Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18-11-2020

Post date: 18/11/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                Gần 67% ĐB không đồng ý chuyển chức năng quản lý, sát hạch lái xe sang Bộ Công an  1

2.                Mỗi tỉnh có từ 3000-4000 công an chính quy, có quá nhiều?. 2

3.                Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV: Thẳng thắn và trách nhiệm với cử tri 3

4.                Thời điểm nhìn lại 5

CHỈ THỊ MỚI 6

5.                Bộ GTVT yêu cầu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp Tết 2021. 6

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

6.                Việt Nam, Indonesia dẫn đầu khu vực ASEAN về nền kinh tế số. 7

7.                Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam lạc quan về sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19. 8

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY.. 9

8.                Quảng Ninh: Hiệu quả từ phong trào "Ngày nghỉ cùng nhân dân". 9

QUẢN LÝ.. 9

9.                Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá cao 7 điểm nổi bật của Bộ Y tế. 9

10.             Công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ để dân biết 10

11.             Vì sao Giám đốc Sở KH-ĐT Khánh Hoà bị kỷ luật cảnh cáo vẫn được bầu vào ban chấp hành?. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

12.             Bộ Công an: Tăng cường ứng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. 12

13.             Ứng dụng VssID giúp dân giám sát đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội 12

14.             Đầu năm 2021: Chưa thể cấp giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên toàn quốc. 13

15.             5 tỉnh Tây Nguyên: Nâng cao chất lượng dịch vụ để làm hài lòng người dân. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

16.             Công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ để dân biết 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

17.             Gia Lai khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ vì để mất đất rừng. 15

THẾ GIỚI 16

18.             Mỹ: Phát hiện 1.643 phiếu bầu quên đếm cho Tổng thống Trump ở bang Georgia. 16

 TIN QUỐC HỘI

Gần 67% ĐB không đồng ý chuyển chức năng quản lý, sát hạch lái xe sang Bộ Công an

Sáng 17-11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông đường bộ, do còn có những ý kiến trái chiều về hai dự án luật này (vốn được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ).

 Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, có 110 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội. 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội. 

Nội dung thứ hai được nêu trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 7,88% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án “không chuyển” là 321 phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

 Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV). Có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội. (Sggp.org.vn 17/11, Anh Phương)Về đầu trang

Mỗi tỉnh có từ 3000-4000 công an chính quy, có quá nhiều?

Sáng 17/11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Phiên thảo luận liên tiếp nhận được những tranh luận thẳng thắn xoay quanh việc có cần thiết ban hành luật này không và những lo ngại liên quan đến vấn đề phình bộ máy, biên chế trong lực lượng công an.

 Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), đây là dự án luật rất quan trọng. Ông cũng cho rằng, mặc dù cơ sở có xảy ra một số vụ việc, xung đột lợi ích trong dân, doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng nếu chúng ta làm tốt, làm hết trách nhiệm thì đời sống dân cư sẽ rất yên lành. “Đầu gấu sẽ không có đất nếu không có bảo kê, không có sự dung túng. Cờ bạc, trộm cắp sẽ bị thu hẹp dư địa hoành hành”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho hay. 

Liên quan đến bộ máy, đại biểu cho rằng, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ như đang áp dụng cho “tình trạng khẩn cấp” thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không? “Trước đây chúng ta có lực lượng công an xã mọi việc rất tốt. Vì chuyện tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của công an đã chuyển 25.000 quân chính quy về xã. Bây giờ tôi đọc dự thảo, lực lượng này (an ninh trật tự cơ sở) cứ gọi là phối hợp, nhưng tôi đọc hầu hết là “thực hiện nhiệm vụ”.

 Khi 126 nghìn lực lượng công an bán chuyên trách được “hợp thức hóa”, ông lo ngại công an chính quy sẽ “lười biếng”, dồn hết công việc cho lực lượng bán chuyên làm. Đặc biệt đại biểu tiếp tục lo ngại tình trạng phình bộ máy, “phình cả động mạch, cả tĩnh mạch”. Ông Nhưỡng đề nghị hết sức cân nhắc, bởi nếu ban hành luật mà luật bị “bật trở lại”, không có hiệu quả trong thực tiễn, nghĩa là có lỗi với nhân dân.

 Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, lực lượng công an bán chuyên trách là “cánh tay nối dài” và luật ra đời không làm phát sinh thêm lực lượng mới, không làm thay đổi bản chất, vì đây chỉ là đối tượng tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, bà Xuân cũng đề nghị Bộ Công an sớm tổng kết đánh giá sau 2 năm triển khai công an chính quy về xã, để có thông tin cung cấp cho đại biểu Quốc hội.

 Không đồng tình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc có hay không ban hành luật này. “Chúng ta không được nhầm lẫn. Quốc hội nhầm lẫn thì dân đánh giá tai hại lắm”, ông Nhưỡng cho hay. 

Phát biểu ý kiến, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, khi lực lượng công an chính quy xuống xã, do không phải người địa phương nên không nắm bắt được địa bàn. Trong khi đó công an bán chính quy, sinh ra lớn lên ở địa bàn lại nắm kỹ hơn địa bàn. Tuy nhiên, do phụ cấp hiện rất thấp, nên động viên công an bán chuyên trách tham gia rất khó khăn. Khi công an chính quy xuống, ở Hà Nội đã có 25% lực lượng bán chính quy xin nghỉ. Theo ông Hải, nếu không có luật ra đời, sẽ khó khăn cho lực lượng này.

 Cùng phát biểu, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt câu hỏi: liệu có cần thêm một lực lượng nữa không? Theo ông, khi Luật CAND có hiệu lực, lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng bán chuyên trách đã hết.

 “Xin lỗi Bộ trưởng, bây giờ lực lượng công an quá đông. Bây giờ một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 công an, tỉnh to tới 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?”, Tướng Sùng Thìn Cò nói. Theo đại biểu, cái tài của người chiến sỹ công an là phải xây dựng được mạng lưới cơ sở bí mật để nắm tình hình. “Nắm địch phải nắm từ trong trứng nước”.

 Đại biểu so sánh, Trung Quốc lớn như thế nhưng họ chỉ có lực lượng vũ trang quân đội. Công an chỉ là lực lượng bán vũ trang. Vì thế lực lượng công an vẫn đào tạo chính quy, nhưng chỉ Ban Giám đốc, công an huyện mới được là chuyên trách. Còn lại chỉ là bán chuyên trách, làm việc theo hợp đồng, không làm được cho nghỉ. Và theo nhu cầu của huyện đó, cần bao nhiêu công an thì sử dụng bấy nhiêu. Không phải như chúng ta, chỗ nào cũng cần.

 “Chúng ta phải đánh giá, tổng kết lại, dân chưa chắc đã ủng hộ. Nếu chúng ta xác định lực lượng này là lực lượng rất quan trọng thì sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng đó đủ sức làm nhiệm vụ ở cơ sở mà phải đưa công an chính quy xuống rồi bây giờ lại thành lập lực lượng này. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, đại biểu trước khi bấm nút thay mặt cho cử tri của mình, cho dân, nên phải cân nhắc”, Tướng Sùng Thìn Cò cho hay.

 Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) lo ngại, với cách làm luật như hiện nay, có thể có những đạo luật “bỗng dưng nhảy vào nghị trường”. Ông đề nghị nên lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về một số luật đã xin ý kiến trước đó, nếu Quốc hội không đồng ý thì mặc nhiên luật đó không được bàn nữa. (Tienphong.vn 17/11, Luân Dũng)Về đầu trang

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV: Thẳng thắn và trách nhiệm với cử tri

Ngày 17.11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV kết thúc đợt họp tập trung, hoàn thành nội dung toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành bế mạc. Trao đổi với Lao Động, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ đã diễn ra với tinh thần rất sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn. Qua kỳ họp đã cho thấy bức tranh toàn cảnh đất nước ở nhiều lĩnh vực được cử tri quan tâm.

 Trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, điểm sáng nhất của kỳ họp Quốc hội này là số lượng ngày họp giảm đi nhưng nhiệm vụ tăng lên, đây là kỳ họp áp chót của Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp này có vị trí, vai trò quan trọng. Có thể nói có 2 nét nổi bật là thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách và các vốn đầu tư công trong 3 ngày. Sau đó lại có tiếp tục 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 “Gần 6 ngày liên tục thảo luận, chất vấn, tranh luận như vậy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ở kỳ họp này, việc thảo luận của các ĐBQH cũng đã đi vào những việc rất trọng tâm. Điều hay nhất là sự tranh luận, trao đổi và giải trình của các thành viên Chính phủ và các bộ trưởng. Chúng ta thảo luận nhưng có tính chất đi đến cùng, đánh giá đến cùng, rút ra được những nhận xét đến cùng. Thông qua thảo luận như vậy chúng ta thấy được toàn thể bức tranh đất nước, thấy được tác động của đại dịch COVID-19, thấy được tình hình lũ lụt miền Trung - những khó khăn của đồng bào, những khó khăn của ngân sách để cùng chia sẻ” - ông Lợi nói. 

Cũng theo ông Lợi, trong phần thảo luận về kinh tế-xã hội, phần chất vấn và trả lời chất vấn, các Bộ trưởng đã rất thẳng thắn, tranh luận đầy tính thuyết phục và cách thức như vậy khiến phiên họp đem lại được chất lượng. Trong kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tất cả các ý kiến của ĐBQH đều rất ngắn gọn, trọng tâm, cụ thể và các bộ trưởng cũng trả lời rất thẳng thắn, xử lý được kiến nghị của cử tri.

 “Thông qua phiên giải trình đó, không chỉ ĐBQH mà nhân dân nghe cũng thấy được bức tranh tổng thể của quá trình điều hành, vận hành của các bộ trưởng. Thấy được các hoạt động sôi động của Nghị trường. Không chỉ ĐBQH tranh luận với bộ trưởng và đại biểu cũng tranh luận với đại biểu và các bộ trưởng cũng trao đổi qua lại lẫn nhau để làm rõ vấn đề”- ông Lợi cho hay.

 Theo ông Lợi, bài tổng kết của Thủ tướng là bài tổng kết có tính chất tâm huyết, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, vượt qua khó khăn của bão lụt miền Trung để cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuẩn bị cho bước phát triển của giai đoạn tiếp theo - giai đoạn thực hiện tiếp tục Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng.

 Lần này Chính phủ rất quyết tâm, mặc dù khó khăn, nhưng cũng xử lý được một số vấn đề có liên quan đến an sinh xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân. Tuy nhiên cũng có những vấn đề chưa trả lời được với Quốc hội nhưng Chính phủ cũng đặt ra sẽ nghiên cứu như chưa điều chỉnh lương cơ sở năm 2021 nhưng cũng xem xét, nghiên cứu điều chỉnh cho người có công, điều chỉnh cho người về hưu trước năm 1993. “Cái này Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu và đề xuất Quốc hội vì đây là những đối tượng khó khăn phải lo trước, đi trước, đón đầu để khi thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2022 thì sẽ điều chỉnh lại tổng thể, khi đó sẽ thuận lợi hơn” - ông Lợi cho hay. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng: Có thể nói đây không phải là kỳ họp dài, thậm chí là một trong những kỳ họp tương đối ngắn gọn của khóa XIV. Tuy rằng thời gian ngắn nhưng nội dung của kỳ họp rất cô đọng, chất lượng, thực sự là kỳ họp sôi động cho đến ngày cuối cùng. Có thể nói đây là kỳ họp được tổ chức khá thành công. (Laodong.vn 17/11, Vương Hà Chung)Về đầu trang

Thời điểm nhìn lại

Quốc hội Khóa XIV sắp kết thúc Kỳ họp thứ Mười, khép lại một nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, linh hoạt, không ngừng cải tiến và đổi mới nhằm phát huy tối đa dân chủ, vừa mang yếu tố dân tộc và thời đại, giữ vững bản sắc Việt Nam, khẳng định vị thế quốc gia dân tộc trên trường quốc tế. Nhìn lại suốt nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị chúng ta đã vượt lên chính mình, vươn lên có nhiều kết quả ấn tượng.

 Kỳ họp này cũng là thời điểm để Quốc hội nhìn lại chặng đường của nhiệm kỳ Khóa XIV và cùng Chính phủ đưa ra lộ trình mới với tầm nhìn xa hơn, đưa đất nước chúng ta sánh ngang với các cường quốc. Cử tri cả nước quan tâm đến tất cả thành tựu đạt được trên các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như những mặt còn hạn chế, qua đó kiến nghị đến Chính phủ, Quốc hội một số vấn đề.

 Trước hết, nhiệm kỳ tới, Chính phủ và Quốc hội cần có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác là quan tâm đến khâu tái chế, tái sử dụng, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng một lần rồi bỏ các nguyên liệu gây lãng phí, làm ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, góp phần biến đổi khí hậu theo hướng cực đoan. Như việc thu gom rác thải hiện nay cần có đầu tư thỏa đáng; cần có chính sách mạnh trong bảo vệ tài nguyên nước, cả nước ngầm, nước sông, nước mưa… Tất cả những điều này đều liên quan trực tiếp đến đời sống muôn mặt, từ sản xuất đến tiêu dùng của người dân.

 Quốc hội cũng cần dành thời gian phân tích, đánh giá, kiểm tra một cách thỏa đáng những khâu làm kìm hãm chính sách, quy trình ban hành luật, triển khai luật vào đời sống. Luật rộng khắp trên các lĩnh vực nhưng việc tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu chưa thuận tiện, chưa có độ ổn định, chưa dễ áp dụng và còn chồng chéo nhiều, nhất là tính răn đe chưa cao. Tính dự báo, tính ngăn chặn, phòng ngừa một số hành vi có hại cho cộng đồng người dân phát sinh trong thời đại phát triển công nghệ cũng chưa kịp thời, còn thiếu nhiều, độ trễ lớn.

 Việc hoàn thiện cơ chế quản lý và điều chỉnh hệ thống quy phạm pháp luật theo vị trí việc làm cần được tính toán thực hiện đồng bộ, nhất là làm cho nhận thức, tư duy của cán bộ, công chức thay đổi để mỗi người hiểu rõ, làm đúng, có kết quả tốt theo đúng vị trí của mình, tránh tình trạng "việc người thì sáng, việc mình thì quáng". Mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần nguyên tắc và kỹ năng thực hiện cái gì có lợi cho dân thì làm... Như vậy, Chính phủ và Quốc hội cũng phải tính tới quyền lợi gắn liền với trách nhiệm của cán bộ, công chức các cấp; tránh cục bộ, địa phương, tranh thủ xin - cho; tránh có tiền thì có quyền, có quyền mới có lợi... Quyết định các quyết sách lớn liên quan đến con người cần tính tới tác động trước mắt và lâu dài. Ví dụ, việc giảm biên chế ngành giáo dục, ngành tư pháp 10% trong lộ trình chung làm cho các ngành này gặp rất nhiều khó khăn trong thực thi sứ mệnh, vai trò của mình.

 Nhiều kết quả không thể nhìn thấy ngay mà cần có thời gian. Việc chúng ta làm hôm nay không chỉ hôm nay biết mà còn để lại kết quả, hậu quả hay di sản cho con cháu mai sau, cho lịch sử vinh danh hay phê bình. Việc kiểm soát quyền lực, xóa bỏ lợi ích nhóm, tạo sự công bằng trong xã hội, ưu tiên phát triển kinh tế cần phải song song với đầu tư thỏa đáng, phát triển văn hóa, giáo dục. Việc phát huy vai trò giám sát của người dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cần được minh định rõ ràng thông qua hệ thống pháp luật, nhất là khâu dân kiểm tra và làm rõ vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc. (Daibieunhandan.vn 17/11)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Bộ GTVT yêu cầu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp Tết 2021

Bộ GTVT vừa có quyết định ban hành kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.

 Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác phục vụ vận tải đường bộ; hướng dẫn, đôn đốc sở GTVT các địa phương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe công khai, minh bạch về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.

 Đồng thời, có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19; kiểm tra chặt điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định.

 Đặc biệt, trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.

 Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải thường xuyên phối hợp các sở GTVT quản lý hoạt động của phương tiện thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, hiện tượng xe dù bến cóc, xe quá tải để xử lý vi phạm theo quy định. Chỉ đạo các cục QLĐB kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông, đặc biệt là các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tăng cường lực lượng tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý tại các trạm thu phí, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, bến xe, bến tàu, nhà ga.

 Bộ GTVT cũng yêu cầu kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ. Trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm thu phí đường bộ phải mở barie để giải tỏa phương tiện.

 Với Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay; Chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm; Điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. (VTV.vn 17/11, Minh Đức)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam, Indonesia dẫn đầu khu vực ASEAN về nền kinh tế số

Các nền kinh tế thành viên ASEAN cần hợp tác với nhau và coi nền kinh tế kỹ thuật số là trung tâm của chiến lược phục hồi kinh tế khu vực sau COVID-19.

 Theo bài viết đăng tải trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của tác giả Jeff Paine – Giám đốc điều hành Liên minh Internet châu Á số ra ngày 15/11, khi tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2021, Brunei sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ lớn lao: Kết nối các thành viên trong khối xử lý những thách thức lớn nhất về kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19. Làm thế nào để phục hồi nền kinh tế khu vực sau COVID-19 phải là nghị sự ưu tiên hàng đầu của khối ASEAN.

 Tuy nhiên, điều may mắn ở đây là ASEAN có đủ khả năng để tận dụng tiềm năng nền kinh tế kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các nỗ lực phục hồi. Năm 2019, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đạt 100 tỷ USD, tăng gấp ba lần về quy mô so với 4 năm trước đó. Đến năm 2025, nền kinh tế Internet của khu vực dự kiến sẽ tăng lên 300 tỷ USD.

 Trong khi các nền kinh tế số của Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines đang tăng trưởng từ 20% đến 30% mỗi năm thì Việt Nam, Indonesia lại là những thị trường dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng vượt quá 40%/năm.

 Theo tác giả Jeff Paine, các nước thành viên ASEAN cần phối hợp cùng nhau để triển khai các chính sách thông minh nhằm kích thích nền kinh tế số qua việc thúc đẩy những đổi mới, khuyến khích sự gia nhập và tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời trao quyền cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển và đầu tư.

 Các luồng dữ liệu miễn phí xuyên biên giới được cho là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo Viện Toàn cầu McKinsey, trong hơn một thập kỷ, các dòng chảy toàn cầu thuộc tất cả các lĩnh vực đã làm tăng GDP thế giới lên 10%. Giá trị này đã lên tới khoảng 7.800 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.

 Tuy nhiên, những hạn chế mà một số chính phủ trong ASEAN đặt ra đối với dòng dữ liệu, điển hình là nội địa hóa dữ liệu, có khả năng cản trở triển vọng tăng trưởng kinh tế chung, ngăn cản đầu tư nước ngoài và hạn chế cơ hội phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

 Vậy giải pháp ở đây là các chính phủ ASEAN cần các hiệp định thương mại kỹ thuật số để làm khuôn khổ nhằm giải quyết các vấn đề chính sách một cách chặt chẽ và nhất quán. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hiện dẫn đầu các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết các vấn đề thuế quốc tế phát sinh từ sự tăng trưởng của nền kinh tế số.

 Tuy nhiên, do những tổn thất nặng nề mà COVID-19 gây ra cho các nền kinh tế, một số chính phủ, bao gồm ở Indonesia, nhanh chóng đưa ra các chính sách thuế kỹ thuật số đơn phương, như một cách để đền bù vào nguồn thu của nhà nước. Các biện pháp đơn phương như này được cho là gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích vì nó sẽ tạo ra các rào càn hành chính và các công ty bị đánh thuế hai lần.

 Chính việc áp dụng các quy tắc riêng lẻ của mỗi quốc gia cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và có khả năng khiến quá trình mở rộng thị trường trì hoãn. Vì vậy, Brunei – với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm tới – cần các nền kinh tế thành viên hợp tác cùng nhau và coi nền kinh tế kỹ thuật số là trung tâm của chiến lược phục hồi kinh tế khu vực. (TTXVN/Baotintuc.vn 17/11)Về đầu trang

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam lạc quan về sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thể hiện sự lạc quan về bối cảnh sau COVID-19 với 65% tin rằng họ sẽ phát triển mạnh sau đại dịch.

 Theo nghiên cứu "Survival to Revival" (tạm dịch: "Từ sinh tồn đến hồi sinh") vào tháng 7/2020 của HP về các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) ở Châu Á - Thái Bình Dương, SMB ở Việt Nam thể hiện sự tự tin về khả năng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Được thực hiện trên 1.600 doanh nghiệp SMB tại Việt Nam và 7 quốc gia châu Á khác, khảo sát cho thấy cách thức các doanh nghiệp SMB không chỉ tồn tại mà còn phát triển sau đại dịch.

 Nghiên cứu này khẳng định vai trò của chuyển đổi kỹ thuật số trong quá trình hồi sinh hậu COVID-19, đồng thời cung cấp một loạt giải pháp công nghệ từ HP để hỗ trợ SMB ở Việt Nam, không chỉ phát triển sản phẩm và dịch vụ mà còn giúp thúc đẩy hoạt động và tiết kiệm chi phí.

 Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng cách chờ đợi và theo dõi tình hình, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia phản ứng nhanh với dịch và ngăn chặn bùng phát dịch thành công hai lần – làn sóng đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4, và đợt thứ hai vào tháng 7.

 Theo các chuyên gia nhận định, việc áp dụng linh hoạt và sáng tạo chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và kiểm soát COVID-19 đóng vai trò quyết định trong thành công của cuộc chiến chống lại đại dịch tại Việt Nam. Nhờ việc ngăn chặn ban đầu, sự hỗ trợ của chính quyền và tinh thần hợp tác của người dân đối với công cuộc chống dịch, Việt Nam đã khôi phục lại hầu hết các hoạt động kinh doanh để phục hồi kinh tế.

 Sự bùng phát của COVID-19 tuy đã làm suy yếu hoạt động kinh tế ở Việt Nam nhưng không thể thay đổi những biến chuyển kinh tế xã hội đang diễn ra. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thể hiện sự lạc quan về bối cảnh sau COVID-19, với 72% được khảo sát tin rằng họ sẽ tồn tại, và 65% tin rằng họ sẽ phát triển mạnh sau đại dịch – theo nghiên cứu mới nhất của HP Inc. về SMB ở Châu Á - Thái Bình Dương. Con số này tương đối cao so với mức trung bình lần lượt là 60% và 53% tại các quốc gia khác tham gia cuộc khảo sát.

 Bên cạnh đó, SMB tại Việt Nam cũng thể hiện sự tích cực trong dự báo tăng trưởng cho năm tới - với 41% kỳ vọng tăng trưởng, tương đối cao so với mức trung bình 16% của cuộc khảo sát. Trong bối cảnh thế giới hậu COVID-19, SMB Việt Nam từng bước hình dung lại các mô hình kinh doanh nhằm đảm bảo các chiến lược và công cụ phù hợp cho việc trở lại mạnh mẽ và linh hoạt hơn, với 47% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho rằng việc áp dụng kỹ thuật số là chìa khóa để đưa doanh nghiệp phát triển sau đại dịch.

 Theo số liệu của cuộc khảo sát này, vẫn có 34% doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát cho rằng COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, ưu tiên trước mắt chỉ đơn giản là sống sót qua cuộc khủng hoảng và điều đó có nghĩa là theo dõi chặt chẽ dòng tiền để xây dựng và tăng trưởng trở lại. (VTV.vn 17/11)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Quảng Ninh: Hiệu quả từ phong trào "Ngày nghỉ cùng nhân dân"

Với mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2020, huyện Hải Hà đã có nhiều giải pháp trong việc hoàn thành và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt, với tiêu chí về môi trường nông thôn, huyện đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, trong đó có phong trào “Ngày nghỉ cùng nhân dân”.

 Theo đó, thứ 7, ngày 14/11, hưởng ứng phong trào “Ngày nghỉ cùng nhân dân” do huyện phát động, nhân dân các thôn, bản của xã Quảng Sơn đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh và làm sạch mương máng nội đồng, vệ sinh làm sạch môi trường sống, sản xuất. Chỉ trong một ngày ra quân, hàng chục km đường thôn, bản được phát cỏ, quét dọn và nhiều tuyến mương được khơi thông; nhiều cây xanh đã được trồng hai bên đường. Việc ra quân dọn vệ sinh môi trường của người dân các thôn, bản có sự đồng hành của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong xã và các phòng ban, đơn vị trên địa bàn huyện.

 Ông Đồng Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết: Phong trào “Ngày nghỉ cùng nhân dân” đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. MTTQ và các đoàn thể xã đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ ngày công lao động giúp người dân di dời chuồng trại chăn nuôi, trực tiếp đến từng hộ gia đình phân tích cho bà con thấy được tầm quan trọng của vệ sinh môi trường với sức khỏe và đời sống, đồng thời hỗ trợ kinh phí xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho nhân dân.

 Đến hết tháng 10, toàn xã đã vận động được 795/961 hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại; thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, hạn chế tối đa việc phát sinh mùi hôi và ruồi, thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh trong chăn nuôi theo quy định của ngành chăn nuôi, thú y; trên địa bàn xã tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu đạt chuẩn theo quy định đạt 92,2%. (Baoquangninh.com.vn 17/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá cao 7 điểm nổi bật của Bộ Y tế

Sáng 17/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Y tế nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Y tế.

 Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao và nêu 7 điểm nổi bật của ngành Y tế đã thực hiện được trong thời gian qua. Thứ nhất, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ công chức toàn ngành, Bộ Y tế đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

 Thành công của Việt Nam trong việc khống chế, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thành công này, có sự đóng góp rất lớn của ngành y tế, của đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành y tế trên tuyến đầu chống dịch.

 Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế được Bộ Y tế quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua 2 Luật, không có văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh bị nợ đọng.

 Thứ ba, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh khác: Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được quan tâm và củng cố với trên 70% trạm y tế xã có bác sĩ; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương vùng bị thiên tai, lũ lụt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

 Thứ tư, quản lý môi trường y tế đạt kết quả tích cực, tỷ lệ xử lý chất thải y tế tại bệnh viện được xử lý đạt 95%, tăng 9% so với 2015; tỉ lệ nước thải y tế tại bệnh viện được xử lý đạt hơn 90%, tăng 14% so với 2015...

 Thứ năm, Bộ Y tế ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học trong khám, chữa bệnh và quản lý y tế. Cụ thể, đã triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

 Thứ sáu, đã bao phủ được mạng lưới bảo hiểm y tế toàn dân (tăng từ 75% năm 2015 lên 90,7% năm 2020).

 Thứ bảy, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được đổi mới, vừa thông thoáng hơn, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, phù hợp thông lệ quốc tế; đề cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch; công tác thanh tra, kiểm tra “hậu kiểm” được đẩy mạnh. (Baochinhphu.vn 17/11, Gia Huy)Về đầu trang

Công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ để dân biết

Theo chuyên gia về thuế, công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ là điều cần thiết và quan trọng, thể hiện sự công bằng, minh bạch trong công tác xử lý nợ thuế.

 Theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 2/11, đã có 49/63 cục thuế ban hành quyết định khoanh nợ với số tiền thuế nợ được khoanh là 9.907 tỷ đồng, bằng 62% nhiệm vụ Tổng cục Thuế giao. Trong đó, Cục Thuế Hà Nội đã khoanh được 3.301 tỷ đồng, Cục Thuế TPHCM khoanh 2.167 tỷ đồng nợ thuế; Cục Thuế Hải Phòng khoanh nợ 537 tỷ đồng...

 Hiện ngành Thuế xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Thông tư 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội về xử lý nợ thuế đã được ban hành với quy trình, thủ tục xử lý nợ rõ ràng, đầy đủ. Thông tư này quy định về việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (được hiểu là không xóa nợ gốc).

 Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc xử lý nợ phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đáp ứng các điều kiện quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản... 

Đặc biệt, trong quy trình xử lý nợ thuế, chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, quyết định khoanh/xóa nợ phải được nhập vào ứng dụng quản lý thuế để theo dõi và gửi bản sao cho các bộ phận có liên quan hạch toán và điều chỉnh lại số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp trên ứng dụng (nếu có). Đây cũng là thời gian tối đa để hoàn thành đăng tải các quyết định khoanh nợ, xóa nợ trong thời gian 30 ngày trên trang thông tin điện tử của cục thuế, hoặc cục hải quan; hay cấp cao hơn là cổng thông tin của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

 Đáng chú ý, để hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 94 và Thông tư số 69 đã quy định rõ về nguyên tắc xóa nợ, thẩm quyền xóa nợ thuế, điều kiện xử lý nợ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ. Trong đó, nguyên tắc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch việc xử lý nợ, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân. Đồng thời, việc xử lý nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế. (VOV.vn 17/11, Diệp Diệp)Về đầu trang

Vì sao Giám đốc Sở KH-ĐT Khánh Hoà bị kỷ luật cảnh cáo vẫn được bầu vào ban chấp hành?

Ông Trần Hoà Nam (Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Khánh Hoà) vừa được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2020 - 2025 dù trước đó đã bị kỷ luật cảnh cáo.

 Trong cuộc họp giao ban báo chí tháng 11 vừa qua, ông Hồ Văn Mừng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà, cho biết: Việc ông Trần Hoà Nam (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Khánh Hoà) vừa bị Tỉnh uỷ Khánh Hoà kỷ luật cảnh cáo vào tháng 8/2020, nhưng đến tháng 10/2020 vẫn được giới thiệu để bầu tái cử vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2020 - 2025 không có gì sai và tỉnh này làm đúng quy định của Trung ương. 

Ông Hồ Văn Mừng cho hay: Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, những đảng viên đang trong thời hạn thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo thì có thể được xem xét, giới thiệu tái cử nhưng không được giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn.

 Vì thế, việc ông Trần Hoà Nam được giới thiệu bầu tái cử vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đúng quy định của Trung ương Đảng. Theo ông Mừng, cả khi lấy phiếu giới thiệu và khi được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2020 - 2025 thì ông Nam đều đạt số phiếu cao.

 Trước đó, vào tháng 8/2020, ông Trần Hòa Nam (Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư) đã bị Tỉnh uỷ Khánh Hoà ra quyết định kỷ luật cảnh cáo. Theo thông báo của Tỉnh uỷ Khánh Hoà, với cương vị là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (từ tháng 4/2010 đến tháng 4/2012) và với cương vị là Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (từ tháng 6/2015 đến thời điểm kiểm tra năm 2019), ông Trần Hòa Nam đã vi phạm Luật Đầu tư 2005 và Quy định về những điều đảng viên không được làm.

 Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Hòa Nam là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông. Xét nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân vi phạm; căn cứ Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Tỉnh ủy Khánh Hoà quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Hòa Nam bằng hình thức cảnh cáo. (Tienphong.vn 17/11, Lữ Hồ)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Công an: Tăng cường ứng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Ngày 17/11, Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu Đảng viên 3.0 cho các đảng bộ cấp trên trực thuộc Đảng bộ Công an Trung ương.

 Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Hiệp, Phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị cho biết, hiện nay, phát triển khoa học công nghệ là xu thể của thời đại, công nghệ thông tin mang lại cho con người những tiện ích, thiết thực, hiệu quả cao trong công việc, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao.

 Để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trong Công an nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai, sử dụng phần mềm cơ sở dữu liệu 3.0 trong Đảng bộ Công an Trung ương và kế hoạch về tổ chức tập huấn hướng dẫn các cấp ủy cài đặt, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu đảng viên để phục vụ công tác tham mưu, điều hành, tác nghiệp nghiệp vụ công tác Đảng đạt hiệu quả cao.

 Theo đó, sau khi cập nhật dữ liệu đảng viên vào phần mềm, các đảng ủy có thể khai thác, sử dụng các chức năng phần mềm phục vụ nghiệp vụ công tác đảng viên như: Báo cáo thống kê số liệu đảng viên tháng, quý, năm, trích xuất ra các biểu mẫu theo quy định của Ban tổ chức Trung ương; chức năng làm thẻ đảng, huy hiệu đảng; chức năng chuyển sinh hoạt đảng; chức năng tra cứu thông tin đảng viên…

 Với thời gian 4 ngày tập huấn, các báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Phòng Công nghệ thông tin, Văn Phòng Ban Tổ chức Trung ương; chuyên viên các cục nghiệp vụ Bộ Công an sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, truyền đạt những nội dung cơ bản việc cài đặt, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu đảng viên phiên bản 3.0. (Cand.com.vn 17/11, L.C)Về đầu trang

Ứng dụng VssID giúp dân giám sát đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

Chiều 16/11, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tổ chức lễ công bố ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động, theo hình thức trực tuyến trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo.

 VssID - Bảo hiểm xã hội số là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số phục vụ người dân của ngành Bảo hiểm xã hội. Ứng dụng VssID hiện cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: Theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; tra cứu các thông tin: mã số Bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và các điểm thu, đại lý thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7...

 Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương Bảo hiểm xã hội Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động của Ngành nhằm mang lại lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

 Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả trong ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã bảo hiểm xã hội, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

 Việc cung cấp chính thức ứng dụng VssID, Ngành Bảo hiểm xã hội đã thể hiện tinh thần tiên phong của mình trong nỗ lực tạo thuận lợi cho người dân. Thủ tướng tin rằng đây là động lực rất lớn cho các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số ở nước ta.

 "Thông qua ứng dụng VssID, chúng ta khẳng định có lợi cho người dân, phục vụ nhân dân thuận lợi. Qua ứng dụng này, người lao động trên toàn quốc có thể trực tiếp theo dõi cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình, truy cập thông tin cập nhật về chính sách pháp luật và nhiều dịch vụ khác. Đặc biệt, người lao động giám sát việc đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp của chủ sử dụng lao động, đảm bảo công khai, minh bạch" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. (Anninhthudo.vn 17/11, An Nhiên) Về đầu trang

Đầu năm 2021: Chưa thể cấp giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên toàn quốc

áng 17-11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Y tế.

 Thông tin đáng lưu ý, về nhiệm vụ xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu kết quả khám sức khỏe của người lái xe với Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, một số hạng mục chính đã được thực hiện.

 Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Đề án triển khai thí điểm xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe với Bộ Giao thông Vận tải theo lộ trình thực hiện dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Việc tổ chức tập huấn và triển khai liên thông dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe tại các cơ sở thí điểm của thành phố Hà Nội (3 cơ sở) và tại tỉnh Hà Nam (8 cơ sở) đã triển khai. Tính đến ngày 31-10-2020, tổng số cấp giấy khám sức khỏe lái xe và liên thông lên cơ sở dữ liệu quốc gia là 7.342 phiếu.

 Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe chưa rõ, chưa kể kinh phí triển khai chưa được Bộ Tài chính cấp dù Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính 2 công văn đề nghị bố trí kinh phí. Do vậy, theo Bộ Y tế, thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 triển khai trên toàn quốc vào đầu năm 2021 là không thực hiện được như yêu cầu. (Hanoimoi.com.vn 17/11, Hải Phong)Về đầu trang

5 tỉnh Tây Nguyên: Nâng cao chất lượng dịch vụ để làm hài lòng người dân

Ngày 16/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông về nội dung cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng Chính phủ điện tử.

 Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, thời đại số hoá, 4.0, mọi hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; các thao tác điều hành, quản lý cấp nhà nước, các ngành phải đảm bảo tiến độ thời gian. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ để làm hài lòng người dân; giảm việc tay chân, đi lại với cán bộ quản lý nhà nước; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các địa phương triển khai nhanh các nội dung CCHC và xây dựng Chính phủ điện tử; thống nhất 5 tỉnh đến ngày 30/11/2020 phải hoàn thành thực hiện chữ ký số cá nhân của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện kết nối trục liên thông quốc gia và đến ngày 30/11/2020 phải có báo cáo.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh các tỉnh phải rà soát lại danh mục dịch vụ công đã thực hiện và báo cáo trước ngày 31/12/2020, triển khai đạt được 30% dịch vụ công trực tuyến trên tổng số dịch vụ công đang thực hiện. Bên cạnh đó, các tỉnh cần tiếp cận nội dung công việc theo hướng CCHC là chủ đạo, công nghệ thông tin chỉ là công cụ thực hiện; số lượng dịch vụ công triển khai không quan trọng bằng chất lượng thực hiện. (Baophapluat.vn 17/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ để dân biết

Theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 2/11, đã có 49/63 cục thuế ban hành quyết định khoanh nợ với số tiền thuế nợ được khoanh là 9.907 tỷ đồng, bằng 62% nhiệm vụ Tổng cục Thuế giao.

 Trong đó, Cục Thuế Hà Nội đã khoanh được 3.301 tỷ đồng, Cục Thuế TPHCM khoanh 2.167 tỷ đồng nợ thuế; Cục Thuế Hải Phòng khoanh nợ 537 tỷ đồng...

 Hiện ngành Thuế xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Thông tư 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội về xử lý nợ thuế đã được ban hành với quy trình, thủ tục xử lý nợ rõ ràng, đầy đủ. Thông tư này quy định về việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (được hiểu là không xóa nợ gốc).

 Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc xử lý nợ phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đáp ứng các điều kiện quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản...

 Đặc biệt, trong quy trình xử lý nợ thuế, chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, quyết định khoanh/xóa nợ phải được nhập vào ứng dụng quản lý thuế để theo dõi và gửi bản sao cho các bộ phận có liên quan hạch toán và điều chỉnh lại số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp trên ứng dụng (nếu có). Đây cũng là thời gian tối đa để hoàn thành đăng tải các quyết định khoanh nợ, xóa nợ trong thời gian 30 ngày trên trang thông tin điện tử của cục thuế, hoặc cục hải quan; hay cấp cao hơn là cổng thông tin của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

 PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, việc công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ là điều cần thiết và quan trọng, thể hiện sự công bằng, minh bạch trong công tác xử lý nợ thuế. Trước đây, khi vấn đề khoanh nợ, xóa nợ thuế được đặt ra đã có không ít ý kiến lo ngại về việc sẽ xuất hiện trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để lẩn tránh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thậm chí còn có người lo sợ rằng sẽ có sự "móc ngoặc" giữa cơ quan Thuế với doanh nghiệp để trục lợi chính sách. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về việc công khai thông tin liên quan đến đối tượng được xử lý nợ thuế. Cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân có thể dễ dàng theo dõi, giám sát cũng như phần nào thẩm định được tính công bằng của mỗi quyết định.

 "Khi quyết định xóa tiền phạt chậm nộp của Công ty A vừa được ban hành và công khai tới người dân thì những thông tin liên quan đến địa chỉ, mã số thuế, số tiền được xóa cũng rõ ràng. Nếu như doanh nghiệp đó vẫn đang "sống khỏe" thì không khó để người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn đó phát hiện ra và báo cáo với cơ quan Thuế hay chính quyền địa phương cũng như phản ánh tới các cơ quan báo chí", ông Thịnh nêu ý kiến. (VOV.vn 17/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Gia Lai khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ vì để mất đất rừng

Theo thông tin từ Thành ủy Pleiku, tỉnh Gia Lai, Đảng bộ thành phố Pleiku đã ra các quyết định khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ sai phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.

 Sáu cán bộ bị khai trừ Đảng gồm: Ông Nguyễn Đức, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, bị xử phạt 54 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."

 Ông Ngô Văn Bằng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Đa, bị xử phạt 15 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

 Ông Ngô Xuân Hiền, đảng viên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku bị xử phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

 Ông Lê Huy Phong, Chi ủy viên Chi bộ Ban Quản lý Trung tâm thương mại, thành phố Pleiku, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng, bị xử phạt 6 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

 Ông Tưởng Tín, đảng viên Chi bộ 6, Đảng bộ phường Tây Sơn, nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ bị xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng." 

Ông Mã Phi Bình, đảng viên Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Diên Phú bị xử phạt 18 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

 Theo Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân, việc khai trừ Đảng được tiến hành sau khi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng có bản án phúc thẩm đối với 12 bị can, trong đó có 6 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Pleiku.

 Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định: “Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng” để áp dụng hình thức kỷ luật đối với các đảng viên có sai phạm. (TTXVN/VietnamPlus.vn 17/11, Hồng Điệp)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Mỹ: Phát hiện 1.643 phiếu bầu quên đếm cho Tổng thống Trump ở bang Georgia

Báo The Atlanta Journal-Constitution hôm 17.11 dẫn lời giới chức quản lý công tác bầu cử của bang Georgia xác nhận đã tìm được số phiếu chưa được kiểm, trong đó 1.643 phiếu cho Tổng thống Trump và 865 phiếu thuộc về ông Joe Biden.

 Gabriel Sterling, quan chức quản lý hệ thống bầu cử của tiểu bang, giải thích sự cố “khiến phiếu biến mất” là do những người chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử tại Hạt Floyd đã quên tải dữ liệu lưu trữ trong một thẻ nhớ vào máy đếm phiếu. 

Ông Sterling gọi đây là sai lầm hết sức ngớ ngẩn và giám đốc bầu cử tại hạt này nên nộp đơn từ chức để nhận trách nhiệm. “Đây không phải là vấn đề về thiết bị hay phương tiện, mà do một người không làm tròn bổn phận của mình”, ông Sterling lên tiếng chỉ trích.

 Trong khi đó, Chủ tịch đảng Cộng hòa tại Hạt Floyd, Luke Martin cho hay trục trặc đã xảy ra với những phiếu bầu được bỏ sớm ở địa phương, và bày tỏ quan ngại trước sự cố này.

 Vào ngày 11.11, quan chức đứng đầu bang Georgia, Brad Raffensperger đã ra lệnh kiểm phiếu lại bằng tay sau khi kết quả cho thấy ông Biden dẫn cách biệt Tổng thống Trump khoảng 14.000 phiếu (0,3%). Gần 5 triệu cử tri Georgia đã đi bầu tổng thống trong năm bầu cử 2020.

 Hiện tiểu bang vẫn tiếp tục tiến hành kiểm phiếu và dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 20.11. (Thanhnien.vn 17/11, Thụy Miên)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More