Triển khai thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ

Post date: 28/05/2024

Font size : A- A A+

Ngày 27/5/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 941/UBND-NCVX về việc triển khai thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ. Công văn nêu rõ các sở, ban, ngành, cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung:

- Tiếp tục phổ biến, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức, biện pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; nâng cao hiểu biết của các tầng lớp Nhân dân về hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Sở Tư pháp
+ Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh trợ giúp pháp lý theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, trong đó chú trọng đảm bảo cơ cấu Trợ giúp viên pháp lý, số lượng người làm việc tương xứng với vai trò là đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên pháp lý để tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương; cử viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ điều kiện tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý theo quy định của pháp luật.
+ Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, trình UBND tỉnh phân bổ ngân sách nhà nước cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công thiết yếu theo Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Tham mưu, đề xuất về điều kiện cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện làm việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh trợ giúp pháp lý hoạt động hiệu quả.
+ Triển khai có hiệu quả trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự (24/24 giờ) theo Chương trình phối hợp số 5789/BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực TGPL trong điều tra hình sự, trực tại Toà án nhân dân theo Chương trình phối hợp số 1603/BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân. 
+ Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
Tiếp tục tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng; phối hợp với các ban, ngành có liên quan triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác có nội dung trợ giúp pháp lý bảo đảm đúng quy định của pháp luật; Tiếp tục đổi mới, tăng cường tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền để nâng cao khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân; khai thác hiệu quả hệ thống thông tin điện tử phục vụ cho công tác truyền thông trợ giúp pháp lý; Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong hoạt động trợ giúp pháp lý, từng bước hiện đại hoá hệ thống trợ giúp pháp lý; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý; kiện toàn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý, sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin quản lý, phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý để phục vụ có hiệu quả công việc, trong đó có việc thiết lập điểm cầu trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến; Chủ động tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý; tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý tốt nhất cho người được trợ giúp pháp lý.
- Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 5789/BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. 
- Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 1603/BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Toà án nhân dân.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng cấp, UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh Trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật.

Một số văn bản hướng dẫn liên quan:

Luật trợ giúp pháp lý

Nghị định 144 hướng dẫn thi hành Luật trợ giúp pháp lý

Thông tư 08 quy định một số điều của Luật trợ giúp pháp lý

                                                   TTD tổng hợp 
 

More