Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 17-01-2020

Post date: 17/01/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Thủ tướng: Tuyệt đối không can thiệp việc xử lý vi phạm nồng độ cồn. 1

2. Đo nồng độ cồn lực lượng công an để làm gương. 2

3. Tưởng xe biển xanh không phải kiểm tra nồng độ cồn. 2

4.  Hơn 1.300 tài xế bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao nhất 3

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

5.  Việt Nam đối mặt với quá nhiều thách thức về hạ tầng kết nối 4

6. Cắt giảm 12.600 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. 6

7. Chỉ vì một thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp đang khoẻ lăn đùng ra "ốm". 6

8.   Đà Nẵng xếp thứ 3 cả nước về đấu thầu qua mạng. 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

QUẢN LÝ.. 9

9.  Phú Thọ: Viên chức đang thi hành kỷ luật vẫn được tiếp nhận vào công chức. 9

10.  Tây Ninh đình chỉ thực hiện nội dung trái luật gây phiền hà cho dân. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

11.  Thủ tướng bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quỹ bảo trì đường bộ. 11

12.    Sở GT-VT Quảng Ninh: Bứt phá trong giải quyết thủ tục hành chính. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

13. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

14.  Hà Tĩnh: Bí thư thị trấn bị khai trừ Đảng. 14

THẾ GIỚI 15

15. Tổng thống Nga ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng. 15

16.Trung Quốc tăng tốc mở cửa thị trường cho các ngân hàng đầu tư lớn. 15

 TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng: Tuyệt đối không can thiệp việc xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

 Đây là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện nghiêm "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương; lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang, không có vùng cấm đối với các hành vi vi phạm. (VTV.vn 16/01)Về đầu trang

Đo nồng độ cồn lực lượng công an để làm gương

Công an tỉnh Ninh Bình đã thành lập Đoàn kiểm tra đặc biệt do Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn, đi kiểm tra nồng độ cồn trong toàn lực lượng công an.

 Công an của các đơn vị huyện, thành phố; công an các phường, xã, đồn, trạm… các lực lượng trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cho nhân dân, lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông, đảm bảo an toàn giao thông đều bị kiểm tra và lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ chiến sĩ vi phạm. Rất nghiêm.

 Công an đo nồng độ cồn người tham gia giao thông, vậy thì ai đo nồng độ cồn công an? Đây là cách làm tốt, chấn chỉnh kỷ cương trong chính lực lượng công an. Người chấp pháp phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật, khi đó mới thuyết phục được dân chúng.

 Xử lý nghiêm công an uống bia rượu lái xe cũng phải đưa ra mức cụ thể ngoài xử phạt theo quy định của Nghị định. Đưa ra hình thức kỷ luật thật nặng thì công an, có thể đuổi ra khỏi ngành nếu vi phạm nghiêm trọng, cảnh sát giao thông mới chấp hành tuyệt đối. Người dân nhìn vào đó như tấm gương soi. Công an vi phạm cũng không tha, thì đố ai dám vi phạm.

 Nhưng còn một bước nữa, không chỉ Công an tỉnh Ninh Bình mà các địa phương khác cũng kiểm tra, giám sát thật chặt, đó là phải xử thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Đã có một số ý kiến nghi ngại cảnh sát giao thông tiêu cực, “tham nhũng vặt” rồi bỏ qua người uống rượu bia lái xe. Điều này cũng đúng thôi, vì cũng có trường hợp cảnh sát giao thông tiêu cực.

 Để cho người dân chấp hành pháp luật tối đa, cụ thể ở đây là Nghị định 100, điều kiên quyết là cảnh sát giao thông không được tiêu cực, làm thật nghiêm. Khi người vi phạm không còn có cửa để “hối lộ” cảnh sát giao thông, thì sẽ không ai dám lái xe khi đã có mùi bia rượu.

 Nếu như có trường hợp người vi phạm đưa tiền và được cảnh sát giao thông cho qua, thì chắc chắn sẽ có nhiều người xem thường luật. Lúc đó xã hội lại “loạn” vì mãi lộ, tham nhũng vặt, mất đi hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

 Công an tỉnh Ninh Bình thành lập đoàn kiểm tra đi đo nồng độ cồn trong lực lượng công an, các địa phương khác cũng nên thực hiện việc này, đây là cách để thúc đẩy quy định của pháp luật đi nhanh và sâu vào đời sống.

 Có điều, việc tổ chức đoàn kiểm tra đo nồng độ cồn trong lực lượng công an không chỉ một lần làm “mẫu”, mà phải thường xuyên, thực chất. (Lao Động 16/01, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Tưởng xe biển xanh không phải kiểm tra nồng độ cồn

Chiếc xe biển xanh “thông chốt” Cảnh sát giao thông ở Hà Tĩnh được xác định là xe chở Bí thư huyện ủy Nghi Xuân. Ông Phan Tấn Linh, Bí thư huyện ủy sau đó phát biểu “Tài xế nghĩ xe biển xanh nên không phải dừng kiểm tra”. Một cái tưởng chứa đựng những bất công thực tế. Một cái tưởng không thể tưởng tượng nổi.

 Việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và nghị định 100 về xử phạt nồng độ cồn đang có những diễn biến phải nói là rất tích cực.

 Mới tinh, chiếc xe biển xanh “thông chốt” Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh được xác định là xe chở Bí thư huyện ủy Nghi Xuân. Ông Phan Tấn Linh, Bí thư huyện ủy sau đó xác nhận tối 14.1, tài xế xe 38A-0729  “nghĩ xe biển xanh nên không phải dừng kiểm tra”.

 Cũng mới tinh, Công an Ninh Bình đã lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra đột xuất nồng độ cồn tại tất cả các cơ quan, đơn vị trong lực lượng trong thời gian 24/24 giờ, đặc biệt là vào các thời gian buổi trưa, buổi tối, đặc biệt đối với các lực lượng thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc với dân.

 Có thể nói, những động thái mới, tích cực đang mang tới kỳ vọng về một thứ luật không chết yểu, kiểu quy định cấm hút thuốc, xử phạt phóng uế nơi công cộng.

 Bởi câu chuyện ở Hà Tĩnh với cái tưởng “xe biển xanh không phải dừng để kiểm tra” cho chúng ta thấy một sự thật là xe biển xanh được ưu ái quá nhiều. Nhiều đến mức “tưởng” là xe biển xanh thì không bị kiểm tra. Sự khiếm khuyết ấy cần và phải được sữa chữa, bằng sự nghiêm minh và công bằng trong thực thi công vụ. Bởi suy cho cùng, biển trắng, biển xanh, biển đỏ..., biển nào cũng có thể gây tai nạn nếu người ngồi sau tay lái là một ma men. Bởi việc kiểm tra, xử lý, không loại trừ xe công, xe tư..., đó chính là lẽ công bằng mà người dân đòi hỏi.

 Bởi việc công an kiểm tra nồng độ cồn công an - những người thực thi công vụ, hàng ngày tiếp xúc với dân - cũng chính là cách tốt nhất gây dựng hình ảnh và niềm tin. Niềm tin vào sự sự vô tư khách quan của pháp luật. Và hình ảnh mang tính chất nêu gương của thanh gươm và lá chắn.

 Việc xử lý tùy sắc áo, hay màu biển kiểm soát một chiếc xe ấy nói nhẹ, thì là sự ưu ái. Nhưng đó là một sự ưu ái không được quy định trong luật, không thể tồn tại trong thực tế. Bởi làm gì có chuyện xe biển xanh thì đương nhiên không có lỗi, không bị kiểm tra.

 Nếu muốn luật không chết yểu, nếu muốn người dân ủng hộ, chẳng còn cách nào khác là việc thực thi phải đảm bảo trước hết một cách công bằng! Trước hết là bằng việc kiểm tra xử lý - không phân biệt công tư/ biển trắng biển xanh/ nhân dân cán bộ. (Lao Động 16/01, Anh Đào)Về đầu trang

Hơn 1.300 tài xế bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao nhất

 Ngày 16/1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết trong nửa tháng qua, cảnh sát giao thông toàn quốc kiểm tra, xử lý gần 6.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 21 tỷ đồng.

 Trong số này có 60 tài xế ôtô và 1.270 xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 0,40 mg/lít khí thở), với mức phạt tài xế ôtô từ 35 đến 40 triệu đồng và xe máy 8 triệu đồng.

 Trong số các tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, có nhiều công chức vi phạm và bị cảnh sát gửi giấy về cơ quan để xử lý. Đơn cử, Công an tỉnh Thái Bình xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, lực lượng chức năng cũng xử phạt một Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện 35 triệu đồng. "Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này", đại diện Cục CSGT nói.

 Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông cho hay, sau 2 tuần xử phạt theo nghị định 100, tai nạn giao thông đã giảm mạnh. Cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, 158 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước đã giảm 31 vụ, giảm 38 người chết, giảm 57 người bị thương.

 "Toàn quốc không có vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia trong 2 tuần qua, trong khi những năm trước, thời điểm trước Tết thường có nhiều tai nạn nghiêm trọng do rượu, bia", ông Đức nói và nhận định các quán nhậu vắng cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân về an toàn giao thông đã nâng lên.

 Trả lời về lo ngại mức phạt cao sẽ khiến người vi phạm "chung chi" với cảnh sát giao thông, thiếu tướng Lê Xuân Đức nói hoạt động của CSGT theo kế hoạch của các cấp có thẩm quyền và chịu sự giám sát của người dân; nếu CSGT vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Hai tuần qua, Cục CSGT chưa nhận được khiếu nại về bất cứ trường hợp vi phạm nào.

 Bác sỹ Gia Anh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, cũng chia sẻ, mỗi năm, bệnh viên này mổ cấp cứu 10.000 ca, trong đó có 75% ca liên quan tai nạn giao thông và 60% bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu. Bệnh nhân vào bệnh viện Việt Đức thường là ca rất nặng, tỷ lệ chấn thương cao.

 Hai tuần vừa qua, số vụ cấp cứu vào bệnh viện Việt Đức do tai nạn giao thông giảm hẳn, số bệnh nhân có nồng độ cồn giảm 10% trong số ca cấp cứu.

 "Hàng chục năm qua, tôi chứng kiến nhiều vụ tai nạn rất đau thương, vợ mất chồng, chồng mất vợ, bố mẹ mất con. Giảm tai nạn giao thông là giảm tải cho cả ngành y tế. Chúng tôi mong rằng nghị định 100 được thực thi nghiêm túc về lâu dài", ông Gia Anh bày tỏ. (Vnexpress.net 16/01, Bá Đô – Đoàn Loan)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam đối mặt với quá nhiều thách thức về hạ tầng kết nối

Sáng 15-1-2020, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo phát triển Việt Nam (VDR) 2019: Việt Nam - Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại hội nghị.

 Theo tính toán của WB, trên quy mô toàn cầu, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất toàn cầu với tỷ lệ thương mại trên GDP là 190% trong năm 2018. Thông qua việc loại bỏ cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan và thực hiện cam kết trong một số hiệp định thương mại khu vực, quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tự do hóa thương mại.

 Việt Nam tiếp cận các đối tác thương mại lớn tại Đông Á, Bắc Mỹ và Châu Âu chủ yếu qua đường biển hoặc đường hàng không. Giao thương với các nước láng giềng giáp biên giới bị hạn chế và do đó giao dịch thương mại qua biên giới chỉ ở mức tối thiểu ngoại trừ biên giới phía bắc với Trung Quốc, nơi mà số lượng giao dịch tăng trưởng lớn trong những năm gần đây.

 Số lượng lớn giao dịch thương mại tập trung tại mười hai trong số bốn mươi tám cửa khẩu thương mại: hai sân bay, năm cảng biển và năm cửa khẩu đường bộ, chiếm khoảng 91% tổng giá trị thương mại trong năm 2016.

 Khi thương mại phát triển, vấn đề tắc nghẽn tại và gần các cửa khẩu quốc tế và các điểm hải quan qua biên giới cũng bắt đầu xuất hiện và gia tăng. Ngoài các đối tác thương mại lớn hiện nay, các quan hệ thương mại khu vực và các sáng kiến về kết nối liên quan đến Việt Nam, bao gồm các nước láng giềng Đông Nam Á, các quốc gia tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường", Nam Á - đặc biệt là phần lãnh thổ Ấn Độ - giúp cho các mối quan hệ thương mại phát triển nhanh chóng.

 Trong khi đó, mạng lưới giao thông Việt Nam đã được mở rộng đáng kể trong những thập kỷ qua trong đó đáng chú ý nhất là việc mở rộng mạng lưới đường bộ. Tổng chiều dài của mạng lưới đường bộ, trừ đường làng, đạt hơn 300.000 km tính đến năm 2016, bao gồm khoảng 1.000 km đường cao tốc - hệ thống đường thu phí cho phép giám sát đầy đủ tình hình giao thông trên đường.

 Việt Nam có một mạng lưới đường thủy tự nhiên rộng lớn, bao gồm gần 16.000 km đường thủy và có lưu lượng giao thông khá lớn quanh khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2.600 km đường thủy có thể đáp ứng yêu cầu đi lại của các xà lan có trọng tải lớn hơn 300 tấn; kết cấu hạ tầng bến bãi tại hầu hết các cảng thủy nội địa còn thô sơ. Đường sắt Việt Nam có tuổi thọ hàng thế kỷ chủ yếu là đường ray đơn, không dùng điện, vẫn không thay đổi trong nhiều thập kỷ qua với vốn đầu tư rất hạn chế.

 Việt Nam có hệ thống cảng biển rộng lớn, bao gồm 45 cảng và gần 200 bến. Sản lượng hàng hóa qua đường biển tiếp tục tăng, bao gồm cả hàng vận tải nội địa và vận tải đường biển tuyến ngắn. Một số cảng biển quan trọng đang hoạt động ở mức gần hoặc hết công suất, trong khi khả năng mở rộng hoặc tăng công suất là rất khó do đô thị hóa đã giới hạn diện tích.

 Sự tắc nghẽn giao thông xung quanh cảng này và dọc theo các tuyến quốc lộ kết nối với cảng đang trở nên trầm trọng hơn, gây ra sự chậm trễ trong việc di chuyển hàng hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến sự di chuyển trong đô thị của các thành phố lớn. Ngành hàng không Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, vận tải hàng không đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 10,8% mỗi năm trong giai đoạn 2009 đến 2017.

 Mặc dù tầm quan trọng của vận tải hàng không ngày càng tăng, chiếm khoảng 25% giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn hạn chế. Chỉ có bốn trong số 22 sân bay tại Việt Nam có ga hàng hóa riêng và hai sân bay có trung tâm logistic tại chỗ. Mặc dù thành công đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề kết nối.

 Chất lượng và mức độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không đồng đều trên cả nước; một số hành lang thương mại quan trọng và các cửa ngõ quốc tế đang ngày càng tắc nghẽn trong khi một số khác thì không tận dụng được khả năng; dịch vụ logistics kém phát triển, đặc biệt là phân khúc phục vụ thị trường trong nước. Thiên tai và các mối nguy hiểm khác ngày càng gia tăng ảnh hưởng đối với kết cấu hạ tầng và cách thức kinh doanh của đất nước. (Cafef.vn 16/01)Về đầu trang

Cắt giảm 12.600 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, năm qua Bộ Tài chính đã ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho 18/22 nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành; thực hiện cắt giảm 12.600/82.698 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc các Bộ Y tế, GTVT, NN-PTNT, Công thương, KH-CN, Công an, KH-ĐT.

 Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); ban hành 20/53 Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương thức quản lý rủi ro từ trước thông quan sang sau thông quan…

 Kết quả, đến nay số lượng tờ khai nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chỉ chiếm khoảng 19% (thời điểm cuối năm 2015 là 30% - 35%). (Sggp.org.vn 16/1, Hàn Ni) Về đầu trang

Chỉ vì một thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp đang khoẻ lăn đùng ra "ốm"

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nói: “Hiện trạng thực thi pháp luật hiện nay đang tạo ra rủi ro rất lớn, là một trong các rào cản hạn chế khu vực kinh tế tư nhân không dám lớn. DN đang hoạt động bình thường có thể ngay lập tức rơi vào tình thế khó khăn khi một thông tư hướng dẫn thay đổi mức nộp thuế, thời hạn nộp thuế.

 “Rất nhiều trường hợp, cùng một nội dung của Luật, nhưng cách giải thích và áp dụng vào tháng sau khác tháng trước, ở địa phương này khác với địa phương khác, Bộ này khác Bộ khác..., nhưng doanh nghiệp (DN) không thể yêu cầu Tòa án hủy bỏ hay thay đổi thông tư không phù hợp với Luật liên quan”, ông Cung nói tiếp câu chuyện.

 * Ông đã từng nói: “Thực thi pháp luật ở Việt Nam theo kiểu “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”…

 Tôi muốn nói đến chuyện thiếu nhất quán, thiếu minh bạch và nhất là không dự đoán trước được chuyện thực thi pháp luật ở nước ta, cứ vòng vòng như vậy. Thực trạng đó có nguyên nhân, trước hết từ “cơ cấu” hệ thống các quy định pháp luật và cách thức thực thi. Trong hệ thống pháp luật, cứ mỗi Luật sẽ có vài nghị định của Chính phủ và hàng chục thông tư hướng dẫn thi hành của các Bộ liên quan. Dù nội dung của Luật không thay đổi, nhưng cách thức hướng dẫn thi hành lại thay đổi, làm sai lệch nội dung của Luật...

 Thực tế, DN phải thực hiện thông tư của các Bộ hơn là luật do Quốc hội ban hành. Trong thi hành công vụ, không ít công chức đã tùy nghi giải thích và áp dụng, thậm chí lợi dụng quyền hạn được giao để tư lợi. Thực thi pháp luật như vậy là rào cản hạn chế kinh tế tư nhân phát triển.

 * DN không dám hay không muốn lớn? Lớn là có tội sao, thưa ông?

 Tôi đã nhiều lần nói rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vừa không muốn lớn, vừa không thể lớn lên được. Qua nhiều năm quan sát, tôi thấy đại đa số DN ở nước ta cứ giữ quy mô nhỏ, rất ít phát triển thành quy mô vừa và càng rất ít phát triển lên quy mô lớn. Đây là điều rất đáng suy ngẫm.

 Tôi cho rằng họ không muốn lớn hay sợ lớn là do rủi ro pháp lý rất lớn, rất đa dạng và khó lường. Thêm vào đó, chúng ta chưa có định chế giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại, cũng như tranh chấp giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước. DN đang hoạt động bình thường có thể ngay lập tức rơi vào tình thế khó khăn khi một thông tư hướng dẫn thay đổi mức nộp thuế, thời hạn nộp thuế... Hay một đoàn thanh tra ra kết luận cho là doanh nghiệp không tuân thủ, hay vi phạm pháp luật theo cách hiểu của thanh tra viên... DN thiệt hại nhưng họ lại không có công cụ hữu hiệu để bảo vệ tài sản và lợi ích của mình.

 Bên cạnh đó, có DN muốn lớn nhưng không lớn được. Do họ không được quyền tiếp cận trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng các nguồn lực xã hội, như đất đai, tiền vốn… để phát triển.   

 * Là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về tác động của “đứa con” trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh những năm qua?

 Mục đích củacải cách là phát triển xã hội. Đó là công lao, đóng góp của nhiều người, nhiều nhóm xã hội… Luật doanh nghiệp không phải là ngoại lệ. Năm 1990, Quốc hội ban hành 2 luật rất quan trọng, đó là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Năm 1999, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp thay thế Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Luật Doanh nghiệp được bổ sung sửa đổi lần thứ nhất vào năm 2005 và lần thứ hai vào năm 2014. Không ít ý kiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp là một trong số các cải cách thành công nhất của Việt Nam cho đến nay, có người còn so sánh “Luật Doanh nghiệp năm 1999 với Khoán 10 trong nông nghiệp”.

 Đầu năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: “Luật Doanh nghiệp đã thổi một làn gió mới vào môi trường kinh doanh Việt Nam”. Trên thực tế, Luật Doanh nghiệp đã bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân theo nguyên tắc được kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm; số ngành nghề hạn chế và cấm kinh doanh ngày càng thu hẹp dần.

 Theo tôi, đồng thời với tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp hướng đến bảo đảm an toàn, giảm rủi ro và chi phí cho DN trong kinh doanh.

 * Nhiều DN quan tâm đến việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh rắc rối, phức tạp, nhưng việc này dường như đã thất bại? Theo ông, cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh như thế nào?

 Nói thất bại có lẽ hơi nặng, chưa phản ảnh hết nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong nhiều nhiệm kỳ. Gần 20 năm qua, đã có hai đợt cắt giảm mạnh các quy định về điều kiện kinh doanh. Đợt thứ nhất: 2000 - 2003 và đợt thứ hai là nhiệm kỳ hiện nay. Sau mỗi đợt cắt giảm, môi trường kinh doanh có cải thiện, theo hướng quyền tự do kinh doanh được mở rộng hơn, bình đẳng hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn, giảm được tình trạng sách nhiễu… Chưa thành công ở chỗ là không đạt được đầy đủ các mục tiêu, và điều quan tâm hơn là “không có gì bảo đảm chắc chắn rằng hàng nghìn điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ sẽ không “quay lại” dưới các hình khác”.

 * Cởi trói để phát triển là một giải pháp tận dụng các cơ hội được ông nhiều lần nói tại các diễn đàn kinh tế. Theo ông, nên cởi trói ở mức độ nào? Làm sao để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực mà không dựa vào các mối quan hệ, thậm chí là sẵn sàng làm trái luật?

 Qua nghiên cứu và theo dõi kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do, nhất là từ khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã và đang tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tôi cho rằng phải cải cách trong nước một cách mạnh mẽ và nhất quán theo hướng thị trường, thị trường và thị trường hơn; giải quyết triệt để các vấn đề của môi trường kinh doanh thì cơ hội từ các hiệp định thương mại mới đến được với DNTN! Nếu không, mãi mãi chỉ có thách thức, còn cơ hội lại dành cho FDI tại Việt Nam. (Danviet.vn 16/01, Quốc Hải)Về đầu trang

Đà Nẵng xếp thứ 3 cả nước về đấu thầu qua mạng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng thực hiện ở các địa phương năm 2019, kết quả, thành phố Đà Nẵng xếp vị trí thứ 3 sau 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa.

 Theo chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi trên cả nước đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

 Trong năm 2019, tỷ lệ số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng của Đà Nẵng là 62,1% (498/802 gói thầu); tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng là 32,8% (1.260/3.846 tỷ đồng). Như vậy, tỷ lệ đấu thầu qua mạng của thành phố Đà Nẵng đã vượt chỉ tiêu so với nghị quyết đặt ra của Chính phủ.

 Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu đã tăng đáng kể, số lượng và giá trị các gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng cũng tăng.

 Chỉ tiêu về đấu thầu qua mạng đã được UBND thành phố Đà Nẵng đề ra đạt tối thiểu 60% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ (gói thầu xây lắp nhỏ hơn 20 tỷ, mua sắm hàng hóa dưới 10 tỷ đồng) và 15% về tổng giá trị gói thầu trong năm 2019.

 Về chỉ tiêu này, trong năm 2019, số lượng gói thầu quy mô nhỏ thực hiện đấu thầu qua mạng là 492 gói thầu, đạt tỷ lệ 65,3% (492/753 gói thầu); tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng là 967 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 48,2% (967/2.006 tỷ đồng). (Baodautu.vn 16/1, Hoàng Anh) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

 QUẢN LÝ

Phú Thọ: Viên chức đang thi hành kỷ luật vẫn được tiếp nhận vào công chức

Đây là một trong những tồn tại được Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra tại Thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Phú Thọ, giai đoạn từ 2017 đến 31/7/2019.

 Kết luận thanh tra cho thấy, tại thời điểm thanh tra trực tiếp, UBND tỉnh Phú Thọ chưa phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm đối với Sở Ngoại vụ; UBND tỉnh giao 48 biên chế viên chức làm việc trong 2 cơ quan hành chính nhà nước; còn có cơ quan, tổ chức sử dụng vượt quá 1 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP so với chỉ tiêu được UBND tỉnh giao.

 Đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, qua kiểm tra 80 hồ sơ cho thấy, các trường hợp này được UBND tỉnh thực hiện theo thẩm quyền, cơ bản đã đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.

 Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, có 1 viên chức đang trong thời gian thi hành kỷ luật được tiếp nhận vào công chức, 4 công chức được tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; Hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức và xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên có 8 thành viên.

 Về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý, quá trình thực hiện vẫn còn hạn chế về điều kiện, tiêu chuẩn: có 04 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được tuyển dụng vào công chức theo chính sách thu hút của tỉnh; 2 công chức được bổ nhiệm trước ngày 28/12/2017 chưa có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B. Về trình tự, thủ tục, thời điểm làm quy trình và ban hành quyết định bổ nhiệm lại đối với 24 công chức còn chậm so với quy định.

 Về số lượng cấp phó công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý tại thời điểm thanh tra, vẫn có phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có số lượng cấp phó vượt quá so với quy định 1 người.

 Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, tổ chức báo cáo cấp ủy cùng cấp tiến hành đánh giá năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, kết quả xếp loại hàng năm đối với 6 trường hợp (5 trường hợp được tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh; 1 trường hợp được tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt) để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và theo hướng dẫn chung tại thông báo kết luận số 43/2017 của Bộ Chính trị, kết luận số 48/2019 của Ban Bí thư và các văn bản hướng dẫn của Đảng.

 Đồng thời, rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với các trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ tháng 6/2012 đến nay, kịp thời phát hiện các trường hợp được bổ nhiệm trước ngày 28/12/2017 còn chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn cử đi đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung, hoàn thiện theo quy định.

 Miễn nhiệm, không bổ nhiệm lại, thu hồi quyết định bổ nhiệm đối với các trường hợp từ sau ngày 28/12/2017 không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm về trình tự, thủ tục được quy định tại các văn bản của Đảng. 

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng lưu ý Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức cùng chịu trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế có liên quan nêu trong kết luận thanh tra này; Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có hình thức xử lý theo quy định. (Thanhtra.com.vn 15/1, Phương Anh) Về đầu trang

Tây Ninh đình chỉ thực hiện nội dung trái luật gây phiền hà cho dân

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tinh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định sẽ đình chỉ thục hiện ngay những nội dung trái luật của Quyết định 15 mà tỉnh này ban hành trước đó, khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

 Trao đổi với PV Tiền Phong trưa nay (15/1), ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, liên quan Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh (Quyết định 15) là do ông ký. Tuy nhiên UBND tỉnh sẽ không thu hồi dù vừa bị Cục Kiểm tra văn bản (KTVB)- Bộ Tư pháp vừa có Kết luận kiểm tra (KLKT) là trái luật.

 Theo Cục KTVB, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định 15 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Qua kiểm tra, Cục KTVB cho rằng Quyết định 15 trái pháp luật. 

Cụ thể: Theo Quyết định 15 của UBND tỉnh Tây Ninh thì việc tách thửa đất có diện tích từ 500m2-2.000m2, người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đấu nối đường giao thông hiện hữu.

 KLKT của Cục KTVB cho rằng, các quy định trên của UBND tỉnh Tây Ninh là không phù hợp với quy định của thông tư số 24/2014/BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT khi thông tư chỉ quy định khi tách thửa, người dân chỉ nộp 2 Đơn đề nghị tách thửa và Bản gốc Giấy CNQSDĐ. Còn Nghị định số 49/2014/NĐ-CP thì 1 số thủ tục hoặc tài liệu khác do cơ quan nhà nước thực hiện.

 “Quyết định 15 ngoài việc không phù hợp mà còn tăng thêm chi phí thủ tục hành chính, gây phiền hà cho người dân khi tách thửa đất” – Cục này nêu.

 Từ các sai phạm trong việc ban hành Quyết định 15, Cục này kiến nghị xử lý những nội dung không phù hợp pháp luật của Quyết định 15, rà soát quá trình thực hiện Quyết định 15, để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định không phù hợp pháp luật gây ra.

 Ngoài ra Cục KTVB cũng  kiến nghị xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trong việc xây dựng, ban hành Quyết định 15, thông báo kết quả xử lý cho Cục  trong thời hạn 30 ngày theo quy định của chính phủ.

 Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc xác nhận ông là người ký tên QĐ số 15 và giải thích rằng: “Quyết định 15 đã được tập thể UBND tỉnh Tây Ninh đồng thuận, tôi là người phụ trách lĩnh vực này và ký ban hành”.

 Trả lời câu hỏi của phóng viên là nay QĐ 15 bị xem là trái luật, UBND tỉnh Tây Ninh có thu hồi không? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định: “Không thu hồi QĐ 15, chúng tôi chỉnh sửa cho phù hợp với ý kiến của Cục KTVB thôi”.

 Về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân như đề nghị của Cục này, ông Ngọc nói: “Thật ra anh em sở, ngành không tư lợi gì, vì quyết tâm chính trị, nôn nóng nên làm nhanh thôi, cũng chưa có hậu quả gì”.

 “Tỉnh không kỷ luật ai, nhưng mà chúng tôi có kiểm điểm, nhắc nhở anh em rút kinh nghiệm", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho hay. (Tienphong.vn 15/1, Tân Châu) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thủ tướng bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quỹ bảo trì đường bộ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 09/2020/NĐ-CP bảo bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quỹ bảo trì đường bộ.

 Trong đó, bãi bỏ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012; Nghị định số 56/2014/NĐ-Cp ngày 30/5/2014 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về quỹ bảo trì đường bộ. Nghị định số 28/2016/NĐ-Cp ngày 20/4/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2014/NĐ-Cp ngày 30/5/2014 và Nghị định số 18/2012 ngày 13/3/2012 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ.

 Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về phí, ngân sách nhà nước. Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương, sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ.

 Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Trung ương cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương . Nguyên tắc, tiêu chí phân chia nguồn thư từng địa phương, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện từ năm 2021.

 Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải thực hiện xử lý các vấn đề về tổ chức, hoạt động tài chính của quỹ bảo trì đường bộ Trung ương theo quy định của pháp luật khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 Đối với UBND cấp tỉnh thực hiện xử lý các vấn đề về tổ chức, hoạt động, tài chính của quỹ bảo trì được bộ địa phương theo quy định của pháp luật khi nghị định này có hiệu lực thi hành. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2020 và áp dụng từ năm tài chính 2020...

 Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành dự thảo nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành về Quỹ Bảo trì đường bộ. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất bãi bỏ bốn văn bản quy phạm pháp luật về quỹ này.

 Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị bãi bỏ văn bản quyết định năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương để phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

 Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo các quy định hiện hành, phí sử dụng đường bộ được thu hằng năm trên đầu phương tiện phải nộp vào ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng theo Luật ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc quản lý quỹ bảo trì đường bộ thông qua Hội đồng quản lý quỹ là chưa phù hợp.

 Theo đó, Thủ tướng đồng ý giao cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng nghị định trên theo hướng giải thể tổ chức quỹ bảo trì đường bộ và Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ Trung ương. Đồng thời, việc bãi bỏ các quyết định trên do Thủ tướng Chính phủ ban hành là đủ cơ sở pháp lý. (Danviet.vn 16/01, Thế Anh)Về đầu trang

Sở GT-VT Quảng Ninh: Bứt phá trong giải quyết thủ tục hành chính

Năm 2019, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết hơn 2,1 triệu hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) thì Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã giải quyết trên 1 triệu hồ sơ, 100% được giải quyết trước và đúng hạn. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ qua các dịch vụ bưu chính công ích của Sở đạt 76% (gấp khoảng 3 lần so với tỷ lệ chung toàn tỉnh và cao nhất so với các đơn vị khác). Điều này cho thấy, sự cố gắng và nỗ lực không nhỏ của Sở GT-VT trong giải quyết TTHC công cho người dân.

 Một trong những nỗ lực lớn nhất của Sở GT-VT trong năm 2019 là đã triển khai đồng loạt việc cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại 6 bưu cục là Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Móng Cái và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đây là những khu vực có tỷ lệ phát sinh hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe cao nhất toàn tỉnh. Việc cung cấp dịch vụ thông qua một tổ chức trung gian đã giúp cho công dân và các tổ chức không phải đi lại nhiều lần đến bộ phận "một cửa" của Sở như trước, mà giờ chỉ cần một lần đến điểm phục vụ bưu điện gần nhất để làm thủ tục.

 Đặc biệt, nhân viên bưu điện thực hiện tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX vào cả ngày thứ bảy và chủ nhật; đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho công dân hoàn thiện thủ tục, tránh việc hồ sơ không đúng phải hoàn trả nhiều lần. Cán bộ của Sở sẽ chỉ tiến hành giám sát, thẩm định, giải quyết và trả kết quả hồ sơ trên hệ thống. Sau khi có kết quả, nhân viên bưu điện sẽ trả GPLX đến tận nhà theo nhu cầu của người dân. Với cách làm này, ngoài những tiện ích mang lại cho người dân, Sở GT-VT cũng giảm nhân lực vận hành bộ máy phục vụ để tập trung cho các nhiệm vụ chuyên môn. Thống kê đến hết năm 2019, Sở GT-VT đã có gần 15.000 GPLX được cấp đổi qua dịch vụ bưu chính công ích.

 Xác định cải cách hành chính tiếp tục là chìa khoá xác lập vai trò tiên phong của tỉnh trong triển khai chính quyền số, chính quyền điện tử, Sở đã đưa 98 TTHC vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 100% các thủ tục này đều được triển khai ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Để đảm bảo chất lượng công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ và tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân đến giao dịch, năm qua, Sở cũng đã rà soát, lựa chọn cán bộ có đủ thẩm quyền, năng lực, trình độ chuyên môn để có thể thẩm định được TTHC hoặc thẩm định, phê duyệt TTHC ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh khi được ủy quyền. Sở tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để giới thiệu, trao đổi, hướng dẫn nếu các quy định pháp luật có sự điều chỉnh; giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị theo hướng “Rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm”.

 Đồng thời, Sở GT-VT đã tập trung nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó đề xuất bổ sung, sửa đổi, chuẩn hóa cho phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định của pháp luật theo hướng đơn giản và dễ thực hiện. Đến nay, tất cả các thủ tục giải quyết theo quy định từ 5 ngày trở lên đều đã được cắt giảm ít nhất 30% về thời gian. Đáng chú ý là một loạt các thủ tục dưới 3 ngày theo quy định đã được cắt giảm tối đa và giải quyết đồng thời, tức thời ngay tại chỗ, tức là chỉ trong vòng 5-10 phút nếu đầy đủ hồ sơ theo quy định. Đơn cử như việc gia hạn giấy phép vận tải và thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của Trung Quốc; cấp giấy phép vận tải loại A, E hoặc loại B, C, F, G lần đầu trong năm; cấp giấy phép vận tải cho xe công vụ... (Baoquangninh.com.vn 15/1, Hoàng Nga) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Chiều 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ là khiếm khuyết nếu Thủ tướng không dự hội nghị này, bởi các doanh nghiệp Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, bên cạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 Đánh giá về hoạt động của Ủy ban và 19 doanh nghiệp trực thuộc trong năm 2019, Thủ tướng cho rằng cả hai đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2019 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt gần 100.000 tỷ và nộp ngân sách đạt trên 221.000 tỷ đồng, tăng trên 17% so với năm 2018. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Petrolimex và Mobifone dù gặp nhiều sự cố nhưng đã vượt qua được khó khăn để vươn lên bảo đảm cân đối lớn cho nền kinh tế.

 Hiện chỉ có 3 tổng công ty là Lương thực miền Nam, Hóa chất và Cà phê đang làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn tổng công ty, với trách nhiệm đảng viên phải nhìn thẳng vào sự thật và lỗi chủ quan của mình để có giải pháp đối với hai vấn đề lớn nhất là chậm cổ phần hóa và chậm đầu tư các dự án mới. Vì gần 4 năm nay, 19 doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế này không hề có một dự án đầu tư mới nào.

 Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cách đây 1 năm là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không phải là cấp hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, do đó Ủy ban phải có trách nhiệm rà soát lại những vướng mắc trong trình tự, thủ tục đầu tư tại các tập đoàn tổng, công ty. Nếu cơ chế chính sách thực hiện thẩm quyền quản lý đầu tư còn chồng chéo, chưa rõ ràng, Ủy ban phải đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội sửa, còn những vấn đề vướng do Nghị định cũng phải đề xuất trình Chính phủ chứ không nói chung chung như thời gian vừa qua. Bởi đầu tư dự án mới đối với doanh nghiệp hết sức quan trọng nên bị dừng lại như vừa qua là hết sức nguy hiểm.

 Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải làm tốt hơn công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như phải luôn luôn có kế hoạch thay thế cán bộ không để khoảng trống quyền lực do khuyết lãnh đạo ở một số tập đoàn như hiện nay vì ở Mobifone đang thiếu tới một nửa lãnh đạo.

 Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhà nước sẽ khó vững mạnh nếu không chú ý tới công tác Đảng hoặc Đảng không lãnh đạo để bê bết cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Do đó, lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước không được để tình trạng "sân trước", "sân sau", "vườn rau" mà cần minh bạch để phòng xa tai họa có thể gánh phải, nếu có phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nền kinh tế luôn cần những quả đấm thép nhưng nếu doanh nghiệp Nhà nước không đảm nhiệm được vai trò này thì doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ làm. (VTV.vn 16/01)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hà Tĩnh: Bí thư thị trấn bị khai trừ Đảng

Một tháng sau khi mất chức Chủ tịch thị trấn Lộc Hà, ông Phan Đình Cương, Bí thư thị trấn, bị khai trừ Đảng vì vi phạm quản lý đất đai, tài chính.

 Quyết định kỷ luật đối với ông Cương được Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh thông báo ngày 16/1. Ngoài ra, Ban thường vụ Huyện ủy Lộc Hà nhiệm kỳ 2010-2015 bị khiển trách vì liên đới sai phạm của cấp dưới.

 Nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà) chỉ đạo thu tiền các hộ gia đình, cá nhân xin giao đất làm nhà ở trái quy định. Lãnh đạo xã thiếu trách nhiệm giám sát, để nhiều cán bộ sai sót trong quản lý đất đai, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản.

 Ông Cương với cương vị huyện ủy viên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã được cho là thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định của Đảng và nhà nước trong quá trình phụ trách những lĩnh vực trên.

 Tỉnh ủy Hà Tĩnh đánh giá những vi phạm trên gây hậu quả nghiêm trọng, để lại hệ lụy khó khắc phục, tạo dư luận xấu đến cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật.

 Tháng 12/2019, ông Cương đã bị cách hết chức vụ về mặt chính quyền. (Vnexpress.net 16/01, Đức Hùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Nga ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng

Ngay sau khi được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua, chiều 16/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới.

 Việc bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm người đứng đầu Chính phủ Nga được coi là một phần trong kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị được Tổng thống Putin thông báo trong diễn văn Thông điệp Liên bang ngày 15/1.

 Trước đó cùng ngày, với 383/424 phiếu ủng hộ, không có phiếu chống và 41 phiếu trắng, Duma Quốc gia Nga đã thông qua đề xuất của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới của Nga.

 Ông Mishustin cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân. Ông nói: "Chúng tôi có tất cả các nguồn lực cần  thiết để hoàn thành các mục tiêu do Tổng thống đặt ra". Theo ông Mishustin, Tổng thống Putin muốn nội các mới tập trung vào tăng trưởng kinh tế và giúp tạo ra nhiều việc làm mới, trong đó tăng thu nhập được coi là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

 Tổng thống Putin đã nêu đề xuất thay đổi hiến pháp, theo đó đề nghị thay đổi phương thức bổ nhiệm chính phủ theo cách Quốc hội đề xuất các ứng cử viên và tổng thống không có quyền từ chối đề cử của Quốc hội vào các cương vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và bộ trưởng thay cho việc Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng.

 Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giữ quyền xác định các ưu tiên của chính phủ và quyền bãi nhiệm các thành viên chính phủ. Tổng thống vẫn kiểm soát trực tiếp hệ thống phòng thủ. Đồng thời, việc bổ nhiệm người đứng đầu các bộ sức mạnh sau khi tham khảo ý kiến với Hội đồng Liên bang (Thượng viện). (VTV.vn 16/01)Về đầu trang

Trung Quốc tăng tốc mở cửa thị trường cho các ngân hàng đầu tư lớn

Trung Quốc đang tăng tốc mở cửa thị trường vốn cho các ngân hàng đầu tư lớn trên toàn cầu.

 Kể từ tháng 4 tới, ngân hàng nước ngoài có thể thành lập các đơn vị 100% vốn nước ngoài để thực hiện các giao dịch ngân hàng và chứng khoán đầu tư tại Trung Quốc.

 Trung Quốc kỳ vọng các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ bơm 1.000 tỷ USD vào nước này trong vài năm tới, giúp thúc đẩy nền kinh tế và góp phần chuyển đổi sang mô hình kinh tế tiêu dùng. (VTV.vn 16/01)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More