Ban hành Kế hoạch Tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân

Post date: 11/07/2024

Font size : A- A A+

Trong năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra 327 vụ, việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân với 852 người tham gia, trong đó có 29 vụ mâu thuẫn kéo dài (chủ yếu mâu thuẫn về tranh chấp đất đai). Các lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 39 vụ, xử lý hành chính 67 vụ. Các vụ việc mâu thuẫn trên liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Mâu thuẫn trong sinh hoạt, mâu thuẫn về đất đai, mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn tình ái, mâu thuẫn va chạm giao thông… Nguyên nhân của các vụ việc trên do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa có thái độ hành xử đúng mực khi xảy ra mâu thuẫn; đặc biệt là những mâu thuẫn bột phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự (ANTT).

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải quyết triệt để các vụ, việc mâu thuẫn, qua đó kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL), góp phần giữ vững ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.  Ngày 09 tháng 7 năm 2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BCĐ138) tỉnh đã ban ban hành Kế hoạch số 95/KH - BCĐ về việc tăng cường công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân.

Theo đó, Kế hoạch nêu rõ nội dung công tác trọng tâm như sau:

Thứ nhất: Thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện có hiệu quả các Đề án được giao trong chiến lược quốc gia PCTP giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; lồng ghép các biện pháp nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân với nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong PCTP nói chung và tội phạm liên quan đến mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân nói riêng.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     

Thứ hai:  Tăng cường đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung áp dụng biện pháp PCTP. Đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thông qua các tiện ích, giải pháp công nghệ như: Ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, Instagram, các mạng viễn thông, đặc biệt là các tính năng ứng dụng VneID.

Thứ ba: Làm tốt công tác nắm tình hình, rà soát các vụ việc mâu thuẫn xảy ra, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực thường phát sinh mâu thuẫn như: việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, tình ái, mâu thuẫn liên quan đến vay, mượn tài chính “tín dụng đen”... để có biện pháp phòng ngừa, giải quyết phù hợp.

Thứ tư: Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tiến hành rà soát, đánh giá số vụ việc mâu thuẫn kéo dài còn tồn đọng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các mâu thuẫn phức tạp chưa giải quyết được hoặc đã giải quyết nhưng chưa ổn định. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng chủ trì, cơ quan có liên quan trong việc đề xuất các giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn kéo dài, nhất là vụ việc vượt quá thẩm quyền của cấp xã, cấp huyện; phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm 05% vụ việc mâu thuẫn kéo dài so với năm 2023, không để vụ việc diễn biến phức tạp gây mất ANTT.

Thứ năm: Tổ chức tốt công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án, nhất là các vụ án phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đưa ra xét xử công khai, lưu động một số vụ án điểm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Thứ sáu: Rà soát, củng cố các mô hình phong trào toàn dân PCTP ở cơ sở; tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn pháp luật về việc xây dựng mô hình quần chúng tham gia PCTP; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tiếp tục phát huy vai trò của Tổ hòa giải, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong việc phát hiện, nắm tình hình, tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để phát sinh các vụ phạm tội và VPPL, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội ngay từ cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác PCTP nói chung và công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân nói riêng.

Thứ bảy: Thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 08/CTPH-CAT-MTTQ ngày 25/12/2023 giữa Công an tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” giai đoạn 2023 - 2033.

 

Nguyễn Liên

More