Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 29-11-2019

Post date: 29/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.  Nguyên Phó bí thư huyện đề nghị bảo vệ tính mạng vì tố cáo tiêu cực. 1

2.Nguyên Phó bí thư huyện đề nghị được bảo vệ: Lời người trong cuộc. 2

CHÍNH SÁCH MỚI 3

3.  Sau 21h, cấm Công ty tài chính đòi nợ. 3

4. Mở thẻ ATM cho người khác sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng. 4

TIN QUỐC HỘI 4

5.Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. 4

6.Quốc hội chấp thuận cho Chính phủ xóa 16.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7.Truyền thông nước ngoài đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam.. 6

8.Chờ sửa quy định, doanh nghiệp ôm nỗi lo bị siết “nhầm”. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

9.Nhiều công chức chưa hiểu mình là “công bộc của dân”. 8

QUẢN LÝ.. 10

10. Sáp nhập xã, huyện không đủ tiêu chí trước Đại hội 10

11.UBND phường ở Hà Nội sẽ chính thức làm việc theo chế độ Thủ trưởng. 11

12.Đà Nẵng muốn dừng hỗ trợ quà Tết 250.000 đồng. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

13.TP.HCM: Vẫn còn trường hợp phải đi lại 20 lần mới làm được thủ tục hành chính. 12

14.Quảng Ninh đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt 13

15.  Đồng Nai rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

16. Quốc hội ban hành Nghị quyết Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

17.Giám đốc Sở GD-ĐT Hoà Bình bị cách chức. 16

18.Giám đốc Sở GDĐT Hòa Bình vừa bị cách chức: "Tôi không ý kiến gì". 17

19.  Đà Nẵng: Giám đốc tuyển hàng loạt người nhà, người thân nhận lỗi 17

20. Cà Mau: Phó Chủ tịch xã bị kỷ luật vì để con trai lấy vợ chưa đủ tuổi kết hôn. 18

THẾ GIỚI 19

21.Tổng thống Philippines quyết làm rõ tham nhũng trong chuẩn bị SEA Games. 19

22.  Indonesia: Triển khai kế hoạch cho phép công chức làm việc tại nhà. 19

 TIÊU ĐIỂM

Nguyên Phó Bí thư huyện đề nghị bảo vệ tính mạng vì tố cáo tiêu cực

Đó là trường hợp của Tiến sĩ Phan Văn Hiếu - hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Lý do trước đó, trong quá trình đảm nhận chức vụ Phó bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành, Tiến sĩ Hiếu đã phát hiệu và có đơn tố cáo gửi các cấp ngành của tỉnh, Trung ương về những dấu hiệu sai phạm, tiêu cực của một số các bộ lãnh đạo huyện này, dẫn đến bị kẻ lạ nhắn tin đe dọa và lẻn vào nhà lấy mất tài sản.

 Sáng 27/11, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Phan Văn Hiếu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi - xác nhận: "Tôi đã có đơn gửi các cấp ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bảo vệ tính mạng cho bản thân và người thân gia đình".

 Lý do gửi đơn đề nghị trên theo Tiến sĩ Hiếu, trong thời gian công tác tại huyện Nghĩa Hành, trên cương vị là Phó bí thư Huyện ủy đã phát hiện dấu hiệu nghi ngờ tồn tại, sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo huyện có liên quan đến một số doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn. Vì vậy, Tiến sĩ Hiếu đề nghị kiểm tra dấu hiệu vi phạm của một số cán bộ, chi bộ và Đảng bộ trực thuộc; có đơn tố cáo gửi đến cấp ngành chức năng tỉnh và Trung ương.

 Sau sự việc trên, Tiến sĩ Hiếu cho biết đã nhận nhiều tin nhắn từ số máy lạ, với nội dung đe dọa uy hiếp đến tính mạng của bản thân và người thân gia đình; bị kẻ gian đột nhập vào nhà để đánh cắp điện thoại.

 Lo sợ cho nguy hiểm của bản thân và người thân gia đình, nên Tiến sĩ Hiếu viết đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị được bảo vệ theo luật định.

 Được biết, Tiến sĩ Hiếu được điều động về làm Phó bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành vào tháng 11/2016, đến tháng 4/2019 Tỉnh ủy Quảng Ngãi điều động về lại và sau đó bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi.

 Đến thời điểm này, Tiến sĩ Hiếu là trường hợp cán bộ lãnh đạo hiếm hoi ở tỉnh Quảng Ngãi gửi đơn đề nghị cấp thẩm quyền và cơ quan chức năng tỉnh bảo vệ tính mạng và người thân gia đình. (Danviet.vn 28/11, Công Xuân)Về đầu trang

Nguyên Phó Bí thư huyện đề nghị được bảo vệ: Lời người trong cuộc

Không phải đến bây giờ mà từ 4 tháng trước, TS Phan Văn Hiếu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành) đã gửi đơn đề nghị cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng tỉnh này bảo vệ mình. Nhưng đến nay, ông và gia đình vẫn chưa nhận được sự bảo vệ từ chính quyền (?).

 Sáng 28/11, liên quan đến vụ việc gửi đơn đề nghị cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng tỉnh bảo vệ bản thân và gia đình, Tiến sĩ Hiếu đã trao đổi, cung cấp thêm cho PV Dân Việt một số nội dung. Theo thông tin cung cấp, không phải đến gần cuối tháng 10 vừa qua mà cách đây hơn 4 tháng, vào ngày 23/6, sau khi xâu chuỗi hàng loạt vụ việc liên tiếp đã xảy ra trước đó đối với bản thân, ông Hiếu đã có đơn gửi lãnh đạo tỉnh đề nghị bảo vệ bản thân và gia đình.

 Cụ thể vào ngày 29/5/2017, sau khi đi dự lễ bế giảng tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, TP.Quảng Ngãi (bằng xe ô tô của cơ quan) trở về, đến vòng xoay thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, ông Hiếu bất ngờ bị một kẻ lạ mặt dùng đá ném bể kính xe ô tô.

 Tiếp đến vào chiều tối 2/11/2017, trên đường làm việc từ trụ sở Huyện ủy Nghĩa Hành trở về nhà riêng tại TP.Quảng Ngãi bằng xe máy, đến khu vực ngoài Đồng Dinh, giáp ranh với xã Hành Thuận, ông Hiếu bị một kẻ lạ mặt đi xe máy ép vào lề và nói: "Mày (ông Hiếu) đừng tọc mạch và dòm ngó chuyện người khác, nếu không coi chừng đó".

 Chưa hết, theo ông Hiếu, vào lúc 7h20, ngày 5/12/2018, trước khi vào họp Ban thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành, ông đã nhận tin nhắn từ một người lạ vào máy điện thoại di dộng của mình với nội dung: "Hiếu mày hãy dừng tất cả những việc làm lâu nay. Nếu không gia đình mày sẽ nhận hậu quả đấy".

 Trước những hành vi và tin nhắn đe dọa trên, lo ngại cho sự nguy hiểm của bản thân, nên cùng với trình báo, ông Hiếu đã làm đơn gửi (ngày 23/6), yêu cầu bảo vệ bản thân và gia đình mình. Theo đó, đến ngày 28/6, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ngãi có văn bản (số 487-GB/BNCTU, do ông Lê Đình Phường - Phó trưởng ban này ký) gửi cho ông Hiếu với nội dung đã nhận và chuyển đơn đến Công an tỉnh Quảng Ngãi để giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Vào ngày 19/8, Công an tỉnh Quảng Ngãi có văn bản số 3352/TB-CAT-PV01(PC02) gửi cho ông Hiếu. Trong văn bản này cùng với trả lời kết quả xác minh nội dung tin nhắn gửi đe dọa từ số máy 0393488508, công an Quảng Ngãi cho biết đã chỉ đạo các đơn vị và bộ phận trực thuộc áp dụng các biện pháp bảo vệ cho bản thân và gia đình người tố cáo (ông Hiếu) theo đúng quy định pháp luật.

 Trả lời câu hỏi: "Công an tỉnh Quảng Ngãi trả lời (bằng văn bản) đã chỉ đạo bảo vệ, vì sao lại tiếp tục có đơn gửi lần 2 đề nghị bảo vệ?", ông Hiếu giải thích: "Theo quy định, nếu cơ quan chức năng thực hiện (bảo vệ), phải ra quyết định và mời tôi lên để cho biết hình thức, biện pháp thực hiện như thế nào. Nhưng đến thời điểm này, ngoài văn bản trên, tôi chưa thấy cơ quan nào mời lên để nói gì cả".

 Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết: "Sau khi nhận được đơn yêu cầu bảo vệ tính mạng của ông Hiếu, Tỉnh ủy đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng đang thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo (ông Hiếu) theo quy định”.

 Như Dân Việt đã phản ánh, Tiến sĩ Hiếu được điều động về làm Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành vào tháng 11/2016 đến tháng 4/2019, Tỉnh ủy Quảng Ngãi điều động ông về lại và sau đó bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi.

 Trong thời gian đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành, Tiến sĩ Hiếu đã phát hiệu và có đơn tố cáo gửi các cấp ngành của tỉnh, T.Ư về những dấu hiệu sai phạm, tiêu cực của một số các bộ lãnh đạo huyện này, dẫn đến bị kẻ lạ nhắn tin đe dọa và lẻn vào nhà lấy mất tài sản.

 Đến thời điểm này, Tiến sĩ Hiếu là trường hợp cán bộ lãnh đạo hiếm hoi ở tỉnh Quảng Ngãi gửi đơn đề nghị cấp thẩm quyền và cơ quan chức năng tỉnh bảo vệ tính mạng mình và người thân trong gia đình. (Danviet.vn 28/11, Công Xuân)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Sau 21h, cấm Công ty tài chính đòi nợ

Công ty tài chính sẽ không được thu hồi nợ kiểu đe dọa, chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h.

 Rất nhiều phản ảnh của khách hàng liên quan đến việc công ty tài chính áp lãi vay "cắt cổ", cho vay thả ga, rồi sau đó đòi nợ khủng bố, do đó buộc Ngân hàng Nhà nước phải quản chặt hơn việc cho vay tiền mặt tại các công ty tài chính.

 Theo quy định tại Thông tư 18 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016, quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2020, công ty tài chính sẽ không được thu hồi nợ kiểu đe dọa, chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h.

 Tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước cũng siết lại các lỗ hổng trong hoạt động cho vay và đòi nợ thời gian qua của các công ty tài chính. Theo đó, tỷ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại các công ty sẽ giảm về mức 30% vào năm 2024. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Mở thẻ ATM cho người khác sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng

Từ ngày 31/12/2019, theo quy định của Chính phủ, hành vi mở hộ thẻ ATM cho người khác sẽ bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng.

 Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng trên 10 thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến tối đa 100 triệu đồng.

 Cùng với đó, các hành vi lấy cắp thông tin từ 10 thẻ ngân hàng trở lên, phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định và thanh toán thẻ khi nhận được thông báo từ chối… cũng sẽ bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 85 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

 Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

 Nghị quyết đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, điển hình như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Quốc hội chấp thuận cho Chính phủ xóa 16.000 tỷ đồng tiền nợ thuế

Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước với số tiền có thể được xóa là hơn 16.000 tỷ đồng.

 Theo báo cáo, khoảng 43.000 tỷ đồng trong số 88.253 tỉ đồng tiền nợ thuế được đưa vào diện không thể thu hồi. Chính phủ đề nghị được khoanh và không hồi tố với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 và xoá số nợ thuế gần 16.400 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Trong các phiên thảo luận trước đó, nhiều ĐBQH gọi đây là khoản nợ ảo, không chỉ không có khả năng thu hồi mà còn gây nhiều gây khó khăn cho ngành thuế và kéo theo những chi phí liên quan đến hoạt động theo dõi chậm nộp.

 Trong phiên làm việc chiều 26/11, với 441/458 số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

 Cụ thể, Nghị quyết này quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

 Đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không có khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, các DN đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã giải thể, phá sản, đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vì vậy cũng không thể thu cho ngân sách nhà nước.

 Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, chưa xử lý tiền nợ thuế gốc, theo đó điều kiện tiên quyết để được xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Đối với tiền nợ thuế gốc sẽ tiếp tục theo dõi và được xử lý theo quy định Luật Quản lý thuế số 38.

 "Theo tổng hợp Phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH, đa số ý kiến (418/459 ý kiến, bằng 91%) nhất trí việc khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN như dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 501/TTr-CP ngày 16/10/2019 của Chính phủ và nhất trí (408/459 ý kiến, bằng 89%) thực hiện theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV)", Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo.

 Tuy nhiên, việc xử lý nợ phải bảo đảm công khai, minh bạch; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế. Trong trường hợp đã xóa nợ mà phát hiện người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định khoanh nợ, xóa nợ (nếu có) và phải thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được xóa.

 Về thẩm quyền xóa nợ thuế, Thủ tướng được quyết định xoá khoản nợ thuế từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ Tài chính được xóa khoản nợ thuế 10-15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được quyền xoá nợ thuế với khoản tiền 5-10 tỷ đồng; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố được xóa khoản nợ thuế dưới 5 tỷ đồng. (Cafef.vn 27/11)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Truyền thông nước ngoài đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

Báo chí quốc tế vừa đăng nhiều bài viết nêu bật những thành tựu kinh tế của Việt Nam và dự báo kinh tế nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

 Hãng tin Bloomberg nhận định, kinh tế Việt Nam đang thực sự đột phá, vượt ngưỡng kỳ vọng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, GDP quý III/2019 của Việt Nam ước tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước. 

Hãng tin Regnum của Nga cũng nêu bật thành tích kinh tế của Việt Nam như: tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, vượt trước các nước Đông Nam Á (Malaysia, Singapore và Indonesia).

 Trong khi đó, tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore đánh giá, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 3 tỷ USD, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm 2018. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Chờ sửa quy định, doanh nghiệp ôm nỗi lo bị siết “nhầm”

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành Tài chính ngày 12/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật đang có vướng mắc. Trong đó, có quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 20.

 “Nghị định 20 Thủ tướng Chính phủ 3 lần nhắc chuyện này rồi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

 Hơn 4 tháng sau lời nhắc nhở của Phó Thủ tướng, Nghị định 20 vẫn chưa có động thái nào được sửa đổi hay tạm dừng thực thi như đề xuất của nhiều doanh nghiệp.

 Theo cơ quan này, qua rà soát, chỉ có hơn 4.000 doanh nghiệp trên tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện phải kê khai theo Nghị định 20. Trong số đó khoảng 10% số doanh nghiệp kê khai không có lãi (đang lỗ).Thay vào đó, Tổng cục Thuế cũng phát đi nhiều thông tin để bảo vệ cho quan điểm tại Nghị định 20.

 Đó có phải là con số đủ để chứng minh không nhiều doanh nghiệp nội bị ảnh hưởng bởi Nghị định 20 hay không?.

 97-98% doanh nghiệp nội là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghị định 20 với quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp lại tác động đến các doanh nghiệp có quy mô lớn, bởi phần lớn những doanh nghiệp quy mô lớn mới tổ chức mô hình kiểu công ty mẹ - con.

 Do vậy, Nghị định 20 gây khó khăn cho các Tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ -con trong khi mô hình này là xu thế tất yếu trong kinh doanh để hỗ trợ về vốn cho các Công ty thành viên khi mới thành lập và chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay, cũng như được vay vốn với chi phí hợp lý. Quy định của Nghị định 20 đã tạo rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một Tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

 Tổng cục Thuế cũng nói rằng hiện có hơn 37.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là các công ty con của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, tuy nhiên chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về vấn đề của Nghị định 20.

 Điều đáng lưu ý, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của DN tư nhân (là 3/1) cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (1,8/1) cho thấy DN tư nhân phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khối DN tư nhân thấp hơn rất nhiều so với DN FDI. Như vậy, có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

 Trong khi đó, hiện nhà nước chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư như: Sản xuất sản phẩm nông nghiệp, phát triển giáo dục – y tế thuộc lĩnh vực xã hội hóa, đầu tư vào các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, các lĩnh vực này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu và hiệu quả kinh doanh rất thấp, trong khi đó các doanh nghiệp dự án thông thường đều chưa đủ điều kiện, uy tín để tự huy động vốn thực hiện. Do vậy, nếu bị loại hoàn toàn chi phí lãi vay sẽ dẫn đến không có doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào các lĩnh vực này nữa.

 Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định 20, trong đó nêu những đề xuất, những cách thức giải quyết. Cụ thể, Bộ đang xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó có nghị định thay thế Nghị định 20. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của các hiệp hội, ngành hàng, các DN về Nghị định 20 nói chung và Khoản 3 Điều 8 nói riêng và sẽ báo cáo Chính phủ tại dự thảo nghị định trên”.

 Điều này có nghĩa, Nghị định 20 chỉ có thể được sửa sau tháng 7/2020, cũng có nghĩa năm 2019, kể cả năm 2020 doanh nghiệp “nội” tiếp tục phải nộp phần thuế tăng thêm bởi quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ. 

Trong khi đó, hồi tháng 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở rằng: "Nếu chúng ta chờ sửa đổi bổ sung theo Luật Quản lý thuế thì rất chậm. Vướng đâu phải sửa đấy. Quy định này lại liên quan đến chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế, được điều chỉnh tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là chính, chứ không phải trong Luật quản lý thuế”.

 Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng, đã thốt lên rằng: Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20 là sai. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều ý kiến phản hồi thì phải có trách nhiệm xem xét.

 Thậm chí, nếu có việc sửa đổi Nghị định 20 thì phải áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2017 chứ không phải từ 2020 mới áp dụng.

 Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cũng kiến nghị: Thời gian chờ sửa Nghị định, nếu có những quyết định tạm dừng thì hợp lý hơn.

 Như vậy, cần phải nhanh chóng thực hiện xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 cho phù hợp với quy định hiện hành, thông lệ quốc tế và thực tế hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam. (Vietnamnet.vn 28/11)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Nhiều công chức chưa hiểu mình là “công bộc của dân”

Nhiều công chức có cách ứng xử lệch chuẩn không phải vì trình độ học thức kém mà vì sự nhận thức, chưa hiểu mình là “công bộc của dân”...

 Trong thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp. Phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử của một bộ phận công chức, người dân hiện nay có nhiều vấn đề đáng quan ngại. Dù ở đâu, nơi nào cũng xảy ra các hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong khi đối tượng này lẽ ra phải gương mẫu trong ứng xử văn minh, là nòng cốt để lan tỏa những giá trị tốt trong cộng đồng.

 Tại buổi giao lưu “Văn hoá công sở: Thực trạng và giải pháp” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, nhiều công chức có cách ứng xử lệch chuẩn không phải vì trình độ học thức kém mà vì sự nhận thức, hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng của người cán bộ, công chức không đúng. Những công chức này chưa hiểu hết cái gốc là công bộc của dân, làm dịch vụ công để phục vụ nhân dân nên nhiều lúc có những lời nói, hành động không chuẩn mực. Tuy cách ứng xử đó là những biểu hiện bên ngoài nhưng tác động lớn đến hiệu quả dịch vụ, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

 Mặc dù chúng ta đã có những quy định về văn hóa công sở để hướng công chức đến với những chuẩn mực trong công việc và cuộc sống. Song, nếu như liên tiếp có những vụ việc như cán bộ, công chức mạt sát người dân, những hành vi lệch chuẩn về văn hóa khác, thì ở một góc độ nào đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại chất lượng soạn thảo các bộ quy tắc ứng xử đó.

 “Nếu bộ quy tắc được soạn thảo quá dài dòng, quá hình thức thì nó cũng khó phù hợp thực tế. Tiếp đến, cũng cần phải xem xét đến những hình thức kỷ luật có đủ sức răn đe đối với những cán bộ, công chức có hành vi ứng xử thiếu văn hóa hay không. Bên cạnh đó, một số thói quen xấu của cán bộ, công chức từ thời bao cấp chưa được xóa bỏ”- bà Lan nhấn mạnh.

 Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở,  Bộ VHTT-DL cho rằng, văn hoá công sở có được thực thi hay không và có hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, thái độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong mỗi cơ quan. Trong thời gian vừa qua, cũng xuất hiện những hành vi lệch chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ đối với nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức… Một trong những hành vi đó là thái độ hách dịch, cửa quyền, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ trong quá trình tiếp dân.

 “Tôi cho rằng nếu như những hành vi đó vẫn tiếp tục tồn tại thì rõ ràng chúng ta không thể thực hiện được nền văn  hoá công sở, vì đây rõ ràng là một trong những hành vi quan trọng nhất mà cán bộ, công chức, viên chức hướng tới thực hiện nghiêm túc về văn hoá công sở theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”- bà Ninh Thị Thu Hương trăn trở.

 Trong thời gian vừa qua  nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa những quy tắc về việc tiếp đón, giải quyết khiếu nại cũng như những quy định về thời gian, địa điểm… tiếp công dân. Và trong thời gian gần đây, rất nhiều cán bộ thực hiện những nhiệm vụ có hành vi lệch chuẩn đã được các cơ quan đó áp dụng những biện pháp, hình thức tương ứng trong bình xét thi đua, bình bầu, thậm chí có những đơn vị kỷ luật trong cơ quan khi xuất hiện những hành vi lệch chuẩn đó. 

 Tuy nhiên, theo bà Ninh Thị Thu Hương, để khắc phục những hành vi lệch chuẩn nhằm xây dựng được văn hoá công sở theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra thì trách nhiệm của những người cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của những người trong quá trình tiếp dân phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa và phải áp dụng xử lý một cách rõ ràng đối với hành vi của cán bộ, công chức. Và chỉ có như vậy, khi những hành vi lệch chuẩn, trong đó có hành vi cửa quyền ở một bộ phận cán bộ, công chức được khắc phục thì chúng ta mới hướng tới một văn hoá công sở theo đúng nghĩa.

 Chúng ta đã có rất nhiều các quy định về xử phạt những vi phạm hành chính. Gần đây, Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành, trong những giải pháp nêu ra, có giải pháp cần phải hoàn thiện các quy định về đánh giá công chức, viên chức, đánh giá hay xem xét người thực thi công vụ trong cơ quan, đơn vị.

 Trong Luật Cán bộ, công chức, từ năm 2008, năm 2010 đều có quy định cụ thể về việc đánh giá cán bộ, công chức. Nghị định 56 của Chính phủ ban hành các quy định đánh giá công chức, viên chức. Ngày 25/11/2019, sau nhiều lần thảo luận và góp ý, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

 Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới. Và để làm được điều này, việc xây dựng văn hóa của mỗi một cán bộ, công nhân, viên chức trong công sở đóng vai trò quan trọng.

 Bà Trần Thị Phương Lan nhận định, Nghị quyết này ra đời như một “cú hích”, một cương lĩnh tiếp theo về văn hóa của Đảng sau Đề cương Văn hóa 1943 và Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, tất cả những gì đã và đang diễn ra cho thấy, việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng được với tình hình mới mà tinh thần Nghị quyết nêu ra lúc ấy là hết sức cấp bách.

 Vai trò của văn hóa sẽ được phát huy nếu như nó được gắn liền với văn minh trong các hoạt động của các cơ quan, đó là việc xây dựng các phạm trù đạo đức tốt đẹp, có văn hóa trong giao tiếp công vụ. Văn hóa công sở chính là tổng hợp của hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần, là thành quả trí tuệ sáng tạo của con người, thể hiện bản chất nhà nước và bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia trong mỗi giai đoạn lịch sử.

 Vì vậy, vai trò của văn hóa công sở rất quan trọng. Văn hóa công sở thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân thông qua quá trình giao tiếp hành chính, góp phần hình thành nên những chuẩn mực, giá trị văn hóa mà cả hai bên cùng tham gia vào. Việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa công sở không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức mà còn là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với công việc của mình ở các vị trí, cương vị khác nhau trong thực thi công vụ và cung cấp dịch vụ công.

 “Thực tế, đã chứng minh không thể coi nhẹ nhân tố con người trong sự phát triển của các cơ quan, công sở. Nói đến con người chính là nói đến văn hóa, vì toàn bộ những giá trị văn hóa làm nên những phẩm chất, năng lực và tinh thần của con người. Vận dụng các yếu tố văn hóa trong việc thúc đẩy mọi hoạt động của công sở như xây dựng hệ thống thi đua-khen thưởng công bằng, minh bạch, tạo ra bầu không khí làm việc phát huy tối đa sự sáng tạo, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, tạo động lực làm việc hăng say sẽ kích thích, loại bỏ được sức ỳ trong công việc”- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh. (Vov.vn 28/11, H.A) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sáp nhập xã, huyện không đủ tiêu chí trước Đại hội

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6 khóa XII đang được các địa phương rốt ráo thực hiện.

 Đến thời điểm này đã có 45 tỉnh, thành xây dựng xong đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó 22 đề án đã được trình Chính phủ và 11 đề án đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Hai tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương là các địa phương có phương án sáp nhập đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết. Hiện vẫn còn 7 địa phương chưa hoàn thiện, trong đó có Hà Nội.

 Theo kế hoạch, từ nay cho tới trước Đại hội Đảng toàn quốc, sẽ có 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.072 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sắp xếp, sáp nhập. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm được 6 huyện, và 564 xã. Đến thời điểm này, tiến độ triển khai có vẻ chậm so với yêu cầu. Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, về cơ bản, việc sáp nhập trước Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở là có thể thực hiện được.

 Theo các chuyên gia, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy hệ thống chính trị. Chủ trương này là cần thiết và trong quá trình thực hiện cần gắn chặt với công tác chuẩn bị đại hội các cấp.

 Chỉ còn hơn nửa năm nữa, Đại hội Đảng bộ ở cấp cơ sở sẽ diễn ra. Việc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính không đủ tiêu chí lúc này sẽ có ý nghĩa quan trọng để các địa phương tiến hành công tác chuẩn bị cho Đại hội. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

UBND phường ở Hà Nội sẽ chính thức làm việc theo chế độ Thủ trưởng

Theo nội dung của nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua chiều 27/11, các phường trực thuộc thị xã, quận ở Hà Nội sẽ làm việc theo chế độ Thủ trưởng từ tháng 7/2021.

 Theo Nghị quyết này, các phường trực thuộc quận, thị xã sẽ không còn Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn vẫn duy trì như cũ (Gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân).

 Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Việc thay đổi này đồng nghĩa với việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã có thêm quyền hạn và nhiệm vụ mới.

 Theo đó, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân phường.

 Chính việc không còn Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

 Người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường.

 Ngoài ra, Chủ tịch phường phải trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.

 Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, một trong những chủ trương lớn của Đảng hiện nay là đẩy mạnh cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.

 Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. (Nguoiduatin.vn 27/11, Công Luân - Hoa Liên) Về đầu trang

Đà Nẵng muốn dừng hỗ trợ quà Tết 250.000 đồng

Ngày 27/11, UBND Đà Nẵng có cuộc họp cho ý kiến vào các dự thảo và Nghị quyết về một số chính sách an sinh xã hội, chuẩn bị trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp tháng 12.

 Lãnh đạo thành phố thống nhất với việc dự thảo đề xuất dừng hỗ trợ 250.000 đồng/người vào dịp Tết với tài xế xe thồ, xích lô. Chính sách này được Đà Nẵng thực hiện từ năm 2011.

 Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, trước đây thành phố hỗ trợ do tài xế có cuộc sống khó khăn, nghèo khó. Tuy nhiên hiện tại ngành nghề này đã thay đổi, lượng xe không nhiều, chỉ còn đội xích lô du lịch của thành phố. Xe thồ bây giờ chủ yếu là xe thồ công nghệ nên việc hỗ trợ không còn phù hợp.

 Ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết do có nhiều ý kiến trái chiều nên Sở từng đắn đo khi đưa ra đề xuất cắt khoản hỗ trợ này. Dù vậy, Sở vẫn quyết định trình thành phố thảo luận và quyết định.

 Cuộc họp cũng thống nhất hỗ trợ cho cán bộ, đoàn thể được phân công giúp đỡ người có nguy cơ cao nghiện ma tuý với mức chi 350.000 đồng/người/tháng (thời gian giúp đỡ không quá 12 tháng).

 UBND xã, phường thực hiện công tác dự phòng nghiện và tái nghiện sẽ được hỗ trợ với mức chi tối đa không quá 20 triệu đồng/xã, phường/năm; hỗ trợ sinh kế cho người cai nghiện tại cộng đồng hoặc đã cai nghiện thành công với mức tối đa 10 triệu đồng/người.

 Gần 10 năm trước, Đà Nẵng có hơn 3.400 người làm nghề xích lô, xe thồ, xe thô sơ có giấy phép hành nghề, tất cả đều được nhận tiền hỗ trợ ăn Tết. Ngoài chính sách an sinh này, thành phố còn hỗ trợ tiền cho lao động tại bãi rác Khánh Sơn, người đang bị giam giữ... (Vnexpress.net 28/11, Nguyễn Đông)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP.HCM: Vẫn còn trường hợp phải đi lại 20 lần mới làm được thủ tục hành chính

Tại TP.HCM vẫn còn tình trạng người dân phải đi lại đến gần 20 lần, mới làm được thủ tục hành chính.

 Đây là thông tin được đưa ra sau khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM về chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở TP.HCM năm 2018.

 Kết quả khảo sát cũng cho thấy: có hơn 56% số người được khảo sát phải đi lại 2 lần để làm thủ tục hành chính, lần đầu đến liên hệ, nộp hồ sơ, lần thứ 2 để nhận kết quả. Hơn 8,8% số người phải đi lại trên 3 lần.

 Trong số 1.300 trường hợp phải đi lại trên 3 lần, có những trường hợp phải đi tới 18 - 20 lần để làm thủ tục, trong đó chủ yếu là các thủ tục ở cấp Sở.

 Các trường hợp xác nhận có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu từ công chức trực tiếp xử lý thủ tục hành chính tập trung vào các yêu cầu về hồ sơ giấy tờ.

 Một số Sở có tỷ lệ đúng hẹn thấp như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Quảng Ninh đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm từ 80-100% các dịch vụ công.

 Hiện nay, mạng lưới ngân hàng có mặt ở tất cả các địa phương trong tỉnh với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm từ 78-80%.

 Cụ thể, mạng lưới tổ chức tín dụng tại Quảng Ninh có 48 chi nhánh ngân hàng thương mại, một chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, một chi nhánh công ty cho thuê tài chính, 2 quỹ tín dụng nhân dân và 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô, 188 phòng giao dịch, đáp ứng được yêu cầu về hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 Các ngân hàng đã phát triển được 413 máy rút tiền tự động (ATM), 2.082 máy chấp nhận thanh toán thẻ được lắp đặt tại các địa điểm như điểm du lịch, trung tâm thương mại để thuận tiện phục vụ nhân dân, du khách thanh toán, giảm thói quen sử dụng tiền mặt theo đề án của Chính phủ.

 Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ và tiện tích ngân hàng hiện đại, ứng dụng và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, phù hợp với điều kiện nhu cầu của nền kinh tế.

 Đồng thời, tiếp tục triển khai các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng với các tổ chức, doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết với các tổ chức cung ứng dịch vụ phục vụ đời sống như điện, nước, học phí, viện phí, viễn thông, siêu thị, dịch vụ du lịch nhà hàng, khách sạn, tàu biển, khu vui chơi giải trí...

 Các ngân hàng thương mại cũng đã phối hợp với các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính với nhà nước qua ngân hàng; triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm, ưu tiên về lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn.

 Đầu năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 Đề án đã đặt lộ trình phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ  có 80% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng; tất cả các Kho bạc Nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước; 100% chi nhánh điện lực các địa phương trong tỉnh chấp nhận hóa đơn thanh toán qua ngân hàng, 80% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng; tất cả các công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng. 

Theo đó phấn đấu 100% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại các phường thuộc thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và 50% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại các địa bàn còn lại trong tỉnh thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng.

 Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí: 100% bệnh viện tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và 50% Trung tâm y tế cấp huyện chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội, phấn đấu đạt 20% số tiền chi trả an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh qua hệ thống ngân hàng. (Bnews.vn 28/11, Văn Đức0 Về đầu trang

Đồng Nai rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), quy trình giải quyết theo thẩm quyền.

 UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành công văn được Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 22/11/2019, gửi Cục Hải quan, Công an tỉnh Đồng Nai, các Sở trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa về việc rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành điều kiện kinh doanh và cải cách TTHC.

 Theo đó, để đẩy mạnh cải cách TTHC trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo cải cách TTHC thực chất, hiệu quả.

 Cụ thể, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, quy trình giải quyết theo thẩm quyền, kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phương án đơn giản hóa để kiến nghị Bộ, ngành Trung ương theo lĩnh vực quản lý từng sở, ban, ngành trên các trang của Bộ, ngành trung ương và trên trang cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành quyết định công bố bộ TTHC, quyết định phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử lĩnh vực ngành, đảm bảo kịp thời thông tin, tính pháp lý, đồng bộ từ Trung ương xuống đại phương.

 Sau khi có quyết định công bố bộ TTHC, quyết định phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử lĩnh vực ngành, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức niêm yết công khai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã theo quy định. (Ictvietnam.vn 27/11, PV) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Quốc hội ban hành Nghị quyết Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 86/2019/QH14 Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

 Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 cụ thể như sau: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300.000 triệu đồng (một tỷ, năm trăm mười hai triệu, ba trăm nghìn triệu đồng); tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100.000 triệu đồng (một tỷ, bảy trăm bốn mươi bảy triệu, một trăm nghìn triệu đồng).

 Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800.000 triệu đồng (hai trăm ba mươi bốn triệu, tám trăm nghìn triệu đồng), tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách trung ương là 217.800.000 triệu đồng (hai trăm mười bảy triệu, tám trăm nghìn triệu đồng), tương đương 3,2%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 17.000.000 triệu đồng (mười bảy triệu triệu đồng), tương đương 0,24%GDP.

 Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488.921.352 triệu đồng (bốn trăm tám mươi tám triệu, chín trăm hai mươi mốt nghìn, ba trăm năm mươi hai triệu đồng).

 Liên quan đến điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, việc điều chỉnh cơ cấu vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của hai Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tăng vốn ngoài nước và giảm vốn trong nước tương ứng là 3.580.200 triệu đồng.

 Bên cạnh đó, bổ sung 241.021 triệu đồng cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí số vốn tương ứng trong dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2020 để thu hồi vốn ứng trước.

 Ngoài ra, hòa chung số vốn 4.069.000 triệu đồng còn lại chưa phân bổ trong tổng số 10.000.000 triệu đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với nguồn dự phòng chung của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao Chính phủ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội. 

Bổ sung 77.490 triệu đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Cộng hòa Ai len cho các tỉnh: Hà Giang - 18.000 triệu đồng; Hòa Bình - 20.900 triệu đồng; Quảng Trị - 9.490 triệu đồng; Kon Tum - 19.200 triệu đồng và Trà Vinh - 9.900 triệu đồng để đầu tư cho Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Bổ sung 36.611 triệu đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Vương quốc Bỉ cho Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh, bổ sung 5.042 triệu đồng (225.000USD) từ nguồn viện trợ của Nhà nước Kuwait cho hai tỉnh: Hà Tĩnh - 2.801 triệu đồng (125.000USD) và Quảng Bình - 2.241 triệu đồng (100.000USD) để khắc phục hậu quả thiên tai.

 Để điều hành nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2020, Quốc hội giao cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.

 Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

 Tăng cường quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, cải cách, hiện đại hóa ngành thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.

 Chính phủ tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập, Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới; sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

 Việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý và thực hiện phân chia nguồn thu này theo Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

 Đồng thời, Quốc hội đề nghị điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. (VietnamPlus.vn 28/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Giám đốc Sở GD-ĐT Hoà Bình bị cách chức

UBND tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hòa Bình.

 Lý do là ông Bùi Trọng Đắc đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương.

 Với cương vị Giám đốc Sở, ông Đắc đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017- 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Để nhiều cán bộ, đảng viên của Sở GD&ĐT, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Hòa Bình vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, điều tra hình sự và bị xử lý kỷ luật.

 Trước đó xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, ngày 5/11 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Bùi Trọng Đắc bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Giám đốc Sở GDĐT Hòa Bình vừa bị cách chức: "Tôi không ý kiến gì"

Sau khi nhận quyết định cách chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc với tâm trạng khá buồn, trao đổi với phóng viên Dân Việt: "Tôi không có ý kiến gì về quyết định này".

 Chiều 28/11, phóng viên Dân Việt đến trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, nơi ông Bùi Trọng Đắc - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình công tác nhiều năm. Qua trao đổi với bà Ngô Thị Oanh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình được biết, sáng cùng ngày, Sở mới nhận được quyết định.

 Khi phóng viên đề nghị được gặp các lãnh đạo Sở, bà Oanh cho biết: "Các lãnh đạo đều bận vì phải đi họp".

 Bà Oanh cũng thông tin, sáng 28/11, ông Đắc có đến trụ sở. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, chúng tôi lên phòng ông Đắc thì phòng đóng cửa.

 Qua trao đổi điện thoại với phóng viên, ông Đắc tỏ ra mệt mỏi và buồn. Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Quan điểm của ông như thế nào khi nhận được quyết định cách chức từ UBND tỉnh Hòa Bình?", ông Đắc khá buồn: "Tôi không có ý kiến gì về quyết định này". 

Trước khi xảy ra vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình vào năm 2018, ông Nguyễn Trọng Đắc là một người có tâm huyết với giáo dục của tỉnh Hòa Bình. Trong suốt những năm trên cương vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, ông Đắc đã tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình ban hành nhiều chính sách liên quan đến giáo dục. Đặc biệt là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố trường lớp cho các trường học vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Hàng vạn học sinh trong tỉnh đã được tạo điều kiện ăn, ở học tại các trường nội trú. (Danviet.vn 28/11, Thuần Việt)Về đầu trang

Đà Nẵng: Giám đốc tuyển hàng loạt người nhà, người thân nhận lỗi

Trước thông tin Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tuyển hàng loạt người nhà, người thân vào công ty khiến dư luận bức xúc, vị giám đốc công ty này đã có báo cáo giải trình với cấp trên.

 Ngày 28/11, Văn phòng Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng và Giám đốc công ty này là ông Mai Mã đã có báo cáo giải trình với Giám đốc Sở Xây dựng về các nội dung liên quan đến bài viết của Dân Việt: “Giám đốc Công ty TN&NT biến công ty thành “sân nhà”? đăng ngày 25/11 vừa qua.

 Theo thông tin của Dân Việt, trong báo cáo giải trình với lãnh đạo Sở Xây dựng, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng nhận khuyết điểm: “Việc tuyển dụng lao động, bổ nhiệm của công ty chưa đi vào nề nếp, bài bản...”. 

Nguyên nhân ông Mã đưa ra là do “xuất phát điểm công ty khi thành lập năm 2010, cán bộ làm tổ chức còn bỡ ngỡ, chưa kịp thời tiếp cận những văn bản mới của Nhà nước nên chưa xây dựng quy định việc thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, vì vậy công tác này còn một số thiếu sót. Tuy chưa có quy trình, nhưng việc bổ nhiệm công ty cũng đã tổ chức họp thông qua cấp ủy, ban giám đốc, lấy phiếu tín nhiệm”.

 Ngoài ra, lý giải về việc tuyển dụng nhiều người thân, người nhà vào công ty, ông Mã cho hay: “Trong công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, trường hợp nhận người nhà, người thân quen không chỉ dành cho cá nhân ông là giám đốc mà chính sách áp dụng chung cho cả công ty”.

 Theo ông Mai Mã, từ năm 2011 đến nay, tại Hội nghị công chức viên chức hàng năm, trong thỏa ước lao động tập thể Công ty có nội dung: “Khi công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động thì ưu tiên tiếp nhận con em của cán bộ công nhân viên làm việc tại công ty theo thứ tự ưu tiên là con của thương binh liệt sĩ, người có công, cán bộ lâu năm… Vì vậy công ty trong các năm qua có tiếp nhận một số lao động là người nhà, các trường hợp tuyển dụng trên cũng đáp ứng đầy đủ điều kiện về sức khỏe, bằng cấp phù hợp với vị trí việc làm".

 Về các trường hợp là người nhà, người thân của mình, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải giải trình rằng, chỉ có trường hợp ông Đặng Minh Dũng là em ruột của vợ giữ chức vụ Phó Giám đốc của công ty và ông Đặng Văn Xuân giữ chức vụ Kế toán trưởng là cháu bà con bên vợ, theo quy định không phải là người nhà của ông Mã. Còn 4 trường hợp còn lại là em ruột và cháu ruột chỉ làm công nhân lao động bình thường.

 Liên quan các nội dung giải trình của Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, bà Lê Hồng Thu - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay: “Sau khi nhận được giải trình, Sở Xây dựng sẽ thành lập Đoàn thanh tra để xác minh lại các thông tin giải trình của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cũng như các vấn đề báo Dân Việt đã phản ánh. Sau khi xác minh làm rõ, Sở sẽ thông tin cụ thể đến báo chí và công luận”. 

Trước đó, như Dân Việt đã phản ánh, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng từ 1/6/2019 - PV) bị tố cáo tuyển dụng hơn 30 người nhà, người thân vào các đơn vị của công ty, có nhiều người được bổ nhiệm các vị trí chủ chốt. Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như ông Đặng Minh Dũng (em ruột vợ ông Mã), Đặng Văn Xuân (người nhà vợ), ông Mai Vinh và Mai Bá Thiện (em ruột ông Mã), ông Mai Xuân Thịnh (con trai), ông Mai Xuân Sinh, Mai Xuân An và ông Mai Bá Quyền là cháu ruột ông Mã...

 Sau khi Dân Việt đăng tải bài viết, ngoài Sở Xây dựng còn nhiều cơ quan khác của Đà Nẵng đã nhanh chóng vào cuộc để xác minh làm rõ vụ việc. (Danviet.vn 28/11, Đình Thiên - Lam Hàn) Về đầu trang

Cà Mau: Phó Chủ tịch xã bị kỷ luật vì để con trai lấy vợ chưa đủ tuổi kết hôn

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) tổ chức đám cưới cho con trai khi con dâu chưa đến tuổi kết hôn.

 Ngày 27/11, thông tin từ Đảng ủy xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết, Chi bộ nơi ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận sinh hoạt đã thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách về mặt đảng.

 Trước đó, dư luận địa phương xôn xao khi ông Bình tổ chức đám cưới cho con trai. Người dân cho rằng, ông Bình làm lãnh đạo tại địa phương, am hiểu quy định pháp luật nhưng tổ chức đám cưới cho con trai khi con dâu chưa đủ tuổi kết hôn.

 Qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện con dâu ông Bình là Đ.M.T vẫn chưa đủ tuổi kết hôn. Vì vậy, cơ quan chức năng yêu cầu kiểm điểm và xử lý ông Bình theo quy định.

 Theo đó, ông Bình bị kỷ luật vì vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Hiện ông Bình đang chờ xem xét kỷ luật về mặt chính quyền. (Danviet.vn 28/11, Ngọc Quyên)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Philippines quyết làm rõ tham nhũng trong chuẩn bị SEA Games

Tổng thống Philippines vừa tuyên bố muốn mở cuộc điều tra toàn diện việc tổ chức SEA Games xung quanh cáo buộc Ban tổ chức có hành vi tham nhũng.

 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn mở cuộc điều tra về mọi khía cạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tổ chức kỳ SEA Games hiện đang diễn ra tại nước này. Động thái trên diễn ra sau khi nhiều đoàn thể thao nước ngoài lên tiếng về sự thiếu chuyên nghiệp của nước chủ nhà SEA Games 30 như: thiếu chỗ ăn ở cho vận động viên, địa điểm thi đấu và trung tâm báo chí chưa hoàn thiện.

 Văn phòng Tổng thống Philippines có thể sẽ tiến hành điều tra việc xây dựng tháp đuốc Sea Games gây tranh cãi vì tiêu tốn gần 1 triệu USD. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Indonesia: Triển khai kế hoạch cho phép công chức làm việc tại nhà

Trong thời đại mà nhiều công việc và giao tiếp có thể được tiến hành trực tuyến, từ ngày 1-1-2020, Indonesia sẽ triển khai kế hoạch cho phép công chức làm việc tại nhà và trước mắt sẽ thí điểm với 1.000 công chức thuộc Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia.

 Theo thông báo, Bộ trưởng Bộ Cải cách hành chính và nạn quan liêu Indonesia, ông Tjahjo Kumolo, cho biết, trong kế hoạch thử nghiệm, công chức làm việc trong một số bộ phận nhất định không nhất thiết phải đến văn phòng để xử lý công việc. Họ được phép làm việc bất cứ đâu, trên đường, trong xe.., miễn là thực hiện tốt công việc của mình. Bộ trưởng Kumolo nêu rõ trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, có nhiều công việc có thể được xử lý trực tuyến và không đòi hỏi nhân viên phải đến cơ quan.

 Bộ trưởng Kumolo nhận định, ưu điểm của việc cho phép công chức làm việc ở nhà là giúp họ vẫn có thể làm việc nhà, đặc biệt là nữ giới. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng mối quan tâm lớn nhất hiện nay là khó khăn trong quản lý hoạt động và tiến độ phát triển của từng người, từng bộ phận. Ông Kumolo cho biết, bộ sẽ có các mục tiêu rõ ràng và chế tài xử lý đối với những nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Cải cách hành chính và nạn quan liêu Indonesia sẽ trao quyền quyết định cho các bộ, văn phòng chính phủ triển khai kế hoạch này. Theo đó, nếu công chức vi phạm sẽ bị cắt giảm phụ cấp.

 Theo Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Suhrso Monoarfa, kế hoạch thử nghiệm làm việc tại nhà của 1.000 công chức bộ này sẽ được bắt đầu cùng với kế hoạch thử nghiệm giờ làm việc linh hoạt.

 Trước đó, ý tưởng về giờ làm việc linh hoạt và giao tiếp trực tuyến cũng được Singapore đánh giá cao vì thời gian làm việc linh hoạt giúp nhân viên tăng năng suất. Người lao động tự quyết định thời gian làm việc theo cách riêng của họ nhằm đạt hiệu nhất có thể. Họ không phải chịu áp lực phải có mặt đúng giờ và phải căng thẳng trên đường phố vào giờ cao điểm, tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Từ năm 2018, nhiều doanh nghiệp tư nhân Singapore đã áp dụng cách thức giờ làm việc linh hoạt và ít nhiều cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

 Theo Malay Mail, Malaysia trong năm nay cũng thực hiện thí điểm giờ làm việc linh hoạt cho đội ngũ công chức làm việc tại các cơ quan liên bang ở các bang được chọn thí điểm như Putrajaya, Kuala Lumpur, Perlis, Perak, Selangor, Sabah và Sarawak. Công chức sẽ được phép bắt đầu ngày làm việc từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30, và kết thúc ngày làm việc trong khoảng thời gian từ 4 giờ 30 đến 5 giờ 30 chiều, miễn là họ làm việc đủ từ 7,5 giờ đến 9 giờ, số giờ tùy vào quy định từng bang.

 Nói chung làm việc theo cách nào không quan trọng, quan trọng là phải hoàn thành định mức công việc đã được giao và bảo đảm hoàn toàn độ chính xác. Bỏ việc tuân thủ giờ giấc thông thường là giải pháp tuyệt vời để giảm stress cho nhân viên vì có mặt thường xuyên không đồng nghĩa mọi người đang tích cực đóng góp vào công việc. Tuy nhiên, cũng theo các cuộc khảo sát, ngược lại với người lao động và một số ít doanh nghiệp quyết đoán, thì phần lớn doanh nghiệp vẫn muốn nhân viên của họ luôn có mặt tại văn phòng. (Sggp.org.vn 28/11, Hạnh Chi) Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More