Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 01-7-2019

Post date: 01/07/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của chính phủ e-cabinet: “Hướng tới Chính phủ không giấy tờ”. 1

CHÍNH SÁCH MỚI 2

2.Sáu luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1.7. 2

3. Tiếp tục chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công đến 31/12/2019. 5

4. Vợ sinh con, chồng được hưởng trợ cấp gần 3 triệu đồng. 6

CHỈ THỊ MỚI 6

5.  Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/6/2019  6

6.Cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA.. 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

7.Việt Nam cam kết bảo hộ đầu tư: Sự hấp dẫn không dành riêng cho nhà đầu tư EU.. 8

QUẢN LÝ.. 8

8.Kiểm tra việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ tại các cơ quan. 8

9. Triển khai quyết định kiểm tra của Ban Bí thư với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên  9

10.  Sửa đổi Luật Xây dựng: Địa phương sẽ cấp phép tất cả công trình. 10

11.  Tổng cục Thuế lên tiếng về việc bổ nhiệm 4 cục trưởng quá tuổi 11

12.Sẽ có 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi tại các địa phương. 12

13. Hà Tĩnh: Đẩy nhanh sáp nhập xã, huyện không đủ tiêu chí 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

14. Hiệu quả từ kết nối dữ liệu quản lý giấy phép lái xe. 14

15. Dịch vụ bưu chính công ích: Thêm tiện ích góp phần minh bạch dịch vụ hành chính công  14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

16.Kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan. 15

17.  Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La chưa làm việc với đoàn kiểm tra. 15

18.Tạm giữ cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa ở Thanh Hóa. 16

THẾ GIỚI 17

19. Cuộc gặp lịch sử mở ra nhiều tín hiệu đáng mừng cho bán đảo Triều Tiên. 17

 TIÊU ĐIỂM

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của chính phủ e-cabinet: “Hướng tới Chính phủ không giấy tờ”

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của chính phủ e-cabinet được nhận định là một giải pháp tích cực hướng tới Chính phủ không giấy tờ.

 Trong tuần vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ đã tiến hành một phiên họp rất đặc biệt, chỉ kéo dài 10 phút qua hệ thống thông tin e-cabinet. Trong phiên họp này, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký số để ban hành nghị quyết. Có thể nói, đây là một dấu mốc nền tảng, một khởi đầu cho chính phủ điện tử.

 Sự kiện ra mắt này đã hiện thực hóa rõ nét quyết tâm của chính phủ về chuyển đổi số. Nhiều tờ báo đã đăng tải hình ảnh khai trương e-cabinet như tờ Sài Gòn Giải Phóng với hàng tít "Hướng tới Chính phủ không giấy tờ."

 Đề án xây dựng e-cabinet được phê duyệt mới chỉ tháng 2 năm nay, với thời gian dự kiến khai trương vào tháng 6 năm 2019. Như vậy đến lúc này thì Chính phủ đã giữ được lời hẹn và quyết tâm trong việc bước đến Chính phủ điện tử. Điều này là rất cần thiết.

 Tuy nhiên, hệ thống có đắt tiền, hiện đại đến đâu, thì điều quan trọng nhất cuối cùng vẫn phụ thuộc vào sự thay đổi của chính đội ngũ cán bộ vận hành hệ thống đó.

 Mời xem chi tiết trong video tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/trong-nuoc/he-thong-thong-tin-phuc-vu-hop-va-xu-ly-cong-viec-cua-chinh-phu-e-cabinet-huong-toi-chinh-phu-khong-giay-to-20190630091840078.htm

(Kênh VTV1 – Báo chí toàn cảnh lúc 7h sáng 30/6)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Sáu luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1.7

Từ ngày 1.7, sáu luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018; Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018; Luật Đặc xá 2018; Luật Cạnh tranh 2018.

 Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập

 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có 10 Chương, 96 Điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

 Luật quy định cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập. Nếu có hành vi kê khai không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức như cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc…

 Bên cạnh đó, các đối tượng cũng phải kê khai tài sản, thu nhập gồm có: Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân…

 Trợ giảng trong trường đại học không bắt buộc có trình độ thạc sỹ

 Ngày 19.11.2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ tịch nước ký Lệnh số 13/2018/L-CTN ngày 3.12.2018 công bố Luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.

 Xuất phát từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và tình hình thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012; giữ nguyên 37 điều; bổ sung một điều mới; bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.

 Trợ giảng trong trường đại học không bắt buộc có trình độ thạc sỹ. Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018. Theo đó, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy đại học là thạc sỹ, trừ trợ giảng (hiện tại quy định thạc sỹ là trình độ chuẩn đối với cả trợ giảng).

 Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sỹ, tiến sỹ phải có trình độ tiến sỹ; các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sỹ làm giảng viên.

 Luật này cũng quy định các trường đại học phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí... cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của trường.

 Rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân

 Luật Công an nhân dân 2018 gồm 7 Chương, 46 Điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

 Theo Luật Công an nhân dân 2018, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng (Hiện hành, thời gian thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân được quy định là 36 tháng).

 Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong các trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

 Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

 Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển

 Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 19.11.2018, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và được tổ chức chặt chẽ, cụ thể, gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; các đơn vị cấp cơ sở.

 Từ ngày 1.7.2019, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp sau: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển 2018; Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 Ngoài ra, Luật cũng quy định về phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 16 tội danh không được đề nghị đặc xá

 Luật Đặc xá 2018 gồm 6 Chương, 39 Điều, quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.

 So với Luật Đặc xá 2007, Luật Đặc xá 2018 quy định cụ thể người bị kết án phạt tù về 16 tội sau không được đề nghị đặc xá dù có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Luật này: Tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh; tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; tội làm lính đánh thuê.

 Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu trường hợp giám đốc thẩm, tái thẩm mà theo hướng giảm nhẹ hoặc giữ nguyên trách nhiệm hình sự vẫn được quyền đề nghị đặc xá.

 Bổ sung thêm ba thỏa thuận cạnh tranh

 Luật Cạnh tranh năm 2018 bao gồm 121 điều, được bố cục thành 10 chương. Luật đã quy định chính sách khoan hồng đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra, xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

 Luật Cạnh tranh 2018 cũng bổ sung thêm ba thỏa thuận cạnh tranh gồm: Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Như vậy, từ ngày 1.7.2019, sẽ có 11 thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh. 

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn sửa đổi quy định về tập trung kinh tế bị cấm: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. (Đại Biểu Nhân Dân 29/6)Về đầu trang

Tiếp tục chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công đến 31/12/2019

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

  Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo quy định của Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ đến hết ngày 31/12/2019; việc kéo dài thời hạn giải ngân vốn đã bố trí trong năm 2018 để thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ.

 Đối với các hộ gia đình có tên trong Đề án đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến ngày 31/5/2017, đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng nhà ở, nhưng không báo cáo với UBND cấp xã để kiểm tra, lập danh sách và thanh toán theo quy định thì địa phương phải rà soát, đối chiếu về đối tượng, về việc xây mới, sửa chữa nhà ở, nếu đáp ứng theo quy định của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thì được hỗ trợ.

 Đối với các hộ gia đình có tên trong Đề án đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến ngày 31/5/2017, đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng nhà ở nhưng đã chuyển đi nơi khác, các hộ gia đình đã xây dựng xong nhà ở hoặc đang trong quá trình xây dựng mà đã bán nhà ở này cho người khác thì không thực hiện hỗ trợ.

 Đối với các hộ gia đình có tên trong Đề án đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến ngày 31/5/2017, nhưng đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà ở, nếu hiện nay nhà ở đã hư hỏng đáp ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thì tiếp tục được hỗ trợ.

 Nghị quyết cũng nêu rõ: Đối với các địa phương còn dư thừa kinh phí mà ngân sách trung ương đã cấp để thực hiện hỗ trợ người có công về nhà ở cho giai đoạn 2, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện hoàn trả ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. (Báo Chính Phủ Điện Tử 28/6, Minh Hiển)Về đầu trang

Vợ sinh con, chồng được hưởng trợ cấp gần 3 triệu đồng

Chồng được hưởng chế độ thai sản như trên phải tham gia BHXH từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con.

 Gần 3 triệu đồng là số tiền được trợ cấp cho đối tượng là lao động nam đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con; có vợ không tham gia BHXH bắt buộc hoặc lao động nam là chồng của người vợ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ trên.

 Ngoài ra, nam giới cũng được nghỉ làm 5 ngày khi vợ sinh thường; 7 ngày nếu vợ sinh mổ hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp sinh đôi, sinh ba sẽ được nghỉ cộng thêm mỗi con. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/6/2019

Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/6/2019.

  Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020: Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 16/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Chị thị nêu rõ mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 là tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực….

 Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước trong 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước...

 Tiếp tục chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công đến 31/12/2019: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo quy định của Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ đến hết ngày 31/12/2019; việc kéo dài thời hạn giải ngân vốn đã bố trí trong năm 2018 để thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ.

Chuyên gia tư vấn tham gia lập quy hoạch phải có bằng đại học trở lên

 Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định này quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.  Quyết định nêu rõ: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo (bao gồm cả hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều), hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020: Hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

 Chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi với mức cụ thể sau: Đối với lợn con, lợn thịt các loại, Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi...

 Thành lập Trung tâm hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học, môi trường: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường trên cơ sở kiện toàn, tổ chức lại Trung tâm công nghệ xử lý môi trường thuộc Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng.

 Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập: Tại Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Danh mục hàng hóa gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia sản xuất từ malt; xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh nguyên chiếc, có động cơ đốt trong kiểu piston có dung tích xi lanh trên 125cc; máy bay, du thuyền; xăng các loại; điều hòa không khí, có công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; giấy vàng mã... (Báo Chính Phủ Điện Tử 29/6, Phương Nhi)Về đầu trang

Cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

 Theo chỉ thị, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công và định hướng huy động, sử dụng nguồn vốn này trong từng thời kỳ. Vốn chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

 Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính công khai các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ chủ yếu; các bộ, ngành, địa phương xây dựng danh mục dự án đầu tư phát triển ưu tiên, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam cam kết bảo hộ đầu tư: Sự hấp dẫn không dành riêng cho nhà đầu tư EU

Rất nhiều cam kết, cơ chế công bằng, minh bạch của IPA đang chuẩn bị biến EU và Việt Nam trở thành những điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư thuộc hai nền kinh tế.

 Khảo sát với các nhà đầu tư EU tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa diễn ra trong tuần, khi được hỏi cảm thấy thế nào về Hiệp định IPA sắp được ký kết, câu trả lời là họ cảm thấy dũng cảm hơn. Theo các chuyên gia, tác động của IPA sẽ không chỉ giới hạn giữa EU và Việt Nam bởi để đáp ứng hiệp định, nước ta sẽ cần nâng cấp hoàn thiện luật lệ và chính sách, vô hình trung trở nên hấp dẫn trong mắt cộng đồng đầu tư quốc tế.

 Cùng được ký kết với EVFTA, nhưng việc thông qua IPA sẽ có phần phức tạp hơn khi hiệp định sau đó sẽ cần sự đồng ý của những cơ quan lập pháp thuộc các nước thành viên EU. Tuy nhiên, đây cũng không phải là khoảng thời gian bị bỏ phí, những chính sách, cơ chế pháp lý có thể được tranh thủ hoàn thiện để bắt nhịp với một khu vực kinh tế phát triển bậc nhất thế giới. Và phía trước rõ ràng đang là những điều rất đáng chờ đợi cho thương mại EU - Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. (Kênh VTV1 – Bản tin Tài Chính Kinh Doanh lúc 21h55 ngày 29/6)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Kiểm tra việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ tại các cơ quan

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cán bộ năm 2019 của Bộ Nội vụ, nhằm triển khai có hiệu quả quy định của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ.

 Theo đó, mục đích của các đợt kiểm tra nhằm đánh giá đúng công tác cán bộ, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, chính xác các vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ. Song song với đó, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

 Bộ Nội vụ sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan này như quý 3/2019 sẽ kiểm tra tại Ban Tôn giáo Chính phủ, Tạp chí Tổ chức nhà nước. Sang quý 4/2019 sẽ kiểm tra tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

 Theo kế hoạch, việc kiểm tra tập trung vào 9 nội dung liên quan đến công tác cán bộ, như kiểm tra công tác tiếp nhận, tuyển dụng, đánh giá, công chức, viên chức; kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; công tác điều động, luân chuyển cán bộ…

 Cụ thể hơn, đối với công tác tuyển dụng công chức sẽ kiểm tra việc tổ chức thi tuyển, các điều kiện, tiêu chuẩn xét tuyển.

 Về đánh giá cán bộ, bộ sẽ kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc, quy trình và phương pháp đánh giá, xếp loại cũng như trình tự, thủ tục đánh giá hàng năm, đánh giá trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động.

 Về công tác quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra việc rà soát, thẩm định cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch; việc bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, uy tín cán bộ công chức, viên chức trước khi quy hoạch; việc quy hoạch gắn với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

 Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng sẽ được kiểm tra về việc chuẩn hoá trình độ, kiến thức cho công chức, viên chức đương chức và cán bộ, công chức, viên chức dự nguồn trong quy hoạch.

 Đối với công tác bổ nhiệm, Bộ Nội vụ kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền bổ nhiệm; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm; trình tự, thủ tục bổ nhiệm.

 Trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ, kiểm tra việc bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó là việc theo dõi, nhận xét, đánh giá cán bộ khi điều động, luân chuyển và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau điều động, luân chuyển.

 Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn kiểm tra việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như về trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp khi xảy ra vi phạm... (Vneconomy.vn 30/6, Duyên Duyên)Về đầu trang

Triển khai quyết định kiểm tra của Ban Bí thư với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Ngày 30/6, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên.

 Làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên về triển khai quyết định kiểm tra của Ban Bí thư về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đối với địa phương này, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khẳng định, đây là hoạt động thường kỳ của Trung ương nhằm đánh giá, chỉ ra được những cách làm sáng tạo, những gương điển hình trong triển khai Nghị quyết; đồng thời chỉ ra được những mặt tồn tại, đề ra các biện pháp khắc phục nhằm đấu tranh hiệu quả với các biểu hiện biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

 Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng phối hợp, tạo điều kiện để đoàn kiểm tra tiếp cận hồ sơ về tình hình triển khai Nghị quyết, từ đó cùng đoàn hoàn thiện kết luận để báo cáo Ban Bí thư kết quả kiểm tra vào cuối quý III tới. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

Sửa đổi Luật Xây dựng: Địa phương sẽ cấp phép tất cả công trình

Sáng 28.6, Bộ Xây dựng và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, ban soạn thảo đề xuất nhiều nội dung nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và hồ sơ cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép. Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ không thực hiện cấp phép mà phân cấp hoàn toàn cho địa phương.

 Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (dự thảo Luật) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10.2019 và dự kiến thông qua vào tháng 5.2020. Ở dự thảo lần 2, ban soạn thảo đề xuất sửa 46/168 điều của luật hiện hành, tập trung 3 nhóm vấn đề: Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan vừa được ban hành; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; và giải quyết một số vướng mắc, bất cập hiện nay.

 Ban soạn thảo đề xuất tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng. Ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho hay, theo Luật Xây dựng 2014, các dự án phải qua 3 bước kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng gồm: Thẩm định dự án/thiết kế cơ sở (bước 1); thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công (bước 2); cấp phép xây dựng (bước 3). “Lần sửa đổi này chúng tôi đề xuất các dự án chỉ qua 2 bước kiểm soát. Cụ thể, công trình thẩm định bước 2 sẽ được miễn bước 3, bao gồm công trình sử dụng vốn đầu tư công và công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công có quy mô lớn. Các công trình còn lại không phải qua bước 2”, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết.

 Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ không thực hiện cấp phép xây dựng nữa mà phân cấp hoàn toàn cho chính quyền địa phương. “Theo luật hiện hành, Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho các công trình đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian qua có rất ít công trình đặc biệt, và nếu có thì cũng không thuận tiện bằng địa phương làm. Vì vậy chúng tôi đề xuất địa phương cấp phép xây dựng cho tất cả các công trình”, ông Nhu nói thêm.

 Các đề xuất sửa đổi Luật Xây dựng nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu dự hội thảo.

 Đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN - PTNT ủng hộ phân cấp, giảm tải và giảm thủ tục hành chính để có thời gian xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý nhà nước. Ông cho biết: “theo Luật Xây dựng năm 2014, cơ quan chuyên môn về xây dựng ở các bộ rất vất vả. Ví dụ như chúng tôi có 40 người quản lý các lĩnh vực từ thẩm định dự án đến quản lý chất lượng công trình”.

 Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông - Vận tải cũng muốn chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ kiểm tra, rà soát. “Vì chủ đầu tư mà không tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán thì trách nhiệm của họ cũng chỉ là đóng gói hồ sơ chuyển về cho Cục mà thôi”, ông lý giải.

 Liên quan đến đề xuất tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng, có ý kiến băn khoăn, nếu thực hiện thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải áp dụng cả quy chuẩn, tiêu chuẩn bảo đảm an toàn. Như vậy có quá sức hay không, nhất là với cấp quận, huyện? Đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng cho rằng sửa đổi theo hướng tích hợp như vậy là hợp lý. Trường hợp thẩm quyền cấp phép ở quận, huyện mà hồ sơ lớn thì có thể phải đưa lên Sở Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng gợi mở thêm.

 Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa Điều 61 về điều chỉnh dự án. Lý do là trong giai đoạn thực hiện đầu tư, thường có một số nội dung phải thay đổi hoặc bổ sung hạng mục công việc để phù hợp với thực tế. Nếu tiến hành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định sẽ mất rất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ dự án. Để tháo gỡ, cần quy định: Trường hợp thay đổi, bổ sung một số nội dung trong dự án mà không làm thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm xây dựng, tổng mức đầu tư thì người quyết định đầu tư xem xét, có văn bản chấp thuận việc điều chỉnh.

 Cũng tại hội thảo, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ các khái niệm: Cơ quan chuyên môn về xây dựng, công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp, dự án đặc thù, dự án có quy mô nhỏ, quy mô lớn… để dễ áp dụng. (Đại Biểu Nhân Dân 30/6, Hà Lan)Về đầu trang

Tổng cục Thuế lên tiếng về việc bổ nhiệm 4 cục trưởng quá tuổi

Tổng cục Thuế lý giải, đối với 4 trường hợp lãnh đạo bổ nhiệm khi trên 55 tuổi là các trường hợp ở các đơn vị khó khăn về nguồn cán bộ.

 Như đã đưa tin, đầu tháng 6/2019, Bộ Nội vụ đã công bố kết luận thanh tra công tác tổ chức cán bộ tại các đơn vị thuộc ngành Thuế, bao gồm cơ quan Tổng cục Thuế và 17 cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế.

 Liên quan đến kết luận này, Tổng cục Thuế vừa phát đi thông tin chính thức về các nội dung của Thanh tra Bộ Nội vụ đối với công tác tổ chức cán bộ ngành Thuế.

 Theo kết luận của Bộ Nội vụ, 141 công chức Thuế giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức vụ hiện giữ theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

 Về nội dung này, Tổng cục Thuế cho biết, đối với 4 trường hợp lãnh đạo bổ nhiệm khi trên 55 tuổi là các trường hợp ở các đơn vị khó khăn về nguồn cán bộ.

 "Các trường hợp này cơ bản đều là phương án duy nhất đủ khả năng có thể xem xét bổ nhiệm. Nên được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ/Thành uỷ các Tỉnh/Thành phố liên quan, Tổng cục Thuế đã áp dụng theo Hướng dẫn số 09/HD-BTCTW của Ban Tổ chức trung ương về tuổi bổ nhiệm lần đầu khi còn thời gian công tác trên 2/3 nhiệm kỳ để xem xét bổ nhiệm tại các đơn vị này", Tổng cục Thuế lý giải.

 Đối với các trường hợp còn lại được kết luận là thiếu điều kiện tiêu chuẩn văn bằng chứng chỉ như bằng trung cấp lý luận chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đối với ngạch công chức hiện giữ, chứng chỉ bồi dưỡng quản lý lãnh đạo cấp phòng, chi cục.

 Một số công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương nhưng đang giữ ngạch công chức là cán sự.

 Có 2 trường hợp công chức giữ chức vụ phó trưởng phòng được tiếp nhận năm 2011, 2012 chưa được tuyển dụng theo quy định.

 Những trường hợp này, theo Tổng cục Thuế, trường hợp thiếu bằng trung cấp lý luận chính trị thì theo Quy định số 12 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương về việc xác định trình độ lý luận chính trị, các công chức có bằng đại học chuyên ngành kinh tế được công nhận có trình độ lý luận tương đương trung cấp.

 Các trường hợp nói trên đều có bằng đại học chuyên ngành kinh tế nhưng chưa làm thủ tục xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương Trung cấp nên được cho là chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị.

 "Đến thời điểm hiện tại, các trường hợp thiếu điều kiện nêu trên đều đang được các Cục Thuế bố trí đi học hoặc đã có quyết định cử đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị hoặc trung cấp lý luận chính trị để hoàn thiện tiêu chuẩn theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra", Tổng cục Thuế giải thích.

 Với các trường hợp thiếu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đối với ngạch hiện giữ, Tổng cục Thuế cho rằng, theo quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo của Tổng cục Thuế, công chức khi bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng, chi cục phải có chứng chỉ quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên.

 Một số trường hợp công chức lãnh đạo khi giữ ngạch chuyên viên, đã có chứng chỉ quản lý hành chính cấp nhà nước ngạch chuyên viên, đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm nhưng khi chuyển sang vị trí khác (cần chuyển sang ngạch kiểm tra viên thuế-ngạch tương đương chuyên viên) đã chưa kịp thời học bồi dưỡng ngạch Kiểm tra viên thuế.

 Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát để cử công chức đi học nhằm hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn ngạch đang giữ.

 Với 2 trường hợp công chức giữ chức vụ phó trưởng phòng được tiếp nhận năm 2011, 2012 chưa được tuyển dụng theo quy định, hai trường hợp này được Sở Nội vụ địa phương tuyển dụng và phân công công tác theo đề án của địa phương.

 Cục Thuế tiếp nhận theo Quyết định điều động của Sở Nội vụ. Từ khi tiếp nhận về Cục Thuế đến nay đã thực hiện theo đúng quy định. Tổng cục Thuế sẽ phối hợp địa phương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với 2 trường hợp này. (Vneconomy.vn 30/6, Duyên Duyên)Về đầu trang

Sẽ có 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi tại các địa phương

Để kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 an toàn, nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình chấm thi.

 Trong đó, với công tác chấm thi tự luận, sẽ thực hiện triệt để việc cách ly trong quá trình làm phách, nghiêm túc chấm hai vòng độc lập, trong các khu vực chấm thi có camera an ninh giám sát.

 Đồng thời, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi môn tự luận, trong đó tất cả những bài điểm cao sẽ được mang ra chấm kiểm tra. "Ngay cả việc nhập điểm môn tự luận cũng phải nhập hai lần độc lập, sau đó phần mềm quét sạch không còn một lỗi gì mới có thể đưa lên hệ thống. Nếu Hội đồng thi nào làm tắt, chỉ nhập một lần thôi thì lập tức phần mềm của Bộ sẽ phát hiện ra", ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý.

 Đối với việc chấm thi trắc nghiệm, ông Trinh cho biết năm nay sẽ tăng cường bảo mật bằng các cách mã hóa, ngay cả với đáp án chấm trắc nghiệm. Chính vì vậy, năm nay Bộ chưa công bố đáp án ngay sau khi kết thúc kỳ thi cũng là để phù hợp với tiến độ chấm thi trắc nghiệm.

 Bên cạnh đó, để khâu chấm thi diễn ra công bằng, an toàn, Bộ cũng đã thành lập 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi trực tiếp tại tất cả 63 Hội đồng thi trên cả nước. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về cơ bản vai trò của các thanh tra vẫn như năm ngoái nhưng sẽ làm quy mô và kỹ lưỡng hơn.

 "Chúng tôi đã thành lập các đoàn thanh tra đến 63 Hội đồng thi với số lượng nhiều hơn năm ngoái. Năm ngoái, mỗi Hội đồng thi chỉ có 2 cán bộ thì năm nay ngoài 2 cán bộ của trường đại học có bổ sung thêm một Chánh thanh tra hoặc phó Chánh thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo", ông Bằng thông tin.

 Đại diện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, muốn ngăn chặn được gian lận, điều đầu tiên là các cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi phải có ý thức,  trách nhiệm cao, thạo việc, hiểu nhiệm vụ của mình để đảm bảo an ninh, an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi.

 Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cũng phải luôn nêu cao công tác thanh tra, kiểm tra trực tiếp trong suốt quá trình chấm thi trong thời gian tới đây, không được phép lơ là trong bất cứ khâu nào.

 "Quy chế có thể rà soát lại, kỹ thuật có thể điều chỉnh nhưng đặc biệt cần tiếp tục nêu cao vai trò con người, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra phải sát sao từ đầu đến cuối, không được bỏ qua khâu nào, không thể lúc đầu thì quyết liệt còn khúc cuối lại uể oải để đề phòng mọi phát sinh", ông Bằng nhấn mạnh. (Vneconomy.vn 29/6, Nhật Dương)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Đẩy nhanh sáp nhập xã, huyện không đủ tiêu chí

Theo kế hoạch, Hà Tĩnh có 80 xã sẽ được sáp nhập trong năm nay và là địa phương có số xã phải sáp nhập lớn nhất cả nước.

 Sáng 30/6, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về phương án sáp nhập các xã, huyện không đủ tiêu chí, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao sự tiên phong của Hà Tĩnh trong triển khai chủ trương này.

 Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tạo ra sự đồng thuận trong Đảng và trong nhân dân. Đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, sắp tới, Trung ương sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ đối tượng này đồng thời đề nghị các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải đồng tình và cần quyết tâm cao hơn nữa để triển khai việc sắp xếp theo đúng lộ trình.

 Cùng ngày, đồng chí Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra, động viên các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn Hà Tĩnh. Ghi nhận sự chủ động của địa phương trong việc triển khai các phương án ứng cứu, dập lửa, đồng chí đề nghị các lực lượng tham gia chữa cháy cần nỗ lực cao nhất để khoanh vùng cục bộ, ứng cứu dứt điểm, tiến tới khống chế hoàn toàn đám cháy, giảm thiểu hậu quả. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hiệu quả từ kết nối dữ liệu quản lý giấy phép lái xe

Từ đầu tháng 6, việc kết nối dữ liệu về quản lý giấy phép lái xe giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đã được triển khai thực hiện.

 Điểm cấp đổi giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn những thủ tục như trước đây. Những trường hợp đề nghị cấp lại giấy phép lái xe do bị mất vẫn phải chờ 2 tháng. Tuy nhiên, đơn vị quản lý không còn phải làm công văn gửi cơ quan công an để xác minh. Điều này vừa đảm bảo tính chính xác vừa thuận tiện cho người dân.

 Thuận tiện trong xác minh tuy nhiên, hiện cán bộ làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe vẫn phải mở đồng thời 2 phần mềm quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông để tra cứu. Hơn nữa, các vi phạm cũng mới chỉ được cập nhật từ lực lượng cảnh sát giao thông.

 Kết nối dữ liệu về giấy phép lái xe giữa ngành giao thông và công an mới được triển khai 1 tháng nhưng đã phát huy được hiệu quả. Tình trạng người vi phạm lợi dụng thủ tục đơn giản báo mất để cấp lại khó có thể tái diễn. Thực tế, theo thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông, hiện có hàng trăn nghìn giấy phép lái xe ô tô, mô tô bị tước quyền sử dụng nhưng lái xe không đến nhận. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

Dịch vụ bưu chính công ích: Thêm tiện ích góp phần minh bạch dịch vụ hành chính công

Tất cả rắc rối và phí tổn trong xử phạt hành chính đã có thể được giải quyết nhanh chóng nhờ dịch vụ kết nối giữa bưu điện và lực lượng cảnh sát giao thông.

 Tranh thủ thời gian buổi sáng được nghỉ, anh Nguyễn Đình Quốc (quận Bình Tân, TP.HCM) lên trụ sở Đội Cảnh sát giao thông An Lạc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Sau khi nhận quyết định xử phạt, chỉ vài bước chân, anh Quốc đã đến quầy thu nộp hộ tiền phạt của bưu điện ngay trong trụ sở thay vì phải đi 3km đến Kho bạc huyện Bình Chánh. Chỉ mất vài phút và tốn thêm 25.000 đồng phí bưu điện, việc nộp phạt đã hoàn tất. Với biên lai nộp phạt này, anh Quốc đã nhận lại giấy tờ xe của mình.

 Không chỉ tiết kiệm thời gian, với anh Đỗ Tường Nhật (tỉnh Bến Tre), dịch vụ này còn hỗ trợ rất nhiều cho những lái xe đường dài như anh bởi các tài xế không thể chạy đi chạy về giữa tỉnh Bến Tre - TP.HCM chỉ để đóng phạt và chờ nhận lại giấy tờ. Theo đó, anh Nhật cùng những lái xe đường dài sẽ không còn phải mất công đến trụ sở cảnh sát giao thông nữa bởi dịch vụ thu nộp hộ tiền phạt vi phạm giao thông vốn được triển khai vào năm 2016 từ ký kết hợp tác giữa Bưu điện Việt Nam với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đã phát triển thêm những tiện ích mới.

 Trong thời gian tới, với sự kết nối này, người vi phạm giao thông có thể yêu cầu dịch vụ tống đạt quyết định xử phạt tại nhà thay vì phải đến trụ sở cảnh sát giao thông. Sự tham gia của dịch vụ bưu chính công ích trong quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đã dần quen thuộc trong các lĩnh vực như: bảo hiểm xã hội, đăng ký hồ sơ thi giấy phép lái xe hay các dịch vụ hành chính công khác. Và không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội, sự tham gia của bưu điện còn góp phần minh bạch cho hoạt động hành chính công, một đích đến quan trọng trong cải cách hành chính, củng cố niềm tin của người dân với chính quyền. (Kênh VTV9 – Toàn cảnh 24h lúc 18h ngày 30/6)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã cho thấy sai phạm của UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

 Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về khu đô thị mới Thủ Thiêm. Báo chí đã đặc biệt qua tâm tới kết luận này khi mà bản kết luận dài 15 trang đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Sở, ngành liên quan.

 Theo tờ Tiền phong phân tích, toàn bộ quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm được tạo ra bằng nguồn ngân sách, nhưng đã được sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT mà không qua đấu thầu; 1.330 căn hộ thuộc một dự án tái định cư đã được nhà đầu tư biến thành nhà ở thương mại, chuyển nhượng; một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

 Tờ Lao động đã nhấn mạnh tới chi tiết "chi sai hàng chục nghìn tỷ đồng" và "trước ngày 31/12/2019, nếu không khắc phục triệt để các vi phạm về kinh tế thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý".

 Như vậy, bản kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại khu đô thị này. Nhưng điều đáng chú ý ở đây chính là những dòng số dài dằng dặc, được kết luận nêu ra.

 Hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ phải trả lại cho ngân sách. Những khuyết điểm, vi phạm rồi sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm. Tuy nhiên, nhiều người dân mong muốn, cần phải làm rõ hơn những sai phạm, hướng khắc phục ra sao, và có những giải pháp cụ thể đối với những kiến nghị của người dân. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang

Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La chưa làm việc với đoàn kiểm tra

 Ngày 29/6, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La xác nhận, Giám đốc Sở Hoàng Tiến Đức đang bị ốm và điều trị ở Hà Nội.

 Ngày 26/6, Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã báo cáo Tỉnh ủy về việc ông Đức không thể về dự và làm việc với đoàn công tác của Ủy ban kiểm tra Trung ương vào sáng 27/6.

 Ông Hoàng cho biết thêm, gia đình ông Đức thông báo, sang tuần sức khỏe ông Đức mới có thể hồi phục để làm việc trở lại.

  Ngày 19/6, Ban bí thư quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng của ông Hoàng Đức Tiến, gồm: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015-2020; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015-2020.

 Ngày 26/6, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã thu hồi và hủy bỏ quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với ông Hoàng Tiến Đức. Theo quyết định ngày 28/3 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Đức sẽ được nghỉ hưu và nhận lương hưu từ ngày 1/7.

 Ban bí thư kết luận, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Hoàng Tiến Đức với cương vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban Chấm thi của tỉnh đã trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La thành lập Ban chỉ đạo thi có hai thành viên có con ruột dự thi, vi phạm quy chế thi.

 Ông Đức cũng chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, Ban chấm thi và các khâu trong quá trình thi; thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, một số cán bộ bị khởi tố. (Vnexpress.net 29/6)Về đầu trang

Tạm giữ cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa ở Thanh Hóa

Công an Thanh Hóa vừa cho biết, đã tạm giữ hình sự ông Lê Văn Nam, nguyên Phó giám đốc Sở VHTT&DL, nguyên Giám đốc Trung tâm HL-TĐTDTT Thanh Hóa để điều tra các sai phạm liên quan đến tài chính. Ông Nam vừa được cho nghỉ hưu từ ngày 1/6.

 Ngoài ông Nam, cơ quan công an cũng đã thực hiện lệnh tạm giữ hình sự đối với ông Phạm Hồng Minh, Phó giám đốc, phụ trách Trung tâm HL-TĐTDTT Thanh Hóa và ông Hoàng Trung Thắng, trưởng bộ môn kiếm.

 Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhận đơn thư tố cáo những sai phạm diễn ra trong thời gian dài ở trung tâm HL-TĐTDTT Thanh Hóa.

 Theo phản ánh, trên cương vị là giám đốc trung tâm, ông Lê Văn Nam đã có nhiều sai phạm trong tài chính, như ăn chặn tiền công, tiền chế độ tập luyện, khai khống số lượng vận động viên… để rút tiền ngân sách nhà nước.

 Ông Phạm Hồng Minh, ngoài những vi phạm về tài chính có liên quan với ông Nam, ông Minh còn bị tố cáo đưa 2 con của mình vào danh sách đi tập luyện đội hình cấp tỉnh để hưởng chế độ tập luyện, chế độ ăn nghỉ. Dù con đầu của ông Minh đang theo học ĐH, con thứ hai mới đang học THCS. (Vietnamnet.vn 30/6, Lê Dương)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Cuộc gặp lịch sử mở ra nhiều tín hiệu đáng mừng cho bán đảo Triều Tiên

Các nhà bình luận cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên sẽ tạo đà giúp tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có một bước tiến dài.

 Cựu Tổng thống Obama và cựu Tổng thống George Bush trong nhiệm kỳ của mình đã đều đến thăm khu phi quân sự DMZ. Tuy nhiên, khi đó mục đích chuyến thăm chủ yếu thể hiện sự ủng hộ với Hàn Quốc. Chuyến đi lần này, Tổng thống Trump mặc trang phục comple trang trọng, đúng nghi thức khi tiếp nhà lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên.

 Sau hai cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore và Hà Nội, tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã rơi vào bế tắc. Mỹ cho rằng Triều Tiên chưa tích cực trong việc phi hạt nhân hóa trong khi Triều Tiên cáo buộc Mỹ chậm trễ dỡ bỏ cấm vận. Sau cuộc gặp chớp nhoáng vừa qua, hai bên nhất trí sẽ khởi động lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa, tiến trình vốn đã bị ngưng trệ từ đầu năm nay. Hai nhóm đàm phán sẽ gặp nhau và thảo luận trong 2 đến 3 tuần tới.

 Chứng kiến cái bắt tay hòa bình của hai nhà lãnh đạo tại khu phi quân sự liên Triều, phóng viên của hãng truyền thông BBC cho biết cô không tin vào mắt mình. Hiện tại, hai quốc gia chưa có một kênh đối thoại chính thức nào, cuộc gặp này rất có thể sẽ thúc đẩy hai bên tạo ra một cơ chế làm việc chính thức, qua đó đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa.

 Đài truyền hình CNN bình luận rằng hai nhà lãnh đạo đã thiết lập được một sợi dây liên lạc rất tốt. Đây là cơ sở quan trọng để tháo gỡ những nút thắt trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên trong tương lai. Con đường đi đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn là một chặng đường dài nhưng điểm tích cực là hai nhà lãnh đạo đang thực sự bước đi trên con đường hướng tới sự ổn định và hòa bình này. (VTV.vn 30/6)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More