Bản tin ngày 27-12-2021

Post date: 28/12/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

tt

Tên bài/nội dung

Tên cơ quan báo chí và tác giả

Ghi chú

 
 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

 

Ghi nhận thêm 22 F0, có 6 ca chưa rõ nguồn lây ở Quảng Đông. 5

Baoquangbinh.vn 27/12

 

Triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại năm 2022. 5

Moitruong.net.vn 25/12, Minh Tâm

 

Công ty Dược Quảng Bình: Nhận “hoa hồng” của Việt Á từ 20%-25%.. 6

Tienphong.vn 24/12, Hoàng Nam; Tiền phong 25/12, tr4; VOV.vn 25/12; Nld.com.vn 25/12; Zingnews.vn 25/12; Tuoitre.vn 25/12; Sggp.org.vn 25/12; Thanhnien.vn 25/12; Dantri.com.vn 25/12; Cand.com.vn 25/12; Danviet.vn 25/12; Giaoducthoidai.vn 25/12; Khoahocdoisong.vn 25/12; Tamnhin.trithuccuocsong.vn 25/12; Ngaynay.vn 25/12; Congnghedoisong.vn 25/12; Lao động 27/12, tr4

 

Nghiệm thu, đưa vào sử dụng 2 trạm y tế xã Tân Trạch và Thượng Trạch. 7

Baoquangbinh.vn 26/12, Nội Hà

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

 

Tăng cường quản lý các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải 8

Baoquangbinh.vn 27/12, Nguyễn Hoàng

 

Công an Quảng Bình bàn giao trụ sở Công an bản biên giới cho tỉnh Khăm Muộn. 10

Baophapluat.vn 25/12, Duy Khương

 

KINH TẾ

 

Công ty đấu giá “quên” trả lại tiền cọc cho khách hàng?. 11

Baodautu.vn 26/12, Ngọc Tân

 

Kiến nghị chấm dứt hợp đồng nhà thầu thi công dự án môi trường “triệu đô”. 12

Baodautu.vn 26/12, Ngọc Tân

 

Ngang nhiên định giá, trợ giá cho nhiều giống lúa chưa được công nhận. 13

Bảo vệ pháp luật 27/12, tr10, Bùi Tiến

 

Chuẩn bị triển khai dự án đường ven biển Quảng Bình - Quảng Trị 16

Baodautu.vn 26/12, Ngọc Tân

 

"Mở đường" cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển. 17

Baoquangbinh.vn 27/12, Dương Công Hợp

 

Cần điều chỉnh quy hoạch dành quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân. 19

Baoxaydung.com.vn 25/12, Nhất Linh

 

Hội ND huyện Tuyên Hóa giám sát công tác quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp. 21

Danviet.vn 24/12, Minh Hoa

 

Giữ rừng di sản. 22

Nongnghiep.vn 27/12, Nguyễn Tâm

 

XÃ HỘI

 

Trạm trộn bê tông nhựa tại xã Trường Xuân hiện không hoạt động. 25

Baoquangbinh.vn 27/12

 

Quảng Bình bàn giao, đưa vào sử dụng 22 nhà đại đoàn kết cho bà con người Mã Liềng. 26

Nhandan.vn 25/12, Hương Giang; Baoxaydung.com.vn 25/12; Đại đoàn kết 25/12, tr5

 

Trao quà cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. 27

Baodansinh.vn 25/12, Nguyễn Ngọc Vượng

 

UNDP tiếp tục hỗ trợ nhà chống lũ giai đoạn 2 cho Quảng Bình. 27

Baodautu.vn 27/12, Ngọc Tân

 

Bàn giao nhà chống lũ cho người dân Quảng Bình. 29

Baodautu.vn 27/12, Ngọc Tân

 

Người giáo dân nặng gánh hai vai 30

Daidoanket.vn 27/12, Quảng Nghĩa; Đại đoàn kết 27/12, tr5

 

Bàn giao 27 nhà đại đoàn kết và 3 công trình nước sạch cho người dân miền núi 31

Baoxaydung.com.vn 25/12, Nhất Linh

 

Hội Người mù Quảng Bình hỗ trợ giải quyết việc làm cho 38 hội viên. 32

Baodansinh.vn 24/12, Nguyễn Ngọc Vượng

 

Quảng Bình trao tặng 200 suất đồ ấm cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn. 33

Baodansinh.vn 26/12, Nguyễn Ngọc Vượng

 

Bài 3: Sẻ chia từ vùng thiên tai khắc nghiệt 33

Cand.com.vn 27/12, Dương Sông Lam

 

Cuộc sống mới của người Arem.. 36

Qdnd.vn 26/12, Lê Nguyễn; Quân đội nhân dân 26/12, tr6

 

Bỏ phố lên núi giúp đồng bào thoát nghèo. 38

Sggp.org.vn 27/12, Minh Phong

 

30 năm làm trưởng bản Bru - Vân Kiều, bao lần xin nghỉ việc, dân làng dứt khoát không cho, vì sao vậy?. 40

Danviet.vn 27/12, Trần Anh

 

Đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 42

Bienphong.com.vn 25/12, Tuấn Khang

 

Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ 2021 – 2025. 44

Baotainguyenmoitruong.vn 24/12, Hồng Thiệu

 

Quảng Bình - điểm đến an toàn: Du lịch thích ứng với an toàn. 45

Thanhnien.vn 27/12, Trương Quang Nam; Vietnamtourism.gov.vn 27/12

 

“Bữa tiệc nghệ thuật” chào năm mới Canh Dần. 46

Baophapluat.vn 26/12, Bảo Châu

 

AN NINH – QUỐC PHÒNG

 

Khen thưởng Công an tỉnh Quảng Bình phá chuyên án nghìn tỷ. 47

Cand.com.vn 25/12, Sông Lam

 

Cảnh sát Biển và ngư dân: Phòng tuyến vững chắc trên biển. 48

Vov.vn 27/12, Thành Nam

 

Phá ổ đánh bạc và cho vay nặng lãi tại Quảng Bình. 49

Antt.nguoiduatin.vn 25/12, Đình Tuấn; Phapluatplus.vn 25/12; Tamnhin.trithuccuocsong.vn 25/12

 

Bắt 4 "con bạc" đang sát phạt nhau bằng hình thức đánh "phỏm". 50

Phapluatplus.vn 25/12, Duy Khương

 

Hơn 7 năm tù cho kẻ đưa 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. 51

Vietnamnet.vn 24/12, Hải Sâm

 

Công an huyện Bố Trạch bắt giữ đối tượng trốn lệnh truy nã. 52

Baoquangbinh.vn 26/12, Tiến Thành

 

Người dân giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ. 52

Thanhnien.vn 27/12, Trương Quang Nam

 

I. Thông tin liên quan đến dịch COVID-19

1. Ghi nhận thêm 22 F0, có 6 ca chưa rõ nguồn lây ở Quảng Đông

(Baoquangbinh.vn 27/12)

Trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 26-12 đến 6 giờ ngày 27-12), Quảng Bình ghi nhận thêm 22 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 20 ca tại cộng đồng, 6 ca chưa rõ nguồn lây; trong ngày có 21 ca xuất viện, theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Mời xem nội dung chi tiết trong đường link dưới đây:

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/ghi-nhan-them-22-f0-co-6-ca-chua-ro-nguon-lay-o-quang-dong-2196653/

Về đầu trang

2. Triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại năm 2022

(Moitruong.net.vn 25/12, Minh Tâm)

Ngày 24/12/2021 vừa qua , UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2828/KH-UBND về việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại năm 2022 nhằm tăng cường miễn dịch.

Theo đó, đối tượng thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại là những người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 03 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản; đối với những người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục, hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Thời gian tiêm vắc xin dự kiến từ quý I/2022 và tùy theo tiến độ phân bổ vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế được triển khai đồng thời cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố.

Kế hoạch nêu rõ nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin AstraZeneca). Vắc xin sử dụng để tiêm nhắc lại phải là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Khoảng cách tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 03 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Liều lượng vắc xin sử dụng để tiêm nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép

Kế hoạch hướng đến mục tiêu cụ thể là đạt tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại nhanh nhất cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên cho người bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế khi nhận đủ vắc xin; đạt tỷ lệ trên 95% đối tượng được tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế; đảm bảo sử dụng hiệu quả vắc xin và an toàn tiêm chủng; đúng đối tượng tham gia tiêm chủng, điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình triển khai. Về đầu trang

https://moitruong.net.vn/quang-binh-trien-khai-chien-dich-tiem-chung-vac-xin-phong-covid-19-mui-nhac-lai-nam-2022/

3. Công ty Dược Quảng Bình: Nhận “hoa hồng” của Việt Á từ 20%-25%

(Tienphong.vn 24/12, Hoàng Nam; Tiền phong 25/12, tr4; VOV.vn 25/12; Nld.com.vn 25/12; Zingnews.vn 25/12; Tuoitre.vn 25/12; Sggp.org.vn 25/12; Thanhnien.vn 25/12; Dantri.com.vn 25/12; Cand.com.vn 25/12; Danviet.vn 25/12; Giaoducthoidai.vn 25/12; Khoahocdoisong.vn 25/12; Tamnhin.trithuccuocsong.vn 25/12; Ngaynay.vn 25/12; Congnghedoisong.vn 25/12; Lao động 27/12, tr4)

Liên quan đến việc “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty CP Công nghệ Việt Á ( Cty Việt Á), ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình thừa nhận với phóng viên Tiền Phong, có nhận “chiết khấu” từ 20%- 25% trên mỗi đơn hàng, nhưng không phải bằng tiền mặt mà bằng sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19.

Ngày 23/12, làm việc với phóng viên báo Tiền Phong, ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình cho biết: Toàn bộ hồ sơ, hợp đồng liên quan đến việc mua kit xét nghiệm COVID-19 của Cty Việt Á đã giao cho Công an nên không có để cung cấp chi tiết cho phóng viên. Theo ông Ngọc nhớ, từ tháng 7/2020 Công ty CP Dược Quảng Bình bắt đầu mua kit xét nghiệm COVID-19 của nhiều hãng, trong đó có kit xét nghiệm của Công ty Việt Á để về bán lại cho CDC và bệnh viện của các tỉnh.

Ông Ngọc cho biết: Riêng kit xét nghiệm COVID-19 mua của Việt Á, ông không mua trực tiếp từ công ty này mà mua qua Công ty CP Thiết bị Y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế. Giá của kit xét nghiệm COVID-19 mua của Việt Á, Công ty Dược phẩm Quảng Bình đều mua đúng mức giá ấn định của Bộ Y tế theo từng thời kỳ, được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ này. Khi về bán lại cho CDC và các bệnh viện Công ty Dược phẩm Quảng Bình cũng bán đúng giá đã mua.

Ông Ngọc thừa nhận, trên mỗi đơn hàng kit xét nghiệm của Việt Á, Công ty Dược phẩm Quảng Bình được “chiết khấu” từ 20% đến 25% bằng chính kit xét nghiệm. Và những kit xét nghiệm COVID-19 được “chiết khấu” này, Công ty Dược phẩm Quảng Bình mang bán theo giá công bố của Bộ Y tế để kiếm lời.

Ông Ngọc khẳng định, không “lại quả” cho các khách hàng đã mua kit xét nghiệm của công ty ông. “Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng Công ty của tôi mua kit xét nghiệm của Việt Á cho đến nay khoảng hơn 7 tỷ đồng. Mức chiết khấu đều ghi rõ trên mỗi hóa đơn điện tử giá trị gia tăng” - ông Ngọc nói.

Về nguyên do không mua kit xét nghiệm COVID-19 trực tiếp từ Cty Việt Á mà lại mua qua Công ty Dược phẩm Thừa Thiên Huế, ông Ngọc nói: “Tôi và anh Nghị (ông Đỗ Hữu Nghị, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế- PV) là bạn bè chơi với nhau từ hồi Bình Trị Thiên nên giúp nhau”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, Công ty CP Thiết bị y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế là công ty “con” của Việt Á. “Nói công ty con cũng đúng mà cũng chưa đúng. Hiện Công ty CP Công nghệ Việt Á đã mua 70% cổ phần của Công ty CP Thiết bị Y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế” - ông Đỗ Hữu Nghị nói. Ông Nghị cũng xin phép không trả lời các câu hỏi của phóng viên Tiền Phong vì toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã bàn giao cho phía công an để phục vụ điều tra. Về đầu trang

https://tienphong.vn/cong-ty-duoc-quang-binh-nhan-hoa-hong-cua-viet-a-tu-20-25-post1404237.tpo

4. Nghiệm thu, đưa vào sử dụng 2 trạm y tế xã Tân Trạch và Thượng Trạch

(Baoquangbinh.vn 26/12, Nội Hà)

Ngày 25-12, tại 2 xã miền núi Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), Sở Y tế cùng các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 2 công trình công cộng Trạm Y tế xã Tân Trạch và Trạm Y tế xã Thượng Trạch. 

Trạm Y tế xã Tân Trạch và Trạm Y tế xã Thượng Trạch được khởi công xây dựng từ tháng 1-2020 từ nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Quảng Bình, bao gồm các hạng mục công trình xây dựng mới nhà kỹ thuật-điều trị 2 tầng và cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ khác, với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng.

 

Trong quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn do địa hình miền núi hiểm trở, thời tiết thất thường, dịch bệnh Covid-19… nhưng đơn vị thi công xây dựng đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn hoàn thành cả 2 công trình đúng tiến độ.

Tại buổi nghiệm thu thực địa công trình Trạm Y tế xã Tân Trạch, Trạm Y tế xã Thượng Trạch, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã đánh giá: khối lượng, chất lượng các hạng mục công trình xây dựng đạt yêu cầu so với thiết kế đã được phê duyệt.

 

Tuy nhiên, đoàn công tác cũng chỉ ra một số khiếm khuyết nhỏ, yêu cầu đơn vị thi công xây dựng phải khắc phục triệt để, nhằm bảo đảm chất lượng và phát huy hết công năng sử dụng lâu dài của 2 trạm y tế.

Bàn giao công trình đưa vào sử dụng cho chính quyền địa phương và đội ngũ y bác sỹ, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Tân Trạch, Trạm Y tế xã Thượng Trạch, Giám đốc Sở Y tế, bác sỹ Dương Thanh Bình nêu rõ: Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trạm y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, đáp ứng điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên các trạm y tế. 

Đứng chân trên địa bàn miền núi đi lại khó khăn, cách xa trung tâm huyện, tỉnh, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, sở yêu cầu nhân viên y tế tại 2 trạm phát huy hết vai trò, trách nhiệm của y tế cơ sở, chăm lo sức khỏe cho đồng bào nói chung, công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng, nhất là hiện nay vai trò của của y tế cơ sở hết sức quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. 

Sở sẽ quan tâm ưu tiên đầu tư trang thiết bị y tế đầy đủ để cả 2 trạm hoạt động hiệu quả, tạo được niềm tin cho đồng bào dân tộc, nhằm góp phần xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

 

Trước mắt, sở sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa để khoan giếng lấy nước, mua máy phát điện cho Trạm Y tế xã Thượng Trạch và kịp thời trang cấp những dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ công tác khám chữa bệnh còn thiếu tại 2 trạm y tế này.

Nhân dịp này, lãnh đạo Sở Y tế đã trao tặng một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho Trạm Y tế xã Tân Trạch và Trạm Y tế xã Thượng Trạch; đơn vị thi công Công ty TNHH Hải Huyền cũng đã trao tặng 2 bộ bàn ghế làm việc cho 2 trạm trị giá 35 triệu đồng. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/suc-khoe/202112/nghiem-thu-dua-vao-su-dung-2-tram-y-te-xa-tan-trach-va-thuong-trach-2196636/

II. Thời sự - Chính trị

1. Tăng cường quản lý các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải

(Baoquangbinh.vn 27/12, Nguyễn Hoàng)

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), diễn ra sáng 27-12. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

 

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành GTVT tỉnh đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên tinh thần “khó đâu gỡ đó”, sở đã chủ động tham mưu, trực tiếp tổ chức đón và hỗ trợ hàng chục nghìn người dân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê phòng, chống dịch và cách ly an toàn.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được sở quan tâm đẩy mạnh bằng việc rà soát, tham mưu 15 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền HĐND, UBND tỉnh ban hành; tiếp nhận và giải quyết hơn 26.800 hồ sơ thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời gian, thành phần hồ sơ theo quy định.

 

Sở GTVT cũng đã thẩm định 48 hồ sơ của các chủ đầu tư; thẩm định 76 hồ sơ do sở làm chủ đầu tư; tham gia góp ý cho 149 hồ sơ và kiểm tra công tác nghiệm thu đối với 43 công trình xây dựng giao thông trên địa bàn tỉnh.

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT thường xuyên cập nhật hiện trạng công trình, phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, duyệt dự án sát đúng với yêu cầu thực tế của từng đoạn tuyến và quản lý chặt chẽ khối lượng thực hiện.

 

Thống kê toàn tỉnh hiện có 919km quốc lộ, 367km đường tỉnh, 732km đường đô thị, 772km đường huyện, 54km đường chuyên dùng và trên 9.540km đường giao thông nông thôn, 230km đường thủy nội địa.

Cũng trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản lượng vận tải hàng hóa vẫn ước đạt 28.597 nghìn tấn; hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.495 triệu tấn/km. Sản lượng vận tải hành khách ước đạt 26.817 nghìn lượt; hành khách luân chuyển ước đạt 1.212 triệu người.km.

 

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, ngành GTVT tỉnh xác định sẽ tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung xây dựng, quản lý, bảo trì các công trình giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quản lý và xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh…

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, làm rõ một số tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện nhằm nâng cao năng lực quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, kết quả đạt được của Sở GTVT đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2021; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới, như: Tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng trong lĩnh vực GTVT; chủ động tham mưu, nâng cao hiệu quả xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình xây dựng giao thông; chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh …

Về một số kiến nghị, đề xuất của Sở GTVT, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh về thực trạng, giải pháp xử lý để vừa bảo đảm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, vừa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.

 

Với những thành tích xuất sắc đạt được trong năm 2021, dịp này, Sở GTVT đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua, 1 cá nhân được tặng bằng khen. Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tặng bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/thoi-su/202112/tang-cuong-quan-ly-cac-du-an-dau-tu-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai-2196657/

2. Công an Quảng Bình bàn giao trụ sở Công an bản biên giới cho tỉnh Khăm Muộn

(Baophapluat.vn 25/12, Duy Khương)

Đại diện Công an huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn và Công an tỉnh Quảng Bình tại Lễ bàn giao.

Đại diện Công an huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn và Công an tỉnh Quảng Bình tại Lễ bàn giao.

Chiều ngày 25/12, tại bản Lằng Khằng, huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn, Công an tỉnh Quảng Bình đã tổ chức bàn giao đợt một, 03 trụ sở Công an các bản biên giới thuộc huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào.

Sau gần 01 tháng khởi công xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Bình và các nguồn hỗ trợ khác. Đến nay, 03 trong tổng số 11 trụ sở đã được khánh thành bàn giao và đưa vào sử dụng, đạt đúng tiến độ đề ra.

Đây là những công trình hết sức ý nghĩa dọc tuyến biên giới giữa hai nước, giúp Công an 02 tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo ANTT tại khu vực biên giới, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia lợi dụng địa bàn Lào và Việt Nam để hoạt động, góp phần giữ gìn sự bình yên của nhân dân hai nước, củng cố, vun đắp thêm cho tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Lào.

Đây là những công trình hết sức ý nghĩa dọc tuyến biên giới giữa hai nước, giúp Công an 02 tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo ANTT tại khu vực biên giới, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia lợi dụng địa bàn Lào và Việt Nam để hoạt động, góp phần giữ gìn sự bình yên của nhân dân hai nước, củng cố, vun đắp thêm cho tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Lào. Về đầu trang

https://baophapluat.vn/cong-an-quang-binh-ban-giao-tru-so-cong-an-ban-bien-gioi-cho-tinh-kham-muon-post427946.html

III. Kinh tế  

1. Công ty đấu giá “quên” trả lại tiền cọc cho khách hàng?

(Baodautu.vn 26/12, Ngọc Tân)

Kết thúc cuộc đấu giá đất gần 10 ngày, 4 cá nhân tham gia bị đơn vị tổ chức đấu giá nợ lại hơn 1 tỷ đồng tiền đặt cọc.

Ngày 25/12, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, đã nắm thông tin và có chỉ đạo trả lại tiền đặt cọc cho một số cá nhân tham gia buổi đấu giá quyền sử dụng đất đối với 23 thửa đất tại 2 xã  Lương Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Trước đó, vào ngày 13/12, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với 23 thửa đất tại 2 xã Lương Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu là đơn vị tổ chức buổi đấu giá.

Để tham gia đấu giá, có 4 cá nhân trên địa bàn huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới đã nộp vào số tiền đặt cọc gần 1,3 tỷ đồng theo quy định của đơn vị tổ chức đấu giá.Tuy vậy, sau khi kết thúc buổi đấu giá nhiều ngày, đơn vị tổ chức buổi đấu giá là Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu  đã “quên” không trả lại tiền đặt cọc cho 4 cá nhân nói trên mặc dù họ không trúng đấu giá.

Chị Phan Th. (trú tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh), một trong 4 cá nhân bị nợ lại tiền đặt cọc cho biết, theo hồ sơ thông báo, Công ty Đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu yêu cầu người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước từ ngày 8/12-6h30 phút ngày 10/12 vào tài khoản công ty này, nếu không trúng đấu giá thì sau 3 ngày sẽ nhận lại tiền đặt cọc.

“Gần 10 ngày sau khi kết thúc buổi đấu giá và công bố danh sách trúng đấu giá, chúng tôi không trúng đấu giá nhưng họ cũng không chịu trả lại tiền đặt cọc. Sau 6 hôm kết thúc buổi đấu giá, sốt ruột quá nên tôi liên lạc nói họ chuyển trả tiền cọc mà họ cứ khất hết ngày này đến ngày khác không chịu giải quyết”, chị Th. cho biết.

Cũng theo chị Th., trong chiều 24/12, chị và 3 người còn lại bị công ty đấu giá nợ tiền cọc đã đến tại trụ sở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh để yêu cầu giải quyết sự việc. Tại đây, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh đã hứa với chị Th. và 3 người còn lại sẽ xử lý số tiền nói trên trong ngày.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Long, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh thừa nhận có xảy ra sự việc chậm trả lại tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá 23 thửa đất tại 2 xã Lương Ninh, Vạn Ninh cho 4 khách hàng. Nguyên nhân là do có “một số vấn đề sai sót” đối với thông tin số tài khoản ngân hàng của khách hàng.

“Chúng tôi tưởng xong xuôi rồi. Chiều 24/12, khi nghe các khách hàng phản ánh, chúng tôi đã mời đơn vị tổ chức đấu giá và 4 khách hàng đến làm việc. Khách hàng sau đó đã nhận đủ tiền”, ông Long nói.

Tuy nhiên, qua trao đổi với PV, chị Phan Th. xác nhận chỉ mới 2 trong 4 cá nhân được công ty đấu giá hoàn lại đủ tiền cọc sau buổi làm việc chiều 24/12. Riêng chị Th. và chị Phan Hoài Th. (một khách hàng khác bị nợ tiền cọc) đến sáng 26/12 vẫn còn bị nợ lại 452 triệu đồng.

"Chúng tôi tham gia đấu giá nhiều nơi khác rồi nhưng chưa có công ty đấu giá nào giữ lại tiền đặt cọc của khách như này. Đây là số tiền lớn mà chúng tôi dùng để sử dụng vào nhiều công việc quan trọng khác nữa", chị Th. bức xúc. Về đầu trang

https://baodautu.vn/quang-binh-cong-ty-dau-gia-quen-tra-lai-tien-coc-cho-khach-hang-d158228.html

2. Kiến nghị chấm dứt hợp đồng nhà thầu thi công dự án môi trường “triệu đô”

(Baodautu.vn 26/12, Ngọc Tân)

Gói thầu DH/W3 thuộc Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới thi công ì ạch, dang dở khiến nhiều người dân hết sức bức xúc.

Ngày 25/12, Ban quản lý Dự án Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (BQL Dự án) cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình chấm dứt Hợp đồng Gói thầu DH/W3 thuộc Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới.

Theo Ban quản lý Dự án Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, ngày 31/1/2020, BQL Dự án đã ký hợp đồng xây lắp với Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) để thi công Gói thầu DH/W3: Nước thải Bảo Ninh. Hợp đồng DH/W3 có giá trị là 43,2 tỷ đồng, thời hạn thực hiện 30 tháng, ngày hoàn thành công trình là 31/7/2022.

Tuy vậy, trong quá trình thi công, nhà thầu này đã nhiều lần không huy động đầy đủ nguồn lực (vật tư, thiết bị, nhân sự…) để thi công theo đúng tiến độ đã được phê duyệt của gói thầu, tình trạng thi công dỡ dang các tuyến cống kéo dài, không hoàn trả mặt bằng các tuyến đã thi công trong một thời gian dài, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân, gây bức xúc trong nhân dân và cử tri xã Bảo Ninh nhiều lần phản ánh, kiến nghị.

“Mặc dù BQL Dự án đã có nhiều văn bản và tổ chức các cuộc họp đôn đốc tiến độ, đưa ra các cảnh báo vi phạm hợp đồng nhưng nhà thầu vẫn không khắc phục tình trạng nêu trên. Nhà thầu thường xuyên dừng thi công không có lý do, không báo cáo Ban quản lý Dự án và Tư vấn giám sát. Đặc biệt, nhà thầu đã dừng thi công liên tục 50 ngày kể từ ngày 12/10/2021 đến ngày 30/11/202 và đã di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị, nhân lực ra khỏi công trường”, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, nếu được UBND tỉnh chấp thuận, dự kiến sau khi chấm dứt Hợp đồng DH/W3 với nhà thầu, BQL Dự án sẽ thu hồi tạm ứng, tịch thu tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật đối với nhà thầu. Ngoài ra, BQL Dự án cũng đề xuất phương án xử lý khối lượng công việc còn lại của Hợp đồng DH/W3 bằng cách lập gói thầu mới và tổ chức đấu thầu để thực hiện.

Được biết, trước đó vào ngày 15/12, tại cuộc họp với các sở ban ngành liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc cho Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cũng đã đồng ý chủ trương cho Ban quản lý Dự án Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới chấm dứt hợp đồng thi công gói thầu DH/W3 đã ký với VIWASEEN theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành tham gia cuộc họp. Về đầu trang

https://baodautu.vn/kien-nghi-cham-dut-hop-dong-nha-thau-thi-cong-du-an-moi-truong-trieu-do-d158232.html

3. Ngang nhiên định giá, trợ giá cho nhiều giống lúa chưa được công nhận

(Bảo vệ pháp luật 27/12, tr10, Bùi Tiến)_

Tại Quảng Bình, nhiều giống lúa dù chưa được công nhận giống và đang quá trình khảo nghiệm nhưng 1 đơn vị cung cấp giống cây trồng đã ra thông báo giá bán, tiến hành việc cung cấp các giống lúa này về nhiều địa phương trong tỉnh. Thậm chí, nhiều địa phương còn đưa ra mức hỗ trợ giá cho các giống lửa này.

Theo phản ánh của người dân, Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình là công ty con của Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình, có địa chỉ trụ sở công ty đặt tại số 587, Lý Thường Kiệt, Phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bán các giống lúa chưa được công nhận giống và chưa được phép kinh doanh giống tại Việt Nam như các giống lúa như KH336, Phong Nha 99 (PN99), QC03 ra thị trường 1 cách công khai.

Các giống lúa này đã được các địa phương hỗ trợ giá hoặc mua để nông dân sử dụng. Tiêu biểu như ở phường Quảng Thọ, phường Quảng Phúc, (thị xã Ba Đồn), xã Đại Trạch, xã Vạn Trạch,...(huyện Bố Trạch), xã An Thủy, xã Mai Thủy,... (huyện Lệ Thủy)...

Cụ thể, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, giống lúa PN99 được UBND xã này đưa vào cơ cấu giống lúa chất lượng và hỗ trợ giá giống lúa vụ đông xuân với định mức 5.000 đồng/1kg.

Tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy trong danh sách đăng ký hỗ trợ giống lúa mới cho mùa vụ sắp tới của địa phương này có 2 giống lúa chưa được công nhận giống là QC03 và KH336 nhưng vẫn được đăng ký hỗ trợ với số lượng lớn và giá thành rất cao.

Cụ thể, thôn Lộc Thượng được hỗ trợ giống QC03 có số lượng 4680kg với số tiền 121.680.000 đồng. Thôn Lộc Hạ được hỗ trợ giống QC03 có số lượng 4980kg với số tiền 129.480.000 đồng. Thôn Phú Thọ được hỗ trợ giống lúa QC03 có số lượng 4620kg với số tiền 120.120.000 đồng. Thôn Lộc An được hỗ trợ giống KH336 có số lượng 330kg với số tiền 46.200.000 đồng. Thôn Thạch Bàn được hỗ trợ giống KH336 có số lượng 522kg với số tiền 73,080.000 đồng.

Ông Lê Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết, xã đã lên kế hoạch, sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ra hướng dẫn mới nên xã phải mời công ty giống về làm việc lại vào sáng ngày 10/12/2021. Đồng thời, UBND xã đã họp với 6 hợp tác xã và đơn vị giống cây trồng Quảng Bình thống nhất hỗ trợ giá giông lúa mới cùng với đó là bao tiêu sản phẩm có danh sách 6 hợp tác xã rõ ràng…

Tại huyện Bố Trạch, ngày 22/11/2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này đã có tờ trình số 388/TTr-NN về việc hỗ trợ giá giống phục vụ sản xuất Đông xuân 2021-2022. Tại tờ trình này, đơn vị đã đưa giống lúa PN99 (1 giống lúa chưa được công nhận giống) vào danh mục hỗ trợ nhân rộng các giống lúa mới với mức hỗ trợ 4000 đồng/1kg.

Đáng chú ý, ngày 20/10/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình còn ra hướng dẫn số: 2657/SNN-TTBVTV về việc hướng dẫn cơ cấu giống các loại cây trồng chính và lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông xuân 2021 - 2022 do ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở ký. Tại hướng dẫn này đã đưa giống lúa lai KH336 vào nhóm giống lúa mới có triển vọng, giống lúa PN99, QS447, QC03 cũng được đưa vào cơ cấu các loại cây trồng chính với vai trò là các giống sản xuất thử nghiệm.

Về vấn đề này, ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: Các giống đó đã được sản xuất thử ở Quảng Bình và cái sơ suất đó đã được điều chỉnh lại cơ cấu và thay văn bản cũ. Cũng theo ông Minh, theo Luật Trồng trọt 2018 quy định các giống được công nhận mới được đưa vào cơ cấu.

Theo đó, “sơ suất” này đã được điều chỉnh bằng 1 hướng dẫn mới vào ngày 3/12/2021, trong hướng dẫn này thì 4 giống lúa kể trên đã không còn nằm trong danh sách cơ cấu giống các loại cây trồng chính nữa.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Hương Liên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Quảng Bình cho biết, các giống lúa KH336 đã được trồng thử nghiệm trong vài năm qua. Vừa rồi, công ty giống có làm hồ sơ công nhận giống cho giống lúa KH336 này gửi ra Cục Trồng trọt đã được gần 3 năm. Tuy nhiên, sau khi Luật Trồng trọt thay đổi thì chưa công nhận được, cái này có sai sót bên công ty giống và không công nhận được trong vụ này. Tới thời điểm hiện tại, giống lúa KH336 chưa được công nhận giống. Đồng thời, ông Liên cũng khẳng định các giống lúa như PN99, QC03, QS447 chưa có giống nào được công nhận giống.

Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bỏ hết tất cả các giống khảo nghiệm, thử nghiệm, còn trong cơ cấu của mình không đưa vào các giống chưa được công nhận, không sản xuất thử nghiệm nữa.

“Hiện, Chi cục đang phối hợp với Thanh tra Sở tiến hành thanh tra, kiểm tra xem họ đưa giống về chưa, đã thu hồi chưa và chuẩn bị giống như thế nào?”. Ông Liên thông tin thêm.

Ngoài ra, trong 2 năm 2020 và 2021, công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình đã ra thông báo giá bán cây trồng hiện tại theo từng thời điểm cho nhiều loại giống lúa chưa được công nhận.

Cụ thể, giá bán giống lúa PN99 trong cả 2 năm là 25.000 đồng/1kg. Riêng mùa vụ đông xuân 2021 - 2022, công ty này đã ra thông báo số 67/BG-QSC về việc thông báo giá bán hạt giống cây trồng vụ đông xuân 2021 - 2022 thì ngoài giống lúa PN99, công ty này bổ sung vào thông báo giá bán thêm giống mới cũng chưa được công nhận là QC03 với mức giá 26.000 đồng/1kg, QS447 có giá 24.000 đồng/1kg.

Nói về việc Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình ra thông báo giá bán cây trồng cho 3 loại giống lúa OS447, PN99, QC03, trong khi cả 3 loại này chưa được công Hương Liên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Quảng Bình cho biết cho biết: Việc kinh doanh của công ty còn mình bên chỗ Nhà nước, cơ quan mình không quản lý việc này, còn việc giá cả thị trường mình không nắm được. “Về nguyên tắc, giống chưa được công nhận cấm đưa ra thị trường” - Ông Liên khẳng định. Về đầu trang

4. Chuẩn bị triển khai dự án đường ven biển Quảng Bình - Quảng Trị

(Baodautu.vn 26/12, Ngọc Tân)

Được kỳ vọng tạo ra những động lực mới trong phát triển kinh tế ở khu vực dọc ven biển, Quảng Bình và Quảng Trị đang tập trung nguồn lực để sớm triển khai tuyến đường ven biển.

Tuyến đường ven biển đi qua Quảng Bình thuộc Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Dự án được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ấn nút khởi động tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Bình 2021. Dự án có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, triển khai từ năm 2021 đến năm 2026.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Quảng Bình, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuyến đường này gồm 3 đoạn với tổng chiều dài 85,4 km, trong đó đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch) dài 21,9 km, đoạn Nam cầu Lý Hòa (huyện Bố Trạch) - Quang Phú (Đồng Hới) dài 15,6 km và đoạn Hà Trung (huyện Quảng Ninh) - Mạch Nước (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) dài 47,9 km và sẽ nối với tuyến đường Dự án Đường ven biển kết nối Hành lang Kinh tế Đông Tây- giai đoạn I đang chuẩn bị xây dựng.

Tại Quảng Trị, Dự án Đường ven biển kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây giai đoạn I có tổng chiều 55,7 km. Theo quy hoạch, đoạn từ thôn Mạch Nước (xã Vĩnh Thái) đến phía Bắc cầu Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) có mặt cắt ngang 12 m; đoạn từ phía Nam cầu Cửa Tùng (huyện Gio Linh) đến phía Nam cầu Cửa Việt (huyện Triệu Phong) có mặt cắt ngang hoàn chỉnh là 40 m, phân kỳ đầu tư giai đoạn I đảm bảo quy mô mỗi bên 2 làn xe…

Ông Nguyễn Phong Luân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Trị cho biết, Dự án Đường ven biển kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây giai đoạn I đã được HĐND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là dự án thuộc nhóm A, với tổng vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.644 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 416 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2021 đến 2025.

Đồng thời, Ban Quản lý dự án kiến nghị UBND tỉnh xem xét xây dựng phương án khai thác quỹ đất sạch sau giải phóng mặt bằng dọc 2 bên tuyến đường ven biển.

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nguồn vốn cũng đã cơ bản, dự án cũng đã đưa vào danh mục trung hạn. Dự án đang triển khai ở bước thiết kế, dự kiến sang năm sẽ triển khai thi công thực địa”.

Cũng theo ông Lê Đức Tiến, UBND tỉnh đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị tham mưu, nghiên cứu xây dựng phương án về khai thác quỹ đất dọc 2 bên tuyến Đường ven biển kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Với Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng, đây là dự án trọng điểm của tỉnh nhằm phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển. Theo đó, Dự án sẽ đi qua các khu quy hoạch đô thị, hạ tầng, dịch vụ, du lịch của các vùng trong tỉnh và sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, phát huy các tiềm năng, thế mạnh về du lịch và dịch vụ biển. Đồng thời, tuyến đường giúp kết nối vùng ven biển của Quảng Bình với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, phát huy thế mạnh của cụm cảng nước sâu, các khu công nghiệp Vũng Áng, Hòn La, cũng như tạo sự kết nối quan trọng vùng phía Đông của các tỉnh Bắc Trung bộ và cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, Dự án sẽ được thực hiện trên cơ sở bám sát quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm việc triển khai tuyến đường sát biển, phục vụ tốt công tác quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế biển, cũng như đánh giá kỹ các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu đối với công trình sau khi được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng.

Được biết, Sở GTVT Quảng Bình đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện 2 gói thầu xây lắp chính tại Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, gồm: Gói thầu XL-05: Xây lắp đoạn từ Km0+00-Km27+123 đoạn Hà Trung - Mạch Nước (391,474 tỷ đồng) và Gói thầu XL-06: Xây lắp đoạn từ Km27+123-Km48+536 đoạn Hà Trung - Mạch Nước (469,676 tỷ đồng).

Dự kiến, cuối tháng 12/2021, kết quả chính thức về lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu trên sẽ được công bố. Về đầu trang

https://baodautu.vn/chuan-bi-trien-khai-du-an-duong-ven-bien-quang-binh---quang-tri-d158095.html

5. "Mở đường" cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển

(Baoquangbinh.vn 27/12, Dương Công Hợp)

Cùng với việc chú trọng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, giai đoạn 2020-2025, huyện Tuyên Hóa đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển và tăng dần tỷ trọng công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại-dịch vụ (TM-DV), ngành nghề nông thôn, nhằm tạo động lực cho kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn huyện phát triển bền vững.

 

Tháng 10-2021, tại kỳ họp thứ 2, HĐND huyện Tuyên Hóa khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã ra Nghị quyết số 69/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Cụm TTCN Tiến Hóa, giai đoạn 2 (2021-2023), với tổng nguồn vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Sau giai đoạn này, Cụm TTCN Tiến Hóa sẽ hoàn thành toàn bộ hạ tầng, gồm: San lấp mặt bằng, hệ thống điện, nước, thu gom rác thải, để sớm thu hút các nhà đầu tư.

 

Trước đó, huyện Tuyên Hóa cũng đã gấp rút thi công và hoàn thành (giai đoạn 1: 2020-2022) hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường bao quanh, đường phân khu vượt tiến độ 1 năm. Theo quy hoạch, Cụm TTCN Tiến Hóa có tổng diện tích 17ha. Trong giai đoạn 1 (2020-2022) và giai đoạn 2 (2021-2023), huyện Tuyên Hóa sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên diện tích hơn 9ha. Cụm TTCN nằm ngay trên tuyến đường tránh Quốc lộ 12A-trục hành lang kinh tế xuyên Á kết nối từ Cửa khẩu và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đến Khu kinh tế Hòn La và cảng Hòn La-nơi có cảng nước sâu, rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Đây cũng là một trong những cụm TTCN có quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và được xác định là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế giai đoạn 2020-2025. 

Hiện, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 1.157 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 1.390 lao động. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và sức cạnh tranh thấp. Các ngành nghề nông thôn còn ít, năng suất lao động và sức cạnh tranh hàng hóa thấp, nhiều ngành nghề khó duy trì. Sản phẩm làm ra còn manh mún, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế.

 

Những khó khăn nêu trên đã khiến cho CN, TTCN, TM-DV và các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện Tuyên Hóa phát triển chưa mạnh. Việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng khó khăn dẫn đến khả năng thu hút các dự án có quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Từ đó, nguồn thu ngân sách trên địa bàn chưa thực sự vững chắc. Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chỉ tăng bình quân 2,5%/năm, CN-xây dựng tăng 13,9%/năm; TM-DV tăng 13,5%.

 

Trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ là chủ yếu, TM-DV chỉ giữ vai trò phân phối nhỏ lẻ, thì phát triển CN, TTCN, TM-DV được huyện Tuyên Hóa xem là một trong những “trụ cột” phát triển để “tăng tốc” nền kinh tế. Vì vậy, Cụm TTCN Tiến Hóa được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. Đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa đặt ra mục tiêu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN-xây dựng đạt 1.190 tỷ đồng (chiếm 31% cơ cấu nền kinh tế).

 

Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa Hoàng Trọng Tài cho biết, xã Tiến Hóa được quy hoạch, đầu tư, xây dựng thị trấn trong tương lai. Cùng với việc đầu tư Cụm TTCN Tiến Hóa, huyện cũng đã hoàn thiện 2 dự án phát triển quỹ đất ở tại thôn Tam Đa, Tây Trúc (với tổng diện tích hơn 20ha) và sẽ đưa vào đấu thầu trong năm 2022. Đây là động lực tạo đà cho sự phát triển của không chỉ các ngành CN, TTCN, mà còn kéo theo sự phát triển của các loại hình TM-DV, ngành nghề nông thôn; đồng thời mở rộng quy mô dân số. Quan trọng hơn, khi cụm TTCN này đi vào hoạt động sẽ tạo ra cơ hội việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập tại chỗ cho người lao động ở địa phương và các xã lân cận.

 

Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho hay, với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, Cụm TTCN Tiến Hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển CN, TTCN một cách bền vững, góp phần khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế có sẵn của địa phương. Đây còn là tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng dần tỷ trọng sản xuất CN-TTCN, TM-DV, ngành nghề nông thôn nói riêng, cũng như sự phát triển KT-XH cho huyện Tuyên Hóa nói chung.

 

“Theo định hướng, khi Cụm TTCN Tiến Hóa hoàn thành, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề chế biến theo chiều sâu, thu hút nhiều lao động, như: Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản, chế biến gỗ rừng trồng, thức ăn gia súc... Hiện tại, huyện Tuyên Hóa đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư và các thủ tục hành chính, để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến đầu tư phát triển sản xuất, triển khai dự án, xây dựng các cơ sở công nghiệp trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết thêm. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202112/mo-duong-cho-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-phat-trien-2196645/

6. Cần điều chỉnh quy hoạch dành quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân

(Baoxaydung.com.vn 25/12, Nhất Linh)

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 08 khu công nghiệp, nhưng nhà ở cho công nhân vẫn rất hạn chế. Nhiều người lao động đang phải ở, sinh hoạt trong những khu nhà trọ chật hẹp, không có đầy đủ trang thiết bị…

Nhiều cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cho biết: Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra, khiến nhiều người lao động tìm đường về quê một phần do điều kiện sống chưa đảm bảo. Từ thực tế đó, nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người lao động để giữ chân người lao động, gắn bó doanh nghiệp tại địa phương lâu dài.

Sau nhiều năm gắn bó và làm việc ở một Công ty sản xuất gỗ MDF tại khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, với thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng nhưng gia đình anh Trần Văn An vẫn đang ở trong căn nhà trọ chật chội tại xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch). Tháng 9/2021, cả gia đình đều phải nghỉ việc ở nhà để phòng dịch, cuộc sống khó khăn lại sinh hoạt trong căn nhà trọ chừng 15m2, anh An quyết định để vợ và 2 con về quê ngoại ở huyện Tuyên Hóa sinh sống, còn anh ở lại bám trụ với xưởng gỗ để mưu sinh, kiếm thu nhập cho những tháng cuối năm.

Anh Trần Văn An cho biết: Công nhân sau giờ làm việc thường ở trong nhà trọ, không gian giải trí, điều kiện sinh hoạt eo hẹp nên việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần rất hạn chế. Ngoài ra, việc ở những phòng trọ chật chội cũng khiến cho tinh thần người lao động lo lắng về tình hình an ninh trật tự và môi trường sống chưa hợp vệ sinh. Ước mơ mua được căn nhà tại các dự án nhà ở xã hội giá rẻ và trả góp hằng tháng là điều mà anh và nhiều lao động đang ấp ủ.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, trong số gần 12 nghìn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, mới chỉ có khoảng 1 nghìn người được ở trong ký túc xá do doanh nghiệp tư nhân xây dựng, số còn lại đang thuê trọ nhà dân với giá phòng trọ từ 600 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Đời sống, điều kiện sinh hoạt của người lao động còn khó khăn, chưa có các thiết chế phục vụ nhu cầu thiết yếu về nhà trẻ, trạm y tế, siêu thị… gần các khu công nghiệp. Từ thực trạng trên cho thấy, nhu cầu về thiết chế công đoàn, nhà ở xã hội là vấn đề cấp bách, cần thiết nhất hiện nay của phần lớn người lao động xa quê.

Từ thực tế đó, tháng 5/2020, tỉnh Quảng Bình đã khánh thành công trình mở rộng trường Mầm non Bắc Lý tại Cụm khu công nghiệp Tây Bắc thành phố Đồng Hới: với quy mô 4 phòng học, 1 phòng làm việc, 1 phòng y tế và khu bếp với tổng diện tích 1.029,4m2. Công trình thuộc dự án thiết chế công đoàn dành cho người lao động góp phần giảm áp lực phải gửi con vào nhà trẻ, mẫu giáo xa nơi làm việc của công nhân, giúp họ yên tâm sản xuất.

Hiện, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho người lao động nhưng vấn đề ách tắc về quỹ đất, vốn vay ưu đãi, cơ chế, thủ tục... đang là rào cản. Từ đó, để người lao động có thu nhập thấp thực hiện hóa giấc mơ an cư, cần có sự chung tay và quyết tâm lớn từ nhiều phía.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình từng chia sẻ: Hạ tầng các khu công nghiệp cơ bản được đầu tư hoàn thiện. Tuy nhiên, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch (nếu có) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở cho công nhân. Những khu công nghiệp đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng như Khu công nghiệp Cam Liên; Tây Bắc Quán Hàu; Bắc Đồng Hới… Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở cho công nhân, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Đối với các dự án tại các khu đất ngoài trung tâm thành phố Đồng Hới, nghiên cứu xây dựng nhà ở chung cư thấp tầng, nhà ở xã hội liền kề với giá trị không quá 400 triệu đồng/căn hoặc có đơn giá cho thuê không quá 50.000 đồng/m2/tháng, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu… Về đầu trang

https://baoxaydung.com.vn/quang-binh-can-dieu-chinh-quy-hoach-danh-quy-dat-de-phat-trien-nha-o-cho-cong-nhan-322959.html

7. Hội ND huyện Tuyên Hóa giám sát công tác quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp

(Danviet.vn 24/12, Minh Hoa)

Quảng Bình: Hội ND huyện Tuyên Hóa giám sát công tác quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tuynh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong tháng 9/2021, Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tổ chức giám sát việc quản lý nhà nước về công tác quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp...

Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa đã tổ chức giám sát việc quản lý nhà nước về công tác quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp năm 2020-2021 tại các xã Lâm Hóa, Thanh Thạch, Đồng Hóa, Ngư Hóa và thị trấn Đồng Lê.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tuynh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tại các buổi giám sát, đoàn đã nghe Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn báo cáo kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp năm 2020-2021 trên địa bàn. Tổng diện tích canh tác trên địa bàn 05 xã hơn 20.550 ha, hàng năm nhu cầu về phân bón các loại tiêu thụ trên địa bàn các xã khoảng 755 tấn, tại địa bàn các xã có 31 hộ kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Hàng năm Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã thành lập đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, quán triệt với các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh vật tư nông nghiệp. Nhìn chung ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp của các hộ kinh doanh tương đối nghiêm túc. Nhận thức người sử dụng được nâng lên, việc am hiểu, nhận dạng lựa chọn và sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cơ bản đúng quy trình, đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp chưa được thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn manh mún; các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn đa số nhỏ lẽ, kinh doanh theo mùa vụ; chủ yếu là các hộ buôn bán hàng tạp hoá bán kèm vật tư nông nghiệp nên rất khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng liều lượng theo khuyến cáo, gây lãng phí; một số nông dân còn vứt bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.

Trực tiếp kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện, Đoàn giám sát không phát hiện vật tư nông nghiệp kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục và thuốc cấm sử dụng. Nhưng vẫn có một số hộ chưa bảo đảm các điều kiện kinh doanh như: chưa có hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hết thời hạn, còn thiếu hoặc niêm yết không rõ ràng giá bán các loại vật tư; hệ thống sổ sách không đầy đủ; một số hộ còn bày bán vật tư nông nghiệp chung với nhiều mặt hàng tạp hóa khác nên chưa đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Kết luận các buổi giám sát, ông Nguyễn Xuân Tuynh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, trị trấn rà soát lại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp để đưa hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Hướng dẫn cho nông dân cách nhận biết vật tư nông nghiệp giả; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng.

Vận động nhân dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục quy định. Hàng năm tổ chức cho các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp ký cam kết đảm bảo chất lượng quy định. Đình chỉ ngay các hộ kinh doanh không có giấy phép, các hộ kinh doanh còn bày bán vật tư nông nghiệp cùng với các mặt hàng tạp hoá khác.

Hướng dẫn giúp đỡ các các hộ kinh doanh chưa có giấy phép kinh doanh có nhu cầu làm hồ sơ, thủ tục, các quy trình để được cấp giấy phép kinh doanh theo quy định. Về đầu trang

https://danviet.vn/quang-binh-hoi-nd-huyen-tuyen-hoa-giam-sat-cong-tac-quan-ly-san-xuat-kinh-doanh-va-su-dung-vat-tu-nong-nghiep-20211221181020645.htm

8. Giữ rừng di sản

(Nongnghiep.vn 27/12, Nguyễn Tâm)

Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng…

Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) với nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ nguyên vẹn đa dạng sinh học và những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên Thế giới.

Ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN - KB) cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 123.300 ha rừng đặc dụng và hơn 3.000 ha rừng phòng hộ, trải dài trên nhiều địa bàn thuộc huyện Bố Trạch, huyện Minh Hóa.

Với địa hình núi đá vôi phức tạp, hiểm trở, bao quanh là các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường độc đạo với nhiều hướng xâm nhập. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát rừng gặp nhiều khó khăn.

“Hiện, mỗi cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB phải bảo vệ khoảng 940 ha rừng nên áp lực và trách nhiệm công việc đặt ra hết sức nặng nề”, ông Tân cho biết.

Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với trách nhiệm và phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại rừng.

“Những hành vi xâm nhập rừng để khai thác lâm sản trái phép, bẫy bắt động vật hoang dã trái pháp luật làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học đều bị lực lượng phát hiện và xử lý nghiêm”, ông Tân nói.

Những năm gần đây, do biển đổi khí hậu nên mùa khô diễn ra gay gắt hơn. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm xác định phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB đã xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR sát với điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị. Vào các ngày nắng, lực lượng trực 24/24h để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu.

Các trạm kiểm lâm trực thuộc và các tổ kiểm lâm cơ động kiện toàn lực lượng, chủ động bố trí đầy đủ dụng cụ, phương tiện để kịp thời triển khai các phương án chữa cháy nhằm giảm thiểu những thiệt hại khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN - KB cũng cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương để nắm chặt tình hình diễn biến rừng.

“Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCCR bằng nhiều hình thức linh động, cuốn hút đến tận các thôn, bản, hộ gia đình. Tích cực vận động người dân thực hiện tốt phong trào “toàn dân tham gia bảo vệ rừng” cũng như công tác bảo vệ di sản”, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ thêm..

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên khi lực lượng kiểm lâm về cơ sở để phối hợp triển khai công tác PCCCR, đều nhận được sự ủng hộ, hợp tác rất tốt ở các địaa phương.

Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch (Bố Trạch) cho biết, xã có diện tích gần 4.000 ha rừng vùng đệm di sản.

“Xác định giá trị của rừng vùng di sản cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là mùa nắng nóng, chúng tôi đã cùng lực lượng kiểm lâm xây dựng các phương án bảo vệ, phòng cháy cụ thể”, ông Vĩnh nói.

Từ kế hoạch, xã Xuân Trạch đã thành lập 7 tổ bảo tồn và 7 tổ bảo vệ rừng thôn, bản. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền công tác bảo vệ, PCCCR đến từng người dân, thành viên của các tổ còn theo dõi,  giám sát cả việc người dân khi vào rừng trong mùa nắng nóng và nhắc nhở không được mang theo nguồn lửa, phòng tránh xảy ra những việc đáng tiếc.

“Nhờ những việc làm cụ thể, thiết thực nên trong năm 2020, dù có 2 điểm phát lửa nhưng đã được dập tắt kịp thời, không để lại hậu quả. Riêng năm 2021 không để xảy ra vụ cháy rừng nào”, ông Vĩnh cho biết thêm.

Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB cũng chỉ đạo 12 trạm và 2 tổ kiểm lâm cơ động, thường xuyên phối hợp với các nhóm bảo tồn thôn, bản để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng. Qua đó, ngăn chặn các hành vi xâm nhập rừng trái phép, mang theo nguồn lửa vào rừng. Chú trọng các khu vực rừng trọng điểm, có nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện, dập tắt các điểm lửa, quản lý chặt chẽ nguồn lửa trong mùa khô.

Do địa bàn rộng, nên các trạm kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB đều đóng quân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Thanh Xuân, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa cho hay: “Đơn vị chúng tôi quản lý trên 21.000 ha rừng mà chỉ có 14 người nên phải có gắng hết sức để làm tốt nhiệm vụ”.

Dù được Vườn QG PN - KB quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ, nhưng các trạm và các chốt kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng vẫn còn tạm bợ, thiếu nước, điện và thông tin liên lạc. Do đó, còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Dù khó khăn, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên của Hạt Kiểm lâm đã xác định nhiệm vụ, nỗ lực trong mọi tình huống, tuân thủ các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa nắng nóng.

“Ngoài ra, chúng tôi động viên người dân tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống”, ông Phạm Văn Tân cho biết. Về đầu trang

https://nongnghiep.vn/giu-rung-di-san-d311764.html

IV. Xã hội    

1. Trạm trộn bê tông nhựa tại xã Trường Xuân hiện không hoạt động

(Baoquangbinh.vn 27/12)

 Từ giữa tháng 11-2021 đến nay, trạm trộn bê tông nhựa dừng hoạt động hoàn toàn.

Từ giữa tháng 11-2021 đến nay, trạm trộn bê tông nhựa dừng hoạt động hoàn toàn.

Bạn đọc Báo Quảng Bình ở hai bản Khe Ngang và Khe Dây, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) vừa có phản ánh đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nhằm bảo vệ môi trường trong khu dân cư do hoạt động nấu nhựa đường của Công ty TNHH Thục Linh gây khói bụi và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, qua kiểm tra của Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) và xác minh hiện trường của phóng viên Báo Quảng Bình từ giữa tháng 11-2021 đến nay cho thấy, cơ sở này không hoạt động.

 

Cụ thể, cuối tháng 11-2021, Sở TN-MT phối hợp với Phòng TN-MT huyện Quảng Ninh và UBND xã Trường Xuân tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở bãi chế biến vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông nhựa tại xã Trường Xuân của Công ty TNHH Thục Linh.

Kết quả kiểm tra cho thấy: Cơ sở bãi chế biến vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông nhựa của Công ty TNHH Thục Linh đã được UBND huyện Quảng Ninh cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 66/GXN-UBND, ngày 1-9-2021, với công suất thiết kế trạm trộn bê tông là 80 tấn/ngày; khoảng cách từ trạm trộn bê tông nhựa đến khu dân cư gần nhất khoảng 700m. Trạm trộn bê tông nhựa được trang bị đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý khí thải phát sinh.

 

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không hoạt động (do không có đơn đặt hàng) và theo báo cáo của công ty do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trạm trộn bê tông nhựa vận hành không thường xuyên, thời gian mỗi lần vận hành trong khoảng từ 3-4 giờ đồng hồ.

 

Qua công tác kiểm tra, để bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động, Sở TN-MT đã yêu cầu Công ty TNHH Thục Linh nghiêm túc thực hiện các nội dung như: Trước khi có kế hoạch vận hành trạm trộn bê tông trở lại phải báo cáo với chính quyền địa phương để giám sát, quản lý; thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Quảng Ninh xác nhận và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường; trong quá trình vận hành nếu xảy ra sự cố phải dừng ngay hoạt động để khắc phục và kịp thời báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có liên quan.

 

Sở TN-MT cũng đề nghị UBND huyện Quảng Ninh và UBND xã Trường Xuân tiếp tục giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động tại cơ sở bãi chế biến vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông nhựa của Công ty TNHH Thục Linh và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/toa-soan-ban-doc/202112/quang-ninh-tram-tron-be-tong-nhua-tai-xa-truong-xuan-hien-khong-hoat-dong-2196643/

2. Quảng Bình bàn giao, đưa vào sử dụng 22 nhà đại đoàn kết cho bà con người Mã Liềng

(Nhandan.vn 25/12, Hương Giang; Baoxaydung.com.vn 25/12; Đại đoàn kết 25/12, tr5)

Chiều 24/12, tại xã vùng cao Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình phối hợp chính quyền địa phương tổ chức bàn giao, đưa vào sử dụng 22 nhà đại đoàn kết và công trình nước sạch cho bà con người Mã Liềng (dân tộc Chứt).

Cuối năm 2020, đợt mưa lũ lịch sử đã làm ảnh hưởng rất lớn đến bà con dân tộc thiểu số tại huyện Tuyên Hóa, đặc biệt là nhà ở của bà con bị hư hỏng nhiều. Do vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình quyết định trích từ Quỹ cứu trợ tỉnh gần 2 tỷ đồng cùng 110 tấn xi-măng được hỗ trợ của Nhà máy xi-măng Sông Gianh và số tiền 473 triệu đồng mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tuyên Hóa huy động được để xây dựng 22 ngôi nhà cho bà con Mã Liềng ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa và các bản Kè, Cáo, Chuối, xã Lâm Hóa.

Nhà được xây dựng kiên cố bằng bê-tông, cốt thép, mái lợp tôn chống nóng, phù hợp tập quán sinh hoạt của người dân và bảo đảm an toàn trong mùa bão lũ. Cùng nhà ở, 3 công trình nước sinh hoạt, trị giá 256 triệu đồng tại các bản này cũng được bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng.

Đánh giá cao sự phối hợp của các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức thi công, sớm bàn giao các công trình cho bà con đưa vào sử dụng, chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần 2022, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình  Phạm Thị Hân đề nghị, chính quyền các cấp cần quan tâm, giúp đỡ và chăm lo hơn nữa cho cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; đồng thời, mong muốn các đơn vị tài trợ tiếp tục đồng hành thực hiện các chương trình an sinh xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Về đầu trang

https://nhandan.vn/nhan-ai/quang-binh-ban-giao-dua-vao-su-dung-22-nha-dai-doan-ket-cho-ba-con-nguoi-ma-lieng-679851/

3. Trao quà cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19

(Baodansinh.vn 25/12, Nguyễn Ngọc Vượng)

Công đoàn ngành Công Thương Quảng Bình vừa tổ chức trao quà hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, ngày 24/12, Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Quảng Bình đã trao 125 suất quà cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 45,9 triệu đồng.

Trong đó, có 12 đoàn viên, người lao động thuộc trường hợp F1 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người và 113 đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng nữ lao động nuôi con nhỏ với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/người.

Đây là việc làm rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch COVD-19 ở các đơn vị trong ngành. Về đầu trang

https://baodansinh.vn/quang-binh-trao-qua-cho-doan-vien-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-dich-benh-covid-19-20211225145231.htm 

4. UNDP tiếp tục hỗ trợ nhà chống lũ giai đoạn 2 cho Quảng Bình

(Baodautu.vn 27/12, Ngọc Tân)

Nhà chống lũ được thiết kế 2 tầng kiên cố, diện tích tối thiểu 13m2, tầng 1 ngôi nhà sẽ dùng để sinh hoạt hằng ngày, tầng 2 để phòng tránh trú bão lũ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, trong giai đoạn 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức World Share sẽ tiếp tục hỗ trợ 73 căn nhà chống lũ tại các xã: Phú Thủy, Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy); Hiền Ninh, Hàm Ninh, Gia Ninh, Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư 248.500 USD (tương đương 5,6 tỷ đồng).

Trước đó, trong giai đoạn 1, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức World Share đã hỗ trợ 39 căn nhà chống lũ cho người dân các xã khu vực huyện Lệ Thuỷ - “rốn lũ” của trận lũ lịch sử diễn ra vào tháng 10/2020 tại tỉnh Quảng Bình.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, những năm qua, trước diễn biến bất thường của thiên tai, đặc biệt là trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã làm thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản cho người dân Quảng Bình, việc hỗ trợ các hộ dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn xây nhà kiên cố phòng, chống bão, lũ thích ứng với thiên tai trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Để chủ động tháo gỡ khó khăn giúp người nghèo có được căn nhà vượt lũ chống chọi với thiên tai khắc nghiệt trong khi nguồn lực đầu tư của địa phương có giới hạn. Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đã chủ động làm việc với các bên liên quan để tìm kiếm các nguồn tài trợ để hỗ trợ xây nhà vượt lũ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp người dân yên tâm “chung sống an toàn” trong mùa bão lũ.

Ông Hoàng Đức Thiện, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết:“ Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ người nghèo có được căn nhà vượt lũ, đồng thời góp phần giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do bão, lũ gây ra cho người dân hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực tìm kiếm các gói hổ trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài đặc biệt là cách tiếp cận các nguồn tài trợ để thực hiện hỗ trợ xây nhà mới cho các hộ nghèo phòng chống lũ lụt để bà con có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản gửi Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) về việc đề nghị hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2020 cho tỉnh Quảng Bình, trong đó viết 4 đề xuất dự án kêu gọi nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; ổn định cuộc sống và cải thiện sinh kế cho người dân. Ngay sau đó, UNDP đã thống nhất hỗ trợ khẩn cấp giai đoạn 1 cho tỉnh Quảng Bình 132.700 USD, tương đương 3,05 tỷ đồng để giúp người dân xây dựng nhà vượt lũ.

Theo đó, đối tượng ưu tiên hỗ trợ là người dân vùng nông thôn thường xuyên bị ngập lụt xây dựng nhà vượt lũ với số tiền hỗ trợ mỗi căn là 3.000 USD/hộ, được thiết kế 2 tầng kiên cố, diện tích tối thiểu 13m2, tầng 1 ngôi nhà sẽ dùng để sinh hoạt hằng ngày, tầng 2 để phòng tránh trú bão lũ và cất giữ các vật dụng thiết yếu.

Cũng theo ông Hoàng Đức Thiện, trong quá trình từ đàm phán với nhà tài trợ đến khởi công vận hành dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình luôn chủ động từ việc phối hợp với các ngành liên quan để từ khảo sát, thiết kế, chọn lựa các đơn vị có kinh nghiệm năng lực để đẩy nhanh tiến độ, xây dựng lộ trình chặt chẽ, nhằm đảm bảo đúng với cam kết của nhà tài trợ. Đến thời điểm này, với sự cố gắng và nỗ lực của cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia dự án, tất cả 39 căn nhà đã hoàn thiện đúng tiến độ cam kết với nhà tài trợ và bàn giao cho người dân.

“Hiện nay, Sở cũng đã chủ động, xúc tiến để tiếp tục đàm phán với nhà tài trợ. Đến nay, về cơ bản UNDP đã đồng ý hỗ trợ giai đoạn 2 dự án với số tiền khoảng 248.775 USD tương đương 5,6 tỷ đồng, nhằm xây mới thêm 73 căn nhà vượt lũ trên địa bàn ven biển 6 xã của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy trong thời gian tới”, ông Thiện nói.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết:“ Đây là kết quả hữu hình của cam kết không bỏ lại ai phía sau của chúng tôi. UNDP tin tưởng và cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt cho những người dân dễ bị tổn thương của tỉnh Quảng Bình”. Về đầu trang

https://baodautu.vn/undp-tiep-tuc-ho-tro-nha-chong-lu-giai-doan-2-cho-quang-binh-d158283.html

5. Bàn giao nhà chống lũ cho người dân Quảng Bình

(Baodautu.vn 27/12, Ngọc Tân)

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa bàn giao 39 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho các hộ dân tại huyện Lệ Thủy.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt lịch sử trong năm 2020, UNDP, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, Tổ chức World Share đã tiến hành xây mới 39 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho các gia đình nghèo có nhà bị thiệt hại nặng nề tại huyện Lệ Thuỷ. Trong đó, tại xã Hồng Thuỷ có 7 hộ dân được hỗ trợ xây nhà, xã Mỹ Thuỷ có 13 hộ dân, và xã Sơn Thuỷ có 19 hộ dân cũng được hỗ trợ.

Ông Hoàng Đức Thiện, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi được nhận bàn giao nhà chống lũ, địa phương và người dân được hỗ trợ rất vui mừng vì đã được hưởng lợi từ công trình nhà tránh lũ, nhất là đối với các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, hoặc đang ở trong những khu vực nguy cơ cao về thiên tai.

“Các công trình đã giúp người dân có nhà ở ổn định, an toàn; từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là chủ động phòng, chống thiên tai”, ông Thiện cho hay.

Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt là một trong những cách giảm thiểu thiệt hại cho người dân, đặc biệt cộng đồng ven biển.

“Chúng tôi rất vui khi tổ chức World Share chung tay cùng UNDP trong hoạt động hỗ trợ khẩn cấp này. Đây là kết quả hữu hình của cam kết không bỏ lại ai phía sau của chúng tôi. UNDP tin tưởng và cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt cho những người dân dễ bị tổn thương của tỉnh Quảng Bình”, ông Patrick Haverman nói.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, từ năm 2018 đến nay, với sự hỗ trợ của Quỹ Khí hậu xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam đã xây dựng hơn 800 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt tại các huyện: Ba Đồn, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng phòng chống thiên tai cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Về đầu trang

https://baodautu.vn/ban-giao-nha-chong-lu-cho-nguoi-dan-quang-binh-d158250.html

6. Người giáo dân nặng gánh hai vai

(Daidoanket.vn 27/12, Quảng Nghĩa; Đại đoàn kết 27/12, tr5)

Góp sức xây dựng quê hương, cùng với quyết tâm làm giàu từ biển, giáo dân Nguyễn Ngọc Cảnh ở phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) còn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động ở tổ dân phố trong hai vai Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống nghề biển, ông Cảnh luôn có suy nghĩ phải quyết tâm làm giàu từ việc bám biển đánh bắt thủy sản. Năm 2004, ông bàn với vợ mua sắm tàu chụp mực có công suất 420CV từ số tiền dành dụm được, cộng với vốn vay ngân hàng và bố mẹ cho mượn. Tàu hoạt động theo nghề câu, chụp truyền thống ở khu vực vịnh Bắc Bộ bước đầu đã mang lại hiệu quả. Bình quân mỗi năm, tàu cá của ông có thu nhập đạt 850-900 triệu đồng, mỗi lao động tầm 4 triệu đồng/tháng.

Ông Cảnh cho hay, nghề đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ là nghề truyền thống của gia đình. Để giữ nghề, phát huy hiệu quả sản xuất, ông đã học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi và rút ra bài học là phải chuyển đổi nghề mới để khai thác hiệu quả hơn, cụ thể là nghề vây rút chì ánh sáng.

Nói được làm được, năm 2010, gia đình ông quyết định đóng thêm 1 tàu mới có công suất 430CV, trang bị đầy đủ các thiết bị, ngư lưới cụ, như: máy liên lạc tầm xa, máy định vị, máy dò cá… Từ ngày có 2 tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản của gia đình ông Cảnh hiệu quả hơn.

Nhận thấy trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, gia đình ông Cảnh đã đăng ký tham gia khai thác vùng biển Hoàng Sa kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Năm 2016, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Với tinh thần bám biển vươn khơi, gia đình ông đã đóng thêm 1 tàu gỗ công suất 829CV, có tổng vốn đầu tư gần 17 tỷ đồng. Với việc mạnh dạn đầu tư đóng 3 tàu lớn để vươn khơi, cùng sự linh hoạt ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mô hình đánh bắt thủy sản xa bờ của gia đình ông Cảnh đã mang lại hiệu quả, năng suất cao, với tổng doanh thu khoảng 9,7 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn hơn 4 tỷ đồng.

Mô hình đánh bắt xa bờ của ông Cảnh cũng góp phần tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, mỗi năm, gia đình ông còn giúp đỡ cho 15 lượt hộ khó khăn, hộ nghèo về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên giảm nghèo. Ngoài ra, hàng năm, gia đình còn đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho tổ dân phố nơi mình sinh sống.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Cảnh còn tích cực tham gia các hoạt động ở tổ dân phố. Trải qua thời gian, ông được người dân tin tưởng, tín nhiệm giới thiệu bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc.

Ông cho biết: “Tân Mỹ là địa bàn Công giáo toàn tòng với 425 hộ nhưng đã có hơn 100 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ. Thời gian qua, ngư dân chúng tôi đã được Nhà nước quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính nhờ sự quan tâm đó mà ngư dân thêm yêu nghề, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế có hiệu quả cho thu nhập cao và giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.

Đặc biệt, với đặc thù là địa phương miền biển, ở gần cửa sông Gianh nên trước đây công tác vệ sinh môi trường luôn là vấn đề mà người dân Tân Mỹ quan tâm. Từ công tác tuyên truyền, vận động mỗi người nâng cao ý thức, chung tay giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp. Vì vậy, tổ dân phố Tân Mỹ đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình chọn làm mô hình điểm để xây dựng mô hình “Khu dân cư bảo vệ tài nguyên, môi trường biển”.

Với những nỗ lực, cống hiến của bản thân trong lao động, sản xuất, giáo dân Nguyễn Ngọc Cảnh đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành. Đặc biệt, năm 2018, ông Cảnh đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Về đầu trang

http://daidoanket.vn/nguoi-giao-dan-nang-ganh-hai-vai-5676398.html

7. Bàn giao 27 nhà đại đoàn kết và 3 công trình nước sạch cho người dân miền núi

(Baoxaydung.com.vn 25/12, Nhất Linh)

quang binh ban giao 27 nha dai doan ket va 3 cong trinh nuoc sach cho nguoi dan mien nui

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết, và trao quà hỗ trợ các hộ đồng bào.

Ngày 24/12, Ủy ban Măt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ khánh thành, bàn giao 27 nhà đại đoàn kết và 3 công trình nước sạch cho cho đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn bản K-Ai, xã Dân Hóa (huyện Minh Hoá) và 02 xã Thanh Hoá, Lâm Hóa (huyện Tuyên Hoá).

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã trích hơn 3,1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh để xây dựng 27 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị thiệt hại nhà ở do thiên tai gây ra và 3 công trình nước sạch tại các xã Dân Hóa, Thanh Hoá và Lâm Hoá. Theo đó, mỗi nhà Đại đoàn kết được hỗ trợ 100 triệu đồng, 3 công trình nước sạch trị giá 309 triệu đồng.

Sau gần 4 tháng thi công, đến nay 27 nhà ở đã hoàn thành theo đúng thiết kế kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, được bà con phấn khởi đón nhận. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Cứu trợ tỉnh, mỗi gia đình đã bỏ thêm vốn để xây dựng nhà ở thêm khang trang, vững chắc.

Công trình nước sạch tại các xã được thi công bảo đảm chất lượng, phù hợp với địa hình, hiệu quả sử dụng lâu dài, chống chịu được những biến đổi bất thường của thời tiết. Công trình đã góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận những đóng góp của Tập đoàn Novaland, Ngân hàng Vietcombank Quảng Bình đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng 27 nhà ở và 03 công trình cấp nước trên địa bàn các xã nêu trên.

Đồng thời, đề nghị cộng đồng bản, các hộ được bàn giao nhà luôn quan tâm giữ gìn để công trình nước, ngôi nhà luôn luôn sạch đẹp, thực sự là tổ ấm, là động lực để tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng làng bản mình ngày càng phát triển, tiến tới xây dựng bản nông thôn mới. Dịp này, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình, huyện Tuyên Hoá và các nhà tài trợ cũng đã trao quà cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Về đầu trang

https://baoxaydung.com.vn/quang-binh-ban-giao-27-nha-dai-doan-ket-va-3-cong-trinh-nuoc-sach-cho-nguoi-dan-mien-nui-322935.html

8. Hội Người mù Quảng Bình hỗ trợ giải quyết việc làm cho 38 hội viên

(Baodansinh.vn 24/12, Nguyễn Ngọc Vượng)

Năm 2021, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Người mù tỉnh Quảng Bình vay vốn ưu đãi tạo việc làm phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống

Theo đó, để người mù có việc làm tại nhà phát triển kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, trong năm 2021, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (QQGGQVL) đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Người mù tỉnh Quảng Bình quản lý tốt gần 2 tỷ đồng vốn vay. Cụ thể: Trong năm, hội đã lập 11 dự án cho 38 hội viên là người mù vay vốn QQGGQVL với số tiền 719 triệu đồng.

Nhờ có nguồn vốn chính sách trên, các hội viên đã kết hợp cùng gia đình, đầu tư mở cơ sở dịch vụ tẩm quất, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ… để có thu nhập tự nuôi sống bản thân.

Hội Người mù tỉnh Quảng Bình đã tổ chức sản xuất và tiêu thụ 315.000 gói tăm tre, tạo việc làm, giúp hội viên có thu nhập đồng thời tạo thêm nguồn quỹ hoạt động cho các chi hội.

Tại các cơ sở xoa bóp tẩm quất do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách giảm, dẫn đến doanh thu giảm nhưng hội vẫn cố gắng duy trì mức thu nhập bình quân từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Với những nỗ lực trong năm 2021, Hội Người mù tỉnh Quảng Bình đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo người mù xuống còn 21,8%. Về đầu trang

https://baodansinh.vn/hoi-nguoi-mu-quang-binh-ho-tro-giai-quyet-viec-lam-cho-38-hoi-vien-20211224090840.htm

9. Quảng Bình trao tặng 200 suất đồ ấm cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn

(Baodansinh.vn 26/12, Nguyễn Ngọc Vượng)

Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình vừa phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tổ chức lễ trao tặng đồ ấm cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, trong đợt trao tặng lần này, đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ tỉnh Quảng Bình đã thăm hỏi và trao 200 suất đồ ấm cho các em, mỗi suất gồm: 1 chăn mùa đông, 1 áo ấm, 1 mũ len cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi xã Thượng Hoá (Minh Hoá), xã Lâm Hoá và Thanh Hoá (Tuyên Hoá).

Chương trình này được thực hiện với tổng giá trị trên 100 triệu đồng. Những món quà sẽ tiếp sức cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên vượt qua giá rét để tiếp tục đến trường học tập. Về đầu trang

https://baodansinh.vn/quang-binh-trao-tang-200-suat-do-am-cho-tre-em-cac-xa-dac-biet-kho-khan-20211226150815.htm

10. Bài 3: Sẻ chia từ vùng thiên tai khắc nghiệt

(Cand.com.vn 27/12, Dương Sông Lam)

Tự bao đời, dải đất miền Trung trở thành “rốn” hứng chịu thiên tai bão lũ. Cùng với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và người dân các địa phương, các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân và nhiều nghệ sỹ trong cả nước đã về vùng lũ để giúp đỡ người dân. Sự chia sẻ đối với người dân vùng tâm lũ rất đáng được ghi nhận song trong và sau lũ rất nhiều vấn đề nảy sinh từ việc sẻ chia từ thiện làm không ít người dân cảm thấy chạnh lòng, lo ngại.

Tháng 10/2020, miền Trung chìm trong lũ dữ, cơn đại hồng thủy đã làm nhiều làng mạc ngập trong nước lũ. Vào đêm nước lũ tràn về, nhiều người dân phải leo lên nóc nhà, bám vào các cành cây kêu cứu. Chính quyền các địa phương và lực lượng Công an, Quân đội hầu như trắng đêm cứu dân chạy lũ. Rất nhiều cán bộ, chiến sỹ hàng tuần liền không về nhà vì nhiệm vụ cứu dân, giúp dân. Và khi các anh trở về thì tài sản của gia đình đều đã bị nước lũ nhấn chìm hoặc cuốn đi. Như bao nhiêu lần lũ tràn về trước đó, mỗi người lại gắng gượng vượt qua để ổn định cuộc sống.

Mấy năm trở lại đây, sau mỗi lần lũ rút, người dân miền Trung lại được các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm và nghệ sỹ về thăm hỏi, động viên, chia sẻ. Còn gì quý hơn “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhiều năm ở miền Trung, chúng tôi nhận thấy, khi về sẻ chia cho đồng bào vùng thiên tai, bão lũ, các cơ quan, đơn vị thường thông qua chính quyền địa phương, phối hợp với chính quyền địa phương để lựa chọn địa điểm cần trao quà, hoặc chính quyền địa phương lên danh sách người dân cần hỗ trợ để nhà tài trợ trao.

Nhưng đối với nhiều cá nhân hay nghệ sỹ khi về trao quà lại ít khi thông qua chính quyền địa phương. Các địa điểm họ chọn đến để trao thường lấy theo thông tin trên báo chí hoặc mạng xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị về sẻ chia với đồng bào thường phải lấy chứng nhận của chính quyền địa phương để khi về còn báo cáo lại cơ quan, đơn vị. Còn các nghệ sỹ số tiền họ trao thường huy động qua mạng xã hội từ các tổ chức, cá nhân nên hầu như họ tự quyền quyết định trong việc trao cho ai, trao chỗ nào… tùy hứng.

Sau cơn lũ lịch sử tháng 10/2020, ca sỹ Thủy Tiên huy động được hàng trăm tỷ đồng để về chia sẻ, hỗ trợ người dân 7 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ. Chuyến đi đầu tiên của ca sỹ Thủy Tiên về miền Trung đã làm nóng mạng xã hội và một số báo chí lúc bấy giờ, đặc biệt khi Thủy Tiên trao 200 triệu đồng cho ông Trần Văn Báu, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh để gia đình ông trả nợ ngân hàng, do hồ ông nuôi cá, và trang trại ông nuôi gà, nuôi vịt bị nước lũ cuốn trôi.

Bên cạnh việc hỗ trợ gia đình ông Báu, ca sỹ Thủy Tiên trao cho 160 hộ gia đình trong xã Tân Lâm Hương, mỗi hộ 10 triệu đồng. Và sau đó, rất nhiều làng quê ở miền Trung, người dân đã háo hức chờ đợi chỉ mong ca sỹ Thủy Tiên về làng mình, xã mình. Số tiền hàng chục triệu đồng hỗ trợ đối với mỗi hộ dân khi lũ quét qua là sự mơ ước đối với người dân vùng lũ.

Hình ảnh vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên cười rất tươi chụp bên một chồng tiền rất cao đang rút ở ngân hàng để đi trao hỗ trợ trở thành niềm hy vọng đối với biết bao người dân nghèo vùng lũ, mong cô ấy đến thăm. Và Thủy Tiên đã đến. Rất nhiều vùng quê người dân nhận được tiền từ đoàn hỗ trợ từ thiện của ca sỹ Thủy Tiên. Thủy Tiên đến nhiều nơi và mỗi nơi cô đến trao hỗ trợ cho người dân cũng không giống nhau. Có nơi cô trao 10 triệu cho mỗi hộ gia đình, có nơi 5 triệu, nơi 3 triệu, 1 triệu và thậm chí có nơi cô đến nhưng rồi bỏ đi không trao vì cô thấy không hài lòng khi thấy có người đeo lắc vàng trên tay nhưng vẫn đến nhận từ thiện…

Sau khi lũ tràn qua, nhiều người dân vùng lũ thực sự rơi vào hoàn cảnh khó khăn, vì vậy mỗi khi có tổ chức, cá nhân hay nghệ sỹ về trao hỗ trợ, từ thiện, người dân địa phương đều rất vui vẻ, trông chờ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vì vậy các đoàn đến hỗ trợ giúp đỡ nhân dân sau lũ đã thực sự sưởi ấm cho bà con sớm vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Ngày 30/10/2020, đoàn ca sĩ Thủy Tiên có 6 người đến địa bàn xã Liên Thủy để trao tiềnhỗ trợ cho người dân địa phương bị thiệt hại sau trận lũ lịch sử.

Theo báo cáo của UBND xã Liên Thủy thì có chính xác 2.541 hộ dân ở địa phương này được nhận hỗ trợ từ ca sĩ Thủy Tiên. Đoàn ca sĩ Thủy Tiên thông báo cho UBND xã Liên Thủy biết đã hỗ trợ cho 2.541 người dân có trong danh sách, mỗi hộ nhận được 3 triệu đồng, trao tiền theo phiếu và không ký nhận tiền. Với số tiền đó, nhiều người dân địa phương đã mua cây, con giống để trồng, chăm sóc lại sau lũ, hay mua sách vở cho con quay lại trường…

Từ bao đời nay, người dân ở quê vùng lũ thường nói với nhau “của cho không bằng cách cho”, nhất lại là trong và sau mỗi đợt lũ bão. “Bội thực” sau khi lũ rút là câu nhiều người hay nói về vùng tâm lũ. Lụt lút cả làng, khi lũ đến rất nhiều vùng quê trên một địa bàn đều bị ngập nước, song có nơi ngập sâu hơn, hoặc có nơi được báo chí, mạng xã hội quan tâm hơn, viết và đưa hình ảnh lên nhiều hơn và các tổ chức, cá nhân, lại thường theo thông tin đó để tìm đến hỗ trợ, làm từ thiện. Vì vậy, mới xảy ra hiện tượng “bội thực” sau lũ.

Đó là có những làng quê, mỗi ngày người dân đón hàng chục đoàn đến để trao từ thiện. Nhiều gia đình cắt cử phân công nhau đến UBND xã ngồi chờ và nhận hàng từ thiện suốt hàng chục ngày liên tiếp sau lũ. Có những hộ gia đình sau lũ nhận được hơn 100 thùng mỳ tôm, hàng trăm ki-lô-gam gạo… Để lâu sợ mỳ tôm quá hạn nên sau lũ rút, có nơi người ta lại thấy những chiếc xe tải về các làng quê vùng lũ để mua lại mỳ tôm giá rẻ chở đi phân phối các nơi khác.

Trở lại câu chuyện đoàn ca sỹ Thủy Tiên về miền Trung trao hỗ trợ từ thiện. Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 nhấn chìm nhiều vùng quê ở Quảng Bình và 2 huyện bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh. Ngay sau khi có thông tin, đoàn ca sỹ Thủy Tiên về trao từ thiện, hỗ trợ cho 7 xã của huyện Lệ Thủy gồm: xã Sơn Thủy, Liên Thủy, Hồng Thủy, An Thủy, Lộc Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, mỗi hộ được 3 triệu, 5 triệu đồng…

Rất nhiều người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh bên cạnh đều trông ngóng đoàn của ca sỹ này đến địa phương hỗ trợ. Vì Quảng Ninh lũ cũng gây thiệt hại nặng nề không khác gì huyện Lệ Thủy. Lãnh đạo địa phương huyện Quảng Ninh phần thì cũng muốn cho người dân trên địa bàn được hỗ trợ, phần cũng không muốn để người dân đặt câu hỏi “Vì sao đoàn ca sỹ Thủy Tiên về huyện Lệ Thủy mà không về huyện Quảng Ninh”? Vì vậy, qua nhiều kênh thông tin, lãnh đạo huyện Quảng Ninh tìm cách kết nối với đoàn ca sỹ Thủy Tiên để mong cô ấy về hỗ trợ cho mấy làng bị ngập sâu sau lũ. Nhưng đoàn ca sỹ Thủy Tiên đã “nói không” và bỏ qua vùng lũ Quảng Ninh mà lại đến địa phương lũ gây thiệt hại ít hơn.

Chị Lê Thị Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quảng Ninh (nguyên Chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện Quảng Ninh) Quảng Bình trao đổi với chúng tôi: “Đợt lũ tháng 10/2020, huyện Quảng Ninh có 4 xã gồm Duy Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh và Tân Ninh bị ngập sâu và xã biên giới Trường Sơn bị lũ ống, lũ quét. Khi biết đoàn ca sỹ Thủy Tiên về Quảng Bình, lãnh đạo huyện đã tìm mọi cách kết nối với hy vọng đoàn về hỗ trợ bà con, nhưng đoàn trả lời là không về. Chúng tôi lúc đó cũng buồn vì thấy bà con vùng lũ sát cạnh được hỗ trợ còn bà con trên địa bàn mình lại không… Nhưng giờ lùm xùm việc hỗ trợ từ thiện thấy báo chí đăng tải thì có người lại nói với tôi, đoàn ca sỹ Thủy Tiên không về có khi lại may. Vì nếu đoàn cứ thích phát tiền đâu thì phát, cho ai bao nhiêu thì cho, có khi làng được làng không, bà con lại quay sang trách chính quyền, mà chính quyền địa phương thì lúc đó không thể can thiệp được vào việc hỗ trợ của đoàn…”.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết, đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện vẫn chưa thể thực hiện việc rà soát, thống kê hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên theo như yêu cầu của Bộ Công an. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, chất liệu điện tử liên quan đến hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên trên địa bàn huyện năm 2020. Nguyên nhân là khi ca sĩ Thuỷ Tiên về cứu trợ người dân trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã chủ động đi thẳng đến các địa phương; không thông qua huyện. Khi đến các xã, ca sĩ Thủy Tiên cũng chủ động hỗ trợ cho người dân, số tiền tùy tâm, tùy đối tượng, không cố định mức cụ thể nên việc thống kê gặp rất nhiều khó khăn, không thể thực hiện được.

Theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, trong năm 2020, không chỉ đoàn ca sỹ Thủy Tiên mà rất nhiều đoàn khác cũng đến trực tiếp các địa phương tự ý hỗ trợ, không thông qua chính quyền địa phương hay các tổ chức, đoàn thể nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, không có sự phân bổ hợp lý. “Hoạt động hỗ trợ, từ thiện cho người dân vùng bão lũ là rất đáng trân quý nhưng cách làm phải minh bạch, bài bản, thông qua các cơ quan cụ thể để tránh sự việc đáng tiếc” – bà Hân băn khoăn. Về đầu trang

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/bai-3-se-chia-tu-vung-thien-tai-khac-nghiet-i639406/

11. Cuộc sống mới của người Arem

(Qdnd.vn 26/12, Lê Nguyễn; Quân đội nhân dân 26/12, tr6)

Đã 65 năm kể từ khi người Arem (một nhánh dân tộc Chứt) rời hang đá, về lập làng định cư ở bản Quyết Thắng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), cuộc sống đồng bào đã thay đổi hoàn toàn.

Những hủ tục lạc hậu chỉ còn phảng phất trong suy nghĩ của người già; không còn hộ thiếu đói, hộ nghèo giảm, đời sống của bà con trong làng được nâng lên. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, bà con Arem luôn ghi nhớ công ơn, sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Giữa bốn bề màu xanh ngút ngàn của núi rừng Phong Nha-Kẻ Bàng, ngôi làng nhỏ của người Arem hiện ra với những ngôi nhà sàn, nối liền nhau chạy theo trục đường bê tông rộng rãi, khang trang.

Già làng Đinh Rầu, năm nay ngoài 70 tuổi, nguyên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Trạch, là người đã chứng kiến những bước đổi thay của người Arem kể lại: “Năm 1956, đồng bào người Arem được tìm thấy trong rừng sâu khi dân số chỉ có chưa đến 18 người. Khi đó bà con ở trong hang đá, cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Được chính quyền vận động, bà con đã rời rừng sâu về lập làng ở xã Tân Trạch; tiếp cận cuộc sống mới, bà con được cán bộ dạy cách chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó đến nay, dân số người Arem đã phát triển hơn 100 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu. Chính quyền cũng đã tổ chức giao 245ha đất, trong đó có 186ha đất trồng lúa cho bà con sản xuất”.

Ðến với người Arem ở xã Tân Trạch hôm nay, không còn bóng dáng của đời sống tự cung, tự cấp, hàng quán đã được dựng lên, cùng với đó là tiếng cười vui của các học trò người Arem đến lớp. Theo ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, đời sống của đồng bào Arem trong những năm gần đây đã có nhiều đổi thay.

Đặc biệt, đồng bào tiếp cận phát triển được các mô hình kinh tế, đồng thời áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Đáng kể nhất là đàn bò và dê trong làng tăng trưởng ổn định, đến nay đã phát triển được hơn 130 con bò; đàn dê tăng lên gần 100 con. Huyện Bố Trạch cũng đã có chủ trương hỗ trợ đồng bào mở thêm mô hình nuôi dê sinh sản.

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể và từ nguồn lực kết nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng hàng chục ngôi nhà đại đoàn kết cho đồng bào. Được sống trong những ngôi nhà vững chãi, đồng bào Arem an cư lạc nghiệp, yên tâm, phấn khởi xây dựng đời sống mới.

Chia tay đồng bào Arem, chúng tôi nhớ mãi giọng nói tiếng Kinh lơ lớ của già làng Đinh Rầu. Ông bảo, người Arem rất biết ơn Đảng và Nhà nước, biết ơn cán bộ đã đưa bà con ra khỏi cuộc sống nghèo khổ, tăm tối đến với cuộc sống ấm no như bây giờ. Về đầu trang

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/cuoc-song-moi-cua-nguoi-arem-681549

12. Bỏ phố lên núi giúp đồng bào thoát nghèo

(Sggp.org.vn 27/12, Minh Phong)

Bỏ phố lên núi giúp đồng bào thoát nghèo ảnh 1

Anh Hồng (thứ hai bên trái qua) cùng người dân bản địa bàn về vấn đề bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả

Gác lại phố thị náo nhiệt, chàng trai quê Hà Tĩnh lên miền núi Quảng Bình giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững. Đó là anh Ngô Văn Hồng với hơn 20 năm coi miền núi Tuyên Hóa là quê hương thứ hai và kết nghĩa anh em cùng người Mã Liềng vùng biên giới.

Anh Ngô Văn Hồng (44 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Thời thanh niên, chàng trai vùng sơn cước ấp ủ giấc mơ học lâm nghiệp tại Hà Nội. Ra trường với tấm bằng hạng ưu, được giữ lại làm giảng viên, nhưng nghe lời thầy giáo là nơi nào đồng bào nghèo khó nhất hãy đưa tri thức đến. Vậy là anh tìm đến vùng quê miền núi để giúp dân thoát nghèo.

Năm 2000, anh Hồng vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRT) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Quảng Bình (đóng tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa). Anh được phân công lên bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nghiên cứu tri thức đồng bào. Vừa đặt chân vào bản Cu Tồn, một gia đình người Ma Coong có đứa con 5 tuổi ốm sốt, nhưng trạm y tế lại ở xa, phải đi cả ngày đường mới tới. Bất đắc dĩ, anh Hồng phải chữa bệnh cho bé với lọ dầu nóng. May thay, đêm ấy cháu bé bớt đau, sốt. Và đêm ấy cũng là đêm dài trăn trở của anh Hồng về cuộc sống đồng bào Ma Coong với bao khó khăn, thiếu thốn.

Từ đó, anh Hồng nguyện nghiên cứu những tính chất bản địa để có phương pháp tốt nhất giúp bà con Ma Coong. Miệt mài băng rừng, trèo đèo, đến từng hộ dân tìm hiểu trong suốt 3 năm, anh Hồng đề xuất những dự án với mô hình vườn hộ, canh tác bền vững, hỗ trợ giống rau theo mùa, đồng thời kêu gọi xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, tổ chức hàng chục cuộc tham quan đồng bào miền núi phía Bắc.

Ông Đinh Hợp, người làm ăn giỏi ở Ma Coong, tâm sự: “Cán bộ Hồng lên nhường cá khô, gạo cho bà con, nghĩ ra các dự án, chỉ việc cho từng bản, rồi nhân rộng mô hình qua bản khác. Kinh tế mình bây giờ khá giả nhất vùng có một phần công sức của cán bộ Hồng. Bọn trẻ con có nhiều dinh dưỡng hơn nên ít bị bệnh, bị chết như hồi xưa”.

Từ thành công ở Cu Tồn, năm 2003, CIRT đưa anh Hồng về, giao trọng trách lớn hơn: sống với đồng bào Mã Liềng ở bản Kè (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa) nhằm tìm lối ra cho bà con nơi đây. “Hồi mới lên, đường sá khó khăn, bùn đất là chính, rất vất vả. Lúc đó, người uy tín nhất bản là già Hồ Thân qua đời nên trong bản không còn ai dẫn dắt, phân minh. Không ai nghe ai, ruộng vườn bỏ hoang, nam nữ lao vào uống rượu, cãi lộn, đói nghèo bủa vây”, anh Hồng nhớ lại.

Lại nhiều đêm mất ngủ tìm hiểu phong tục người Mã Liềng, chia từng hạt gạo với bà con dân bản, anh Hồng xác định, cần đề xuất thành lập hội đồng già làng ở bản Kè. Thuyết phục mãi, các dòng họ trong bản mới đồng ý lập Hội đồng già làng, tục lệ được gia phong lại. Anh Hồng kể: “Chạy ngược chạy xuôi cầu cạnh, vận động được hơn 5 tỷ đồng dựng mái nhà sàn lợp ngói. Để bà con xây được nhà sàn, làm các công việc dân sinh, mình phải đưa ra từng công việc trước Hội đồng già làng để bàn bạc thống nhất. Chẳng hạn, để làm nhà sàn, phải phân công cụ thể: những người làm mộc vào tổ lấy gỗ theo quy định của kiểm lâm, người có trâu thì đi kéo gỗ, phụ nữ và trẻ em vào tổ trồng cây ngắn ngày, đi lấy sản vật ngoài gỗ về bán, nấu cơm cho tổ thợ làm nhà. Mỗi người một việc”.

Nhờ có Hội đồng già làng, có nhà sàn, tình trạng uống rượu bừa bãi giảm dần, chỉ còn uống rượu trong các ngày lễ, cưới hỏi, đám ma, vào nhà mới; các tập tục văn hóa dần được sinh hoạt trở lại.

Trưởng bản Kè Cao Thị Vân chia sẻ: “Hồi em còn nhỏ, thấy các già làng rất kính trọng cán bộ Hồng nên trong lòng cũng quý mến lắm. Lớn lên, làm trưởng bản, hiểu rõ những việc cán bộ Hồng làm cho đồng bào Mã Liềng, giúp đồng bào dựng nhà sàn, giúp kiếm kế sinh nhai từ rừng cộng đồng, giúp bà con biết niềm tự hào của phong tục tập quán Mã Liềng, nên càng yêu quý cán bộ hơn. Bà con Mã Liềng không biết làm lúa, cán bộ Hồng tham mưu lãnh đạo huyện thuê nông dân các xã vùng dưới lên cầm tay chỉ việc. Thế là đồng bào thành thạo ruộng lúa”.

Sau hơn 20 năm, anh Ngô Văn Hồng giờ đây trở thành một chuyên gia trụ cột của Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển. Anh Hồng kể: “Bây giờ nghiên cứu bản địa không chỉ đưa lại thực tế một vài bản làng xa xôi thoát nghèo, mà còn nâng tầm lên thành chính sách công trong phát triển của nhiều xã, huyện hoặc nhiều tỉnh, thậm chí những đóng góp từ thực tế điền dã đã được Ủy ban Dân tộc Quốc hội ghi nhận để thành chính sách chung”.

Năm 2015, anh Hồng cùng các cộng sự của mình thành lập Công ty Sinh thái Miền Tây Quảng Bình. “Đây là công ty phi lợi nhuận, được lập ra nhằm xây dựng thương hiệu mật ong Tuyên Hóa, phát triển măng khô của bà con Mã Liềng thành sản phẩm đạt chuẩn chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), được đưa vào các siêu thị lớn. Hiện sản phẩm tiêu thụ rất tốt. Lợi nhuận được chuyển về tay bà con và làm thương hiệu, nên ngày nay đời sống hầu hết người Mã Liềng ở bản Kè được cải thiện”, anh Hồng cho biết.

Nói về mô hình này, trưởng bản Cao Thị Vân đánh giá: “Người Mã Liềng làm được sản phẩm OCOP là nhờ cán bộ Hồng và anh em cán bộ. Cấp ủy chính quyền xây dựng điện, đường, trường, trạm cho bản khang trang thì cán bộ Hồng và CIRT cho bà con điểm tựa đúng hướng phát triển. Mai này du lịch sẽ được đưa vào bản làng, bà con còn phát triển tốt hơn”.

Anh Ngô Văn Hồng và các cán bộ ở CIRT không chỉ giúp từng công việc cụ thể cho đồng bào mà còn đóng góp những ý tưởng, mô hình rất tốt để các cơ quan chức năng có các đề đạt chính sách, chương trình sát sườn với đồng bào dân tộc trên khắp ba miền. Về đầu trang

https://www.sggp.org.vn/bo-pho-len-nui-giup-dong-bao-thoat-ngheo-784736.html

13. 30 năm làm trưởng bản Bru - Vân Kiều, bao lần xin nghỉ việc, dân làng dứt khoát không cho, vì sao vậy?

(Danviet.vn 27/12, Trần Anh)

Ông Hồ Hơn làm trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hơn 30 năm qua, ông đã hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường, xây trường học, đưa con chữ về làng đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều...

Cuối tháng 12, PV Dân Việt tìm về bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Người dân ở đây đa phần là dân tộc Bru-Vân Kiều, gặp trên con đường làng, họ niềm nở chào và dành lời tốt đẹp giới thiệu về trưởng bản.

Anh Hồ Minh, người dân bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) nói: "Ở bản Lâm Ninh có ông Hồ Hơn làm trưởng bản hơn 30 năm nay, ông dẫn dắt bà con trong bản phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, ông có công lớn trong việc đưa con chữ về với con em của bản".

Qua tìm hiểu trước cùng sự giới thiệu của bà con bản Lâm Ninh, PV Dân Việt tìm đến nhà ông Hồ Hơn – Trưởng bản Lâm Ninh.

Trò chuyện với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Hồ Hơn cho biết: "Tôi làm trưởng bản Lâm Ninh từ năm 1991, đến nay cũng hơn 30 năm. Tuổi trẻ của tôi là những ngày tháng chiến đấu, cống hiến cho cách mạng. Sau khoảng thời gian dài làm nhiệm vụ giao liên ở binh trạm 17, tôi được giao nhiệm vụ làm A trưởng du kích rồi được điều động theo đơn vị, làm nhiệm vụ khu vực Bắc - Nam cầu Quán Hàu, trực tiếp cầm súng bảo vệ "tọa độ lửa"".

Theo ông Hồ Hơn, năm 1984, khi xã Trường Xuân được thành lập, ông cùng bố về tại bản sinh sống theo sự vận động của cán bộ huyện Quảng Ninh. Thời điểm bấy giờ, bản Lâm Ninh mới chỉ có 7 hộ dân sinh sống.

"Lúc tôi về đây chỉ có 7 hộ, ở đây đất đai tốt, vừa có đất ruộng vừa có đất màu nên làm ăn được. Sau đó, tôi chịu khó khai hoang, động viên bà con tăng gia sản xuất, chăn nuôi để ổn định cuộc sống. Dần dần, cuộc sống của người dân trở nên khấm khá, đến hiện tại bản Lâm Ninh đã có 54 hộ dân với 189 nhân khẩu", ông Hơn nói.

Ông Hồ Hơn cũng cho hay: "Làm cán bộ phải thương dân, dân sẽ thương lại mình, nếu mà giả dối, lừa bà con thì họ ghét, họ không thương. Tôi làm trưởng bản hơn 30 năm qua, lấy điều đó để gần dân, vừa rồi tôi đau ốm lên viện, bà con cầm hoa quả trong vườn tới tận giường thăm hỏi, tôi cảm kích lắm. Tôi có lần đề nghị nghỉ làm trưởng bản vì tuổi già, sức yếu nhưng bà con không cho, họ bảo khi nào chống gậy, không còn sức để làm nữa mới nghỉ".

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Hồ Hơn cho biết: "Tôi đã có 4 lần hiến đất với tổng diện tích ước tính hơn 2.500 m2 để làm các công trình trên địa bàn như: Đường tránh lũ, đường nội đồng và mới đây là hiến 1.500 m2 đất để xây điểm trường cho bậc mầm non và tiểu học".

Theo ông Hồ Hơn, bản Lâm Ninh có 61 em ở bậc học mầm non, tiểu học. Từ trước đến nay, việc học của con em trong bản duy trì tại điểm trường cũ, khu vực ven sông Long Đại nên thường xuyên bị ngập lụt.

Trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, điểm trường bản Lâm Ninh ngập sâu 1,5 m, hư hỏng nhiều đồ dùng dạy học. Việc học của con em trong bản trở nên khó khăn.

Để bảo đảm nhu cầu học tập của con em, phương án xây dựng điểm trường mới ở Lâm Ninh được chính quyền địa phương tính đến. Tuy nhiên, để tìm địa điểm xây trường vừa thuận lợi cho việc học của con em trong bản, vừa cao ráo, không bị ngập mỗi mùa mưa lũ đến lại là vấn đề rất khó khăn.

Nắm bắt được thông tin đó, ông Hồ Hơn đã hiến toàn bộ 1.500 m2 đất ở vị trí cao ráo và trung tâm bản để xây trường học cho con em dân bản. Sau đó, với nguồn vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng, công trình điểm trường Lâm Ninh đã được khởi công trong niềm vui, phấn khởi của bà con.

"Tôi nghĩ về tương lai của con em sau này, vì cái chữ Bác Hồ là quan trọng hàng đầu, học chữ Bác Hồ, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ở đây con em rất khó khăn, ai cũng như ai nhưng lại không biết chữ nên tôi hiến đất cho cán bộ xây trường, để thầy cô đến dạy cho các em" - ông Hồ Hơn cho hay.

Ngoài những đóng góp to lớn cho người dân bản, ông Hồ Hơn còn góp công lớn trong việc chuyển tải các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân tại đây, hướng người dân tuy sống ở nơi rừng núi xa xôi nhưng luôn luôn tuân thủ luật pháp. Về đầu trang

https://danviet.vn/quang-binh-30-nam-lam-truong-ban-bru-van-kieu-bao-lan-xin-nghi-viec-dan-lang-dut-khoat-khong-cho-vi-sao-vay-20211225155615992.htm

14. Đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Bienphong.com.vn 25/12, Tuấn Khang)

Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình, kéo lùi sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương, các đoàn thể đã vào cuộc một cách tích cực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con trong việc kết hôn, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trường Sơn là một xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm huyện khoảng 70 km. Toàn xã có 19 thôn, bản với 60% đồng bào người dân tộc Vân Kiều. Đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các bản dọc tuyến biên giới, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đúng mức, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội chưa được đảm bảo.

Do tập tục lạc hậu và nhận thức, kiến thức pháp luật cũng như việc chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế, nên tình trạng tảo hôn gần như đã "ăn sâu, bám rễ". Các gia đình muốn con cái mình lấy chồng sớm để có thêm lao động trong nhà. Điều kiện học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội của các em cũng hạn chế, thiếu thốn, nên nhiều em chỉ muốn nghỉ học, kết hôn, làm rẫy kiếm sống.

Đồng bào Bru-Vân Kiều dựng vợ, gả chồng cho con từ rất sớm (từ 14 đến 17 tuổi). Quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hứa hôn sớm.. cùng với tục lệ bắt vợ, “nối dây” đã dẫn đến cưỡng ép hôn nhân sớm…

Để giải quyết tình trạng trên, UBND xã Trường Sơn đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 498).

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 498, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn, bản, hộ gia đình với nhiều cách làm phong phú, linh hoạt, phù hợp với thực tế.

Đề án 498 cũng chú trọng kết hợp phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, nhất là vai trò của già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức quần chúng tại cơ sở nhằm phát hiện kịp thời, giáo dục thuyết phục những trường hợp có thể thực hiện việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ dân trí, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhân dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong năm 2021, chính quyền xã Trường Sơn đã phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Mô (BĐBP Quảng Bình), Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên; Trung tâm học tập cộng đồng; các thôn, bản tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... với 6 đợt tuyên truyền, hơn 300 người tham gia, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tổ chức 2 lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 100 lượt người tham gia...

Được sự tài trợ của Dự án Plan Quảng Bình, xã đã thành lập Ban Bảo vệ trẻ em gồm có 5 thành viên, Câu lạc bộ trẻ em trai, trẻ em gái, Câu lạc bộ ông bố cấp thôn và 15 nhóm trẻ; Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng thành lập Ban dự án Parenting… Đồng thời, Ban Bảo vệ trẻ em xã đã tổ chức được nhiều hoạt động kỹ năng cho các em và hỗ trợ sinh kế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, các đơn vị còn hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao kiến thức mọi mặt thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong đồng bào dân tộc thiểu số theo phương thức hướng dẫn, cầm tay chỉ việc; nâng cao quyền năng kinh tế nhằm thay đổi vai trò giới, tiến tới xóa bỏ định kiến giới; tập trung phòng, chống một số vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Sinh đẻ thiếu an toàn, bạo lực gia đình, di cư lao động không an toàn, những tập tục văn hóa có hại đối với phụ nữ, trẻ em; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tự quản và phát triển cộng đồng; cung cấp kiến thức cho các bà mẹ có con từ 0 đến 10 tuổi và duy trì hoạt động vui chơi, đọc sách cho các cháu.

Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục như tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc người Bru-Vân Kiều. Nhiều hình thức tuyên truyền được áp dụng như: tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi, mô hình “tiếng loa Biên phòng". Đặc biệt, đơn vị đã lồng ghép tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt tại các thôn, bản hoặc đến từng nhà dân. Từ chỗ người dân hiểu hậu quả của việc tảo hôn sẽ khuyên can người thân, không để con em mình kết hôn sớm. Về đầu trang

https://www.bienphong.com.vn/day-manh-tuyen-truyen-xoa-bo-tao-hon-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post446601.html

15. Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ 2021 – 2025

(Baotainguyenmoitruong.vn 24/12, Hồng Thiệu)

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, ngày 22/12/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Kế hoạch số 2804/KH-UBND về việc quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi tôm nước lợ nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro do môi trường gây ra trong nuôi tôm nước lợ theo hướng góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Cụ thể ngoài việc tổ chức tập huấn cho các chủ cơ sở nuôi tôm nước lợ ở 5 huyện, thị xã triển khai hoạt động quan trắc (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch). Đối với môi trường trong nuôi tôm nước lợ sẽ được tiến hành từng giai đoạn: Thời gian triển khai đối với vùng nuôi trên cát ven biển từ tháng 1 - 12 hàng năm; đối với vùng nuôi nước lợ ven sông từ tháng 3 - 10 hàng năm (Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy điều kiện thực tế có thể điều chỉnh thời gian quan trắc cho phù hợp).

Địa điểm quan trắc vùng nuôi trên cát ven biển tại 3 điểm là xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch), phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) và vùng nuôi nước lợ ven sông tại 4 điểm gồm xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Hạ Trạch, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn).

Việc quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống nhằm phát hiện những yếu tố nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Địa điểm quan trắc có tính ổn định và đại diện cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có chung nguồn nước cấp, phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường; xác định được tọa độ và được đánh dấu trên bản đồ.

Các thông số quan trắc yêu cầu đảm bảo tính chính xác, khoa học, phản ánh được sự biến động, dự báo được chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi để cung cấp thông tin kịp thời diễn biến môi trường giúp người nuôi kiểm soát chất lượng nước nuôi thủy sản, giảmthiểu rủi ro trong sản xuất. Về đầu trang

https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-binh-quan-trac-canh-bao-va-giam-sat-moi-truong-trong-nuoi-tom-nuoc-lo-2021-2025-335274.html

16. Quảng Bình - điểm đến an toàn: Du lịch thích ứng với an toàn

(Thanhnien.vn 27/12, Trương Quang Nam; Vietnamtourism.gov.vn 27/12)

Hiện nay, du khách đến du lịch Quảng Bình sẽ không phải cách ly y tế khi đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy ra viện, giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng.

Quảng Bình là một trong những địa phương thực hiện các biện pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đối với du lịch sớm, đúng quy định và "mở cửa nhất". Các doanh nghiệp đủ điều kiện theo cấp độ dịch đều được phép đón khách theo hướng dẫn của tỉnh; khách đến không phải cách ly và các tour theo quy trình trọn gói đảm bảo an toàn cho khách du lịch và cộng đồng.

Mở cửa, đón khách phục hồi du lịch nhưng Quảng Bình luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. An toàn cho người dân địa phương và an toàn cho chính du khách. Vì vậy, UBND tỉnh và Sở Du lịch đã có nhiều hướng dẫn về các biện pháp thực hiện du lịch trong an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Cụ thể, yêu cầu chung nhất vẫn là tuân thủ “thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định hoặc quét mã QR điểm kiểm dịch tại các cơ sở kinh doanh du lịch. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, UBND tỉnh Quảng Bình và nội quy của cơ sở kinh doanh du lịch.

Đối với người về/đến từ địa bàn có dịch cấp 1, cấp 2 thì không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm khi đi lại (khuyến khích tự xét nghiệm), thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định của cơ quan y tế; tự theo dõi sức khỏe và thực hiện thông điệp 5K. Khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở... hãy liên hệ với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan y tế gần nhất để theo dõi và xử trí theo quy định.

Với người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì chỉ tham gia các hoạt động du lịch sau khi hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày về/đến địa phương; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14; sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp “5K”.

Tỉnh Quảng Bình cũng có quy định cụ thể đối với các cơ sở kinh doanh du lịch và hoạt động phương tiện vận tải trên địa bàn, như công suất phục vụ, nhân viên phục vụ, trang thiết bị khử khuẩn… với mục đích đảm bảo an toàn chung.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch ở Quảng Bình đã chủ động trang bị vật chất cũng như tập huấn kiến thức, cách xử lý cho nhân viên cơ sở khi đón và phục vụ du khách, đặc biệt là trong những tình huống xuất hiện du khách có liên quan đến dịch bệnh. Về đầu trang

https://thanhnien.vn/quang-binh-diem-den-an-toan-du-lich-thich-ung-voi-an-toan-post1415427.html

17. “Bữa tiệc nghệ thuật” chào năm mới Canh Dần

(Baophapluat.vn 26/12, Bảo Châu)

Khép lại một năm đầy thách thức với những bữa tiệc âm nhạc, nghệ thuật chào đón năm mới an lành, nhiều người dân háo hức chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng này.

Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức Chương trình “Chào đón năm mới 2022” với chuỗi sự kiện phong phú và độc đáo. Chương trình “Đếm ngược chào đón năm mới Phong Nha Countdown Party 2022” sẽ được tổ chức từ 22 giờ ngày 31/12/2021 đến 0 giờ 30 ngày 1/1/2022. Chương trình sẽ phát trực tiếp trên các nền tảng số của du lịch Quảng Bình: Fanpage Facebook: QuangBinh Tourism.

Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu tư kỹ lưỡng, nội dung độc đáo gắn với quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên, an toàn và khác biệt. Các sản phẩm du lịch Quảng Bình trong trạng thái bình thường mới.

Chương trình với sự tham gia các nghệ sĩ: ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh, nghệ sĩ violon Hoàng Rob. Các ca sĩ khác: Hoàng Dũng, Gia Hân, Chính Hưng, Phượng Vũ, vũ đoàn Sài Gòn và DJ Trang Moon, âm nhạc điện tử sống động phù hợp với thị hiếu đa dạng của khách du lịch nội địa và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Cùng với đó là nghi thức đếm ngược chào đón năm mới 2022.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Chào đón năm mới 2022” còn có các chương trình hấp dẫn khác như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật Chào đón năm mới 2022 của Tuổi trẻ Quảng Bình tại Khách sạn Biển Vàng (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới); Tổ chức đón các vị khách đầu tiên đến du lịch tại Quảng Bình năm 2022; các hoạt động chào đón năm mới phục vụ khách du lịch tại Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng; Phối hợp thực hiện Chiến dịch truyền thông “Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên, an toàn và khác biệt” trong trạng thái bình thường mới năm 2022. Về đầu trang

https://baophapluat.vn/bua-tiec-nghe-thuat-chao-nam-moi-canh-dan-post427968.html

V. Pháp luật - An ninh quốc phòng  

1. Khen thưởng Công an tỉnh Quảng Bình phá chuyên án nghìn tỷ

(Cand.com.vn 25/12, Sông Lam)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định trao thưởng 50 triệu đồng cho lực lượng Công an bắt giữ các đối tượng chiếm đoạt khoảng 1.000 tỷ đồng, và lừa đảo gần 5.000 nạn nhân.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã biểu dương và trao thưởng số tiền 50 triệu đồng cho Ban Chuyên án của Công an tỉnh Quảng Bình đã phá thành công chuyên án bắt giữ các đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép giao dịch trong các tài khoản ngân hàng nhằm mục đích đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chuyên án được lập từ tháng 6/2021 và ngày 15/12/2021, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình quyết định phá án. Chuyên án do Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Phòng Cảnh sát Cơ động và Công an TP. Đồng Hới triển khai đồng loạt phá án tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình và TP. Đà Nẵng.

Bước đầu, cơ quan Công an đã xác định có ít nhất 15 đối tượng liên quan, trong đó các đối tượng chủ chốt gồm: Nguyễn Cao Hoàng (SN 1993), trú tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, Hoàng Trung Thương (SN 1995), trú tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, Nguyễn Tiến Đức (SN 2000), trú tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh và Hà Đăng Tiến (SN 2002), trú tại xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình, Ninh Bình.

Khám xét tại nơi ở của các đối tượng liên quan, cơ quan điều tra thu giữ 1.983 thẻ sim điện thoại; 11 thẻ ATM ngân hàng của các đối tượng; 177 thẻ ATM ngân hàng khác; 5 thiết bị simbox; 16 bộ máy tính, 01 máy in màu; 38 CMND giả; 28 điện thoại di động và 3.613 bộ tài khoản ngân hàng đã mở; 331 file ảnh CMND có dấu hiệu bị làm giả; 3.034 bộ file ảnh CMND chuẩn bị để đăng ký các tài khoản; 478 bộ file ảnh CMND đã dùng để đăng ký tài khoản Momo và nhiều tang vật, tài liệu có liên quan.

Theo hồ sơ của cơ quan Công an, các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án đã sử dụng công nghệ cao, sử dụng thông tin cá nhân của người đăng ký mở tài khoản ngân hàng để tạo ví Momo, ZaloPay nhằm hưởng các gói quà ưu đãi. Rồi bán tài khoản Momo cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xác định tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng được các đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép nhằm mục đích đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khoảng 1.000 tỷ đồng với 5.000 nạn nhân. Về đầu trang

https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/khen-thuong-cong-an-tinh-quang-binh-pha-chuyen-an-nghin-ty-i639256/

2. Cảnh sát Biển và ngư dân: Phòng tuyến vững chắc trên biển

(Vov.vn 27/12, Thành Nam)

Không chỉ phổ biến đến từng ngư dân Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam... lực lượng cảnh sát biển còn làm tốt công tác thông tin về tình hình chủ quyền biển, đảo và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển...

Những ngày cuối năm, tàu đánh cá của ông Lê Ngọc Tình, ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cập bến với hơn 1 tấn hải sản vừa đánh bắt. Chuyến ra khơi này sóng yên biển lặng lại gặp đúng luồng cá nên thu nhập khá cao, bạn thuyền ai cũng phấn khởi. Vậy nhưng nghề biển lắm rủi ro bất trắc, như chuyến biển tháng trước, tàu cá của ông bị hỏng máy giữa biển khơi đúng thời điểm cơn bão số 8 vào biển Đông. May mắn, các anh Cảnh sát biển đã vượt sóng to gió lớn, kịp thời hỗ trợ.

"Anh em ngư dân chúng tôi rất yên tâm, lực lượng cảnh sát biển của ta xuống tận địa bàn xã để tuyên truyền và hỗ trợ ngư dân để ngư dân yên tâm khai thác hải sản, nuôi sống gia đình và giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ta, cũng nhờ các anh hỗ trợ lực lượng trên biển khi cứu hộ, cứu nạn khi có việc bất trắc xảy ra..."- ông Lê Ngọc Tình cho hay.

Không chỉ luôn kịp thời có mặt giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân gặp nạn, các chiến sĩ Cảnh sát biển còn thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng cấp cứu, kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển. Để có được những buổi tuyên truyền tập trung hiệu quả, lực lượng cảnh sát biển đã tổ chức biên soạn tài liệu đầy đủ với nội dung phong phú kết hợp hình ảnh trực quan, sinh động từ những câu chuyện người thật, việc thật. Thượng úy Bùi Văn Hải, Chính trị viên tàu Cảnh sát biển 4036, Hải đội 112, Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 cho biết: Đơn vị còn thành lập các tổ công tác trực tiếp đến gặp gỡ chủ phương tiện, thuyền viên, tuyên truyền bằng hình thức nói chuyện, phát tờ rơi, cấp sổ tay pháp luật với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ.

"Đối với người chiến sĩ cảnh sát biển chúng tôi luôn xác định việc đồng hành, cứu nạn ngư dân trên biển là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim của người lính. Khi nhận được lệnh cứu nạn ngư dân trên biển thì chúng tôi bằng mọi biện pháp, phương tiện đến cứu giúp bà con nhanh nhất và khẩn trương đưa bà con về bờ và đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho bà con"- Thượng úy Bùi Văn Hải cho biết.

Làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân vươn khơi, lực lượng cảnh sát biển còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống và ngăn chặn các hành vi buôn lậu xuyên biên giới trên đường biển, đặc biệt là với tội phạm ma túy.

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những chiến sỹ cảnh sát biển cũng là lực lượng tuyến đầu trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, lực lượng cảnh sát biển đã cùng ngư dân tạo nên phòng tuyến vững chắc phòng chống dịch trên biển.

"Chúng tôi cũng đã phối hợp với cấp ủy chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền và tặng các vật dụng để phòng, chống dịch Covid-19 và trên góc độ chức trách nghiệp vụ thì chúng tôi vẫn duy trì thường xuyên các lực lượng trực các điểm chốt trên biển để ngăn chặn nhập cảnh trái phép, đồng thời đồng hành cùng ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế trên các vùng biển của đất nước"- Thượng tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 cho biết.

Trong năm qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” vẫn được Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1 thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương trong cả nước; trao hơn 1000 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho những gia đình ngư dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, tặng 2000 lá cờ Tổ quốc cho các tàu cá; tặng 140 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó và 5 căn nhà “Đại đoàn kết” với trị giá trên 300 triệu đồng,…

Cùng ngư dân hướng ra biển lớn, lực lượng Cảnh sát biển đã góp phần quan trọng tăng cường mối đoàn kết quân dân; phát huy lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong thời kỳ mới. Về đầu trang

https://vov.vn/chinh-tri/canh-sat-bien-va-ngu-dan-phong-tuyen-vung-chac-tren-bien-post914231.vov

3. Phá ổ đánh bạc và cho vay nặng lãi tại Quảng Bình

(Antt.nguoiduatin.vn 25/12, Đình Tuấn; Phapluatplus.vn 25/12; Tamnhin.trithuccuocsong.vn 25/12)

Đối tượng Trương Tuấn An

Công an TP. Đồng Hới (Quảng Bình) vừa phá chuyên án, bắt giữ các đối tượng làm rõ hành vi đánh bạc và cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Ngày 25/12, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an TP. Đồng Hới vừa chủ trì phối hợp với đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và Công an xã Bảo Ninh phá thành công Chuyên án 012D, triệu tập đối tượng Trương Tuấn An (SN 1991), trú tại thôn Sa Động, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới để đấu tranh, làm rõ hành vi đánh bạc và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng An, lực lượng chức năng thu giữ 1 điện thoại di động, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1 giấy mượn tiền và 23 triệu đồng cùng một số tài liệu, tang vật liên quan khác.

Bằng công tác nghiệp vụ và tài liệu thu thập, cơ quan công an đã xác định đối tượng An đã có thực hiện hành vi đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề với Trương Văn Thương (SN 1986), trú tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Qua đó, số tiền đánh bạc giữa 2 đối tượng này được xác định là hơn 221 triệu đồng.

Ngoài ra, đối tượng Trương Tuấn An còn đánh bạc dưới hình thức số lô, số đề với Nguyễn Thiết Kế (SN 1982), trú tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, với tổng số tiền đánh bạc là 6 triệu đồng.

Đối tượng Trương Tuấn An khai nhận từ năm 2020 đến nay đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất cao. Tổng số tiền cho vay khoảng 585 triệu đồng, số tiền lãi là hơn 177 triệu đồng, trong đó số tiền thu lợi bất chính khoảng hơn 130 triệu đồng. Về đầu trang

http://antt.nguoiduatin.vn/pha-o-danh-bac-va-cho-vay-nang-lai-tai-quang-binh--331316.htm

4. Bắt 4 "con bạc" đang sát phạt nhau bằng hình thức đánh "phỏm"

(Phapluatplus.vn 25/12, Duy Khương)

Ngày 25/12, thông tin từ công an tỉnh Quảng Bình cho biết, vào khoảng 20h40, ngày 24/12, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, tại nhà Nguyễn Văn Đượng (SN 1966 trú tại thôn Nam Minh Lệ, xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn) có nhiều đối tượng tham gia đánh bạc.

Qua kiểm tra, Công an xã Quảng Minh đã phát hiện, bắt quả tang 04 đối tượng đang đánh bạc dưới hình thức “phỏm”, gồm: Nguyễn Văn Đượng, Nguyễn Quý Toàn (SN 1982), Đoàn Anh Duy (SN 1987), đều trú tại xã Quảng Hoà, TX. Ba Đồn và Phạm Quý Hùng (SN 1987, trú tại tiểu khu 7, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch). Thu giữ được gồm 16.250.000 đồng và một số tang vật có liên quan.

Công an xã Quảng Minh tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với các đối tượng trên về hành vi đánh bạc và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TX. Ba Đồn thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Về đầu trang

https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/quang-binh-bat-4-con-bac-dang-sat-phat-nhau-bang-hinh-thuc-danh-phom-d173475.html

5. Hơn 7 năm tù cho kẻ đưa 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

(Vietnamnet.vn 24/12, Hải Sâm)

Hơn 7 năm tù cho kẻ đưa 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Bị cáo Nguyễn Thành Lâm

trong phiên tòa sơ thẩm

Ngày 24/12, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thành Lâm (SN 1995, trú huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, tháng 4/2021, dưới sự chỉ đạo của Phạm Ngọc Tuấn Anh (SN 1992, quê ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Thành Lâm tổ chức cho 9 người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để lấy 10 triệu tiền công.

Sau khi thuê taxi đón 9 công dân Trung Quốc tại Hà Nội, Lâm hướng dẫn tài xế chạy vòng lên tỉnh Hòa Bình, theo đường Hồ Chí Minh vào Quảng Trị để nhóm người Trung Quốc nói trên tìm cách xuất cảnh trái phép sang Lào.

Khi đoàn đến địa phận tỉnh Quảng Bình, Lâm nhận được điện thoại của Phạm Ngọc Tuấn Anh thông báo phương tiện đưa người Trung Quốc sang Lào ở Quảng Trị bị hỏng, yêu cầu Lâm thuê khách sạn cho đoàn nghỉ lại ở TP Đồng Hới.

Thời điểm nói trên, toàn dân đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, Lâm lần lượt di chuyển đoàn từ nhà nghỉ Nhật Huy (phường Nam Lý) đến khách sạn Bình Minh (số 231, đường Lý Thường Kiệt), đồng thời cố tình không khai báo lý lịch, nhân thân của những người trong đoàn với các cơ sở lưu trú.

Khoảng 0h ngày 6/4, khi Lâm thuê taxi chuẩn bị đưa nhóm 9 công dân Trung Quốc vào TP Đông Hà thì bị phát hiện.

Quá trình điều tra, Nguyễn Thành Lâm khai nhận, khoảng 1 tháng trước đó cũng tổ chức đưa thành công 6 công dân Trung Quốc từ Hà Nội vào TP Đông Hà (Quảng Trị) theo sự chỉ đạo của đối tượng Phạm Ngọc Tuấn Anh.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thành Lâm thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ vì 10 triệu đồng mà bất chấp dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ bùng phát, lây lan khi đưa công dân Trung Quốc, nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lâm 7 năm 6 tháng tù giam. Đối tượng Phạm Ngọc Tuấn Anh, sau khi vụ án xảy ra đã không có mặt ở địa phương, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục truy tìm. Về đầu trang

https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/hon-7-nam-tu-cho-ke-dua-9-nguoi-trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-804008.html

6. Công an huyện Bố Trạch bắt giữ đối tượng trốn lệnh truy nã

(Baoquangbinh.vn 26/12, Tiến Thành)

Ngày 25-12 tại thôn 7, xã Lý Trạch, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Bố Trạch phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, Công an xã Lý Trạch và Công an xã Thượng Trạch bắt giữ một đối tượng trốn lệnh truy nã.

Trước đó, đối tượng Đinh Toán (SN 2000, trú tại bản Tuộc, xã Thượng Trạch) bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” và bị truy nã.

 

Tại cơ quan công an, Đinh Toán khai nhận sau khi gây án và biết bản thân đang bị truy nã, đối tượng đã trốn vào TP. Đồng Hới xin làm công nhân tại một công ty xây dựng.

 

Để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, trong khoảng thời gian từ tháng 2-2021 đến nay, đối tượng không về nhà mà xin công ty được làm các công trình ở nhiều nơi, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh ít người qua lại. Về đầu trang

https://baoquangbinh.vn/phap-luat/202112/cong-an-huyen-bo-trach-bat-giu-doi-tuong-tron-lenh-truy-na-2196638/

7. Người dân giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ

(Thanhnien.vn 27/12, Trương Quang Nam)

Nhiều người dân tỉnh Quảng Bình vừa giao nộp vũ khí, vật liệu nổ... sau khi cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động.

Ngày 27.12, Công an tỉnh Quảng Bình cho hay trong mấy ngày qua, lực lượng các đơn vị đã tiếp nhận nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ do người dân tự nguyện giao nộp.

Cụ thể, hôm qua 26.12, tại gác chắn đường ngang và đường sắt ở P.Nam Lý (TP.Đồng Hới), tổ tuần tra kiểm soát đường sắt thuộc Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT Công an tỉnh) đã tiếp nhận 2 khẩu súng tự chế, 3 hộp pháo hoa nổ loại 36 quả có trọng lượng 3,6 kg từ anh Nguyễn Bá Nhơn (nhân viên tuần đường) giao nộp. Anh Nhơn cho biết đã nhặt được súng và pháo trong khi tuần đường.

Trước đó, ngày 24.12, lực lượng CSGT thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh đã tiếp nhận 7 hộp pháo hoa nổ có trọng lượng hơn 11kg do anh Đinh Hồng Hạnh (ở xã Hóa Thanh, H.Minh Hóa) nhặt được khi đi thu gom phế liệu dọc QL 12A. Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 5 (Phòng CSGT Công an tỉnh) cũng đã vận động người dân tự nguyện giao nộp 1 khẩu súng tự chế, 2 kíp nổ tự chế và 1 hộp pháo nổ trọng lượng 1,4 kg.

Cũng trong ngày 24.12, Đội CSGT – trật tự Công an H.Quảng Trạch tiếp nhận 1 súng bắn hơi cồn tự chế, 2 hộp pháo hoa loại 36 quả, 6 dao, kiếm tự chế và 10 viên đạn do anh Phạm Minh Tuấn (ở xã Quảng Lưu) tự nguyện giao nộp.

Công an H.Quảng Ninh cũng tiếp nhận được nhiều bộ kích điện, súng bắn hơi cồn tự chế, mìn tự chế, pháo hoa nổ…

Theo Công an tỉnh Quảng Bình, việc tồn tại nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ trong dân sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm về tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, lực lượng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn xã hội.

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cũng nhiều lần phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật và cách nhận biết tác hại, nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Về đầu trang https://thanhnien.vn/quang-binh-nguoi-dan-giao-nop-nhieu-vu-khi-vat-lieu-no-post1415587.html

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More