Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông chính sách

Post date: 07/03/2024

Font size : A- A A+

Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được các cấp, các ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tích cực triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông chính sách, chưa chủ động trong cung cấp thông tin, truyền thông nên vẫn còn xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với phương châm truyền thông luôn phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời đấu tranh, phản bác thông tin sai lệch ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội và sự phát triển của đất nước, của tỉnh; ngay sau khi có Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để kịp thời thông tin, tuyên truyền các vấn đề, sự kiện nổi bật, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ An phong cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng tháng 12/2023 của tỉnh

Trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức 20 cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế- xã hội, công tác xây dựng để định hướng tuyên truyền kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện nổi bật, quan trọng như: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; tuyên truyền về Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh; sự kiện Làng du lịch Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023…

Nhờ làm tốt công tác định hướng, cung cấp thông tin kịp thời nên đã phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trong dẫn dắt dư luận, phản biện, đấu tranh với thông tin sai lệch trên các diễn đàn, mạng xã hội. Từ đó, chủ động phòng ngừa, lan tỏa những thông điệp tích cực, củng cố niềm tin vững chắc đến mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách, tỉnh đề ra giải pháp xây dựng mạng lưới cán bộ truyền thông có năng lực chuyên môn, chính trị tư tưởng vững vàng để cung cấp thông tin, truyền thông kịp thời các chủ trương, chính sách cũng như đấu tranh, phản bác kịp thời các quan điểm sai trái trên không gian mạng. Toàn tỉnh hiện có 225 người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó cấp tỉnh: 66 người; cấp huyện, xã 159 người; có 75 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 173 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.632 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

 Đội ngũ người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, báo cáo viên pháp luật đều được tập huấn kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ phục vụ công tác truyền thông chính sách, thông tin tuyên truyền đối với lĩnh vực được giao. Nhờ đó, đã chủ động định hướng thông tin mọi mặt đời sống xã hội, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc công khai, minh bạch hóa mọi hoạt động quản lý nhà nước, sẵn sàng tiếp thu, xử lý kịp thời các vấn đề báo chí, dư luận xã hội quan tâm; nắm chắc thông tin để phản biện, đấu tranh với ý kiến phiến diện, sai trái, xấu độc, góp phần lành mạnh hóa mạng xã hội, ổn định an ninh, trật tự, tạo động lực cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng nhất được tỉnh tập trung chỉ đạo là đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các nền tảng số. Đây là nhiệm vụ cấp bách cần được tiến hành đồng thời với công tác chuyển đổi số báo chí; ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông để bắt kịp xu thế truyền thông đa phương tiện hiện nay. Đồng thời nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp trên địa bàn tỉnh.

Để làm tốt nhiệm vụ này, các địa phương, đơn vị phải xác định công tác truyền thông chính sách là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; cơ quan truyền thông, báo chí chỉ là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách của địa phương, đơn vị. Từ đó cần bố trí nguồn lực cho truyền thông chính sách, bao gồm cả nhân lực, nội dung và kinh phí. Vừa đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí, truyền thông làm nhiệm vụ truyền thông chính sách, vừa khai thác hiệu quả các phương thức hoạt động truyền thông có sẵn từ Cổng/Trang thông tin điện tử, bản tin để thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách của địa phương, đơn vị.

Thu Lan

More