Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 27-11-2019

Post date: 27/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1.Bộ GTVT yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết 1

2.Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo làm rõ thông tin cảnh sát "bảo kê" xe quá tải 2

TIN QUỐC HỘI 3

3. Cán bộ, công chức đã nghỉ vẫn bị kỷ luật nếu có vi phạm.. 3

4.Quốc hội thảo luận Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 3

5. Quốc hội thông qua một số dự án luật và Nghị quyết 4

6.  Người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển. 4

7.  Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật 5

8.Quốc hội mở đường cho Chính phủ xử lý nợ thuế trên 16 ngàn tỷ. 5

9.  Bổ sung quyền truy cập nhiều loại dữ liệu cho Kiểm toán Nhà nước. 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

10. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.. 8

11.CPTPP giúp Việt Nam tăng GDP lên khoảng 2 - 3%.. 8

12.Chi phí cao bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp. 9

13. Đối thoại với doanh nghiệp về thuế và hải quan. 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

14. Bỏ biên chế suốt đời: Ai mừng, ai lo?. 11

15.Ai phá vỡ quy hoạch?. 12

QUẢN LÝ.. 13

16.Dân số Việt Nam dự kiến tăng lên 104 triệu năm 2030. 13

17.TP.HCM: Đề xuất giảm toàn bộ chi phí khi sinh con thứ 2. 13

18.Đà Nẵng muốn lập trung tâm giám sát, điều hành đô thị 14

19. Quảng Nam: Nhiều sở trễ hạn hồ sơ phớt lờ xin lỗi dân. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

20. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bình Thuận bị giáng chức. 15

21. Hà Tĩnh: Bị đề nghị kỷ luật vì sai phạm quản lý đất đai 16

22.Hà Tĩnh: Phó bí thư xã dùng bằng THCS của người khác. 16

 CHỈ THỊ MỚI

Bộ GTVT yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý.

 Theo đó, để chủ động phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông Vận tải, các Tổng công ty và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành giao thông vận tải, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các nhiệm vụ sau:

 Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý năm 2020.

 Đối với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ thì phân công lịch trực của lãnh đạo, chuyên viên để thực hiện (không thành lập Ban chỉ đạo); Lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý năm 2020 để tiện trong trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết công việc. Công bố số điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị mình.

 Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông. Chỉnh trang sạch đẹp tại các vị trí khu vực nhà ga, cảng, bến thủy nội địa, bến xe, cảng hàng không, sắp xếp các vị trí cung cấp thông tin để hành khách chủ động trong việc lựa chọn chuyến đi; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé, đồng thời có biện pháp chống việc đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội.

 Quán triệt các đơn vị vận tải, các cảng, bến thủy nội địa, nhà ga, cảng hàng không thực hiện nghiêm các quy định trong việc vận chuyển hành khách và hàng hoá; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi khi tham gia giao thông…

 Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời, thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý năm 2020.

 Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Canh Tý năm 2020. (TTXVN/Bnews.vn 26/11, Quang Toàn)Về đầu trang

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo làm rõ thông tin cảnh sát "bảo kê" xe quá tải

Theo thông tin từ Bộ Công an, những ngày qua, một số cơ quan truyền thông đã phản ánh về việc can thiệp xử lý xe quá trọng tải của một số cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng.

 Liên quan đến vụ việc này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo, giao Thanh tra Bộ Công an và một số đơn vị chức năng của Bộ Công an kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trong thời gian sớm nhất.

 "Yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương xác minh, phối hợp, xử lý vấn đề này, Nếu phát hiện cán bộ, chiến sỹ sai phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của lực lượng Công an nhân dân", Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo.

 Trước đó, các cơ quan truyền thông đưa tin về 2 cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đã gửi đơn tố giác yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc làm rõ lãnh đạo cấp đội, cấp phòng "đã nhiều lần bảo kê xe quá tải, can thiệp với cấp dưới để thả xe quá tải" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 Ngoài đơn, người tố giác còn cung cấp nhiều clip ghi lại hình ảnh, âm thanh cho thấy Cảnh sát giao thông đang xử lý xe quá tải chạy trên quốc lộ 20 thì ngay sau đó lãnh đạo của đội tuần tra giao thông trên quốc lộ 20, quốc lộ 1 gọi điện can thiệp với nội dung chỉ đạo qua điện thoại "xe đã gửi đội", "xe của sếp lớn đó", "xe này gửi một tháng mấy triệu đó mà", "thôi cho đi đi"…

 Các clip cũng thể hiện mỗi ca trực có rất nhiều xe bị chặn lại, chỉ vài phút sau các "sếp" gọi điện đến Cảnh sát giao thông đang tuần tra thì tài xế lên xe chạy đi mà không bị xử lý.

 Đáng chú ý, theo đơn tố giác, khi các cảnh sát khác lên tiếng việc "bảo kê" xe quá tải này một ngày sau đã bị điều chuyển công tác. (Vneconomy.vn 26/11, Anh Minh)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Cán bộ, công chức đã nghỉ vẫn bị kỷ luật nếu có vi phạm

Chiều 25/11, với 88,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật quy định rõ việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

 Theo đó, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 được thực hiện theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

 Trước đó, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (Truyền hình Thông tấn ngày 25/11) Về đầu trang

Quốc hội thảo luận Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sáng 26/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các ý kiến thảo luận đều khẳng định sự ủng hộ xây dựng và ban hành Luật này bởi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã hướng đến xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn.

 Luật còn tạo ra hành lang pháp lý để thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành.

 Thống kê tại các địa phương thí điểm thời gian qua cho thấy, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại tòa của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành công, đối thoại thành công được gần 40.000 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 78%. (VTV.vn 26/11)Về đầu trang

Quốc hội thông qua một số dự án luật và Nghị quyết

Chiều 26/11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua 3 dự án luật và 3 Nghị quyết.

 Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

 Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

 Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án sân bay Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo nghị quyết số 94 của Quốc hội; Lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia

 Quốc hội đồng ý điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 ha thành 570 ha dành riêng cho quốc phòng và 480 ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng.

 Tổng mức đầu tư dự án khi hoàn thành là trên 16 tỷ USD. Trong giai đoạn 1, tổng mức đầu tư là khoảng 4,779 tỷ USD. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2020 đến 2025. (VTV.vn 26/11)Về đầu trang

Người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển

Chiều 25/11, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 Luật mới bổ sung quy định miễn thị thực có thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (hiện cả nước có 18 khu, bao gồm hai huyện đảo Phú Quốc, Vân Đồn); giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển nào được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện: có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. (VTV.vn 26/11)Về đầu trang

Quốc hội biểu quyết thông qua một số luật

Ngày 26/11, Quốc hội sẽ Biểu quyết thông qua Nghị quyết về nợ thuế, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1…

 Trước đó, thảo luận Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước, đa số Đại biểu Quốc hội đều tán thành ban hành Nghị quyết và cho rằng Nghị quyết được ban hành sẽ góp phần khắc phục một phần tồn tại trong thu thuế, giúp những con số đưa ra trong báo cáo về tài chính sát thực hơn, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tổ chức phát sinh nợ thuế.

 Đồng thời, Nghị quyết này cũng thể hiện tính nhân văn của Nhà nước khi xóa nợ thuế với người đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự hay bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ.

 Trong ngày, Quốc hội cũng sẽ thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và thông qua một số dự án Luật như Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. (VTV.vn 26/11)Về đầu trang

Quốc hội mở đường cho Chính phủ xử lý nợ thuế trên 16 ngàn tỷ

Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

 Nghị quyết này quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

 Đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không có khả năng nộp ngân sách nhà nước:

 Người nộp thuế là người đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

 Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.

 Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

 Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

 Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

 Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

 Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

 Về thẩm quyền, nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh.

 Tại tờ trình, Chính phủ cho biết việc xử lý nợ nếu thực hiện theo các hướng trên sẽ làm giảm nghĩa vụ nộp cho nhà nước 16.357 tỷ đồng.

 Tuy nhiên, đây là cáckhoản nợ không có khả năng thu hồi, của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, các doanh nghiệp đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã giải thể, phá sản, đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vì vậy cũng không thể thu cho ngân sách nhà nước.

 Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/ 2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. (Vneconomy.vn 26/11, Hà Vũ)Về đầu trang

Bổ sung quyền truy cập nhiều loại dữ liệu cho Kiểm toán Nhà nước

Bổ sung quyền truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử cho Kiểm toán nhà nước là cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, chiều 26/11.

 Quy định như thế nào về quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là vấn đề được tranh luận suốt các phiên thảo luận sửa Luật Kiểm toán Nhà nước.

 Quyền này, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

 Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với ý kiến đại biểu, việc truy cập, khai thác thông tin, trong đó có thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật cá nhân đều phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng theo tinh thần Hiến pháp, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Căn cước công dân...

 Vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung cụm từ "việc truy cập phải tuân thủ quy định của pháp luật". Đồng thời, để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định, tránh việc vận dụng tùy tiện, và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, dự thảo bỏ quy định phải thống nhất về phạm vi truy cập, khai thác dữ liệu điện tử.

 Khi thực hiện kiểm toán, được quyền truy cập, khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán dưới sự giám sát về phạm vi truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

 Để chặt chẽ, dự thảo luật đã thể hiện theo hướng trưởng đoàn kiểm toán được ủy quyền truy cập cho thành viên đoàn kiểm toán nhưng việc ủy quyền phải bằng văn bản, phải theo quy định của pháp luật và vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc đã ủy quyền đó. Đồng thời, để xác định rõ phạm vi truy cập, tránh việc lạm quyền ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, dự thảo luật quy định chỉ được truy cập dữ liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.

 Ngoài nội dung trên, một trong những sửa đổi quan trọng khác là quy định các đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Quy định này nhằm xác lập cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho Kiểm toán nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

 Sau nhiều tranh luận về quy định này, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua chốt lại: cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

 Lần sửa đổi này, luật cũng bổ sung quy định về quyền của đợn vị được kiểm toán. Đó là, khiếu nại về hành vi của thành viên đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 Khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tố tụng hành chính cũng là quyền của đơn vị được kiểm toán. (Vneconomy.vn 26/11, Nguyễn Lê)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á

Ngày 26/11, Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore đăng bài viết về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, trong đó khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

 Báo trên dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết lượng FDI chảy vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay đạt hơn 3 tỷ USD, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có tới 68% tổng số vốn được đầu tư phát triển các ngành gia công chế tạo, hơn 10% khác thuộc về lĩnh vực bất động sản.

 Theo số liệu kể trên, Hàn Quốc vẫn đang là quốc gia có tổng số vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, kế đến là Nhật Bản và Singapore.

 Theo bài báo, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

 Tính đến nay, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 Thêm vào đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 6/2019 vừa qua cũng đã đạt được thỏa thuận và ký kết hai văn kiện hợp tác quan trọng gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). (VietnamPlus.vn 26/11)Về đầu trang

CPTPP giúp Việt Nam tăng GDP lên khoảng 2 - 3%

Tác động gián tiếp từ thực thi CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng GDP lên khoảng 2 - 3% tùy thời gian và giúp tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

 Hiệp định CPTPP trong đó Việt Nam là thành viên đã có hiệu lực từ ngày 14/1 năm nay. Theo đánh giá của VCCI, đối với ngành phân phối, thương mại điện tử và logistics, tác động trực tiếp của CPTPP về mở cửa thị trường là không đáng kể, so với cam kết mở cửa trong Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO.

 Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo "Ngành phân phối - Thương mại điện tử - Logistic, Cơ hội và thách thức dưới tác động CPTPP", tác động gián tiếp từ thực thi CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng GDP lên khoảng 2 - 3% tùy thời gian và giúp tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời tăng thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa nhập khẩu dồi dào sẽ là động lực cho hàng Việt phát triển.

 Bên cạnh đó, trong CPTPP có những cam kết gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan và những cam kết tạo điều kiện thương mại, đây là những yếu tố kỳ vọng giảm chi phí logistic còn cao (khoảng 20 - 25% GDP) của Việt Nam. (VTV.vn 26/11)Về đầu trang

Chi phí cao bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp

Chuyển một container trái cây đi từ Tp.HCM đến Lạng Sơn có chi phí cao gấp nhiều lần sang Mỹ, bởi những chi phí gián tiếp trên đường như: giao thông, quản lý thị trường, an toàn thực phẩm...

 Đó là thực trạng được các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia nêu ra tại Hội thảo: Thông tin và tham vấn về kết quả khảo sát quy mô toàn quốc các biện pháp phi thuế quan trong thương mại dịch vụ, được tổ chức ngày 20/11.

 Theo khảo sát của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), những trở ngại chính được chỉ ra là về thủ tục chiếm 89% và 8% còn lại cho rằng do cả hai lý do trên.

 Các trở ngại về thủ tục được báo cáo nhiều nhất là gây chậm trễ liên quan đến quy định, chiếm 40% các trường hợp; chi phí không chính thức như hối lộ liên quan đến giấy chứng nhận/quy định, chiếm 17% các trường hợp; lệ phí và phí cao bất thường cho giấy chứng nhận/quy định chiếm 15% các trường hợp.

 Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát thực hiện trên 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng số hơn 2.000 DN được phỏng vấn cho thấy tỷ lệ DN xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các biện pháp phi thuế quan khá cao. Ngành nông nghiệp chiếm 48%, công nghiệp chiếm đến 38%; dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông chiếm 73%; dịch vụ du lịch chiếm 69%; dịch vụ vận tải chiếm 76%.

 Ông Yared Befecadu, chuyên gia ITC, chia sẻ: “Quá trình thực hiện khảo sát, chúng tôi nhận được phản hồi về trở ngại của DN dịch vụ hậu cần vận tải gặp phải đó là những rào cản về chi phí không chính thức”.

 Theo một số công ty, mỗi năm họ phải tiếp đón quá nhiều đoàn kiểm tra riêng lẻ của nhiều cơ quan nhà nước. Các cuộc thanh tra mất nhiều thời gian và chi phí cho DN. Ngoài ra, một số công ty kêu ca về thời gian làm việc. Chẳng hạn vào mùa cao điểm trước Tết, DN cần XK hàng hóa rất nhiều, phải xin nhiều giấy tờ chứng nhận, trong khi cơ quan nhà nước không đủ cán bộ làm việc nên gây chậm trễ cho XK.

 Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của DN mình, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc công ty TNHH Delta, cho hay công ty có hơn 400 nhân viên, trong đó hơn 10% nguồn nhân lực dành riêng để làm việc “mang tờ giấy A4 từ chỗ này đến chỗ kia”. Hay như việc DN phải sử dụng 3 người chỉ để làm mỗi công việc hàng ngày thu, kiểm, đếm thanh toán và lưu giữ biên lai thu lệ phí đường bộ...

 Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tại bất kể quốc gia nào, logistics cũng rất quan trọng, đóng góp chính vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tại Việt Nam, logistics cũng được coi là trọng tâm cải cách và phát triển, bởi lĩnh vực này liên quan đến hầu hết các ngành của nền kinh tế.

 Tuy nhiên, theo khảo sát của CIEM, hiện ở Việt Nam, các DN logistics đang phải hứng chịu chi phí đắt đỏ nhất, vì phát sinh nhiều chi phí trên đường như: phí đường bộ, BOT, cảnh sát giao thông, thanh tra, quản lý thị trường... Đây là rào cản lớn cho DN logistics.

 Chia sẻ câu chuyện của một DN XK hoa quả vận chuyển 1 container từ Tp.HCM đi Lạng Sơn đắt hơn chi phí đi California của Mỹ, bà Thảo cho hay: “Hiện, chúng ta có nhiều cảng sông, đường sắt nhưng không kết nối được với đường bộ. Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam khổ nhỏ hơn quốc tế nên kể cả DN vận chuyển đường sắt khi đến cửa khẩu vẫn phải chuyển hàng xuống để sang hàng, khiến chi phí của DN đội lên gấp nhiều lần”. 

Một trở ngại khác là thủ tục hành chính rườm rà khiến DN phải đi lại nhiều lần mà không xin được giấy phép. Ví dụ có DN nhập khẩu 100 xe tải lạnh để chở hàng, để lưu thông trên đường phải xin Sở GTVT phù hiệu cho xe tải, khi nộp hồ sơ chỉ cần một sai sót nhỏ của 1 bộ hồ sơ sẽ bị cơ quan nhà nước trả cả 100 xe về. Sau 2 tháng không xin được phù hiệu, trong khi vốn bỏ ra để mua xe rất nhiều, DN vẫn cho xe lưu hành trên đường và chấp nhận vi phạm quy định và “đi đêm” bằng chi phí gián tiếp trên đường. (Thời báo kinh doanh 26/11)Về đầu trang

Đối thoại với doanh nghiệp về thuế và hải quan

VCCI đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019.

 Nhằm tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách về thuế và hải quan, qua đó thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam, vào sáng 26/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019. Đại diện hơn 600 doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc đã tham dự hội nghị.

 Tại hội nghị, thắc mắc của các doanh nghiệp tập trung nhiều vào việc sử dụng hóa đơn điện tử, thời gian áp dụng và cách thức lưu trữ hóa đơn điện tử thuế giá trị gia tăng, thủ tục xuất hóa đơn, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và vấn đề hoàn thuế. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị ngành hải quan cần có cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

 Đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của doanh nghiệp. Toàn bộ những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp theo từng nội dung sẽ được tập hợp và trả lời bằng văn bản sau khi kết thúc hội nghị cũng như đăng tải trên website của ngành tài chính và VCCI. (VTV.vn 26/11)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Bỏ biên chế suốt đời: Ai mừng, ai lo?

Bỏ biên chế suốt đời để những cán bộ, viên chức có năng lực thực sự được cống hiến, được trả lương đúng với giá trị lao động họ đã bỏ ra.

 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Điểm đáng chú ý là sẽ không còn viên chức suốt đời như lâu nay chúng ta thường áp dụng. Quy định này được đưa ra với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm, xóa bỏ tư tưởng vào được cơ quan nhà nước là "ấm chân" đến già.

 Từ lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả khiến cho khả năng chi trả của ngân sách nhà nước ngày một khó khăn. Vì đâu nên nỗi? Trong một thời gian dài chúng ta tiến hành công cuộc tinh giản biên chế nhưng kết quả "càng tinh giản bộ máy càng phình to" bởi rất nhiều người vẫn chỉ lo cho các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không quan tâm đến đại cục. Họ ra sức tuyển dụng, đưa vào hệ thống những nhân lực yếu kém, không có năng lực trình độ chuyên môn.

 Khi vào được bộ máy Nhà nước, không ít kẻ trong số này lại cậy quyền cậy thế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ luôn gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp, khiến hình ảnh người cán bộ, viên chức ngày một xấu xí. Đó là còn chưa kể, nhiều viên chức được tuyển dụng từ hàng chục năm nay nhưng rất trì trệ, lười làm việc, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, nhiều khi còn chống đối, cản trở sự phát triển. Họ chính là những hòn đá tảng cần phải đưa ra khỏi hệ thống để dòng chảy công việc được khơi thông.

 Bỏ biên chế suốt đời là một qui định được đánh giá là cần thiết phải làm lúc này. Bởi nguồn lực kinh tế không cho phép chúng ta kéo theo một đoàn tàu dài quá sức. Dễ thấy nhất là mỗi lần tăng lương là một lần đau đầu các nhà quản lý mà vẫn như "muối bỏ bể". Thế nhưng ai là người dám lấy dao gọt chân mình khi mà rất nhiều viên chức là con ông cháu cha nhưng không làm được việc?

 Nhiều người mong muốn qui định bỏ biên chế suốt đời còn được áp dụng với cả công chức, đặc biệt là với các công chức lãnh đạo. Để những người có tài thực sự làm quản lý thì các vị trí lãnh đạo trong các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải thi tuyển công khai chứ không  bổ nhiệm như hiện nay. Công chức nếu không làm được việc thì phải nghỉ chứ không thể chỉ có lên mà không có xuống, lên rồi không làm được việc lại bố trí vòng quanh.

 Từ nay tới 1/7/2020 còn một quãng thời gian không phải là ngắn để một số người, một số đơn vị lợi dụng tăng tốc tuyển dụng “né” qui định để được hưởng chế độ viên chức suốt đời. Để tránh tình trạng này, các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện công khai, minh bạch công tác tuyển dụng.

 Bỏ biên chế suốt đời, trả lương theo vị trí, chất lượng công việc... được kỳ vọng là sẽ khuyến khích được người làm việc hiệu quả, giữ chân được người tài. Cách làm mới này khiến những người có năng lực thực sự vui mừng, là cơ hội để đưa những kẻ yếu kém, cơ hội ra khỏi bộ máy. Và như vậy mới hy vọng hệ thống hành chính công được cải cách hiệu quả, môi trường kinh tế - xã hội thực sự kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát triển. (VOV.vn 26/11, An Nhi) Về đầu trang

Ai phá vỡ quy hoạch?

Khi quy hoạch được điều chỉnh một cách tùy tiện sẽ ảnh hưởng đến bức tranh tổng thể xã hội. Đó là điều khiến nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi thảo luận về Luật Xây dựng sửa đổi. Vì sao một quy hoạch đã được công bố, vẫn không mang giá trị bền vững cho sự phát triển? Ai đã tác động vào quy hoạch, và với mục đích gì?

 Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể lý giải: “Chỉ cần ủy ban nhân dân địa phương cùng 1 - 2 sở, ngành cũng có thể điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua bằng việc lấy ý kiến các bộ, ngành, hội đồng kiến trúc, hội đồng phản biện, ủy ban nhân dân các cấp rà soát rất kỹ lưỡng. Điều này sẽ phá vỡ quy hoạch”.

 Nghĩa là việc điều chỉnh quy hoạch lại quá đơn giản so với việc đưa ra quy hoạch. Nghĩa là, một khu dân cư, một vùng sản xuất hoặc một cụm công nghiệp đều dễ dàng trở nên méo mó khi bản đồ quy hoạch không thỏa mãn mong muốn của một số người nào đó.

 Câu chuyện khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP.HCM sở dĩ gây ra nhiều hệ lụy dai dẳng cũng bắt nguồn từ việc ngẫu hứng điều chỉnh quy hoạch. 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch bỗng dưng lọt vào quy hoạch để bắt người dân di dời giải tỏa vô lý, là một thực tế đau xót, mà hậu quả đã hao tổn tiền bạc lẫn uy tín của chính quyền. Khi quy hoạch không được giám sát nghiêm túc thì rất khó ngăn chặn những chiêu trò khuất tất hòng trục lợi.

 Để có một quy hoạch, đòi hỏi các nhà chuyên môn và các nhà quản lý phải có những tính toán tỉ mỉ vừa đảm bảo thực tế vừa dự báo tương lai. Nếu cấp trên ban hành quy hoạch mà cấp dưới điều chỉnh quy hoạch, thì quy hoạch không còn giá trị.

 Thật kỳ lạ, khi một quy hoạch liên quan đến hàng vạn con người lại được điều chỉnh vì một nhà đầu tư. Từ đó kéo theo bao nhiêu chệch choạc về môi trường, về đường sá, về thủy lợi, về kiến trúc…Từ đó kéo theo xáo trộn và bức xúc xã hội.

 Bất cứ xứ sở nào muốn ổn định và bền vững đều cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch cục bộ. Nguyên tắc cơ bản là quy hoạch cục bộ không thể thay đổi quy hoạch tổng thể. Ví dụ, quy hoạch tổng thể về diện tích cây xanh 10ha, thì quy hoạch cục bộ có thể quyết định phân chia 10ha cho những loại cây xanh khác nhau nhằm tô điểm cảnh quan và phù hợp với nhu cầu dân cư, chứ không thể biến 10ha ấy thành công trình thương mại dịch vụ. Đáng buồn thay, nhiều nơi đã để quy hoạch cục bộ lấn lướt và thay thế quy hoạch tổng thể.

 Quá trình điều chỉnh quy hoạch tuy cũng có những thao tác kỹ thuật cần thiết, nhưng hoàn toàn không xin ý kiến của hội đồng thẩm định quy hoạch trước đó. Trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược, thì có quy hoạch cũng như không có quy hoạch.

 Vì vậy, đã đến lúc phải có quy định nghiêm khắc hơn về điều chỉnh quy hoạch, không thể dung túng cho vài cá nhân vì động cơ riêng được quyền can thiệp thô bạo vào quy hoạch chung. (Nongnghiep.vn 26/11, Lê Thiếu Nhơn)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Dân số Việt Nam dự kiến tăng lên 104 triệu năm 2030

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 104 triệu, tuổi thọ trung bình là 75, trong đó thời gian sống khỏe mạnh tối thiểu 68 năm.

 Theo Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/11, Chính phủ đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

  Việt Nam sẽ đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, duy trì cơ cấu tuổi hợp lý. Cụ thể, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi đạt 22%; tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt 49% dân số cả nước.

 Chính phủ kỳ vọng, năm 2030 tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Chiều cao nam giới đạt 1,685 m; nữ đạt 1,575 m (năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm); chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

 Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tăng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho công tác dân số. Thị trường bảo hiểm sẽ được tạo điều kiện phát triển với nhiều gói, phù hợp với các nhóm dân cư, đảm bảo mọi người được hưởng dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Việt Nam sẽ nghiên cứu thành lập quỹ dưỡng lão từ đóng góp của người dân, để người già sẽ được chăm sóc. (Vnexpress.net 26/11, Viết Tuân)Về đầu trang

TP.HCM: Đề xuất giảm toàn bộ chi phí khi sinh con thứ 2

Đề xuất này được cho là một cơ chế khuyến sinh riêng của thành phố trong bối cảnh tỷ suất sinh của thành phố so với cả nước là rất thấp.

 Theo Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, đề xuất này ưu tiên áp dụng cho những hộ gia đình có hộ khẩu tại TP.HCM. Ngoài những ưu tiên ở lĩnh vực y tế, nhà ở, miễn giảm học phí đối với những gia đình có 2 con dưới 10 tuổi, Chi cục còn đề xuất ưu tiên thêm chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh.

 Theo thống kê, tổng tỷ suất sinh của TP.HCM năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ. 10 năm qua, tổng tỷ suất sinh thành phố đã giảm gấp 10 lần cả nước. Nguyên nhân chính của tình trạng sợ sinh này là do áp lực của cuộc sống và công việc, xu hướng kết hôn muộn - sinh con muộn, việc nuôi dạy, chăm sóc con cái cần nhiều chi phí dẫn đến tâm lý e ngại sinh đẻ của người dân. (VTV.vn 26/11)Về đầu trang

Đà Nẵng muốn lập trung tâm giám sát, điều hành đô thị

UBND TP Đà Nẵng đề nghị HĐND thành phố xem xét chủ trương đầu tư dự án Trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung tại kỳ họp tháng 12.

 Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng cho biết, Trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm (Trung tâm IOC) là một trong 16 lĩnh vực ưu tiên, thuộc trụ cột "Quản trị thông minh" của đề án xây dựng thành phố thông minh đã được UBND thành phố phê duyệt.

 Khi hình thành, trung tâm IOC đóng vai trò là "bộ não" chỉ huy, điều hành toàn bộ hoạt động của thành phố thông qua việc thu thập, chuẩn hóa, hiển thị, xử lý và phân tích dữ liệu..., từ đó đưa ra các báo cáo, tối ưu trong việc ra quyết định, xử lý kịp thời và chính xác các tình huống của đô thị.

 Trong giai đoạn 1, thành phố sẽ xây dựng lõi trung tâm IOC cấp thành phố và hình thành trung tâm tại các quận, huyện. Hệ thống sẽ bao gồm nhiều hạng mục như hạ tầng; mạng; truyền dẫn kết nối các trung tâm với nhau; máy chủ phục vụ tính toán thông minh, xử lý dữ liệu lớn; máy tính kết nối cho cán bộ chỉ huy và giám sát...

  Thành phố cũng sẽ xây dựng hệ thống phần mềm quản lý camera tập trung, tích hợp hệ thống camera công cộng, an ninh của công an, ngành giao thông cũng như nhà dân; theo dõi, giám sát xử lý sự việc tại các trung tâm IOC; hệ thống phân tích giám sát mạng xã hội.

 Tổng mức đầu tư dự án là 54 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước. Nếu được HĐND thành phố thông qua, ngay trong năm 2019 chính quyền thành phố sẽ bắt đầu bố trí vốn để hoàn thành dự án trong năm 2021.

 Sau 22 năm thành lập, Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều vấn đề đô thị như kẹt xe, ô nhiễm, ngập úng... (Vnexpress.net 26/11, Nguyễn Đông)Về đầu trang

Quảng Nam: Nhiều sở trễ hạn hồ sơ phớt lờ xin lỗi dân

Dù UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị phải xin lỗi khi chậm giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân nhưng nhiều sở ngành phớt lờ.

 Theo báo cáo của Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam, trong 11 tháng đầu năm nay, có tổng cộng 1.052 hồ sơ của các đơn vị, sở ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trễ hạn so với quy định (chiếm 1,5% hồ sơ giải quyết).

 Dù UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở ngành phải công khai xin lỗi đối với các hồ sơ trễ hạn nhưng đến ngày 15-11, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai vẫn chưa thực hiện.

 Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có tổng cộng 143 hồ sơ trễ hạn, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường. Những hồ sơ trễ hạn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của sở trong xử lý hồ sơ. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp các tổ chức đề nghị trả hồ sơ nhiều lần nhưng không được sở này giải đáp.

 Tương tự, Sở Xây dựng có tổng cộng 254 hồ sơ trễ hạn và đều không có thông báo trễ hạn và thư xin lỗi đến tổ chức, cá nhân để biết. Sở Kế hoạch và Đầu tư có tổng cộng 12 hồ sơ trễ hạn, chủ yếu là các hồ sơ thuộc lĩnh vực thẩm định dự án nhưng chưa có thư xin lỗi. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai có tổng cộng 17 hồ sơ trễ hạn và cũng chưa thực hiện việc xin lỗi. (Người Lao Động 26/11, Tr.Thường) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bình Thuận bị giáng chức

Ông Lê Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, bị giáng chức do liên quan đến sai phạm đất ở Phan Thiết.

 Quyết định kỷ luật được Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận công bố ngày 26/11 nêu, ông Danh phụ trách lĩnh vực đất, là Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, ông đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra để Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết cho tách thửa trên một khu đất với số lượng lớn, dẫn đến việc hình thành khu dân cư tự phát; chuyển thông tin địa chính không đúng quy định làm thất thoát ngân sách. 

Ông Danh cũng đã ký cho phép tách thửa không đúng quy định, không chỉ đạo kiểm tra việc Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định. Trong đó có trường hợp khi phát hiện UBND TP Phan Thiết không đồng ý cho tách thửa thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng không thu hồi văn bản cho tách thửa đã ký và chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai dừng việc ký tách thửa.

 Ông Lê Nguyễn Thanh Danh, 39 tuổi, làm Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận từ năm 2015, trước đó là Chánh Văn phòng Sở. Hiện ông Danh chờ Ban lãnh đạo Sở phân công công việc mới.

 Liên quan đến sai phạm, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, bị khiển trách. Ông Nguyễn Ngọc Hải và Nguyễn Hữu Hoành (Giám đốc và Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết) đã bị cách chức.

 Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang xem xét thi hành kỷ luật đối với 5 đảng viên thuộc khối Đảng bộ thành phố Phan Thiết do có khuyết điểm, sai phạm liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý đất đai. Kết quả sẽ được công bố trong tháng 12.

Trước đó, hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai tại Phan Thiết đã được thanh tra tỉnh chỉ ra. Từ đầu năm 2016 đến 9/2018, UBND TP Phan Thiết đã ra cho chuyển mục đích 139 thửa đất với tổng diện tích hơn 176.800 m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn không đúng quy định.

 Ngày 12/9, ông Trần Hoàng Khôi (Phó chủ tịch TP Phan Thiết), Phạm Thanh Thái (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường) và Lê Hoàng Anh Tân (chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết) bị bắt giam về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. (Vnexpress.net 26/11, Việt Quốc)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Bị đề nghị kỷ luật vì sai phạm quản lý đất đai

Ngày 26/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác định ông Cường chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm xảy ra ở UBND xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà.

 Nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, xã Thạch Bằng chỉ đạo thu tiền các hộ gia đình, cá nhân xin giao đất làm nhà ở trái quy định; lãnh đạo xã thiếu trách nhiệm giám sát, để nhiều cán bộ sai sót trong quản lý đất đai, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản.

 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kết luận, vi phạm, khuyết điểm của lãnh đạo xã Thạch Bằng làm ảnh hưởng uy tín tổ chức Đảng, phải thi hành kỷ luật.

 Ngoài ra, nhiều lãnh đạo huyện Lộc Hà như: ông Võ Tá Luận (nguyên Bí thư Huyện ủy), Phan Văn Nhàn (Phó chủ tịch huyện), Nguyễn Quốc Khánh (Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch)... bị cơ quan kiểm tra yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì liên đới sai phạm của cấp dưới. (Vnexpress.net 26/11, Đức Hùng)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Phó bí thư xã dùng bằng THCS của người khác

Ngày 26/11, UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết đã yêu cầu UBND xã Cẩm Nhượng làm quy trình để kỷ luật Đảng hai cán bộ do gian lập bằng cấp, gồm: bà Nguyễn Thị Huyền (Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch HĐND xã), ông Nguyễn Tông Thanh (công chức địa chính).

 Giữa năm 2019, từ tố cáo của người dân, huyện Cẩm Xuyên tổ chức thanh tra, xác định bà Huyền lấy bằng tốt nghiệp THCS của người khác để học bổ túc THPT, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp lý luận chính trị, đại học, dẫn đến sai lệch ngày sinh giữa hồ sơ công chức, lý lịch Đảng với các văn bằng tốt nghiệp.

 Ông Thanh chưa tốt nghiệp THCS, song sử dụng bằng tốt nghiệp THCS của em trai, đem tẩy xóa thành của mình để đi học nghề, hoàn thiện chương trình văn hóa phổ thông cơ sở tại trường Trung học và dạy nghề cơ điện xây dựng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Bình. Sau này về xã làm việc, ông được xét vào công chức.

 Nhà chức trách đánh giá những vi phạm của hai cán bộ trên làm mất uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng, gây dư luận xấu trong cán bộ.

 "Sau khi xã Cẩm Nhượng xử lý về mặt Đảng, UBND huyện sẽ xử lý về mặt chính quyền đối với hai cán bộ trên. Sẽ làm nghiêm, không bao che", Trưởng phòng Nội vụ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Trọng Thụ, nói. (Vnexpress.net 26/11, Đức Hùng)Về đầu trang./.

 SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More