Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 08-9-2020

Post date: 08/09/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Sẽ chỉ còn 2 trường hợp chưa nghỉ hết phép được trả tiền. 1

2.                Từ 15/10, bán mỹ phẩm giả có thể bị phạt đến 100 triệu đồng. 2

TIN QUỐC HỘI 2

3.                Bộ trưởng Công Thương lý giải vì sao 9 lần điều chỉnh, giá điện đều tăng. 2

4.                Bộ Công an báo cáo Quốc hội dự luật về quản lý giấy phép lái xe 12 điểm/năm.. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

5.                Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị tác động rất ít so với thế giới 5

6.                Việt Nam sẽ đón nhiều dự án tỷ đô của các "ông lớn" công nghệ?. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

7.                Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm: Bài học cảnh tỉnh, ngăn người khác mắc sai lầm.. 6

QUẢN LÝ.. 8

8.                Đại hội Đảng cấp trên cơ sở: 40% Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương. 8

9.                Có người đứng đầu còn bao che cho tham nhũng. 8

10.             Công đoàn "dư" 29.000 tỷ đồng, sử dụng chưa hiệu quả. 9

11.             Bí thư Bình Dương: “Không để dân bức xúc phải nhờ đến lãnh đạo can thiệp”. 10

12.             TPHCM: Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

13.             Từ 1/10/2020: Triển khai 24 dịch vụ công trực tuyến về xuất nhập khẩu. 11

14.             Sắp tới, tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm sẽ rất dễ dàng. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

15.             Vụ án ở xã Đồng Tâm: Không chấp nhận đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung. 12

16.             Thanh Hóa: Có "quan hệ không trong sáng" với cấp dưới, Trưởng phòng GD-ĐT bị kỷ luật 13

17.             Thất thoát 12 tỷ đồng, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai bị khởi tố. 13

THẾ GIỚI 14

18.             Síp: Sẽ tước quốc tịch 7 người được cấp "hộ chiếu vàng", xem xét khoảng 4.000 trường hợp khác. 14

19.             Hàn Quốc dự kiến tung ra gói ngân sách bổ sung thứ tư gần 6 tỷ USD.. 14

 CHÍNH SÁCH MỚI

Sẽ chỉ còn 2 trường hợp chưa nghỉ hết phép được trả tiền

Bộ Luật Lao động năm 2019 bổ sung nhiều quy định mới ảnh hưởng đến đại bộ phận người lao động sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Trong đó có việc thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ.

 Theo quy định hiện nay, Điều 114 Bộ Luật Lao động năm 2012, người lao động khi chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác.

 Nhưng từ đầu năm 2021, Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, chỉ có 2 trường hợp (do thôi việc hoặc do bị mất việc làm) mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì người lao động mới được công ty thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ.

 Ngoài ra, với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng, Bộ Luật Lao động 2019 cũng bỏ quy định "Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền". Đồng thời, thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỉ lệ tương ứng với số tháng làm việc (hiện nay đang tính theo số thời gian làm việc).

 Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần phải nắm rõ những quy định về việc thanh toán tiền cho những ngày chưa nghỉ phép từ 1-1-2021 theo quy định mới tại Bộ Luật Lao động đã được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2019. (Nld.com.vn 07/9)Về đầu trang

Từ 15/10, bán mỹ phẩm giả có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Đây là mức tiền phạt cao nhất được đưa ra tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

 Theo Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa bị phạt 50 triệu đồng nếu hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Nghĩa là nếu buôn bán mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị phạt đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1-3 tháng và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.

 Trong đó, mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì là hàng hóa có nhãn hoặc bao bì giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu mỹ phẩm; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…

 Nghị định này ban hành ngày 26/8/2020 và có hiệu lực từ 15/10/2020. (VTV.vn 06/9)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Bộ trưởng Công Thương lý giải vì sao 9 lần điều chỉnh, giá điện đều tăng

Sáng 7.9, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chủ trì phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giữa Thường trực Ủy ban Kinh tế với Bộ Công Thương và một số đơn vị liên quan.

 Tại phiên giải trình, ông Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi cho Bộ Công Thương về việc quy hoạch điện của Việt Nam vừa qua "còn có phần xơ cứng, chậm điều chỉnh, chậm cập nhật tình hình, cho nên chúng ta mất cơ hội để phát triển điện lực".

 Giải trình về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho hay, những tồn tại, hạn chế của Tổng sơ đồ Điện VII, Bộ Công Thương cũng đã nhìn thấy, đồng thời có đánh giá, dự báo về thị trường năng lượng. Trong đó, có câu chuyện về phát triển năng lượng mới, câu chuyện đổi mới cơ chế quản lý.

 Bộ trưởng Công Thương lấy ví dụ về năng lượng tái tạo; theo đó, trong tổng sơ đồ Điện VII và Điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương tính toán đến năm 2020 chỉ có 600MW, nhưng trên thực tế, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên chưa dự báo hết sự phát triển mạnh mẽ và vai trò rất lớn của năng lượng tái tạo. Điều này "đúng là có phần xơ cứng, thiếu chủ động, chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó".

 Hay như câu chuyện phát triển dầu khí Việt Nam, với trữ lượng dầu khí ngày càng suy giảm, nguồn khí bổ sung cho điện khí cũng thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vấn đề cung cầu năng lượng.

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: "Đây là câu chuyện không dự báo trước được cho phương án đảm bảo tăng cường nguồn khí để phát triển năng lượng".

 Từ những lý lẽ trên, Bộ trưởng Công Thương cho biết, trong chừng mực nào đó "đã bỏ lỡ cơ hội tăng nguồn cung, tăng sự ổn định về mặt cung cầu, bó hẹp khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Tuy nhiên, Bộ đã có những giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên; sẽ có những điều chỉnh, khắc phục những hạn chế trong Quy hoạch Điện VIII".

 Trả lời câu hỏi "câu chuyện giá điện đã vận hành theo cơ chế thị trường chưa?", ông Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành điện đang hướng đến một thị trường điện cạnh tranh, thực hiện theo từng mức độ.

 "Về phát triển thị trường điện cạnh tranh, chúng ta có hơn 94 nhà máy điện đã tham gia vào phát triển thị trường điện cạnh tranh. Chúng ta sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh, với sự tham gia của các tổng công ty lớn.

 Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm củng cố hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đồng thời triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

 Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm về việc "Vì sao trong 9 lần điều chỉnh, giá điện đều tăng", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích: Trong khoảng thời gian từ 2011 – 2020, khi thực hiện cơ chế giá điện cạnh tranh, chúng ta chưa có cơ hội đảm bảo cân đối và đảm bảo cơ cấu giá thành điện sản xuất của EVN và các doanh nghiệp đầu tư.

 "Trên thực tế, cơ cấu giá điện đầu vào, cũng như các chi phí khác luôn luôn tăng, đó là lý do trong 9 lần điều chỉnh, giá điện đều tăng"- Bộ trưởng Bộ Công Thương nói. (Laodong.vn 07/9, Cường Ngô)Về đầu trang

Bộ Công an báo cáo Quốc hội dự luật về quản lý giấy phép lái xe 12 điểm/năm

Tờ trình số 399 về dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Chính phủ (do Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký ngày 4/9) vừa gửi tới các cơ quan của Quốc hội để phục vụ việc thẩm tra chỉ giữ 1 phương án quy định về nội dung đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

 Đây là dự án luật được tách ra từ luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, cùng thời điểm này, Chính phủ đang làm song song 2 dự án luật về lĩnh vực này: dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). 

Nguyên tắc đề ra là luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hướng tới mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Còn luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), mục tiêu lớn nhất là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.

 Đại tướng Tô Lâm báo cáo, trong quá trình xây dựng dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước, qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.

 Theo Bộ trưởng Công an, nội dung dự luật được thể hiện theo đúng quan điểm được Chính phủ thống nhất trong Nghị quyết 123 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020 của Chính phủ (ban hành ngày 31/8 vừa qua).

 Theo đó, giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng. Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại. Nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.

 Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cũng vẫn báo cáo 2 phương án quy định về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một vấn đề cần xin ý kiến với chú thích “đa số thành viên Chính phủ đồng ý với Phương án 1.

 Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người.

 Phương án 2 vẫn được Chính phủ đưa ra “để Quốc hội tham khảo” vì từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định, nay đang được xã hội hóa mạnh mẽ.

 Tờ trình nêu phân tích, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng kưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. (Dantri.com.vn 07/9, Phương Thảo)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị tác động rất ít so với thế giới

Việt Nam đang được xác định là điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, như việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tích cực và hiệu quả. 

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để tận dụng làn sóng đầu tư mới này thì Việt Nam phải khác trước đây, đó là thị trường minh bạch, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. Có như vậy thì Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư, biến các tiềm năng trở thành sức mạnh cho nền kinh tế, đứng vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

 Ông Đỗ Nhật Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đầu tư của thế giới năm 2020 có thể giảm từ 40% và các nền kinh tế thế giới thì giảm sâu, thậm chí âm. Trong khi ở Việt Nam, vốn đăng ký mới tăng thêm gần 20 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ, vốn giải ngân giảm hơn 5% so với cùng kỳ. So với thế giới, Việt Nam giảm rất ít.

 Đặc biệt, Việt Nam có một tín hiệu đáng mừng là số dự án đăng ký mới tăng 6,6%, dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Con số xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ giảm 5 đến 6%. Điều đó chứng tỏ rằng các doanh nghiệp trong khối đầu tư nước ngoài vẫn bị tác động, nhưng rất ít, có thể nói là vẫn hoạt động bình thường.

 “Tần suất các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng lên. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc tọa đàm trực tuyến để trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, để thấy rằng các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến đầu tư ở Việt Nam. Đó là tín hiệu đáng mừng, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tham gia kết nối với các kênh đầu tư nước ngoài”, ông Đỗ Nhật Hoàng khẳng định.

 Với rất nhiều nỗ lực cải cách trong thời gian vừa qua, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, về yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sẽ phụ thuộc vào yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.

 Yếu tố bên trong là Việt Nam có sự chuẩn bị nỗ lực nhiều năm nay và nhiều lợi thế sẵn có như: ổn định về chính trị, có dân số tiệm cận 100 triệu dân, có nguồn nhân lực dồi dào, có chi phí đi lại cạnh tranh, hội nhập sâu rộng các nền kinh tế trên thế giới, luôn có nhiều cải cách, vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên thị trường quốc tế, vị rí của Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á… Các yếu tố này làm tăng sức hấp dẫn vốn có của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

 Một số năm trở lại đây, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư một cách quyết liệt, vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, có nhiều cơ chế ưu đãi và đặc biệt là gần đây đã xử lý thành công mục tiêu kép: vừa ngăn chặn dịch Covid-19 vừa phục hồi kinh tế. 

Về yếu tố bên ngoài, đó chính là sự chuyển dịch của đầu tư trên thế giới một cách tự nhiên. “Sự xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các doanh nghiệp trên thế giới đang tái cơ cấu lại đầu tư. Cùng với đó là dịch Covid-19 làm làm đứt gãy chuỗi cung cầu, phải tái cơ cấu ngay, chuyển dịch ngay và luôn, cho nên họ phải tạo ra dòng chuyển dịch. Với những yếu tố như vậy thì dòng dịch chuyển đã đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam”, ông Hoàng cho biết. (Laodongthudo.vn 06/9)Về đầu trang

Việt Nam sẽ đón nhiều dự án tỷ đô của các "ông lớn" công nghệ?

Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài, có tập đoàn đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD.

 Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cho biết như vậy. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án lớn. Qua quá trình làm việc, đã có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đàm phán đặt dự án quy mô lớn với giá trị có thể lên tới tỷ USD.

 Ông cũng cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam mà nổi bật là các Luật Doanh nghiệp, Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang, môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. "Các dự án có thế mạnh về công nghệ, bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng cao sẽ nhận được các ưu đãi tích cực, điều này cho thấy chúng ta đang thu hút đầu tư chọn lọc" - ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

 Để chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi đón đầu dòng vốn chất lượng cao đi cùng với các dự án lớn có quy mô, giá trị lớn, cùng với việc thành lập tổ công tác đặc biệt, nhiều chính sách đã và đang được hoàn thiện theo hướng thuận lợi nhất để đón các nhà đầu tư. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu các gói chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), phù hợp với từng lĩnh vực, từng nhóm doanh nghiệp" - ông thông tin.

 Trước các tín hiệu lạc quan về làn sóng FDI đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, cho rằng chúng ta cần chủ động đón nhận, tận dụng các cơ hội và tháo gỡ vướng mắc. Theo ông Toàn, nguồn nhân lực đang là bài toán khó với Việt Nam khi trình độ, tính kỷ luật còn thấp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam lại có tính sáng tạo, linh hoạt trước công việc và sẵn sàng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. (Dantri.com.vn 07/9, Linh Nga)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm: Bài học cảnh tỉnh, ngăn người khác mắc sai lầm

Trong bài viết, “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - đã nêu những bài học kinh nghiệm quý báu là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo.

 Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho hay, qua cả nhiệm kỳ khoá XII và đặc biệt một số năm gần đây, thấy rằng, việc xử lý cán bộ có vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất quyết liệt. Phạm vi rất rộng, trong cả nước, từ Trung ương tới địa phương, từ cán bộ cấp cao có vi phạm đều bị xử lý. “Việc xử lý cán bộ sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ - câu nói này không phải chỉ là khẩu hiệu mà đã được tiến hành một cách rất quyết liệt” - ông Tiến nhấn mạnh.

 Theo ông Lê Như Tiến, thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy có rất nhiều vụ xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm. Nhiệm kỳ này chúng ta đã xử lý gần 100 cán bộ có sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng có sai phạm cũng đã bị xử lý, nhiều Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, lãnh đạo các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng… và mới nhất là việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

“Điều đó càng khẳng định việc xử lý cán bộ có sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù bất kỳ người đó là ai” - ông Tiến nói và cho rằng, việc xử lý nghiêm minh cán bộ có vi phạm góp phần cảnh tỉnh, răn đe, là bài học cho người khác nhìn thấy để tránh mắc phải sai lầm, tránh vấp ngã. Việc này cũng nhằm làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, xây dựng Đảng vững mạnh. Không chỉ vậy, việc này còn mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân vào quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 Nhắc tới hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Tiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý cán bộ vi phạm vừa qua đã được thực hiện một cách rất bài bản, quyết liệt. Có nhiều vụ việc từ trước tới nay rất phức tạp nhưng đã được đưa ra xử lý nghiêm minh. Điều đó càng khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chúng ta là làm thực sự và niềm tin của nhân dân, của cán bộ Đảng viên ngày càng cao hơn. 

Cũng theo ông Tiến, trong thời gian tới, để công tác phòng chống tham nhũng  ngày càng đạt hiệu quả cao, cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các cơ quan khác như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan thanh tra, điều tra và các đơn vị liên quan cần phải tiếp tục vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục những sơ hở, những lổ hổng phát sinh để tránh bị lợi dụng để xảy ra tham nhũng.

 Theo ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - khi cán bộ đã có khuyết điểm thì phải mạnh dạn xử lý khuyết điểm với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Việc xử lý cán bộ thời gian qua cũng là bài học khi nhiệm kỳ mới sắp tới. Phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc hơn về đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.

 “Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt. Qua những sự việc vừa qua, chúng ta cần coi trọng và ngày càng hoàn thiện tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ khâu phát hiện, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kể cả chính sách đối với đội ngũ cán bộ” - ông Hòa nói. (Laodong.vn 07/9, Vương Trần)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đại hội Đảng cấp trên cơ sở: 40% Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương

Ban Tổ chức Trung ương vừa có báo cáo tổng hợp kết quả đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương) nhiệm kỳ 2020-2025.

 Theo đó, Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ tháng 5.2020 đến hết tháng 8.2020. Đến nay đã có 1.298/1.311 đảng bộ đã hoàn thành đại hội (chiếm 99%). Một số ít đảng bộ chưa tổ chức đại hội, nhưng đều đã có kế hoạch, dự kiến hoàn thành trước 15.9.2020.

 Theo Ban Tổ chức Trung ương, kết quả và thành công của đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở là một trong những điều kiện cơ bản để các đảng bộ trực thuộc Trung ương tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

 Qua số liệu tổng hợp cho thấy, tổng số Bí thư cấp uỷ bầu được là 1.141 đồng chí. Trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%). Có 122 bí thư được bầu trực tiếp tại Đại hội.

 Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, việc thực hiện chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy được quan tâm chỉ đạo mở rộng so với nhiệm kỳ trước.

 Các bí thư cấp ủy được bầu trực tiếp tại đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao, nhiều trường hợp đạt 100% như: Móng Cái (Quảng Ninh), Can Lộc (Hà Tĩnh), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phong Điền (Cần Thơ), Hồng Dân (Bạc Liêu),….

 Cũng theo Ban Tổ chức Trung ương, việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương được quan tâm đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt.

 Qua công tác tổ chức Đại hội, Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ ra một số hạn chế như: Công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. 

Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra đó là công tác nhân sự của một số cấp ủy chưa thật sự chặt chẽ, còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn, có nơi còn biểu hiện chủ quan, cục bộ, vận động, gượng ép, giới thiệu nhân sự chưa thực sự có tín nhiệm cao. (Laodong.vn 07/9, Vương Trần)Về đầu trang

Có người đứng đầu còn bao che cho tham nhũng

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu hiện tượng trên trong phát biểu khai mạc toạ đàm khoa học "Người đứng đầu với công tác phòng chống tham nhũng" diễn ra hôm 4/9 tại Hà Nội.

 Theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người đứng đầu là người cầm cờ thì phải đi đầu và đi liền với đó là gương mẫu, nói đi đôi với làm. Do đó, theo nhìn nhận của ông Thực, người đứng đầu phải làm sao chống được lợi ích nhóm, tham nhũng. Khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương thì cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu.

 Cũng nhìn nhận vai trò quan trọng của người đứng đầu trong công tác PCTN, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN. Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh PCTN thì ở đó tham nhũng ít xảy ra, ngược lại, ở đâu người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với là thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.

 Tuy nhiên, theo ông Học, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn có tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho trường hợp tham nhũng, tiêu cực.

 Dẫn chứng, ông Học cho biết, qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, từ 2016 đến nay đã phát hiện 1.121 vụ án với 2.473 bị can tham nhũng. Trong số này chỉ có 38 vụ với 44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ.

 Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức đơn vị cũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện, xử lý. Trong 5 năm, cả nước chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử lý hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người.

 Cho rằng người đứng đầu quyết định mọi thành bại, gương mẫu và là tấm gương cho cấp dưới noi theo Chánh thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương phản ánh, thực tế nơi nào nội bộ có vấn đề nhưng bố trí người đứng đầu có tài đức về thì mọi việc êm xuôi. Còn sắp xếp người đứng đầu không xứng đáng thì cơ quan không bao giờ ổn định mà còn xấu thêm.

 “Cần đổi mới công tác bổ nhiệm, thi tuyển chức danh lãnh đạo, bổ sung trách nhiệm của người giới thiệu bổ nhiệm người đứng đầu. Nó giống như trong “thời gian bảo hành” khi mua hàng hóa vậy. Nếu người đứng đầu trong một thời hạn nào đó mà vi phạm kỷ luật thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm liên đới” – ông Khương nêu quan điểm. (Congan.com.vn 06/9, Hải Triều)Về đầu trang

Công đoàn "dư" 29.000 tỷ đồng, sử dụng chưa hiệu quả

Nguồn thu lớn vượt chi, số dư tích lũy tài chính công đoàn đã vượt 29.000 tỷ, chỉ gửi ngắn hạn hoặc không kỳ hạn, lãi suất thấp trong khi lại rất hạn chế chi chăm lo trực tiếp cho người lao động… Đây là những con số, vấn đề được chỉ ra tại báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam của Kiểm toán nhà nước.

 Kết quả kiểm toán cho thấy, tổng thu tài chính công đoàn là trên 20.000 tỷ đồng, trong đó, thu từ khối đơn vị sản xuất, kinh doanh chiếm 69%. Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, số chưa thu được qua các năm còn lớn, chiếm 22% tổng thu kinh phí và đoàn phí. Theo đánh giá của cơ quan kiểm toán, việc này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn tài chính công đoàn để phục vụ các hoạt động phong trào, chăm lo cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến tính hiệu lực của Điều 26, Luật Công đoàn.

 Nghịch lý được chỉ ra tại báo cáo kiểm toán là tỷ lệ tổng chi/tổng kinh phí để lại tại cấp công đoàn cơ sở là 99,1% (chưa vượt 100% do phải tuân thủ tỷ lệ chi dự toán đề ra), công đoàn cấp trên cơ sở là 68,1%, cấp Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 45,4% và tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là 8,3%.

 Số liệu trên cho thấy, nhu cầu chi ở cấp cơ sở cao, kinh phí chưa đủ đáp ứng, trong khi các cơ quan công đoàn cấp trên, nhu cầu sử dụng thấp, dẫn đến thừa nguồn, tăng tích lũy cuối kỳ.

 Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cho biết, tỷ lệ thu khác/tổng chi tại công đoàn cơ sở là 11,1%, tại công đoàn cấp trên cơ sở là 15,1%, tại Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 37,4%, trong khi tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là 220,8%.

 Tính riêng thu khác tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đáp ứng 2,2 lần tổng chi trong năm. Mức độ tích lũy như vậy là quá lớn.

 Bất cập được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là, tình trạng trên diễn ra trong khi cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, nên hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động.

 Kết quả kiểm toán chi tiết cho thấy, tại các công đoàn cơ sở, tình trạng thiếu kinh phí hoạt động diễn ra phổ biến, thậm chí một số công đoàn cơ sở mất cân đối thu - chi. (Dantri.com.vn 07/9, Thái Anh)Về đầu trang

Bí thư Bình Dương: “Không để dân bức xúc phải nhờ đến lãnh đạo can thiệp”

Ngày 5/9, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy vừa có phiên đối thoại trực tuyến với hơn 4.500 đại biểu tại 103 điểm cầu ở cả 3 cấp.

 Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã trao đổi xoay quanh những nội dung về công tác giải phóng mặt bằng, công tác quản lý nhà nước đối với các tuyến đường, cải cách hành chính, hạ tầng giao thông, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, chính sách hỗ trợ ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đô thị hóa…

 Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu liên quan nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương theo sát, xử lý dứt điểm khiếu nại, khiến kiện ngay từ cấp cơ sở không để người dân phải tìm đến nhờ lãnh đạo cao hơn can thiệp. Ông Nam đồng thời chỉ đạo các đơn vị phải hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó thời dịch để cùng phát triển.

 Theo ông Nam, địa phương vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Dù vậy, Bình Dương đã cam kết với Trung ương và Chính phủ là giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Do đó, đòi hỏi có sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân để đạt mục tiêu đề ra. (Tienphong.vn 06/9, Hương Chi)Về đầu trang

TPHCM: Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa có báo cáo đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025. Đến nay, Đảng bộ TPHCM đã hoàn tất tổ chức đại hội cấp huyện (24 đảng bộ) và đương đương (39 đảng bộ cấp trên cơ sở).

 Về công tác nhân sự, nội dung này được chuẩn bị nghiêm túc, chặt chẽ nên hầu hết nhân sự chủ chốt, nhân sự giới thiệu ứng cử ban thường vụ cấp ủy đều trúng cử cấp ủy khóa mới. Kết quả bầu ban chấp hành đảng bộ khóa mới đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ (trung bình hơn 27%), cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (trung bình gần 17%); ban thường vụ cấp ủy đảm bảo cơ cấu nữ (gần 26%), dưới 40 tuổi (gần 10,6%).

 Các đồng chí bí thư, phó bí thư đều trúng cử với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, kết quả bầu cử ban chấp hành có 38 cấp ủy viên đương nhiệm không trúng cử (chiếm 3,1%), trong đó, 2 trường hợp tái cử ban thường vụ nhưng không trúng cử ban chấp hành. Ngoài ra, có 5/401 (tỷ lệ 1,25%) ủy viên ban thường vụ cấp ủy đương nhiệm tái cử không trúng cử.

 Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM rút kinh nghiệm về nhiều mặt, trong đó về chuẩn bị nhân sự có yêu cầu thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, rà soát định kỳ, bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Cùng với đó là quan tâm bố trí, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ phát huy năng lực, sở trường; sớm luân chuyển, đề bạt, bố trí cán bộ tiếp cận chức danh quy hoạch trước đại hội. (Sggp.org.vn 07/9, Kiều Phong)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Từ 1/10/2020: Triển khai 24 dịch vụ công trực tuyến về xuất nhập khẩu

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đơn vị đã phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số xây dựng xong phần mềm để triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 3 đối với 24 thủ tục hành chính.

 Do đó, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/10/2020, Cục Xuất nhập khẩu tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính này qua đường bưu điện (bản giấy) và qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

 Từ ngày 1/11/2020 trở đi, Cục Xuất nhập khẩu chỉ tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính này qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

 Danh sách 24 thủ tục hành chính được cấp phép qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đợt 1 năm 2020, gồm: Đăng ký Giấy chứng nhận hạn ngạch thuế quan xuất khẩu mật ong tự nhiên sang Nhật Bản (cấp mới và cấp lại); Đăng ký xuất khẩu xăng dầu; cấp phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh; Thủ tục cấp giấy phép sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài, bao gồm cấp mới, sửa đổi/bổ sung, cấp lại; Cấp phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi phục vụ kinh doanh miễn thuế. (Kinhtedothi.vn 06/9, Hà Thanh)Về đầu trang

Sắp tới, tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm sẽ rất dễ dàng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia vềBảo hiểm, khi dự thảo được thông qua, việc tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm của công dân sẽ được dễ dàng hơn.

 Đây là nguyên tắc xây dựng, quản lý, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm nêu tại Điều 4 dự thảo này. Theo đó, một công dân, một doanh nghiệp có một định danh duy nhất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

 Đó cũng là cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất toàn quốc về dữ liệu bảo hiểm, được cập nhật chính xác ngay sau khi giao dịch về bảo hiểm người dân, doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện hoàn tất.

 Theo đó, công dân sẽ được khai thác, kiểm soát dữ liệu về bảo hiểm của mình gồm: Truy cập và xem thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Trích xuất thông tin của mình dưới dạng văn bản điện tử có chữ ký số; Sử dụng thông tin của mình để tự động cung cấp cho các thủ tục hành chính công liên quan; Cho phép hoặc không cho phép cá nhân, tổ chức khác truy cập dữ liệu của mình; kiểm soát, tra cứu lịch sử việc sử dụng thông tin của mình bởi các cá nhân, tổ chức; Khiếu nại về nội dung dữ liệu về mình. (Nld.com.vn 07/9)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ án ở xã Đồng Tâm: Không chấp nhận đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung

Ngày 7.9, TAND Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. 29 bị cáo, trong đó có 25 người bị truy tố tội Giết người, 4 người có hành vi Chống người thi hành công vụ.

 Trong phần làm thủ tục, nhiều luật sư có chung đề nghị triệu tập đại diện cơ quan công an, quân đội và cho biết đã gửi một số tài liệu kiến nghị công an điều tra lại vụ án.

 Thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa, cho biết đa số kiến nghị của luật sư liên quan đến việc HĐXX triệu tập một số người, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội. "Tuy nhiên xét thấy những người này không liên quan vụ án nên HĐXX không triệu tập" - chủ tọa thông tin.

 Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị các kiểm sát viên dự bị, hội thẩm dự bị rời khỏi phòng xét xử. Chủ tọa cho rằng kiến nghị này không hợp lý, các kiểm sát viên và hội thẩm dự khuyết cần nắm bắt nội dung vụ án cũng như diễn biến phiên tòa để có thể thay thế bất cứ lúc nào.

 Theo HĐXX vụ án xảy ra trên địa bàn Hà Nội nên Công an Hà Nội điều tra là đúng quy định pháp luật. HĐXX cho rằng các lực lượng quân đội không phải những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng nên không cần triệu tập. Về kiến nghị trả hồ sơ, nếu quá trình xét xử có diễn biến mới, thấy cần thiết sẽ xem xét.

 Chủ toạ Trương Việt Toàn cũng cho hay, các bị cáo đều là những người trưởng thành, chịu trách nhiệm về hành vi của mình và để đảm bảo tình hình an ninh trật tự nên không cần thiết mời nhân thân các bị cáo. Về đề nghị triệu tập vợ ông Lê Đình Kình, quá trình xét xử thấy cần thiết sẽ triệu tập. (Laodong.vn 07/9, Việt Dũng)Về đầu trang

Thanh Hóa: Có "quan hệ không trong sáng" với cấp dưới, Trưởng phòng GD-ĐT bị kỷ luật

Do có quan hệ ngoài hôn nhân với một nữ giáo viên, Trưởng phòng GD-ĐT Bá Thước (Thanh Hóa) bị kỷ luật. Sau đó, ông này đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

 Thông tin từ Huyện uỷ Bá Thước (Thanh Hóa), cho biết: Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã có quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bá Thước. Ông Nguyễn Văn Tùng bị kỷ luật là do vi phạm đạo đức lối sống.

 Trước đó, ông Nguyễn Văn Tùng đã có quan hệ ngoài hôn nhân với một nữ giáo viên. Căn cứ các hồ sơ kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước đã có quyết định kỷ luật với hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Tùng.  Sau đó, khi bị kỷ luật, ông Nguyễn Văn Tùng đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/8/2020. (Baovephapluat.vn 07/9, Huân Thu)Về đầu trang

Thất thoát 12 tỷ đồng, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai bị khởi tố

Ngày 7/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can đối với ông Lê Tiến Hiệp - Trưởng ban và ông Ngô Càng Thanh - nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 Hai bị can được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Các quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phê chuẩn.

 Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận hồ sơ diện tích rừng bị mất, lấn chiếm cùng nhiều vi phạm tài chính tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai do Thanh tra tỉnh chuyển sang.

 Ban quản lý Ia Grai được ngân sách cấp 17 tỷ đồng để trồng và chăm sóc 717 ha rừng. Cơ quan này lập hồ sơ trồng rừng, nhưng không thực hiện, để mất 360 ha; không thuê người chăm sóc rừng, nhưng lên danh sách khống và giả chữ ký để chiếm đoạt tiền nhà nước.

 Sai phạm tại Ban quản lý Ia Grai được Công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân có các văn bản trao đổi qua về. Thiệt hại và lãng phí tài sản nhà nước được Giám định viên Sở Tài chính xác định số tiền hơn 12,4 tỉ đồng. (Danviet.vn 07/9, Đình Văn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Síp: Sẽ tước quốc tịch 7 người được cấp "hộ chiếu vàng", xem xét khoảng 4.000 trường hợp khác

Ngày 4/9, trả lời phóng vấn AFP, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades cho biết, “Trước đó đã có một số thiếu sót trong chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu, và đấy là lý do vì sao chúng tôi đã áp dụng nhiều bước để đưa ra cơ chế quản lý hiệu quả hơn”.

 Cũng theo Tổng thống Nicos Anastasiades, có khoảng 30 người đã bị một ủy ban đặc biệt điều tra liệu họ có vi phạm các tiêu chí của chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu hay không. "7 trong số 30 người nói trên sẽ bị tước quyền công dân Síp", Tổng thống Anastasiades nói song không tiết lộ danh tính của những người nêu trên.

 Bên cạnh đó, Síp cũng sẽ kiểm tra lại khoảng 4.000 trường hợp đã được cấp hộ chiếu thông qua chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu từ năm 2007. Tuy nhiên, Tổng thống Síp bày tỏ tin tưởng, số vụ vi phạm sẽ rất thấp. 

Động thái của nhà cầm quyền Cộng hòa Síp diễn ra vài tuần sau cuộc điều tra của Al Jazeera tiết lộ những vấn đề liên quan đến "hộ chiếu vàng" của nước này. (Doisongphapluat.com 06/9, Bạch Hiền)Về đầu trang

Hàn Quốc dự kiến tung ra gói ngân sách bổ sung thứ tư gần 6 tỷ USD

Chính phủ và Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc ngày 6/9 đã nhất trí thiết kế một gói ngân sách bổ sung trị giá hơn 7.000 tỷ won (5,9 tỷ USD) nhằm tài trợ cho các đối tượng bị tác động đặc biệt nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

 Người phát ngôn của Đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc Choi In-ho nói với hãng tin Reuters rằng các quan chức Chính phủ, Đảng Dân chủ Nhà Xanh đã đạt được thỏa thuận nói trên sau một cuộc họp.

 Theo đó, gói ngân sách bổ sung thứ tư trong tài khóa này dự kiến lên tới 7.000 - 8.000 tỷ won, được huy động thông qua việc phát hành trái phiếu nhà nước.

 Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đệ trình dự thảo ngân sách này lên Quốc hội trong tuần này để các nhà lập pháp nước này thông qua trước dịp Tết Trung Thu Chuseok bắt đầu vào cuối tháng 9/2020.

 Đây sẽ là lần đầu tiên trong 59 năm qua Chính phủ Hàn Quốc phân bổ bốn gói ngân sách bổ sung trong cùng một tài khóa.

 Trong phiên tham vấn ba bên, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun công bố một kế hoạch nhằm cung cấp hỗ trợ tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có các đối tượng thất nghiệp, giới trẻ, người làm việc tự do, người thu nhập thấp… (TTXVN 07/9)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More