Tăng cường các giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số ngành nông nghiệp phát triển nông thôn

Post date: 18/12/2023

Font size : A- A A+

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành thước đo mức độ bền vững trong phát triển ngành nông nghiệp của mỗi địa phương và của quốc gia. 

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn còn là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này đang được các ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản Quảng Bình trên thị trường cả nước và vươn ra thế giới.
Theo kế hoạch Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh tập trung nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành cho 100% cơ quan, đơn vị thuộc ngành nông nghiệp. 
Theo đó, 100% thủ tục hành chính của ngành nông nghiệp thuộc phạm vi công bố của UBND tỉnh sẽ được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ TTHC nộp trực tuyến trên 50% và tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; từ đó phấn đấu tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Về phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp, tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu  100% các sản phẩm OCOP và 50% sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; 100% các sản phẩm OCOP thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, tỉnh tập trung xây dựng ít nhất 05 mô hình theo hướng ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và có ứng dụng phần mềm kiểm soát dịch bệnh. 
Phấn đấu có từ 4.000 - 5.000ha lúa sử dụng thiết bị bay không người lái trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại; 300-500ha cây trồng cạn, cây dược liệu, cây ăn quả, hồ tiêu,… áp dụng các biện pháp tưới thông minh kết nối internet vạn vật (IoT).
Xây dựng 02 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn ứng dụng hệ thống giám sát điện tử, có truy xuất nguồn gốc; 02 mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản.
Trong lĩnh vực thủy sản, mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 05 tàu cá xa bờ được lắp đặt cảm biến hầm bảo quản kết nối với điện thoại thông minh; xây dựng 01 dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng thiết bị cảm biến giúp giám sát và dự đoán sự thay đổi của môi trường.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh tập trung xây dựng 01 mô hình ứng dụng camera giám sát chuyên dụng trong công tác phòng chống chữa cháy rừng; thí điểm ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc lâm sản cho 02 hợp tác xã tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC có liên kết với doanh nghiệp.
Về đảm bảo nguồn nhân lực cho chuyển đối số ngành nông nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, đảm bảo đến năm 2025, 100% cán bộ hợp tác xã được nâng cao kỹ năng ứng dụng dụng CNTT, chuyển đổi số với trên 30% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử;  40% HTX có tài khoản thanh toán điện tử và 10% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại điện tử.

Để chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt được các mục đề ra, UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra các giải pháp cụ thể sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, xem chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trước hết là quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện phương châm “4 không”:  làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và tuân thủ các quy trình, kỹ thuật về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác theo phương pháp truyền thống. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phát triển nông nghiệp chuyển đổi số, giới thiệu trên các kênh truyền thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử… giúp người dân có thể nắm bắt, tiếp cận, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp.
3. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa chủ lực, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP  của tỉnh, giúp tăng dần tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế.
4. Xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuổi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, ứng dụng IoT để hồ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.
5. Thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, nông dân ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành từ đó hình thành các doanh nghiệp số, hợp tác xã số, nông dân số, nông thôn số. 

Thu Lan
 

More