Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô

Post date: 25/07/2023

Font size : A- A A+

Tỉnh Quảng Bình hiện có 651.318,96 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm gần 80% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó diện tích có rừng 590.038,45 ha (bao gồm rừng tự nhiên 469.316,74 ha, rừng trồng 80.247,30 ha); đất chưa có rừng 61.280,51 ha.

Trong số diện tích rừng của tỉnh có gần 150.000 ha diện tích là rừng có nguy cơ cháy cao, bao gồm các loại rừng thông, keo, bạch đàn, phi lao trồng trên cát, rừng tự nhiên nghèo kiệt xen lẫn tre nứa, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng cây bản địa mới trồng ... Thực bì trong rừng gồm nhiều loài cây dễ bén lửa như rành rành, lau lách, dương xỉ, cỏ tranh, cỏ rười... Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình lại nằm trong vùng hoạt động của gió phơn Tây - Nam, hàng năm nắng nóng khô hạn kéo dài nên nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã có 09 vụ cháy rừng với diện tích: 15,46 ha. Trong đó, diện tích rừng bị thiệt hại là 4,75 ha; diện tích có khả năng phục hồi là 10,71 ha. 

Lực lượng liên ngành phát thực bì ở khu vực dễ cháy rừng.

Để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng xảy ra trong mùa khô, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị Kiểm lâm tham mưu, hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ rừng rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; công tác xử lý thực bì, vệ sinh rừng trước mùa khô.

Tập trung kiện toàn các Ban chỉ đạo, tổ đội phòng, chống cháy rừng. Toàn tỉnh hiện có 149 Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và đơn vị chủ rừng. Trong đó: cấp tỉnh 01 ban, cấp huyện 08 ban, cấp xã và đơn vị chủ rừng 140 ban, thành lập 918 tổ đội xung kích bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở với 7.788 lượt người tham gia. Từ đó phân công, chỉ đạo, tổ chức cá tổ, đội trực cháy rừng, trực quan sát lửa rừng; nắm thông tin từ Website của Cục Kiểm lâm, Kiểm lâm Vùng II, nhận thông tin báo cháy thông qua điện thoại và trực quan sát trực tiếp tại hiện trường và các chòi canh lửa rừng để phát hiện các điểm cháy ngoài thực địa.

Đối với các vùng trọng điểm dễ cháy rừng tại các khu rừng Thông; rừng trồng cây bản địa của dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng tại các xã Dân Hóa, Trọng Hóa huyện Minh Hóa; rừng trồng trên cát tại thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Bên cạnh tập trung lực lượng trực, phòng chống cháy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng”; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên cung cấp tài liệu, phát các bản tin cảnh báo cháy rừng, phổ biến quy định của nhà nước về bảo vệ rừng và hướng dẫn công tác phát triển rừng trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng: Toàn tỉnh có tổng cộng 1.499,8 km đường ranh cản lửa, trong đó có 1.259,8km đường băng trắng và 240 km đường băng xanh; 50 Chòi canh lửa rừng, trong đó có 41 chòi kiên cố và 9 chòi bán kiên cố; 292 bảng tuyên truyền và 1.017 biển cấm lửa.

Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, thường xuyên cảnh báo cháy rừng để người dân hiểu nguy cơ cháy rừng, thiệt hại do cháy rừng gây ra và chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, tăng cường biển cấm lửa tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các điểm dừng chân dọc các tuyến đường quốc lộ gần rừng.

Tăng cường phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với các lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng, Dân quân tự vệ và chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức chữa cháy kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

TL

More