Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 13-11-2019

Post date: 13/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.  Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu đồng. 1

2. Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. 2

3.  Cắt giảm thủ tục, việc cấp phép xây dựng chỉ còn tối đa 20 ngày. 4

4.   Đại biểu Quốc hội nhất trí với việc cấp thiết triển khai dự án sân bay Long Thành. 5

5. Quốc hội giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy. 6

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

6. Kinh tế tuần hoàn liệu có “cửa” cho doanh nghiệp nhỏ?. 7

7. Số doanh nghiệp bất động sản giải thể nhiều nhất trong 10 tháng 2019. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

8.   Tuyển chọn lãnh đạo, bằng cấp nhiều là chưa đủ... 8

QUẢN LÝ.. 10

9.  Tinh giản hơn 300 đội Quản lý thị trường. 10

10.  90 nghìn lao động nước ngoài ở Việt Nam, toàn sếp lớn và lương cao. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

11. 184 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

12.   10 tháng, Chính phủ đã trả nợ gần 246,5 nghìn tỷ đồng. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

13. Trưởng Phòng Cảnh sát dùng bằng giả: Đề nghị cho ra khỏi ngành. 14

14.  Bình Định: Cán bộ cười khanh khách vào mặt dân bị xử lý thế nào. 16

15.   Khởi tố 2 cán bộ Lai Châu tham ô 26,5 tỷ tiền chế độ học sinh nghèo. 16

16.  Đình chỉ Thượng úy công an hành hung nhân viên bán hàng ở Thái Nguyên. 16

17. Đồng Tháp: Khởi tố Phó Giám đốc Sở thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 17

THẾ GIỚI 18

18.  Australia nâng mức phạt đối với hành vi vứt tàn thuốc bừa bãi 18

 TIN QUỐC HỘI

Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu đồng

Chiều 12/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

 Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2020, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300.000 triệu đồng (một tỷ, năm trăm mười hai triệu, ba trăm nghìn triệu đồng).

 Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100.000 triệu đồng (một tỷ, bảy trăm bốn mươi bảy triệu, một trăm nghìn triệu đồng).

 Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800.000 triệu đồng (hai trăm ba mươi bốn triệu, tám trăm nghìn triệu đồng), tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm:

 Bội chi ngân sách trung ương là 217.800.000 triệu đồng (hai trăm mười bảy triệu, tám trăm nghìn triệu đồng), tương đương 3,2%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 17.000.000 triệu đồng (mười bảy triệu triệu đồng), tương đương 0,24%GDP…

 Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020. Theo đó, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.

 Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu. Tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập, Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới; sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

 Quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý.

 Đáng chú ý, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

 Nghị quyết cũng khẳng định, tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025… (Danviet.vn 12/11, PVCT)Về đầu trang

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

Chiều 12/11, với 93,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

 Theo đó, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách trung ương là 217.800 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 17.000 tỷ đồng, tương đương 0,24%GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488.921,352 tỷ đồng.

 Quốc hội quyết nghị điều chỉnh cơ cấu vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của hai Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tăng vốn ngoài nước và giảm vốn trong nước tương ứng là 3.580,2 tỷ đồng.

 Quốc hội bổ sung 241,021 tỷ đồng cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí số vốn tương ứng trong dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2020 để thu hồi vốn ứng trước.

 Quốc hội quyết nghị hòa chung số vốn 4.069 tỷ đồng còn lại chưa phân bổ trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với nguồn dự phòng chung của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đồng thời giao Chính phủ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội. 

Quốc hội bổ sung 77,490 tỷ đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Cộng hòa Ireland cho các tỉnh: Hà Giang -18 tỷ đồng; Hòa Bình -20,9 tỷ đồng; Quảng Trị - 9,49 tỷ đồng; Kon Tum - 19,2 tỷ đồng và Trà Vinh: - 9,9 tỷ đồng để đầu tư cho Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

 Quốc hội cũng bổ sung 36,611 tỷ đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Vương quốc Bỉ cho Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh và bổ sung 5,042 tỷ đồng (225.000USD) từ nguồn viện trợ của Nhà nước Kuwait cho hai tỉnh: Hà Tĩnh - 2,801 tỷ đồng (125.000USD) và Quảng Bình - 2,241 tỷ đồng (100.000USD) để khắc phục hậu quả thiên tai.

 Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.

 Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

 Tăng cường quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, cải cách, hiện đại hóa ngành thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.

 Chính phủ quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý và thực hiện phân chia nguồn thu này theo Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. (TTXVN/Bnews.vn 12/11)Về đầu trang

Cắt giảm thủ tục, việc cấp phép xây dựng chỉ còn tối đa 20 ngày

Là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày. Đáng chú ý, việc xây dựng các khu đô thị tới đây, Bộ sẽ “siết” 2 bước, thẩm định dự án và bàn giao công trình…

 Nhận ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội xem xét dự thảo luật tại Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ nhưng điểm mới nhất được thiết kế.

 Lần sửa luật này, Chính phủ hướng tới mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

 Theo đó, dự án luật đã tập trung vào 3 nhóm chính sách: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

 Điểm mới nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng có thể kể đến, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà là việc sửa đổi, bổ sung các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng.

 Thủ tục cấp phép xây dựng, theo đó, được quy định đơn giản. Bộ Xây dựng đề xuất giảm số ngày quy định cho cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày.

 Ở hướng ngược lại, cùng với việc cải cách thủ tục, đơn giản hóa điều kiện, dự luật vẫn hướng tới yêu cầu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, thống nhất quản lý, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, chống tham nhũng, thất thoát…

 Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin, qua rà soát hơn 4400 dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai hiện nay cho thấy một số bất cập lớn là không đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư nhà ở, dịch vụ thương mại và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công tác kiểm tra nghiệm thu kéo dài dẫn đến nhiều vướng mắc trong nghiệm thu tổng thể toàn bộ dự án.

 Do đó, dự thảo luật bổ sung quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tập trung vào 2 bước thẩm định dự án và bàn giao công trình nhằm khắc phục các bất cập đã nêu song không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng nêu quan điểm tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật Xây dựng Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trình bày.

 Cơ quan thẩm tra nhận định, việc ban hành luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước.

 Luật cũng nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng, góp phần phát triển ngành xây dựng Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

 Đánh giá tích cực về chất lượng dự án luật nhưng Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng lưu ý, luật Xây dựng có liên quan đến nhiều lĩnh vực được điều chỉnh trong các Luật (như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc…), trong đó có cả những dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua trong thời gian tới (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai…). Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 Về nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, đề xuất định hướng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống do quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng chậm hoặc không thực hiện được trong thời gian dài; trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch; xem xét lại quy định về thẩm quyền của cấp huyện phê duyệt quy hoạch 2 địa phương trong tỉnh.

 Cơ quan thẩm tra cho rằng, cần quy định công khai độ cao tĩnh không trong quy hoạch xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi khi thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng.

 Nhận định chung, cơ quan thẩm tra cho rằng, hồ sơ dự án luật của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; tham khảo chính sách, pháp luật về xây dựng của một số quốc gia; đánh giá tác động của việc ban hành Luật; đã có dự thảo một số Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật. Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng. (Phapluatplus.vn 12/11, Thái Anh) Về đầu trang

Đại biểu Quốc hội nhất trí với việc cấp thiết triển khai dự án sân bay Long Thành

Đa số các đại biều Quốc hội đều nhất trí với việc phải cấp thiết triển khai dự án, không nên lùi thêm bởi sẽ phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ.

 Quy định về tổng mức vốn đầu tư, bổ sung thêm 2 tuyến đường kết nối vào dự án, khả năng vay vốn và thực hiện dự án của Tổng công ty Cảng hàng không Việt ACV là những nội dung đáng chú ý được các đại biểu thảo luận sáng 12/11 khi đánh giá về báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

 Đa số các đại biều đều nhất trí với việc phải cấp thiết triển khai dự án, không nên lùi thêm bởi sẽ phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí việc bổ sung thêm 2 tuyến đường kết nối quan trọng đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng hiện đang rất chậm.

 Theo báo cáo, Chính phủ dự kiến giao ACV xây dựng cảng và các công trình phụ trợ. Tổng số vốn ACV cần huy động là gần 4,2 tỷ USD, số vốn phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD. Do đó, nhiều đại biểu khoản băn khoăn về số vốn vay này nhưng cũng cho rằng không nên vay ODA.

 Cũng trong sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đồng thời lưu ý cần phải cân nhắc thận trọng khi sử dụng diện tích rừng tự nhiên và rừng đặc dụng để thực hiện dự án này. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 12h ngày 12/11)Về đầu trang

Quốc hội giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy

Ngày 12/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.

 Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

 Theo báo cáo, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, trung bình mỗi năm xảy ra gần 3.300 vụ cháy, khiến 87 người chết, 200 người bị thương, thiệt hại 1.600 tỷ đồng. Mỗi ngày cả nước xảy ra 9 vụ cháy.

 Trong 4 năm, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã dập dắt gần 10.000 vụ cháy, hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, bảo vệ được tài sản trị giá hơn 600.000 tỷ đồng.

 Tuy nhiên, đoàn giám sát Quốc hội cho rằng, "hầu hết các vụ cháy lớn đều do cơ sở phát hiện, báo cháy chậm, tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn". Nhiều vụ cháy sau 30 phút mới được báo cho cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Điển hình là cháy công ty sản xuất thương mại Tuấn Thông (TP HCM) tháng 8/2017 báo cháy chậm 42 phút; cháy công ty Rồng Hoa Thái (Tiền Giang) báo chậm 48 phút...

 Theo báo cáo, cả nước hiện còn 2.600 công trình nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy. Còn 110 chung cư đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

 Nhận định tình hình cháy, nổ sẽ gia tăng và phức tạp hơn, đoàn giám sát đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018. Nghị quyết sẽ xác định các giải pháp quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. (Vnexpress.net 12/11, Viết Tuân)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Kinh tế tuần hoàn liệu có “cửa” cho doanh nghiệp nhỏ?

Một số quan điểm cho rằng kinh tế tuần hoàn chỉ dành cho doanh nghiệp lớn nhiều tiền vì chi phí đầu tư cao, trong khi chưa chắc đã thu về lợi nhuận, do đó không có "cửa" cho doanh nghiệp nhỏ.

 Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín, phân biệt với nền kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ.

 Với lượng rác thải không xử lý hiện thuộc top 5 trên thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn. Một nền kinh tế dự báo sẽ đạt giá trị ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030 trên toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam làm thế nào để tham gia chuỗi giá trị này? Liệu có "cửa" cho doanh nghiệp nhỏ?

 "Nền kinh tế tuần hoàn chắc chắc không phải chỉ dành cho các công ty đa quốc gia hay doanh nghiệp lớn mà cần được mở rộng cho tất cả mọi đối tượng. Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư (PPP) trong nền kinh tế tuần hoàn nhằm tận dụng những giải pháp đổi mới sáng tạo, giúp gia tăng vòng đời của nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng. Một công ty startup với những ý tưởng đột phá, một công ty nhỏ đem đến giải pháp cần thiết cho một vấn đề cấp bách…, tất cả đều được chào đón tham gia vào sáng kiến này. Đó cũng là điều chúng tôi thực sự cần, làm sao có thể phối hợp với các tổ chức khác, phát huy những thế mạnh của nhau và cùng chung tay góp phần xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" - ông Laurent Levan - Tổng Giám đốc URC Việt Nam, cho biết. (VTV.vn 12/11)Về đầu trang

Số doanh nghiệp bất động sản giải thể nhiều nhất trong 10 tháng 2019

Một báo cáo chi tiết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình doanh nghiệp thị trường 10 tháng năm 2019 ghi nhận gam màu ảm đạm, le lói. Trong 10 tháng năm 2019, có đến 74.347 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2018. Trung bình mỗi tháng có 7.434 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng đầu năm 2019 là 13.486 doanh nghiệp, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018.

 Các ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể mạnh nhất là: Kinh doanh bất động sản có 526 doanh nghiệp, tăng 46,5%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 167 doanh nghiệp, tăng 39,2%.

 Số doanh nghiệp chờ giải thể là 34.526 doanh nghiệp, tăng 34,75% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 14.323 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 11.206 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 8.997 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

 Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 12.636 doanh nghiệp, chiếm 36,6%; Xây dựng có 4.778 doanh nghiệp, chiếm 13,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 4.302 doanh nghiệp, chiếm 12,5%.

 Cũng trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có 26.335 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.

 Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 1 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.

 4 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.366 doanh nghiệp, tăng 15,8%), Kinh doanh bất động sản (548 doanh nghiệp, tăng 54,4%), Tài chính, ngân hàng va bảo hiểm (244 doanh nghiệp, tăng 36,3%), Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (160 doanh nghiệp, tăng 31,1%). (Vneconomy.vn 12/11, Kiều Linh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Tuyển chọn lãnh đạo, bằng cấp nhiều là chưa đủ...

Quy định bổ nhiệm lãnh đạo của chúng ta ban hành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nghe các Đại biểu Quốc hội hôm mới đây phát biểu trên nghị trường, hóa ra phải cần tới 7 bằng cấp mới đủ quy trình xem xét. Như vậy liệu có quá lạc hậu? Liệu đã đến lúc cần nhìn lại làm sao việc tuyển chọn người tài thực chất, đúng và trúng hơn.

 Nhìn lại 26 năm qua (từ 1993), nghĩa là từ cái năm Ban Tổ chức Trung ương Đảng ta ban hành quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ làm lãnh đạo phải có đủ 7 bằng cấp, chứng chỉ thì mới xem xét bổ nhiệm thì đúng là có gì đó không còn phù hợp.

 Đại để như phải có bằng Đại học, bằng cử nhân Chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bằng Hành chính Nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ đào tạo quản lý và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

 Đó là chưa tính đến đối tượng bổ nhiệm cán bộ từ cấp vụ trưởng trở lên thì còn phải có cả chứng chỉ bồi dưỡng nâng cao kiến thức về An ninh Quốc phòng...

 Về chuyện bằng cấp trong tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng vẫn chưa được rõ ràng và còn tồn tại nhiều bất cập. Tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, theo Đại biểu này còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, viên chức đã đăng ký các lớp học ngoại ngữ, tin học nhưng thời gian thực học rất ngắn, các chứng chỉ được cấp không thực chất. Điều này cho thấy nó vừa mang tính đối phó lại vừa tốn kém cho cán bộ, công chức...

 Như vậy, đã có gì đó quá lạc hậu, nhất là vài năm qua, khi Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã đi tới mọi quốc gia tự bao giờ thì sao lại vẫn cần có một chứng chỉ về tin học, về ngoại ngữ? 

 Điều cần thay đổi là một cuộc cách mạng trong xây dựng từng môn học về thời lượng cho mỗi môn để có thực chất hơn. Những thứ đó phải coi là tất yếu, là tối thiểu khỏi bàn một khi ai đó đã tốt nghiệp đại học.

 Tôi có tìm hiểu từ một số nhà giáo thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thì được biết: Hiện nay, việc học theo học phần, với từng tín chỉ (mỗi tín chỉ là 15 tiết học) đã cho thấy tính ưu việt nhất định so với trước.

 Song, có một thực tế, theo yêu cầu tối thiểu, 1 tiết trên lớp học cần có 4 tiết tự học thì mới hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sinh viên có nhiều khó khăn, phải đi làm thêm để kiếm sống cho nên ít đáp ứng đòi hỏi tối thiểu đó. 

Học ngoại ngữ, học tin học mà không có thời gian thực  tập thì sẽ vô vàn khó khăn. Vì lẽ đó, nếu môn ngoại ngữ trước đây là 14 tín chỉ (210 tiết) thì nay, quy định mới nhất, ĐHQGHN chỉ quy định 5 tín chỉ (75 tiết) ngoại ngữ trong kiến thức chung thì rất khó khăn khăn dùng vào công tác chuyên môn khi ra trường nếu không tự học (vì theo Khung trình độ quốc gia thì THPT có trình độ A2, đại học có trình độ B1. Từ A2 lên B1 chỉ 5 tín chỉ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phải bổ sung 9 tín chỉ vào phần của kiến thức chuyên môn).

 Hoặc như môn Tin học trước đây có môn Tin học cơ sở 3 tín chỉ (45 tiết) thuộc kiến thức chung. Nay ĐH Quốc gia HN bỏ ra khỏi kiến thức chung, mà tùy tính chất chuyên môn của các trường mà đưa vào kiến thức của Trường. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đưa vào kiến thức lĩnh vực (M2) của toàn trường, gọi là môn Tin học ứng dụng 3 tín chỉ. Trong khi đó, các môn về chính trị lại có số tín chỉ quá lớn.

 Trong khi đó, so với số sinh viên đi du học về nước làm việc, họ học với thời gian tương tự chúng ta, thậm chí ngắn hơn chúng ta nhưng lại không học chính trị như sinh viên trong nước. Thay vào đó họ tự học nhiều hơn đã cho thấy lợi thế ra sao về chuyên môn nếu tổ chức thi tuyển chung.

 Tôi đã hơn một lần kiến nghị vấn đề nói trên đến lãnh đạo bộ Giáo dục Đào tạo tại những diễn đàn công khai, tại giao ban báo chí của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương khoảng 20 năm trước và cả trong các bài báo tôi viết hàng chục năm gần đây... Đến nay, tuy chuyển biến ít nhiều, thậm chí có môn học cũng đã giảm đến nửa thời gian nhưng vẫn chưa thật hài hoà so với những môn khác cần tăng cường thêm.

 Hiện tượng sinh viên muốn có chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ để có thể dùng được trong công việc khi ra trường, các em đều phải bỏ thêm tiền ra học ở ngoài. Như vậy rất đáng tiếc khi mà học phần về các môn chính trị cho sinh viên khoa học kỹ thuật,công nghệ , sinh viên tài chính, kinh tế... lại chưa cân đối, còn rất nặng, khi ra trường không ứng dụng được bao nhiêu. Nếu là dân Khoa học xã hội mà học nhiều giờ môn này thì là một nhẽ...

 Quay trở lại quy định tuyển chọn lãnh đạo mà cần đến 7 bằng cấp, chứng chỉ như hiện nay, tôi thấy rằng rất không ổn. Giá như đó là những tấm bằng và chứng chỉ thực chất thì cũng tốt thôi. Song, tôi có cảm nhận trong tổng số từng đó thứ, có những thứ chứng chỉ là hình thức, mang tính đối phó để “làm đẹp hồ sơ” chứ không có tác dụng cho công tác. Đã có biết bao chứng chỉ dỏm họ “chạy” mà có bị tổ chức phát hiện ra và bị kỷ luật chúng ta cũng đều biết.

 Số những lãnh đạo cao cấp dùng thành thạo ngoại ngữ cho công việc hiện cũng không thật phổ biến. Ví như cấp lãnh đạo ở địa phương là cấp Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố cũng không có bao nhiêu dù rất nhiều người trong đó đều có chứng chỉ ngoại ngữ này nọ nhưng không thể ứng dụng khi cần.

 Mới đây, hôm 5/11, tôi được may mắn dự buổi chiêu đãi của Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ với một số lãnh đạo thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF),  Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải bóng đá Quốc tế U21... Trong buổi tiếp đãi này còn có ông Juergen Gede, Giám đốc kỹ thuật VFF cùng phu nhân.

 Thế rồi tôi đã thật sự bất ngờ khi nghe ông Chủ tịch thành phố Đà Nẵng nói chuyện thân tình bằng một thứ tiếng Anh không chỉ tinh tế, sâu sắc mà còn rất uyển chuyển cả về phát  âm với ông bà người Đức nói trên đến hàng chục phút được dịch lại để chúng tôi cùng nghe.

 Để dịch lại cho những vị khách cùng ngồi hiểu ý ông Thơ đang nói gì với ông bà Juergen Gede, mọi người sực nhớ đến sự hiện diện của anh Trần Song Hải, một doanh nhân rất thông thạo tiếng Anh tại bữa tiệc. Ông Huỳnh Đức Thơ nói tiếng Anh với ông Giám đốc kỹ thuật VFF và phu nhân nghe về tình yêu bóng đá của người dân Việt; về thành công bước đầu trong bóng đá thành tích cao và khâu đào tạo trẻ của Việt Nam mấy năm gần đây; về quá trình Đà Nẵng sốt sắng nhận đăng cai giải đấu Quốc tế ra sao…

 Tiêu chí chọn lãnh đạo có nhiều bằng cấp hiện nay chưa thể đảm bảo đã chuẩn nhất, chọn lãnh đạo có bằng cấp nhiều chưa chắc đã đủ. Nên chăng, hãy đánh giá sự thực tài và thực học của họ sẽ tốt hơn, thực chất hơn dù biết rằng, về nguyên tắc công tắc cán bộ, về “quy trình” cũng vẫn cần có những quy định nào đó để chuẩn hoá công tác cán bộ, tránh cảm tính.

 Có như vậy, công tác tuyển chọn người tài mới đúng và trúng, đảm bảo bộ máy Nhà nước được sự cống hiến của những người thực sự có năng lực chuyên môn cũng như đạo đức tốt nhất. (Danviet.vn 12/11, Quốc Phong)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tinh giản hơn 300 đội Quản lý thị trường

Đến thời điểm này, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã giảm được 164 đội QLTT trong tổng số hơn 600 đội QLTT trên địa bàn cả nước. Dự kiến, hết năm 2019 và trong năm 2020, Tổng cục sẽ tiếp tục giảm 140 đội... 

Theo thông tin Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, sau hơn 1 năm thành lập, tổ chức bộ máy của Tổng cục QLTT đã xây dựng xong theo hướng tiếp tục chính quy, tinh nhuệ nhưng đồng thời thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy, tổ chức để đảm bảo việc tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo về cải cách hành chính và giảm bớt bộ máy hành chính.

 Kết quả đạt được khá khả quan khi tính đến thời điểm này, Tổng cục đã giảm được 164 đội QLTT trong tổng số hơn 600 đội QLTT trên địa bàn cả nước. Dự kiến, hết năm 2019 và trong năm 2020, Tổng cục sẽ tiếp tục giảm tiếp 140 đội QLTT. Như vậy, đã giảm số lượng đội QLTT tới hơn 46%.

 Tổng cục cũng đang lập đề án và sẽ tiếp tục thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc không phải tỉnh nào cũng có Cục QLTT và sẽ còn tổng số khoảng gần 50 Cục QLTT cấp vùng và địa phương trong tổng số 63 tỉnh, thành.

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc tiếp tục tinh giản bộ máy này không đi ngược lại với việc yêu cầu phải tiếp tục chính quy hoá và tăng cường hơn nữa năng lực quản lý của lực lượng QLTT, nhất là đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

 Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác kiện toàn bộ máy tại Tổng cục QLTT đã được triển khai rất quyết liệt và kịp thời trong suốt hơn 1 năm qua. Công tác kiện toàn tổ chức lại bộ máy này thực hiện theo quy định của pháp luật của Pháp lệnh QLTT. 

Trên thực tế, hiện nay, toàn bộ bộ máy của Tổng cục cũng như các Cục QLTT và các đội tại các địa phương đã hoàn thiện cơ bản và hoạt động có hiệu quả và cũng đã triển khai được rất nhiều việc tốt, mang lại kết quả tích cực trong thời gian qua. 

Trước băn khoăn của dư luận về tình trạng vẫn chưa sắp xếp xong nhân sự của toàn bộ lực lượng QLTT, khiến nhiều anh em, cán bộ trong các đội tâm tư, chưa quyết tâm và quyết liệt trong quá trình công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ và Tổng cục vẫn đang trong quá trình tiếp tục tinh giản bộ máy và hoàn thiện công tác tổ chức theo hướng cải cách hành chính, việc giảm số lượng các đội QLTT đã có kết quả khá tốt và Bộ vẫn chỉ đạo Tổng cục tích cực thực hiện công tác này.

 Một lần nữa, công tác cán bộ tại Tổng cục QLTT đã được lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định hướng đi xây dựng lực lượng cán bộ thực thi hiện nay, dù chậm nhưng chắc. Thứ trưởng Đặng Hoàng An, trong buổi trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT thứ 2 (cho bà Chu Thị Thu Hương - nguyên Phó Cục trưởng Cục QLTT), đã nhấn mạnh, công tác cán bộ đang được triển khai tại Tổng cục được thực hiện rất chặt chẽ theo quy trình 5 bước.

 “Quan điểm của Lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, công tác cán bộ phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng quy định” không được phép để xảy ra các sơ sẩy trong quy trình bổ nhiệm. “Thà chậm nhưng đúng quy trình, chọn đúng người” là tiêu chí mà Ban Cán sự Đảng đề ra. “Nếu làm nhanh mà làm sơ sẩy không chỉ thiệt hại uy tín cho tổ chức mà còn ảnh hưởng đến cá nhân các đồng chí liên quan”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

 Chính vì vậy, từ cán bộ cấp Đội, cấp phòng, cấp địa phương cho đến cấp quản lý các Cục địa phương, lên đến cấp phòng, cấp Vụ của Tổng cục, lãnh đạo Bộ đã làm rất nghiêm, đảm bảo không để xảy ra tiêu cực, điều tiếng...

 “Tôi đề nghị Tổng cục trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục quán triệt tinh thần của lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự Đảng chọn đúng người, làm đúng quy trình thủ tục. Đó là nguyên tắc căn bản trong công tác cán bộ”, lời ông An. 

Cũng theo Thứ trưởng An, QLTT là 1 trong 4 mảng lớn của Bộ Công Thương, mặc dù đã có những thành công nhất định trong công tác QLTT sau một năm thành lập theo mô hình mới, nhưng so với yêu cầu của xã hội, của chính quyền địa phương và người dân thì “cuộc chiến đấu vẫn còn nhiều cam go”.

 Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, xây dựng Tổng cục thành chính quy, hiện đại theo Pháp lệnh 11 và Quyết định 34 là một con đường dài. “Từ hôm nay đến ngày mai không thể thành chính quy hiện đại được”. Chính vì thế, toàn lực lượng cần tập trung đoàn kết, không phân tán tư tưởng vào các việc ngoài chuyên môn. (Baophapluat.vn 12/11, Nhật Thu) Về đầu trang

90 nghìn lao động nước ngoài ở Việt Nam, toàn sếp lớn và lương cao

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa có báo cáo Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”.

 Theo báo cáo, từ năm 2013 đến năm 2018, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng tỉ lệ lao động giữ các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, giảm tỉ lệ lao động giữ vị trí lao động kỹ thuật và có xu hướng tăng dần qua các năm.

 Năm 2013 có 72.172 lao động nước ngoài thì đến năm 2018 có 88.845 lao động nước ngoài. Đáng chú ý, lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.Qua giám sát thực tế tại các doanh nghiệp, Ủy ban Đối ngoại đánh giá: Tổ chức sử dụng lao động nước ngoài về cơ bản đã tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 Một trong những hạn chế của việc quản lý lao động nước ngoài, Ủy ban Đối ngoại đề cập đến quy định không cho phép chuyển đổi mục đích khi nhập cảnh.

 Theo quy định, người lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp thường được các cơ quan xuất nhập cảnh cấp visa ký hiệu “DN” có thời hạn tới 3 tháng mà chưa có giấy phép lao động. Trong 3 tháng làm việc, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện các hồ sơ để xin giấy phép lao động để được cấp visa ký hiệu “LĐ”.

 Trong khi đó, Khoản 1 Điều 7 của Luật số 47 không cho phép chuyển đổi mục đích khi nhập cảnh. “Điều này dẫn đến số lượng lao động nước ngoài vào làm việc ngắn ngày mà không được cấp giấy phép lao động gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp giấy phép lao động đối với lao động vào làm việc mà chưa được cấp giấy phép lao động”, báo cáo chỉ ra.

 Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ ra các bất cập về quy định đấu thầu khiến cho tình trạng lao động nước ngoài làm việc ở những vị trí lao động trong nước có thể đảm nhận diễn ra phức tạp.

 Cụ thể, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, nêu rằng: Với đấu thầu quốc tế, khi lập hồ sơ mời thầu phải quy định sử dụng lao động trong nước đối với những vị trí công việc mà lao động trong nước đáp ứng được và có khả năng cung cấp, đặc biệt là  lao động phổ thông, chỉ được sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, Nghị định 63 cũng cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 đến 5 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động.

 Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại thấy rằng trong Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư lại “không có nội dung xử phạt đối với nhà thầu sử dụng lao động không đúng theo phương án trong hồ sơ mời thầu”.

 Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ ra tình trạng một số địa phương chưa chủ động, tích cực và quyết liệt trong việc rà soát, phát hiện lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp trên địa bàn, chưa thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết đối với lực lượng lao động này.

 Theo Ủy ban Đối ngoại, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế.

 Cụ thể, một số lao động nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam mới thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép lao động; một số cơ quan, doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc quy định về việc mời, bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam.

 “Người lao động nước ngoài sử dụng visa DN hoặc vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan du lịch nhưng ở lại làm việc tại Việt Nam”, Ủy ban Đối ngoại lưu ý. (Vietnamnet.vn 12/11)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

184 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Số lượng thủ tục kết nối Cơ chế một cửa quốc gia tăng thêm 10 thủ tục so với kết quả thực hiện đến cuối tháng 7/2019 (thời điểm diễn ra Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban 1899).

 Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), cập nhật đến ngày 15/10, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 184 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia (tăng 10 thủ tục so với thời điểm tháng 7/2019) với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 2,56 triệu bộ hồ sơ của 33.200 doanh nghiệp.

 Riêng từ 1/1/2019 đến 15/10/2019, số hồ sơ đã được xử lý gần 770 nghìn bộ hồ sơ của hơn 6.800 doanh nghiệp.

 Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục triển khai trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 6 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei và Campuchia .

 Đến hết ngày 15/10/2019, tổng số C/O gửi từ Việt Nam sang các nước ASEAN là 178.319 C/O; tổng số C/O nhận từ các nước ASEAN về Việt Nam là 105.523 C/O.

 Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (với Indonesisa). Hiện nay các bên liên quan đang phối hợp chuẩn bị thông điệp thử nghiệm và kiểm tra kết nối.

 Mặt khác, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc… (Haiquanonline.com.vn 12/11, Thái Bình) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

10 tháng, Chính phủ đã trả nợ gần 246,5 nghìn tỷ đồng

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 10 tháng đầu năm, Chính phủ đã trả nợ khoảng 246.496 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 202.862 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 43.634 tỷ đồng.

 Riêng trong tháng 10, Chính phủ đã trả nợ khoảng 6.926 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 4.592 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 2.333 tỷ đồng.

 Cũng trong 10 tháng đầu năm nay, có 5 hiệp định vay vốn nước ngoài đã được ký kết. Tính đến 20/10/2019, giải ngân nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 175 triệu USD.

 Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/10/2019, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.654 triệu USD, tương đương khoảng 38.283 tỷ đồng  (trong đó cấp phát khoảng 1.152 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 502 triệu USD), chiếm khoảng 35,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã duyệt. (Baodauthau.vn 12/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Trưởng Phòng Cảnh sát dùng bằng giả: Đề nghị cho ra khỏi ngành

Ngày 12/11, làm việc với báo chí, đại tá Bùi Xuân Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Công an, đề nghị kỷ luật ở mức cao nhất đối với thượng tá Thái Đình Hoài - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Lai Châu do sử dụng văn bằng giả.

 Cụ thể, sau khi nhận được đơn tố giác của công dân về việc thượng tá Thái Đình Hoài sử dụng bằng THPT giả, Ban Giám đốc Công an Lai Châu đã họp và thống nhất cử tổ công tác về quê thượng tá Hoài để xác minh.

 Qua làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tổ công tác của Công an Lai Châu xác định, trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT tổ chức năm 1994 không có thí sinh nào tên Thái Đình Hoài. Trong danh sách cấp phát bằng tốt nghiệp năm đó cũng không có tên Thái Đình Hoài. Do đó, bằng tốt nghiệp bổ túc THPT mà thượng tá Hoài sử dụng để vào công tác trong ngành công an là bằng giả và nội dụng đơn thư tố cáo của công dân là chính xác.

 Đại tá Bùi Xuân Phong cho biết, ngay sau khi có kết quả xác minh, đơn vị đã có văn bản đề nghị Bộ Công an xem xét kỷ luật đối với thượng tá Hoài ở mức cao nhất là buộc ra khỏi ngành. Đồng thời, đơn vị cũng đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục đề nghị Tỉnh ủy Lai Châu xem xét kỷ luật Đảng đối với ông Hoài.

 "Do ông Hoài là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Công an tỉnh, Bí thư Chi bộ Phòng Cảnh sát kinh tế nên đơn vị phải báo cáo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến xử lý đối với vi phạm của đảng viên. Mức đề nghị kỷ luật cũng sẽ ở mức cao nhất", ông Phong nói.

 Trước đó, sau khi nhận đơn tố giác và họp Ban Giám đốc thông qua việc cử tổ công tác đi xác minh, Công an Lai Châu đã đình chỉ công tác đối với thượng tá Hoài, chờ xác minh vụ việc.

 Được biết, thượng tá Thái Đình Hoài sinh năm 1976, quê quán tại xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1996, ông Hoài đi lính nghĩa vụ tại Công an tỉnh Lai Châu (cũ), sau đó được tuyển vào ngành công an, công tác tại Phòng Phòng cháy, Chữa cháy, Công an tỉnh Lai Châu (cũ).

 Tới năm 2004, thời điểm chia tách hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, ông Hoài được điều động lên công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an tỉnh Lai Châu. Trong giai đoạn 2004 - 2009, ông Hoài theo học lớp Đại học Cảnh sát, hệ tại chức.

 Năm 2008, ông Hoài được điều động sang công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Lai Châu. Tại đây, ông Hoài được bổ nhiệm các chức danh: Đội phó, Đội trưởng, được quy hoạch Phó Trưởng phòng; sau đó được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng PC03. Tới năm 2012, ông Hoài được cử đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tại chức.

 Năm 2015, ông Hoài được bổ nhiệm Trưởng phòng PC03. Cho đến trước khi bị phát hiện dùng văn bằng giả, ông Hoài đã được quy hoạch vào Đảng ủy viên Đảng bộ Công an Lai Châu và quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu giai đoạn tới.

 Trả lời các cơ quan báo chí về việc tại sao việc dùng bằng giả của thượng tá Hoài diễn ra trong thời gian dài, rồi bổ nhiệm qua nhiều chức danh nhưng không phát hiện được, đại tá Bùi Xuân Phong cho biết, khi tuyển dụng, bổ nhiệm không quy định phải đối khớp giữa văn bằng với hồ sơ học bạ, mà chỉ yêu cầu văn bằng gốc cùng hồ sơ, sơ yếu lý lịch… nên rất khó phát hiện.

 Cũng theo đại tá Phong, qua vụ việc này, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Lai Châu đã thống nhất sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra đối khớp lại hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc có dư luận về vấn đề sử dụng hồ sơ, bằng cấp. Trong tương lai, sẽ tổ chức rà soát toàn bộ để làm trong sạch lực lượng. Hiện, đơn vị đã tiến hành rà soát tại một số bộ phận, phòng, ban của đơn vị. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định của ngành. 

Ngoài ra, đại tá Phong cũng kiến nghị, cần bổ sung việc đối khớp văn bằng và hồ sơ học bạ đối với công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ của ngành công an nói riêng, từ khâu tuyển dụng ban đầu đến bổ nhiệm các chức danh. (Danviet.vn 12/11, PV Tây Bắc)Về đầu trang

Bình Định: Cán bộ cười khanh khách vào mặt dân bị xử lý thế nào

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng sáng nay ký văn bản xử lý kết quả viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công vi phạm quy định về văn hóa công sở.

 Sau khi xem xét báo cáo của Sở TN&MT về việc kiểm điểm, xử lý ông Đoàn Thanh Tú, viên chức thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai vi phạm quy định về văn hóa công sở, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định giao Giám đốc Sở TN&MT chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai không phân công ông Tú thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn có liên quan đến người dân và DN.

 Ngoài ra, giám sát chặt chẽ quá trình tu dưỡng, rèn luyện của ông Tú, nếu tiếp tục vi phạm các quy định về công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở thì phải xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật. 

Sáng 24/10, người dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định liên hệ làm việc với ông Đoàn Thanh Tú.

 Ông Tú có những hành động không đúng mực như không đeo bảng tên, khi bị nhắc nhở thì bật đứng dậy, cười khanh khách và bảo: “Tôi bụng to, đang mắc buồn đi vệ sinh”, rồi bỏ đi.   (Vietnamnet.vn 12/11, Phúc Nhơn) Về đầu trang

Khởi tố 2 cán bộ Lai Châu tham ô 26,5 tỷ tiền chế độ học sinh nghèo

Ngày 12/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Lai Châu) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) về tội tham ô tài sản.

 Hai đối tượng là: Nguyễn Thị Minh Liễu - Kế toán trưởng và Trần Thị Huệ - Thủ quỹ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ.

 Tính từ năm 2017 đến tháng 5/2019, số tiền các đối tượng này tham ô là trên 26,5 tỷ đồng và đã được sử dụng cho các việc chi tiêu cá nhân.

 Được biết, nguồn tiền các đối tượng này tham ô là tiền chế độ chính sách dành cho học sinh nghèo, tiền chi thường xuyên của đơn vị… Trong số đó, Liễu được xác định là chủ mưu, Huệ là đồng phạm. (VTV.vn 12/11)Về đầu trang

Đình chỉ Thượng úy công an hành hung nhân viên bán hàng ở Thái Nguyên

Công an tỉnh Thái Nguyên đã tạm đình chỉ công tác thời hạn 1 tháng đối với Thượng úy Nguyễn Xô Việt, người bị tố tát nhân viên bán hàng tại trạm dừng nghỉ cao tốc.

 Lãnh đạo Công an Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên xác nhận chiều 11/11, đơn vị này đã đình chỉ công tác 1 tháng và yêu cầu Thượng úy Nguyễn Xô Việt, công tác tại Đội điều tra Tổng hợp Công an Thị xã Phổ Yên viết giải trình.

 Trước đó, mạng xã hội lan truyền một video ghi lại hình ảnh một bé trai lấy xúc xích ở quầy hàng tại trạm dừng nghỉ nhưng chưa trả tiền. Khi nhân viên đề nghị cậu bé trả tiền hoặc để lại gói xúc xích ở chỗ cũ, Thượng úy Nguyễn Xô Việt ở gần đó vẫy tay bảo con trai đi ra.

 Sau khi con trai lấy gói xúc xích bóc ăn mà không trả tiền, Thượng úy Nguyễn Xô Việt lao tới ném liên tiếp 2 chiếc xúc xích vào mặt nhân viên nữ, rồi tát vào mặt nam nhân viên trạm nghỉ Hải Đăng đứng cạnh đó.

 Toàn bộ sự việc được ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra bất bình với hành động côn đồ của Thượng úy Nguyễn Xô Việt .

 Lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra sự việc, nếu có sai phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm Thượng úy công an theo quy định. (VTV.vn 12/11, Đình Hải)Về đầu trang

Đồng Tháp: Khởi tố Phó Giám đốc Sở thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Ngày 12.11, Phòng Tham mưu của Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Đồng Tháp) đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Lý nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

 Trước đó, công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp (huyện Tháp Mười) thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp (thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) được khởi công vào tháng 12.2014, do Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp) làm chủ đầu tư. Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Hữu Lý giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp. 

Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty Ánh Dương (trụ sở tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), với tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng. Theo hợp đồng, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 11.2015. Tuy nhiên, sau gần bốn năm thực hiện, công trình vẫn chưa được hoàn thành.

 Đến cuối năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ thì phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trong đó, Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp - chủ đầu tư, đã tự ý cho nhà thầu tạm ứng số tiền tương ứng phần phát sinh bằng cách nghiệm thu trước các mục chưa thi công. Đổi lại, Công ty Ánh Dương thế chấp cho chủ đầu tư sổ tiết kiệm và hai chứng thư bảo lãnh với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, các giấy tờ bao gồm giấy bảo lãnh tạm ứng, sổ tiết kiệm nêu trên đều là giả.

 Cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Đồng Tháp) đã tiến hành khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015. (Daibieunhandan.vn 12/11, Nguyễn Ngân)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Australia nâng mức phạt đối với hành vi vứt tàn thuốc bừa bãi

Mới đây, chính quyền bang New South Wales (Australia) đã quyết định nâng mức phạt đối với hành vi vứt thuốc lá bừa bãi.

 Bang New South Wales quyết định nâng mức phạt đối với hành vi vứt thuốc lá bừa bãi trong bối cảnh hàng loạt vụ cháy rừng quy mô lớn liên tục diễn ra tại khu vực giữa hai bang New South Wales và Queensland.

 Mức phạt mới này áp dụng cả với các hành vi đốt lửa ngoài trời như sử dụng lò nướng, đốt củi, than trong thời gian này, khi nguy cơ hỏa hoạn tại bang New South Wales đang tăng nhanh lên mức thảm khốc.

 Hành vi vứt tàn thuốc bừa bãi có thể nhận mức phạt 250 AUD (khoảng 171 USD), nếu tàn thuốc còn đang cháy mức phạt sẽ tăng lên 660 AUD (khoảng 452 USD), đặc biệt trong thời gian này mức phạt sẽ được tăng lên gấp đôi ở mức 1.320 AUD (khoảng 905 USD). Trường hợp bị kiện liên quan đến các hành vi vứt tàn thuốc hoặc đốt lửa ngoài trời có thể nhận mức phạt lên đến 5.500 AUD (khoảng 3.769 USD) hoặc 12 tháng tù. Nếu hành vi đó dẫn đến thiệt hại về người, mức phạt sẽ lên đến 132.000 AUD (hơn 90.000 USD) cùng án tù 14 năm.

 Lực lượng cảnh sát bang New South Wales đã được lệnh tăng cường kiểm soát và thực hiện ngay quy định mới này. (VTV.vn 12/11)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More