Các thông số cần chú ý khi mua điện thoại di động

Post date: 12/12/2014

Font size : A- A A+
Khi mua điện thoại di động nhiều người thường chỉ chú ý đến kiểu dáng bên ngoài và các chức năng kèm theo mà không hiểu rõ các thông số của nó. Một điều cần phải lưu ý là giá trị của chiếc điện thoại phụ thuộc rất nhiều vào các thông số này. Dưới đây là các thông số cần chú ý khi mua điện thoại di động. 

Loại băng tần được hỗ trợ:

  • Điện thoại di động càng hỗ trợ nhiều băng tần, thì càng dùng được ở nhiều nơi hơn. Điện thoại bốn băng tần đương nhiên có phạm vi phủ sóng rộng hơn so với loại hai hoặc ba băng tần.
  • Điện thoại di động có thể được sử dụng tại mọi nơi trên thế giới thường tương thích với bốn tần số GSM: 850 MHz (Mỹ), 900 MHz (châu Âu), 1800 MHz (châu Á), và 1900 MHz (tại Mỹ). Ngoài ra còn có mạng theo chuẩn 3G và CDMA.

Kích thước, trọng lượng:

  • Hiện nay, kích thước và trọng lượng của điện thoại phụ thuộc nhiều vào màn hình, Pin và các chức năng được tích hợp vào nó.
  • Thông thường, điện thoại di động có trọng lượng khoảng 113,4 gram; dài 12,5 cm, rộng 3 cm, dày 2,3 cm. Tất cả các máy có kích thước lớn hơn thông số trên đều được coi là quá khổ, trừ những thiết bị cầm tay PDA.

Màn hình:

  • Nếu điện thoại của bạn thường dùng để gửi tin nhắn, e-mail, truy cập Internet hoặc giải trí thì nên chọn điện thoại nào có màn hình đủ rộng để thực hiện những chức năng này.
  • Các điện thoại đời mới thường có màn hình kích thước lớn với độ phân giải 320x240px hoặc hơn và hiển thị 16 triệu màu cho phép xem phim với chất lượng cao, số lượng màu càng nhiều thì hình ảnh càng đẹp.
  • Lưu ý là kích thước màn hình và độ phân giải khác nhau, cùng độ phân giải nhưng màn hình nào có kích thước lớn hơn thì khoảng cách giữa các điểm ảnh sẽ thưa hơn, hình ảnh kém sắc nét hơn.
  • Một số điện thoại có màn hình cảm ứng sử dụng bằng cách chạm tay vào các biểu tượng trên màn hình hay sử dụng viết kèm theo.

Bàn phím:

  • Nếu như sau một vài phút bạn vẫn chưa khám phá được các chức năng cơ bản của máy qua quan sát bàn phím thì hãy chọn loại khác. Bố trí của bàn phím và hệ thống menu của điện thoại di động phải mang tính trực giác. Các nút bấm phải có độ nhạy và thao tác được dễ dàng.
  • Hãy kiểm tra các nút điều hướng trên bàn phím. Hầu hết điện thoại di động đều có các nút: sang trái, sang phải, xuống dưới, lên trên. Bàn phím có các điểm gờ lên thường dễ sử dụng hơn loại có bàn phím phẳng hoặc chìm vào trong.
  • Một số điện thoại được tích hợp bàn phím Qwerty, loại này nhìn chung là tiện cho việc nhắn tin, e-mail. Tuy nhiên, có những model có phím bấm rất nhỏ, không phù hợp với tay bấm của nhiều người.

Âm thanh:

  • Hỗ trợ bao nhiêu âm sắc và các định dạng âm thanh thông dụng, âm sắc càng nhiều thì nhạc càng hay. Các điện thoại đời mới hỗ trợ 64 âm sắc và các định dạng thông dụng như: MP3, AMR, MIDI, WAV, AAC, AAC+,...
  • Có chức năng ghi âm và cho phép tải thêm nhạc từ mạng hoặc các thiết bị khác.
  • Có loa ngoài và cổng kết nối với tai nghe. Theo nhận xét của nhiều người, lỗ cắm tai nghe ở phía đầu điện thoại sẽ tiện hơn so với vị trí ở giữa hoặc cuối thân máy.
  • Có chức năng thu được đài FM mà không cần gắn tai nghe.
  • Một số máy có chương trình nghe nhạc riêng với các phím điều khiển giúp sử dụng dễ dàng các chức năng nghe nhạc.

Chụp ảnh, quay/xem phim:

  • Độ phân giải của bộ cảm biến ảnh và kích thước tối đa của ảnh chụp. Các điện thoại cao cấp thường có bộ cảm biến ảnh chất lượng cao, ống kính lấy nét tự động và đèn flash tăng cường ánh sáng, thông số và độ phân giải thật được ghi rõ trên ống kính. Một số điện thoại rẻ tiền có độ phân giải ảnh thấp nên sử dụng phần mềm tăng kích thước ảnh làm cho ảnh chụp không rõ.
  • Chức năng quay phim không hạn chế thời gian (tùy thuộc vào bộ nhớ) và số khung hình trong một giây (30 khung hình trong 1 giây sẽ cho ảnh chuyện động mượt, không giật).
  • Hỗ trợ xem các định dạng phim thông dụng như: mp4, 3gp, avi,... và có chế độ xem toàn màn hình (Full Screen), xem nhanh/chậm...
  • Có nút chụp ảnh/quay phim riêng để dễ thao tác.
  • Ngoài ra một số máy còn có thêm một máy ảnh phụ cho phép vừa đàm thoại vừa nhìn thấy mặt nhau.

Bộ nhớ:

  • Có khả năng lưu trữ được nhiều số điện thoại trong danh bạ trên máy.
  • Có bộ nhớ trong đủ lớn để chạy các ứng dụng.
  • Có khe gắn thêm thẻ nhớ ngoài, khe cắm này nên được đặt nằm bên ngoài để dễ tháo lắp thẻ và có nắp đậy.

Các kết nối:

Hỗ trợ các kiểu kết nối thông dụng như: GPRS, HSCSD, EDGE, 3G, WLAN, UpnP, Bluetooth, Hồng ngoại, USB 2.0

Pin:

  • Loại Pin được sử dụng trong điện thoại và có công suất (mAh) càng lớn càng sử dụng được lâu.
  • Thời gian đàm thoại và chờ, thời gian đàm thoại liên tục của hầu hết điện thoại di động đời mới đều kéo dài ít nhất ba giờ và nằm trong khoảng từ 2 đến 6 ngày ở chế độ chờ, một số loại còn có thể chờ đến 14 ngày.
  • Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, mục đích và cách sử dụng cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ Pin. Pin ở những chiếc máy thường xuyên phải tìm sóng sẽ giảm đi rất nhanh so với những điện thoại luôn đầy sóng. Pin của máy chỉ để nghe gọi sẽ lâu hết hơn là những máy chơi game, chụp ảnh, xem phim suốt ngày.

Các ứng dụng kèm theo:

  • Gửi và nhận tin nhắn dạng chữ (SMS) và hình ảnh (MMS), thư điện tử (Email).
  • Trình duyệt Web hỗ trợ chuẩn: WAP 2.0/xHTML, HTML
  • Chức năng cài đặt, sử dụng các ứng dụng và trò chơi Java.
  • Cho phép chuyển đổi ngôn ngữ theo người sử dụng.
  • Ngoài ra tùy theo giá trị và tính năng mà điện thoại sẽ được tích hợp thêm các chương trình ứng dụng cần thiết.

Phụ kiện kèm theo:

  • Các phụ kiện thường được kèm theo máy là sách hướng dẫn, dĩa CD-ROM chương trình, dây cáp kết nối với máy vi tính, tai nghe, bộ sạc Pin./.

 

Xuân Ngọc - st-

 

More