 thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ từ năm 2018 đến nay.

Để đo lường, khảo sát sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, Thượng tá Cao Tiến Phu, Trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết, đơn vị đã phát phiếu cho các tổ chức, cá nhân đến làm việc tại Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính Công an huyện và Công an các xã, thị trấn để tiếp thu, sửa chữa những khuyến điểm của cán bộ, chiến sĩ mà nhân dân phê bình, góp ý.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an huyện và Tổ điều lệnh thường xuyên kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở và xử lý kịp thời những trường hợp biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Việc làm trên đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, hạn chế tối đa các vi phạm gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân. (Baodaklak.vn 19/8)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cấp hàng loạt sổ đỏ trái luật, Phó giám đốc Sở TN&MT Gia Lai bị khiển trách

Hội đồng kỷ luật của tỉnh Gia Lai đã bỏ phiếu thống nhất kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Huỳnh Minh Sở, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; kiểm điểm rút kinh nghiệm bà Giang H’Đan, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa.

Trước đó ngày 17/8, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch tỉnh, ký Quyết định thành lập hội đồng kỷ luật công chức của tỉnh để kỷ luật hành chính hai lãnh đạo này.

UBND tỉnh Gia Lai giao ông Đỗ Tiến Đông, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, làm Chủ tịch hội đồng kỷ luật. Vào tháng 7, tại cuộc họp kiểm điểm cấp sở và cấp huyện, ông Huỳnh Minh Sở tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách, bà Giang H’Đan nhận thức thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Ông Sở và bà Giang H’Đan bị xử lý vì cấp sổ đỏ và ký cho chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định để ông Trần Xuân Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở TN&MT phân 77 thửa đất bán nền.

Kết luận số 08/KL-TTr (ngày 9/6) của Thanh tra tỉnh Gia Lai chỉ rõ: Quyết định số 83 (năm 2020) của UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Đak Đoa là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, Phó chủ tịch huyện - bà Giang H’Đan làm trái quy định của tỉnh, ký quyết định cho phép ông Trần Xuân Hùng chuyển hơn 1,4 hecta đất trồng cây lâu năm thành đất ở nông thôn, để phân lô bán nền.

Riêng ông Huỳnh Minh Sở, Phó giám đốc Sở TN&MT, ký cấp hơn 30 sổ đỏ trái luật cho ông Hùng. Các thửa đất của ông Hùng không giáp đường giao thông, không đủ 1.000m2 để tách thửa (theo quy định của UBND tỉnh Gia Lai, diện tích tách thửa nông nghiệp ở xã phải là 1.000m2), nhưng ông Huỳnh Minh Sở vẫn cấp sổ đỏ cho ông Hùng.

Sau khi sai phạm bị phát giác, UBND huyện Đak Đoa phải ra Quyết định hủy bỏ Quyết định chuyển đổi đất trái luật. Sở TN&MT thu hồi lại các sổ đỏ đã cấp cho ông Trần Xuân Hùng, cấp lại theo hiện trạng đất trồng cây lâu năm.

Hiện Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã giao Cơ quan Cảnh sát điều tra kiểm tra, xác minh việc phân lô, tách thửa của ông Trần Xuân Hùng. (Tienphong.vn 19/8, Đình Văn)Về đầu trang

Hà Nội: Cựu phó chủ tịch HĐND phường bị truy tố vì lập vi bằng giả chiếm đoạt đất

Ngày 19.8, thông tin từ Viện KSND TP.Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Phùng Đức Lợi (52 tuổi, cựu Phó chủ tịch HĐND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm 2, khoản 4, điều 174 bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo buộc, năm 2009, do không có nhu cầu sử dụng, ông Lợi đã bán hơn 1.300 m2 đất tại Tổ dân phố số 15 Tân Mỹ (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cho nhiều người, trong đó ông Nguyễn Văn Duy (66 tuổi, trú phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mua 94 m2.

Đến tháng 7.2019, gia đình ông Duy muốn bán mảnh đất này kèm căn nhà đã xây trên mảnh đất nên nhờ ông Lợi tìm khách, môi giới bán hộ.

Để chiếm đoạt tài sản, ông Lợi đã có hành vi và thủ đoạn gian dối mời Thừa phát lại lập vi bằng thể hiện Lợi là chủ sở hữu của diện tích đất của ông Duy để bán cho anh Nguyễn Văn Trung (40 tuổi, trú phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm).

Trong vi bằng số 378/2017/VB-TPLHĐ ngày 8.11.2017 nêu: “Nay lập văn bản này để xác nhận hiện Lợi đang quản lý, sử dụng diện tích thửa đất 94 m2 và toàn bộ tài sản gắn liền trên thửa đất nêu trên không có tranh chấp. Lợi cam đoan các nội dung xác nhận như trên là đúng”.

Tin tưởng vào vi bằng này, anh Trung đã quyết định mua nhà và đất nói trên. Ngày 2.1.2018, ông Lợi lại mời Thừa phát lại cùng anh Trung ngồi lại để lập Vi bằng số 05/2018/VB-TPLHĐ xác nhận việc bán nhà và đất trên cho anh Trung với số tiền 950 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Lợi đã chiếm đọat để chi tiêu cá nhân.

Ngày 7.6.2018, gia đình anh Trung dọn đến căn nhà mua của Lợi để ở thì ông Duy mới phát hiện mình bị lừa và làm đơn tố cáo ông Lợi. (Thanhnien.vn 19/8)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More