Chủ động ứng phó với mưa lũ

Post date: 12/10/2023

Font size : A- A A+

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ ngày 11/10 đến 12/10/2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có khả năng mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến 80-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, có thể kéo dài, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN kiêm BCH Phòng thủ dân sự tỉnh đã ban hành văn bản số 156/CV-BCH ngày 10/10/2023 về việc chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TCKN kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự/Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nhất là hình thế gây mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
2. Chủ động kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn có khả năng kéo dài, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn (đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi phòng không xã Đức Hóa, sạt lở thôn 5, 8 thị trấn Quy Đạt…); kiểm tra, rà soát đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò; khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi… khi mưa lũ xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
3. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các huyện, thị
xã, thành phố và các Sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đê kè, hồ chứa nước, các công trình ven sông, suối, vùng ven biển chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho công trình và người lao động.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du. 
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
6. Sở Giao thông Vận tải kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. 
7. Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến của thời tiết nguy hiểm, nhất là hình thế gây mưa lớn, kéo dài để phục vụ công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
8. Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình, cơ quan truyền thông trên địa bàn, hệ thống truyền thông cơ sở thường xuyên cập nhật về diễn biến thời tiết nguy hiểm, nhất là hình thế gây mưa lớn, kéo dài để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
9. Thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh.

TL
 

More