Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 05-12-2019

Post date: 05/12/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị về giải phóng mặt bằng. 1

2. Đảm bảo trợ giúp kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán. 2

3. Quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe. 2

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

4.  Xin cấp phép một nội dung công việc, doanh nghiệp phải qua 10 đầu mối 3

5.  Doanh nghiệp phàn nàn danh mục hàng phải kiểm định quá nhiều. 4

6. Hà Nội lập đường dây nóng xử lý vướng mắc dự án đầu tư công. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

7.  Ngăn ngừa sự bế tắc! 6

8.  Quyền năng, hiệu lực và hiệu quả. 8

QUẢN LÝ.. 9

9.  Chính phủ đề xuất sửa Luật Đất đai trong năm 2020. 9

10.Ông Nguyễn Đức Chung nói gì việc Nhật Cường thực hiện dịch vụ công?. 9

11.  Hà Nội hoàn thành lấy ý kiến về phương án hạn chế xe máy. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

12.   Đắk Lắk: Làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân qua Zalo trong 15 phút 11

13. Vĩnh Phúc: Thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị hành chính. 12

14.Ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ thúc đẩy công tác cải cách hành chính của Hà Nội 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

15.Thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.376,4 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

16.Vụ nữ trung tá công an bị tố “quỵt” tiền: Thông tin không ngờ... 14

THẾ GIỚI 15

17.Quốc hội Iraq yêu cầu chỉ định thủ tướng mới trong vòng 15 ngày. 15

18.  Kon Tum: Gần 10.000 người kê khai minh bạch tài sản, thu nhập. 16

 CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ thị về giải phóng mặt bằng

Chỉ thị yêu cầu Bộ GTVT, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các địa phương liên quan tập trung tối đa để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng ở các dự án trọng điểm.

 Theo đó, Bộ GTVT phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quá trình giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng của các dự án mà ngành giao thông vận tải đang thực hiện.

 Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, TP.HCM, Đồng Nai và tỉnh Tiền Giang huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, đồng thời, bàn giao mặt bằng sạch để phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

 Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thành phần giải phóng mặt bằng và các ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức, tuyên truyền, đi cùng với vận động mọi tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình, cùng với chính sách bồi thuờng, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

 Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các địa phương thực hiện kịp thời các thủ tục và giải quyết các vướng mắc về mặt bằng thuộc phạm vi dự án, đồng thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp, đồng thời lập kế hoạch và bảo vệ thi công theo đúng quy định. (VTV.vn 04/12)Về đầu trang

Đảm bảo trợ giúp kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có hướng dẫn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

 Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp số hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và giáp hạt đầu năm 2020; chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khó khăn.

 Trong trường hợp ngân sách địa phương không đáp ứng đủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo từ nguồn Trung ương qua Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 1/1/2020 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ. Văn bản đề nghị hỗ trợ gạo phải đầy đủ thông tin về số hộ, số khẩu cần hỗ trợ, thời gian hỗ trợ (1 tháng đối với hỗ trợ cứu đói Tết và đối đa 3 tháng đối với hỗ trợ cứu đói giáp hạt).

 Ngoài ra, Liên đoàn lao động TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu triển khai tốt công tác đưa đoàn viên và người lao động về quê đón Tết; phối hợp xử lý những phát sinh của người lao động về quyền lợi trong dịp Tết. Được biết, các nội dung chính sẽ được ưu tiên triển khai gồm: Chăm lo về tiền lương, tiền thưởng cho đoàn viên, người lao động trong dịp tết; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với đoàn viên, người lao động; tổ chức chương trình "Tết sum vầy".

 Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội; thực hiện kịp thời việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm ai cũng có Tết đầm ấm, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. (VTV.vn 04/12)Về đầu trang

Quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải các địa phương quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe.

 Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tổ chức tuyển sinh học lái xe đảm bảo các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và địa điểm đã đăng ký trong giấy phép đào tạo; thường xuyên kiểm tra, theo dõi xử lý hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các trường hợp mạo danh cơ sở đào tạo để tuyển sinh và quảng cáo sai quy định; tổ chức ký, thanh lý hợp đồng đào tạo với người học; tổ chức đào tạo lý thuyết, thực hành lái xe theo đúng nội dung, chương trình và thời gian đào tạo; tổ chức kiểm tra hết môn, kiểm tra cấp chứng chỉ và lưu trữ hồ sơ đào tạo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, yêu cầu học viên tự khai đầy đủ thông tin, ký và ghi rõ họ, tên trong tờ đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe để phát hiện học viên không biết chữ tham gia học và sát hạch lái xe.

 Về công tác cấp, đổi và quản lý giấy phép lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông vận tải chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ đổi giấy phép lái xe thực hiện tra cứu cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe để kịp thời phát hiện các trường hợp giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng nhưng giả khai báo mất để xin cấp lại hoặc các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ, giấy phép lái xe đã khai báo mất để đổi giấy phép lái xe.

 Sở Giao thông vận tải thống kê, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin dữ liệu về người lái xe gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như: Cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, thâm niên... 

Bên cạnh đó, yêu cầu bổ sung chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe nước ngoài của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao vào thành phần hồ sơ đổi giấy phép lái cho người Việt Nam có giấy phép lái xe nước ngoài; thực hiện xác minh chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe nước ngoài của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, giấy phép lái xe quân đội, công an có nghi vấn trước khi đổi giấy phép lái xe và lưu lại hồ sơ đổi giấy phép lái xe trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp. Chỉ đạo bộ phận cấp đổi giấy phép lái xe kiểm tra, xác minh việc học tập, công tác ở nước ngoài của người Việt Nam để kịp thời ngăn chặn các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài không hợp lệ đổi giấy phép lái xe như: Kiểm tra tính phù hợp giữa thời gian cấp giấy phép lái xe ở nước ngoài với thời gian cấp thị thực xuất nhập cảnh trên hộ chiếu tại quốc gia cấp giấy phép lái xe.

 Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, không đổi giấy phép lái xe với trường hợp người Việt Nam có giấy phép lái xe nước ngoài có thời gian lưu trú tại nước ngoài dưới 3 tháng và thời hạn lưu trú không phù hợp với thời gian đào tạo lái xe của nước cấp giấy phép lái xe. (Baochinhphu.vn 04/12, ĐB)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Xin cấp phép một nội dung công việc, doanh nghiệp phải qua 10 đầu mối

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo- Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM), trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ LĐ-TB&XH thì nay phải xin giấy phép của 10 Bộ với cùng một nội dung công việc.

 Chia sẻ tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách” diễn ra sáng 4-12, bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho rằng, việc cắt bỏ quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này còn ít, chủ yếu giảm số lượng nhân sự hoặc quy mô, cơ sở vật chất…

 Đáng chú ý, điều kiện kinh doanh còn thể hiện “sự chia phần” quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Đơn cử như trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ LĐ-TB&XH thì nay phải xin giấy phép của 10 Bộ với cùng một nội dung công việc.

 Phân công thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 10 Bộ quản lý chuyên ngành, gồm: LĐ-TB&XH, Xây dựng, Công Thương, NN&PTNT, KH&CN, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Y tế.

 Bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho biết: “Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các Bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo doanh nghiệp phải trả phí chính thức khoảng 10 triệu đồng/ người”.

 Theo ông Nguyễn Minh Quân- Công ty CP Kiểm định kỹ thuật an toàn quốc gia, “miếng bánh” về kiểm định chia đều cho các bộ ngành quản lý, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp. “Do vậy, cần phải có sự thay đổi, xem lại để tạo sự chuẩn hoá về mặt quy chuẩn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi và phát triển”- đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

 Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, danh mục hàng phải kiểm định quá nhiều. “Do vậy, chỉ nên tập trung kiểm định đối với hàng hoá có nguy cơ mất an toàn cao và sử dụng dành cho mục đích công cộng; Cần loại bỏ các thiết bị áp lực thể tích và áp suất nhỏ, các thiết bị nâng công suất nhỏ, các thiết bị sử dụng nội bộ, không dành cho cộng đồng. Từ đó rà soát danh mục hàng hoá tiến tới cắt giảm”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

 Thừa nhận thực tế nêu trên, ông Vũ Tiến Thành- Trưởng phòng quản lý an toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đang sửa đổi các quy định có nội dung bất cập nêu trên, nhưng hiện Bộ này không nhận được đề xuất sửa đổi của các Bộ liên quan. (Anninhthudo.vn 04/12, Hà Linh)Về đầu trang

Doanh nghiệp phàn nàn danh mục hàng phải kiểm định quá nhiều

Đây chỉ là một trong nhiều bất cập được các đại biểu cũng như doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo "Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 04/12 tại Hà Nội.

 Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định, cải cách, nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm gần đây. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn còn những nội dung bất cập, tạo rào cản đối với doanh nghiệp.

 Nhận xét về kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực lao động, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, cải cách ĐKKD trong lĩnh vực lao động chưa có đột phá, chưa hiệu quả, thực chất cho doanh nghiệp (DN). Thay vào đó, cải cách ĐKKD trong lĩnh vực này mới chỉ chủ yếu dưới hình thức giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất, nhưng ít cắt bỏ quy định về ĐKKD.

 Dẫn chứng cho nhận định này, bà Thảo lấy ví dụ về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trình độ sơ cấp). Quy định trước khi cắt giảm là "...bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo". Trong khi đó, quy định sau cắt giảm là "...đảm bảo tỷ lệ học sinh quy đổi trên gáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên, có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo".

 Theo đánh giá của bà Thảo, ĐKKD thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó gây khó khăn cho DN.

 "Trước đây, các DN hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ LĐTBXH thì nay phải xin giấy phép của 10 bộ với một nội dung công việc. Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu... về kiểm định ATLĐ giống nhau, nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo DN phải trả phí chính thức khỏng 10 triệu đồng/người", Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM nêu thực trạng.

 Cũng theo bà Thảo, không có cơ sở nào để để phân chia quản lý giữa hai cơ quan quản lý khi máy điều hòa nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 9.000 BTU thuộc quản lý của Bộ KH & CN. Trong khi đó, máy điều hòa nhiệt độ công suất lớn hơn 9.000 BTU thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và yêu cầu kiểm tra chất lượng trước thông quan.

 Những bất cập khác cũng được bà Thảo đưa ra như quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động: thực hiện hình thức, gây tốn kém về thời gian và chi phí DN. Hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới được ban hành gây khó khăn hơn cho DN.

 Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến DN và cộng đồng nhưng lại ít được chú ý.

 "Theo phản ánh thực từ từ cộng đồng doanh nghiệp, danh mục hàng hóa phải kiểm định quá nhiều. Chúng tôi cho rằng, chỉ nên tập trung kiểm định đv hàng hóa nguy cơ mất an toàn cao, sử dụng dành cho mục đích công cộng. Cần rà soát danh mục hàng hóa tiến tới cắt giảm dựa trên lịch sử tai nạn và thiệt hại và phải so sánh hiệt hại với chi phí kiểm định cho toàn bộ sản phẩm đó. Ngoài ra, cần dựa trên lịch sử kiểm định, xem xét tỷ lệ kết quả không đạt", ông Đậu Anh Tuấn nói.

 Một loạt những bất cập khác cũng được ông Đậu Anh Tuấn nêu ra, đó là phân chia thẩm quyền chồng chéo, bất cập kiểm định trùng lặp, thiếu quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định hợp lý, giá sàn dịch vụ kiểm định và tổ chức bộ phận y tế trong DN. (Doanhnghiepvn.vn 04/12)Về đầu trang

Hà Nội lập đường dây nóng xử lý vướng mắc dự án đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2019, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 5303/UBND-KHĐT giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư công.

 Theo đó, đường dây nóng sẽ tiếp nhận phản ánh, xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án từ khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện, phân bổ, giải ngân và quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố; chủ trì với các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công cấp thành phố như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ… Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung chỉ đạo trên tại địa bàn quản lý.

 Các chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án được giao kế hoạch năm 2019; kịp thời gửi hồ sơ các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để Kho bạc Nhà nước thực hiện ghi thu, ghi chi theo quy định. Các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ về tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố và quận, huyện, thị xã đã được Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo. (Đại Biểu Nhân Dân 04/12)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Ngăn ngừa sự bế tắc!

Một thực tế nóng bỏng được rất nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản ánh tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua là rất nhiều công trình, đặc biệt là các chung cư cao tầng tại các đô thị lớn chưa được hoàn thành, chưa được nghiệm thu, chưa được cấp phép đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư đã đưa người dân vào ở. Điều đáng nói, theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) là, sau này, khi chính quyền can thiệp để xử lý các công trình, khu chung cư vi phạm pháp luật đó thì chính những người dân đã trở thành “con tin” để chủ đầu tư “mặc cả” với chính quyền.

 Theo quy định tại Khoản 2 Điều 123 Luật Xây dựng hiện hành thì “Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác sử dụng sau khi được nghiệm thu, bảo đảm các yêu cầu về thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng và nghiệm thu theo quy định của luật này”. Căn cứ vào quy định này và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định 139, Nghị định 121 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có sai phép đối với phép cấp mới, sai phép trong quá trình sửa chữa và sai phép trong việc xâm phạm các chỉ giới, diện tích… Ngoài việc xử phạt các sai phạm, chủ đầu tư còn phải tháo dỡ, đập bỏ phần vi phạm.

 Có thể nói rằng, khung pháp lý để xử lý các công trình vi phạm đã có và đã rõ. Nhưng trên thực tế, việc xử lý các công trình này, nhất là công trình mà chủ đầu tư đã đưa người dân vào ở lại gần như bế tắc. Nếu không xử lý hoặc buộc phải điều chỉnh quy hoạch, giấy phép thì chính quyền địa phương không chỉ hợp thức hóa vi phạm pháp luật của chủ đầu tư mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Còn nếu xử nghiêm theo quy định của pháp luật thì không chỉ đụng chạm rất lớn đến quyền lợi của chính những cư dân đang sinh sống trong các công trình sai phạm đó mà việc cắt bỏ, tháo dỡ phần vi phạm còn có thể tác động đến kết cấu và độ an toàn của toàn bộ công trình.

 Chung cư HH Linh Đàm hay Tòa nhà 8B Lê Trực ở Thủ đô Hà Nội nhiều lần làm “nóng” nghị trường Quốc hội, bị đại biểu truy trách nhiệm đến Phó Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay, cũng chưa giải quyết dứt điểm được.

 Một xu hướng đáng lo ngại hơn nữa cũng được các ĐBQH chỉ ra là, hiện nay, các chủ đầu tư không vi phạm theo kiểu “truyền thống” là đôn tầng ở trên cùng của công trình nữa mà lồng ghép toàn bộ những sai phạm ở phía trong công trình. Lý do là bởi, sai phạm lồng ghép như vậy sẽ khiến chính quyền không thể đập bỏ, phá dỡ được vì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu công trình.

 “Chúng ta không thể chờ đến khi hoàn thành công trình, đưa vào nghiệm thu, rồi phát hiện ra sai phạm mới tiến hành xử phạt được. Vì lúc đó thì đã quá muộn, đặc biệt đối với các công trình tòa nhà cao tầng, các khu chung cư. Rõ ràng, nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì về lâu dài, với những thủ đoạn tinh vi như vậy, quản lý đô thị, quản lý chất lượng công trình tới đây sẽ thực sự bế tắc”, một đại biểu cảnh báo trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vừa qua.

 Làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ “thực sự bế tắc” ấy cũng là câu hỏi được nhiều ĐBQH đặt ra. Kèm theo đó là yêu cầu ngay trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cần phải thiết kế được cơ chế phòng ngừa và xử lý thích hợp hơn. Ví dụ như khắc phục hậu quả không nên chỉ là phá dỡ, đập bỏ phần vi phạm hay cần thêm các cách thức khác? Hay với giám sát xây dựng, cần phải có quy định về trách nhiệm, về thẩm quyền của đơn vị giám sát và vai trò của chủ thể giám sát trong việc phát hiện các sai phạm và báo cáo để kịp thời giúp cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn vi phạm. Như cách nói của đại biểu Sơn, “anh giám sát xây dựng này phải là cầu nối, khúc ruột giữa cơ quan quản lý nhà nước với chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện công trình đó”.

 Nhưng cũng cần nói thêm rằng, ngăn ngừa câu chuyện nhức nhối kể trên không thể chỉ trông đợi vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Bởi xét đến cùng, Luật dù có xác lập được một chế tài xử lý nghiêm khắc, kiên quyết đến mấy thì các cơ chế ấy có phát huy được hiệu lực hay không cũng còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình thực thi.

 Làm thế nào mà các chủ đầu tư có thể “qua mặt” chính quyền địa phương để vi phạm pháp luật? Đặc biệt là những công trình sai phạm nhưng chủ đầu tư vẫn đưa được người dân vào ở trong đó mà lại không có cơ quan chức năng nào kịp thời phát hiện?

 Đúng là không thể để người dân trở thành “con tin” để chủ đầu tư “mặc cả” với chính quyền. Nhưng cũng không thể để một bộ phận cán bộ có quyền lực, có lợi ích trong việc làm lơ, thậm chí là “dung dưỡng” cho những sai phạm của chủ đầu tư vẫn nhởn nhơ, vô can trong việc đẩy chính quyền vào tình thế phải đi “mặc cả”. (Đại Biểu Nhân Dân 4/12, Nguyễn Bình)Về đầu trang

Quyền năng, hiệu lực và hiệu quả

Theo thông lệ vào tháng 12 hằng năm, HĐND các tỉnh, thành phố sẽ tiến hành kỳ họp cuối năm. Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này là HĐND sẽ tiến hành xem xét và thông qua các báo cáo, tờ trình quyết định đến sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng khác của địa phương.

 Quyền năng và trách nhiệm của HĐND quan trọng là vậy, nhưng không phải khi nào cũng phát huy hiệu lực và hiệu quả. Thực tế, không ít báo cáo, tờ trình tại nhiều kỳ họp của HĐND không bảo đảm chất lượng, không sát với thực tế dẫn đến nhiều quyết sách không phát huy hiệu quả, trái lại trì néo hoặc làm chệch hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là ở khâu soạn thảo báo cáo, tờ trình không kỹ lưỡng. Hiện tượng các sở, ngành chức năng “múa” số liệu, hoặc là đưa ra những báo cáo sơ sài, hoặc là những tờ trình không phản ánh đúng tình hình thực tế… là điều có thật. Đó là chưa kể không ít sở, ngành chức năng đưa ra những con số “giả”, số “ảo” để lấy thành tích khỏa lấp những sai phạm, trì trệ… Bên cạnh đó, thiếu thực tế trong các báo cáo, tờ trình cũng là nguyên nhân quan trọng. Không ít địa phương, đưa ra báo cáo, tờ trình với đầy đủ mục tiêu, giải pháp nhưng kinh phí thì “đếm cua trong lỗ”.

 Theo đó, UBND với nhiệm vụ cơ quan đầu mối soạn thảo, trình các đề án, dự án và cũng là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện - có trách nhiệm đặt những đòi hỏi của cuộc sống lên bàn nghị sự để xem xét trên cơ sở nguồn lực tối đa mà ngân sách có thể đáp ứng… là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, HĐND cũng phải chịu trách nhiệm khi các nghị quyết mà mình ban hành không khả thi. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương, cơ quan duyệt chính sách, phân bổ nguồn lực; về nguyên tắc, người quyết định là người phải chịu trách nhiệm chính. Trong đó, vai trò của Thường trực HĐND trong phối hợp với UBND đối với việc dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết, cũng như công tác thẩm tra của các ban của HĐND là không thể thoái thác.

 Thực tế hiện nay, do khối lượng công việc rất lớn, nhiều địa phương đã phải kéo dài thời gian kỳ họp, trung bình mỗi kỳ họp HĐND cấp tỉnh có từ 15 - 30 báo cáo, tờ trình. Đại biểu phải căng mắt, căng tai mà đọc, mà nghe, mà phân tích, nhưng cũng không thể thấu đáo hết được; đặc biệt các báo cáo mang tính chuyên ngành, hiểu được nó phải có chuyên môn. Theo đó, phần lớn các ý kiến đóng góp vào các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp đều “nhất trí như ủy ban”.

 Chất lượng kỳ họp HĐND một phần quan trọng phụ thuộc vào chất lượng các báo cáo, tờ trình và việc ban hành các nghị quyết. Vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm chất lượng báo cáo, tờ trình; bảo đảm các quyết sách, nghị quyết của HĐND khi ban hành đi vào thực chất, không phải hình thức.

 Hoạt động HĐND các địa phương đã, đang đi vào quỹ đạo đích thực của nó và đang cần nhiều hơn những đại biểu dũng cảm. Dũng cảm để thay đổi chính lối tư duy cũ của mình, từ bỏ con đường mòn của quá khứ, chuyển động nhanh hơn và dám đối mặt với những bức xúc hiện tại. Quyền năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND được thể hiện và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể là xem xét, thông qua các báo cáo, tờ trình do UBND trình tại kỳ họp rất quan trọng, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của HĐND. (Đại Biểu Nhân Dân 04/12, Nam Phong)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chính phủ đề xuất sửa Luật Đất đai trong năm 2020

Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ vừa đề xuất nội dung dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp thường kỳ năm 2020.

 Theo đó, Chính phủ dự kiến trình các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Biên phòng Việt Nam (cho ý kiến lần đầu trước khi trình Quốc hội cho ý kiến); dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo vệ môi trường; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)...

 Đồng thời, Chính phủ cũng xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

 Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cũng là những nội dung sẽ được xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Vneconomy.vn 03/12, Nguyễn Lê)Về đầu trang

Ông Nguyễn Đức Chung nói gì việc Nhật Cường thực hiện dịch vụ công?

Cuối giờ chiều 3/12, tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, nhắc đến việc xây dựng giao thông thông minh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ, khi bắt đầu xây dựng chương trình mục tiêu công nghệ thông tin của Hà Nội, thành phố đã mời tất cả các tập đoàn, công ty lớn làm công nghệ thông tin.

 Thời điểm đó, Viettel đồng ý xây dựng trung tâm công nghệ thông tin, FPT nhận nghiên cứu giao thông thông minh, GMC thì xây dựng bản đồ số về đất đai. Còn Công ty Nhật Cường xây dựng các dịch vụ công. “Đây là cái khó nhất vì phải lọ mọ vào trong từ phường, xã, gặp cán bộ để hiểu về quy trình công tác thì mới số hóa được, những cái đó chẳng ai làm”, ông Chung nói.

 Theo người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội, nếu hệ thống giao thông thông minh hoàn thành sẽ có chức năng cảnh báo cho người dân về các đoạn ùn tắc. Nhưng thành phố mới xây dựng được bản đồ ngập úng.

 Hà Nội phấn đấu trước tháng 6/2020 sẽ xong trung tâm điều hành giao thông thông minh. Khi đó, sẽ có bản đồ thực về ùn tắc giao thông cung cấp cho người dân trên điện thoại di động.

 “Hà Nội sẽ xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp với phòng chống tội phạm, phục vụ báo chí, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng biển số xe, bản đồ úng ngập… tất cả ở trong này. Đề án này đã giao cho các quận, huyện xây dựng dự án camera giám sát, thành phố xây dựng trung tâm điều hành. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2020”, ông Chung nói.

 Cũng trong phiên họp tổ, người đứng đầu chính quyền thành phố nhiều lần nói công tác tuyên truyền của Hà Nội cũng như của các sở, ngành, quận, huyện đang “có vấn đề”.

 Thông qua các sự cố truyền thông vừa qua mới bộc lộ rõ điểm yếu của các đơn vị trong việc thông tin, tuyên truyền.

 Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố đã ban hành quy chế người phát ngôn thuộc trách nhiệm của thủ trưởng và chánh văn phòng các đơn vị. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tâm lý chung: Thứ nhất, các đơn vị không cung cấp thông tin cho báo chí kịpthời; thứ hai là ngại tiếp xúc nên cuối cùng thông tin bị sai lệch.

 “Điển hình như vừa qua, có những sự việc đáng ra không đến mức 'nóng' lên như thế nhưng tôi đánh giá chủ yếu do truyền thông, từ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông đến dự án nhà máy nước mặt sông Đuống. Tất nhiên, đằng sau đó nó thực sự có vấn đề nhưng tôi tin các cơ quan cũng như người dân sẽ có đánh giá”, ông Chung nhấn mạnh.

 Thông tin thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hà Nội nói trong tất cả các cuộc họp giao ban ông đều quán triệt thủ trưởng các đơn vị và người phát ngôn thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, về cả việc tốt - việc xấu hay những điều chưa làm được cũng chủ động cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, phản ánh đúng. Đặc biệt, phải chủ động thông tin chứ không để bị động. “Đấy là giải pháp của tôi”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói. (Danviet.vn 04/12, Hoàng Thanh)Về đầu trang

Hà Nội hoàn thành lấy ý kiến về phương án hạn chế xe máy

Phương án 1 là hạn chế xe máy theo quận, tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận từ năm 2030. Phương án 2 là hạn chế xe máy theo vành đai.

 Trong báo cáo gửi đến kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội sáng 3/12, UBND thành phố cho biết tình trạng xe cá nhân đang tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn.

 Để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

 Đối với đề án phân vùng hoạt động, tiến tới cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố xác định đây là việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân; do vậy, đề án sẽ được triển khai thận trọng.

 Mới đây, Sở Giao thông Vận tải thành phố vừa hoàn thành lấy ý kiến về hai phương án "phân vùng hạn chế, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030". Trong đó, phương án một là hạn chế xe máy theo quận, tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ năm 2030.

 Phương án 2 là hạn chế xe máy theo vành đai. Trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 được cho đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy. (Vtv.vn 4/12)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đắk Lắk: Làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân qua Zalo trong 15 phút

Đây là thời gian được người dân ước tính khi đặt lịch hẹn làm thủ tục cấp CMND qua Zalo “Công an huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk”.

 Theo Công an huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), đã có 350 trường hợp đăng ký đặt lịch hẹn làm thủ tục cấp CMND qua Zalo, sau khi dịch vụ được triển khai vào ngày 5/8/2019.

 Thời gian chuẩn bị hồ sơ và đặt lịch hẹn qua Zalo được người dân địa phương nhận định là khoảng 15-20 phút, bao gồm: Chuẩn bị hồ sơ, chụp ảnh và gửi qua Zalo, nhận tin nhắn thông báo hợp lệ, đặt lịch hẹn. Đúng thời gian đã hẹn, người dân sẽ được tiếp đón tại trụ sở để thực hiện nộp hồ sơ, lăn tay, chụp ảnh mà không cần chờ đợi.

 Nếu không đặt lịch hẹn, người dân cần tốn hơn một buổi để đến trụ sở cơ quan công an và thực hiện lấy số, chờ đến lượt. Thời gian sẽ kéo dài tới vài ngày trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cần phải bổ sung. 

Việc tương tác qua tin nhắn Zalo giúp công an có thể hướng dẫn chi tiết những giấy tờ cần thiết cho hồ sơ, tránh bỏ sót. Thông qua Zalo, công an huyện lắng nghe ý kiến phản hồi, nắm bắt thông tin để có những điều chỉnh phù hợp trong công tác cung cấp dịch vụ công.

 Bên cạnh đó, việc đặt lịch hẹn trước qua Zalo cũng kéo giảm thời gian chờ đợi ở trụ sở cơ quan công an, khi có tới 2.500 lượt người dân tới làm thủ tục cấp, đổi CMND mỗi tháng.

 Công an huyện Cư M’gar cho biết ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính giúp tránh việc người dân phải đi lại nhiều lần, đặc biệt người dân ở các xã vùng xa của huyện. Hiện, huyện Cư M’gar có 17 xã, thị trấn và 189 thôn, buôn, tổ dân phố. Trong đó, địa bàn xa nhất cách trung tâm huyện hơn 50 km.

 Để truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng, công an huyện đã bố trí các cán bộ có kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ người dân vào mỗi thứ tư hàng tuần tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. (News.zing.vn 3/12, Y Niê) Về đầu trang

Vĩnh Phúc: Thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị hành chính

Tháng 5.2019, Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu, bắt đầu cài đặt, triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho 176 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, bao gồm 39 cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện và 137 xã phường, thị trấn.

 Công tác cài đặt, tập huấn hướng dẫn triển khai phần mềm quản lý văn bản đã hoàn thành tại 100% các cơ quan, đơn vị, bảo đảm tích hợp liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối với hệ thống nền tảng, liên thông các hệ thống thông tin quốc gia kể từ tháng 9.2019.

 Vĩnh Phúc đã thiết lập hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, có kết nối với hệ thống dùng chung của tỉnh, kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia và tuân thủ quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.

 Đến nay, toàn tỉnh đã cấp phát 786 chứng thư số chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước, trong đó có 391 chứng thư số cơ quan, đơn vị, 395 chứng thư số cá nhân. Trong tháng 10.2019 và tháng 11.2019, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số trên tổng số văn bản đi tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện là 35,25% (tính riêng các sở, ngành đạt 56,53%).

 Để tiếp tục triển khai có hiệu quả ở tất cả các sở, ngành, địa phương, UBND Vĩnh Phúc yêu cầu thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nội dung theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nhanh hoàn thiện dự thảo quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh để UBND tỉnh phê duyệt, làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện.

 Trước đó, ngày 1.11.2019, Trung tâm Hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện ứng dụng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính. (Đại Biểu Nhân Dân 04/12, Lê Hùng)Về đầu trang

Ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ thúc đẩy công tác cải cách hành chính của Hà Nội

Thành ủy Hà Nội vừa tổng kết thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.

 Qua hơn 3 năm tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU cho thấy, công tác CCHC của Thành phố đã được triển khai đầy đủ, toàn diện trên tất cả các nội dung và CCHC thực sự là khâu đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 Trong đó, việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành của Thành phố và trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp mang lại hiệu quả rõ nét, là công cụ, đòn bẩy quyết định thúc đẩy công tác CCHC của Thành phố.

 Từ Quý IV/2015, Thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính quyền điện tử cần tập trung triển khai tốt DVC TT phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Để phù hợp với điều kiện chung, thành phố đã quyết định tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến từng giai đoạn, chọn các đơn vị làm thí điểm, sau đó nhân rộng, ưu tiên các lĩnh vực thuận lợi trong triển khai, nhiều người sử dụng, đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người dân.

 Trong giai đoạn đầu, kể từ ngày 1/3/2016, trên kết quả triển khai thí điểm của 24 phường thuộc 02 quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Thành phố đã công bố rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn biết sử dụng các dịch vụ về chứng thực, khai sinh, khai tử. Đồng thời, tiến hành lắp đặt mạng diện rộng, đào tạo sử dụng phần mềm và hướng dẫn hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, mở rộng ra 144 phường thuộc 10 quận (tháng 8/2016), các xã thuộc 12 huyện còn lại.

 Ngày 31-7-2016, chính thức khai trương Cổng dịch vụ công Thành phố với 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp, từ năm 2017, tiếp tục triển khai mở rộng các DVCTT tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công Thành phố kết nối Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp Thành phố thành hệ thống thống nhất, dùng chung cho 22 Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

 Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 03 cấp đã giúp cho công tác quản lý, theo dõi và đánh giá định kỳ, đột xuất kết quả giải quyết TTHC các cấp, các ngành trong Thành phố thuận lợi, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện quy định hiện hành giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị.

 Tính đến nay, toàn Thành phố có 1.448 DVC TT mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 80%, trong đó: 1.209 DVC mức độ 3 và 239 DVCTT mức độ 4). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử Thành phố đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ.

 Riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung đạt tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 74%. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. (Phapluatxahoi.vn 04/12, H.L)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.376,4 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 11 ước đạt 108,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng ước đạt 1.376,4 nghìn tỷ đồng, bằng 97,5% dự toán, tăng 11% so cùng kỳ năm 2018.

 Trong đó, thu nội địa tháng 11 ước đạt 91 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng ước đạt 1.120,3 nghìn tỷ đồng, bằng 95,5% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2018. Thu từ dầu thô tháng 11 ước đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán ước đạt 0,9 triệu tấn, giá dầu đạt khoảng 64 USD/thùng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 51,54 nghìn tỷ đồng, bằng 115,6% dự toán, giảm 11% so cùng kỳ năm 2018 do sản lượng thanh toán và giá dầu đều giảm.

 Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng ước đạt 200,4 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2018, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 316,5 nghìn tỷ đồng, bằng 105,3% dự toán, tăng 11% so cùng kỳ năm 2018; hoàn thuế giá  trị gia tăng theo chế độ khoảng 116,1 nghìn tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán.

 Về chi NSNN, tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 11 tháng đạt gần 1.261,9 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt gần 231,7 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2018; chi trả nợ lãi đạt 96,9 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2018; chi thường xuyên đạt 895,67 nghìn tỷ đồng, bằng 89,6% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. (Baodauthau.vn 04/12, Hoàng Anh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ nữ trung tá công an bị tố “quỵt” tiền: Thông tin không ngờ...

Cơ quan chức năng của Công an tỉnh Thái Bình đang xác minh, làm rõ thông tin tố cáo một nữ trung tá công an làm việc tại Công an tỉnh này bị một số tài xế taxi và chạy xe dịch vụ làm đơn tố cáo hành vi "quỵt tiền".

 Ngày 3/12, trao đổi với Người lao động, một cán bộ Phòng Thanh tra Công an tỉnh Thái Bình, xác nhận đơn vị này vừa nhận được đơn của anh B.Đ.H., (28 tuổi, trú tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình) là tài xế taxi trình báo về việc bị nữ cán bộ công an V.T.L., mang hàm trung tá, đã cố tình "quỵt" số tiền 2 triệu đồng, thuê chạy xe.

 Theo vị cán bộ này, nữ trung tá V.T.L. hiện đang công tác tại phòng PV06, Công an tỉnh. Sau khi tiếp nhận đơn của anh H., đơn vị đã chuyển cho lãnh đạo phòng PV06 tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền. Hiện, lực lượng chức năng đang tiến hành xác minh, làm rõ nội dung đơn thư của anh H.

 Một thông tin không ngờ là vị cán bộ Phòng Thanh tra Công an tỉnh Thái Bình cho biết thêm rằng, thời gian gần đây chị V.T.L. có dấu hiệu tái phát trở lại bệnh hoang tưởng, một dạng bệnh tâm thần phân liệt. Trước đó, trung tá L. đã từng bị phát bệnh phải đi điều trị và có sổ theo dõi. "Thỉnh thoảng bệnh mới tái phát, còn lại thì chị L. vẫn hoàn toàn tỉnh táo và làm việc bình thường"- vị cán bộ này nói.

 Cán bộ Phòng PV06 cho biết, mặc dù chị V.T.L. đã từng phát bệnh và phải điều trị nhưng do thời gian điều trị chưa đủ 12 tháng liên tục nên theo quy định không thể đưa ra khỏi ngành công an được. Theo quy định, phải 12 tháng liên tục điều trị thì mới đưa ra khỏi ngành.

 Trước đó, theo Infonet, mạng xã hội dậy sóng khi anh Bùi Đức Hân (28 tuổi, ở xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chia sẻ câu chuyện anh làm nghề lái xe hợp đồng, bị nữ Trung tá Công an tên L 'quỵt' 2 triệu đồng.

 Theo nội dung anh Hân đăng trên mạng xã hội, vào lúc 6h20 ngày 8/11, anh Hân nhận chở khách là bà Thùy L. và con đến trường học và trụ sở cơ quan Công an tỉnh.

 Đến 9h sáng cùng ngày, anh Hân tiếp tục chở bà L. và một người nữa đi qua một số địa điểm ở TP.Thái Bình rồi sang tỉnh Nam Định.

 Đến 17h cùng ngày, anh Hân tiếp tục nhận được yêu cầu của bà L. đón bà và một vài người khác đi Hà Nội. Khi thanh toán tiền thì bà L. bảo nợ đến hôm sau vì mệt và không mang tiền mặt.

 Chờ 20 ngày sau vẫn chưa thấy khách thanh toán, anh Hân nhắn tin nhiều lần để đòi tiền.

 Theo trình bày trong đơn của anh Hân gửi Công an tỉnh Thái Bình, anh đã nhắn cho bà L. và nói nếu không trả tiền anh sẽ lên cơ quan gặp lãnh đạo Công an tỉnh. Không nhận được sự hợp tác, anh Hân đành làm đơn trình báo lên Công an tỉnh Thái Bình để nhờ can thiệp.

 Sau khi lái xe này tố cáo bà L. lên trên trang Facebook của mình, thông tin về vụ việc đã nhận được nhiều bình luận và chia sẻ.

 Cũng trong ngày 2/12, một tài xế hãng taxi Mai Linh ở Thái Bình là N.C.T., (24 tuổi, trú xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, Thái Bình) cũng bức xúc cho biết mình cũng là "nạn nhân" bị nữ trung tá V.T.L. "quỵt tiền".

 Trao đổi qua điện thoại, trung tá V.T. L., thừa nhận có đi xe của anh B.Đ.H. và mới trả 1 triệu đồng. Trung tá L. cũng xác nhận đã viết bản tường trình theo yêu cầu của lãnh đạo cơ quan. (Danviet.vn 04/12, N.P)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Quốc hội Iraq yêu cầu chỉ định thủ tướng mới trong vòng 15 ngày

Ngày 4/12, Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohamed al-Halbousi đã yêu cầu Tổng thống Barham Saleh chỉ định một thủ tướng mới trong vòng 15 ngày sau khi Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đệ đơn từ chức lên quốc hội hôm 29/11.

 Kênh truyền hình Al-Arabiya dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Al-Halbousi nêu rõ: "Theo Điều 76 của Hiến pháp, tôi yêu cầu (Tổng thống) chỉ định một ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng trong vòng 15 ngày."

 Theo Al-Arabiya, chính giới Iraq đang thúc đẩy việc chỉ định cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ibrahim Mohammad Bahr al-Ulloum cho vị trí thủ tướng mới của nước này.

 Thủ tướng Iraq Mahdi quyết định từ chức trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự có nhiều bất ổn liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần qua.

 Kể từ ngày 1/10, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng.

 Bạo động được cho là đã khiến hơn 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng vũ trang.

 Trong diễn biến liên quan, ngày 3/12, phái viên Liên hợp quốc về Iraq Jeanine Hennis-Plasschaert cho rằng không nên sử dụng vũ lực với dân thường tại Iraq và kêu gọi lãnh đạo quốc gia này lắng nghe những yêu cầu thay đổi của người dân.

 Bà cũng cho rằng không nên tiếp tục kéo dài thời gian bằng “các giải pháp tạm thời và biện pháp cưỡng ép" khiến gia tăng căng thẳng. (VietnamPlus.vn 04/12, Đình Viễn)Về đầu trang

Kon Tum: Gần 10.000 người kê khai minh bạch tài sản, thu nhập

UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, trong kỳ kê khai năm 2019, toàn tỉnh có 114 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện.

 45 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 10 huyện, thành phố; 27 cơ quan, đơn vị thuộc biên chế khối Đảng; 06 tổ chức hội và 26 doanh nghiệp Nhà nước.

 Số người phải kê khai tài sản thu nhập là 9.763 người. Trong đó: Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 345 người; cơ quan, đơn vị quản lý 9.418 người. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 9.756 người (đạt tỷ lệ 99,93%); số người chưa thực hiện kê khai tài sản, thu nhập là 07 người (tỷ lệ 0,07%); số lượng bản kê khai đã được công khai là 9.754 bản (đạt tỷ lệ 99,98%); số bản kê khai chưa công khai 02 bản (chiếm tỷ lệ 0,02%). 

Đến nay chưa xảy ra trường hợp nào phải yêu cầu giải trình, xác minh tài sản, thu nhập. (Thanh Tra 04/12, Hoài Nhân) Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More