Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 03-3-2021

Post date: 03/03/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ 1

1.                Thủ tướng: Không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi lúc "giao thời". 1

2.                Thủ tướng: Kinh tế tiếp tục có dấu hiệu đáng mừng, nông nghiệp được mùa, được giá. 2

3.                Thủ tướng yêu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 trong tuần này. 3

TIN QUỐC HỘI 4

4.                Uỷ ban Thường vụ bàn về nhân sự cấp cao trước khi trình Quốc hội 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

5.                Từ tháng 7/2021, bán nhà có thể bị cắt hộ khẩu. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 6

6.                Bạc Liêu: Dân đến vui vẻ, về hài lòng nhờ cách làm hay ở Vĩnh Lợi 6

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7.                Chuyên gia khuyến nghị chính sách tăng tốc kinh tế. 6

8.                Niềm tin kinh doanh giảm vì COVID-19. 8

9.                Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng. 8

10.            Bình Thuận sẽ gặp gỡ doanh nghiệp mỗi tháng một lần để tháo gỡ vướng mắc. 9

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

11.            Câu chuyện của Hải Dương và bài học trong phản ứng chính sách. 9

QUẢN LÝ.. 10

12.            Sẽ thu hồi vốn ủy quyền sửa quốc lộ với địa phương làm chưa tốt 10

13.            Chủ đầu tư kém "mặn mà" nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng ra đề xuất mới 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

14.            TPHCM: Lắng nghe để phục vụ tốt hơn. 12

15.            Vĩnh Long đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

16.            TP. HCM thu ngân sách 2.900 tỷ đồng/ngày, gần gấp đôi mức trung bình phải thu. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

17.            Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ. 13

18.            Yên Bái: Tạm giam 3 cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Yên Bình. 14

THẾ GIỚI 14

19.            Dubai chuyển sang nền hành chính thông minh từ năm 2021. 14

20.            Cựu Tổng thống Pháp N.Sarkozy bị kết án 3 năm tù vì tội tham nhũng. 15

 THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Thủ tướng: Không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi lúc "giao thời"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ điều này khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 vào sáng 2/3.

 Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn con số đã báo cáo trước Quốc hội, đặc biệt nợ công, thu chi ngân sách, dự trữ và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt chúng ta đã thắng lợi về thực hiện mục tiêu kép.

 Nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về năm 2020, năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, thành quả quan trọng này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đặc biệt là cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống hành chính "đã luôn nỗ lực, cố gắng, kế thừa, phát huy kết quả của nhiệm kỳ trước, cống hiến hết mình trong suốt nhiệm kỳ vừa qua với tinh thần trách nhiệm rất tốt trên tất cả các lĩnh vực".

 "Trong 5 năm qua, tất cả chúng ta đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, cùng với Chính phủ, các cấp, các ngành thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Thủ tướng bày tỏ. 

Tại nhiệm kỳ này, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, chúng ta tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, "làm đến phút cuối cùng". Do đó, Chính phủ khóa này sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật với tinh thần là bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc và công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự. "Một lần nữa chúng ta nêu quyết tâm vì nhân dân mà làm việc". (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

Thủ tướng: Kinh tế tiếp tục có dấu hiệu đáng mừng, nông nghiệp được mùa, được giá

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 vào sáng 2/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những dấu hiệu đáng mừng trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm.

 "Sáng nay, tôi có xem bản tin (truyền hình) vào 5h sáng về tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở ĐBSCL, năng suất cao hơn, giá cao hơn và thị trường được mở rộng hơn". Đặc biệt, xuất nhập khẩu trong 2 tháng đạt gần 96 tỷ USD, tăng gần 25%, trong đó xuất khẩu tăng hơn 23%. Xuất siêu 1,3 tỷ USD", Thủ tướng thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp.

 Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tình hình doanh nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu tích cực như: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập, số vốn đăng ký tăng… đều tăng trong 2 tháng đầu năm nay.

 Trước đó theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước.

 Nếu tính cả 385,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720,4 nghìn tỷ đồng.

 Bên cạnh đó, còn có hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

 Cũng phiên họp sáng 02/3, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép tiếp tục được đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu ở mức cao nhất.

 "Trong quý I này, phải có kết quả tích cực, trong đó, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 ngày 19/2/2021 của Thủ tướng về đôn tốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021", Thủ tướng khẳng định. (VTV.vn 02/3) Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 trong tuần này

Sáng 2/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021.

 Tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ cho biết, về đợt bùng phát dịch lần thứ 3 tác động tới vùng kinh tế trong điểm phía bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, đến nay, chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình, trừ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương vẫn còn xuất hiện một số ca nhiễm mới.

 Theo Thủ tướng, chúng ta đã kiểm soát với tinh thần thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng, triển khai các biện pháp cấp bách.

 Cũng trong tháng 2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xuất ngân sách Nhà nước để nhập vaccine. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “vaccine + 5K” để ngăn chặn dịch hiệu quả hơn, “yêu cầu ngành y tế tổ chức tiêm kịp thời hơn nữa cho các đối tượng theo Nghị quyết”.

 Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị phiên họp tập trung thảo luận một số nội dung, trong đó tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19, “với tinh thần vaccine + 5K, không được chủ quan”.

 Theo người đứng đầu Chính phủ, cần truy vết, khoanh vùng thần tốc hơn nữa. Phải nhanh chóng tiêm vaccine cho các đối tượng mà Nghị quyết của Chính phủ đã quy định, gồm các đối tượng dễ lây nhiễm, người nghèo, gia đình chính sách, “yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế triển khai rộng rãi chủ trương quan trọng này”.

 "Chúng ta bảo đảm ngân sách và các mặt khác để mọi người được tiêm vaccine. Ngành y tế và các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm túc vấn đề này một cách nhanh chóng'', Thủ tướng nhấn mạnh. (Tuoitrethudo.com.vn 02/3, Trần Nghĩa)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Uỷ ban Thường vụ bàn về nhân sự cấp cao trước khi trình Quốc hội

Sau phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có văn bản thông báo về việc chuẩn bị phiên họp thứ 54, diễn ra vào tuần tới.

 Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi đến Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Lãnh đạo các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan dự kiến nội dung phiên họp thứ 54; đồng thời thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị phiên họp.

 Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 54 gửi kèm thông báo, phiên họp sẽ diễn ra trong một ngày 10/3 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Cùng với đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; đồng thời cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

 Đặc biệt, tại kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác nhân sự trình Quốc hội. Tại phiên họp thứ 53, lãnh đạo Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào cuối tháng 3 này sẽ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo của Nhà nước . 

Mặc dù chưa có thông tin cụ thể về những chức danh nào sẽ được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, tuy nhiên, vào thời điểm này 5 năm trước, cũng tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, Quốc hội cũng đã tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND Tối cao. Sau khi được bầu, các chức danh đại diện cho khối hành pháp tư pháp và lập pháp đã tuyên thệ nhậm trước Quốc hội. 

"Bộ máy Nhà nước hoạt động liên tục, những lãnh đạo được bầu rồi thì tuyên thệ và điều hành ngay. Với những đại biểu được miễn nhiệm, không giữ chức danh nữa nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội vẫn phải nghiêm túc làm nhiệm vụ của đại biểu cho đến ngày cuối cùng theo quy định", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý tại phiên họp thứ 53.

 Phiên họp thứ 54 sẽ là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Đây là phiên họp quan trọng để cho ý kiến vào các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV. (Tienphong.vn 02/3)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Từ tháng 7/2021, bán nhà có thể bị cắt hộ khẩu

Nội dung này được nêu trong Luật Cư trú 2020 do Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

 Điều 24 Luật Cư trú 2020 quy định các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như sau:

 a) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

 b) Ra nước ngoài để định cư;

 c) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

 d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

 đ) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

 e) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này; 

g) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, chọ mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

 h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

 i) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

 Khi Luật này có hiệu lực người dân khi bán nhà có thể sẽ bị xóa đăng ký thường trú (cắt hộ khẩu) trong trường hợp không được chủ sở hữu mới đồng ý giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó. (Cafef.vn 02/3, Nhã Mi)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Bạc Liêu: Dân đến vui vẻ, về hài lòng nhờ cách làm hay ở Vĩnh Lợi

Lấy phương châm "Đến với dân, không chờ dân đến" trong thực hành lời dạy của Bác Hồ, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu bộ phận một cửa của các xã, thị trấn và Trung tâm Hành chính công của huyện gửi tất cả thông tin người dân đến giải quyết thủ tục hành chính về cho Tổ điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Từ đó, bộ phận này chọn ngẫu nhiên để khảo sát ý kiến của người dân về thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ.

 Ông Nguyễn Quốc Khởi cho biết ý tưởng chọn ngẫu nhiên trong số những người dân đến liên hệ làm thủ tục hành chính tại các bộ phận một cửa và Trung tâm Hành chính công huyện Vĩnh Lợi để gọi điện thăm dò ý kiến hằng tháng là của Ban Thường vụ Huyện ủy, do ông Nguyễn Bình Tân, Bí thư Huyện ủy, khởi xướng.

 "Hằng tuần, bộ phận một cửa của tất cả các xã, thị trấn và trung tâm hành chính công của huyện phải báo cáo đầy đủ danh sách những người đến liên hệ làm thủ tục. Sau đó, Tổ điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Huyện ủy sẽ tổng hợp, rồi chọn ngẫu nhiên khoảng 10% trong số đó để liên hệ khảo sát. Từ lúc triển khai đến giờ, hầu như chưa có ý kiến trái chiều. Tất cả người dân được hỏi đều cho biết rất hài lòng về cung cách phục vụ cũng như tiến độ giải quyết công việc của các cán bộ tại những bộ phận này" - ông Khởi thông tin.

 Cũng theo ông Khởi, không chỉ tạo không khí vui vẻ, nhiệt thành khi tiếp xúc tại các bộ phận giải quyết thủ tục hành chính, Ban Thường vụ Huyện ủy còn khuyến khích các đơn vị liên quan cố gắng giải quyết thủ tục cho người dân càng sớm càng tốt, tốt nhất là sớm hơn thời gian quy định. Nếu như thông thường quy định giải quyết và trả kết quả đăng ký đất đai là 10 ngày thì các đơn vị hành chính công của huyện Vĩnh Lợi luôn cố gắng giải quyết sớm hơn, còn 7-8 ngày. Khi ra giấy hẹn cho người dân đến nhận kết quả ngày nào thì nhất định khi họ đến phải trả kết quả, không có chuyện hẹn rồi hẹn tiếp.

 "Nói là một chuyện, còn thực hiện được là cả vấn đề. Nhiều khi số lượng hồ sơ cần giải quyết nhiều quá mà đã hẹn với người dân đúng ngày trả kết quả rồi thì một số bộ phận như Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường… phải căng sức làm việc cả những thứ bảy, chủ nhật mới đáp ứng được. Bởi chúng tôi xác định không có gì làm mất lòng người dân bằng mất uy tín với họ. Chúng tôi cũng xác định rằng nếu sai hẹn có thể dẫn đến những phiền phức không đáng có và gây thiệt hại cho người dân thì họ sẽ trách mình. Nói chung là làm sao đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Dứt khoát phải giữ chữ tín với người dân" - ông Nguyễn Quốc Khởi quả quyết. (Nld.com.vn 01/3, Duy Nhân)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chuyên gia khuyến nghị chính sách tăng tốc kinh tế

Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh cả trong nước và quốc tế.

 Cách đây gần 2 tuần, khi tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 tăng 10,5%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 45,7%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,06% và khách quốc tế đến Việt Nam tăng 9% so với tháng 12/2020, PGS TS Phạm Thế Anh – Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, đã có những phân tích-nhận định thẳng thắn và khuyến nghị chính sách tăng trưởng kinh tế 2021 và những giai đoạn tiếp theo như: “Cần nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh; duy trì thực hiện nhóm chính sách đã được kiến nghị nhiều năm qua; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước”…

 Tới nay, sau khoảng thời gian kinh tế-xã hội tiếp tục có những biến động do tình hình dịch bệnh, với những giải pháp giãn cách-cách ly tại một số địa phương, cùng những thay đổi trong sản xuất-tiêu dùng phục vụ kỳ nghỉ Tết, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh khẳng định, “quan điểm này không thay đổi”. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh nêu rõ: "Trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng thực hiện mục tiêu kép, vai trò của chính sách vĩ mô quan trọng bởi đối với doanh nghiệp, trong điều kiện bệnh dịch phức tạp, các yếu tố khách quan họ không thể kiểm soát được. Chính sách vĩ mô nếu chúng ta không làm tốt, gây ra những bất ổn về bong bóng giá tài sản hay lạm phát, khả năng hồi phục khó khăn hơn rất nhiều.

 Phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt phải giữ được môi trường lạm phát và lãi suất thấp. Thứ hai là tiếp tục đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh để khi bệnh dịch gần chấm dứt hoặc chấm dứt hoàn toàn sẽ tạo đà hồi phục rất nhanh cho khu vực doanh nghiệp".

 Cụ thể hơn, những thông tin mới nhất từ Tổng cục thống kê cho thấy: Sản xuất công nghiệp tháng 02 giảm 21,1% so với tháng trước, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc ít hơn và ảnh hưởng của dịch Covid-19; Đây cũng là nguyên nhân số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm hoặc chờ làm thủ tục giải thể giảm, nhưng số vốn đăng ký tăng 15,9%; Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm tương đương 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết… là nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 tăng cao – tăng 1,52% so với tháng liền trước.

 Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam khẳng định, "đây là nền tảng tốt để chúng ta tiếp tục đạt được mục tiêu đặt ra trong năm", trong đó, có thể kỳ vọng vào một số ngành nghề, lĩnh vực sau.

 "Chúng ta đang kỳ vọng vào một số ngành như chế biến, chế tạo, sản xuất công nghiệp để phục vụ cho hàng xuất khẩu. Bởi nhu cầu của thế giới đang phục hồi, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của một số chuỗi sản xuất sang Việt Nam: Một số mặt hàng điện thoại, thiết bị điện tử - mặt hàng đang có nhu cầu rất lớn trên thị trường quốc tế.

 Thứ hai, thị trường hàng hóa tiêu dùng. Số liệu của 2 tháng đầu năm cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam, sức tiêu thụ của người dân vẫn được duy trì, sẽ có khả năng phát triển. Thứ ba nữa dù một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch, tốc độ sản xuất ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì. Chúng tôi kỳ vọng ngành nông nghiệp sẽ có đóng góp lớn trong duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay" - TS. Lê Duy Bình nhận định.

 Đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia sau diễn tiến kinh tế xã hội tháng 2/2021 và 2 tháng qua. Các chuyên gia cho rằng cần có những chủ trương, chính sách điều tiết thị trường phù hợp hơn – sớm hỗ trợ các doanh nghiệp như doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ.

 Các biện pháp kinh tế này không phải là triển khai các gói hỗ trợ-cứu trợ như giai đoạn đầu của đại dịch, đó cần là những biện pháp kích thích – tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng phát triển mạnh hơn, có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất lao động. Chỉ có như vậy mới hỗ trợ tăng trưởng thực sự cho nền kinh tế - sớm đạt mục tiêu kỳ vọng tăng trưởng của năm nay. (Vov.vn 01/3)Về đầu trang

Niềm tin kinh doanh giảm vì COVID-19

Theo IHS Markit, PMI của Việt Nam tháng 2 cao hơn tháng 1 và tiếp tục trên ngưỡng 50 điểm, tuy nhiên niềm tin của các công ty đã giảm vì COVID-19.

 Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng từ 51,3 của tháng 1 lên 51,6 trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, niềm tin của các công ty đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng.

 Theo IHS Markit - đơn vị khảo sát PMI, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm với lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tiếp tục tăng là những dấu hiệu tích cực, nhưng số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng mới đây dẫn đến tâm lý thận trọng.

 Ngoài ra, tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn cao khi nhu cầu thế giới về nguyên vật liệu tiếp tục vượt cung và vẫn có tình trạng chậm trễ đáng kể trong khâu nhận hàng do những khó khăn về vận chuyển.

 Những khó khăn trong khâu mua nguyên vật liệu góp phần làm giảm tồn kho hàng mua. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài. Những khó khăn trong việc mua hàng từ nước ngoài do thiếu container chuyển hàng và do nhu cầu nguyên vật liệu của thế giới vượt quá khả năng cung cấp đã dẫn đến kéo dài thời gian giao hàng.

 Những mất cân bằng trên tiếp tục làm chi phí đầu vào tăng mạnh trong tháng 2. Tốc độ tăng giá đã chậm lại, xuống mức thấp của ba tháng, nhưng mức tăng giá đầu vào vẫn nhanh hơn mức trung bình của lịch sử khảo sát 10 năm qua. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng

Nhiều tín hiệu tích cực từ số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2021.

 Tổng cục Thống kê nhận định sự tăng trưởng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể là những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. 

Hai tháng đầu năm, cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 334.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và hơn 52% so với cùng kỳ năm trước.

 Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 385,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.500 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720,4 nghìn tỷ đồng.

 Cùng với đó, 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận hơn 11.000 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng năm 2021 lên 29.200 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14.6000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

 Cũng trong 2 tháng đầu năm nay, 33.600 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, đang chờ hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21.6000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34%; 8.4000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,7%; 3.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 28,1%. Trung bình mỗi tháng có 16.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

Bình Thuận sẽ gặp gỡ doanh nghiệp mỗi tháng một lần để tháo gỡ vướng mắc

Ngày 2-3, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan trong địa phương về việc gặp mặt, làm việc với doanh nghiệp để tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doạnh tại tỉnh Bình Thuận tiếp tục được cải thiện. Trong đó, công tác cải cách hành chính, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được quan tâm tích cực. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh chưa thật sự tích cực đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư. Một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời. 

Ngoài ra, tinh thần hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, vẫn còn trường hợp giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn chậm, kéo dài.

 Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và nhất là để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các dự án tại địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận sẽ cùng thủ trưởng các sở, ngành, địa phương liên quan gặp mặt, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư theo định kỳ mỗi tháng ít nhất một lần. (Sài Gòn giải phóng 02/3, Nguyễn Tiến)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Câu chuyện của Hải Dương và bài học trong phản ứng chính sách

"Khó khăn chồng khó khăn", "thiệt hại chồng thiệt hại" là tình cảnh mà rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Đình Cung, tình cảnh này có thể tránh được nếu phản ứng chính sách nhanh chóng hơn và quyết liệt hơn.

 Theo ông Cung: Khó khăn mà người dân và doanh nghiệp phải đối mặt trong đợt dịch lần này đã được dự báo từ trước, song đáng tiếc, chúng ta đã không có những ứng xử phù hợp để giảm bớt thiệt hại không đáng có cho họ. 

Khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên xảy ra, gây ra sự đứt gãy về cung cầu quốc tế khiến cầu hàng hoá, đặc biệt là nông sản sụt giảm đột ngột. Hàng hoá bị ách tắc tại nhiều cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai... gây ra tổn thất cho hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất cũng như người nông dân khi hàng hoá sản xuất ra bị ứ đọng, không thể tiêu thụ.

 Song nhờ sự phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt của các bộ ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Y tế... hàng hoá tại cửa khẩu đã được giải toả với những biện pháp kỹ thuật, nhằm đảm bảo an toàn cho hàng hoá và cả con người. Lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc dần được cải thiện.

 Tuy nhiên, khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 xảy ra, sự đứt gãy về cung cầu đã không được xử lý tốt, cho dù lần này sự đứt gãy chỉ ở cấp độ địa phương. Chúng ta đã không có sự chỉ đạo xuyên suốt, sự thống nhất giữa các địa phương nên dẫn tới tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Thậm chí, khi sự việc xảy ra, phản ứng chính sách của bộ ngành khá chậm chạp, dẫn tới những tổn thất không đáng có cho người dân và doanh nghiệp. 

Tại sao xử lý đứt gãy chuỗi cung ứng ở cấp độ quốc tế rất tốt trong khi ở cấp địa phương, cấp quốc gia lại không được như vậy? Tại sao đứt gãy lúc trước còn mạnh hơn so với bây giờ nhưng sao chúng ta lại không làm được? Tại sao chúng ta không lấy kinh nghiệm của đợt dịch trước áp dụng vào hàng hoá ở Hải Dương để tạo điều kiện cho dòng chảy hàng hoá sang những địa phương hay tỉnh thành khác? Đây không phải là những thứ chúng ta chưa làm mà đã từng làm. 

Câu chuyện của Hải Dương đặt ra rất nhiều bài học trong phản ứng chính sách. Nó cho thấy độ nhạy cảm, tính linh hoạt và tính trách nhiệm của địa phương. Trong bối cảnh tình hình bất định lớn như hiện nay, rất nhiều sự việc tương tự có thể xảy ra không chỉ ở phía ngoài biên giới mà cả bên trong biên giới. Đây là lúc chúng ta phải thay đổi để thích ứng linh hoạt. (Vneconomy.vn 02/3, Anh Nhi)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sẽ thu hồi vốn ủy quyền sửa quốc lộ với địa phương làm chưa tốt

Sở GTVT địa phương nào thực hiện không đầy đủ, chưa tốt hoạt động quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ qua địa bàn có thể bị thu hồi ủy quyền quản lý, thu hồi các dự án sửa chữa đường bộ.

 Tổng cục Đường bộ đánh giá, thời gian qua, cơ quan này đã thực hiện ủy quyền quản lý, bảo dưỡng thường xuyên một số tuyến quốc lộ qua địa bàn cho Sở GTVT các địa phương phía Bắc. Qua đó nâng cao chất lưởng công tác bảo dưỡng thường xuyên, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

 Tuy nhiên, chất lượng bảo dưỡng các tuyến quốc lộ của Sở GTVT các địa phương còn khác nhau. Hiện còn một số Sở GTVT làm chưa tốt công tác này. Bên cạnh đó, việc quản lý và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ chưa quyết liệt, triệt để.

 Do đó, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các Sở GTVT còn để tồn tại, hạn chế về công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên lập kế hoạch sớm khắc phục; Sở GTVT các địa phương được ủy quyền tiếp tục tự kiểm tra, rà soát và triển khai công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ tốt hơn.

 Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ) được yêu cầu tiếp tục phối hợp với các Sở GTVT trên địa bàn quản lý tổ chức kiểm tra công tác quản lý bảo dưỡng các tuyến quốc lộ đã ủy quyền. “Đơn vị nào thực hiện không đầy đủ, sẽ xem xét lại việc ủy quyền quản lý, hoặc dự án sửa chữa đường bộ hàng năm”, Tổng cục Đường bộ khẳng định.

 Các yêu cầu trên vừa được Tổng cục Đường bộ gửi Cục Quản lý Đường bộ I, Sở GTVT cấc địa phương khu vực phía Bắc được giao quản lý quốc lộ, nhằm khắc phục hạn chế trong công tác quản lý bảo trì các tuyến quốc lộ.

 Hiện hàng năm kinh phí trung ương cấp cho hoạt động sửa chữa, bảo trì đường bộ trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 8.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo trì đường bộ, số còn lại do ngân sách cấp bổ sung. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sửa chữa, bảo trì đường bộ.

 Tới nay, Quỹ bảo trì đường bộ vẫn được thu trên đầu phương tiện ô tô qua các lần đăng kiểm, còn bộ máy Quỹ bảo trì đường bộ đã chính thức giải thể, chuyển toàn bộ hoạt động của Quỹ trung ương về Tổng cục Đường bộ. Phí bảo trì đường bộ được thu và nộp về ngân sách trung ương, sau đó căn cứ theo nhu cầu và khả năng cân đối ngân sách, Bộ Tài chính sẽ phân bổ vốn cho các dự án theo đề xuất của Bộ GTVT. (Tienphong.vn 01/3)Về đầu trang

Chủ đầu tư kém "mặn mà" nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng ra đề xuất mới

Trước việc thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá thấp trên thị trường, mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

 Theo quy định hiện nay, dự án bất động sản có diện tích từ 10 ha trở lên phải dành quỹ đất 20% để làm nhà ở xã hội, dành cho người có thu thập thấp.

 Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã có hiện tượng chủ đầu tư nộp xin tiền thay thế hoặc chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để tránh việc phải dành quỹ đất.

 Bộ Xây dựng đề xuất khắc phục kẽ hở trên bằng cách phân loại dự án theo quy mô tại các đô thị.

 Phương án 1: Dự án tại các đô thị loại đặc biệt và loại I có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên, dự án tại các đô thị loại II và III có quy mô sử dụng đất là 5 ha trở lên phải dành quỹ đất 20%.

 Phương án 2: Dự án tại các đô thị loại đặc biệt và loại I có quy mô sử dụng đất từ 3 ha trở lên, dự án tại các đô thị loại II và III có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên phải dành quỹ đất 20%.

 Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị chọn phương án 2. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TPHCM: Lắng nghe để phục vụ tốt hơn

Liên tiếp sáu năm gần đây, vào dịp đầu năm, UBND TPHCM đều đặn tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ với lãnh đạo các phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Ðây không chỉ là dịp để thành phố kiểm tra, đánh giá kết quả sau một năm hoạt động của chính quyền cấp cơ sở, mà còn là dịp lắng nghe ý kiến của các địa phương để kịp thời điều chỉnh, giải quyết nhằm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn…

 Theo Sở Nội vụ TPHCM, các năm qua, tại nhiều địa phương, cơ sở, nhiều sáng kiến, ý tưởng thiết thực đã ra đời góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Chẳng hạn, UBND phường Bến Thành (quận 1); UBND các phường Linh Xuân, Linh Trung (TP Thủ Ðức) đã tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân, DN ngoài giờ hành chính. UBND phường Tân Ðịnh (quận 1) tiếp nhận thủ tục hành chính qua mạng in-tơ-nét. UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Ðức) lập hai đường dây nóng lắng nghe ý kiến của người dân. Tại phường 3, quận 11, công chức, viên chức tiếp nhận, trả hồ sơ sao y tại nhà trong một giờ. Hay như mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” được cài đặt trên điện thoại để người dân phản ánh các bức xúc, ý kiến về đô thị tại quận Bình Thạnh;…

 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, chính quyền cơ sở là nơi sâu sát với người dân nhất cho nên các ý kiến, đề xuất của lãnh đạo phường, xã, thị trấn khi được xử lý, giải quyết đã góp phần thực hiện lời hứa của lãnh đạo các đơn vị với nhân dân. Cũng từ các cuộc đối thoại này, lãnh đạo thành phố một lần nữa đánh giá được nỗ lực, sáng kiến hay của các phường, xã, thị trấn trong công tác tại địa phương…

 Năm 2021, TPHCM chọn chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Dự báo, tình hình kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo các phường, xã, thị trấn chú trọng xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng; các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp phải có quy trình, thời hạn xử lý và có thư xin lỗi nếu chậm trễ. Lãnh đạo các đơn vị cơ sở cần lắng nghe người dân, doanh nghiệp nhiều hơn để kịp thời giải quyết, hoặc chuyển tải ý kiến lên thành phố. (Nhân dân 02/3, Trang TPHCM)Về đầu trang

Vĩnh Long đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử

Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số. Ðó là nội dung trọng tâm trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

 Theo đó, tỉnh Vĩnh Long đặt lộ trình đến năm 2023 có 90% số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ tại cấp huyện và 60% hồ sơ tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; thực hiện 100% thủ tục hành chính được công bố qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và thực hiện tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã. Các cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm… được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời.

 Dự kiến, trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, đến hết năm 2021, tỉnh cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ hơn 80% gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 50%. (Nhân dân 02/3)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

TP. HCM thu ngân sách 2.900 tỷ đồng/ngày, gần gấp đôi mức trung bình phải thu

Tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2/2021 của Chính phủ vào ngày 2/3, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan đã phát biểu báo cáo với Chính phủ về các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

 Cụ thể, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội tháng 2/2021, ông Võ Văn Hoan nhận định, các chỉ tiêu đạt được cho thấy kinh tế thành phố có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2/2021, thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 11% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 6%.

 Cũng trong tháng 2, TP. HCM có hơn 3.800 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3%; có 700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 14%). Song, đại dịch Covid-19 vẫn tác động sâu đến ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, thành phố không có lượt khách quốc tế nào. Du lịch lữ hành giảm sâu 70%.

 Liên quan đến thu ngân sách, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thu ngân sách trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tích cực. Trung bình mỗi ngày làm việc, thành phố được giao phải thu 1.500 tỷ đồng. Trên thực tế, TP. HCM đang có mức thu đạt 2.900 tỷ đồng/ngày, gần gấp đôi mức trung bình phải thu. Từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách của TPHCM ước đạt 74.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. (Cafef.vn 02/3, Hà Trần)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 6 bị can, trong đó có bà Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ; Lương Tấn Thành, nguyên nhân viên Ban Quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ.

 Trong 5 bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú có Cao Minh Thu, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ; Hồ Phương Quỳnh, nguyên nhân viên Ban Quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ.

 Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên đúng quy định pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

Yên Bái: Tạm giam 3 cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Yên Bình

3 cán bộ của Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Yên Bình và 1 cán bộ địa chính - xây dựng xã Bảo Ái, huyện Yên Bình bị Công an tỉnh Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam.

 Các đối tượng bị bắt tạm giam gồm: Tạ Duy Hiển (sinh năm 1981), Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Yên Bình. Hoàng Trung Kiên (sinh 1982). Địch Thị Thủy, đều là viên chức của Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Yên Bình. Lương Công Vũ (sinh năm 1988), cán bộ địa chính - xây dựng xã Bảo Ái.

 Theo thông tin ban đầu, các đối tượng trên bị bắt ngày 26/2 để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vụ việc xảy ra vào tháng 12/2020 tại huyện Yên Bình. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Dubai chuyển sang nền hành chính thông minh từ năm 2021

Dubai sẽ chính thức chấm dứt tất cả các giao dịch hành chính qua giấy tờ kể từ năm 2021 và chuyển toàn bộ sang nền hành chính thông minh.

 Từ ngày 12/12/2021, tất cả các cơ quan chính quyền tại Dubai sẽ phải chấm dứt các giao dịch hành chính qua giấy tờ. Quyết định này có nghĩa là kể từ sau thời điểm này, toàn bộ các giao dịch hành chính tại Dubai sẽ được thực hiện trực tuyến, xóa bỏ đi rất nhiều những phiền nhiễu, cảm tính cá nhân mà người dân thường gặp phải trong các giao dịch hành chính truyền thống trước đến nay.

 Thời báo Khaleej (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, đến nay, các cơ quan công quyền tại Dubai đã cắt giảm được 82,82% các giao dịch hành chính bằng giấy tờ. Tính toán sơ bộ, bước đi này giúp Dubai tiết kiệm được hơn 1 tỷ Dirham, hơn 300 triệu USD. Về năng suất lao động, quyết định này giúp tiết kiệm hơn 12 triệu giờ xử lý hồ sơ, giấy tờ.

 Chiến lược xây dựng hành chính hoàn toàn thông minh, không giấy tờ được Dubai khởi động kể từ năm 2018, chia làm nhiều giai đoạn. Trong đó, những cơ quan đi tiên phong thuộc các lĩnh vực có giao dịch hành chính với người dân lớn nhất như: giao thông vận tải, cảnh sát, xây dựng, bất động sản, hay quản lý kinh tế. Kết quả là những cơ quan này đều cắt giảm được hơn 50% giao dịch hành chính qua giấy tờ, chỉ trong vòng 6 tháng sau khi chuyển sang nền hành chính thông minh. 

Năm qua, vì đại dịch nên nhiều cơ quan hành chính tại Dubai đã phải thực hiện mô hình làm việc từ xa. Dù làm việc từ xa, nhưng đến nay các tổng kết cho thấy, việc xử lý các giao dịch hành chính tại Dubai không có xu hướng bị đình trệ. Ngược lại, đại dịch vô hình trung càng trở thành động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nền hành chính thông minh tại Dubai, mang tới những tiến bộ hành chính rõ ràng.

 Chẳng hạn như theo báo cáo của Tòa án thuộc Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai, cơ quan chuyên xét xử các tranh chấp kinh tế, năm 2020, số lượng hồ sơ được cơ quan này thụ lý tăng 41%. Sự tăng vọt số các đơn kiện gửi đến Tòa án Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai được lý giải là do các doanh nghiệp nay nhận thấy quá trình yêu cầu giải quyết tranh chấp đơn giản hơn đáng kể. Các hồ sơ có thể được đệ trình nhanh chóng, toàn bộ thông qua trực tuyến.

 Hiện quá trình xây dựng nền hành chính thông minh tại Dubai đã biến việc đi ra sân bay mà không cần quan tâm đến hộ chiếu, chứng minh thư trở thành thực tế.

 Theo đó, mới đây sân bay Dubai đã cho áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại các cửa kiểm soát an ninh, xuất nhập cảnh. Bạn chỉ cần đăng ký một lần duy nhất, kể từ đó về sau, hệ thống sẽ nhận diện khuôn mặt, thay thế cho toàn bộ việc kiểm tra hộ chiếu hay giấy tờ tùy thân. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang

Cựu Tổng thống Pháp N.Sarkozy bị kết án 3 năm tù vì tội tham nhũng

Ngày 1/3, tòa án Paris đã kết án cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy 3 năm tù, trong đó có 2 năm hưởng án treo, vì tội danh tham nhũng.

 Ông Sarkozy đã bị cáo buộc hối lộ thẩm phán Gilbert Azibert để đổi lấy thông tin nội bộ về cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc ông đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp từ người thừa kế của Tập đoàn kinh doanh mỹ phẩm nổi tiếng thế giới L'Oreal trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007.

 Ông Sarkozy, Tổng thống Pháp từ năm 2007 đến 2012, đã phủ nhận tất cả các cáo buộc này. Các công tố viên còn nghi ngờ rằng ông Sarkozy và các trợ lý của ông nhận hàng triệu euro từ chính quyền của nhà lãnh đạo Lybia khi đó là ông Moamer Kadhafi giúp tài trợ cho nỗ lực tranh cử của ông. 

Ông Sarkozy có 10 ngày để kháng án. Ông Sarkozy là nhà lãnh đạo thứ hai của nước Pháp thời hiện đại bị kết tội tham nhũng sau cố Tổng thống Jacques Chirac. (VTV.vn 02/3)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More