HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CÁC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG

Post date: 23/07/2021

Font size : A- A A+
Ngày 21/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 2686/BTTTT-CATTT về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của các Sở Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng. Sau đây là nội dung:  

HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
CỦA CÁC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
VÀ AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG

(Kèm theo Công văn số 2686 /BTTTT-CATTT bngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

A. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VỀ QUẢN LÝ VÀ THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA CÁC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý của địa phương; là đơn vị dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước của địa phương và trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân là đối tượng quản lý của địa phương.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
1.Về tham mưu, xây dựng và triển khai các văn bản QPPL, chiến lược, kế hoạch, chương trình chuyển đổi số tại địa phương
a) Tham mưu, xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động triển khai Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Thành ủy về chuyển đổi số trong phạm vi tỉnh/thành phố.
b) Tham mưu, xây dựng trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố tổ chức triển khai Chiến lược phát triển Chính phủ số tại địa phương; Xây dựng và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm phát triển Chính quyền số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện Chiến lược; Đồng bộ các nội dung kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
c) Tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch, chương trình tái cấu trúc tổ chức, quy trình nghiệp vụ để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới số hóa toàn bộ cơ quan tổ chức.
d) Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, xây dựng các kiến trúc, quy chế, quy định nội bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của địa phương về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số các cấp phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển Chính phủ số.
đ) Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số.
e) Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính phủ số.
2. Về tổ chức thực hiện các chính sách, quy định về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại địa phương
a) Tham mưu, đầu mối tổ chức hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để hình thành mạng lưới chuyển đổi số của tỉnh/thành phố.
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số.
c) Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước thông qua các hoạt động xã hội hóa.
d) Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo; cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước các cấp tại địa phương về Chính phủ số, khung kiến trúc, kiến trúc chính phủ điện tử/chính phủ số.
đ) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.
e) Tham mưu, thực hiện phát triển các ứng dụng, dịch vụ sốcủa địa phươngđể cung cấp dịch vụ số,kết nối với các hệ thống của Trung ương và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
g) Tham mưu, thực hiện phát triển hạ tầng số của địa phương phù hợp với định hướng, quy hoạch của Chiến lược phát triển Chính phủ số.
h) Tham mưu, thực hiện phát triển nền tảng, hệ thống của địa phương phù hợp với định hướng, quy hoạch của Chiến lược phát triển Chính phủ số.
i) Tham mưu, thực hiện phát triển dữ liệu của bộ, ngành, địa phương
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành, cập nhật danh mục các cơ sở dữ liệu thuộc địa phương quản lý;
- Hướng dẫn các chủ quản cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh, thành phố tự kiểm tra, đánh giá dữ liệu;
- Lập chương trình, kế hoạch kiểm tra, đánh giá dữ liệu trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, đánh giá dữ liệu;
- Hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của mình thực hiện việc đăng tải, cập nhật, quản lý các thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu trong trường hợp cần thiết;
- Chủ trì, xây dựng và duy trì hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của địa phương và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác;
- Hướng dẫn việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong phạm vi quản lý của mình;
- Theo dõi, đôn đốc, đánh giá, kiểm tra việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị trong nội bộ của địa phương, tham mưu người đứng đầu giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu;
- Điều phối kết nối chia sẻ dữ liệu, hướng dẫn, hỗ trợ cơ quan, đơn vị kết nối ra ngoài phạm vi của địa phương mình;
- Hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện phương án giải quyết vướng mắc về kết nối, chia sẻ dữ liệu nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất phương án, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định;
- Đầu mối tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của địa phương mình.
k) Tổ chức triển khai các giải pháp phát triển kinh tế số tại địa phương
- Tổ chức triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương mình;
- Tham mưu, đề xuất các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành, địa phương mình nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ, sản xuất các sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam;
- Thực hiện chính sách ưu tiên thuê, mua, sử dụng sản phẩm số, giải pháp số, dịch vụ số “Make in Việt Nam” trong các cơ quan nhà nước thuộc địa phương mình. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thuộc quyền quản lý thực hiện chính sách ưu tiên thuê, mua, sử dụng sản phẩm số, giải pháp số, dịch vụ số “Make in Việt Nam”;
- Xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh.
l) Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Xã hội số tại địa phương:
- Chủ trì tổ chức lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số cho địa phương mình để các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số trong bộ, ngành, địa phương mình;
- Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, Giám đốc điều hành các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn do địa phương quản lý;
- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong địa phương mình và cho các doanh nghiệp, người dân có tham gia các dịch vụ công do bộ, ngành, địa phương mình cung cấp;
-Tổ chức triển khai các khóa học trực tuyến về kỹ năng số và phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ số, công nghệ số và xã hội số.
m) Triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi thành phần trong xã hội về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để từ đó huy động sự tham gia vào cuộc của mọi thành phần vào tiến trình chuyển đổi số của địa phương.
3. Về đo lường, thống kê, xếp hạng liên quan tới chuyển đổi số

a) Đầu mối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, người dân tại địa phương tổ chức thống kê các chỉ tiêu đánh giá mức độ chuyển đổi số tại địa phương (các chỉ tiêu về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số).
b) Định kỳ thống kê, xếp hạng và công bố công khai kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, thành phố.
4. Về giám sát, kiểm travề chuyển đổi số
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố; phối hợp, tham gia với các cơ quan thanh tra chuyên ngành để có ý kiến về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý.
b) Đầu mối, chủ trì phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các cơ quan quản lý chuyên ngành tại trung ương.
B. CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG CỦA CÁC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn, không thể tách rờicông tác chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số.Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VỀ AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG
1.Về tham mưu, xây dựng và triển khai các văn bản QPPL, chương trình an, đề án toàn thông tin mạng tại địa phương
a) Tham mưu, xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch, Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy/Thành ủy về bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh/thành phố.
b) Tham mưu, xây dựng trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố tổ chức triển khai Chiến lược phát trỉnh lĩnh vực an toàn thông tin mạng tại địa phương; Xây dựng và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm phát triển ngành an toàn thông tin mạng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện Chiến lược; Đồng bộ các nội dung kế hoạch với kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
c) Tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch, chương trình tái cấu trúc tổ chức, quy trình nghiệp vụ để bảo đảm an toàn thông tin mạng trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước.
d) Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, xây dựng các kiến trúc, quy chế, quy định nội bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của địa phương để bảo đảm an toàn thông tin mạng phục vụ xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin.
đ) Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng của địa phương.
e) Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản đến nâng cao.
g)Quản lý và tổ chức thực hiện công tác điều tra, khảo sát, tổng hợp, thống kê các thông tin, số liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
h)Xây dựng các tiêu chí và tổ chức điều tra, khảo sát, tổng hợp, đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng hàng năm của địa phương.
i)Xây dựng các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác định mức kinh tế - kỹ thuật và thống kê chuyên ngành theo quy định.
k)Tham mưu xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra an toàn thông tin mạng hàng năm.
l)Tham mưu giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực an toàn thông tin.
2.Về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin
a) Theo dõi, giám sát công tác thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tinmạng tại địa phương.
b)Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về an toàn thông tin mạng.
c)Tổ chức hoạt động bảo vệ hệ thống thông tin, phòng chống tấn công mạng.
d)Quản lý hệ thống công nghệ thông tin.
e)Thẩm định về an toàn thông tin mạng trong hồ sơ thiết kế hệ thống thông tin, cấp độ an toàn hệ thống thông tin.
g)Điều phối xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên mạng Internet theo quy định của pháp luật.
h)Hướng dẫn công tác tổ chức bảo đảm an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn chuyển giao giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quy trình bảo đảm an toàn thông tin mạng.
3. Về giám sát an toàn thông tin
a) Hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn thông tin.
b) Tổ chức giám sát an toàn, an ninh mạng.
c) Tiếp nhận thông tin cảnh báo về các sự cố tấn công mạng.
d) Thực hiện làm đầu mối tập trung về mặt kỹ thuật, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP) tại địa phương thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng.
đ) Thực hiện xử lý khắc phục các sự cố tấn công mạng.
g) Quản lý, vận hành số liệu, cơ sở dữ liệu về tấn công mạng: Cải tiến, cập nhật thông tin/dữ liệu về tấn công mạng lên các hệ thống chia sẻ thông tin.
h) Tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng của địa phương.
4.Về đào tạo và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng
a) Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin.
b) Bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng.
c) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin.
d) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin.
5. Về phòng, chống tấn công mạng
a)Tổ chức triển khai các quy trình, thủ tục về các thỏa thuận hợp tác về an toàn thông tin.
b)Thực hiện kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin đối với hệ thống và các dịch vụ, sản phẩm, giải pháp công nghệ được sử dụng phổ biến trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.
c)Thực hiện thử nghiệm, chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật, giải pháp về an toàn thông tin mạng.
d) Phòng chống mã độc.
6. Về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng
a) Xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
b) Quản lý công tác huấn luyện, diễn tập; sát hạch năng lực và kỹ năng an toàn thông tin mạng./.


TTD
 

More