Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 02-11-2021

Post date: 02/11/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 3. 1
  2. Các ổ dịch diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. 2
  3. Ghi nhận hàng trăm F0 trong ngày, nhiều tỉnh ĐBSCL siết chặt phòng dịch. 4
  4. Nhiều tín hiệu tích cực sau 1 tháng TP Hồ Chí Minh nới lỏng. 5
  5. Hà Nội chuyển sang cấp độ dịch 2, đổi từ "xanh" sang "vàng". 6

CHÍNH SÁCH MỚI 6

  1. Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021. 6

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP. 8

  1. PMI tháng 10 tăng mạnh lên ngưỡng trung tính, đạt 52,1 điểm sau 1 tháng mở cửa. 8
  2. Tháng 10, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%.. 10
  3. Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phải có chính sách tài khoá bằng tiền thật 11
  4. Doanh nghiệp sản xuất tăng tốc phục hồi dịp cuối năm.. 12

QUẢN LÝ.. 13

  1. Bộ GD&ĐT yêu cầu báo cáo việc dạy học trực tiếp. 13
  2. Không muốn nộp phí vào nội đô Hà Nội có thể sử dụng phương tiện công cộng. 14
  3. Đồng Tháp: Công chức, viên chức thực hiện “6 biết, 3 không”. 15
  4. Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi kết luận thanh tra, cấp dưới “ngâm” 3 năm chưa thực hiện. 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 17

  1. Thái Nguyên tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. 17
  2. Khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang. 18

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 18

  1. Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TPHCM: Động lực lớn nhưng đầy thách thức. 18

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 19

  1. Chánh Thanh tra Lào Cai vừa bị đình chỉ công tác nói gì?. 19
  2. Ba chủ tịch huyện ở Đắk Nông bị thi hành kỷ luật vì liên quan đến đất đai 20
  3. Vi phạm quy định bồi thường, 5 nguyên cán bộ ở Quảng Nam lãnh 126 tháng tù. 20
  4. Quảng Bình: Khai trừ Đảng cán bộ địa chính tội “hủy hoại rừng”. 21

THẾ GIỚI 22

  1. Hiệu quả của thu phí nội đô tại các quốc gia trên thế giới 22
  2. WHO cảnh báo "sẽ có loại virus mới xuất hiện mà thế giới không ngăn chặn nổi". 23

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 3

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, lên kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3, 4. Kế hoạch của các địa phương là cơ sở để Bộ Y tế phân bổ vaccine trong tháng 10-12 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vaccine để đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo nhóm tuổi: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.

Các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).

Cũng liên quan việc tiêm nhắc vaccine mũi 3, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố trong đợt dịch thứ 4 diễn ra mới đây, TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở đang đề xuất với UBND tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11 và 12; tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên trong năm 2022.

Đến năm 2022, ngành y tế TP Hồ Chí Minh dự kiến triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên; đồng thời tổ chức tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho thấy đến sáng 1/11, cả nước đã tiêm 82.051.163 mũi vaccine. Hết ngày 29/10, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ 75 đợt vaccine phòng Covid-19 với tổng số gần 105 triệu liều. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

Các ổ dịch diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố

Nhiều tỉnh, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều còn thấp trong khi dịch Covid-19 lây lan diện rộng.

Trong tuần qua, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Đắk Lắk... Để tạo miễn dịch cộng đồng, những địa phương này đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine còn rất thấp.

Sóc Trăng nâng mức độ dịch lên cấp 2: Theo lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng, trong 24 giờ qua toàn tỉnh phát hiện 193 F0 mới qua xét nghiệm rRT-PCR, nâng tổng ca nhiễm nCoV của địa phương này lên 5.577 trường hợp (3.596 xuất viện). Trong số F0 mới, 98 ca sàng lọc tại cộng đồng, 88 F1 thành F0 và 5 người trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Theo báo cáo của Sở Y tế, Sóc Trăng có 84,29% dân số trên 18 tuổi được tiêm một liều vaccine, 16,34% tiêm đủ 2 liều.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi có nhiều ổ dịch tại cộng đồng, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định nâng cấp độ dịch từ 1 lên 2 (vùng vàng), áp dụng từ 12h ngày 2/11. Đối với cấp huyện, tỉnh này có 2 vùng xanh (Thạnh Trị, Cù Lao Dung), 8 vùng vàng, 1 vùng cam (Trần Đề). Cấp xã có 79 vùng xanh, 20 vùng vàng, 10 vùng cam.

Nhiều F0 liên quan 3 công ty thủy sản ở Bạc Liêu: Trong 24 giờ qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 382 F0 mới, giảm 32 người so với ngày trước. Trong 167 F0 cộng đồng, nhiều người liên quan đến chuỗi lây nhiễm của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi, Công ty TNHH Thủy sản Châu Bá Thảo, Công ty Thủy sản F89 ở thị xã Giá Rai.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngoài việc không bỏ các chốt kiểm soát tại cửa ngõ, tỉnh Bạc Liêu đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ người được tiêm mũi 1 là 62,88%. Tỷ lệ người tiêm đủ 2 liều vaccine là 15,58%.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã nâng cấp dịch tại thị trấn Gành Hào của huyện Đông Hải và xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) từ vùng vàng (cấp 2) sang vùng đỏ (cấp 4). Hiện, tỉnh này không có vùng xanh, 11 vùng đỏ, 4 vùng cam và 49 vùng vàng.

Phú Quốc có thêm nhiều F0: Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Kiên Giang, 24 giờ qua tỉnh 421 F0 mới. Trong đó, 407 ca trong tỉnh, 32 người trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tại Phú Quốc, cơ quan chức năng địa phương này ghi nhận 54 F0 mới, tăng 14 trường hợp so với ngày trước. Như vậy, sau một tháng xuất hiện ca nhiễm nCoV cộng đồng tại phường An Thới, Phú Quốc có tổng cộng 856 F0.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Phú Quốc cho biết đến 31/10, địa phương hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine mũi 2 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do một số người về quê, đi đánh bắt thủy sản… nên số người được tiêm mũi 2 là trên 95%, chưa thể đạt 100%.

Ca nhiễm nCoV trong khu cách ly tại An Giang còn cao: 24 giờ qua, An Giang ghi nhận 215 F0 mới. Trong đó, 56 trường hợp cộng đồng, 48 ca trong khu phong tỏa, 110 ca tại các điểm cách ly tập trung.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, trong những ca nhiễm cộng đồng rải rác tại vài địa phương, nhiều trường hợp người dân tự test nhanh hoặc đến bệnh viện sàng lọc. Đối với F0 trong các dòng người hồi hương, tỉnh An Giang chỉ phát hiện 1 người trong 24 giờ qua. Trong hàng chục nghìn người về quê, An Giang ghi nhận 1.164 F0.

Bắc Ninh thêm 105 ca mắc Covid-19 sau một ngày: Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh, ngày 31/10, tỉnh này ghi nhận thêm 105 ca Covid-19. Trong đó, 104 ca có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Các ca phân bố tại TP Bắc Ninh (58), huyện Quế Võ (44), Tiên Du (1), Từ Sơn (1) và một trường hợp về từ TP.HCM. Như vậy, tính đến 18h ngày 31/10, toàn tỉnh ghi nhận 2.171 ca mắc Covid-19.

Địa bàn tỉnh hiện có 96/126 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1, tương đương với màu xanh (nguy cơ thấp - bình thường mới); 28 xã, phường ở cấp độ 2 tương đương với màu vàng (nguy cơ trung bình). Riêng xã Đông Tiến, huyện Yên Phong ở cấp độ 3, tương đương màu cam (nguy cơ cao); thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ ở cấp độ 4, tương đương với màu đỏ (nguy cơ rất cao).

Phú Thọ có 670 ca mắc trong 18 ngày: Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ, từ 18h ngày 31/10 đến 6h ngày 1/11, tỉnh này ghi nhận 10 ca mắc Covid-19 mới đều tại Phù Ninh. Các trường hợp mắc mới đều là F1 đã được cách ly, theo dõi và quản lý.

Từ 14/10 đến nay, Phú Thọ đã ghi nhận 670 ca mắc Covid-19. Riêng ở TP Việt Trì là 407 ca tại 21 xã, phường; thị xã Phú Thọ là 15 ca tại 3 xã; huyện Lâm Thao có 134 ca tại 11 xã, thị trấn; huyện Phù Ninh có 93 ca tại 10 xã, thị trấn...

Đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, toàn tỉnh ở cấp độ 2 (số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 7,02 ca/100.000 dân/tuần; 68,73% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19).

Đắk Lắk phát hiện 161 trường hợp dương tính mới tại 9 địa phương: Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk từ 16h ngày 31/10 đến 6h ngày 1/11, các địa phương ghi nhận ca nhiễm mới gồm: TP Buôn Ma Thuột (52), Krông Busk (11), Ea H’ Leo (5), Krông Ana (36), Cư M'gar (9), Ea Kar (2), Buôn Đôn (8), Cư Kuin (7), thị xã Buôn Hồ (31).

Trong đó, 67 trường hợp được phát hiện tại cộng đồng, 3 người đã cách ly tại nhà, 82 ca nhiễm trong khu cách ly tập trung và 9 trường hợp tại vùng phong tỏa. Đến nay, tỉnh đã có tổng cộng 4.211 người mắc Covid-19.

Một trường hợp ở Nam Định chưa rõ nguồn lây: Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định, tính đến 14h ngày 31/10, địa phương này ghi nhận thêm 6 ca mắc Covid-19. Trong đó, một trường hợp được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. 4 trường hợp còn lại phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa có liên quan các F0 đã công bố trước đó. Một người trở về từ Bình Phước, thực hiện cách ly tại nhà, bệnh nhân lấy mẫu ngày thứ 7 có kết quả dương tính với nCoV.

Đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, toàn tỉnh ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Các địa phương như Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng được đánh giá ở cấp độ 1 (bình thường mới). Riêng xã Yên Hồng thuộc huyện Ý Yên là nơi ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao). (Zingnews.vn 01/11) Về đầu trang

Ghi nhận hàng trăm F0 trong ngày, nhiều tỉnh ĐBSCL siết chặt phòng dịch

Trong 24 giờ qua, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày lên hàng trăm người.

Một loạt địa phương tại ĐBSCL đã đưa ra các giải pháp siết chặt công tác phòng chống dịch. Theo thông báo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẽ chuyển cấp độ dịch từ nguy cơ thấp (vùng xanh) sang cấp độ nguy cơ trung bình (vùng vàng) kể từ 12h ngày 2/11.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 79 xã có cấp độ nguy cơ thấp (vùng xanh), 20 xã nguy cơ trung bình (vùng vàng) và 10 xã nguy cơ cao (vùng cam). Đối với cấp huyện có 2 đơn vị vùng xanh, 8 đơn vị vùng vàng và 1 đơn vị vùng cam.

Hằng tuần, Sở Y tế chủ trì phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ diễn biến tình hình dịch, kịp thời tham mưu để UBND tỉnh điều chỉnh phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh nhằm áp dụng các biện pháp phù hợp phòng, chống dịch.

Thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng, trong ngày 31/10 tỉnh đã phát hiện thêm 193 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 98 trường hợp phát hiện qua sàng lọc cộng đồng. Như vậy, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận trên 5.577 ca mắc COVID-19. Đã có 3.596 ca được điều trị khỏi bệnh và 49 ca tử vong. Hiện còn trên 1.932 ca đang được cách ly điều trị tại cơ sở y tế.

Không chỉ Sóc Trăng, tại Cần Thơ, từ 1/11, sẽ chính thức áp dụng mức phòng dịch COVID-19 cấp độ 2 với những quy định khắc khe hơn. Động thái này được đưa ra sau khi địa phương phát hiện 786 ca mắc COVID-19 trong một tuần vừa qua.

Cấp độ dịch COVID-9 của quận, huyện như sau: một quận (Cái Răng) cấp 1; 8 quận, huyện còn lại là cấp 2; Cấp độ dịch COVID-19 của 83 phường/xã/thị trấn có 29 đơn vị ở cấp 1, 43 đơn vị cấp 2, 10 đơn vị cấp 3 và một phường cấp 4. UBND TP quy định các biện pháp hành chính áp dụng theo cấp độ dịch gồm yêu cầu chung khi tham gia các hoạt động; Yêu cầu đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp khi dịch ở mỗi cấp.

Một số tỉnh khác tại ĐBSCL cũng tăng cường kiểm soát người ra vào địa bàn. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các huyện, thị, thành phố khẩn trương thiết lập lại các chốt để kiểm soát người và phương tiện nội tỉnh. Người dân khi về địa phương phải đến cơ sở y tế khai báo y tế ngay trước khi về nhà.

Theo lãnh đạo các địa phương, diễn biến dịch COVID-19 ở ĐBSCL đang rất phức phức tạp. Từ 16h ngày 30/10 đến 16h ngày 31/10, nhiều tỉnh ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay như Bạc Liêu 415; An Giang 342 ca, Kiên Giang 295. Trong đó, có những ổ dịch xuất hiện trong các nhà máy, xí nghiệp với số lượng lớn F0. Vì vậy, các tỉnh phải nâng cấp độ dịch và siết chặt các quy định phòng chống.

Bên cạnh công tác phòng dịch, một số tỉnh cũng đã cho lập thêm các cơ sở thu dung điều, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ngày 31/10, Sóc Trăng đã đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến quy mô 600 giường. Tỉnh Bạc Liêu cũng thành lập 3 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 với quy mô 800 giường. (VTV.vn 01/11) Về đầu trang

Nhiều tín hiệu tích cực sau 1 tháng TP Hồ Chí Minh nới lỏng

1 tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã giữ được những thành quả của giai đoạn chuyển tiếp bình thường mới để tạo đà cho thời gian sắp tới.

Ngày 1/11 là tròn 1 tháng TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 18 về "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố". Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới. Nhiều người vẫn lo ngại, liệu có phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.

Thế nhưng thực tế đã chứng minh, 1 tháng qua, TP đã giữ được những thành quả của giai đoạn chuyển tiếp bình thường mới để tạo đà cho thời gian sắp tới. Đó là nhờ sự thận trọng trong nới lỏng, thận trọng khôi phục các hoạt động, kiểm soát dịch đã đi đúng hướng và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Sau 1 tháng chuyển tiếp dần sang bình thường mới, TP Hồ Chí Minh từ tâm dịch lớn nhất nước đã không còn địa bàn nào thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ) và chỉ còn duy nhất quận Bình Tân thuộc vùng cam.

Hầu hết các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi cùng với 120/134 chợ truyền thống trên toàn thành phố hoạt động trở lại và không ghi nhận ổ nhiễm mới nào phát sinh từ khu vực này. Hơn 1 triệu người lao động đã quay trở lại thành phố làm việc, tỷ lệ doanh nghiệp mở lại hoạt động là hơn 93%.

Thành quả này chính là dựa trên kết quả kiểm soát dịch bệnh của TP Hồ Chí Minh trong tháng từng bước chuyển dần sang bình thường mới đầu tiên. Gần 80% người từ 18 tuổi trở lên được phủ đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Trong tuần cuối tháng 10, hơn 350.000 trẻ em độ tuổi từ 12 - 17 đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

Hà Nội chuyển sang cấp độ dịch 2, đổi từ "xanh" sang "vàng"

UBND TP Hà Nội vừa có thông báo số 724 về việc đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 29.10, Sở Y tế Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP về việc thông báo cấp độ dịch trên địa bàn theo tiêu chí một (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian) và tiêu chí 2 (về độ bao phủ vaccine phòng COVID-19).

Xét đề nghị của Sở Y tế, UBND TP Hà Nội khẳng định dịch trên địa bàn thành phố đang ở cấp độ 2 (màu vàng).  Trong đó, 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội có dịch ở cấp độ 2; ở đơn vị hành chính cấp xã, phường có 332 đơn vị ở cấp độ 1, 245 đơn vị ở cấp độ 2 và 2 đơn vị ở cấp độ 3 (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai và xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh).

Về độ bao phủ vaccine tại Hà Nội, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 là 98% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine là 48,5% (chưa đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến tối 31.10) là 4.402 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.691 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 2.711 ca.

Ngày 22.10 vừa qua, Bộ Y tế đã công bố cấp độ dịch của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 26 địa phương (bao gồm cả Hà Nội) thuộc cấp độ 1 (tức màu xanh), không có địa phương thuộc cấp độ 3 và 4. (Laodong.vn 01/11, Phạm Đông)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ; Chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp... là những chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực từ tháng 11.

Hạn cuối nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116: Từ tháng 11 sẽ chi trả tiền hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp mà có đóng bảo hiểm thất nghiệp theo gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp tại Nghị quyết 116.

Theo hướng dẫn tại Quyết định 28, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp không cần trực tiếp làm thủ tục hưởng mà sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và người sử dụng lao động phối hợp thực hiện.

Ngày 20/10 là hạn cuối để cơ quan BHXH gửi danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng cho doanh nghiệp để kiểm tra, đối chiếu thông tin. Sau đó, người sử dụng lao động sẽ tổng hợp lại danh sách những người đã đúng thông tin và những người cần điều chỉnh thông tin với hạn chót là ngày 10/11 phải gửi lại cho cơ quan BHXH.

Những người lao động đúng thông tin sẽ được trả tiền hỗ trợ trong tối đa 10 ngày từ ngày doanh nghiệp gửi lại danh sách cho cơ quan BHXH. Những người có sai sót về thông tin thì thời gian nhận hỗ trợ khoảng 20 ngày.

Như vậy chậm nhất là tới 30/11, mọi người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ được chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

Sau ngày 30/11, người lao động chưa nhận được hỗ trợ thì phải tự làm thủ tục theo quy định như thông qua ứng dụng VssID, qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, qua dịch vụ bưu chính hoặc đến trực tiếp tại cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

Giảm thuế giá trị gia tăng cho nhiều hàng hóa, dịch vụ: Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 về giảm nhiều loại thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ sau:  Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch…

Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu: Từ ngày 1/11/2021, Thông tư 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/5/2014, có hiệu lực thi hành.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa (gọi tắt là Cơ sở) thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

(1) Cơ sở được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng trong từng thời kỳ bao gồm: Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008; Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013; Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.

(2) Cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên.

- Cơ sở trên nếu có thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại mục (2) thì không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa truy thu cho đến 1/11/2021.

Từ ngày 2/11/2021, Cơ sở chưa nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).

Bảo vệ việc làm cho người lao động là người tố cáo: Thông tư 09/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2021.

Theo Thông tư này, trường hợp doanh nghiệp không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động, thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với doanh nghiệp, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan liên quan để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao đông. Thông tư mới này đã không còn quy định Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp.

Quy định mới về tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo: Đây là nội dung được nêu trong Thông tư 04 của Thanh tra Chính phủ về quy trình tiếp công dân được áp dụng từ ngày 15/11/2021.

Cũng từ ngày này, Thông tư 05 cũng của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực với những quy định mới về tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Thông tư 04 chỉ rõ, sẽ từ chối tiếp công dân và giải thích lý do từ chối, đồng thời báo cáo với người phụ trách nếu đó là: Người say rượu, bia; Người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi; Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

PMI tháng 10 tăng mạnh lên ngưỡng trung tính, đạt 52,1 điểm sau 1 tháng mở cửa

IHS Markit nhấn mạnh, mức tăng này cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài 4 tháng.

Theo báo cáo mới công bố của IHS Markit, tình trạng y tế công cộng cải thiện và kéo theo đó là việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã giúp lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 10. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động mua hàng đã tăng trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh cũng đã tăng.

Mặt khác, việc làm tiếp tục giảm khi có nhiều báo cáo cho biết công nhân vẫn còn ở quê nhà sau làn sóng đại dịch COVID-19. Áp lực giá cả vẫn mạnh, khi chi phí đầu vào tăng với một trong những mức mạnh nhất từng được ghi nhận trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng và nguồn nguyên vật liệu khan hiếm. Để bù đắp, các công ty đã tăng giá bán nhanh hơn so với tháng 9.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 10 khi đạt 52,1 điểm, sau khi chỉ đạt 40,2 điểm trong tháng 9.

Báo cáo nhận định, điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài 4 tháng. Việc nới lỏng các hạn chế do COVID-19 đã giúp một số công ty tái khởi động sản xuất trong tháng 10, trong khi những công ty khác tăng sả̉n lượng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Kết quả là, sản lượng được ghi nhận tăng lần đầu tiên trong 5 tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trở lại cũng được ghi nhận khi các nhà sản xuất và khách hàng của họ đều khôi phục hoạt động. Sự cải thiện của tình hình đại dịch đã cho phép các công ty hưởng lợi từ tình trạng nhu cầu tăng trên thị trường quốc tế, từ đó số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng lần đầu kể từ tháng 5.

Đặc biệt, niềm tin kinh doanh đã cải thiện đáng kể trong tháng 10 khi làn sóng đại dịch COVID-19 mới đây đã có dấu hiệu dịu lại. Niềm hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát đã giúp mức độ lạc quan đạt mức cao của 29 tháng.

Song, những vấn đề liên quan đến việc làm vẫn hiện hữu bất kể tăng trưởng đã trở lại. Việc làm tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 10 khi một số công ty cho biết một số nhân viên của họ đã trở về quê nhà trong làn sóng đại dịch mới nhất và vẫn chưa quay trở lại làm việc.

Tình trạng khan hiếm lao động đã góp phần làm lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng, và số lượng đơn đặt hàng mới tăng cũng tạo thêm áp lực cho công suất. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với mức kỷ lục của tháng 9.

Chi phí đầu vào đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2011 và là một trong những mức tăng mạnh nhất trong lịch sử khảo sát. Chi phí vận tải tăng, làm tăng áp lực lạm phát vốn do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu gây ra. Để đối phó với chi phí đầu vào tăng, các nhà sản xuất tăng giá bán hàng với tốc độ đáng kể và là tốc độ tăng nhanh nhất trong 5 tháng.

Những nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của tình trạng tăng giá có thể xảy ra trong tương lai đã khuyến khích các công ty tăng tồn kho hàng hóa đầu vào tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 10. Điều này đã được hỗ trợ thêm bởi hoạt động mua hàng tăng mạnh trở lại với tốc độ tăng gần kỷ lục.

Cuối cùng, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm nhẹ trong tháng 10. Một số công ty có hàng tồn kho giảm khi hàng thành phẩm đã được đem bán, trong khi những công ty khác cho biết sản lượng tăng trở lại đã giúp họ ổn định hàng tồn kho.

Liên quan đến kết quả khảo sát mới đây, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nhận định: "Theo kết quả khảo sát PMI mới nhất, tình hình đại dịch cải thiện, và kéo theo là việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, đã giúp các nhà sản xuất Việt nam hoạt động trở lại trong tháng 10. Đồng thời với việc tăng sản lượng, các công ty cũng tự tin hơn nhiều về triển vọng sắp tới so với các tháng gần đây.

Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề còn tồn tại do đợt bùng phát gần đây của đại dịch mà có thể kìm hãm tăng trưởng. Thứ nhất, những khó khăn với hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng vẫn chưa kết thúc, từ đó khiến việc tìm kiếm nguồn hàng và phân phối sản phẩm trở nên khó khăn. Thứ hai, một số công ty vẫn đợi công nhân trở lại từ quê nhà nơi mà họ đã phải quay về trong làn sóng COVID-19 gần đây, và điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công trong tháng 10. Hy vọng những khó khăn này sẽ giảm bớt khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục bình thường trở lại trong những tháng tới". (Cafef.vn 01/11)Về đầu trang

Tháng 10, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi. Trong tháng 10, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng 9. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cả về số lượng và vốn đăng ký.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tháng 10/2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 4.304, tăng 29,8% so với tháng trước. Cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 108,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng, cả nước có 93,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.304,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 707,7 nghìn lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, 35,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 129 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, bình quân một tháng có 12,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân 1 tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo khu vực kinh tế, 10 tháng năm nay có 1.603 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước; 25,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 24,6%; 66,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 11,5%. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phải có chính sách tài khoá bằng tiền thật

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất,… được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhằm giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, các chính sách hỗ trợ cần đồng bộ và thống nhất để cộng hưởng sức mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng năm 2021. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, quản trị quốc gia, quản trị xã hội và quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài, nhiều nước đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt có thời hạn nhiều năm để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.

“Trong nguy chúng ta nhìn thấy cơ, trong thách thức chúng ta nhìn thấy cơ hội. Nhiều quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có chính sách mới gắn với điều kiện bình thường mới thì các doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội đó để phục hồi sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể nhanh nhạy để chớp những thời cơ này” - ông Nguyễn Quang Vinh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã có phạm vi rộng hơn, nhanh hơn, được gia hạn thuế nhiều hơn, trong đó cho gia hạn thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 8/2020 với những doanh nghiệp khai thuế theo tháng và gia hạn thuế giá trị gia tăng quý 1, quý 2 nếu doanh nghiệp nộp thuế theo quý. Đến ngày ngày 31/12 tới sẽ là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải thanh toán những khoản tiền này.

Với tiền thuê đất, một năm đóng hai kỳ nhưng đến nay cũng được gia hạn đến ngày 31/12. Như vậy trong thời gian doanh nghiệp chưa phải nộp tiền, thì có thể dùng dòng tiền nhàn rỗi tạm thời để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu tại chỗ. Đồng bộ, thống nhất những chính sách hỗ trợ hiện nay là hết sức quan trọng để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện chính sách.

“Chúng ta cần những chính sách đồng bộ, tránh việc các chính sách xung đột lẫn nhau, các ngành, doanh nghiệp địa phương, cơ quan Nhà nước phải ngồi lại với nhau để đảm bảo sự thống nhất, quan trọng là tính khả thi doanh nghiệp có thể thực hiện được. Tất cả những khoản chi mà doanh nghiệp chi ra để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của dịch phải được hạch toán vào phương án kinh doanh hay những khoản hỗ trợ phòng chống dịch sẽ được tính vào thu nhập hợp lý được trừ thuế của năm 2021” - ông Nguyễn Văn Phụng nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Việt Nam đã trải qua 2 năm đầy khó khăn của dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức tín dụng cũng phải loại rủi ro cho rất nhiều doanh nghiệp khi được cơ cấu nợ. Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được cơ cấu nợ đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn nên việc xem xét cho vay mới là khó khăn với các tổ chức tín dụng.

Trong điều kiện chuẩn thì ngân hàng cho vay không hạ lãi suất. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức tín dụng đang cho các doanh nghiệp vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi doanh nghiệp bị giảm doanh thu, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu… nên rất cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị: “Cần phải có chính sách tài khoá bằng tiền thật để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh này nuôi dưỡng nguồn thu thì cần phải tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp, các bộ ngành cũng phải vào cuộc. Các tổ chức tín dụng cho vay doanh nghiệp khó khăn thì cần có cơ chế phù hợp như quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ xưa đến nay đã thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Nếu thiếu tiền, Chính phủ vay tiền Ngân hàng Trung ương, phát hành trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng việc đồng bộ trong các chính sách hỗ trợ là rất quan trọng: Các chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn, chưa đủ rộng, chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt còn hạn chế, việc tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, trong bối cảnh kinh tế Thế giới đang phục hồi khá tốt đang là bước đi khá chậm để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp không còn cần thiết trong bối cảnh hiện nay: “Không nên giảm lãi suất điều hành, vì mức lãi suất điều hành hiện nay tương đối tốt, ở mức 4%, nếu tiếp tục giảm lãi suất điều hành, người dân không gửi tiền vào ngân hàng nữa, tiền chuyển vào trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, thậm chí tiền kỹ thuật số. Các ngân hàng chấp nhận giảm chi phí, biên lợi nhuận để giảm lãi suất, đồng hành cũng doanh nghiệp”.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ bằng cách tiếp tục giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, theo hướng điều chỉnh mức giảm và thời gian cắt giảm phí, lệ phí kéo dài đến hết năm 2022. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ và đóng góp cùng Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh việc doanh nghiệp tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, cũng cần tiết giảm chi phí, tìm cách giữ chân người lao động và đầu tư để tăng năng suất, chất lượng. (Vov.vn 01/11)Về đầu trang

Doanh nghiệp sản xuất tăng tốc phục hồi dịp cuối năm

Mới đây, Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) đã chính thức thành lập nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của nhau, kết hợp, lên kế hoạch trung và dài hạn để phát triển công nghiệp thủ đô.

Hiệp hội có hơn 50 doanh nghiệp chủ lực trong các lĩnh vực nền tảng như công nghiệp vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo mạch điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ nano, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm chăn nuôi.

Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, sau gần 3 năm ba năm triển khai Ðề án Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, các doanh nghiệp đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp TP Hà Nội.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay: "Công nghiệp Hà Nội vẫn tăng trường và phát triển dương. 10 tháng đầu năm tăng 4,3% và công nghiệp Hà Nội cũng chiếm gần 50% tăng trưởng GRDP của TP Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2021. Điều này đã khẳng định được vai trò của công nghiệp Hà Nội".

Dự kiến thời gian tới, hiệp hội sẽ tổ chức các hội nghị trực tiếp và trực tuyến, tổ chức đào tạo nhân lực 4.0 để các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng công nghiệp của các quốc gia phát triển. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ GD&ĐT yêu cầu báo cáo việc dạy học trực tiếp

Bộ GD&ĐT vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Nhằm thúc đẩy mở cửa trường học và đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo báo cáo tiến độ và kết quả triển khai hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với ngành Giáo dục địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trước mắt, đề nghị các địa phương báo cáo Bộ GD&ĐT về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Chỉ đạo sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT lên phương án, kịch bản xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra trong trường học; kiện toàn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có nhân viên y tế trực, có đầu mối cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng chống dịch.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về việc dạy học trực tiếp trong điều kiện mới. Theo đó, địa phương căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

Không muốn nộp phí vào nội đô Hà Nội có thể sử dụng phương tiện công cộng

Sở GTVT cho rằng mức thu phí được tính toán đủ để tác động đến hành vi của người tham gia giao thông chứ không phải đặt mục tiên thu phí nộp ngân sách.

Theo đề án của Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, sẽ có 87 trạm thu phí xe vào nội đô Hà Nội với dự kiến mức thu phí khoảng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, với mức phí khái toán từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt xe qua trạm thu phí nội đô không nhằm nộp vào ngân sách mà đây là biện pháp kinh tế để tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, góp phần giảm lượng xe đi vào khu vực nội đô.

Nguyên tắc của việc thu phí đầu tiên phải đảm bảo bù đắp chi phí cho việc tổ chức thu phí. Bao gồm: Đầu tư xây dựng trạm thu phí, phương án quản lý bảo trì và vận hành thu chi.

Mức thu phí được tính toán đủ để tác động đến hành vi của người tham gia giao thông. Nếu thu thấp quá sẽ không tác động đến tâm lý người tham gia giao thông mà cần có mức nhất định để tác động đến lựa chọn của họ trong việc sử dụng phương tiện.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lấy ví dụ một người đang ở ngoại thành muốn vào phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm, họ phải bỏ ra 100.000 đồng phí vào nội đô và 100.000 đồng đỗ xe nên thay vì sử dụng phương tiện cá nhân, người dân sẽ sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đây là loại phí cần thiết nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Nếu người dân thấy sẵn sàng đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc thì phải trả phí, còn nếu không thì đi đường tránh hoặc sử dụng vận tải công cộng; còn những người cần thiết phải đi vào các cơ quan, tổ chức hay người dân trong khu vực thu phí thì đã có cơ chế miễn, giảm phí.

Việc thu phí không phải hẳn cứ ra quyết định là triển khai thu ngay, mà chỉ được thu phí khi đảm bảo được tất cả các điều kiện. Khi thu phí phải có giải pháp xử lý đối với những đối tượng trốn thu phí, chậm nộp phí.

Điều này liên quan đến sửa đổi các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định liên quan đến việc thu phí.

Việc lựa chọn khu vực giới hạn từ Vành đai 3 trở vào bởi đây là khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông, là tuyến vành đai có đủ điều kiện tổ chức giao thông hợp lý, giúp cho người không có nhu cầu vào nội đô có thể vòng tránh được.

Các tuyến đường từ Vành đai 3 trở vào cũng thuận lợi để bố trí trạm thu phí, tránh gây ùn tắc bởi có diện tích mặt đường tương đối lớn.

Nếu lựa chọn sâu vào bên trong 4 quận nội thành thì Vành đai 1, 2 chưa khép kín, không có điều kiện vòng tránh. Khi phương tiện đi vào, dễ ùn tắc ở khu vực 4 quận.

Lập trạm thu phí từ đường Vành đai 3 trở vào còn để những người không có nhu cầu đi qua trung tâm thành phố có thể di chuyển xung quanh Vành đai 3 đi các tỉnh mà không phải nộp phí. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

Đồng Tháp: Công chức, viên chức thực hiện “6 biết, 3 không”

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ có tiếp xúc trực tiếp hoặc bằng văn bản hành chính hoặc qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, qua mạng internet, ...) với tổ chức và công dân thì phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà tổ chức và công dân cần hướng dẫn, trả lời; phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của tổ chức và công dân. Đồng thời thực hiện “6 biết, 3 không”: biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cám ơn, biết xin lỗi; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

Công chức, viên chức có trách nhiệm hướng dẫn công khai cho tổ chức, công dân quy trình thực hiện được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm các yêu cầu của tổ chức và công dân được giải quyết đúng trình tự, thời gian quy định. Trường hợp công việc bị kéo dài quá thời gian quy định, công chức, viên chức có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị bằng văn bản nêu rõ lý do quá hạn, thời gian đề nghị gia hạn thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thông báo công khai cho tổ chức và công dân có yêu cầu biết rõ lý do.

Công chức, viên chức không được tham gia các tệ nạn xã hội dưới mọi hình thức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cá nhân, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để giải quyết công việc nhằm trục lợi cá nhân, gia đình hoặc người thân (như vay, mượn, hứa hẹn, chạy việc, chạy dự án, đề án...) để chiếm dụng tiền hoặc tài sản của người khác làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị và cá nhân.

Bên cạnh đó, không được có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu hoặc nhận giải quyết công việc bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc để trục lợi cá nhân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của tổ chức và công dân. Đồng thời không được từ chối các yêu cầu đúng pháp luật của người cần được giải quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu của tổ chức và công dân khi được giao nhiệm vụ giải quyết...

UBND tỉnh giao trách nhiệm cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc này đến từng công chức, viên chức; đưa tiêu chí thực hiện Quy tắc này vào hoạt động đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm; xem xét biểu dương, khen thưởng theo quy định đối với công chức, viên chức thực hiện tốt Quy tắc này hoặc phê bình, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm. (Baodongthap.vn 01/11, Nhật Anh)Về đầu trang

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi kết luận thanh tra, cấp dưới “ngâm” 3 năm chưa thực hiện

Ngày 31/10, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã phát đi thông báo kết luận của chủ tịch UBND tỉnh về 5 kết luận thanh tra từ các năm 2019, 2020 đến nay vẫn chưa được các cơ quan liên quan thực hiện và chưa có kết quả.

Cụ thể, 5 kết luận thanh tra chưa được triển khai thực hiện trên thực tế và chưa có kết quả gồm: Việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà, đất công sản tại các huyện, thị xã, thành phố; Chấp hành pháp luật đối với các dự án xã hội hóa từ năm 2008 đến năm 2018; Việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với công trình sửa chữa nhà số 255 đường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi do Sở Y tế làm chủ đầu tư; Việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất rạp chiếu bóng 1/5 (cũ).

Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện các kết luận thanh tra của Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố còn chậm trễ, chưa thực hiện theo tiến độ. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nội dung trong 5 kết luận thanh tra trên vẫn chưa được triển khai thực hiện trên thực tế và chưa có kết quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thiếu tích cực, chậm trễ triển khai thực hiện nội dung các kết luận thanh tra.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ này được cho là do các tồn tại, vi phạm phát hiện qua thanh tra đã diễn ra trong thời gian dài nên nội dung triển khai thực hiện khắc phục rất khó khăn. Đồng thời, trong thời điểm đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra đối với tỉnh Quảng Ngãi nên các cơ quan, địa phương phải tập trung để phục vụ cho công tác này.

Cùng với đó các cấp, ngành tập trung cho công tác Đại hội, công tác bầu cử các cấp và công tác chuyển giao nhân sự giữa hai nhiệm kỳ. Cũng như phải tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra của chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát lại việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra. Những nội dung nào chưa triển khai thực hiện thì xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, bảo đảm các kết luận thanh tra được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải xử lý các cơ sở nhà, đất công sản chậm nhất trước ngày 31/12 và thời gian cuối cùng để hoàn thành nội dung các kết luận thanh tra của chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/6/2022. Nếu để chậm trễ sẽ xem xét trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện các kết luận thanh tra nêu trên. (Tienphong.vn 31/10, Nguyễn Ngọc)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thái Nguyên tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

Cổng Thông tin điện tử Thái Nguyên là đơn vị tích hợp dữ liệu, trong đó Trung tâm điều hành thông minh là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Thái Nguyên.

Đi vào hoạt động từ tháng 7/2020, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên với khả năng tích hợp dữ liệu, cùng phần mềm điều khiển trung tâm, đã tạo ra một góc nhìn bao quát địa phương trên mọi lĩnh vực. Qua đó, hỗ trợ tích cực cho các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội địa phương.

Với nền tảng công nghệ hiện đại, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên cho phép kết nối, trích xuất dữ liệu, tiếp nhận thông tin phản ánh của mọi người dân, doanh nghiệp phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền… Trung tâm còn cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý, phản ánh một cách công khai, minh bạch.

Để tiếp nhận những phản ánh của người dân, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của người dân qua hòm thư điện tử. Từ đó những kiến nghị của người dân được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

“Rất hiệu quả khi người dân dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim gửi ngay hình ảnh cho chính quyền. Ngoài ra người dân còn có thể xem camera biết chỗ nào giao thông tắc tránh chỗ khác rất thuận tiện” - một người dân thành phố Thái Nguyên nêu ý kiến.

Hiện nay, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên đã tích hợp, hiển thị thông tin điều hành mọi dữ liệu từ nhiều lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, giao thông…cùng với nền tảng quản lý camera tập trung, hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng, phòng họp không giấy tờ, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử...

Qua nền tảng quản lý camera tập trung, Trung tâm điều hành thông minh đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Những khu vực có ca F0, F1… đều được đánh dấu, hiển thị trên màn hình của hệ thống. Người dân có thể truy cập để biết khu vực nào có dịch, nơi nào an toàn. Việc đưa Trung tâm điều hành thông minh vào hoạt động đã góp phần đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên.

Trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, tỉnh Thái Nguyên có hàng nghìn thủ tục hành chính được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến, kết nối, đồng bộ với 100% hệ thống một cửa điện tử trên toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, hệ thống điều hành đã gửi/nhận gần 80.000 văn bản, tiết kiệm nhiều tỷ đồng, hàng triệu giờ công lao động. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác quản lý cũng như phục vụ đời sống cho người dân. (Vov.vn 01/11, Mạnh Phương)Về đầu trang

Khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang

Ngày 1/11, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang, đặt tại Tòa nhà Bưu điện tỉnh Tuyên Quang.

Trung tâm là đầu mối tập trung của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cải cách hành chính đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh xác định là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vào hoạt động sẽ là đầu mối giải quyết hơn 1.400 thủ tục hành chính cho các tổ chức, doanh nghiệp, công dân thuộc các trách nhiệm của 20 sở, ban, ngành.

Từ nay, ngoài các thủ tục hành chính đặc thù người dân chỉ cần đến địa chỉ duy nhất đó là Trung tâm Phục vụ hành chính công. Để Trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả, đạt được mong muốn, mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị, ngay sau khi khai trương đi vào hoạt động Trung tâm sẽ sớm ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm quy chế tổ chức hoạt động, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người dân, thực hiện bảo đảm đúng quy trình, thời gian; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân thực chất, khách quan.

Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động hiệu quả sẽ tạo sự đột phá trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện, nâng cao chất lượng các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. (Nhandan.com.vn 01/11, Hải Chung)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TPHCM: Động lực lớn nhưng đầy thách thức

Mới đây, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến góp ý rộng rãi báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội. Điểm nổi bật trong báo cáo này là tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP Hồ Chí Minh trong năm sau dự kiến là 21%, tăng thêm 3% so với giai đoạn trước.

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, tình hình ngân sách hiện nay, theo nhiều chuyên gia đây là mức tăng phù hợp. Thành phố đang rất cần thêm nguồn lực để tạo động lực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo báo cáo, dự kiến tổng thu năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ thu hơn 386.000 tỷ đồng, tăng hơn 21.000 tỷ so với năm 2021, trong đó, phần được hưởng theo tỷ lệ điều tiết mới 21% là hơn 41.000 tỷ đồng. Tương ứng, ngân sách thành phố tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một động lực lớn nhưng cũng đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch vừa qua.

"Như vậy để lại cho ngân sách cho thành phố tăng thêm 3%, tức là khoảng gần 6.000 tỷ nhưng giao nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn thành phố phải tăng hơn 21.700 tỷ đồng. Đây là một chỉ tiêu rất khó khăn và thách thức cho thành phố. Do đó, vấn đề quan trọng là việc để lại ngân sách cho thành phố, nguồn lực đầu tư cho thành phố phải phát huy được hiệu quả", PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư ngân sách thành phố của năm 2022 là trên 51.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư về hạ tầng, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… của thành phố trong 5 năm tới cần ít nhất 670.000 tỷ đồng. Do đó, điều kiện cần là thành phố phải có kế hoạch triển khai chi tiết và phân bổ vốn đầu tư vào đâu cho hiệu quả nhất.

"Ví dụ như Nghị quyết 54, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, quyết định chủ trương đầu tư nhóm A, hay vấn đề rà soát các tài sản công, các nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố mà bỏ hoang phí, lãng phí, thì cho thành phố thực hiện phối hợp bán đấu giá và thành phố được hưởng 50% tiền đất đó theo tinh thần Nghị quyết 54", PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.

Theo phân tích, khi thành phố đầu tư một đồng ngân sách, sẽ huy động được 10 đồng vốn xã hội, tức hiệu quả gấp 3 lần. Do vậy, vòng quay vốn đầu tư ngân sách sẽ giúp lan tỏa vốn đầu tư xã hội, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tăng các khoản thu ngân sách, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách trung ương. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Chánh Thanh tra Lào Cai vừa bị đình chỉ công tác nói gì?

Thông tin ông Đàm Quang Vinh - Chánh Thanh tra Lào Cai vừa bị đình chỉ công tác đang nhận được sự quan tâm rất lớn trong thời gian qua.

Đầu tháng 10.2021, dư luận tại tỉnh Lào Cai đã rất xôn xao về việc ông Đàm Quang Vinh – Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai xin nghỉ việc với rất nhiều thông tin khác nhau.

PV Báo Lao Động đã liên hệ qua điện thoại với ông Vinh để tìm hiểu sự việc trên. Ông Vinh chia sẻ mình bị ốm, đang đi chữa bệnh nên nghỉ việc, ủy quyền công vụ; nếu sức khỏe không được tốt thì viết đơn xin nghỉ để không làm ảnh hưởng đến việc của cơ quan.

Đến ngày 25.10, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đàm Quang Vinh – Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai.

Lý do tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định.

Nguồn tin của PV Lao Động, ông Vinh bị tạm đỉnh để xem xét các vấn đề liên quan đến bằng cấp.

Theo tìm hiểu, ông Đàm Quang Vinh mới được trao quyết định bổ nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai vào ngày 20.4.2020. Trước lúc được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra tỉnh, ông Đàm Quang Vinh giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai. (Laodong.vn 01/11, Minh Nguyễn)Về đầu trang

Ba chủ tịch huyện ở Đắk Nông bị thi hành kỷ luật vì liên quan đến đất đai

3 cán bộ hiện đang là đương kim Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đắk Song qua các thời kỳ vừa bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách do các vi phạm liên quan đến đất đai.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông vừa họp Kỳ thứ 10 (Khóa XII). Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Phò, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song. Lý do ông Phò bị kỷ luật vì vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong chỉ đạo, quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn huyện Đắk Song.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Xuân Thanh, đảng viên Chi bộ Văn phòng HĐND tỉnh, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song nhiệm kỳ 2016 – 2021. Lý do vì ông Thanh đã để xảy ra vi phạm trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành, chưa chấp hành đúng ý kiến chỉ đạo của cấp trên về quản lý đất đai.

Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kết luận kiểm tra và xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Phan Đình Hiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã có khuyết điểm, vi phạm thiếu trách nhiệm về kiểm tra, chỉ đạo để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Phan Đình Hiến bằng hình thức khiển trách.

Tuy nhiên, đối chiếu Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28.7.2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng thì khuyết điểm, vi phạm của ông Phan Đình Hiến xảy ra trong giai đoạn từ tháng 6.2011 - 11.2015 đến thời điểm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kết luận vi phạm đến mức thi hành kỷ luật là 5 năm 11 tháng, đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. (Laodong.vn 01/11, Bảo Lâm)Về đầu trang

Vi phạm quy định bồi thường, 5 nguyên cán bộ ở Quảng Nam lãnh 126 tháng tù

Ngày 1.11, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 5 bị cáo gồm nguyên cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn, cán bộ phường Điện Dương về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Đãi (47 tuổi) và Lê Tự Trung (52 tuổi), nguyên cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn; Trần Việt Hùng (42 tuổi), nguyên cán bộ Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn; Đinh Hùng Liên (55 tuổi), nguyên cán bộ UBND phường Điện Dương về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Còn bị cáo Lê Thương (63 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án Khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), các bị cáo Nguyễn Ngọc Đãi, Lê Tự Trung, Trần Việt Hùng và Đinh Hùng Liên đã thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về đất đai, các quy định của UBND tỉnh Quảng Nam về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Riêng bị cáo Lê Thương thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra hồ sơ bồi thường nhưng vẫn ký tờ trình đề nghị thẩm định phương án bồi thường, dẫn đến gây thiệt hại về tài sản.

Trong đó, các bị cáo Đãi, Trung, Hùng và Thương gây thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng; bị cáo Liên gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

Sau khi xem hành vi các bị cáo trên, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Đãi 30 tháng tù; Lê Tự Trung 30 tháng tù; Trần Việt Hùng 30 tháng tù và Đinh Hùng Liên 24 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Riêng bị cáo Lê Thương 12 tháng tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các bị cáo Đãi, Trung và Hùng, mỗi người nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 117 triệu đồng, bị cáo Liên 80 triệu đồng và bị cáo Thương 50 triệu đồng. (Laodong.vn 01/11, Thanh Chung)Về đầu trang

Quảng Bình: Khai trừ Đảng cán bộ địa chính tội “hủy hoại rừng”

Ngày 1.11 Công an huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) cho biết, ông Trương Hải Đồng (nguyên là Công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) đang bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Liên quan đến ông Trương Hải Đồng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Bình vừa họp phiên thứ 11 và xem xét, kết luận các nội dung về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; kiểm tra tài chính đảng; giám sát chuyên đề đối với đảng viên.

Tại phiên họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với ông Trương Hải Đồng.

Theo đó, qua xem xét báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, UBKT Tỉnh ủy kết luận, với trách nhiệm Công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường xã Cao Quảng, ông Trương Hải Đồng đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất của người cán bộ, đảng viên; thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tham gia kiểm tra, thẩm định trồng lại rừng không đúng quy định; thuê người dùng máy đào phá 15,03 ha rừng tự nhiên khoanh nuôi, bảo vệ trái pháp luật.

Liên quan đến sự việc, ông Trương Hải Đồng đã bị truy tố về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “hủy hoại rừng”.

Xét tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm, UBKT Tỉnh ủy đã quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trương Hải Đồng. (Laodong.vn 01/11, Phi Long)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hiệu quả của thu phí nội đô tại các quốc gia trên thế giới

Nhằm hạn chế lượng xe cộ vào thành phố, giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình thu phí vào nội đô và nhận được đánh giá cao.

Trước khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh của Việt Nam đưa ra đề xuất thu phí nội đô, nhiều đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình này để hạn chế lượng xe cộ vào nội đô, giảm ùn tắc, góp phần giảm ô nhiễm không khí, đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

Singapore được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp phí phương tiện đi vào trung tâm từ năm 1998.

Trước đó, từ năm 1995 - 1997, Singapore đã thử nghiệm hệ thống thu phí đường bộ điện tử. Tùy theo thời điểm trong ngày, tùy loại phương tiện, địa điểm mà chủ phương tiện phải đóng các mức phí khác nhau khi vào trung tâm.

Từ năm 1998, hệ thống này đã được áp dụng tại hơn 50 điểm khắp thành phố trong thời gian từ 7h - 19h từ thứ Hai đến thứ Sáu tại những điểm trong khu vực kinh doanh trung tâm hoặc các tuyến đường cao tốc chính. Từ khi áp dụng, tắc nghẽn giao thông trong khu vực hạn chế gần như không còn, lượng xe vào khu vực hạn chế giảm 21% mỗi ngày.

"Những chính sách này thực sự là công cụ giúp Singapore giảm thiểu ách tắc giao thông trong giờ cao điểm" - ông Vivek Vaidya tại công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan cho biết.

Tại London, Anh, từ tháng 6/2020, mỗi tài xế phải trả khoảng 20 USD/ngày khi vào trung tâm thành phố. Trước đó, mỗi tài xế khi di chuyển vào trung tâm London phải trả 16 USD/ngày, áp dụng cho khung giờ từ 6h - 19h các ngày trong tuần, trừ thứ Bảy và Chủ nhật. Mức phí mới áp dụng từ 7h - 22h tất cả các ngày, trừ ngày lễ.

Việc thu phí phương tiện vào nội đô tại London được áp dụng từ tháng 2/2003, ban đầu được triển khai trên phạm vi 20 km2 tại khu vực kinh doanh trung tâm, sau đó được mở rộng ra các khu vực khác. Xe buýt, taxi, xe cấp cứu, xe máy được miễn phí vào nội đô còn các phương tiện của cư dân trong khu vực thu phí được miễn hoặc giảm phí. Trong 3 năm đầu thực hiện, lưu lượng giao thông vào thành phố đã giảm 15%, tình trạng tắc nghẽn giảm 30%.

Ngoài Singapore, London (Anh), nhiều đô thị khác như Stockholm (Thụy Điển), Seoul (Hàn Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) cũng đã áp dụng thành công mô hình thu phí vào nội đô và nhận được đánh giá cao. (VTV.vn 01/11)Về đầu trang

WHO cảnh báo "sẽ có loại virus mới xuất hiện mà thế giới không ngăn chặn nổi"

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một loại virus mới có thể xuất hiện “vào một thời điểm nào đó, mà chúng ta không thể ngăn chặn được”.

Người đứng đầu WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế rút kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 để chuẩn bị đối phó với những đại dịch khác trong tương lai.

Theo ông Ghebreyesus, thế giới cần một WHO “được củng cố, trao quyền và tài trợ bền vững”, nói cách khác, là có một cơ chế tài chính mới để WHO có thể nhanh chóng ứng phó với đại dịch.

Để đạt được mục tiêu này, ông Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia ủng hộ việc thành lập Hội đồng Tài trợ Ứng phó với các mối đe doạ y tế, và ký kết một thoả thuận quốc tế có tính ràng buộc về việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 247 triệu ca mắc COVID-19, với hơn 5 triệu ca tử vong. (Tienphong.vn 31/10)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More