Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 14-12-2021

Post date: 14/12/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Bộ Y tế phản hồi thông tin về gia hạn 5 lần đóng - mở gói thầu cung cấp thuốc. 1
  2. Hà Nội: F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh. 2
  3. Bình Dương: Làm rõ vụ công nhân bị trừ lương 4,5 triệu đồng xét nghiệm COVID-19. 3

CÁCH LÀM HAY CHỐNG DỊCH COVID-19. 3

  1. Đồng Nai: Đến tận nhà tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân, kéo giảm F0 tử vong. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP. 4

  1. HSBC: Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm 2022. 4
  2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam có thể đứng đầu Đông Nam Á.. 5
  3. Doanh nghiệp “đau đầu” vì test và khó tuyển dụng lao động. 6
  4. Doanh nghiệp lo ngại việc tạm nộp 75% thuế thu nhập. 8
  5. Kiên Giang đứng đầu ĐBSCL về doanh nghiệp đăng ký mới qua mạng điện tử. 9

QUẢN LÝ.. 10

  1. Đà Nẵng sẽ có cơ chế thu hút “người có tài năng đặc biệt” trên các lĩnh vực quan trọng. 10
  2. Đắk Nông: Chấn chỉnh tình trạng cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

  1. Bộ phận một cửa các cấp phải trở thành trung tâm chuyển đổi số. 11
  2. Sắp tích hợp căn cước công dân gắn chip với bằng lái xe, BHYT. 12
  3. Từ năm 2022, doanh nghiệp khai hải quan miễn phí qua phần mềm.. 13
  4. Đà Nẵng: Rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính khi nộp hồ sơ trực tuyến. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

  1. Đà Nẵng kỷ luật khiển trách 2 công chức nhận quà biếu. 15
  2. Khởi tố vụ án tham ô tài sản tại Sở Nội vụ Gia Lai 16
  3. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt giam một đại úy thuộc trại giam Z30D.. 16

THẾ GIỚI 17

  1. Trung Quốc: Người lao động được yêu cầu không về quê ăn Tết nếu 'không cần thiết' 17
  2. Tổng thống Nam Phi mắc Covid-19, tạm chuyển giao quyền lực. 18

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Bộ Y tế phản hồi thông tin về gia hạn 5 lần đóng - mở gói thầu cung cấp thuốc

Bộ Y tế khẳng định, việc gia hạn thời gian đóng thầu và mở thầu các gói thầu của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia là phù hợp với quy định của pháp luật.

Những ngày gần đây, một số cơ quan báo chí có phản ánh việc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia trong 3 tháng có gia hạn 5 lần thời gian đóng thầu và mở thầu các gói thầu thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc giai đoạn 2022-2023 nằm trong Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế phản hồi như sau: Việc gia hạn thời gian đóng thầu và mở thầu các gói thầu nêu trên của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia là phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu. Cụ thể: Tại điểm m, khoản 1, Điều 12 của Luật Đấu thầu quy định thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã nhận hồ sơ mời thầu tối thiểu là 10 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Bên mời thầu thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng bảo đảm quy định về thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu.

Việc gia hạn thời gian đóng thầu và mở thầu các gói thầu nêu trên nhằm phục vụ công tác rà soát lại Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia để bảo đảm đáp ứng nguyên tắc của đấu thầu và đạt mục tiêu của công tác mua sắm tập trung là giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp, đặc biệt góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Việc gia hạn thời gian đóng thầu và mở thầu các gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia không gây ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia của các cơ sở y tế. Lý do là theo quy định tại khoản 1, Điều 18 củaThông tư 15/2019/TT-BYT, cơ sở y tế được tự tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung khi cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu tập trung được công bố.

Trước đó, ngày 24/11/2021, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã ban hành công văn số 580/TTMS-NVD gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành và các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, đề nghị các cơ sở y tế này có trách nhiệm chủ động mua sắm theo quy định tại khoản 1, Điều 18 của Thông tư 15/2019/TT-BYT về việc đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị trong thời gian chờ kết quả lựa chọn nhà thầu các thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia. (VTV.vn 13/12)Về đầu trang

Hà Nội: F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội liên quan việc xét nghiệm xác định người mắc COVID-19 và cho người bệnh ra viện.

Về đề xuất của Hà Nội liên quan sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, theo Bộ Y tế, những F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh với điều kiện kết quả test nhanh của F0 điều trị tại nhà phải do nhân viên y tế thực hiện, hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Loại test nhanh được sử dụng cũng phải được Bộ Y tế cấp phép. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên, các F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đã đủ 10 ngày.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Còn đối với F0 điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị, để được công nhận khỏi bệnh thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính; hoặc giá trị CT trong xét nghiệm COVID-19 từ 30 trở lên; hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

Với F0 đơn thuần sau khi ra viện cần ở tại nhà, tự theo dõi trong 7 ngày. Với F0 có bệnh nền/bệnh kèm theo, sau khi được xác định khỏi COVID-19, được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo/ bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú. (VTV.vn 13/12)Về đầu trang

Bình Dương: Làm rõ vụ công nhân bị trừ lương 4,5 triệu đồng xét nghiệm COVID-19

Dự kiến trong ngày 13/12, các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh, làm rõ việc nhiều công nhân bị trừ tiền xét nghiệm RT-PCR giá cao tại Bình Dương.

Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nhiều công nhân một công ty chuyên sản xuất linh kiện phần mềm ô tô, đóng trên đường số 6 tại KCN VSIP I (Bình Dương) bị trừ tiền test RT-PCR COVID-19 quá cao.

Theo đó, vào cuối tháng 10/2021, một số công nhân của công ty trên test nhanh và phát hiện dương tính với COVID-19. Ngay sau đó, công ty đã mời một đơn vị y tế bên ngoài vào, yêu cầu công nhân lấy mẫu xét nghiệm PCR, tiền xét nghiệm sẽ được trừ vào lương của người lao động.

Tuy vậy, khi bị trừ lương lên đến 4,5 triệu đồng, nhiều công nhân tá hỏa và cho biết tiền xét nghiệm PCR quá đắt. Có người bị trừ 1,9 triệu đồng khi xét nghiệm PCR 1 lần, có người bị trừ 4,5 triệu đồng khi xét nghiệm PCR 3 lần. Theo danh sách thì có 57 lao động, bị trừ tổng cộng 152 triệu đồng.

Trong khi đó, theo Sở Y tế Bình Dương, từ tháng 11/2021 trở về trước, giá xét nghiệm RT-PCR từ 1,7 triệu đồng/1 mẫu. Hiện nay, giá xét nghiệm RT-PCR của các cơ sở y tế từ 450.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/mẫu. Doanh nghiệp và công nhân lao động có thể lựa chọn các cơ sở y tế đủ điều kiện trên địa bàn để xét nghiệm.

Được biết, trong ngày 13/12, công an phường Bình Hòa cùng Ban quản lý KCN VSIP I (phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) sẽ vào cuộc làm rõ vụ việc trên. (VTV.vn 13/12)Về đầu trang

CÁCH LÀM HAY CHỐNG DỊCH COVID-19

Đồng Nai: Đến tận nhà tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân, kéo giảm F0 tử vong

Để kéo giảm số F0 tử vong, Đồng Nai đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có việc đến tận nhà tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân.

Sáng 13.12, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết số ca F0 tử vong trên địa bàn vẫn tăng cao. Sở Y tế Đồng Nai đề xuất phương án đến tận nhà tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân để giảm thiểu số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Cụ thể trong tuần qua (từ ngày 5 - 12.12) toàn tỉnh ghi nhận 139 ca tử vong, tăng 76 ca so với tuần trước đó (chiếm 120%), nâng tổng số F0 tử vong lên 1.000 ca, chiếm 1,09% tổng số ca nhiễm.

Để kéo giảm F0 tử vong, theo bác sĩ Vũ, bên cạnh việc nâng cao năng lực điều trị, Sở đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng virut cho Đồng Nai, bên cạnh đó các địa phương cần rà soát và đến tận nhà tiêm vắc xin Covid-19 cho người chưa tiêm và tiêm chưa đủ liều.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đang triển khai khá bài bản giải pháp này. Khoảng 2 tuần nay, TP.Biên Hòa đã tổ chức các đội tiêm chủng lưu động tìm đến tận nhà tiêm vắc xin cho người dân. Đối tượng được tiêm là những người già, yếu, bệnh tật chưa tiêm vắc xin Covid-19 do không thể đến điểm tiêm, có nguy cơ tử vong cao khi trở thành F0. (Thanhnien.vn 13/12, Lê Lâm)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

HSBC: Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm 2022

Theo HSBC, đầu tư FDI, tiêu dùng tăng nhờ vào tầng lớp trung lưu mở rộng, cơ sở hạ tầng mới... là những động lực của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại "trái ngọt".

Theo HSBC, đầu tư FDI vẫn được duy trì mạnh mẽ và chỉ tới đợt giãn cách nghiêm ngặt trong năm 2021 mới bị ảnh hưởng nhẹ. Tổng vốn FDI đăng ký từ 1/1 tới 20/11 tăng 0,1% với 1.577 dự án được cấp phép mới còn tổng vốn thực hiện giảm 4,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm tăng 17,5% giúp thặng dư thương mại có xuất siêu nhẹ.

Cũng theo HSBC, tăng trưởng còn dựa trên việc tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng. Cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam. Từ đó mang lại thay đổi tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng bởi người Việt Nam đã bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch.

Ngoài ra, HSBC cho biết cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục "tiếp thêm nhiên liệu" cho các hoạt động kinh tế. Đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh sau khi chính phủ Việt Nam đã ra những tham vọng lớn sau Hội nghị COP26.

Cụ thể mục tiêu hướng đến của Việt Nam là tới năm 2045, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 75% tổng năng lượng sản xuất trong nước.

"Đây tất nhiên là một mục tiêu rất tham vọng. Nhưng nếu theo dõi tình hình ở Việt Nam thường xuyên, chúng ta sẽ hiểu vì sao không nên hoài nghi khả năng của Việt Nam và người dân trong việc đạt những mục tiêu và thử thách họ đặt ra cho bản thân", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans đánh giá

Bên cạnh đó, chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11 cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ tư khởi phát từ hồi tháng 4. Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua và tâm lý vững tin đang dần trở lại bất chấp vẫn còn nhiều trở ngại do lao động chưa trở lại nhà máy.

"Khi gián đoạn sản xuất và những áp lực dồn nén trong chuỗi ứng toàn cầu được "xả" bớt. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy sự phục hồi mặc dù cần sẵn sàng đón nhận bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xuất khẩu tăng trưởng chậm lại khi các thị trường phát triển bắt đầu chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho biết.

Cũng theo ông Tim Evans, nếu cơn khủng hoảng COVID-19 qua đi, thế giới sẽ có một chu kỳ đầu tư vốn lớn diễn ra trên diện rộng, đảm bảo nhu cầu điện tử công nghiệp sẽ duy trì mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong phần khuyến nghị, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng cần theo dõi sát sao một số vấn đề để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai. Một chỉ số cần giám sát kỹ là giá năng lượng đang tăng lên. Hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước.

"Quan điểm hiện tại của chúng tôi là nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, vì vậy, chúng tôi đánh giá lạm phát có thể tăng lên 3,5% trong năm 2022 và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Chính phủ", ông Tim Evans cho biết.

Ngoài ra, ông Tim Evans  cho rằng yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là COVID-19. Theo quan điểm của Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. (VTV.vn 13/12)Về đầu trang

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam có thể đứng đầu Đông Nam Á

Tại Diễn đàn Quốc gia Doanh nghiệp Công nghệ số , đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify Việt Nam cho biết kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước.

Trong báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực. Cụ thể, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng hơn hiện tại gấp 11 lần.

Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistic thông minh, du lịch... Đặc biệt, từ 2020-2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%.

Trong đó,Quân nhấn mạnh khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. Hiện, các doanh nghiệp này nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin.

“Do đó, Cloutify đưa ra mô hình phần mềm như một dịch vụ (SAAS). Theo đó, thay vì mua cả một nền tảng số, doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm này và chi trả theo từng tháng, dùng tới đâu trả tới đó như thanh toán chi phí viễn thông. Như vậy, họ có thể tiếp cận với các nền tảng công nghệ cao với chi phí hợp lý hơn”, ông Quân cho biết thêm.

Thứ hai, Cloudtify phát triển công nghệ điện toán đám mây. Theo đó, SME không cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, máy chủ, nhân lực để quản trị. Doanh nghiệp có thể sở hữu những điều này từ đám mây đến website, mobile. Từ đó, họ có thể giảm chi phí, tập trung vào kinh doanh cốt lõi, tiếp cận với công nghệ tăng năng suất cao như AI, Internet of things...

Ngoài ra, Cloudtify còn phát triển ứng dụng điện thoại cho lao động phổ thông tiếp cận. Ông khẳng định, công ty tập trung xây dựng nền tảng này để không ai bị bỏ lại trong quá trình chuyển đổi số.

Đến nay, đơn vị này đã chuyển đổi số cho 2.000 doanh nghiệp, dự kiến con số này sẽ tăng lên 10.000 và 10.000 đến năm 2025. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ kinh tế số toàn quốc. Các doanh nghiệp SME cũng có nền tảng công nghệ, quản lý tốt hơn, phát triển nhanh hơn.

Cũng nói về tương lai của nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Thành Trung - CEO & Founder Sky Mavis cho biết: "Trong 2 năm qua dưới tác động của Covid-19, có sự chuyển dịch lớn về vốn, các loại ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như công nghệ. Trong những xu hướng công nghệ mới nổi lên, bên cạnh AI là Blockchain đang tăng trưởng mạnh. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng mới của thế giới Blockchain công nghệ. "Người Việt nhanh nhạy nhẹn trong việc xử lý thông tin, nắm bắt thời điểm, số người sở hữu ví điện tử ở Việt Nam thuộc hàng lớn nhất thế giới", ông Nguyễn Thành Trung nói.

Về khung pháp lý cho tài sản số, ông Trung nhấn mạnh việc chuyển dịch từ tài sản hiện hữu sang tài sản số, điện tử khiến trao đổi dễ dàng hơn nhiều.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể quản lý các loại hình kinh tế mới?. Trả lời câu hỏi này, ông Trung đề xuất: Chính sách có chính sách rõ ràng với lĩnh vực công nghệ mới, hình thành các tổ chức có vai trò hỗ trợ, phát triển; đào tạo kiến thức công nghệ vào các chương trình đào tạo nhân lực, tuyên truyền đúng đắn về tài sản số.

Ngoài ra, ông đề xuất cần có cái nhìn mới về game trong bối cảnh Việt Nam có nhiều công ty làm game, đang hoạt động mạnh mẽ. (Diễn đàn doanh nghiệp 13/12)Về đầu trang

Doanh nghiệp “đau đầu” vì test và khó tuyển dụng lao động

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp tình hình, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động tháng 11/2021.

Khảo sát cho thấy những tín hiệu tích cực của việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động sau khi Chính phủ ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, chuyển trạng thái phòng chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”.

Cụ thể, trong tổng số 3.440 doanh nghiệp khảo sát có 39% doanh nghiệp “đang hoạt động”, cao hơn gấp 2 lần so với tháng 8/2021. Cùng với đó, 47% người lao động có việc làm trong tổng số 8.835 người lao động được khảo sát, tăng gần 10 điểm phần trăm so với tháng 8. Mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng 43% lãnh đạo các doanh nghiệp ở diện “đang hoạt động” vẫn luôn tỏ ra lạc quan để chèo lái doanh nghiệp.

Tuy vậy, do mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần 4 tại Việt Nam tới hoạt động của doanh nghiệp là rất lớn, đồng thời do tình hình các chuỗi cung ứng trên thế giới cũng vẫn đang đứt gãy, chưa phục hồi hoàn toàn nên doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh “sống chung với dịch”.

Có 30% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nói chung và đặc biệt các lao động có trình độ chuyên môn. Hơn 45% doanh nghiệp phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại. Ngoài ra, 56% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 43% doanh nghiệp đang đối mặt với cầu thị trường yếu chưa đảm bảo kinh doanh có lãi. Đặc biệt, 41% doanh nghiệp đang chịu áp lực từ chi phí xét nghiệm cho lao động.

Bên cạnh đó, 59,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết, không có nguồn tiết kiệm để hỗ trợ cuộc sống trong bối cảnh dịch, phải dựa vào vay nợ hoặc trông chờ sự hỗ trợ từ gia đình/xã hội; 41% không tìm được việc; 59% mong muốn được ký hợp đồng lao động nếu có việc mới, 54% muốn đề nghị doanh nghiệp phải có cam kết đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đánh giá về triển vọng phục hồi, 22% doanh nghiệp ở diện "đang hoạt động" cho biết đã phục hồi như trước dịch, 45% doanh nghiệp cho biết nếu các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 128, doanh nghiệp sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Trước những khó khăn này, doanh nghiệp kiến nghị tới Thủ tướng tạo lập môi trường làm việc an toàn, nâng cao năng lực y tế trong doanh nghiệp để duy trì liên tục sản xuất kinh doanh. Đề xuất cho doanh nghiệp có thể được ký hợp đồng với các đơn vị y tế đủ năng lực để xử trí các vấn đề phòng chống dịch. Có hướng dẫn riêng về quy trình xử lý F0 tại doanh nghiệp để luôn duy trì được hoạt động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua các khó khăn về lao động, việc làm trong bối cảnh dịch, cần cải thiện các quy định liên quan đến thời gian, chế độ làm việc của người lao động, đặc biệt quy định về giờ làm thêm; giảm mức đóng bảo hiểm xã hội đi kèm với việc phát triển các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện với những cơ chế linh hoạt; tăng cường công tác kết nối ba bên “người lao động - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo” để đẩy mạnh cơ hội tìm kiếm việc làm cho nhóm lao động mất việc, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn lao động; xây dựng quy định làm việc mới như làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà...

Về gói hỗ trợ, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022 nhằm tạo đà cho doanh nghiệp có sức phục hồi và bứt phá, tận dụng được cơ hội mang lại từ Nghị quyết 128. Đồng thời, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng sẽ sớm được tham dự chương trình đối thoại công - tư với lãnh đạo Chính phủ để đóng góp các giải pháp, hiến kế cho mục tiêu đảm bảo tăng trưởng hậu COVID-19. (Vnbusiness.vn 13/12)Về đầu trang

Doanh nghiệp lo ngại việc tạm nộp 75% thuế thu nhập

Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 38, đến ngày 30.10 hằng năm, doanh nghiệp phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm. Nhiều ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, việc ước tính kết quả kinh doanh vào quý III thực sự không chính xác, quy định phạt tiền chậm nộp là không hợp lý và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về quy định tạm nộp 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của năm theo hướng dẫn của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, do không thể tính toán được lợi nhuận cả năm và số thuế phải nộp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ bị phạt chậm nộp nếu ngành Thuế không sửa đổi quy định.

Đại diện Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cho hay, khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020 quy định doanh nghiệp tạm nộp 75% thuế TNDN và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước thời điểm trước ngày 31.10 hằng năm gây nhiều khó khăn.

“Việc ước tính kết quả kinh doanh vào quý III thực sự không chính xác được. Quy định phạt tiền chậm nộp là không hợp lý và gây khó khăn cho doanh nghiệp” - đại diện UDIC nói.

Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, sau khi Nghị định 126/2020 được ban hành, Tổng cục Thuế cũng đã nhận được những kiến nghị tương tự.

Hiện tại, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, điều chỉnh việc tạm nộp 75% thuế TNDN. Bộ Tài chính cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định tạm thời chưa quy định xử phạt tiền chậm nộp trong trường hợp tạm nộp thấp hơn 75% tính đến hết quý III hằng năm. Việc quyết định thì vẫn thuộc Chính phủ.

“Về lâu dài Bộ Tài chính cũng có hướng đề xuất Chính phủ đề nghị sửa đổi nghị định này” - ông Vũ Xuân Bách cho hay.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định tạm nộp thuế TNDN theo quý, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép sửa đổi quy định về tỉ lệ tạm nộp thuế TNDN và thời điểm tính tiền chậm nộp tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19.10.2020 của Chính phủ để phù hợp với thời điểm nộp báo cáo tài chính quý của các doanh nghiệp thuộc diện lập báo cáo tài chính quý cho các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như tình hình thực tế của năm 2021.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra bất cập về vấn đề này như quy định không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, trong 3 quý đầu, doanh nghiệp đã tạm nộp 75% số thuế TNDN của cả năm. Đến quý IV, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp nên làm giảm động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, thuế TNDN vốn là sắc thuế theo năm. Kết thúc năm tài chính doanh nghiệp mới có con số chính xác về lãi lỗ làm cơ sở tính thuế. Việc tạm nộp thuế TNDN theo quý, mục đích ban đầu là giúp cơ quan thuế chủ động được nguồn thu nhưng dần đã biến thành quy định bắt buộc. Với quy định theo Nghị định 126 thì thuế TNDN gần như đã được mặc định tính theo quý và rõ ràng đây là một việc khó khăn hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này.

Từ những bất cập như vậy, với nhiều năm kinh nghiệm, thực tế nhiều doanh nghiệp đề xuất cụ thể: Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp của 3 quý đầu năm theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, những doanh nghiệp kinh doanh theo mùa vụ thì họ phải tính toán trong kế hoạch hằng năm của họ. Tất nhiên mức quy định 75% như vậy là cũng chưa phù hợp và cần phải nghiên cứu.

“Thực ra ở đây Nghị định 126 nói về 75% là nói về những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, đều. Dù sao thì cũng phải nghiên cứu thêm để chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý ở một số lĩnh vực, ngành nghề chứ không thể áp như vậy được” - ông Thịnh nói thêm.

Ông Thịnh cho rằng, nên lấy mốc nộp báo cáo tài chính của quý IV để xác định thuế TNDN tạm nộp của một năm theo đúng kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế. Thông thường, báo cáo tài chính quý IV có hạn nộp là 20.1 năm sau hoặc là ngày cuối cùng của tháng 1 nếu là các tổ chức tín dụng. (Laodong.vn 13/12, Cao Nguyên)Về đầu trang

Kiên Giang đứng đầu ĐBSCL về doanh nghiệp đăng ký mới qua mạng điện tử

Kiên Giang hiện đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử. Trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng điện tử là 841 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 20.203 tỷ đồng, dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Theo kế hoạch, năm 2022 có 1.400 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn là 19.600 tỷ đồng

Nhờ những quyết tâm trong việc đẩy mạnh triển khai phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử mà số lượng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử năm 2021 tăng cao so với năm 2020, cụ thể năm 2021 có 4.698 lượt đăng ký tăng 16% so với năm 2020. Trong đó đăng ký mới là 841 lượt, tăng 5% so với năm 2020 và có 2.442 lượt đăng ký thay đổi, tăng 19% so với năm 2020. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng chiếm 64,33% trên tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Kiên Giang hiện đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử. Trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng điện tử là 841 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 20.203 tỷ đồng, dẫn đầu khu vực ĐBSCL.

TP Phú Quốc là 3.455 lượt tăng 34% so với cùng kỳ (trong đó đăng ký thành lập mới là 777 lượt, đăng ký thay đổi, giải thể là 2.678 lượt), tại TP Rạch Giá là 646 lượt giảm 21% so với cùng kỳ (trong đó đăng ký thành lập mới 200 lượt, đăng ký thay đổi, giải thể là 446 lượt), tại Châu Thành là 130 lượt tăng 25% so với năm 2020 (trong đó đăng ký thành lập mới là 60 lượt, đăng ký thay đổi, giải thể là 70 lượt), thành phố Hà Tiên là 107 lượt giảm 5% so với cùng kỳ (trong đó đăng ký thành lập mới là 36 lượt, đăng ký thay đổi là 71 lượt). Thực hiện nhận và trả hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua đường bưu điện 2.133 lượt doanh nghiệp chiếm 29% tổng lượt hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả. (Kinhtedothi.vn 13/12, Hồng Lĩnh – Thu Nhung)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đà Nẵng sẽ có cơ chế thu hút “người có tài năng đặc biệt” trên các lĩnh vực quan trọng

Ngày 13/12, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo về tình hình, kết quả xây dựng, triển khai đề án “Một số cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài năng công tác trong khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trình HĐND TP Đà Nẵng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, (HĐND TP khoá X).

Theo đó, đề án được thực hiện theo chương trình làm việc của Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng năm 2021, thông báo số 73 ngày 16/3/2021 của Thường trực Thành ủy về việc xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực TP Đà Nẵng đến năm 2030.

UBND TP đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu và xây dựng “Đề án Phát triển nguồn nhân lực khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”.

UBND TP Đà Nẵng cho biết: Căn cứ theo tình hình thực tế và yêu cầu đặt ra, Sở Nội vụ đã xác định lại phạm vi nghiên cứu thành “Một số cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài năng công tác trong khu vực công của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để phù hợp với mục tiêu, nội dung nghiên cứu.

Đối với nhóm giải pháp đào tạo, bên cạnh các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chức danh theo quy định, đề án chú trọng đến các khóa đào tạo chuyên sâu để tạo nguồn chuyên gia tham mưu hoạch định chính sách, bồi dưỡng kỹ năng quản lý chính quyền đô thị và đào tạo cán bộ thông qua thực tiễn công tác (bằng hình thức điều động, luân chuyển, giao nhiệm vụ…).

Về thu hút, trọng dụng người có tài năng, đề án xác định tập trung thu hút ngắn hạn các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trên các lĩnh vực quan trọng là y tế, giáo dục và 5 lĩnh vực mũi nhọn được xác định theo Nghị quyết 43-NQ/TW. Đồng thời, xây dựng các chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ… nhằm góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh chính trị, đảm bảo cho nhu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố.

Dự thảo đề án đã được báo cáo Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng, lấy ý kiến của các chuyên gia tư vấn, cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm công tác, nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị và tổ chức Hội thảo để tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các ngành, các tổ chức hội, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. (Tienphong.vn 13/12) Về đầu trang

Đắk Nông: Chấn chỉnh tình trạng cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng

Viện KSND tỉnh Đắk Nông vừa kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh này về những hạn chế, tồn tại trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các huyện, thành phố ở Đắk Nông.

Theo đó, năm 2021, Viện KSND tỉnh Đắk Nông kiểm sát xét xử 18 vụ án hành chính và dân sự sơ thẩm. Kết quả, Hội đồng xét xử Tòa án các cấp đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện, qua đó tuyên hủy 11 vụ án (chiếm tỉ lệ 61%). Nguyên nhân được xác định, do các sổ này đã được cấp không đúng đối tượng, hoặc cấp chồng lấn.

Theo Viện KSND tỉnh Đắk Nông, điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị địa phương trong những năm qua.

Theo Viện KSND tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân chủ yếu do trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận, các cơ quan chuyên môn chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, chưa kiểm tra xác minh kỹ về đối tượng sử dụng đất; không đối chiếu bản trích đo với bản đồ giải thửa; không thực hiện chặt chẽ việc ký giáp ranh...

Trên cơ sở đó, Viện KSND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh này tăng cường năng lực hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong quản lý đất đai nói chung và cấp sổ đỏ nói riêng; đảm bảo tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định pháp luật; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý hành chính về đất đai. (Tienphong.vn 13/12, Vũ Long)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ phận một cửa các cấp phải trở thành trung tâm chuyển đổi số

Ngày 13/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn một số nội dung tại Quyết định số 468/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết, với quan điểm Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nghị định 61 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ thay vì chỉ ở địa phương như trước đây; hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa các cấp; quy định rõ toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Đến nay, đã có 59 địa phương tổ chức trung tâm hành chính công; 100% bộ ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương tỉ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.

“Đây là con số theo báo cáo tự đánh giá của các bộ ngành, địa phương, còn theo Hệ thống theo dõi đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính dựa trên dữ liệu và thời gian thực có sự thay đổi. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, hồ sơ giấy”, ông Ngô Hải Phan nhận định.

Ngoài ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống Một cửa điện tử để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận… chưa được thực hiện.

Việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông mới chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Quy trình phối hợp này chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa tính đến việc ứng dụng CNTT, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động.

Việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được triển khai, tuy nhiên, chưa thật sự kịp thời cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời hạn chế, bất cập, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực… (Baochinhphu.vn 13/12, Hoàng Giang)Về đầu trang

Sắp tích hợp căn cước công dân gắn chip với bằng lái xe, BHYT

Đây là nội dung được nhắc đến trong Thông báo 331/TB-VPCP ngày 10/12/2021 về kết luận của Thủ tướng tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an thúc đẩy triển khai Quyết định 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trong đó, trong tháng 12/2021, Bộ Công an cần tập trung tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chip phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tháng 12/2021; Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 5/2022.

Về đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Công an làm việc cụ thể với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với đề xuất của Bộ Công an. Cụ thể, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc phát triển và sử dụng các ứng dụng trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID, trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản... tạo thuận lợi cho người dân.

Đồng thời, Bộ Công an cũng sẽ làm việc với Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung Luật căn cước công dân; Bộ Tư pháp chủ trì rà soát các văn bản luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID. (Cafef.vn 13/12, Giang Anh)Về đầu trang

Từ năm 2022, doanh nghiệp khai hải quan miễn phí qua phần mềm

Ngoài lợi ích về giảm chi phí, phần mềm mới còn giúp doanh nghiệp, người dân sớm tiếp cận, có sự chủ động với những thay đổi của ngành Hải quan khi thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, đơn vị này đang gấp rút chuẩn bị các công việc liên quan để triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp mới từ ngày 1/1/2022.

Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan đăng tải tài liệu hướng dẫn sử dụng trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn) từ hôm nay 13/12.

Tổng cục Hải quan cho biết, việc triển khai cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp được thực hiện trong bối cảnh ngành này đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 (trong năm 2020 và 2021).

Trước đây, cơ quan Hải quan đã triển khai phần mềm miễn phí theo Hệ thống Thông quan tự động VNACCS/VCIS. Với phần mềm mới này, doanh nghiệp phải tải về máy và cài đặt, đòi hỏi doanh nghiệp phải có trang thiết bị phù hợp.

Tuy nhiên, phần mềm khai hải quan mới sẽ được cài đặt tập trung tại Tổng cục Hải quan. Cơ quan Hải quan sẽ triển khai địa chỉ khai báo trên Internet, doanh nghiệp chỉ cần có thiết bị kết nối Internet là có thể truy cập để khai báo mà không cần phải đầu tư về máy móc, thiết bị cũng như chi phí bản quyền mua phần mềm của bên thứ 3.

Ngoài ra, ngành Hải quan đang triển khai thực hiện Hệ thống Hải quan số, phần mềm khai báo hải quan miễn phí này sẽ được kịp thời cập nhật để đáp ứng các yêu cầu mới.

Như vậy, ngoài lợi ích về giảm chi phí, phần mềm mới còn giúp doanh nghiệp, người dân sớm tiếp cận, có sự chủ động với nhưng thay đổi của ngành Hải quan khi thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh. (Tienphong.vn 13/12, An Phú)Về đầu trang

Đà Nẵng: Rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính khi nộp hồ sơ trực tuyến

Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa có Thông báo số 9370/TB-SXD về việc rút ngắn thời hạn giải quyết đối với 2 thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng Đà Nẵng khi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến.

Cụ thể, đối với thủ tục hành chính cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II – III, thời gian giải quyết của Sở Xây dựng Đà Nẵng khi hồ sơ nộp trực tuyến là 8 ngày làm việc so với khi hồ sơ nộp trực tiếp là 10 ngày làm việc. Đối với cấp lại chứng chỉ hàng nghề hoạt động xây dựng hạng II – III do lỗi cửa cơ quan cấp, thời gian giải quyết hồ sơ nộp trực tuyến là 3 ngày làm việc so với thời gian giải quyết hồ sơ nộp trực tiếp là 5 ngày làm việc.

Ngoài ra, Sở Xây dựng Đà Nẵng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến TP Đà Nẵng (https://dichvucong.danang.gov.vn); sử dụng dịch vụ bưu chính công để gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ tiếp nhận và trả kết quả tập trung - Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng (24 Trần Phú, quận Hải Châu).

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, việc rút ngắn thời hạn giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng khi tổ chức, công dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến là nhằm thực hiện Kế hoạch số 389/KH-SXD về công tác cải cách hành chính năm 2021. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp được thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng đã rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết đối với một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và tham mưu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định 3874/QĐ-UBND (ngày 2/12/2021) công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT.

Cụ thể, Sở GTVT Đà Nẵng thực hiện cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 12 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng giao thông; Vận tải thủy nội địa, quản lý phương tiện; Đăng ký phương tiện thủy nội địa và phương tiện vui chơi giải trí dưới nước với thời gian giải quyết sau điều chỉnh còn từ 2 – 7 ngày làm việc.

Đồng thời Sở GTVT Đà Nẵng thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết 1 ngày đối với 7 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực Vận tải đường bộ; Vận tải thủy nội địa, quản lý phương tiện khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến so với nộp hồ sơ trực tiếp. (Doanhnghiepvn.vn 12/12, Hải Châu)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đà Nẵng kỷ luật khiển trách 2 công chức nhận quà biếu

Ngày 13/12, UBND TP Đà Nẵng đã báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đối với việc thực hiện quy định về tặng quà và nhận quà tặng, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 01 ngày 25/1/2021 về việc tổ chức Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 theo Chỉ thị số 44 ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, quán triệt, yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định nghỉ Tết của Nhà nước, không tổ chức đi thăm, chúc Tết các địa phương, đơn vị, nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên; không sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức thực hiện tương đối tốt các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố.

Tuy nhiên, trong kỳ có 2 trường hợp công chức nhận quà trái quy định bị Cơ quan CSĐT Công an TP phát hiện và đã nộp lại quà tặng giá trị 55 triệu đồng. Cơ quan quản lý, sử dụng công chức đã có quyết định xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đối với 2 công chức vi phạm.

Cụ thể, 2 công chức bị kỷ luật công tác tại Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng). Thời điểm nhận quà tặng vào cuối năm 2019. Thời điểm Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng phát hiện vào tháng 6/2021.

Theo đó, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định xử lý kỷ luật công chức lãnh đạo, quản lý đối với ông Đặng Duy Hải (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản) bằng hình thức khiển trách.

Đồng thời, Chi cục Thủy sản đã ban hành Quyết định kỷ luật công chức đối với ông Hoàng Quang Minh (Trưởng phòng Phòng QL,KT, nuôi trồng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cũng bằng hình thức khiển trách.

UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết: đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ nhằm ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định các dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu và các hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Qua tự kiểm tra chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Trong kỳ, qua thanh tra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng, Thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm và đã chuyển 1 vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an TP để điều tra, xử lý theo quy định.

Trong kỳ, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp, các ngành trên địa bàn TP đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết tố cáo theo quy định. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa phát hiện vụ việc tham nhũng.

Hiện nay, Công an TP Đà Nẵng đang thụ lý 3 vụ/6 bị can tham nhũng. Tất cả các vụ việc này đều của năm 2020 mang sang, trong đó có 2 vụ đang trong giai đoạn điều tra và 1 vụ đã chuyển TAND quận Hải Châu thụ lý vào tháng 9/2021. (Tienphong.vn 13/12, Nguyễn Thành)Về đầu trang

Khởi tố vụ án tham ô tài sản tại Sở Nội vụ Gia Lai

Ngày 13/12, theo nguồn tin của Tiền Phong, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT)-Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Hồ Quang Thi, nguyên kế toán Sở Nội vụ Gia Lai để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”.

Ông Thi bị bắt giam vì chiếm đoạt 575 triệu đồng ngân sách khi sở này được tỉnh giao thực hiện “Dự án Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh”. Sau khi chiếm đoạt ngân sách, năm 2018, ông này bỏ việc, vào TP.HCM sinh sống.

Theo điều tra bước đầu, sai phạm trên diễn ra tại thời điểm ông Huỳnh Văn Tâm, làm Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai. Hiện ông Tâm là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai.

“Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án về tham ô tài sản, khởi tố một bị can. Những vấn đề còn lại, Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng”, nguồn tin cho biết.

Ngày 16/11 vừa qua, Thanh tra tỉnh Gia Lai ban hành kết luận thanh tra “Dự án Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh” do Sở Nội vụ Gia Lai làm chủ đầu tư.

Kết luận thanh tra xác định, sở này được cấp 2 tỷ đồng để thực hiện dự án (năm 2016) nêu trên. Dù dự án không sử dụng được nhưng Sở Nội vụ Gia Lai vẫn nghiệm thu, thanh quyết toán cho nhà thầu, gây thất thoát, lãng phí 979 triệu đồng ngân sách.

Ông Huỳnh Văn Tâm thời điểm đó giữ chức Giám đốc Sở Nội vụ, đã ký 16 ủy nhiệm chi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông Hồ Quang Thi - kế toán Sở Nội vụ, sau đó ông Thi chiếm đoạt 575 triệu đồng.

Từ sai phạm của Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị thanh tra dự án phần mềm tại 6 sở, có tổng kinh phí thực hiện hơn 220 tỷ đồng.

Liên quan đến sai phạm được nêu tại kết luận thanh tra, ngày 22/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã công bố quyết định kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Huỳnh Văn Tâm. (Tienphong.vn 13/12, Đình Văn)Về đầu trang

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt giam một đại úy thuộc trại giam Z30D

Chiều 13.12, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao đã ra quyết định bắt tạm giam một đại úy thuộc Trại giam Z30D (Bộ Công an, đóng tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận).

Liên quan thông tin Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt tạm giam một đại úy công an thuộc Trại giam Thủ Đức (Z30D - Bộ Công an), trả lời PV Thanh Niên, đại tá Lê Bá Thụy, giám thị Trại giam Thủ Đức xác nhận thông tin này. "Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao họ làm việc độc lập, nên tôi chỉ biết vậy thôi”, đại tá Lê Bá Thụy cho hay.

Theo giám thị Trại giam Z30D, đại úy bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi vi phạm khi dùng nhục hình đối với phạm nhân tại trại giam này.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cán bộ công an bị Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt giam là đại úy Nguyễn Doãn Tú, cán bộ ở một phân trại sản xuất thuộc Trại giam Z30D.

Lúc 14 giờ ngày 13.12, sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR Covid-19 đối với bị can Nguyễn Doãn Tú, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã đến Công an xã Tân Đức (H.Hàm Tân, Bình Thuận) tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định, sau đó di lý bị can Tú về TP.HCM để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, đại úy Nguyễn Doãn Tú đã bị Z30D đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Ông Tú bị khởi tố về hành vi “dùng nhục hình” đối với người đang thi hành án tù, được quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự.

Được biết, trong quá trình đưa phạm nhân đi lao động, đại úy Nguyễn Doãn Tú đã dùng nhục hình với một phạm nhân và bị phạm nhân này tố cáo.

Các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan điều tra đã được “Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp” (Vụ 6 - Viện KSND tối cao) phê chuẩn từ cuối tuần trước.

Hiện vụ bắt tạm giam đại úy công an trại Z30D đang được Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thụ lý theo quy định của pháp luật. (Thanhnien.vn 13/12, Quế Hà)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc: Người lao động được yêu cầu không về quê ăn Tết nếu 'không cần thiết'

Người lao động Trung Quốc được khuyến khích không về quê ăn Tết nếu 'không cần thiết' để tránh dịch Covid-19 lây lan sang nhiều tỉnh thành.

Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp người lao động Trung Quốc được khuyến cáo hạn chế về quê ăn Tết nếu “không cần thiết”, giữa lúc cả nước đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19. Hiện tại, tỉnh Chiết Giang đang ghi nhận số ca mới nhiễm virus corona tăng vọt.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông báo từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, 47 trường hợp tương đương gần 80% trong tổng số 59 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vào ngày 11/12 là ở tỉnh Chiết Giang. Ngoài ra, khu tự trị Nội Mông, nơi đang phải chống dịch suốt nhiều tuần qua, cũng có 10 ca mắc Covid-19 trong ngày 11/12.

Đáng nói, tính đến ngày 12/12, ổ dịch ở 3 thành phố Ninh Ba, Thiệu Hưng và Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang đã có 139 ca Covid-19 trong cộng đồng chỉ trong một tuần.

Lo ngại trước nguy cơ dịch tái bùng phát, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc đã cho thắt chặt các biện pháp phòng bệnh như hạn chế các hoạt động trong nhà. Điển hình, tại tỉnh Chiết Giang, toàn bộ trường học ở quận Trấn Hải đã chuyển sang dạy và học trực tuyến từ ngày 8/12, còn quận Thượng Ngu đã bị phong tỏa từ chiều ngày 11/12 với yêu cầu người dân và phương tiện giao thông không di chuyển ra vào khu vực, nếu không thực sự cần thiết. (Ictnews.vietnamnet.vn 13/12)Về đầu trang

Tổng thống Nam Phi mắc Covid-19, tạm chuyển giao quyền lực

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong bối cảnh sự xuất hiện của biến chủng Omicron đẩy nước này vào làn sóng lây nhiễm mới.

Bloomberg dẫn thông cáo của Văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 12/12 cho biết: "Tổng thống hiện cách ly ở Cape Town và đã bàn giao lại toàn bộ nhiệm vụ cho Phó tổng thống David Mabuza trong tuần tới. Tinh thần của Tổng thống vẫn rất tốt nhưng vẫn đang được cơ quan y tế của Bộ Quốc phòng Nam Phi theo dõi". Thông cáo cho biết thêm, Tổng thống Ramaphosa chỉ có các triệu chứng nhẹ.

Tổng thống Ramaphosa, 69 tuổi, đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 liều duy nhất của Johnson & Johnson hồi tháng 2 năm nay, song hiện chưa rõ ông đã tiêm liều tăng cường hay chưa.

Ông Ramaphosa bắt đầu cảm thấy không được khỏe từ sáng 12/12 khi tham dự lễ tưởng niệm cựu Tổng thống F.W. de Klerk, người vừa qua đời tháng trước. Sự kiện này diễn ra tuân thủ đầy đủ các quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang.

Mặc dù vậy, Văn phòng Tổng thống Nam Phi khuyến cáo, những người tiếp xúc gần với ông Ramaphosa vào hôm 12/12 nên theo dõi triệu chứng hoặc tự xét nghiệm.

Đầu tháng này, Tổng thống Ramaphosa đã công du một số nước Tây Phi, hội đàm với Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara và Tổng thống Senegal Macky Sall. Trong các chuyến công du này, ông đều được xét nghiệm Covid-19 ở nước sở tại và cả khi trở về Nam Phi hôm 8/12 và đều có kết quả âm tính.

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nam Phi đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ 4 do sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron dễ lây lan hơn Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn. WHO đánh giá, Omicron có thể vượt Delta trở thành chủng trội do khả năng lây nhiễm cao. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh, hiện chưa có đầy đủ dữ liệu để khẳng định độc lực của biến chủng này. (Dantri.com.vn 13/12, Minh Phương)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More