Phát biểu khai mạc của Thứ trương Bộ Thông tin và Truyền thông tại Tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người

Post date: 07/08/2023

Font size : A- A A+

Ban biên tập Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại Tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người

Kính thưa đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam,

Kính thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý dự Hội nghị!

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin chào mừng các quý vị đại biểu, khách quý, lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền; cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại 19 tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã về tham dự Khai mạc Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người ngày hôm nay.

Kính thưa các đồng chí,

Việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện từ khi lập quốc, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới đến nay. Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu.

Nhận thức tầm quan trọng của thông tin, tuyên truyền trong công tác nhân quyền, sau 8 năm triển khai Chỉ thị số 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới, Ban Bí thư đã tiếp tục ra kết luận số 46-TB/TW ngày 06/02/2018  tiếp tục xác định cần “đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta”. Trên nhận thức đó, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm trong công tác thông tin, truyền thông về quyền con người là “lấy xây để chống, trong đó xây là chính”. Hội nghị hôm nay là hội nghị tập huấn đầu tiên triển khai trực tiếp Đề án 1079 tới các lực lượng làm công tác nhân quyền và TTĐN các tỉnh, thành. Sau Hội nghị này, Bộ TTTT sẽ triển khai 02 hội nghị nữa để phủ khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước theo đúng kế hoạch đề ra.

Có thể nói, Hội nghị hôm nay được tổ chức trong thời điểm đan xen nhiều thuận lợi và cả thách thức, khó khăn cho công tác TTĐN và công tác nhân quyền.

Về thuận lợi:

- Đất nước ta đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vững vàng vượt qua các khó khăn, thách thức phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

- Thuận lợi hơn nữa là cùng với Đề án truyền thông về quyền con người của Chính phủ như nêu trên, ngày 15/6/2023, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, đây là văn bản hết sức quan trọng, mang tính chỉ hướng cho công tác TTĐN đối ngoại nói chung, TTĐN về quyền con người nói riêng trong thời gian tới. Hội nghị hôm nay cũng có thể nói là hội nghị đầu tiên của cả nước triển khai nội dung Kết luận tới các lực lượng làm công tác TTĐN.

- Điểm thuận lợi thứ 3 là các thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy quyền con người được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện cụ thể qua việc Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu ủng hộ cao.

Về khó khăn, thách thức:

- Bên cạnh các thuận lợi nêu trên, công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về QCN đang bị đặt trước nhiều thách thức khi đời sống của người dân cả nước còn tiếp tục chịu nhiều khó khăn về giá tiêu dùng, về vấn đề việc làm, thu nhập...

- Lợi dụng tình hình khó khăn, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước, phủ nhận các thành tựu và nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức thoái hóa, tham nhũng gây mất lòng tin, bất lợi về dư luận xã hội, điển hình qua việc xét xử vụ chuyến bay giải cứu đang diễn ra hay tình hình mất ổn định, an ninh, khủng bố xảy ra mới đây ở tỉnh Đăk Lăk.

Tất cả những yếu tố trên đã đặt ra cho công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch vừa thúc đẩy truyền thông quảng bá hình ảnh, đưa thông tin chân thực nhất về Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Kính thưa các đồng chí,

Căn cứ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp được Bộ Chính trị nêu tại Kết luận số 57-KL/TW và các nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Quyết định 1079/QĐ-TTg, ngày hôm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tập huấn công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền dành cho cán bộ các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền; cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại 19 tỉnh, thành phố Trung bộ và Đông Nam bộ nhằm mục đích:

- Phổ biến, quán triệt các nội dung của Đề án Truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Cung cấp thông tin, tình hình và hướng dẫn công tác TTĐN nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng và nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin kịp thời, khách quan về các nỗ lực và thành tựu của các cấp chính quyền trong bảo đảm quyền con người ở địa phương, góp phần đấu tranh phản bác một cách thuyết phục các quan điểm sai trái, lợi dụng các vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.

- Hướng dẫn, làm mẫu cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và TTĐN cho các địa phương, giải đáp các thắc mắc, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất từ quá trình thực tiễn triển khai Đề án 1079 để kịp thời có giải đáp, ghi nhận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Đề án nếu cần.

Từ các mục đích mà Bộ TTTT đặt ra cho Hội nghị như nêu trên, Tôi đề nghị các đại biểu suy nghĩ và chuẩn bị các ý kiến để trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nội dung chính:

- Chia sẻ kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người của địa phương mình, nhất là xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, giữa các cơ quan chuyên trách với báo chí, truyền thông.

- Ngoài những thuận lợi, kết quả đạt được, đề nghị nêu tập trung những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, đặc biệt là kinh nghiệm có ích, có giá trị tham khảo đối với các địa phương khác.

- Công tác phối hợp giữa cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và Sở TTTT các tỉnh hiện còn có những bất cập gì cần tháo gỡ từ cơ chế, chủ trương ở cấp Trung ương.

- Các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người.

Kính thưa Hội nghị,

Nhân dịp này, một lần nữa Bộ TTTT trân trọng cảm ơn sự quan tâm và phối hợp hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, các quý vị đại biểu, các báo cáo viên. Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia tích cực của các đại biểu, Tập huấn sẽ đạt mục tiêu đề ra, thu được kết quả thiết thực, giúp ích cho các đại biểu trong triển khai công tác tại đơn vị.

Xin chúc các vị khách quý, các báo cáo viên, các đại biểu nhiều sức khỏe, thành công. Trân trọng cảm ơn!

Ban biên tập

More