Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 25-3-2020

Post date: 25/03/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                WHO cảnh báo dịch COVID-19 đang tăng tốc. 1

2.                Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết 2

3.                Covid-19: Bộ trưởng Công an chỉ đạo nóng để rà soát người nhập cảnh. 2

4.                Chủ tịch Hà Nội khuyên con không về nước. 3

5.                TP.HCM sẽ đề xuất quy trình cưỡng chế cách ly bắt buộc. 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

6.                Cảnh sát có quyền từ chối làm việc với người say rượu, bia. 5

CHỈ THỊ MỚI 6

7.                Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm công chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật 6

8.                Quyết liệt ngăn chặn nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. 6

TIN QUỐC HỘI 8

9.                Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào một số dự án luật 8

10.             Kỳ họp Quốc hội tháng 5 có thể ảnh hưởng bởi dịch. 8

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 9

11.             Khánh Hòa: Hệ thống truyền thanh cơ sở hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19  9

12.             Hà Nội: Cán bộ xã, phường tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh. 10

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 11

13.             Báo Trung Quốc: Nếu Ấn Độ muốn thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, phải nhanh chân hơn Việt Nam.. 11

14.             Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

15.             Hoàn thiện một số dịch vụ công cung cấp trên Cổng DVCQG.. 13

16.             Ninh Thuận: Sở Nội vụ dẫn đầu cải cách hành chính. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

17.             Năm 2019, TP HCM phát hiện 12 trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử  16

THẾ GIỚI 16

18.             Nga hoãn bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp vì dịch Covid-19. 16

19.             Mỹ cấm tích trữ thiết bị, vật tư y tế nhằm đối phó dịch COVID-19. 17

20.             Đài Loan (Trung Quốc): Phạt 33.000 USD với người không tự cách ly. 17

 TIÊU ĐIỂM

WHO cảnh báo dịch COVID-19 đang tăng tốc

Ngày 23/3, WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 đang tăng tốc rõ ràng với hơn 300.000 ca mắc bệnh đã được ghi nhận và xuất hiện ở gần như tất cả các nước trên thế giới.

 Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, phải mất 67 ngày kể từ khi dịch bùng phát, thế giới mới có 100.000 trường hợp nhiễm, 11 ngày để tới mốc 100.000 thứ hai nhưng chỉ có 4 ngày đã chạm tới mốc 100.000 ca thứ ba. Đại dịch rõ ràng đang tăng tốc.

 Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng: "Chúng ta không thể thờ ơ trước dịch bệnh này. Chúng ta có thể thay đối hướng đi của đại dịch".

 Bên cạnh đó, ông Tedros đã kêu gọi các nước đưa ra một cam kết chính trị toàn cầu nhằm đẩy lùi dịch bệnh. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết

Các địa phương được giao nhiệm vụ theo dõi, nhắc nhở vấn đề này để đảm bảo sức khỏe người dân.

 Nhận định 10-15 ngày tới là giai đoạn quyết định thất bại hay thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, nhất là các dịch vụ như nhà hàng, quán karaoke. Các đám cưới, đám tang và các cơ sở thờ tự cũng phải hạn chế tụ tập đông người.

 Các địa phương được giao nhiệm vụ theo dõi, nhắc nhở vấn đề này để đảm bảo sức khỏe người dân. Thủ tướng nêu rõ, sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và người dân... rất quan trọng trong thời điểm này. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang

Covid-19: Bộ trưởng Công an chỉ đạo nóng để rà soát người nhập cảnh

Ngày 24/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 01 chỉ đạo Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 Nội dung Công điện nêu rõ: Tiếp theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23/3/2020 của Bộ về phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát không để người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 từ nước ngoài về nước lan rộng ra cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương mệnh lệnh công tác sau:

 Thủ trưởng, Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo Công an phường, thị trấn, Công an xã tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương kể từ ngày 07/3/2020 đến ngày 24/3/2020 (thay bằng số liệu thống kê từ ngày 10/3/2020 đến ngày 23/3/2020 theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23/3/2020 của Bộ) và báo cáo về Bộ trước 18 giờ ngày 25/3/2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thống kê, Thủ trưởng Công an các cấp báo cáo ngay đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp ở địa phương để chỉ đạo xử lý.

 Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp để rà soát những nơi tập trung đông người, qua đó tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao ý thức, tự giải tán, không tụ tập đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

 Công điện cũng yêu cầu công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung. Có kế hoạch phân công cán bộ, chiến sĩ thay ca kíp thường trực tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung; trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong khi thi hành nhiệm vụ.

 Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình; lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gương mẫu và quán triệt cán bộ, chiến sĩ hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp đông người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng. Các đơn vị có phương án bố trí 3 kíp làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để triển khai công tác, không để cả đơn vị phải cách ly. Tổ chức thành lập bộ phận thường trực (gồm cán bộ y tế, hậu cần, điều lệnh…) để tổ chức y tế ban đầu (đo thân nhiệt, mở sổ theo dõi hoạt động ra vào trên cơ sở yếu tố dịch tễ; yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh) đối với tất cả người dân và cán bộ, chiến sĩ đến đơn vị làm việc, liên hệ công tác nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm, nghi nghiễm Covid-19 để có phương án ứng phó.

 Các đơn vị y tế trong Công an nhân dân phải chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của các đơn vị để tổ chức phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Giao Cục Y tế chủ trì khẩn trương tổ chức các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để thường trực sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong lực lượng Công an nhân dân và dự phòng phục vụ nhân dân.

 Các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Công an các tỉnh biên giới chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý biên giới, kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh Covid-19.

 Bộ trưởng Công an cũng lưu ý, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, diễn biến tội phạm có thể sẽ có những tác động, diễn biến phức tạp, lực lượng Công an cần tập trung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng chống đối đăng tin tuyên truyền xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, đối tượng chống đối không thực thi các quy định của pháp luật, quy định phòng, chống dịch bệnh, tội phạm hình sự khác như trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả…, nhất là hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. (Danviet.vn 24/3, PV)Về đầu trang

Chủ tịch Hà Nội khuyên con không về nước

Chiều 23/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung chia sẻ: "Tôi có con trai đang học ở Mỹ, ở vùng dịch nặng nhất. Do trường học đóng cửa chống dịch, cách đây ba tuần tôi gọi điện bảo cháu ra ngoài thuê nhà, mua thức ăn dự trữ đến hết tháng 6 và ở yên trong nhà 90 ngày".

 Ông Chung cho rằng người Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh là một trong những nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch. Hà Nội đã ghi nhận 39 người dương tính với nCoV, trong đó 30 người từ nước ngoài về.

 Trước ngày 23/3, số người Việt Nam ở nước ngoài về nước tăng đột biến. Sau khi Chính phủ cấm nhập cảnh và nhiều hãng dừng bay, lượng người về nước giảm mạnh. Hôm nay sân bay Nội Bài tiếp nhận khoảng 1.000 người Việt Nam về nước, ngày mai dự kiến khoảng 300.

 Chủ tịch thành phố Hà Nội tiếp tục yêu cầu các quận, huyện rà soát, lập danh sách tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua cách ly tập trung, đang cư trú trên địa bàn từ ngày 7/3 đến nay để tổ chức giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly. Quá trình rà soát, nếu phát hiện người nhập cảnh từ nước ngoài về có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì cần chuyển ngay tới bệnh viện.

 Đối với người dương tính nCoV sẽ chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) để điều trị, đồng thời tổ chức các biện pháp xử lý ổ dịch, rà soát đối tượng F1, F2 để tổ chức cách ly. Trường hợp âm tính tiếp tục được cách ly tại nhà, nơi cư trú đến hết thời gian 14 ngày.

 Chủ tịch Hà Nội nhắc lại hai tuần tới là thời gian cao điểm chống dịch. Từ nay đến ngày 5/4, nếu không có việc cần thiết, người dân không nên ra đường, "ở trong nhà càng nhiều càng tốt, nếu ra đường thì bắt buộc đeo khẩu trang, nếu đi bộ giữ khoảng cách đối với người khác".

 Ông Chung cũng đề nghị các gia đình có thân nhân đang ở khu cách ly tập trung không tiếp tế nhu yếu phẩm vì tất cả nơi cách ly đã đảm bảo mọi điều kiện sinh hoạt. "Giai đoạn này phải quyết liệt hơn, phản ứng nhanh hơn, chia sẻ thông tin tốt hơn. Toàn thành phố đồng hành ngăn dịch lây lan", ông Chung nói.

 Đến ngày 23/3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã xét nghiệm hơn 7.200 mẫu, trong đó 25 mẫu dương tính gửi Viện Vệ sinh dịch tễ xét nghiệm khẳng định, còn lại đều âm tính. Tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 của Hà Nội đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương 2 (huyện Đông Anh).

 Về cách ly tập trung, đợt 1 thành phố đã hoàn thành việc tổ chức thực hiện cách ly cho trên 2.200 người tại các điểm cách ly của Bộ Tư lệnh thủ đô. Đợt 2, tổng số người được cách ly tại 15 khu cách ly tập trung trên 5.600, trong đó trường hợp hết thời hạn cách ly trở về địa phương hơn 400, chuyển bệnh viện cách ly theo dõi sức khỏe 16 người, hiện còn 5.200 người.

 Thành phố đã bố trí 15 khu cách ly (9 khu của quân đội, một khu của Bệnh viện công an thành phố và 5 khu dân sự) với hơn 14.600 chỗ. Trong đó Bệnh viện Công an có 88 chỗ, khách sạn Hòa Bình (quận Hoàn Kiếm) có 80 chỗ dành cho người nước ngoài. (Vnexpress.net 24/3, Võ Hải)Về đầu trang

TP.HCM sẽ đề xuất quy trình cưỡng chế cách ly bắt buộc

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của UBND TP.HCM với các Sở, ban ngành chiều tối 23/3.

 Một trong những lý do để TP.HCM đề xuất quy trình này là bởi trong số những người dương tính với COVID-19 hoặc nghi nhiễm, có nhiều người là người nước ngoài. Việc thực hiện cách ly bắt buộc tại nhà hay tập trung khá khó khăn, dù chính quyền địa phương thuyết phục nhiều lần.

 Lãnh đạo thành phố cũng khẳng định, TP.HCM là một trong những nơi có nguy cơ rất cao trong lây nhiễm. Trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận từ 1.300 - 1.800 người tại sân bay Tân Sơn Nhất, nếu không thực hiện tốt việc cách ly, nguy cơ số người nhiễm tăng cao và vượt kiểm soát là rất cao.

 Ngày 24/3, TP.HCM sẽ đón các chuyến bay cuối trước khi ngừng tiếp nhận để thực hiện việc cách ly, xét nghiệm và điều trị các ca bệnh mới nếu có. Dự kiến sẽ có ít nhất 500 người từ các chuyến bay này về đến TP.HCM. Thành phố sẽ cố gắng bố trí đầy đủ các khu cách ly để những người này yên tâm thực hiện việc cách ly, không để bất kỳ trường hợp nào có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Cảnh sát có quyền từ chối làm việc với người say rượu, bia

Đó là một trong những nội dung tại Thông tư 15/2020 Bộ Công an vừa ban hành về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

 Ngoài các quy định về những điều cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không được làm như hiện hành, Thông tư 15 lần đầu tiên bổ sung quy định cấm riêng với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội như: Không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; không yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những giấy tờ, thủ tục ngoài quy định; không lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; không nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho các cá nhân, tổ chức tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở làm việc tại cơ quan; không hứa hẹn, thỏa thuận hoặc nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, lợi ích phi vật chất để giải quyết thủ tục hành chính về trật tự xã hội.

 Thông tư 15 cũng quy định trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội như: Chấp hành nghiêm quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, Quy chế làm việc của đơn vị. Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết đúng thời hạn theo quy định các nội dung công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội. Được xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức và công dân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

 Lực lượng cảnh sát cũng được quyền từ chối làm việc, giải quyết ngay các yêu cầu trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội của những người có biểu hiện say do dùng rượu, bia, chất kích thích khác, không làm chủ được hành vi của bản thân, ăn mặc phản cảm hoặc có lời nói, hành vi vi phạm nếp sống văn minh ở nơi công cộng. Đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện các mô hình hay, sáng kiến cải cách hành chính; góp ý các vấn đề có liên quan từ thực tiễn công tác để áp dụng trong việc giải quyết các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. (Pháp Luật Việt Nam 24/3, Hải Thanh)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm công chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Bộ Tài chính đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xử lý việc ông Nguyễn Ngọc Đính, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán – Pháp chế, Cục Thuế Thanh Hóa - bị Công an Tỉnh Thanh Hóa tạm giữ hình sự để điều tra hành vi nhận tiền của doanh nghiệp trên địa bàn huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa.

 Theo đó, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa theo thẩm quyền thực hiện tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Ngọc Đính, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán – Pháp chế theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác xác minh, điều tra của Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa.

 Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chức năng trong việc xác minh, điều tra, kết luận vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

 Tổng cục Thuế chỉ đạo, giám sát quá trình xử lý vụ việc của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa và xử lý kỷ luật công chức (nếu có) theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

 Trước đó, ngày 19/3, Tổng cục Thuế nhận được thông tin Công an Tỉnh Thanh Hóa bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Đính - trưởng phòng Tổng hợp - Dự toán - Pháp chế thuộc Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa khi đang nhận tiền của doanh nghiệp trên địa bàn huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa.

 Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng để nắm thông tin vụ việc, có biện pháp xử lý theo đúng quy định và báo cáo Tổng cục Thuế.

 Hiện Cục Thuế Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 504/QĐ-CT ngày 20/3/2020 về việc tạm đình chỉ công tác đối với công chức Nguyễn Ngọc Đính và sẽ tiếp tục báo cáo Tổng cục Thuế khi có thông tin mới từ các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. (Baochinhphu.vn 24/3, TH)Về đầu trang

Quyết liệt ngăn chặn nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc… Đây là nội dung rất quan trọng không chỉ đối với Thanh tra Chính phủ mà cần được các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

 Thời gian qua, từ quyết tâm mạnh mẽ cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy của Đảng, Chính phủ, mà tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức được nâng lên, nhất là giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cấp đã bước đầu có kết quả tích cực.

 Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vấn đề làm chưa tốt, gây bức xúc trong đời sống xã hội. Đã có những doanh nghiệp bị nhũng nhiễu nhưng phải chịu đựng để “được việc của mình”, đã có những người dân bị gây khó dễ, không được giải thích đầy đủ, không được tư vấn cụ thể khi gặp vướng mắc ở nơi làm các thủ tục hành chính, dẫn đến mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng cũng không giải quyết được nếu không có quen biết, “bôi trơn”… Thực trạng nêu trên không mới, và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cương quyết xử lý, dẹp bỏ.

 Trong một năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, rất nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Mục tiêu cao nhất hướng tới là tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

 Để đạt được mục tiêu quan trọng này, để cải cách hành chính thật sự thành công, chúng ta không chỉ cần những chủ trương được ban hành bằng văn bản mà rất cần những hành động, việc làm cụ thể. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần chú trọng tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống nhũng nhiễu. Người đứng đầu nghiêm túc, quyết liệt thực hiện công việc thì cả bộ máy sẽ hành động theo và ngược lại. Bên cạnh đó, cần mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần sẵn sàng phục vụ, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Từ thực tế công việc hằng ngày, cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng, nhũng nhiễu theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát, luân chuyển hợp lý. Kiên quyết chỉ ra và có biện pháp khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp. Một nội dung quan trọng khác là tiếp tục khẩn trương rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính.

 Những năm qua, đã có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là những nội dung cần được thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả thực chất hơn và phạm vi rộng hơn nữa. Các địa phương, sở, ngành cần mở rộng việc công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi “tham nhũng vặt”. Cần công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử đến các địa phương…

 Một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện nghiêm túc là giám sát, thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà. Các đoàn thanh tra phải hoạt động nghiêm minh, không bao che, không né tránh, không nể nang để hoàn thành nhiệm vụ, không hình thức. Bên cạnh đó, cần khen thưởng, động viên những đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích, việc làm tốt; cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu và xử lý hình sự đối với hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật… (Nhandan.com.vn 24/3, Song Linh) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào một số dự án luật

Ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng và một số dự án luật khác.

 Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đối với vấn đề sửa đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước, Ủy ban Thường vụ cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước cần được coi là doanh nghiệp mà trong đó Nhà nước nắm cổ phần chiếm tỷ lệ chi phối và có quyền biểu quyết trong doanh nghiệp.

 Về vấn đề đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến nhất trí cần có luật để tạo cơ sở pháp lý, tuy nhiên vẫn còn có ý kiến khác nhau về việc sẽ quy định tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi hay cần xây dựng một luật riêng. 

Về việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không quy định trong luật này, bởi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường có quy mô nhỏ, rủi ro cao, khó quản lý.

 Cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư sửa đổi, các đại biểu đã thảo luận về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và có ý kiến khác nhau là có nên cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không.

 Cũng trong chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. (Kênh VTV1 – Thời sự lúc 19h ngày 23/3)Về đầu trang

Kỳ họp Quốc hội tháng 5 có thể ảnh hưởng bởi dịch

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, nếu Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4 thì kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 "sẽ phải tính toán".

 Với gần 500 đại biểu, hàng trăm nhà báo, hàng trăm khách mời, nhân viên phục vụ, kỳ họp tổ chức trong điều kiện dịch bệnh thì công tác phòng dịch rất khó khăn, bà Ngân nói tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội sáng 23/3.

 Bà cho biết, Quốc hội đang triển khai các ứng dụng để làm việc với đại biểu chuyên trách mà không cần tổ chức họp.

 "Chúng tôi cũng sẵn sàng cho tình huống Thường vụ Quốc hội làm việc trực tuyến, thậm chí ở nhà làm việc nhưng công việc vẫn trôi chảy", bà nói.

 Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nhà nước phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các khuyến cáo của cơ quan y tế trong phòng chống dịch. Cán bộ, công chức khi họp phải đeo khẩu trang; người trên 60 tuổi nếu không có việc cần thiết thì không ra đường; chính quyền tăng cường phục vụ cho dân qua cổng thông tin điện tử...

 Đại biểu dự phiên họp 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3 được đo nhiệt độ từ xa, bước vào máy khử khuẩn trước khi vào họp. Đây là lần đầu tiên hai máy khử khuẩn được sử dụng trước sảnh toà nhà Quốc hội để phòng chống Covid-19. Dung dịch khử khuẩn sẽ phun sương toàn thân trong 10-20 giây. Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khu vực xung quanh cũng được phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn. Đại biểu sử dụng khẩu trang khi dự họp.

 Trước đó, ngày 9/3, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc ra thông báo tăng cường biện pháp phòng, chống Covid-19. Văn phòng Quốc hội hạn chế việc thăm hỏi, cán bộ, nhân viên phải đeo khẩu trang khi trao đổi công việc, không bắt tay khi giao tiếp. (Vnexpress.net 24/3, Hoàng Thùy)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Khánh Hòa: Hệ thống truyền thanh cơ sở hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19

Khánh Hòa là địa phương đầu tiên có người Việt Nam mắc Covid-19 và công bố dịch bệnh Covid-19. Từ đó đến nay, Khánh Hòa chưa ghi nhận thêm trường hợp nào. Kết quả này là nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống truyền thanh cơ sở đã góp phần giúp người dân nắm bắt nhanh các thông tin về phòng, chống dịch.

 "...Để tiếp tục chủ động phòng chống dịch, ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau họng. Mọi người cần thực hiện các việc sau: đeo khẩu trang và tự cách ly ở phòng riêng thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà. Giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2m. Gọi điện cho đường dây nóng cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế, số điện thoại 19003228 để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế...".

 Những thông tin được phát trên Đài Truyền thanh Nha Trang như thế này đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương gần 3 tháng nay. Từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc, rồi khi Khánh Hòa ghi nhận trường hợp đầu tiên người Việt Nam mắc bệnh Covid-19, nhiều người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Trước thực tế đó, hệ thống truyền thanh tại các cơ sở đã tăng cường cập nhật, đưa thông tin về dịch bệnh đến với người dân. Hằng ngày, ngoài tiếp âm các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Khánh Hòa, các Đài truyền thanh cấp huyện còn sản xuất các tin, bài về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh.

 Anh Nguyễn Quang Vinh, ở thôn Võ Dõng, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "So với điện thoại và nhiều nguồn thông tin trên mạng internet, thông tin trên loa truyền thông rất chính xác, đáng tin cậy trong thời buổi nhiễu loạn thông tin trong mùa dịch bệnh hiện nay".

 Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao kiêm Trưởng Đài truyền thanh thành phố Nha Trang cho biết: Toàn thành phố có gần 500 cụm loa truyền thanh không dây ở 27 xã, phường. Các Đài truyền thanh cấp xã cũng tăng cường thời lượng tuyên truyền về dịch bệnh.

 Ông Cường nói: "Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh có ưu thế là hệ thống cụm loa, chúng tôi bố trí đều các khu dân cư. Tuyên truyền thông tin đến trực tiếp tận người dân theo các khung giờ quy định. Để công tác tuyên truyền phòng chống dịch được tốt, trước đó, thành phố đã đầu tư nâng cấp các cụm loa ở xã, phường. Hiện nay, các cụm loa đều hoạt động ổn định".

 Tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ Y tế công bố hết dịch Covid-19. Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh thì nhận thức của người dân về Covid-19 được nâng cao rất nhiều. Hệ thống truyền thanh cơ sở với lợi thế sẵn có đã len lỏi khắp nơi, cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho người dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Từ chỗ hoang mang, lo lắng đến nay người dân đã chủ động, biết cách phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh.

 Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng cho biết, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở chúng tôi đưa đến cho bà con những thông điệp rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu: "Những thông điệp chúng ta cần phải ngắn, gọn, dễ hiểu, bà con nghe có thể làm được. Người ta đang làm việc cũng có thể nghe được thông tin đó. Người ta sáng nghe, trưa nghe, chiều nghe, tối nghe rất hiệu quả. Khi thông tin được nhắc đi nhắc lại, mọi người dễ nhập tâm, dễ biết, nhận thức và thực hiện các phương án phòng chống dịch, các cách vệ sinh phòng dịch". (VOV.vn 24/3)Về đầu trang

Hà Nội: Cán bộ xã, phường tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh

Quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh COVID-19 lây lan trên địa bàn, nhiều địa phương đã chuẩn bị mọi điều kiện để ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

 Với phương châm chung tay phòng chống dịch bệnh, nhiều xã phường ở Hà Nội đã triển khai nhiều cách làm hay, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia

 Lan truyền thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 bằng âm nhạc là cách mà đội tuyên truyền lưu động quận Hà Đông thực hiện vào mỗi dịp cuối tuần. Đa số các thành viên là hội viên của Hội liên hiệp Phụ nữ quận, với đủ lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau cùng tham gia.

 Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, các chi hội phụ nữ ở đây còn vận động các chị em biết nghề may và các cơ sở may trên địa bàn quận tranh thủ thời gian may khẩu trang miễn phí cho người dân.

 Nguồn vải may khẩu trang còn được huy động từ tiền thu mua phế liệu của các chi hội trên địa bàn. Với khả năng suất sản xuất 200 chiếc khẩu trang mỗi ngày, Hội Phụ nữ quận Hà Đông đã chung tay tặng khẩu trang cho những hộ cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật và Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em mồ côi trên địa bàn.

 Bắt đầu từ 21/3, tại Hà Nội, nhiều Ủy ban nhân dân xã, phường cũng đã nhanh chóng thiết lập tổ công tác tại cơ sở rà soát lập danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 7/3 cho đến nay để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo quy định. Dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm chưa dừng lại nhưng cả triệu người cùng chung một ý chí "chống dịch như chống giặc", Hà Nội và nhiều địa phương khác chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Báo Trung Quốc: Nếu Ấn Độ muốn thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, phải nhanh chân hơn Việt Nam

Thu hút các công ty toàn cầu rời Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp và di chuyển phần lớn lực lượng lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Các quốc gia đang phát triển, ai sẽ về đích trước?

 Khi Trung Quốc quay cuồng với Covid-19, nhiều người đang băn khoăn: "Liệu Ấn Độ có cơ hội nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu - thay thế Trung Quốc hay không?" Điều đó không phải là không thể xảy ra, nhưng có rất nhiều rào cản, vì một loạt lý do mà South China Morning Post nêu ra dưới đây.

 Đầu tiên, chuỗi cung ứng sản xuất của Ấn Độ được thiết kế phù hợp với thị trường trong nước. Ấn Độ sẽ cần có thời gian để thực hiện những thay đổi, cho phép các nhà máy tăng cường sản xuất cho khách hàng quốc tế. 

Thứ hai, chỉ có một số địa điểm ở Ấn Độ phù hợp cho sản xuất quy mô lớn, và có những thách thức trong lĩnh vực hậu cần để vận chuyển nguyên liệu thô đến các trung tâm sản xuất này, cũng như đưa sản phẩm cuối cùng đi xuất khẩu.

 Thứ ba, việc đào tạo lại công nhân quy mô lớn là cần thiết, để có thể đảm nhận việc làm được hưởng lợi từ Trung Quốc. Điều đó sẽ không thể hoàn tất trong một đêm. Ấn Độ sẽ cần đầu tư đáng kể từ cả chính phủ và khu vực tư nhân.

 Thứ tư, sẽ có rất nhiều sự cạnh tranh từ các nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam và Bangladesh. Ấn Độ là một quốc gia liên bang, điều đó có nghĩa luật pháp giữa các vùng sẽ khác nhau, gây khó khăn cho các nhà đầu tư tiềm năng. 

Thứ năm, tình hình chính trị Ấn Độ chưa thực sự ổn định. Ví dụ, một số công ty nước ngoài đã thể hiện sự quan tâm đến một thành phố thông minh mới, Amaravati, thủ phủ của bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ, nhưng với sự thay đổi của chính quyền ở tỉnh đó, mọi thứ dường như đã chuyển sang một hướng hoàn toàn khác.

 Thứ sáu, các cửa khẩu và cảng biển, cảng hàng không sẽ cần được tân trang lại. Sáng kiến ​​Sagarmala đầy tham vọng của Ấn Độ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong những năm tới. Điều này sẽ bộc lộ toàn bộ tiềm năng của bờ biển và đường thủy của Ấn Độ. Ở khu vực lân cận của Ấn Độ, Bangladesh đang chuẩn bị xây dựng Cảng biển sâu Matarbari với sự giúp đỡ từ Nhật Bản, nơi sẽ có năng lực tiếp nhận các tàu có sức chứa 8.000 TEU (đơn vị tương đương 20 feet). Hiện tại, cảng biển lớn nhất ở Bangladesh không thể tiếp nhận các tàu sức chứa hơn 2.000 TEU.

 Thứ bảy, chính quyền trung ương và chính phủ sẽ phải đảm bảo cung cấp điện ổn định. Một số vùng ở Ấn Độ chưa đảm bảo được điều đó. Luật lao động cũng cần được nới lỏng và đặc khu kinh tế cần được thiết lập. New Delhi nên xem xét nhận sự giúp đỡ từ các quốc gia như Nhật Bản - các chuyên gia về hậu cần chuỗi cung ứng.

 Ấn Độ sẽ phải gây ấn tượng với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các công ty khác để tận dụng thị trường nội địa rộng lớn và vị trí thuận lợi của họ, để chuyển chuỗi cung ứng của các công ty này sang Ấn Độ. Một chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn sẽ hữu ích cho điều đó.

 Mặc dù Ấn Độ đã cải thiện nhiều trong chỉ số dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, thì vẫn còn quá sớm để Ấn Độ giành được "vòng nguyệt quế".

 Trong Báo cáo Kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ được xếp hạng thứ 63 trong số 190 nền kinh tế, một bước tiến lớn từ vị trí thứ 142 năm 2014, khi ông Modi nhậm chức.

 Tất cả những vấn đề này sẽ phải được giải quyết nhanh chóng, vì có nhiều quốc gia khác cũng đang chạy trên cuộc đua này. Ngay cả trước Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng đã chuyển ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, Bangladesh và Thái Lan. 

Ấn Độ cũng đã cho thấy sự tiến bộ, khi Tập đoàn công nghệ Foxconn (chính thức được gọi là Hon Hai Precision Industry) sản xuất iPhone X ở đây, rời đi từ Trung Quốc. Foxconn vận hành hai nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ. Để hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, Boeing và Tata cũng có một liên doanh ở Ấn Độ, điều này sẽ cho phép nước này xuất khẩu các hệ thống vũ khí trong tương lai. Chính phủ cũng cần ưu tiên một số lĩnh vực như phụ tùng ô tô và công nghiệp phụ trợ để tận dụng nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu. (Cafef.vn 24/3)Về đầu trang

Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Người lao động và doanh nghiệp "lao đao" vì COVID-19. Giải pháp nào hỗ trợ họ vượt qua thử thách khắc nghiệt này?

 Gần 2 tháng nay, dịch COVID-19 đã tác động lớn tới mọi mặt của cuộc sống mỗi người nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 3, ít nhất đã có 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc phải ngừng hoạt động. 47.000 người đã phải nộp đơn xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số doanh nghiệp và người lao động khác may mắn hơn cũng đang phải chịu cảnh sản xuất mà không có đầu ra, dẫn đến một ngày làm, một ngày nghỉ.

 Đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế. Từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cho đến các doanh nghiệp lớn cũng đều giảm đáng kể "sức đề kháng" vì dịch. Hơn lúc nào hết, sự sụt giảm thu nhập của người lao động và nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội lại tiếp tục đặt thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

 Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bất lợi từ dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất với Chính phủ một số giải pháp liên quan đến chính sách bảo hiểm và tín dụng. Bộ này đề xuất cho 100% doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 2 đến hết tháng 12 năm nay. Với những người lao động bị mất việc được miễn hoàn toàn. Sau thời gian này, doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

 Không chỉ tại Việt Nam, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã cảnh báo, nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ có 25 triệu người trên thế giới mất việc nếu các chính phủ không nhanh chóng hành động. Do vậy, chính phủ các nước ngay lập tức tung ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, tập trung chính vào các ngành nghề và người lao động bị ảnh hưởng lớn từ dịch.

 Trong gói kích thích trị giá 1.000 tỷ USD, Bộ Tài chính Mỹ đề xuất trợ cấp trực tiếp mỗi hộ gia đình trung bình 3.000 USD, cho vay hỗ trợ ngành hàng không và các doanh nghiệp dịch vụ phải tạm đóng cửa vì dịch. Các chính phủ Anh và Đức cũng có các gói kích thích tương tự. Pháp đang có hàng loạt bước đi mạnh mẽ nhất châu Âu khi tuyên bố cho phép doanh nghiệp nhỏ hoãn chi trả tiền thuê địa điểm, điện, nước, lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, nước này cũng lập quỹ riêng để hỗ trợ một phần lương cho người lao động phải tạm thời nghỉ việc.

 Đồng hành cùng chính phủ, không ít doanh nghiệp trên thế giới, dù bị sụt giảm doanh thu từ dịch COVID-19, đã nhanh chóng chủ động các giải pháp hỗ trợ người lao động một cách kịp thời. Các biện pháp hỗ trợ người lao động của giới doanh nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, chính phủ nhiều nước đang chuẩn bị các gói kích thích nền kinh tế.

 Dịch bệnh đã làm "sức đề kháng" của doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ từ chính phủ các nước, sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, sự chia sẻ của người lao động sẽ phần nào giảm thiểu những tác động xấu không mong muốn từ dịch bệnh tới nền kinh tế. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hoàn thiện một số dịch vụ công cung cấp trên Cổng DVCQG

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị công bố dịch vụ công trực tuyến, sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. 

Thông báo nêu rõ, để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, doanh nghiệp liên quan tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu.

Cụ thể, tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công mức 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. 

Bộ Công an khẩn trương hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

 Thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đúng tiến độ, chất lượng, nhất là các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ.

 Với các dịch vụ công mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và cơ quan liên quan hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đối với nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để triển khai toàn quốc trước ngày 30/6/2020.

 Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục kê khai và thu lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để triển khai toàn quốc trước ngày 30/6/2020; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với kê khai thuế cá nhân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trước ngày 15/4/2020.

 Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc chia sẻ dữ liệu đăng kiểm có ký số để phục vụ cho việc hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến kê khai lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, cơ quan liên quan xây dựng dịch vụ công trực tuyến đối với nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông và Đổi giấy phép lái xe mức độ 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trước ngày 30/6/2020.

 Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 3 năm 2020.

 Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Quốc phòng; Ngoại giao; Công an; Nội vụ; Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai các giải pháp kỹ thuật hoàn thành kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 3 năm 2020. (Baochinhphu.vn 24/3, Chí Kiên)Về đầu trang

Ninh Thuận: Sở Nội vụ dẫn đầu cải cách hành chính

UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố kết quả thẩm định, đánh giá, phân loại thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2019 đối với các Sở, ban, ngành và huyện, thành phố.

 Theo đó, công tác cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành dọc năm 2019 được đánh giá trên 9 nhóm tiêu chí, gồm: công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính; chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính; thực hiện đánh giá, phân loại kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm đúng quy trình, thời gian quy định.

 Một tiêu chí quan trọng khác góp phần đánh giá kết quả cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương được khảo sát độc lập là tiêu chí khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành dọc.

 Ngoài 21 đơn vị sở, ngành cấp tỉnh, 5 đơn vị ngành dọc và 7 đơn vị các huyện, thành phố được đánh giá chính thức, một điểm mới trong đánh giá cải cách hành chính năm nay là UBND tỉnh đưa 7 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh gồm: Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp, Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận vào chấm điểm tham khảo để xem xét đưa vào đánh giá chính thức trong năm 2020.

 Kết quả xếp loại công tác cải cách hành chính năm 2019 đối với 33 cơ quan, đơn vị, địa phương có 31 đơn vị xếp loại tốt (tăng 10 đơn vị); 2 đơn vị xếp loại khá (giảm 8 đơn vị).

 Kết quả, 3 khối các sở, ngành dẫn đầu bảng xếp hạng là Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Y tế. Đối với khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh lần lượt là Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Công an tỉnh. Đối với khối các huyện, thành phố lần lượt là Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Phước. Cuối bảng xếp hạng là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường…

 Kết quả đánh giá, xếp loại cải cách hành chính năm 2019 của các Sở, ngành, đơn vị và địa phương phản ánh khách quan, trung thực và thực tế, đây là cơ sở quan trọng giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xác định được những mặt mạnh, yếu để có các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong việc thực hiện cải cách hành chính hoàn thiện hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020. (Đầu tư 24/3, Hoàng Anh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Năm 2019, TP HCM phát hiện 12 trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử

Theo báo cáo mới đây của UBND TP HCM gửi Bộ Nội vụ, trong năm 2019, toàn TP có 1.028 đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ửng xử của cán bộ, công chức; phát hiện 12 trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp.

 Năm 2019 TP HCM phát hiện 12 trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp

 Có 1 trường hợp chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT chưa tích cực giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho DN; 1 bác sỹ tại BV Nguyễn Trãi có thái độ thiếu hòa nhã khi giao tiếp với bệnh nhân; 6 trường hợp thuộc UBND quận Bình Tân vi phạm quy tắc ứng xử trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; 3 trường hợp thuộc UBND huyện Cần Giờ không đảm bảo thời gian, giờ giấc làm việc…

 Thực hiện quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, năm 2019 TP có 2 trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để đơn vị phụ trách xảy ra hành vi tham nhũng. Cụ thể, 1 trường hợp Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Bình Chánh; 1 trường hợp Chủ tịch UBND phường Bến Thành, quận 1.

 UBND TP cho biết thời gian tới  sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng ở cấp quận, huyện; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng… (Baophapluat.vn 24/3, V.Nam – H.Quý) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nga hoãn bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp vì dịch Covid-19

Chính phủ Nga vừa thông qua quyết định hoãn bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

 Báo Vedomosti ngày 23/3 dẫn 3 nguồn tin thân cận với Văn phòng Tổng thống Nga cho biết, quyết định chính trị hoãn bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp đã được thông qua. Tuy nhiên, ngày bỏ phiếu mới vẫn chưa được xác định.

 Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tiến hành cuộc bỏ phiếu này vào ngày 22/4. Nhiều khả năng cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào tháng 6/2020.Theo các nguồn tin này, cho đến nay thời điểm rời ngày bỏ phiếu vẫn chưa được duyệt. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang

Mỹ cấm tích trữ thiết bị, vật tư y tế nhằm đối phó dịch COVID-19

Mỹ đã trở thành tâm dịch lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Italy. Chỉ riêng ngày 24/3, đã có hơn 100 ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ, nâng tổng số người tử vong vì dịch bệnh này tại Mỹ lên tới hơn 560 trường hợp. Để đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh tại nước này, Tổng thống Trump vừa mới ký lệnh cấm tích trữ các thiết bị và vật tư y tế.

 Chất khử trùng tay, khẩu trang hoặc thiết bị bảo vệ cá nhân là một số thiết bị y tế nằm trong lệnh cấm tích trữ của chính quyền. Bộ Tư pháp Mỹ sẽ điều tra, xử phạt bất kỳ ai tích trữ vật tư, thiết bị y tế với mục đích thao túng thị trường hay kiểm soát giá cả.

 Tổng thống Donald Trump cho biết đang mất kiên nhẫn khi chứng kiến hoạt động sản xuất bị đình trệ khiến nền kinh tế Mỹ dường như bị đóng bởi yêu cầu cách ly 2 tuần trên diện rộng. Biện pháp cách ly yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài, không tụ tập đông người, đóng cửa các trường học, cơ sở kinh doanh không cần thiết.

 Tổng thống Trump cho rằng với việc nới lỏng biện pháp cách ly theo diện rộng ở những nơi không nghiêm trọng sẽ giúp khôi phục nền kinh tế vốn đang bị đình trệ. Bên cạnh đó chính quyền vẫn tập trung mọi nguồn lực cần thiết cho các "điểm nóng" để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang

Đài Loan (Trung Quốc): Phạt 33.000 USD với người không tự cách ly

Bị phạt 33.000 USD, tức khoảng hơn 760 triệu đồng chỉ vì không tuân thủ quy định tự cách ly. Đó là mức phạt mà giới chức Đài Loan (Trung Quốc) vừa đưa ra với một người đàn ông địa phương sau khi trở về từ Đông Nam Á. 

Theo Hãng tin Channel New Asia, người đàn ông này đã vi phạm lệnh cách ly tại nhà, để đến một quán rượu. Sự việc chỉ được phát hiện khi cảnh sát kiểm tra và đã yêu cầu quán rượu này ngừng hoạt động. Đây là mức phạt tối đa đối với những người không tuân thủ quy định tự cách ly.

 Đầu tháng này, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã phạt mức tối đa với một người đàn ông trốn quy định cách ly khi trở về từ Trung Quốc đại lục, vẫn đi lại bằng các phương tiện công cộng. (VTV.vn 24/3)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More