Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Post date: 21/12/2023

Font size : A- A A+

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số chủ yếu đó là: Dân tộc Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt. Mỗi DTTS có những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội dân gian, các làn điệu dân ca, ẩm thực được lưu giữ từ xa xưa, đây là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa quý báu của quê hương. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cùng với tài nguyên thiên nhiên sẵn có sẽ là tiền đề để các địa phương phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS.

Một nghi thức trong Lễ hội Mừng cơm mới của bà con Bru - Vân Kiều (Ngân Thủy)

Ngày 06/3/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Mừng cơm mới của bà con Bru - Vân Kiều xã Ngân Thủy vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều thường được tổ chức sau thời gian thu hoạch, kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới. Trong lễ hội của đồng bào hiện nay, vẫn còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức để tạ ơn trời đất đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội có giá trị về lịch sử và văn hoá tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hoá cộng đồng của người dân địa phương.

Du khách tham quan trải nghiệm Bản Còi Đá (Ngân Thủy)

Cùng với những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, xã Ngân Thủy hiện là một trong những địa phương vùng cao của tỉnh Quảng Bình có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Bản Còi Đá nằm giữa thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ với nhiều hang động lớn nhỏ và những dòng suối trong xanh. Với cảnh sắc tuyệt đẹp, bản Còi Đá có nhiều ưu thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa vào khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru - Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”. Trong đó điểm nhấn là tìm hiểu, khám phá văn hóa cộng đồng dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy. Đây là sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên kết hợp với tham quan hang động và tìm hiểu văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều trên địa bàn.

Để hướng đến phát triển du lịch lâu dài tại vùng đồng bào DTTS, người dân đã được tuyên truyền vận động, tập huấn để từng bước trở thành những chủ thể làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bản Rum Ho, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ là một bản nhỏ với chỉ hơn 100 hộ dân, hầu hết là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Bản nằm trong vùng đệm của Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, một điểm đến du lịch vô cùng nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình. Để khai thác tiềm năng du lịch của bản Rum Ho, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân vốn chỉ sống phụ thuộc vào rừng, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học đã hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, phối hợp cùng Công ty TNHH Netin Travel tổ chức chuỗi các hoạt động tư vấn và tập huấn để giúp đồng bào nơi đây có đủ kiến thức và kỹ năng làm du lịch một cách bài bản.

Homestay ở Bản Rum Ho (Kim Thủy)

Nhờ tham gia làm du lịch, đồng bào Bru - Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy đã có thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Và điều quan trọng hơn nữa là bản sắc văn hóa của địa phương được bạn bè, du khách trong và ngoài nước biết đến.

Tuy vậy, thực tế hiện nay công tác bảo tồn, phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lệ Thủy gắn với phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa của địa phương. Ðiều kiện về cơ sở vật chất, các cơ chế chính sách, đội ngũ chuyên gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu. Công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.

Để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời nâng cao hiệu quả phát triển du lịch bền vững cũng như đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế, thời gian tới UBND huyện Lệ Thủy cũng như chính quyền xã Ngân Thủy tiếp tục có những định hướng, giải pháp hiệu quả, trong đó chú trọng lấy bản sắc văn hóa, sinh thái làm điểm tựa để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, đào tạo đội ngũ nồng cốt tham gia làm du lịch cộng đồng, đảm bảo cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa và các sản phẩm du lịch cộng đồng…

Lễ hội Mừng cơm mới của bà con Bru - Vân Kiều xã Ngân Thủy được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực của chính quyền các cấp và Nhân dân xã Ngân Thủy nói riêng, huyện Lệ Thủy nói chung trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn; tạo điều kiện để địa phương tiếp tục nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

                                                                                                T.N

More