Một số quy định mới về hoạt động xuất bản

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
(Website Sở TT&TT Quảng Bình) - Ngày 10 tháng 02 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 11/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Xuất bản (Nghị định này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký). 

Theo đó chính sách đối với hoạt động xuất bản; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản các cấp; hoạt động của các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm có một số quy định mới cơ bản, đó là:

Thứ nhất: Theo quy định tại Nghị định mới này, ngoài việc cấp, thu hồi giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép đặt văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam..., Bộ Thông tin và Truyền thông còn cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh quy định tại các Điều 16, 24, 40, 43 Luật Xuất bản; UBND tỉnh cấp thu hồi giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh quy định tại các Điều 22, 31,34, 40, 42 Luật xuất bản.

Thứ hai:Việc đăng ký kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản thực được hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 03 tháng 6 năm 2008.

Thứ ba: Đối với các cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, văn phòng đại diện, nhà xuất bản, tổ chức phát hành xuất bản phẩm của nước ngoài tại Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 1/1/2009 phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép.

Thứ tư: Thời hạn giấy phép hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm là 5 năm kể từ ngày cấp và được gia hạn mỗi lần không quá 5 năm.

Thứ năm: Quy định về các thông tin ghi trên xuất bản phẩm:

Việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm thực hiện theo quy định tại  Điều 26 và không trái với Điều 10 của Luật Xuất bản. Đó là:

 Trên bìa một của sách và tài liệu dưới dạng sách (sau đây gọi chung là sách) không ghi tên tác giả, tên ng­ười dịch, tên ng­ười phiên âm, tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản trong các trường hợp sách in nguyên văn từng văn bản Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn kiện của Đảng; sách in nguyên văn từng văn bản kinh, giáo luật của các tôn giáo đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đối với bìa một của sách có hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ, bản đồ Việt Nam, chân dung lãnh tụ, người đứng đầu Đảng và Nhà nước thì không ghi tên tác giả, tên ng­ười dịch, tên ng­ười phiên âm, tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản trên nền hình ảnh, chân dung đó.

Trang cuối sách ghi tên ngư­ời chịu trách nhiệm xuất bản, tên nguời biên tập nội dung, tên ngư­ời trình bày, minh họa, tên ngư­ời biên tập kỹ thuật, tên ngư­ời sửa bản in; số đăng ký kế hoạch xuất bản, số quyết định xuất bản của Giám đốc nhà xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà n­ước về hoạt động xuất bản, khuôn khổ sách, số lư­ợng in, tên cơ sở in, thời gian nộp lưu chiểu.

Trường hợp vì lý do kỹ thuật in mà không thể ghi các thông tin quy định tại điểm a và điểm b khoản này ở trang cuối sách thì ghi ở trang liền sau trang tên sách."

            Thứ sáu: Quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng thông tin máy tính (mạng internet) 

Việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng internet phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.

Trước khi xuất bản trên mạng internet, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Cục Xuất bản, trong đó ghi rõ thời gian và địa chỉ website đăng tải xuất bản phẩm và phải được Cục Xuất bản xác nhận bằng văn bản trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đăng ký kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản;

Ít nhất mười ngày trước khi trực tiếp xuất bản trên mạng internet, nhà xuất bản phải nộp lưu chiểu 01 bản xuất bản phẩm được ghi trong thiết bị lưu trữ dữ liệu (CD-ROM, DVD, VCD, USB, riêng thư điện tử có dung lượng không  quá 3 MB) cho cơ quan nhận lưu; địa chỉ website đăng tải xuất bản phẩm phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (tên miền ".vn");

Việc phát hành tác phẩm, tài liệu đã được xuất bản và đang lưu hành hợp pháp tại Việt Nam trên mạng internet phải do nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm thực hiện phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; trước khi phát hành xuất bản phẩm trên mạng internet, nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm phải báo cáo bằng văn bản với Cục Xuất bản về tên xuất bản phẩm, tác giả, địa chỉ website và ngày đăng tải.

Trường hợp phát hiện xuất bản phẩm phát hành trên mạng internet vi phạm các quy định của Luật Xuất bản thì Cục Xuất bản có văn bản yêu cầu nhà xuất bản, cơ sở phát hành đình chỉ phát hành xuất bản phẩm đó.

Trường hợp phát hành trên mạng internet xuất bản phẩm của nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản đã giải thể, sáp nhập hoặc chia tách phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, cơ quan, tổ chức được chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự của nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản đã bị giải thể, sáp nhập, chia tách (nếu có).

Thứ bảy: Quy định về cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh

Cục Xuất bản chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh cho các cơ quan, tổ chức trung ương; cơ quan, tổ chức nước ngoài; tổ chức quốc tế. có trụ sở tại thành phố Hà Nội:

Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh  cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân của địa phương; chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức trung ương đóng tại địa phương; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có trụ sở tại địa phương hoặc đang hoạt động tại địa phương; cá nhân nước ngoài đến địa phương hoặc đang sinh sống tại địa phương.

Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

 

Thứ tám: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm:Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư; người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm; nếu tốt nghiệp đại học các ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc diện bị pháp luật cấm kinh doanh.

Trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải có thêm các điều kiện sau: Có ít nhất năm nhân viên thẩm định nội dung sách làm việc theo hợp đồng dài hạn và được đóng bảo hiểm xã hội; có ít nhất bảy cộng tác viên thẩm định nội dung sách làm việc theo hợp đồng lao động vụ việc (điều kiện nhân viên thẩm định và cộng tác viên cũng được quy định cụ thể); có trụ sở làm việc và mặt bằng kinh doanh xuất bản phẩm với diện tích từ một trăm mét vuông trở lên; có vốn chủ sở hữu từ năm tỷ đồng trở lên./.

 

Đình Huân