Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 22-12-2020

Post date: 22/12/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Bộ Tài chính lấy ý kiến chi tiền công đọc thẩm định tài liệu SGK 35.000 đồng/tiết 1

CHÍNH SÁCH MỚI 2

2.                Bệnh nhân trái tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trên cả nước. 2

3.                Từ 1/1/2021, công an Hà Nội mở đợt cấp căn cước công dân lưu động. 3

4.                Lương, thưởng Tết năm 2021 có gì mới?. 3

5.                Tính thuế thu nhập cá nhân 2021 với trường hợp ký HĐLĐ từ 3 tháng. 4

6.                15 khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2021. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 5

7.                3 sở của Quảng Ninh họp tổng kết năm chung để tiết kiệm thời gian, chi phí 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

8.                Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong quá trình phục hồi hậu Covid-19! 6

9.                Nikkei Asia: Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp xây thành phố thông minh tại Việt Nam.. 7

10.            Việt Nam đang là điểm đến đáng đầu tư nhất từ hiệu ứng Apple. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

11.            Để "không dám tham nhũng". 8

QUẢN LÝ.. 9

12.            Chọn cán bộ đúng để đỡ phải chống tham nhũng, tiêu cực. 9

13.            Còn hiện tượng coi nhẹ vai trò của Mặt trận trong chống tham nhũng. 10

14.            Đề xuất công khai danh tính người dùng bằng giả của ĐH Đông Đô. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

15.            Hà Nội dán thông báo phạt nguội xe dừng, đỗ sai quy định: Cách làm hay nhưng rườm rà  12

16.            38.799 hồ sơ lĩnh vực thú y thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

17.            TP Hồ Chí Minh: Kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ dâm ô ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội 14

18.            Vụ bằng giả của Trường ĐH Đông Đô: Nhiều đơn vị lúng túng xử lý. 15

THẾ GIỚI 16

19.            Mất cảnh giác, hàng loạt lãnh đạo cao cấp tại châu Âu phải cách ly. 16

20.            Trung Quốc ban hành quy định mới về đầu tư nước ngoài 16

 TIÊU ĐIỂM

 Bộ Tài chính lấy ý kiến chi tiền công đọc thẩm định tài liệu SGK 35.000 đồng/tiết

Bộ Tài chính vừa giới thiệu Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định SGK giáo dục phổ thông để xin ý kiến rộng rãi. Trong đó, chi tiền công đọc thẩm định tài liệu của các thành viên Hội đồng thẩm định trước phiên họp tối đa 35.000 đồng/ tiết/ người.

 Theo dự thảo, thông tư này hướng dẫn việc quản lý kinh phí thẩm định SGK giáo dục phổ thông do Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thực hiện (theo quy định tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông).

 Nguồn kinh phí thẩm định SGK giáo dục phổ thông gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách T.Ư) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

 Chi tổ chức họp thẩm định SGK trong đó có phần bao gồm thuê thiết bị công nghệ thông tin, máy chiếu, thuê đường truyền, các chi phí trực tiếp khác có liên quan; Chi khác phục vụ trực tiếp họp Hộiđồng thẩm định (điện, nước, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, chuyển phát tài liệu đến thành viên của Hội đồng và các khoản chi trực tiếp khác) theo thực tế phát sinh.

 Dự thảo cũng nêu rõ về từng nội dung và mức chi thẩm định SGK giáo dục phổ thông. Các khoản chi cho thành viên Hội đồng thẩm định như: chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp tối đa 35.000 đồng/ tiết/ người; Chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ; Chi phụ cấp tiền ăn.

 Chi tiền công họp thẩm định: trong đó, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tối đa 200.000 đồng/ người/ buổi; Phó chủ tịch, uỷ viên, thư ký Hội đồng thẩm định tối đa 150.000 đồng/người/ buổi.

 Thông tư này có hiệu lực thi hành sẽ bao gồm cả việc áp dụng cho công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

 Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi làm căn cứ để lập dự toán chi cho công tác thẩm định SGK giáo dục phổ thông. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương chủ động quy định mức chi cụ thể từ nguồn ngân sách nhà nước cho phù hợp và đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện ở cơ quan trong phạm vi dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao. (Tienphong.vn 21/12, Hà Linh) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Bệnh nhân trái tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trên cả nước

Từ đầu năm sau, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trên phạm vi cả nước.

 Những khó khăn bước đầu trong chủ trương giao dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Đây là một trong những chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT) tạo điều kiện cho mọi người bệnh, đặc biệt là những người không thể đến khám chữa bệnh đúng tuyến.

 Theo đó, bệnh viện tuyến tỉnh hay tuyến Trung ương chỉ điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh lý của người có thẻ BHYT; phù hợp với phạm vi chuyên môn và số giường bệnh nội trú được phê duyệt.

 Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường năng lực điều trị, không để bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới vượt lên tuyến trên khám chữa bệnh, gây ra tình trạng quá tải. (Vtv.vn 21/12) Về đầu trang

Từ 1/1/2021, công an Hà Nội mở đợt cấp căn cước công dân lưu động

Từ ngày 1/1 - 1/7 năm sau, công an TP Hà Nội sẽ mở đợt cao điểm cấp căn cước công dân lưu động trên địa bàn.

 Hoạt động sẽ được triển khai tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học và tại các địa bàn dân cư. Cùng với đó, Công an thành phố sẽ tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ để cấp căn cước công dân (CCCD) tại trụ sở công an các quận, huyện, thị xã.

 Các trường hợp cần thiết cấp CCCD trong dịp cao điểm này là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND, CCCD hoặc đã được cấp nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn.

 Công an khuyến khích các trường hợp này thực hiện việc cấp mới, cấp đổi sang sử dụng CCCD mẫu mới.

 Các trường hợp chưa cần thiết là các công dân đã được cấp CMND 12 số, thẻ CCCD còn nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng. Theo quy định hiện hành, các loại giấy tờ này vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết hạn.

 Các trường hợp này có thể thực hiện việc cấp đổi sang CCCD mẫu mới sau ngày 30/6/2021. (Vtv.vn 21/12) Về đầu trang

Lương, thưởng Tết năm 2021 có gì mới?

Từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó, có quy định nhiều điểm mới về tiền lương, thưởng đối với người lao động.

 Về nguyên tắc trả lương, người sử dụng lao động không những phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động như bộ luật hiện hành, mà còn không được can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động. 

Đặc biệt không được ép người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của mình hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

 Theo Bộ luật Lao động 2019, nếu chậm trả lương quá 15 ngày, người sử dụng lao động sẽ trả thêm tiền lãi suất trong khi đó, luật hiện hành cho phép người sử dụng lao động được chậm trả lương tối đa 1 tháng.

 Người sử dụng lao động cũng phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động vào mỗi lần trả lương trong đó ghi rõ các nội dung về tiền lương; tiền lương làm thêm giờ; tiền lương làm việc vào ban đêm cũng như nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). 

Người lao động sẽ có thêm các ngày nghỉ có báo trước được nguyên lương trong các trường hợp sau: Con nuôi kết hôn; cha nuôi, mẹ nuôi của mình hoặc của vợ hoặc chồng qua đời.

 Từ 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định nhiều điểm mới về lương thưởng với người lao động. Cụ thể, Điều 103 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

 Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

 Như vậy, thưởng Tết của người lao động có thể không phải là tiền mặt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động duy trì việc thưởng hiện vật như bánh, kẹo, mứt, vé tàu, vé xe hoặc chính sản phẩm của công ty làm quà Tết cho người lao động trong dịp lễ, Tết. 

Bộ luật cũng giữ quy định người lao động được hưởng 100% tiền lương trong các ngày nghỉ lễ dù không đi làm. (Vtv.vn 21/12, Thùy Linh) Về đầu trang

Tính thuế thu nhập cá nhân 2021 với trường hợp ký HĐLĐ từ 3 tháng

Cá nhân ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 3 tháng trở lên có thu nhập từ tiền lương, tiền công phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo cách tính dưới đây.

 Với trường hợp ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên, công thức tính thuế thu nhập cá nhân năm 2021 như sau:

 Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính trên thu nhập tính thuế và thuế xuất, cụ thể như sau: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân x Thuế suất

 Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định như sau: Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân - Các khoản giảm trừ

 Trong đó, thu nhập chịu thuế được xác định như sau: Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân = Tổng thu nhập - Các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân

 + Tổng thu nhập được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

 + Các khoản thu nhập được miễn thuế là thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của pháp luật.

 Các khoản giảm trừ bao gồm: Các khoản giảm trừ gia cảnh (đối với người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng, 132 triệu đồng/năm; đối với người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/người/tháng); Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC; Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC. (Laodong.vn 21/12, Anh Thư) Về đầu trang

15 khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2021

Các khoản thu nhập tính đóng và không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm là một trong những chính sách về bảo hiểm được đông đảo người lao động quan tâm. Dưới đây là 15 khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và 10 khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc năm 2021 theo quy định.

 Theo Điểm 2.3 khoản 2 Điều 6 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 BHXH Việt Nam về việc ban hành quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế đã quy định rõ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác.

 Theo đó, có thể xác định các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm 15 khoản sau: Tiền thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Tiền hỗ trợ xăng xe; Tiền hỗ trợ điện thoại; Tiền hỗ trợ đi lại; Tiền hỗ trợ nhà ở; Tiền hỗ trợ giữ trẻ; Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ; Tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân chết; Tiền hỗ trợ khi người lao động có người thân kết hôn; Tiền sinh nhật của người lao động; Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động; Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. (Tapchitaichinh.vn 21/12, Quỳnh Trang) Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

3 sở của Quảng Ninh họp tổng kết năm chung để tiết kiệm thời gian, chi phí

Sáng nay, 21.12.2020, 3 sở của tỉnh Quảng Ninh: Giao thông – Vận tải, Xây dựng và Tài Nguyên – Môi trường họp tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 20201. Điều đặc biệt là lần đầu tiên 3 sở họp tổng kết chung, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

 Tại cuộc họp chung, lãnh đạo các sở trình bày các báo cáo tổng kết năm 2020 và nhiệm vụ năm tới của từng đơn vị và nghe ý kiến phát biểu của các cá nhân, đại diện các bộ phận trực thuộc…

 Phát biểu kết luận, ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – đánh giá, nhận xét, giao nhiệm vụ đối với từng sở.

 Trao đổi với Lao Động, ông Huy cho biết, đây là lần đầu tiên 3 sở này họp tổng kết năm chung với nhau, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

 Cũng theo ông Huy, nếu họp tổng kết riêng như mọi năm thì ông – người được giao phụ trách các sở này – sẽ phải mất 3 buổi để dự và chỉ đạo hội nghị.

 “Họp tổng kết năm thường chỉ đánh giá lại những việc đã làm trong năm qua và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ năm tới. Vì thế, các sở, ngành cùng lĩnh vực, cùng mảng có thể họp chung với nhau để tiết kiệm chi phí, thời gian. Việc này cũng không khó gì cho lãnh đạo tỉnh phụ trách, vì đã theo dõi sát sao cả năm” – ông Huy chia sẻ.

 Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị có nhiều lĩnh vực liên quan nên họp tổng kết chung như hội nghị của 3 sở này, để hạn chế các cuộc họp triền miên, có khi kéo dài tới tận Tết âm lịch. Không chỉ có vậy, đơn vị nào cũng muốn có lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan đến dự và phát biểu, trong khi thời gian cuối năm các cơ quan đều bận. (Laodong.vn 21/12, Nguyễn Hùng) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong quá trình phục hồi hậu Covid-19!

Chiều 21/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên cho thấy, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2020 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

 Phát biểu tại hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình trong công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19 khi so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Các biện pháp được đưa ra nhanh chóng và kịp thời đã giúp nền kinh tế quay lại giai đoạn phục hồi một cách nhanh chóng.

 "Liên quan đến giai đoạn phục hồi kinh tế, để làm cho giai đoạn này phục hồi một cách bền vững, chúng tôi tin rằng Chính phủ có thể áp dụng những chính sách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi xanh nhất có thể.

 Đặc biệt, phục hồi bền vững sẽ góp phần xây dựng khả năng phục hồi bền bỉ trước những tổn thương về mặt môi trường cũng như khí hậu cũng như tạo dựng khả năng chống chịu trước những rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, phục hồi xanh cũng giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội về tăng trưởng thông qua mở rộng cơ hội mới, mở ra những cánh cửa để tạo việc làm", bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

 Theo bà Carolyn, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong quá trình phục hồi sau Covid-19, Việt Nam có cơ hội để đi trên con đường phát triển nhanh hơn, thông minh hơn và đảm bảo bao trùm hơn, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai.

 "Chúng tôi cho rằng chi phí của việc buông xuôi, không hành động đã rất rõ ràng và càng ngày càng trở nên không thể đảo ngược trong những thập kỷ tới", Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định.

 Đại diện WB tại Việt Nam cho hay, những cơn bão nhiệt đới gần đây ở vùng miền Trung Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn là những ví dụ minh hoạ cho sự mong manh, dễ bị tổn thương nếu như không thực hiện phục hồi bền vững. 

"Mục tiêu của việc phát triển kinh tế là phải tạo ra của cải, và đồng thời không làm huỷ hoại những của cải đã tạo ra", bà Carolyn nhận định.

 Cuối cùng, bà kết luận: "Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi. WB đã đưa ra một cái nhìn chi tiết về một bộ công cụ chính sách có thể giúp Việt Nam có thể tăng trưởng và đạt được những chỉ tiêu về khí hậu cả trong ngắn và trung hạn". 

Cụ thể, báo cáo đã đưa ra hai bài học qua quản lý thành công khủng hoảng Covid-19 có thể được áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường. Thứ nhất, cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết. 

Thứ hai, ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể. Đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu. (Cafef.vn 21/12, Hà Trần) Về đầu trang

Nikkei Asia: Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp xây thành phố thông minh tại Việt Nam

Theo Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một quỹ trị giá 250 tỷ yên (2,4 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các dự án thành phố thông minh của các công ty Nhật Bản và hỗ trợ các biện pháp khử carbon ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.

 Cụ thể, quỹ sẽ bao gồm khoảng 50 tỷ yên từ Tập đoàn Đầu tư Hạ tầng Giao thông và Phát triển Đô thị Hải ngoại Nhật Bản (JOIN), một quỹ của chính phủ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và một hạn mức tín dụng trị giá 200 tỷ yên từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). 

Chính phủ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án tại 26 thành phố tại 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm Hà Nội, TP. HCM, Jakarta, Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.

 Nhật Bản dự kiến sẽ đề nghị 26 thành phố nói trên đệ trình các kế hoạch phát triển thành phố thông minh vào cuối năm nay và sẽ lựa chọn các dự án đủ tiêu chuẩn vào mùa xuân năm tới. Chính phủ hy vọng doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đề ra các kế hoạch cơ bản cho các thành phố đã chọn và tiến hành các nghiên cứu khả thi.

 Nhằm thúc đẩy các dự án thành phố thông minh, JOIN đang cân nhắc các biện pháp như thiết lập các liên doanh giữa các công ty Nhật Bản và các công ty của nước sở tại. Đồng thời, JBIC sẽ mở rộng hạn mức tín dụng cho các chương trình môi trường như các chương trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng có thể tái sinh và ngăn ngừa ô nhiễm không khí và nước.

 Theo Nikkei Asia, với việc thành lập quỹ này, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ cạnh tranh với Trung Quốc và Hàn Quốc trong các dự án thành phố thông minh ở Đông Nam Á. Đầu năm nay, Hàn Quốc đã công bố gói hỗ trợ các dự án thành phố thông minh ở nước ngoài và đã lựa chọn các dự án ở 11 quốc gia, bao gồm 6 nước thành viên ASEAN. (Cafef.vn 21/12, Hà Trần) Về đầu trang

Việt Nam đang là điểm đến đáng đầu tư nhất từ hiệu ứng Apple

Mới đây, hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết các công ty lắp ráp AirPods (thiết bị tai nghe) của Apple đã bổ sung thêm một số dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam. Theo đó, năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPods dự kiến sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

 Thực ra, tai nghe AirPods đã được lắp ráp hàng loạt tại Việt Nam từ tháng 3/2020. Đến tháng 5 năm nay thì một số mẫu tai nghe mới là AirPods Pro cao cấp (vốn trước đây chỉ sản xuất ở Trung Quốc) đã có dòng chữ “Assembled in Vietnam” trên vỏ hộp như một chỉ dấu việc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

 Còn thông tin mới nhất cho thấy AirPods Max (mẫu tai nghe trùm đầu không dây được Apple giới thiệu hôm 8/12/2020, được bán với giá 549 USD, con số cao hơn cả iPhone SE 2020 và AirPods cộng lại) sẽ được lắp ráp tại Việt Nam thay vì được sản xuất ở Trung Quốc như nhiều sản phẩm khác của Apple.

 Theo nguồn tin của trang Digitimes thì Luxshare Precision Industry và Goertek (hai công ty đến từ Trung Quốc) là đối tác sản xuất AirPods Max của Apple tại các nhà máy đặt tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ở Việt Nam. Điều này cho thấy Apple đang chuyển đổi chuỗi cung ứng ra ngoài phạm vi Trung Quốc.

 Còn hãng tin Reuters vào tháng 11/2020 cho biết theo yêu cầu của Apple, hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới Foxconn (chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple) đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (Ipad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam và dự kiến hoạt động trong năm 2021.

 Những thông tin về động thái dịch chuyển dây chuyển của Apple sang Việt Nam được đánh giá là tín hiệu đầy lạc quan cho việc thu hút các “đại bàng” công nghệ rót vốn vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tốt, kéo theo nhiều nhà đầu tư công nghệ khác thường có xu hướng đến những quốc gia mà các tập đoàn lớn trên thế giới chuyển đến.

 Ở hội thảo trực tuyến bàn về kinh doanh quốc tế do Đại học RMIT tổ chức gần đây, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, đã bày tỏ niềm tin với những doanh nghiệp (DN) tầm cỡ như Apple, Facebook, Microsoft hay IBM ở Việt Nam. “Điều này đến từ những chính sách rất tuyệt của Chính phủ Việt Nam”,  ông Denis khẳng định.

 Còn theo bà Châu Tạ, Giám đốc Điều hành phụ trách Giao dịch pháp lý của công ty quản lý đầu tư SC Capital Partners kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại Úc - ASEAN: “Thời điểm này, Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất”. (Thời báo kinh doanh 19/12)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Để "không dám tham nhũng"

Với việc ngày 20-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 19 bị can, vụ án đã bước sang một giai đoạn mới của quá trình tố tụng hình sự.

 Vụ án này được xác định là nghiêm trọng, trước hết bởi dự án quá thời hạn được phê duyệt gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành; cùng đó là hậu quả thiệt hại từ số tiền hơn 830 tỉ đồng mà TISCO đã trả các ngân hàng từ khi dự án chậm tiến độ, dừng thi công đến thời điểm vụ án được khởi tố (tháng 4-2019).

 Còn nhớ ngày 15-1, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên thứ 17, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo - đã yêu cầu trong năm 2020 phải tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó có vụ án tại TISCO.

 Ở thời điểm đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với một loạt quan chức, cựu quan chức không chỉ của TISCO mà còn của Tổng Công ty Thép Việt Nam; đồng thời cảnh cáo, khiển trách một loạt quan chức của các bộ - ngành liên quan. 

Tiếp đó, tại cuộc họp vào ngày 26-5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, một trong những nội dung quan trọng được Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất là phấn đấu đến hết năm 2020 tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh 5 vụ án lớn. Đó là vụ án xảy ra tại TISCO và 4 vụ nữa xảy ra tại: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.

 Kể ra như thế để thấy các vụ án nghiêm trọng kể trên không những đã được các cơ quan chức năng vào cuộc mà còn được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện trực tiếp theo dõi; đặc biệt, chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đã quyết liệt chỉ đạo, đốc thúc phải sớm xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm minh. 

Đến thời điểm này, các vụ án nói trên đều đã bước vào những giai đoạn quan trọng cuối cùng để phơi bày ra ánh sáng công lý. Những kẻ cố tình bất chấp kỷ cương phép nước, coi thường pháp luật chắc chắn sẽ bị trừng phạt nghiêm minh.

 Ngoài việc xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", "không cần tham nhũng" thì phải trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng". Đây là yêu cầu mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, tổ chức sáng 12-12.

 Thực tiễn cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta những năm qua không chỉ nằm ở chủ trương, mà đã biến thành hành động quyết liệt.  (Nld.com.vn 21/12, Lương Duy Cường) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chọn cán bộ đúng để đỡ phải chống tham nhũng, tiêu cực

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng chọn cán bộ sao cho đúng, nhất là không tham nhũng, tiêu cực để “đỡ phải chống”.

 Sáng 21/12, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 4. Hội nghị nhằm thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2020, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021; xin ý kiến vào các tờ trình về việc bổ sung nhân sự Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, bổ sung tổ chức thành viên Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

 Góp ý tại hội nghị, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đề nghị Mặt trận “suy nghĩ” hành động thế nào sau Đại hội XIII của Đảng để tiếp tục củng cố lòng tin của người dân tốt hơn.

 Nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp trong năm 2021 là bầu cử Quốc hội, HĐND, ông Duyệt lưu ý công tác hiệp thương những người ứng cử đáp ứng được yêu cầu “mục tiêu kép” là, vừa thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng XIII tốt, vừa không tham nhũng, tiêu cực, để “đỡ phải chống”.

 Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nêu băn khoăn thời gian qua, MTTQ chưa đi sâu tham gia với Đảng trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ.

 Nhắc tới 27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, như TPHCM là ông Đinh La Thăng, rồi Tất Thành Cang; ở Đà Nẵng thì ông Nguyễn Xuân Anh, ông Trần Văn Minh; ở Hà Nội thì ông Hoàng Trung Hải, sau đó là ông Nguyễn Đức Chung, ông Túc đề nghị đối với công tác cán bộ, cần phải có đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc theo đúng tinh thần Quyết định 217 năm 2018 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội. (Tienphong.vn 21/12, Văn Kiên) Về đầu trang

Còn hiện tượng coi nhẹ vai trò của Mặt trận trong chống tham nhũng

Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng tồn tại nêu trên xuất phát từ lỗi nhận thức của một số cấp uỷ đảng và lãnh đạo trong chính quyền.

 Sáng nay 21-12, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) đã tổ chức hội nghị lần thứ 4 để đánh giá công tác năm 2020 và thảo luận một số báo cáo chuyên đề, chuẩn bị cho Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ VN ngày mai 22-12.

 "Đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; công tác mặt trận còn nhiều việc cần phải đổi mới, phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm", chủ tịch MTTQ VN Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc.

 Ông Mẫn bày tỏ lời cảm ơn tới các cụ, các vị, các chuyên gia trong các tổ chức của mặt trận đã nỗ lực trong thời gian qua và mong họ "tiếp tục mang tâm huyết, kinh nghiệm, trí tuệ, giúp cho công tác mặt trận ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới". 

Dự thảo báo cáo "Tổng kết Chương trình hành động của MTTQ VN thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020" đã được trình hội nghị.

 Dự thảo báo cáo cho thấy một trong những hoạt động có ý nghĩa là "MTTQ VN các cấp, các tổ chức thành viên đã nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí như chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên… nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những 'khe hở' dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí".

 Trong đó nêu rõ vai trò của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư công cộng đồng đã "phát hiện và kiến nghị nhiều vụ việc vi phạm, giúp chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý nhiều cán bộ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng, hàng trăm nghìn mét vuông đất".

 Ví dụ, tại Hà Nội trong năm 2019 các ban thanh tra nhân dân đã kiến nghị với chính quyền thu hồi 52.876m2 đất và 452 triệu đồng; các ban giám sát đầu tư công cộng đồng đã kiến nghị với chính quyền thu hồi 1.856m2 đất. Tại Quảng Nam, ban giám sát đầu tư công cộng đồng phát hiện, kiến nghị 1.782 vụ việc, đã giải quyết 1.652 vụ việc, thu hồi 512m2 đất, gần 500 triệu đồng…

 Mặt trận các cấp đã tăng cường và đổi mới phương thức giám sát đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên (nhất là những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, những dấu hiệu bất minh trong thu nhập, tài sản, nhà đất; trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, các vụ việc mà dư luận và nhân dân quan tâm, bức xúc, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ). (Tuoitre.vn 21/12, Lê Kiên) Về đầu trang

Đề xuất công khai danh tính người dùng bằng giả của ĐH Đông Đô

Có chuyên gia đề xuất công bố danh tính những người sử dụng bằng giả để tăng tính răn đe vì họ là công chức, viên chức.

 Vụ ĐH Đông Đô: Thủ tướng yêu cầu làm rõ sai phạm của đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT

Theo TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, những người sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô như cơ quan điều tra nêu là nộp tiền không học, nhận bằng giả để sử dụng cho mục đích riêng, nên sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tế từng có nhiều trường hợp công chức, viên chức bị phát hiện sử dụng bằng giả để lên lương, lên chức đã bị xử lý.

 Ông cho rằng, với người có văn bằng 2 Ngôn ngữ  Anh của trường ĐH Đông Đô, cần phân biệt 2 đối tượng: những người mà cơ quan có thẩm quyền kết luận mua bằng thì phải công khai danh tính, nhưng những người thi thật, học thật thì lỗi không thuộc về họ mà thuộc về trường ĐH Đông Đô và cơ quan quản lý. Những người học thật, thi thật là nạn nhân, nên cần phải được bảo vệ quyền lợi. Theo ông, ngoài việc để trường ĐH Đông Đô hoạt động bình thường, các cơ quan quản lý phải có chế độ giám sát đặc biệt để trường khôi phục nề nếp hoạt động, đảm bảo chất lượng ĐH.

 Một trong số hàng chục trường ĐH có nghiên cứu sinh, học viên cao học sử dụng văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô để hoàn thiện điều kiện đầu vào, đầu ra sau ĐH là trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trường này có 8 trường hợp (4 nghiên cứu sinh, 4 học viên cao học). Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong số 4 nghiên cứu sinh đã có 2 người có bằng tiến sĩ, 3/4 học viên cao học đã có bằng thạc sĩ. “Tuy nhiên, trường mới chỉ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra theo yêu cầu. Còn xử lý như thế nào thì trường chưa nhận được bất kỳ một quyết định hay chỉ đạo nào. Nếu những người đã có bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ của trường mà văn bằng ngoại ngữ 2 của họ bị kết luận là không có giá trị thì tại thời điểm những người này bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, họ không đủ điều kiện. Vì vậy, dù đã có bằng nhưng sẽ bị thu hồi lại hoặc không công nhận bằng đã được cấp”, ông Minh nói.

 Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, có 626 người được trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh. Kết luận của Cơ quan an ninh điều tra cho thấy, trong số 216 trường hợp được cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô, đã làm rõ 193 người được cấp bằng không qua đào tạo. Viện Kiểm sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này. Viện Kiểm sát cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Có 23 trường hợp tham gia học tập tại các cơ sở, nhưng do trường ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, nên bằng cấp của họ không có giá trị. (Tienphong.vn 21/12, Nghiêm Huê) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội dán thông báo phạt nguội xe dừng, đỗ sai quy định: Cách làm hay nhưng rườm rà

Từ ngày 15/12, tất cả 15 Đội CSGT thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội bắt đầu ra quân kiểm tra, dán thông báo xử phạt nguội đối với xe ô tô dừng, đỗ sai quy định trên các tuyến phố. Trung tá Trần Văn Công - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, theo quy trình, các tổ tuần tra kiểm soát trên đường khi phát hiện ô tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định, tài xế không có trên xe, sẽ ghi lại hình ảnh và gọi loa thông báo. Sau đó nếu lái xe không xuất hiện làm việc, Tổ tuần tra sẽ lập biên bản, có sự chứng kiến của người dân, ghi nhận vi phạm, rồi dán thông báo xử phạt lên kính xe. Trên thông báo ghi rõ thời gian, địa điểm, lỗi vi phạm; ngày giờ, trụ sở nơi hẹn giải quyết xử phạt. Quá thời hạn, nếu tài xế không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi thông tin tới cơ quan đăng kiểm để cảnh báo.

 Một lái xe (xin giấu tên), bị xử phạt nguội theo hình thức dán thông báo trên kính tại đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, Hà Đông chia sẻ: “So với việc bị cẩu xe, phải đi hỏi khắp nơi xem lực lượng nào cẩu, thì nhận một thông báo rõ địa chỉ, rõ đơn vị xử lý trong khi xe không bị cẩu đi chắc chắn là may mắn hơn nhiều rồi”. Người này cho biết, đối với vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định sẽ vui vẻ nộp phạt, chấp hành sớm để tránh những phiền hà về sau. Mặt khác, tình trạng người vi phạm bị “chặt chém” giá cẩu kéo xe cũng sẽ không còn nếu CSGT hoàn toàn áp dụng biện pháp dán thông báo xử phạt nguội.

 Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, chỉ trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện dán thông báo phạt nguội lỗi dừng, đỗ trên các tuyến phố trên địa bàn TP, đơn vị đã xử lý 166 trường hợp xe ô tô dừng, đỗ sai quy định. Thời gian xử lý theo hình thức dán thông báo giảm xuống chỉ còn 1/3 so với phương thức xử phạt tại chỗ hoặc cẩu kéo xe vi phạm trước đây. Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội nhận định: “Mỗi ca làm việc, CSGT sẽ xử phạt vi phạm được nhiều hơn hẳn, anh em cũng đỡ vất vả hơn mà hiệu quả công tác lại được nâng lên rõ rệt”.

 Nhiều chiến sĩ CSGT cho rằng, hình thức tuần tra, phát hiện vi phạm ở đâu, dán Thông báo xử phạt nguội ở đó có thể hiệu quả hơn cả việc xử lý qua hình ảnh camera. Thời gian qua, để né phạt nguội, nhiều lái xe đã cố tình che hoặc cạo đi một phần biển số, khiến camera không thể nhận diện được xe vi phạm. Nhưng với hình thức dán thông báo tại chỗ như trên, sẽ khó có lái xe nào qua mắt được lực lượng chức năng.

 Hình thức tuần tra, dán thông báo xử phạt nguội với xe dừng, đỗ sai quy định đã được nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu. Những ngày qua, biện pháp này được áp dụng tại Hà Nội cũng cho thấy sự phù hợp và hiệu quả rất tích cực đối với cả lực lượng chức năng lẫn người dân. Tuy nhiên, biện pháp này cũng còn có hạn chế nhất định.

 Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, quy trình để dán thông báo xử phạt nguội lên xe ô tô vẫn khá rườm rà, tốn nhiều thời gian. CSGT vừa phải ghi hình, gọi loa, lập biên bản, tìm người dân chứng kiến, ký vào biên bản, rồi mới được dán thông báo lên kính xe vi phạm. “Nếu đã có hình ảnh ghi lại vi phạm thì theo tôi, không nhất thiết phải tìm người dân ký vào biên bản chứng kiến sự việc nữa” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.

 Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ký vào biên bản còn có thể tiềm ẩn rủi ro hoặc phiền phức cho người dân chứng kiến, dẫn đến phát sinh tâm lý e ngại. Nếu chẳng may người dân xung quanh không ai chịu ký thì CSGT phải làm thế nào để hoàn thiện quy trình dán thông báo xử phạt nguội? Mặt khác, một số ý kiến cũng lo ngại, thông báo xử phạt nguội dán trên kính xe có thể bị bong tróc, nhoè mờ khi gặp mưa hoặc có ai đó cố tình bóc đi. Khi ấy chủ xe sẽ không thể biết mình đã bị xử phạt, cũng không có thông tin cần thiết để đi nộp phạt, giải quyết vi phạm. Do đó, cần xem xét đến đến chất liệu sử dụng cho tờ thông báo, phải có độ bền tốt, chống được mưa nắng trong thời gian nhất định, bám dính tốt. Ngoài ra, có thể cân nhắc thêm hình thức thông báo khác, ví dụ như nhắn tin đến số điện thoại của người điều khiển phương tiện nếu có niêm yết trên xe. (Kinhtedothi.vn 21/12, Yến Dư)Về đầu trang

38.799 hồ sơ lĩnh vực thú y thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kết nối 9 thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận để giải quyết là 38.799 hồ sơ.

 Số lượng hồ sơ của từng phần mềm từ ngày kết nối chính thức đến nay của từng thủ tục là: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu: 3.655 hồ sơ. Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam: 9 hồ sơ.

 Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam: 0 hồ sơ. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc thú y nhập khẩu: 501 hồ sơ.

 Cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y: 300 hồ sơ. Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu: 2.258 hồ sơ. Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu: 7.726 hồ sơ. 

Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu: 8.298 hồ sơ.

 Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu: 16.052 hồ sơ.

 Có thể nói trong năm 2020, Cục Thú y hoàn thiện phần mềm và chính thức kết nối trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia với 9 thủ tục hành chính kể từ ngày 25/4/2020. Đồng thời, tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 6 TTHC lĩnh vực cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, cấp chứng chỉ hành nghề thú y và cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y; thực hiện trình tự thủ tục theo quy định để triển khai xây dựng phần mềm 6 TTHC trên Cổng thông tin một cửa quốc gia... (Thời báo tài chính Việt Nam 20/12, Phúc Nguyên)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

TP Hồ Chí Minh: Kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ dâm ô ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo kết luận đối với các nội dung tố cáo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, về công tác bổ nhiệm cán bộ, kỷ luật cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh. 

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã giao Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm cá nhân, tập thể trong việc bổ nhiệm bà Võ Thị Thanh Kim giữ chức Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. 

Ngoài ra, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng phải có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội khi chưa thực hiện đầy đủ theo chỉ đạo về xác định lại trách nhiệm của 20 viên chức, người lao động liên quan trực tiếp trong các ca trực của ông Nguyễn Tiến Dũng (nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội, có hành vi dâm ô trẻ em trong thời gian lưu giữ ở trung tâm); đồng thời kiểm điểm các phòng, ban, cá nhân liên quan trong việc tham mưu bổ nhiệm bà Võ Thị Thanh Kim.

 Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến vụ ông Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên phòng Quản lý hồ sơ – Giáo dục tư vấn (Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh) bị tố cáo dâm ô với trẻ em hồi tháng 11/2019, Sở cũng vừa yêu cầu Trung tâm Hỗ trợ xã hội có các biện pháp xử lý kỷ luật và phê bình đối với những viên chức, người lao động tại Trung tâm có liên quan đến sai phạm.

 Theo đó, Sở yêu cầu Trung tâm thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để kiến nghị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với mức độ sai phạm của ông Huỳnh Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý hồ sơ – giáo dục tư vấn và ông Trần Ngọc Quý, Trưởng Khu quản lý đối tượng và Trung tâm phải xác định lại trách nhiệm của 20 viên chức, người lao động tại phòng Phối hợp kiểm tra, Khu quản lý đối tượng, Trạm y tế có trong các ca trực của các ngày xảy ra sai phạm tại Trung tâm và nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm đối với những người này.

 Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên Phòng Quản lý hồ sơ- Giáo dục tư vấn, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh, về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Trong buổi làm việc với các cơ quan điều tra, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng đã thừa nhận có hành vi dâm ô 3 bé gái. (Baotintuc.vn 21/12, Hoàng Tuyến) Về đầu trang

Vụ bằng giả của Trường ĐH Đông Đô: Nhiều đơn vị lúng túng xử lý

Đến ngày 20-12, nhiều nguồn tin cho biết đã có nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

 Cụ thể, ĐHQG Hà Nội có 5 trường hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 8 trường hợp, Học viện Báo chí - Tuyên truyền và ĐH Huế mỗi đơn vị có 4 trường hợp. Ngoài ra, 2 giảng viên của Trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế) năm 2018 đã trúng tuyển vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, một giảng viên của ĐHQG Hà Nội cũng trúng tuyển vào lớp này.

 Một trường hợp tại TP HCM sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ ở một trường ĐH công lập đóng tại TP HCM. Trường hợp này sau khi nhận được công văn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã yêu cầu học viên không được sử dụng văn bằng của Trường ĐH Đông Đô và phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ khác thay thế. Học viên này đã nộp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh của nơi khác bổ sung vào hồ sơ dự tuyển. 

Liên quan các học viên sử dụng bằng giả đang theo học tại ĐHQG Hà Nội, đại diện của đơn vị này cho biết ĐHQG Hà Nội không công nhận văn bằng đối với những trường hợp dùng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô. Nếu nghiên cứu sinh không có chứng chỉ quốc tế theo quy định hoặc có văn bằng ngôn ngữ Anh của trường ĐH được phép đào tạo và cấp bằng để thay thế thì sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. 

Trong khi đó, không ít trường vẫn lúng túng trong việc xử lý các trường hợp sử dụng văn bằng giả, do vẫn chờ hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô cấp.

 Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 20-12, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhấn mạnh việc cần phải làm rõ và công khai danh sách những người đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô.

 Cũng theo ông Vinh, cơ quan điều tra xác định có tới 60 trường hợp dùng bằng giả nhưng đến nay mới xác định được 25 trường hợp (gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án, 1 trường hợp thôi học thạc sĩ, 1 trường hợp công chức nghỉ việc, 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên), vì thế cần điều tra làm rõ 35 trường hợp còn lại đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định. "Nếu không điều tra làm rõ 35 trường hợp còn lại là không công bằng" - ông Vinh cho hay.

 TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cũng nhấn mạnh cần phải xử lý nghiêm túc, đúng người, đúng tội, sai đến đâu xử đến đó. (Cafef.vn 21/12, Yến Anh) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Mất cảnh giác, hàng loạt lãnh đạo cao cấp tại châu Âu phải cách ly

Từng là người đầu tiên áp dụng lời chào 'namaste' chống lây lan virus, nay chính Tổng thống Pháp Macron đã có dấu hiệu mất cảnh giác.

 Người ta thấy những cái bắt tay, ôm hôn, những cuộc trò chuyện ở cự li dưới 1 mét, thậm chí ông cũng có lúc không đeo khẩu trang. Ông Macron đã bất cẩn trong việc tuân thủ các biện pháp chống dịch của Chính phủ Pháp, mà người Pháp gọi là "cử chỉ rào cản" cũng như tránh bắt tay, và ôm hôn.

 Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thư ký OECD Angel Gurria - những người đã cùng tiếp xúc với ông Macron trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu tuần trước, cũng bắt đầu cách ly như một biện pháp phòng ngừa.

 Mặc dù các lãnh đạo châu Âu đang "lo toát mồ hôi" thì dường như, người dân Pháp tiếp nhận thông tin hết sức bình thản.

 Chị Pamela Laposte - Người dân Paris nói: "Tổng thống hay người dân thì đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Dù thế nào đi nữa, tất cả chúng ta đều phải cẩn thận. Nhưng tôi hy vọng anh ấy sẽ không sao".

 Sau khi dịch bệnh ở châu Âu dần được kiểm soát cách đây khoảng 2 tháng, các nhà lãnh đạo đã chuyển sang gặp trực tiếp, thay vì những buổi họp trực tuyến trước đây. Đây có lẽ là bài học cẩn trọng cho chính những lãnh đạo cấp cao khi cuộc chiến chống dịch vẫn còn rất dài phía trước. (Vtv.vn 20/12, Nguyễn Mai) Về đầu trang

Trung Quốc ban hành quy định mới về đầu tư nước ngoài

Mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố các quy tắc đánh giá bổ sung với đầu tư nước ngoài.

 Các quy định này cho phép chính quyền xem xét lại các hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

 Cơ quan chức năng Trung Quốc nhấn mạnh hệ thống rà soát này phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp Trung Quốc có nền móng vững chắc hơn trong giai đoạn mở cửa sâu rộng.

 Theo đó, đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp liên quan đến quân sự bắt buộc phải được đánh giá lại. Đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, giao thông, Internet, dịch vụ tài chính sẽ chỉ bị đánh giá bổ sung nếu liên quan đến hoạt động thâu tóm 50% cổ phần một công ty Trung Quốc hoặc tác động mạnh đến kinh doanh của ngành đó.

 Dự kiến, hệ thống đánh giá mới này sẽ thành lập một đơn vị chuyên trách về vấn đề an ninh do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Thương mại Trung Quốc đứng đầu. Những quy định mới này có hiệu lực trong vòng một tháng tới.

 Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định đây không phải chủ nghĩa bảo hộ nhưng các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang hết sức nghe ngóng tình hình, bởi hiện nay các nước như Mỹ, châu Âu cũng lập nhiều hàng rào trong hạn chế đầu tư nước ngoài, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. (Vtv.vn 20/12, Thái Bình – Thế Tâm) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More