Ngành Thông tin và Truyền thông Quảng Bình trên bước đường đổi mới và phát triển

Post date: 25/08/2016

Font size : A- A A+

Từ khi ra đời đến nay, Ngành Thông tin và Truyền Thông Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang và những thành quả to lớn của ngành, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của Ngành Thông tin và Truyền thông cả nước, Ngành Thông tin và Truyền thông Quảng Bình đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin - Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính bao gồm nội hàm của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay. Hoạt động của Ngành Thông tin và Truyền Thông lúc bấy giờ có chức năng làm công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động nhân dân kháng chiến cứu quốc. Từ dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa lịch sử đó, ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 28/8 hằng năm là “Ngày Truyền thống Ngành Thông tin và Truyền Thông Việt Nam”, nhằm phát huy giá trị truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo và khơi dậy lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Ngành Thông tin và Truyền thông.

Trước đó, tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Sự ra đời của Bộ Thông tin và Truyền thông đánh dấu một bước phát triển mới của Ngành Thông tin và Truyền thông, thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm, hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa nội dung thông tin và hạ tầng truyền thông hiện đại của thế giới; là sự kế thừa truyền thống kiên trung, anh dũng của nhiều ngành gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đó là truyền thống 91 năm của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam; Truyền thống 71 năm của Bưu Điện Việt Nam; 65 năm của ngành Xuất bản - In - Phát hành; và sự hình thành, phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Công nghệ thông tin ở thế kỷ 21.

Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình được thành lập từ tháng 3/2008, với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, điện tử, phát thanh và truyền hình, thông tin đối ngoại, bản tin thông tấn, thông tin cơ sở, hạ tầng thông tin truyền thông, quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.

Những năm qua, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước Ngành Thông tin và Truyền thông Quảng Bình được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, công tác quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông được quan tâm triển khai bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Nhiều quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin được ban hành và tổ chức thực hiện; nhiều chương trình, sự kiện quan trọng của ngành để lại ấn tượng tốt đẹp như: Triển lãm ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Triển lãm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử, Triển lãm ảnh và phim phóng sự trong cộng đồng ASEAN; Hội thi tuyên truyền lưu động về An toàn giao thông, Liên hoan tuyên truyền lưu động về xây dựng nông thôn mới; Họp báo tuyên truyền về các sự kiện: Đại hội Đảngbộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch của tỉnh, định hướng tuyên truyền về sự cố môi trường biển; tổ chức khai trương Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, khai trương Cụm Thông tin đối ngoại cửa khẩu Quốc tế Cha Lo; Hội đàm và ký kết biên bản ghi nhớ với Sở Bưu điện - Viễn thông tỉnh Khăm Muộn - Lào; tổ chức Lễ tưởng niệm, tri ân các cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại Hang Lèn Hà năm 1972…

Hệ thống báo chí, thông tin cơ sở ngày càng được mở rộng, hiện ở tỉnh có 8 cơ quan báo chí địa phương; 37 cơ quan báo chí trung ương, báo địa phương khác có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên có đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh; 35 Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; 8 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, 95 Đài Truyền thanh cấp xã và 19 Bản tin đang hoạt động. Các cơ quan báo chí, truyền thông tỉnh đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng của các cấp, các ngành đến với mọi tầng lớp nhân dân; tuyên truyền phục vụ sử chỉ đạo, điều hành của tỉnh; quảng bá tiềm năng, thế mạnh và hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình đến với trong nước và thế giới.

Các loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình công nghệ hiện đại ngày càng phong phú, đa dạng: truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình qua mạng internet... Diện phủ sóng phát thanh, truyền hình được mở rộng đến tận miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa đồng bằng và miền núi, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân. Hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã ngày càng phát huy hiệu quả, là kênh thông tin quan trọng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở.

Mạng lưới bưu chính, chuyển phát ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng mạng lưới phục vụ đến vùng sâu, vùng xa. Bưu chính công ích hoạt động hiệu quả, nâng cao tần suất và chất lượng phát hành báo Đảng, 149 xã có báo đến trong ngày, chiếm tỷ lệ 94%;chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Chương trình phối hợp, tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020. Năm 2014, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tiếp nhận và triển khai Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng” do quỹ Bill-Melinda Gates (BMGF) tài trợ tại 39 điểm Bưu điện - Văn hóa xã và Thư viện công cộng.

Hạ tầng viễn thông ngày càng hiện đại, đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Các doanh nghiệp đã phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, đảm bảo thông tin liên lạc trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp viễn thông hoạt động. Hệ thống thông tin di động và internet băng thông rộng đã phủ đến khu vực trung tâm của 100% xã, phường, thị trấn. Có 91% số xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

Công nghệ thông tin được đầu tư, ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội, đóng góp tích cực cho công tác cải cách hành chính. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đạt chuẩn, đảm bảo an toàn an ninh thông tin và hoạt động thông suốt 24/7 phục vụ triển khai, vận hành khai thác phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung và các hệ thống chuyên ngành. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước đã được kết nối tới 63 đơn vị trong toàn tỉnh. Các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh được triển khai thống nhất trong các cơ quan nhà nước. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tỉnh được đầu tư xây dựng, triển khai hiệu quả ở 35 đơn vị và đang triển khai ở 04 sở theo chương trình hợp tác của VNPT. Hệ thống thư điện tử công vụ đã triển khai ở 42 đơn vị. Hệ thống 1 cửa là bước tiến có tính đột phá trong tiến trình cải cách hành chính và xây dựng hệ thống 1 cửa điện tử là 1 bước tiến dài trong việc công khai, minh bạch, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 7/8 huyện, thị xã, thành phố được trang cấp hệ thống 1 cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân. Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã được xây dựng và tích hợp với 35 Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương. Phần mềm quản lý hồ sơ và đánh giá cán bộ công chức đã triển khai, đến nay đã có 26 đơn vị cập nhật hồ sơ cán bộ vào phần mềm. Hệ thống giao ban trực tuyến hoạt động có hiệu quả, phục vụ thông suốt các cuộc họp của tỉnh với Trung ương, của tỉnh với cấp huyện. Sàn giao dịch điện tử được triển khai đã tạo dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh và thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước được quan tâm triển khai.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ngành Thông tin và Truyền Thông Quảng Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án, văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhằm tăng cường đưa thông tin về cơ sở, giảm bớt khoảng cách hưởng thụ và sử dụng dịch vụ thông tin và truyền thông giữa các vùng, miền; triển khai phát triển, hiện đại hóa hạ tầng bưu chính, viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; tập trung hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền, quản lý báo chí, xuất bản; nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở. Tiếp tục đảy mạnh tuyên truyền đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng, tin nhắc rác; đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình; tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng bưu chính viễn thông, đưa 3G, 4G, internet băng rộng đến vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, tin học hóa các dịch vụ hành chính công cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng thành công chính quyền điện tử.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, chủ động, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới.

T.N

More