Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 30-7-2020

Post date: 30/07/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Thủ tướng: Dịch COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm ra các thành phố lớn, chưa tìm được F0  1

2.                Truyền thông quốc tế tin tưởng Việt Nam kiểm soát được COVID-19. 2

3.                Vẫn tổ chức thi tốt nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định chống dịch. 4

4.                Dịch Covid-19: Trận chiến mới! 6

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

5.                Nhiều doanh nghiệp Nhật lạc quan về việc phục hồi kinh doanh tại Việt Nam.. 7

6.                75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng. 9

7.                Tổng FDI đăng ký 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

8.                Không để “chảy máu” tài sản Nhà nước. 11

QUẢN LÝ.. 12

9.                TP.HCM: 6 tháng đầu năm chỉ phát hiện 1 cán bộ nhận quà trái quy định. 12

10.             Hà Nội phê duyệt hơn 7 tỷ đồng để tinh giản biên chế đợt 4 năm 2020. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

11.             Ngồi nhà nộp thuế trước bạ, đăng ký xe trực tuyến từ 15/8. 14

12.             Ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chỉ số PAPI tại TPHCM.. 15

13.             Đà Nẵng khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 16

14.             Công an Đồng Nai mở 182 tài khoản Zalo tương tác với người dân cấp xã. 17

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 18

15.             Giám sát chặt giải ngân đầu tư công. 18

16.             Hưng Yên: Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức trung bình cả nước. 20

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 20

17.             Quảng Ninh: Cán bộ y tế bỏ cách ly, cả lớp trung cấp chính trị phải cách ly tại nhà. 20

THẾ GIỚI 21

18.             Nam Phi điều tra tham nhũng liên quan hàng tỷ USD cứu trợ COVID-19. 21

19.             Báo Trung Quốc: Đừng mong các doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc để "về nhà". 22

 TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng: Dịch COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm ra các thành phố lớn, chưa tìm được F0

Phát biểu kết luận cuộc họp sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dịch lần này khác hồi tháng 3 vì đã lây lan nhiều ngày qua, trong khi chưa tìm được F0.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thực hiện nghiêm việc nội bất xuất, ngoại bất nhập ở Đà Nẵng, thành phố này cũng phải thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo số liệu sơ bộ, đến trưa 29/7, Hà Nội có khoảng từ 15.000 - 20.000 người về từ Đà Nẵng, hiện đang xét nghiệm 29 người nghi nhiễm, 6 người đã có kết quả âm tính. Hà Nội đang lên kế hoạch xét nghiệm hết tất cả những người đã đi qua vùng dịch ở Đà Nẵng mới trở về thành phố.

 Trong khi đó, ở TP.HCM, hơn 6.000 người trở về từ Đà Nẵng, đã xét nghiệm được một nửa. Ở tỉnh Quảng Nam, sau khi phát hiện 2 người dương tính với SARS-CoV-2, tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 19. Tỉnh cũng đã xét nghiệm hơn 8.000 người, cách ly và theo dõi y tế tất cả những người từ vùng dịch về. Quảng Nam sẽ tạm dừng một số bãi tắm biển và các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu ở Tam Kỳ, Hội An và Đại Lộc.

 Ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, dù chưa ghi nhận ca dương tính nào nhưng tỉnh xác định đây là địa bàn có nguy cơ rất cao, do có tới 10.000 người đã từng ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi trong mấy ngày qua. Chiều nay, tỉnh sẽ đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường và karaoke. Tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành xung quanh điều trị các bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, ở Hải Phòng cũng có khoảng 5.000 người mới trở về từ Đà Nẵng và Thành phố đang tổ chức xét nghiệm cho những người này, đến nay chưa phát hiện người nào dương tính với SARS-CoV-2.

 Do dịch COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm ra các thành phố lớn và tỉnh lân cận, Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương trong cả nước nhất là các thành phố lớn và tỉnh thành ven biển có đông khách du lịch từ Quảng Ninh đến miền Trung phải phải đề cao cảnh giác, không được chủ quan và phải hành động với trách nhiệm khác không để vỡ trận trước COVID-19.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phải bảo đảm đủ năng lực, phương tiện, thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm; đẩy mạnh truy vết F1 và cách ly kịp thời. Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng đảm bảo hỗ trợ Đà Nẵng công tác cách ly. Bộ Y tế tăng cường nguồn lực cho các địa phương xét nghiệm những người đã đi qua vùng dịch ở Đà Nẵng. Thủ tướng cũng giao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam hỗ trợ Đà Nẵng điều trị bệnh nhân. 

Tùy tình hình dịch bệnh, chính quyền các địa phương thực hiện cách ly hay giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 hoặc 19. Từng địa phương đều phải có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu dịch xâm nhập vào Việt Nam, kêu gọi những người bị sốt và ho trong cả nước xét nghiệm. (VTV.vn 29/7)Về đầu trang

Truyền thông quốc tế tin tưởng Việt Nam kiểm soát được COVID-19

Truyền thông quốc tế đánh giá cao những phản ứng kịp thời của Chính phủ Việt Nam sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Đà Nẵng.

 Truyền thông quốc tế đã có những bài viết đánh giá cao những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam thực hiện ngay sau khi xuất hiện trở lại các ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cộng đồng, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình nhờ kinh nghiệm và những trang thiết bị sẵn có.

 Hãng tin Bloomberg ngày 28/7 đăng bài viết khen ngợi Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai kế hoạch giãn cách xã hội và ban hành trở lại các biện pháp phòng dịch, sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng.

 Trong khi đó, trang Nikkei của Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Trước đó một ngày, trang mạng The Diplomat nhận định có nhiều yếu tố cho thấy Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình. Theo The Diplomat, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, không chỉ riêng dịch COVID-19.

 Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bị đại dịch tấn công, Việt Nam sớm nhận thức về tầm quan trọng của việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

 Nhờ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ sớm, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công hai đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đó vào tháng 1 và tháng 3/2020, thể hiện bằng số ca bệnh thấp hơn nhiều so với những quốc gia lân cận và không có trường hợp tử vong. Đây được cho là cơ sở để quốc tế tin tưởng rằng Việt Nam có thể xử lý tốt dịch bệnh.

 Theo The Diplomat, khi có báo cáo về ca nhiễm thứ 416 (trường hợp lây lan trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 3 tháng tại Việt Nam), chính quyền thành phố Đà Nẵng đã áp dụng mô hình chống dịch của Hà Nội trước đây.

 Đó là phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để thực hiện các biện pháp như truy vết nguồn bệnh một cách quyết liệt, lập các chốt kiểm dịch bắt buộc và tăng cường phun thuốc khử trùng.

 Điều này từng giúp chính phủ ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng trước đây và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn trong thời gian phong tỏa.

 Đà Nẵng vừa nhận được Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, theo đó cấm người dân tụ tập nơi công cộng, trong khi chính quyền nỗ lực tiến hành các chiến dịch sàng lọc và khử trùng diện rộng, hạn chế số lượng lớn người ra vào Đà Nẵng.

 The Diplomat nhận định, với những hành động quyết liệt này, Đà Nẵng có thể kiểm soát sự lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng và Việt Nam có thể xử lý đợt dịch này thông qua việc phong tỏa các địa phương nguy cơ cao như Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, thay vì giãn cách xã hội trên toàn quốc như vài tháng trước.

 The Diplomat nhấn mạnh tới yếu tố kinh nghiệm chống đại dịch của Việt Nam trong suốt nửa năm qua kết hợp với việc sở hữu thêm nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến hơn - yếu tố cần thiết để đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.

 Trang thiết bị tốt hơn cũng được cho là sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng - một yếu tố chính từng giúp Việt Nam chiến thắng COVID-19 thời gian trước.

 Sau khi xuất hiện các trường hợp nhiễm mới ở Đà Nẵng, một số địa phương yêu cầu người dân, đặc biệt là những người từ Đà Nẵng trở về, cài đặt các ứng dụng di động như nCOVI và Bluezone do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo sử dụng.

 Những úng dụng này sẽ thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏecủa người dân, giúp chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình đại dịch và ứng phó kịp thời. Thông qua ứng dụng, người dân cũng sẽ được cập nhật thông tin về những trường hợp nhiễm bệnh mới cũng như cách thức giữ gìn sức khỏe và tránh bị lây nhiễm giữa đại dịch.

 Bài viết dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây kết luận, với những gì đã làm được, Việt Nam có thể duy trì đà chiến đấu chống đại dịch COVID-19 trước khi có vắcxin phòng bệnh và tiếp tục đối phó một cách hiệu quả như đã làm được trong những tháng qua. (VTV.vn 29/7)Về đầu trang

Vẫn tổ chức thi tốt nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định chống dịch

Sáng 29/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

 Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn thảo về diễn biến tình hình dịch bệnh; chuẩn bị trang thiết bị xét nghiệm, điều trị; tổ chức thi tốt nghiệp, lễ hội, hoạt động du lịch;… trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. 

Theo các chuyên gia, phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình.

 Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ ổ dịch tại 3 bệnh viện trên, chúng ta cũng phải theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện nêu trên và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua. Nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

 Đáng lưu ý, vừa qua nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại thành phố Đà Nẵng (trong đó có thành phố Hà Nội và TP.HCM), do vậy những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới.

 Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng, các văn bản, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã có rất đầy đủ, trong đó Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 19 có lơi lỏng, cho nên bây giờ các bộ ngành, địa phương phải siết lại, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

 Trong đó, các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là khi đi trên phương tiện giao thông công cộng; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay bằng xà phòng.

 Về cơ bản chưa có hạn chế đi lại nhưng các chuyên gia khuyến nghị trong mùa dịch, như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

 Qua thực tiễn ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế phải tăng cường công tác tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

 Ban Chỉ đạo nhấn mạnh ngành y tế là lực lượng xung kích đi đầu trong chống dịch, phải gương mẫu trong việc nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm; sẵn sàng lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh khi có diễn biến mới.

 Về công tác tổ chức đón công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng, rà soát, điều tiết kế hoạch đưa công dân về nước phù hợp với năng lực cách ly, điều trị trong nước.

 Đối với hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội,… đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nêu quan điểm cần hạn chế tối đa để bảo đảm an toàn. Theo đó, những địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền công bố có dịch sẽ huỷ hoàn toàn; còn tại các địa phương có nguy cơ cao, sẽ hạn chế, tạm dừng tổ chức lễ hội lớn, tập trung đông người và sự kiện không cần thiết;…

 Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cũng đề nghị lực lượng chức năng, các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải đề cao cảnh giác; tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh, đường biên giới, đường mòn lối mở; quản lý các tổ bay; nâng cao năng lực truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, sẵn sàng khoanh vùng, dập dịch để bảo vệ thành quả chống dịch của đất nước.

 Về công tác tổ chức thi tốt nghiệp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 vẫn sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/8. Hiện nay, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19. Đối với những địa phương có dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn rất cụ thể để các địa phương áp dụng phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại cơ sở.

 Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác. Việc phân nhóm đối tượng dự thi nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

 Theo đó, với nhóm đối tượng thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi), các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học có phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các học sinh, đồng thời bảo đảm quyền chủ động tuyển sinh của các trường.

 Đối với nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận khu cách ly tùy theo số lượng đối tượng thí sinh; bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh F1 có điều kiện dự thi.

 Đối với nhóm đối tượng thí sinh F2 (tiếp xúc gần với F1), tuỳ theo số lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng các học sinh đông thì tổ chức một điểm thi riêng và có phương án đưa đón các học sinh phù hợp.

 Trường hợp còn lại, các em thi tại các điểm thi bình thường, tùy theo nguy cơ mức độ lây nhiễm của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách bảo đảm yêu cầu như: Khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp. (VTV.vn 29/7)Về đầu trang

Dịch Covid-19: Trận chiến mới!

Điều không ai mong muốn đã xảy ra! Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, cuộc chiến chống Covid-19 giờ đây căng thẳng với nhiều kịch bản khó hình dung. Ngay trong chiều qua (27.7), Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 công bố thêm 11 ca mắc, đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 7 bệnh nhân và 4 nhân viên y tế. Như vậy, tổng số ca mắc mới đã lên con số 15.

 So với giai đoạn trước, trận chiến này có lẽ gian nan và khó khăn hơn. Bởi lẽ, cả 4 bệnh nhân Covid-19 lây từ cộng đồng được ghi nhận trong ngày 25 - 26.7 đều chưa rõ nguồn lây ban đầu, trong khi hầu hết bệnh nhân Covid-19 ở giai đoạn trước đều truy xuất được F0. Việc không tìm được nguồn lây sẽ làm giảm hiệu quả của hoạt động khoanh vùng, dập dịch.

 Hơn nữa, thông tin từ lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, những ca bệnh ở Đà Nẵng lây nhiễm virus chủng mới với đặc tính lây lan nhanh hơn 5 chủng SARS-CoV-2 Việt Nam đã ghi nhận trước đây. Dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7, như vậy Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa mà chưa được phát hiện.

 Bù lại chúng ta bước vào trận chiến này với tất cả những kinh nghiệm quý báu của giai đoạn trước - giai đoạn mà chúng ta đã gặt hái thành công và khiến thế giới phải nể phục. Vào lúc này, không chỉ Chính phủ, ngành y tế, chính quyền địa phương mà cả người dân đều biết mình phải làm gì khi dịch bệnh bùng phát trở lại. 

 Tinh thần “chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh” thể hiện rõ trong từng quyết sách, từng động thái của các cơ quan chức năng.

 Khi xuất hiện ca bệnh mới ở Đà Nẵng, ngay lập tức, Bộ Y tế lần đầu tiên triển khai 3 tổ công tác gồm những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm nhất hỗ trợ xét nghiệm, điều tra dịch tễ và điều trị cho địa phương này. Bộ Y tế cũng lần đầu tiên cho xét nghiệm bằng test nhanh trên diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao ở Đà Nẵng để sàng lọc ngoài cộng đồng.

 Về phía Đà Nẵng - tâm điểm của cuộc chiến chống dịch Covid lần này - đã rất nhanh chóng quyết định tạm dừng đón khách du lịch và các hoạt động không thiết yếu. Cũng ngay sau đó, Đà Nẵng đề xuất thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố từ 0 giờ ngày 28.7 và được Thủ tướng chấp thuận. Lệnh phong tỏa bệnh viện được Đà Nẵng ban hành sớm hơn rất nhiều (2 ngày sau khi công bố ca bệnh đầu tiên) so với khi phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai (10 ngày sau khi xuất hiện bệnh nhân đầu tiên).

 Hai ngày qua, hầu hết tỉnh, thành phố đều đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới trên tinh thần chủ động, không lơ là, mất cảnh giác.

 Người dân trên cả nước lại bắt đầu đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, hạn chế tụ tập đông người.

 Mặc dù các cơ quan chức năng đã phản ứng rất nhanh nhạy, bài bản nhưng chúng ta chỉ có thể giành chiến thắng trong trận chiến này khi mỗi cá nhân nâng cao ý thức về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không tư duy kiểu “mọi việc đã có Nhà nước lo” và thực hiện nghiêm các khuyến cáo - trước là vì bản thân, sau là vì xã hội. Đây cũng chính là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của giai đoạn trước. Trong trận chiến mới này, nếu có người vì sợ cách ly mà giấu nhẹm tình trạng sức khỏe và lịch trình đi lại; nếu có người vì lo lắng mà tự ý bỏ viện khi bệnh viện đang phong tỏa; nếu có người bị đồng tiền làm mờ mắt, đưa người nhập cảnh trái phép vào nước ta, hoặc giúp đỡ, che giấu, chứa chấp họ… thì hy vọng sớm khống chế được dịch Covid-19 rất khó trở thành sự thật. (Đại biểu nhân dân 29/7, Hà Lan)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Nhiều doanh nghiệp Nhật lạc quan về việc phục hồi kinh doanh tại Việt Nam

Kết quả khảo sát nhanh về công tác triển khai kinh doanh thời kỳ hậu Covid của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội công bố ngày 28/7 cho thấy, ở Việt Nam, những doanh nghiệp Nhật bị giảm doanh thu hay ngừng sản xuất ít hơn so với các nước khác.

 Đối tượng khảo sát lần này của Jetro là 1.974 công ty thuộc thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam.

 Về ảnh hưởng chung do chủng Corona mới, chỉ có 3% công ty Nhật trả lời ‘’không ảnh hưởng’’ và có 96% công ty trả lời ‘’có ảnh hưởng’’. Hơn một nửa số công ty ‘’chịu ảnh hưởng nặng nề’’ (18%) và ‘’chịu ảnh hưởng lớn’’ (40%).  Phân theo quy mô, 96% công ty lớn trả lời ‘’có ảnh hưởng’’ trong khi tỷ lệ đó đối với công ty vừa và nhỏ là 94%.

 Về ảnh hưởng tiêu cực, cụ thể là ‘’hạn chế bay, nhập cảnh’’ (89%) là câu trả lời nhiều nhất và có khoảng 90% công ty trả lời ‘’chịu ảnh hưởng’’. Tiếp theo, ‘’hạn chế di chuyển nội địa’’ là 65%, ‘’thị trường nội địa đình trệ’’ là 57%, ‘’thị trường nước ngoài (xuất khẩu sụt giảm)’’ (56%) là câu trả lời của hơn một nửa số công ty có chịu ảnh hưởng.

 Trong khi đó, ‘’hạn chế hoạt động kinh doanh do chỉ thị của Nhà nước’’ hay ‘’dòng tiền công ty bị ảnh hưởng xấu” có trên 60% các công ty trả lời ‘’không chịu ảnh hưởng’’.

 Phân theo ngành, ảnh hưởng “thị trường nước ngoài (xuất khẩu giảm sút)” ở ngành chế tạo  là cao nhất (72%), ngành phi chế tạo (39%). Hạng mục ‘’Thị trường nội địa đình trệ’’, ngành phi chế tạo (65%) cao hơn 15 điểm so với ngành sản xuất (50%), trong khi ngành sản xuất có nhiều công ty xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bởi thị trường nước ngoài thì ngành phi sản xuất có nhiều công ty đáp ứng nhu cầu trong nước chịu ảnh hưởng hơn bởi thị trường nội địa. 

Phân theo quy mô, hạng mục “thị trường nội địa đình trệ’’, công ty lớn (61%) cao hơn 8 điểm so với công ty vừa và nhỏ (53%).

 Trả lời câu hỏi về doanh thu thời điểm hiện tại và dự đoán doanh thu cả năm 2020, phần lớn số DN Nhật Bản trả lời giảm, do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. Cụ thể, về doanh thu tại thời điểm hiện tạitừ tháng 1 đến tháng 6/2020), có 65% công ty trả lời “giảm” và 13% công ty trả lời "tăng”. Nhìn vào các ngành, đối với công ty có câu trả lời ‘’giảm’’, ngành sản xuất cao nhất (68%), tiếp theo là ngành phi sản xuất (61%). Về dự đoán doanh thu cho cả năm 2020, 65% công ty trả lời "giảm" và 15% công ty trả lời "tăng".

 Đánh giá khả năng phục hồi về trạng thái trước khi dịch Covid xảy ra, 21% những DN được hỏi đã trả lời thời gian phục hồi sẽ vào quý I/2021 và hơn 40% các DN dự đoán rằng sẽ mất hơn một năm để phục hồi kể từ khi đại dịch xảy ra.

 Mặt khác, những công ty dự đoán sẽ phục hồi trước thời điểm cuối năm 2020, bao gồm cả "không bị ảnh hưởng” (13%) và "đã phục hồi” (3%) chiếm 40%. Nhìn vào các ngành, ngành sản xuất được dự đoán có thời gian phục hồi sớm hơn ngành phi sản xuất.

 Về việc thực hiện nhằm đối phó và phản ứng với ảnh hưởng từ dịch Covid của các DN Nhật, câu trả lời nhiều nhất là “đàm phán trực tuyến’’ (22%). Tiếp đến, ‘’kiểm soát thời gian hoạt động kinh doanh’’ (14%), ‘’dừng hoặc trì hoãn mở rộng/ đầu tư mới’’ (12%) và có một số công ty đang bị ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

 Các biện pháp, chính sách đang được xem xét nhiều nhất là "giảm tiền lương/tiền thưởng” (22%), đánh giá lại sản phẩm/dịch vụ (20%), thay đổi/bổ sung nhà cung ứng (18%), xem xét lại các đầu mối bán hàng (18%). Trong đó, ngành sản xuất đã thực hiện kiểm soát thời gian hoạt động kinh doanh là 25%. Ngoài ra, ngành sản xuất sẽ xem xét “thay đổi nhà cung ứng” là 24% và chiếm 1/4.

 Phân theo ngành sản xuất, có 20% công ty sẽ xem xét dừng hoặc hoãn đầu tư, mở rộng mới và đầu tư thiết bị để tự động hóa, giảm nhân công. 16% công ty đang xem xét đánh giá lại cách thức, vận chuyển hàng hóa và 15% công ty đang xem xét thay đổi thiết bị, giá thành nguyên liệu (sử dụng sản phẩm thay thế).

 Trong số các DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, có nhiều DN cũng đồng thời đang có hoạt động kinh doanh tại các quốc gia khác trong khu vực. Khảo sát của Jetro cho thấy, có 10% số công ty được hỏi (34 công ty) trong ngành sản xuất cho biết sẽ chuyển sản xuất sang Việt Nam từ Trung Quốc và cả ngoài Trung Quốc.

 Trong số các nguyện vọng đối với Chính phủ Việt Nam của DN Nhật Bản, nhiều nhất là “sớm nới lỏng các hạn chế nhập cảnh’’ (90%), “nhanh chóng khôi phục các chuyến bay giữa Việt Nam và Nhật Bản’’ (80%) và rất nhiều DN mong muốn sớm nới lỏng việc đi lại giữa hai nước. 

Ngoài ra, có thêm các nguyện vọng như cải thiện và mở rộng hệ thống y tế, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thu nhập cho người nước ngoài (giảm thuế thu nhập,...), sớm gửi thực tập sinh sang Nhật Bản… (Thời báo tài chính Việt Nam 28/7)Về đầu trang

75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 3,8% so với tháng trước nhưng lượng vốn đăng ký vào thị trường tăng cao 72%.

 Trong tháng 7/2020, cả nước có 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 239,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,4 nghìn lao động, giảm 3,8% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với tháng trước.

 Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 18,1 tỷ đồng, tăng 78,8% so với tháng trước và tăng 60,9% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trong tháng, cả nước còn có 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019; có 3.372 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 4,8% và tăng 34,8%; có 3.068 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,2% và tăng 24,2%; có 1.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,9% và tăng 4,9%; có 4.591 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 10,8% và tăng 31,1%.

 Tính chung 7 tháng, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 936,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,6 nghìn lao động, giảm 5,1% về số doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

 Nếu tính cả 1.158,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm nay là 2.094,8 nghìn tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 28,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với 7 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

 Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 1.372 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; có 22 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,1%; có 51,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8,4%.

 Trong 7 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,2%; 8,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,5%, trong đó có 7,9 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 5,1%; 138 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 4,5%.

 Trong 7 tháng, trên cả nước còn có 26,7 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. (Cafef.vn 29/7, H.A)Về đầu trang

Tổng FDI đăng ký 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất

Dữ liệu từ Tổng cục Thông kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

 Trong đó có 1.620 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,5 tỷ USD, giảm 21,5% về số dự án và tăng 14,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 619 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD, tăng 37,7%; có 4.459 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 4,6 tỷ USD, giảm 45,6%.

 Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 970 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,6 tỷ USD và 3.489 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3 tỷ USD.

 Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 15%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 0,7 tỷ USD, chiếm 7,1%.

 Trong 7 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4 tỷ USD, chiếm 42,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12%.

 Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,7 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 27,2%; các ngành còn lại đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 18,4%.

 Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm 25,8%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 47,3%.

 Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 990,4 triệu USD, chiếm 10,5%; Hàn Quốc 983,9 triệu USD, chiếm 10,4%; Đài Loan (TQ) 809,2 triệu USD, chiếm 8,6%; Đặc khu hành chính Hong Kong (TQ) 783,6 triệu USD, chiếm 8,3%; Nhật Bản 423,4 triệu USD, chiếm 4,5%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 221 triệu USD, chiếm 2,3%.

 Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 206,3 triệu USD; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 46,6 triệu USD. 

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng đạt 252,9 triệu USD, bằng 91,2% cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 178,7 triệu USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15,9 triệu USD, chiếm 6,3%; thông tin và truyền thông đạt 15,4 triệu USD, chiếm 6,1%. Trong 7 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 36,6%; Myanmar 38,3 triệu USD, chiếm 15,1%; Hoa Kỳ 32,1 triệu USD, chiếm 12,7%; Singapore 28,3 triệu USD, chiếm 11,2%. (Cafef.vn 29/7, H.A)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Không để “chảy máu” tài sản Nhà nước

Việc chấp hành pháp luật trong quản lý và tăng vốn điều lệ ở Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa được Thanh tra TPHCM chỉ ra nhiều sai phạm và kiến nghị Công an TPHCM điều tra các dấu hiệu vi phạm, một lần nữa cảnh báo các cơ quan chức năng phải hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài sản của Nhà nước.

 Mua cổ phần rồi từng bước thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước, đó là chiêu trò không mới của những nhóm lợi ích hoặc những kẻ lợi dụng và mua chuộc sự tha hóa của cán bộ Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp. Đó là chưa kể, với một doanh nghiệp cụ thể như Saigon Co.op - một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất của Việt Nam với hệ thống hàng trăm siêu thị và cửa hàng bán lẻ tiện lợi, đã từng được truyền thông quốc tế vinh danh là một trong những nhà bán lẻ lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp lên tới 26%-39%, thì việc “thò được chân” vào đã có thể thu lợi lớn, một nguồn lợi đáng lẽ thuộc về các xã viên - những người đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của Saigon Co.op và thuộc về Nhà nước (trong phần vốn góp của Nhà nước).

 Trước sự việc ở Saigon Co.op, người dân cả nước cũng đã chứng kiến nhiều tài sản của Nhà nước bị chảy máu trong quá trình cổ phần hóa chưa được quản lý chặt chẽ ở không ít doanh nghiệp. Khả năng chảy máu tài sản Nhà nước thường diễn ra tại các khâu thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và xác định tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ. Việc định giá cổ phần “rẻ như bèo” trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn là một điển hình. Cảng này có giá trị hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ được định giá 440 tỷ đồng. Cũng may, sai phạm nêu trên đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời.

 Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã có nhiều điều chỉnh, sửa đổi các quy định về cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp Nhà nước… song chưa thể hạn chế tối đa tình trạng chảy máu tài sản Nhà nước. Vụ việc vừa mới xảy ra ở Saigon Co.op là minh chứng. Chính vì thế, người dân mong muốn các cơ quan chức năng hành động nhiều hơn nữa.

 Hiện nay, các quy định về xử lý hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền thâu tóm hoặc tạo điều kiện cho nhóm lợi ích thâu tóm tài sản Nhà nước được quy định ở nhiều văn bản pháp luật như Luật Phòng chống tham nhũng 2018, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), Luật Cán bộ, công chức năm 2008… Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng luôn khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, quyết không để tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị chảy máu. Như vậy, có thể nói, hành lang pháp lý đã khá đầy đủ để các cơ quan chức năng hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

 Ngày trước, khi phát hiện đại tá Trần Dụ Châu tham nhũng, các đồng chí lãnh đạo cách mạng thời kỳ đó đã cương quyết xử lý với mức phạt cao nhất. Hành động này đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng: Đảng và Nhà nước không chấp nhận và không để cho hành vi ấy được phép “sinh sôi”. Thông điệp này đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.

 Ngày nay trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh…, đời sống của không ít người dân còn nhiều khó khăn thì việc xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền để thâu tóm tài sản của Nhà nước cũng cần phải bị xử lý nghiêm khắc tương tự. Tiền của Nhà nước, của nhân dân phải được đầu tư trở lại phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước…, quyết không thể để chảy vào túi quan tham. (Sài gòn giải phóng 29/7, Nguyễn Khoa)Về đầu trang

QUẢN LÝ

TP.HCM: 6 tháng đầu năm chỉ phát hiện 1 cán bộ nhận quà trái quy định

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020.

 Theo đó, trong quý II và 6 tháng đầu năm, UBND thành phố luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính phủ, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, các giải pháp phòng ngừa được triển khai thực hiện toàn diện.

 Kết quả thanh tra cũng phát hiện nhiều vi phạm trong công tác quản lý đất đai, tài sản, về quản lý, sử dụng vốn,… xác định dấu hiệu vi phạm pháp luật và kịp thời báo cáo, đề xuất và chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cho cơ quan điều tra.

 UBND TP.HCM đánh giá vì thành phố là trung tâm kinh tế của cả nước, dân số đông nên phát sinh nhiều giao dịch về hành chính, kinh tế - xã hội,… Do đó, tình trạng tham nhũng vẫn tiềm ẩn và có thể xảy ra ở mọi ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị,... 

Trong báo cáo, UBND TP.HCM đã nêu ra một số trường hợp vi phạm. Cụ thể, trong quý II, qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị, không phát sinh trường hợp sử dụng tài sản công, tặng quà, nhận quà không đúng quy định.

 Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020 có 1 trường hợp cán bộ, công chức xã Tân Hiệp thuộc UBND huyện Hóc Môn bị phát hiện có hành vi nhận quà không đúng quy định, với số tiền là 20 triệu đồng. Số tiền này đã được nộp vào ngân sách Nhà nước.

 Ngày 13/2, UBND huyện Hóc Môn đã kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm và chuyển hồ sơ, tài liệu vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện.

 Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách khi để xảy ra hành vi tham nhũng, theo báo cáo, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố chưa có trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để đơn vị phụ trách xảy ra hành vi tham nhũng.

 Tuy nhiên, có 4 trường hợp bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu do chưa làm hết vai trò, trách nhiệm, để viên chức dưới quyền quản lý vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp đến mức bị truy tố hình sự về tội danh Dâm ô với người dưới 16 tuổi. Sự việc xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

 Về kết quả thanh tra và việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra, trong 6 tháng đầu năm, phát hiện 1 trường hợp tham ô tài sản. Cụ thể là bà Nguyễn Kim Cúc - Kế toán trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình. Hiện, hồ sơ vụ việc đã chuyển cho Công an quận Tân Bình để xử lý theo thẩm quyền.

 Về công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, theo báo cáo của Công an TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã thụ lý điều tra 20 vụ/21 bị can với tổng số tiền thiệt hại là hơn 957 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 683 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 chuyển sang 15 vụ/12 bị can, khởi tố mới 4 vụ và 6 bị can bị khởi tố từ các vụ án tồn.

 Ngoài ra, từ đơn thư, tin báo tố giác tội phạm có dấu hiệu tham nhũng, Công an TP.HCM đã thụ lý 43 vụ. Kết quả, ra quyết định khởi tố 3 vụ, ra quyết định không khởi tố 3 vụ, chuyển đơn vị khác theo thẩm quyền 2 vụ, nhập chung vào vụ án đã khởi tố 2 vụ… Hiện, đang điều tra, xác minh 26 vụ. (Danviet.vn 29/7, Đình Việt)Về đầu trang

Hà Nội phê duyệt hơn 7 tỷ đồng để tinh giản biên chế đợt 4 năm 2020

Ngày 29-7, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, xét đề nghị của liên sở Nội vụ - Tài chính, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3290/QĐ-UBND ngày 27-7-2020 về việc phê duyệt danh sách và kinh phí chi trả cho công chức, viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ của thành phố Hà Nội, đợt 4 năm 2020.

 Đồng thời, danh sách còn có những người đã là công chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương, được nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014, Nghị định 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ. Theo đó, tổng kinh phí chi trả cho đợt tinh giản biên chế này là hơn 7,1 tỷ đồng.

 Quyết định của UBND thành phố cũng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 13-4-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế của thành phố Hà Nội theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014, Nghị định 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ, đợt 3 năm 2020.

 UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người được tinh giản biên chế có trách nhiệm tiếp nhận kinh phí ngân sách thành phố cấp bổ sung; trích kinh phí từ ngân sách quận, huyện, thị xã; sử dụng các nguồn hợp pháp khác của cơ quan, đơn vị; nguồn kinh phí hoạt động của hội để thực hiện chi trả cho các đối tượng theo đúng chế độ, chính sách; thực hiện thanh, quyết toán kinh phí đúng quy định của Nhà nước.

 Sở Nội vụ, Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng quy định. (Hà Nội mới 29/7, Thành Tâm) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Ngồi nhà nộp thuế trước bạ, đăng ký xe trực tuyến từ 15/8

Ngày 29/7, tại Trụ sở Chính phủ diễn ra cuộc họp với một số bộ, ngành, đơn vị liên quan… về việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến nhằm chuẩn bị công bố Lễ khai trương hệ thống Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và dịch vụ công trực tuyến thứ 1000, tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

 Tính đến ngày 28/7, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có 875 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với hơn 200.000 tài khoản đăng ký, tăng 26.000 tài khoản so với tháng trước, hơn 53 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận xử lý gần 3.500 hồ sơ trực tuyến trên Cổng, tiếp nhận, xử lý hơn 7.300 phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ.

 Trong tháng 7/2020 Cổng dịch vụ công Quốc gia đã xử lý  trên 3 nghìn 300 giao dịch thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế và thu phạt giao thông.

 

Với nội dung tái cấu trúc quy trình cấp đăng ký, biển số xe điện tử hiện vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất, cần thiết Bộ Công an phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện hoàn toàn dịch vụ này trên môi trường mạng. Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho biết, đối với những vấn đề vướng mắc, ngành đã triển khai những bước đi cụ thể. Đồng thời cho rằng, ngành đang triển khai mọi công tác rất khẩn trương để đảm bảo tiến độ thực hiện.

 “Ngày 15/8 là triển khai cấp thí điểm biển số xe với sản xuất ô tô, lắp ráp trong nước tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với trách nhiệm được Chính phủ giao, chúng tôi cũng xin hứa với Tổng cục Hải quan, cơ quan tài chính cùng với đăng kiểm và thuế trước bạ, chúng tôi làm hết sức quyết liệt. Việc này thì chắc chắn là cũng phải cả ngày nghỉ để tích hợp, đấy là bài toán mà chúng tôi phải làm hết sức khẩn trương”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay.

 Cũng tại cuộc họp, các đại biểu cùng thảo luận kết quả thực hiện quy trình, xây dựng tích hợp một số dịch vụ công trực tuyến về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp-bệnh nghề nghiệp cho đơn vị sử dụng lao động; Dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động… Theo đó, các ý kiến cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành trước ngày 15/8 tới đây.

 Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, thay vì các bộ ngành, địa phương báo cáo theo tháng, quý, 6 tháng và cả năm phải gửi văn bản giấy và cập nhật theo thời gian, khi có Hệ thống Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ sẽ chủ động được tự động hóa toàn bộ vấn đề cập nhật.

 Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có 875 dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 và sẽ cung cấp dịch vụ công thứ 1.000 vào ngày 15/8 tới. Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, để triển khai các dịch vụ này trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì yêu cầu đặt ra cho các cơ quan, bộ ngành là phải tái cấu trúc lại quy trình, xây dựng, tích hợp.

 “Các sản phẩm này thay đổi tư duy và cách quản lý, đồng thời thay đổi cả những hành động cụ thể mang tính thực chất là phục vụ người dân doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu chúng ta làm mà không có người ứng dụng, thì toàn bộ cái đầu tư chúng ta chả có ý nghĩa gì cả”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

 “Hồ sơ nộp hồ sơ trực tuyến chứ không phải hồ sơ theo kiểu nộp giấy. Nếu như các bộ, ngành không kết nối mà từ chối do lý do riêng thì đương nhiên phải loại khỏi vòng. Còn quy trình của đơn vị cắt bớt giấy phép con, giấy tờ kèm theo không cần thiết để đẩy mạnh các dịch vụ trên cổng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm. (VOV.vn 29/7, Nguyễn Hằng)Về đầu trang

Ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chỉ số PAPI tại TPHCM

Tại Hội nghị trực tuyến “Trao đổi giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh – PAPI trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu cho rằng, chỉ có sử dụng công nghệ mới đẩy nhanh công việc, giảm tham nhũng và nâng cao sự hài lòng của nhân dân.

 Cũng theo ông Ngô Minh Châu, từ đầu năm 2020, thành phố đặt ra chỉ tiêu phấn đấu lọt vào nhóm 16 tỉnh thành đạt chỉ số PAPI cao nhất, tuy nhiên thành phố đang nỗ lực để đưa vào "tốp 10". Vì vậy, các sở ngành, quận huyện, phường xã thị trấn quyết tâm, làm hết sức mình, để cải thiện chỉ số PAPI nói riêng và các chỉ số nền hành chính công nói chung. Trong đó, thành phố sẽ phát huy ưu điểm, kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục các chỉ số thấp điểm như: chỉ số về sự tham gia của người dân ở cơ sở, quản trị điện tử, môi trường, kiểm soát tham nhũng và trách nhiệm giải trình.

 “Sở Nội vụ nghiên cứu các giải pháp để tham mưu cho UBND thành phố các chỉ tiêu cụ thể, ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số PAPI. Cùng với đó, các sở ngành, quận huyện, phường xã nâng cao năng lực điều hành chính sách, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc”, ông Ngô Minh Châu cho biết thêm.

 Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, để có chỉ số PAPI đạt cao, các địa phương cần phải có người lãnh đạo tinh hoa, giữ vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng. Chính quyền phải có năng lực hành động cũng như sự hậu thuẫn, tin tưởng của xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều không gian để cải thiện chỉ số PAPI với bản sắc sáng tạo và cũng là nơi tập trung đông dân cư, phát triển kinh tế bậc nhất cả nước.

 Theo bà Catherine Phương, Trợ lý Ban Giám đốc, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, chỉ số PAPI được đưa ra nhằm đánh giá và qua đó để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, nâng cao hài lòng của người dân trong thực thi chính sách, pháp luật. Thành phố cần tiếp tục vượt qua thách thức chung của cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để từ đó đưa ra những kế hoạch cải thiện tiếp theo, hướng đến sự hài lòng hơn nữa của người dân và doanh nghiệp.

 Dưới góc độ quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND Quận 7 Đào Gia Vượng cho biết, nhằm rút ngắn thời gian cấp Giấy phép xây dựng, Quận 7 đã áp dụng nhiều cách làm để từ đó giảm từ 15 ngày theo quy định xuống còn 12 ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND Quận 7 đã tiếp nhận 920 hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, trong đó chỉ có 7 hồ sơ giải quyết trễ hạn vì các bản vẽ chưa đạt yêu cầu do không cập nhật lộ giới, sai sót về diện tích, không phù hợp với quy hoạch nên phải điều chỉnh. 

Năm 2019, chỉ số PAPI của Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao. Trong đó, một số chỉ số tăng điểm gồm: chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị điện tử. (TTXVN/Bnews.vn 29/7, Trần Xuân Tình)Về đầu trang

Đà Nẵng khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Sáng 28/7, UBND TP. Đà Nẵng có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tục hành chính các cấp trên địa bàn trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

 UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã thực hiện thông suốt, hiệu quả việc tiếp nhận và kịp thời xử lý hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua việc bố trí luân phiên công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính các cấp.

 Chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp (giữ khoảng cách trong giao tiếp, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc; thực hiện đo thân nhiệt, vệ sinh sát khuẩn cho công chức, viên chức làm việc tại bộ phận và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác; có biện pháp điều tiết, bảo đảm giãn cách đối với người đến thực hiện thủ tục hành chính...).

 Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn) để thực hiện TTHC trên môi trường mạng; sử dụng dịch vụ bưu chính công trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả TTHC. 

Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tuyệt đối không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tình hình dịch để gây khó khăn hoặc không thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.

 UBND Thành phố giao Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện việc sắp xếp, bố trí luân phiên công chức, viên chức làm việc tại các quầy giao dịch của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm hành chính thành phố.

 Nghiên cứu cách thức kiểm soát số lượng người trong mỗi lượt vào thực hiện giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết tập trung thành phố; phân chia, bố trí khu vực cho người chờ đến lượt giao dịch bảo đảm các yếu tố vệ sinh và giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. (Baochinhphu.vn 28/7, Thế Phong)Về đầu trang

Công an Đồng Nai mở 182 tài khoản Zalo tương tác với người dân cấp xã

Ngày 28/7, Công an tỉnh Đồng Nai và Zalo đã chính thức ký kết triển khai ứng dụng Zalo vào công tác cải cách hành chính và an ninh trật tự. Từ nay, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có thể tố giác tội phạm, phản ánh, tiếp nhận thông tin đến lực lượng công an qua Zalo.

 Bên cạnh đó, Công an tỉnh Đồng Nai cũng tích hợp chatbot để tư vấn cho người dân về các thủ tục đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu, cấp Căn cước công dân…

 Ứng dụng công nghệ vào công tác cải cách hành chính và an ninh trật tự, được xem là sáng kiến đột phá của Công an tỉnh Đồng Nai, thể hiện quyết tâm không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số. Việc dùng Zalo tương tác với người dân được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động của công an trở nên gần gũi hơn, đồng thời thúc đẩy hiệu quả hoạt động tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trong xã hội. Các thủ tục hành chính sẽ được giảm thiểu để tránh phiền hà cho người dân.

 Phát biểu tại buổi lễ, đại tá Trần Tiến Đạt, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết Công an tỉnh đã thiết lập 182 tài khoản Zalo trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức triển khai toàn diện nhằm mục tiêu đến gần với người dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

 “Thông qua việc ứng dụng Zalo trong công tác, Công an tỉnh hy vọng tăng sự tương tác với người dân, mang lại hiệu quả giữ gìn an ninh trật tự, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường công khai, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới”, đại tá Trần Tiến Đạt nói.

 Thời gian tới, các đơn vị công an trong tỉnh sẽ thực hiện tuyên truyền để nhân dân sử dụng, tăng sự tương tác giữa công an tỉnh và người dân. Đồng thời, sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra các tồn tại hạn chế, nguyên nhân để các cơ quan nâng cao hiệu quả sử dụng ứng dụng trong thực tiễn. 

Bên cạnh việc nhắn tin để tố giác tội phạm, an ninh trật tự. Tài khoản Zalo do Công an tỉnh Đồng Nai quản lý được tích hợp chatbot trả lời tự động về thủ tục hành chính. Chatbot này sẽ cung cấp thông tin thành phần hồ sơ, mẫu đơn, địa điểm thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực công tác công an, như: Đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu, cấp Căn cước công dân…

 Việc sử dụng chatbot giúp người dân biết được quy trình thực hiện thủ tục, những giấy tờ cần chuẩn bị trước khi đến trụ sở công an trong tỉnh Đồng Nai. Tất cả được tích hợp sẵn trên thanh công cụ, giúp người dùng nhanh chóng nắm bắt thông tin mình muốn chỉ với một thao tác bấm. Qua Zalo, người dân còn nhận được hướng dẫn điền đơn, cách chuẩn bị hồ sơ… nhằm hạn chế việc đi lại nhiều lần đến cơ quan công an trong thực hiện thủ tục hành chính.

 Để sử dụng các tiện ích trên, người dân chỉ cần bấm nút Quan tâm tài khoản Zalo “Công an tỉnh Đồng Nai”. Đối với cấp huyện, xã, người dân nhập tên đơn vị công an địa phương trên ô tìm kiếm, chẳng hạn: Công an huyện Long Thành, Công an xã Long Phước…

 Hiện, tất cả tài khoản Zalo Công an các cấp trong tỉnh Đồng Nai đều hoạt động ổn định. Số điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh, huyện, xã đã được bổ sung vào chức năng tra cứu trên Zalo để người dân tiện liên lạc. Quản trị viên là công an tại trụ sở đã sẵn sàng để trả lời thắc mắc của người dân khi chat với tài khoản Zalo Công an. (Zingnews.vn 29/7, Lam Hoàng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Giám sát chặt giải ngân đầu tư công

Mấy ngày nay, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đang triển khai các biện pháp ứng phó với làn sóng mới của dịch Covid-19 bằng tất cả sự chủ động, bình tĩnh và hiệu quả. Dẫu vậy, đại dịch toàn cầu quay trở lại nước ta vào lúc này một lần nữa đã khiến cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay đứng trước thử thách khắc nghiệt. Chính phủ đã xác định “cỗ xe tam mã” tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nhưng với diễn biến mới của dịch bệnh, có lẽ trọng tâm sẽ phải dồn về đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.

 Tuy nhiên, với thời gian hơn 4 tháng còn lại, để có thể giải ngân lượng vốn đầu tư công lên tới khoảng 700 nghìn tỷ đồng thực sự là khó. Khó không phải vì chúng ta không có tiền hay bởi không nhìn thấy những nút thắt khiến tình trạng chậm trễ, trì trệ trong giải ngân đầu tư công đã trở thành bệnh "kinh niên". Chúng ta có tiền. Chúng ta đã nhìn thấy những nút thắt. Nhưng khó nhất là động lực để tháo được các nút thắt ấy trong suốt thời gian qua vẫn chưa đủ lớn.

 Một ví dụ điển hình là Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội Khóa XIII quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 6.2015. Thời điểm đó, dự tính kinh phí giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án là khoảng 18 nghìn tỷ đồng. 2 năm sau đó, trước tình trạng chậm chạp trong triển khai thực hiện Dự án trọng điểm quốc gia này, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã phải ban hành thêm một nghị quyết nữa để tách riêng nội dung về giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Lúc này, con số kinh phí dự toán cho giải phóng mặt bằng đã lên tới 23 nghìn tỷ đồng. Và chắc chắn, đó chưa phải là con số cuối cùng bởi đến nay, sau 3 năm, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành dự án này.

 Là người trực tiếp tham gia thẩm tra để trình Quốc hội Khóa XIII, XIV ban hành hai nghị quyết liên quan đến dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chỉ rõ, lý do chậm trễ của dự án là bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai đã không có sự phối hợp trong việc xây dựng đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân. “Đây là những nguyên nhân không phụ thuộc vào lạm phát, không phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì mà phụ thuộc vào năng lực của chính đội ngũ chúng ta. Có thể nói Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là điển hình của sự trì trệ, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND tỉnh Đồng Nai, UBND các huyện, xã và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc bố trí đơn giá giải phóng mặt bằng”, ông Kiên nhấn mạnh.

 Với những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta phải chắt chiu hơn bao giờ hết từng đồng vốn, từng cơ hội để vượt qua khó khăn, cố gắng duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế. Ngay sau hội nghị chuyên đề về đầu tư công giữa Chính phủ với các địa phương đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã về tận nơi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương để “thúc” giải ngân đầu tư công với "công cụ" đặc biệt quan trọng đã được Quốc hội trao cho, đó là, Chính phủ được chủ động điều chuyển vốn đầu tư công từ bộ, ngành, địa phương này sang bộ, ngành, địa phương khác.

 Có thể nói rằng, việc thực hiện đúng, nghiêm chủ trương của Quốc hội về điều chuyển vốn đầu tư công từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả và sự quyết liệt, sâu sát của Lãnh đạo Chính phủ đã và đang tạo ra áp lực buộc các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cán bộ, lãnh đạo phải thay đổi, phải chuyển động để khắc phục tình trạng chậm trễ, trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công. Đã có những tín hiệu tích cực khi nhiều địa phương cam kết sẽ thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư trong kế hoạch được giao, thậm chí sẽ giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển, giao thêm vốn. Ngay với Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai cũng đã cam kết và đang dồn lực để hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao phần diện tích hơn 1,8 nghìn hecta khu vực ưu tiên vào tháng 10 tới, tiếp tục kiểm đếm, bồi thường khu vực còn lại để bàn giao mặt bằng trong quý II.2021.

 Tuy vậy, cũng cần cảnh giác với xu hướng bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện giải ngân đầu tư công bằng mọi giá, cốt đạt thành tích về số lượng, thực hiện được cam kết với Chính phủ để không bị thu lại vốn điều chuyển cho nơi khác. Hơn lúc nào hết, chính các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc và nhân dân ở từng địa phương phải giám sát chặt chẽ, kịp thời việc tổ chức thực hiện giải ngân đầu tư công để bảo đảm từng đồng vốn được sử dụng thực sự hiệu quả, có tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế. (Đại biểu nhân dân 29/7, Hải Lam)Về đầu trang

Hưng Yên: Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức trung bình cả nước

Theo Kho bạc Nhà nước Hưng Yên, tính đến 15/7, đơn vị đã thanh toán được 51,9% kế hoạch vốn đầu tư công, cao hơn mức giải ngân trung bình cả nước (mức giải ngân trung bình cả nước là 33,1%).

 Nhờ sự vào cuộc sát sao, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được đẩy nhanh. Ông Nguyễn Thái Hà - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hưng Yên cho biết, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh được giao năm nay là 4.672 tỷ đồng, trong đó vốn kế hoạch giao năm 2020 là 4.090 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 583 tỷ đồng.

 Tính đến hết 15/7, tỉnh đã giải ngân được 2.424 tỷ đồng, đạt 51,9% kế hoạch, trong đó, kế hoạch vốn năm 2020 đã giải ngân được 2.268 tỷ đồng, đạt 55,4%; kế hoạch kéo dài đã giải ngân được 156 tỷ đồng, đạt 26,8%. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh Hưng Yên cao hơn tỷ lệ giải ngân chung toàn quốc (tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc là 33,1%).

 Tuy nhiên, số vốn cấp tỉnh quản lý mới giải ngân được 647 tỷ đồng, đạt 31,8% so với kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt 36%), thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung toàn quốc (tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc là 34,1%).

 Ngoài ra, nguồn vốn dự phòng hỗ trợ từ trung ương chưa thực hiện giải ngân và nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2019 kéo dài mới giải ngân được 5,6 tỷ đồng, đạt 2,1% kế hoạch giao.

 Ông Nguyễn Thái Hà cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ kiểm soát chi qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng giao dịch, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động Kho bạc Nhà nước. (Thời báo tài chính Việt Nam 29/7)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Quảng Ninh: Cán bộ y tế bỏ cách ly, cả lớp trung cấp chính trị phải cách ly tại nhà

Trở về từ Đà Nẵng sau chuyến du lịch cùng gia đình, nhưng một cán bộ y tế phường Hà Phong (TP.Hạ Long) không tự cách ly, vẫn đến cơ quan làm việc, thậm chí còn đi học trung cấp chính trị.

 Ông Nguyễn Hữu Nhã - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long đã báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 TP.Hạ Long về việc bà Bùi Thị X (SN 1987, thường trú tại tổ 7, khu 9, phường Hồng Hà), là viên chức phụ trách Trạm y tế phường Hà Phong, trở về từ Đà Nẵng nhưng không tự cách ly, vẫn đến cơ quan làm việc, thậm chí còn đến lớp học trung cấp lý luận chính trị hành chính A46 dành cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

 Theo báo cáo, ngày 16/7/2020, bà X cùng 3 thành viên khác trong gia đình gồm: (1) Chồng là ông Hoàng Văn C, sinh năm 1982; (2) Con trai Hoàng Tấn Đ, sinh năm 2013; (3) Con gái Hoàng Thị Thu M, sinh năm 2018 (cùng cư trú tại tổ 7, khu 9, phường Hồng Hà) đi du lịch đến TP.Đà Nẵng. 

Theo kết luận của UBND TP.Hạ Long, bà X đã không thực hiện đúng chỉ đạo về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid 19, không thực hiện tự cách ly tại gia đình sau khi trở về từ các địa phương có ca bệnh Covid-19 tại cộng đồng. Yêu cầu toàn bộ học viên lớp học trung cấp lý luận chính trị hành chính A46 tạm dừng đến cơ quan, thực hiện cách ly tại nhà.

 Ngay sau khi nhận được thông tin sự việc, UBND TP.Hạ Long đã chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với bà Bùi Thị X, sáng 29/7 đã cho kết quả âm tính. Được biết, TP.Hạ Long đang xem xét kỷ luật viên chức vi phạm đối với bà Bùi Thị X. (Danviet.vn 29/7, Nguyễn Quý)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nam Phi điều tra tham nhũng liên quan hàng tỷ USD cứu trợ COVID-19

Những nỗ lực ứng phó với COVID-19 của Nam Phi đã bị ăn mòn bởi các cáo buộc tham nhũng liên quan gói cứu trợ kinh tế trị giá 36,6 tỷ USD.

 Nam Phi hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 trên thế giới. Đứng trước những thách thức của cuộc khủng hoảng dịch bệnh và nguy cơ tham nhũng hiện hữu, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa công bố một cuộc điều tra tham nhũng được tiến hành trên phạm vi rộng, nhằm tránh phải chịu tác động kép từ 2 mối lo ngại.

 Theo nhà lãnh đạo Nam Phi, cuộc điều tra được thiết lập nhằm xem xét, vạch trần các quan chức tham nhũng, bán rẻ đạo đức và các công ty tư nhân đã cướp đi số tiền khổng lồ lẽ ra được phân bổ sử dụng để bảo vệ sinh mạng và sinh kế của 57 triệu dân trong nước.

 "Hơn bất cứ lúc nào, tham nhũng khiến cuộc sống của chúng ta gặp nguy hiểm", Tổng thống Cyril Ramaphosa nói trong bài phát biểu trên sóng quốc gia cuối tuần trước.

 Ông cũng nhấn mạnh, thực phẩm cho người nghèo, trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và trợ cấp cho những người bị mất việc bởi đại dịch đều bị tham nhũng ghé thăm.

 Nam Phi được xem là quốc gia có kịch bản chuẩn bị tốt nhất ứng phó với COVID-19 trong số các quốc gia châu Phi cận Sahara, nhưng vấn nạn tham nhũng tràn lan tồn tại suốt nhiều năm nay đã làm suy yếu các cơ quan, tổ chức, bao gồm cả hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nơi đây.

 Tháng 10 năm ngoái, người đứng đầu Đơn vị Điều tra đặc biệt của Chính phủ cho biết, gian lận, lãng phí và lạm dụng quyền lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã khiến đất nước mất 3,2 tỷ USD mỗi năm. Và đó là trong điều kiện bình thường, không có dịch bệnh. Đơn vị này đã tiến hành điều tra hơn 20 vụ việc bị cáo buộc tham nhũng có liên quan đến tiền cứu trợ COVID-19.

 Tuần trước, Cơ quan Chống tham nhũng Nam Phi (Corruption Watch) cũng đã công bố báo cáo về tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Theo đó, cơ quan này đã nhận được khoảng 700 khiếu nại, tố cáo tham nhũng liên quan đến y tế kể từ khi ra mắt vào năm 2012.

 Corruption Watch ghi nhận, tham nhũng y tế xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tham ô tiền cho tới mua sắm bất thường, dẫn tới tình trạng thiếu thuốc men và thiết bị y tế bị hỏng hóc; hoặc áp lực phải hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ y tế - vốn là quyền cơ bản của con người.

 Cũng theo Corruption Watch, trong y tế, tham nhũng phổ biến nhất tại lĩnh vực việc làm (39%), tiếp đến là mua sắm (22%), và chiếm dụng tài nguyên (16%).

 Tham nhũng trong mua sắm thường được thấy là thổi giá, bất thường trong trao thầu, ưu ái các nhà cung cấp và "lại quả" các quan chức khi hợp đồng được trao. (Thanhtra.com.vn 29/7, Hoài Phương)Về đầu trang

Báo Trung Quốc: Đừng mong các doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc để "về nhà"

Tờ báo Bưu điện Hoa Nam (Trung Quốc) hôm nay có bài bình luận về việc Mỹ tìm cách đưa các công ty rời Trung Quốc để bảo vệ chuỗi cung ứng sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trên thực tế, chính quyền Donald Trump phải đối diện với một sự thực: Hầu hết doanh nghiệp không trở về Mỹ.

 Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Mỹ hiện đang gây áp lực buộc các công ty Mỹ giảm tối đa hoạt động sản xuất và nguồn cung tại Trung Quốc để tránh sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Đông Á này. Bộ Ngoại giao Mỹ thì tăng cường hợp tác với chính phủ Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong nỗ lực tái định hình chuỗi cung ứng.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn ký một sắc lệnh hồi tháng 5, yêu cầu Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất Mỹ trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng như vậy.

 “Mục tiêu của tôi là sản xuất mọi thứ mà người Mỹ cần, sau đó mới là xuất khẩu ra thế giới”, ông Donald Trump tuyên bố trong một chuyến thăm nhà máy ở Pennsylvania.

 Không riêng Tổng thống Donald Trump, các nhà lập pháp Quốc hội Mỹ cũng đang thúc đẩy một số dự luật đẩy mạnh sản xuất và khôi phục các ngành công nghiệp ở Mỹ, từ việc sản xuất đất hiếm đến các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế, chip bán dẫn… Các dự luật này nhấn mạnh vấn đề trợ cấp, giảm thuế doanh nghiệp, thậm chí nhắm mục tiêu hạn chế đầu tư hoặc cấm các công ty Trung Quốc trên thị trường tài chính.

 Thượng nghị sĩ Lindsey Graham còn thẳng thắn tuyên bố trước Quốc hội một nhận thức đầy “đau đớn” rằng Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào các quốc gia như Trung Quốc.

 Tuy nhiên, lợi ích kinh tế và chính trị không phải lúc nào cũng song hành. Các doanh nghiệp muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc (hoặc Châu Á) sang Mỹ nhiều khả năng phải đối mặt với nhiều bất lợi trong cơ sở hạ tầng và mạng lưới nhà cung cấp cũng như lực lượng lao động.

 Ví dụ, Foxconn, đối tác lớn nhất của Apple, hồi năm 2016 đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất màn hình trị giá 10 tỷ USD tại Wisconsin, một dự án mà Tổng thống Donald Trump ví là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”, sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người Mỹ. Nhưng hơn 3 năm sau đó, cho đến giờ, trung tâm nghiên cứu đổi mới của Foxconn tại Mỹ gần như tê liệt. Không có hàng tỷ USD đầu tư, càng không có hàng ngàn việc làm như ông Trump kỳ vọng.

 Hồi tháng 5/2020, TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Đài Loan tiếp tục công bố kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona. Nhưng các nhà quan sát tiếp tục đặt ra câu hỏi về tính kinh tế của dự án này cùng các khoản đầu tư khổng lồ trong bối cảnh TSMC gần như mất đi đối tác quan trọng là Huawei sau Bộ Quy tắc hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

 “Anh có thể yêu cầu tôi chuyển dây chuyền sản xuất, tôi sẽ đồng ý chuyển chuỗi cung ứng vào ngày mai. Nhưng sau đó, khi nhìn lại, có chắc nó sẽ thành hiện thực?”, nhận định của ông Rafael Salmi, chủ tịch Richardson RFPD, một công ty kỹ thuật & công nghệ có trụ sở tại Geneva, Illinois.

 David Collins, giám đốc điều hành Manufacturing Transformation Group (Thâm Quyến, Trung Quốc), đơn vị chuyên tư vấn cho các công ty sản xuất tại thị trường tỷ dân cho hay đại đa số các doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc do hàng loạt áp lực từ chính trị, thuế quan, sự gia tăng chi phí sản xuất, nguy cơ trộm cắp tài sản trí tuệ… Nhưng phần lớn trong đó dự kiến chuyển chuỗi cung ứng sang các thị trường như Mexico, Việt Nam thay vì về Mỹ.

 Renaud Anjoran, giám đốc điều hành Sofeast có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc cũng tư vấn cho các doanh nghiệp chuyển sang thị trường Việt Nam thay vì về Mỹ để tiết kiệm chi phí sản xuất.

 Sẽ mất từ hai đến ba thập kỷ để định hướng và hoàn tất dòng chuyển dịch như vậy, theo chuyên gia tư vấn Rafael Salmi. “Ngay cả khi dịch Covid-19 chấm dứt, sẽ cần ít nhất 10 năm để các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng các trung tâm sản xuất khác ở Mexico, Costa Rica, Việt Nam, Malaysia…”, ông Salmi cho hay.

 Clive Greenwood, một chuyên gia tư vấn tại công ty cố vấn sản xuất Moscioni & Greenwood dự báo khoảng 20-25% các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo; nhưng lưu ý rằng các công ty sẽ phải đối diện với một lỗ hổng trong hậu cần và nhiều yếu tố khác khi tái định cư tại các thị trường tiềm năng. (Danviet.vn 29/7, Thùy Dung)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More