Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 17-4-2020

Post date: 17/04/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Phần mềm đo lường tập trung đông người cho biết gì về việc đi lại của người dân sau khi Chỉ thị 16 được thực thi?. 1

2.                Địa phương tự quyết việc giãn cách xã hội 3

CHỈ THỊ MỚI 3

3.                Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo. 3

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 4

4.                Nhân rộng mô hình “ATM gạo” tại nhiều địa phương trên cả nước. 4

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

5.                Forbes: Dữ liệu này cho thấy các công ty Mỹ chắc chắn đang rời Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nơi được hưởng lợi đầu tiên! 4

6.                Doanh nghiệp “mệt mỏi” sau 1 quý “chiến đấu” với dịch Covid-19. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

7.                Chấm dứt “ngâm” hồ sơ?. 8

8.                Có một day dứt mang tên GDP. 9

QUẢN LÝ.. 11

9.                Sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. 11

10.             Tăng quyền cho các đơn vị trong sử dụng kinh phí quản lý hành chính. 11

11.             Cứ 1 triệu dân mới có 24 cán bộ bảo vệ môi trường. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

12.             Hà Nội tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua mạng và bưu điện. 13

13.             Giáo dục Đồng Nai đo lường sự hài lòng của người dân. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

14.             Thu ngân sách quý I/2020 đạt hơn 391.000 tỷ đồng. 15

15.             Chìa khóa giải bài toán bội chi ngân sách. 16

16.             Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

17.             Bạc Liêu chỉ đạo xử lý vụ 6 cán bộ “tranh thủ” nhậu trong thời gian cách ly xã hội 17

18.             Bắt Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn. 18

THẾ GIỚI 18

19.             Singapore ra mắt cổng thông tin giúp người dân sử dụng thời gian hiệu quả khi ở nhà  18

 TIÊU ĐIỂM

Phần mềm đo lường tập trung đông người cho biết gì về việc đi lại của người dân sau khi Chỉ thị 16 được thực thi?

"Với việc thực hiện Chỉ thị 16, chúng ta đã viết một phần mềm đo lường tập trung đông người, đo lường mật độ đi lại" - Bộ trưởng.Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

 Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo: "Với việc thực hiện Chỉ thị 16, chúng ta đã viết một phần mềm đo lường tập trung đông người, đo lường mật độ đi lại. Sau khi Chỉ thị 16 được thực thi, việc đi lại của người dân giảm sâu nhất vào ngày 2/4, giảm khoảng hơn 3 lần so với trước đó. Tuy nhiên, sau đó khoảng 5 ngày, người dân lại ra đường nhiều hơn, với xu thế đang tăng lên. Do vậy, chúng ta phải tăng cường về mặt chính quyền để người dân thực thi nghiêm mệnh lệnh của Chính phủ, để nếu ban hành lần 2, lần 3 người dân sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm".

 Cụ thể, theo phần mềm này, chỉ số đi lại bình thường của người dân khi chưa cách ly là 3. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, có thể do người dân thấy số ca mắc bệnh đã giảm nên họ đi lại nhiều hơn. Điển hình là Hà Nội, chỉ số đi lại của người dân đang từ mức 1 lên 1,6 và Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 1,8 và có xu thế tăng lên.

 Do đó, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp để người dân thực hiện nghiêm các quy định. Với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến trong cuộc họp cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

 Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: Triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.

 Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để "chặn đến cùng" tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,…).

 Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu…

 Mới đây, chiều 15/4, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương đặc biệt là 2 đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra...

 Thủ tướng quyết định nhóm các tỉnh thành có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh, và đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện CT 16 đến 22/4 hoặc 30/4 tuỳ tình hình cụ thể của việc lây nhiễm. (Trí Thức Trẻ 16/4, Hoàng An)Về đầu trang

Địa phương tự quyết việc giãn cách xã hội

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp chống Covid-19 trên địa bàn phù hợp theo các cấp độ.

 Chiều 16/4 Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các nhóm hoạt động được địa phương quyết định gồm: ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu; mở cửa hàng không thiết yếu; vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng; tập trung đông người. Ba cấp độ được nhà chức trách lựa chọn đưa ra gồm yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo.

 Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng được quyết định các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; giám sát dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh; yêu cầu ngừng hoạt động cơ sở không đảm bảo chống dịch; xử lý các ổ dịch đã phát hiện.

 Các địa phương căn cứ thực tế, quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội; có thể áp dụng cách ly theo quy mô cấp xã, huyện.

 Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng đội phản ứng nhanh ở 63 tỉnh, thành; nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất cho hệ thống y tế địa phương; đề xuất phương án ứng phó với từng ngưỡng ca nhiễm, tốc độ lây lan.

 Thủ tướng quyết định bổ sung Hà Giang vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, sau khi phát hiện ca bệnh 268 (bản Pín Tùng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn).

 Như vậy, đến chiều nay, cả nước có 12 địa phương thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao; 16 địa phương có nguy cơ; 35 tỉnh nguy cơ thấp. Nhóm nguy cơ cao tiếp tục cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4.

 Đến chiều 16/4, Việt Nam ghi nhận 268 người dương tính nCoV; 176 người bình phục; chưa có người tử vong. (Vnexpress.net 16/4, Viết Tuân)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan và việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

 Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

 Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

 Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung nêu trên trước ngày 18/4/2020. (VTV.vn 16/4)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Nhân rộng mô hình “ATM gạo” tại nhiều địa phương trên cả nước

Sau khi máy "ATM gạo" (máy phát gạo miễn phí) đầu tiên tại TP.HCM tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, đến nay mô hình này đã có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.

 Hiện nay, mô hình máy "ATM gạo" đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Máy phát gạo miễn phí của Hội Chữ thập Đỏ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong nhiều máy "ATM gạo" được các nhà thiện nguyện tổ chức tại khu vực Nam Trung Bộ để hỗ trợ người nghèo. Mỗi người được nhận 2 kg gạo/lần. Giờ mở cửa phát gạo là đầu giờ sáng và gần cuối giờ chiều.

 Tại Nam Trung Bộ, ngoài tỉnh Khánh Hòa, trước đó máy phát gạo miễn phí hỗ trợ người nghèo đã được triển khai tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Định. Ở một số tỉnh như Bình Định, Đăk Lăk, người nghèo ngoài nhận gạo còn được tặng thêm trứng gà.

 Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương, hội, đoàn thể đã phối hợp với những mạnh thường quân bố trí máy phát gạo miễn phí ở nhiều địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng chức năng nhằm hạn chế tụ tập động người, giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện. (VTV.vn 16/4)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Forbes: Dữ liệu này cho thấy các công ty Mỹ chắc chắn đang rời Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nơi được hưởng lợi đầu tiên!

Việc toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đang dần trở nên lỗi thời. Các công ty Hoa Kỳ đang di dời nhà máy của mình ra khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19.

 Công ty tư vấn sản xuất toàn cầu A.T. Kearney đã công bố chỉ số Reshoring Index (chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu) thường niên lần thứ 7 cho thấy sự đảo ngược đầy kịch tính. Sản phẩm nội địa Mỹ năm 2019 chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với 14 nhà xuất khẩu châu Á được nghiên cứu. Sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 Năm ngoái, các công ty đã chủ động cân nhắc lại về chuỗi cung ứng của họ bằng cách thuyết phục các đối tác Trung Quốc di dời nhà máy đến Đông Nam Á để tránh thuế quan hoặc thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc.

 "Ba thập kỷ trước, các nhà sản xuất của Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc vì một lý do: chi phí thấp. Cuộc chiến thương mại đã mang đến một khía cạnh thứ hai làm cân bằng bài toán của các nhà sản xuất. Đó là rủi ro khi thuế quan và mối đe dọa hàng gia công nhập khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn. Các công ty phải đưa rủi ro lên bàn cân cùng với các lợi ích về chi phí. Covid-19 mang đến một khía cạnh thứ ba lần đầu tiên xuất hiện, và đầy đủ hơn: khả năng phục hồi (khả năng dự đoán và thích nghi với những cú sốc hệ thống không lường trước được)", theo Patrick Van den Bossche, tác giả của Báo cáo Kearney chia sẻ. 

Những người hưởng lợi lớn trong việc này là các quốc gia Đông Nam Á, dẫn đầu là Việt Nam. Và thông qua Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), Mexico sẽ trở thành nguồn cung ứng được ưa thích ở châu Mỹ.

 Năm 2020, cuộc chiến thương mại dường như tạm dừng. Đáng buồn thay, nó đã nhường chỗ cho một đại dịch toàn cầu xuất phát từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Covid-19 đã gần như đóng cửa các nền kinh tế phương Tây và tạo ra một cơn ác mộng tại Trung Quốc.

 Không chỉ vậy, các công ty không thể có được nguồn cung trực tiếp trong tháng 2 và đầu tháng 3 do các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, khiến doanh nghiệp tại Hoa Kỳ bị đình trệ.

 Khi Trung Quốc bắt đầu vực đậy và phục hồi nền kinh tế, Hoa Kỳ đã bị hạ đo ván bởi Covid-19 do tốc độ lây lan nhanh chóng của virus. Ngay cả khi Trung Quốc đang được phục hồi, Hoa Kỳ vẫn bị mắc kẹt trong vũng lầy dịch bệnh.

 Báo cáo Kearney dự đoán các công ty sẽ buộc phải tính xa hơn trong việc lên kế hoạch tìm nguồn cung ứng cho mình.

 Chỉ số đa dạng hóa Trung Quốc (CDI) của Kearney theo dõi sự thay đổi trong nhập khẩu hàng hóa gia công của Hoa Kỳ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác. Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhưng quốc gia này ngày càng mất thị phần trong những năm ông Trump làm Tổng thống Mỹ.

 Năm 2013 (năm cơ sở của báo cáo CDI), Trung Quốc nắm giữ 67% tất cả hàng hóa sản xuất có nguồn gốc châu Á tại Hoa Kỳ. Đến quý II năm 2019, quốc gia này chỉ còn chiếm 56%.

 Trong số 31 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã rời khỏi Trung Quốc, khoảng 46% đã được Việt Nam thay thế, đôi khi bởi chính các nhà sản xuất Trung Quốc nhưng đã rời khỏi Trung Quốc đại lục. Việt Nam đã xuất khẩu thêm 14 tỷ đô la hàng hóa gia công sang Hoa Kỳ vào năm 2019 so với năm 2018 do sự thay đổi này.

 Trong năm nay, Kearney cho ra mắt tỷ lệ thương mại gần xa (NTFR). Tỷ lệ này theo dõi sự dịch chuyển của hàng nhập khẩu Hoa Kỳ sang các khu vực sản xuất gần Mexico.

 Kể từ năm 2013, NTFR dao động ổn định giữa mức 36% và 38%, có nghĩa là với mỗi đô la hàng hóa gia công từ châu Á thì có khoảng 37 đô la hàng hóa gia công nhập khẩu đến từ Mexico.

 Điều đó đã thay đổi sau khi Hiệp định USMCA được ký. Trên cơ sở giá trị đồng đô la, tổng nhập khẩu sản xuất từ ​​Mexico sang Mỹ đã tăng 10% trong giai đoạn 2017-2018, từ 278 tỷ đô la lên 307 tỷ đô la, và thêm 4% từ năm 2018 đến 2019, với tổng giá trị nhập khẩu là 320 tỷ đô la, dựa trên báo cáo Kearney.

 "Cánh cửa cho những kẻ nổi dậy này đã được mở ra rõ ràng bởi các tranh chấp thương mại đang diễn ra ở Hoa Kỳ, vì lợi ích của các quốc gia này chủ yếu đến từ các loại sản phẩm bị ảnh hưởng bởi thuế quan", Yuri Castano, giám đốc Kearney chia sẻ. "Rõ ràng, cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty Hoa Kỳ bắt đầu cân nhắc và định hình lại mạng lưới cung ứng của họ". (Cafef.vn 15/4)Về đầu trang

Doanh nghiệp “mệt mỏi” sau 1 quý “chiến đấu” với dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đang “cướp” đi nguồn thu nhập của hàng triệu người lao động, còn các doanh nghiệp thì điêu đứng, bên bờ vực phá sản...

 Chia sẻ với phóng viên VOV bằng giọng trầm buồn, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink - đơn vị chuyên sản xuất thời trang đồ da cao cấp một khu công nghiệp ở Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, công ty của ông không còn khả năng duy trì sản xuất do doanh thu quý 1 sụt giảm tới 80%, riêng tháng 3 giảm tới 95%. Việc dừng sản xuất không chỉ “phá tan” mục tiêu tăng trưởng 120% doanh thu so với năm 2019, mà khiến công ty có thể phá sản.

 Từ nhiều năm nay, sản xuất và kinh doanh của Eurolink phụ thuộc hoàn toàn vào xuất nhập khẩu. Công ty thường nhập nguyên liệu 3 tháng/lần, 70-80% là nhập từ Italia, nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã chặt đứt nguồn cung nguyên liệu từ nước này, một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu.

 Bên cạnh sự thiếu hụt nguyên liệu, Eurolink còn đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn. Với tình hình bi đát như hiện nay, nhiều khả năng đến 20/4 tới, doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

 “Để cầm cự, công ty đang xoay sở, chuyển đổi sang may khẩu trang, hỗ trợ một phần cho khó khăn hiện tại của ngành y tế. Công việc này cũng chỉ có thể duy trì trong khoảng 1 tháng. Hy vọng, các khoản hỗ trợ của Chính phủ tới đây sẽ giúp doanh nghiệp của ông kịp thanh toán các khoản tiền lương, bảo hiểm, phí công đoàn và các loại phí khác cho đến khi nhà máy sản xuất trở lại”, ông Nguyễn Hữu Thành chia sẻ.Ông Nguyễn Hữu Thành cho hay, doanh nghiệp đang sử dụng 300 lao động, trong 2 ngành nghề, da giày và vải. Hiện nay đã giảm tới 85% lao động, chỉ duy trì 15% lao động với các đơn hàng nhỏ trong nước. Những đơn hàng nhỏ lẻ trong bối cảnh hiện nay là không đáng kể, chỉ để duy trì hoạt động, trong khi một loạt các hợp đồng mới của Eurolink với các đối tác Nga, Đức, Thụy Điển và Hong Kong (Trung Quốc) đã bị hoãn, nhiều khả năng phải qua tháng 6 mới có thể nối lại. 

Với các doanh nghiệp trong ngành dệt may tình hình cũng không khá hơn. 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5.

 Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm nay - giai đoạn 1 của dịch bệnh - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp vừa và nhỏ - chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng.

 Đến tháng 3, khi các nhà sản xuất Trung Quốc gượng dậy và khôi phục khoảng 80% hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu thì tiếp đến giai đoạn 2 dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và châu Âu – 2 thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may điêu đứng do không thể xuất khẩu được.

 Hiệp hội cũng đưa ra giả thiết, nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 6 tới thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng, đồng thời sức cầu giảm có thể kéo theo giá giảm tới trên 20%.

 Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phá sản, gần 30% số doanh nghiệp mất 20 - 50% doanh thu, 60% số doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu.

 Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp trong nước hiện nay không thể đếm xuể, khó khăn trước hết là thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, chi phí logistics tăng cao, thậm chí có hợp đồng vận chuyển chịu mức phí tăng gấp 3 lần so với trước khi xảy ra dịch.

 Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nguồn vốn do sản phẩm sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được. Dự báo, những ảnh hưởng này đến cộng đồng doanh nghiệp còn tiếp diễn ngay cả khi đã hết dịch bệnh. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp có khả năng bị phá sản nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, lý do là họ không thể bù đắp các khoản chi phí như: trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng...

 Với lĩnh vực xuất khẩu, theo Bộ Công thương, nếu dịch bệnh tiếp diễn, triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được dự báo sẽ tương đối thấp. Theo đó, nếu dịch kéo dài đến giữa năm, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể giảm 6-8% trong quý 1 và quý 2. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm. (VOV.vn 16/4)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Chấm dứt “ngâm” hồ sơ?

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết, qua công tác thanh tra, cơ quan này phát hiện có 12.930 hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại TP Đồng Hới đã bị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố giải quyết quá hạn. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm công vụ ở đâu, xử lý trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ của người dân nhiều đến vậy?

 Từ năm 2014 - 2019, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đồng Hới đã xử lý gần 46.200 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết, có 12.930 hồ sơ giải quyết quá hạn. Trong khi đó, có nhiều hồ sơ đất đai mà các địa phương đã xét đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và từng nộp lên cho Trung tâm Một cửa liên thông TP Đồng Hới nhưng người dân vẫn chưa nhận được “sổ đỏ” dù đã quá hạn. Điều đáng nói là Quyết định 15/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình đã quy định: Việc công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân phải được thực hiện kịp thời, nghiêm túc khi cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính có hành vi vi phạm, có lỗi dẫn đến sai sót, quá hạn. Tuy vậy, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Đồng Hới vẫn để “ngâm” hồ sơ, không thực hiện việc xin lỗi và hẹn trả kết quả theo quy định của pháp luật, gây bức xúc cho người dân. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” này cần phải xử lý nghiêm để thiết lập lại kỷ cương công vụ.

 Giải quyết thủ tục hành chính nói chung, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đất đai bị chậm trễ từng được ví như “chuyện cơm bữa”. Không phủ nhận rằng, lĩnh vực đất đai là lĩnh vực phức tạp. Liên quan đến đất đai là cả “rừng thủ tục”. Người áp dụng pháp luật đôi khi cũng gặp khó vì “vướng cái nọ, mắc cái kia” nên cũng có thể dẫn đến giải quyết hồ sơ bị chậm trễ. Nhưng phải thông tin, xin lỗi để người dân biết được hồ sơ chậm vì lý do gì. Bên cạnh yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan - con người. Thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp, cán bộ, công chức, viên chức thiếu đạo đức công vụ, đã cố tình lợi dụng sự phức tạp của các thủ tục hành chính lĩnh vực này để làm khó người dân, doanh nghiệp. Đó là cơ hội để phát sinh chi phí bôi trơn, “lót tay gầm bàn”. Với những trường hợp “không biết điều” thì việc “ngâm” hồ sơ cũng là chuyện rất dễ xảy ra.

 Thực tế cho thấy, giải quyết thủ tục hành chính nói chung, thủ tục đất đai nói riêng bị trễ hẹn không còn là câu chuyện riêng ở Quảng Bình. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, còn tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết. Dẫn Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2018), Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, tỷ lệ trễ hẹn của cơ quan nhà nước đối với người dân trong giải quyết thủ tục hành chính khá cao. Đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ trễ hẹn ở lĩnh vực đất đai lên đến 17,55% (trung bình cả nước ở lĩnh vực đất đai cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các lĩnh vực, chiếm 12,3%).

 Để nâng cao kỷ luật công vụ, nhiều địa phương đã có quy định về việc cán bộ, công chức, viên chức phải xin lỗi khi thực hiện thủ tục hành chính chậm trễ. Ngoài ra, cũng đã xử lý nghiêm đối với những trường hợp giải quyết chậm vì có hành vi nhũng nhiễu. Tuy nhiên, tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn vẫn tái diễn.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám đã quy định: Một trong những nội dung để đánh giá công chức, viên chức là kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Tùy từng đối tượng công chức sẽ áp dụng hình thức kỷ luật riêng.

 Như vậy, việc “ngâm” hồ sơ sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu 2 năm liên tiếp công chức bị xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc, bố trí công tác khác, không bổ nhiệm lại. Chỉ khi lấy hiệu quả giải quyết công việc làm thước đo cho việc hoàn thành nhiệm vụ, cũng như có chế tài xử lý tương ứng thì mới chấm dứt được tình trạng “ngâm” hồ sơ vì lý do chủ quan. (Daibieunhandan.vn 16/4, Hà An)Về đầu trang

Có một day dứt mang tên GDP

Chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, Thủ tướng day dứt nghĩ đến việc chẳng đặng đừng là điều chỉnh chỉ tiêu GDP, bởi điều chỉnh cũng là buộc phải chấp nhận thực tế nhiều người dân sẽ nghèo đi.

 Tưởng như đã không gì có thể cản bước Chính phủ trên con đường phát triển kinh tế. Vậy mà, trong năm áp chót của nhiệm kỳ, "cơn bão" Corona bất thần ập đến, điều không bao giờ muốn nghĩ đến đã buộc phải nghĩ đến.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy, quyết tâm cao độ nhưng không thể duy ý chí. Và ông day dứt trong phép tính thêm mỗi phần trăm hao tổn GDP là thêm mỗi cuộc đời có thể bị bỏ lại phía sau.

 Vào đầu năm 2017, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá, nợ công cao, nợ xấu ngân hàng tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất; nguy cơ giảm sút đầu tư nước ngoài khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua...

 Lúc đó nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Cảm ơn về sự chia sẻ, đồng cảm này, nhưng Thủ tướng nhất quyết kiên định phải đạt mục tiêu tăng trưởng cao và rất cao, vì có như vậy thì mới có nguồn lực, có đà, có khí thế để chấn hưng đất nước. Thủ tướng đã dẫn dắt Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu như vậy.

 Cũng cần phải nhắc thêm rằng, 3 năm đầu trong nhiệm kỳ này của Chính phủ phải đối mặt với hàng loạt căn bệnh trầm kha như nhiều dự án "đắp chiếu", làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí; tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng ở nhiều nơi; thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở cả miền Bắc, miền Trung, Nam Trung bộ và Tây Nguyên…

 Nhiệm kỳ mới, cũng là thời điểm đất nước bắt đầu một cuộc chiến với tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo, với mức độ mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử chống giặc nội xâm. 

Khi lãnh đạo cuộc chiến này, yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra với Chính phủ là kinh tế phải luôn tiến bước, năm sau hơn năm trước, nếu không, giặc nội xâm sẽ được che chắn bởi luồng quan điểm, chống tham nhũng làm mạnh quá có thể làm chậm lại sự phát triển của đất nước.

 Trập trùng khó khăn xuất hiện trong điều hành của Chính phủ khi diễn ra quá trình "thay máu" bộ máy, như cách nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, "gột rửa sạch nhem nhuốc từ trên xuống".

 Lần đầu tiên kể từ sau ngày thống nhất đất nước, hàng loạt cán bộ cao cấp từ trung ương đến địa phương bị xử lý kỷ luật, thậm chí có không ít người phải cúi đầu nhận tội ở chốn pháp đình…

 Theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, mặt trận kinh tế đã mang về những kết quả đầy khích lệ. Kinh tế 3 năm 2017, 2018, 2019 tạo nên thời kỳ của các kỷ lục. GDP ở mức cao hàng đầu thế giới, cả hai năm 2018, 2019 đều tăng vượt ngưỡng 7% bất chấp bối cảnh tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu.

 Người đứng đầu Đảng và Nhà nước tự hào khẳng định, "chống tham nhũng không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại"

 Nhìn lại đoạn đường đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy, "có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua" 

Chỉ gói lại bấy nhiêu từ "tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua", là cả sự nỗ lực không mỏi mệt của Thủ tướng và cả bộ máy Chính phủ.

 Trước sức nóng phả ra dữ dội từ mặt trận chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo nên được sự thống nhất cao độ từ Trung ương đến địa phương cùng đưa kinh tế đi lên.

 Ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng vào tháng 4/2016, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư tại các địa phương, nhất là tại một số tỉnh, thành có xáo trộn về nhân sự lãnh đạo. Sự có mặt của ông tại những nơi đó mang đến niềm tin, cũng như sự yên tâm gấp bội cho các nhà đầu tư.

 Như khi Thủ tướng đến dự và chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hậu Giang vào tháng 9/2017. Đó là thời điểm Bí thư tỉnh này xin nghỉ hưu sớm và đang chờ quyết định từ Bộ Chính trị, trong khi đó, Bí thư mới chưa rõ là ai. Thủ tướng mang không khí phấn chấn cho cả Hội nghị, khi ông nói, "Hậu Giang gạo trắng nước trong/ai đi đến đó thì không muốn về…"

 Thủ tướng còn kêu gọi các địa phương, các Bộ ngành dám từ bỏ quyền lợi cục bộ để thực sự "xắn tay" đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp cùng vì sự phát triển chung của nền kinh tế.

 Càng nhìn lại thành quả, Thủ tướng càng day dứt cho những ngày phía trước, khi tới đây, có thể Chính phủ sẽ phải cân nhắc khả năng điều chỉnh mục tiêu kinh tế xã hội. Song, có lẽ mọi người sẽ cảm thông với điều này. 

Bởi niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của cả bộ máy chính trị trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này. Khi tất cả những gì mà người dân đang thấy là một Chính phủ vì dân. Trong mọi hoàn cảnh, Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất chăm lo cuộc sống cho những người yếu thế nhất!

 Chắc chắn, Thủ tướng còn gặp lại ánh mắt, nụ cười tràn ngập niềm tin của họ khi đến những vùng khó khăn, xa xôi, như ông đã luôn gặp trong những năm qua. (Cafef.vn 15/4)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Ngày 15-4, thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp giao ban lãnh đạo Bộ vào giữa tháng 4-2020.

 Theo báo cáo tại cuộc họp, từ tháng 1-2020 đến nay, Bộ Nội vụ được giao 76 nhiệm vụ; trong đó, đã hoàn thành 31 nhiệm vụ, đang thực hiện trong hạn 45 nhiệm vụ.

 Đặc biệt, thời gian qua, để phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc họp và làm việc tại nhà theo hình thức trực tuyến, bảo đảm hoàn thành công việc được giao đúng kế hoạch và chất lượng.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu, thảo luận của thủ trưởng một số đơn vị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá hình thức làm việc trực tuyến của công chức, viên chức của Bộ rất hiệu quả, không có nhiệm vụ nào bị chậm trễ so với kế hoạch, chất lượng các văn bản trình bảo đảm yêu cầu.

 Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giao Thư ký Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất kiểm tra công vụ một số bộ, ngành, địa phương bằng hình thức trực tuyến trong tháng 4-2020.

 Đồng thời, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đồng ý với đề xuất của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn về việc tổ chức hội nghị trực tuyến với 43 địa phương để hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. (Hanoimoi.com.vn 15/4, Hiền Thu) Về đầu trang

Tăng quyền cho các đơn vị trong sử dụng kinh phí quản lý hành chính

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính của cơ quan nhà nước. Đến nay, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã diễn ra ở hầu hết các cơ quan nhà nước thuộc các bộ, cơ quan trung ương; cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện.

 Theo đó, dự thảo đề xuất tăng quyền chủ động cho các bộ, địa phương trong việc quyết định định mức chi tiêu cụ thể trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

 Cách đây 15 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (Nghị định số 130) quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 117/2013/NĐ-CP vào năm 2013. Đến nay, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã diễn ra ở hầu hết các cơ quan nhà nước thuộc các bộ, cơ quan trung ương; cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện. Do kinh phí giao tự chủ cuối năm còn dư được chuyển sang năm sau sử dụng nên đã không còn tình trạng “chạy” kinh phí còn dư để chi tiêu cho hết. Đồng thời, các cơ quan đã đề ra biện pháp thiết thực nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như quy chế sử dụng ô tô, khoán văn phòng phẩm, khoán tiền điện thoại tại công sở...; từ đó tăng chất lượng công tác chuyên môn, có kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho người lao động. 

Đến nay, 100% cơ quan nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính (trừ 105 đơn vị thực hiện cơ chế tài chính đặc thù). Trung bình khoảng 97% các đơn vị cấp tỉnh (các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội) thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính.

 Riêng về tự chủ trong việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính, tỷ lệ kinh phí giao tự chủ/tổng kinh phí chi quản lý hành chính của các bộ, cơ quan trung ương trung bình khoảng 68% và tăng qua các năm từ 2016 - 2018. Tỷ lệ kinh phí tiết kiệm/kinh phí chi quản lý hành chính được giao tự chủ của các cơ quan này trung bình khoảng 8,3%, tỷ lệ này tăng từ năm 2014 - 2018, nhưng tăng không đáng kể.

 Đối với các địa phương, tỷ lệ trung bình của kinh phí giao tự chủ/tổng kinh phí chi quản lý hành chính là khoảng 56%. Tỷ lệ tiết kiệm kinh phí giao tự chủ trung bình khoảng 7,6%. Một số địa phương có tỷ lệ kinh phí tiết kiệm/kinh phí quản lý hành chính được giao tự chủ cao hơn tỷ lệ trung bình, thường là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có nguồn thu ngân sách địa phương lớn.

 Tuy nhiên cũng theo Bộ Tài chính, cơ chế tự chủ nêu trên đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do đó, cần thiết phải xây dựng nghị định thay thế để thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước, cũng như đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành. 

Dự thảo nghị định xác định rõ phạm vi điều chỉnh và mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính bao gồm cơ quan nhà nước thuộc các tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo thống nhất.

 Nội dung chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính, dự kiến gồm: Nguồn kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ; xác định kinh phí; điều chỉnh kinh phí quản lý hành chính; nội dung chi; quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính giao thực hiện chế độ tự chủ; sử dụng kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được... (Thoibaotaichinhvietnam.vn 15/4, Minh Anh) Về đầu trang

Cứ 1 triệu dân mới có 24 cán bộ bảo vệ môi trường

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) của nước ta ở mức 24 người/1 triệu dân, trong khi tỷ lệ này của các nước trên thế giới cao hơn nhiều. Cụ thể: Thái Lan là 42 người, Campuchia là 55 người, Malaysia là 100 người, Singapore là 330 người, Trung Quốc là 40 người, Canada là 155 người, Anh là 204 người.

 Đây là số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, để chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại Kỳ hội thứ Chín tới đây.

 Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi các lĩnh vực Môi trường - Địa chính được thu về một đầu mối quản lý, trong khi khối lượng công việc tăng lên nhưng biên chế được bố trí không tương xứng. Đặc biệt, ở cấp xã, mỗi xã chỉ bố trí từ 1 đến 2 cán bộ làm công tác tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường nhưng lại còn kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác về xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và nông thôn mới trên địa bàn, không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 Nhân lực đã vậy, tài lực cũng hạn hẹp. Năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí chi sự nghiệp môi trường là 20.442 tỷ đồng (tăng 5.342 tỷ đồng so với năm 2018), chưa kể nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế… thực tế đã giúp công tác BVMT ở Việt Nam tiếp tục có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, việc bố trí cho hoạt động đầu tư phát triển BVMT còn chưa được tách thành một nguồn riêng như chi sự nghiệp môi trường, chưa đáp ứng được nhu cầu. 

“Không đủ kinh phí để hỗ trợ các địa phương, nhất là đối với nhu cầu triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường; khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, lại chưa có cơ chế hiệu quả để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT…”, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.

 Trong số các vấn đề môi trường đáng quan ngại, Bộ chủ quản đề cập đến chất lượng môi trường không khí diễn biến phức tạp, và đang xấu dần đi ở các đô thị lớn, khu vực đông dân cư; rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý, quản lý hiệu quả; ô nhiễm nước mặt tại các lưu vực sông và một số sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần phích nước Rạng Đông, sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do vụ việc đổ bùn thải trái phép tại tỉnh Hòa Bình, sự cố tràn dầu trên sông Sài Gòn... (Daibieunhandan.vn 16/4)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua mạng và bưu điện

Hà Nội khuyến khích người dân ưu tiên lựa chọn việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, thông qua dịch vụ công trực tuyến hoặc qua bưu điện.

 Sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trên địa bàn Hà Nội, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

 Thời gian qua, việc giải quyết và trả kết quả thực hiện các thủ tục hành chính gặp khá nhiều khó khăn, nhất là thời điểm hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người.

 Thành phố Hà Nội dự báo, nếu tiếp tục kéo dài thực Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải chủ động hơn trong việc trả kết quả qua đường mạng hoặc bưu điện.

 Thành phố đang tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn người dân cân nhắc thời điểm để yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính cấp bách, cần thiết và ưu tiên lựa chọn việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố hoặc thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích của thành phố. 

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ hướng dẫn, phân luồng công dân đến giao dịch; phân chia vị trí tiếp nhận, trả kết quả hợp lý, đảm bảo trong Bộ phận "một cửa" không quá 10 người (kể cả cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận), bảo đảm việc giãn cách theo hướng dẫn của cơ quan y tế trong công tác phòng, chống dịch.

 Cổng thông tin điện tử của các đơn vị; của thành phố và Chính phủ; tổng đài điện thoại; loa truyền thanh; sử dụng mạng xã hội hoặc các công cụ khác phù hợp với quy định để công dân đặt lịch hoặc xếp số thứ tự, hướng dẫn hồ sơ và hẹn thời gian tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả.

 UBND thành phố yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thành phố Hà Nội thực hiện việc tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân qua hệ thống bưu chính công ích đối với những thủ tục không bắt buộc công dân phải đến nộp và nhận trực tiếp. 

Bưu điện thành phố duy trì mở cửa các điểm giao dịch đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trên địa bàn theo các hợp đồng và thỏa thuận hợp tác đã ký kết thực hiện việc chuyển phát hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục tại Bộ phận "một cửa" của các đơn vị cũng như tiếp nhận và chuyển phát đến công dân phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

 UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục tích cực đổi mới, cải tiến cách làm việc nhằm đáp ứng bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

 Đồng thời, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các thủ tục hành chính.

 Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thành phố Hà Nội trong việc tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo giải quyết hiệu quả yêu cầu công việc cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

 Hà Nội huy động sự tham gia của lực lượng đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình nguyện viên trên địa bàn, có nhiều phương án, cách thức linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. (Bnews.vn 15/4, Nguyễn Văn Cảnh) Về đầu trang

Giáo dục Đồng Nai đo lường sự hài lòng của người dân

Sở GD&ĐT Đồng Nai xây dựng kế hoạch khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai năm 2020.

 Theo đó, ý kiến được lấy là từ tổ chức, người dân, người đại diện cho tổ chức có giao dịch thủ tục hành chính đã hoàn tất giao dịch, sử dụng dịch vụ của Sở GD&ĐT trong kỳ đánh giá. Việc khảo sát được tiến hành hàng tháng, thường xuyên đến tháng 12/2020.

 Các yếu tố, tiêu chí thực hiện khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, phụ huynh, học sinh về các nội dung khảo sát sẽ dựa trên thực tế các nội dung cải cách thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước như: chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, thái độ giao tiếp của nhân viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tính chính xác, thời gian thực hiện và mức độ chất lượng phục vụ...

 Việc khảo sát nhằm giúp Sở GD&ĐT nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của mình, nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân, tổ chức.

 Đồng thời, phát huy vai trò giám sát và tham gia thiết thực vào công tác cải cách hành chính của người dân, tổ chức, góp phần cải thiện hình ảnh Sở GD&ĐT, môi trường văn hóa, giáo dục của tỉnh Đồng Nai. Làm căn cứ đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. (Giaoducthoidai.vn 15/4, Hải Bình) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách quý I/2020 đạt hơn 391.000 tỷ đồng

Tổng thu Ngân sách Nhà nước trong quý I năm nay bằng 26% dự toán năm 2020. Điều này cho thấy dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng sụt giảm khoảng 8% nhưng tổng thu ngân sách quý I vẫn đảm bảo theo kế hoạch.

 Để có kết quả này, ngành tài chính đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thu khác ngay từ đầu năm như chống chuyến giá, trốn thuế, thu hồi nợ đọng, đồng thời, tăng cường kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

 Ước tính cả nước có 52/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán. Nguồn thu từ dầu thô cũng tăng khá. Trong khi đó, tổng chi ngân sách quý I là trên 343.000 tỷ đồng, tương đương gần 20% dự toán.

 Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trích 2.700 tỷ đồng dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19. (VTV.vn 16/4)Về đầu trang

Chìa khóa giải bài toán bội chi ngân sách

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập - theo chỉ đạo của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 5.2019, đồng thời công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý. “Đây là một việc rất khó”, Bộ Tài chính thừa nhận trong dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ, nhất là khi Chính phủ yêu cầu xây dựng nghị định mới theo hướng quy định về cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chung cho tất cả các lĩnh vực. 

Trước đó, tại thời điểm ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã yêu cầu các bộ quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ vào Nghị định 16 để chủ trì, xây dựng cơ chế tự chủ riêng phù hợp với đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực. Lý do vì lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công phức tạp và đa dạng, mỗi ngành đều có những đặc thù riêng. Tuy vậy, đến nay, sau 5 năm kể từ khi Nghị định 16 được ban hành, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đều chưa hoàn thành nhiệm vụ này, nhất là 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ sự nghiệp công là giáo dục, đào tạo và y tế.

 Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện quy định về tự chủ thời gian qua chỉ đạt được những kết quả đầy thất vọng. Trong dự thảo Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết năm 2016 (không hiểu vì sao Bộ Tài chính không có/không cung cấp số liệu cập nhật hơn), cả nước có hơn 57 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập được giao cơ chế tự chủ về tài chính theo các mức độ khác nhau. Trong số đó, chỉ có 0,21% đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 3,33% tự bảo đảm chi thường xuyên; 22,36% tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Hơn 72% đơn vị còn lại ngân sách nhà nước vẫn phải “nuôi” hoàn toàn.

 Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành đến năm 2020, giá dịch vụ công phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Tuy nhiên, đến nay nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình. Mới chỉ có lĩnh vực y tế đã ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế. Điều này dẫn đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch và ngân sách vẫn phải tiếp tục bao cấp các đơn vị sự nghiệp công lập.

 Một hướng đi đúng khác là việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần đã được thực hiện từ năm 2015 nhưng diễn ra khá dè dặt. Tỷ lệ hoàn thành chuyển đổi so với số lượng đơn vị thuộc danh mục chuyển đổi giai đoạn 2017 - 2020 chỉ đạt 14,5%. Từ năm 2018, Bộ Tài chính có kế hoạch dự thảo một nghị định về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Đây được xem như là bước chuẩn bị hành lang pháp lý nhằm đẩy nhanh chủ trương chuyển các đơn vị lâu nay vẫn sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước sang hoạt động như một doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình “thai nghén” kéo dài cho đến nay và nghị định vẫn chưa được ban hành.

 Hơn 57 nghìn đơn vị sự nghiệp với hơn 2 triệu người ăn lương (hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm) thực sự là gánh nặng quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà bội chi ngân sách năm 2020 có thể tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6% GDP (tức là ở mức 5 - 5,1% GDP) do dịch Covid-19 làm nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng, khu vực sự nghiệp công lập là dư địa rất lớn để giảm chi, là chìa khóa để giải bài toán bội chi ngân sách. Chỉ e là, một mình Bộ Tài chính thì không thể tận dụng được dư địa này, không thể sử dụng được chiếc chìa khóa này. (Daibieunhandan.vn 16/4)Về đầu trang

Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên TP Hà Nội sẽ không điều chỉnh mục tiêu giải ngân 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của năm nay.

 Hà Nội coi nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng thứ 2, sau phòng chống dịch COVID-19. Đó là mục tiêu được Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh tại cuộc họp giữa các cán bộ chủ chốt của thành phố mới đây, về vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 Tại 1 trong 4 công trình ga ngầm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, thay vì 1 ca tập trung nhiều nhân công, nay các đơn vị thi công đã chia thành nhiều ca, giảm bớt số lượng người, đảm bảo khoảng cách an toàn nhưng không làm ảnh hưởng tiến độ thi công của dự án.

 Dự án này năm nay phải giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay đã giải ngân được khoảng 17%. Theo đại diện chủ đầu tư, do dịch bệnh nên việc nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài và đội ngũ chuyên gia đều bị ảnh hưởng. Do đó, đơn vị đã phải lên phương án điều chỉnh các công việc để bù đắp tiến độ chậm trễ.

 Còn tại dự án nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, tiến độ giải ngân đến nay mới đạt khoảng 50%. Để thực hiện mục tiêu kết thúc dự án vào tháng 9 năm nay, trong điều kiện dịch bệnh, các đơn vị thi công đã phải chia thành nhiều mũi thi công các cấu phần khác nhau.

 Năm nay, Hà Nội phải giải ngân 37.000 tỷ đồng. Ngoài các dự án đang triển khai dở dang phải hoàn thành, trong năm cuối của giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 này thành phố cũng đã khởi công 30 dự án và phấn đầu đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để tiếp tục xây dựng hơn 50 dự án nữa trong quý 2. (VTV.vn 16/4)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bạc Liêu chỉ đạo xử lý vụ 6 cán bộ “tranh thủ” nhậu trong thời gian cách ly xã hội

Ngày 16-4, ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết vừa có văn bản chỉ đạo Huyện ủy Đông Hải báo cáo sớm bằng văn bản sự việc 6 cán bộ xã Định Thành A, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) ăn nhậu trong giờ hành chính lúc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mà Báo Người Lao Động đã phản ảnh.

 Cùng ngày, ông Trần Thanh Mến, Bí thư Huyện ủy Đông Hải, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được báo cáo vụ việc bằng văn bản của Đảng ủy xã Định Thành A.

 "Tôi chỉ nghe báo cáo qua điện thoại, còn văn bản, kết quả xác minh sự việc xã vẫn chưa có báo cáo cụ thể. Huyện ủy cũng đã có ý kiến chỉ đạo xã xác minh làm rõ và xử lý đúng theo quy định", ông Mến nói.

 Như đã thông tin, vào khoảng 14 giờ ngày 7-4, có 4 cán bộ xã Định Thành A, gồm: Trương Minh Thiện, Phó Ban Tuyên giáo; Phạm Văn Lững, công chức Văn hóa Thông tin; Phạm Quốc Yên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Ngô Minh Trí, Hội Chữ thập đỏ cùng tổ chức nhậu tại nhà ông Trần Văn Mẫn (ở ấp Lung Lá, xã Định Thành A) đến khoảng 16 giờ thì có thêm ông Nguyễn Văn Khải, Phó Trưởng Công an xã và Nguyễn Minh Luân, Công an viên cùng tham gia.

 Người dân phát hiện đã trình báo ngay cho lãnh đạo công an xã, UBND xã, Đảng ủy xã Định Thành A xử lý.

 Xã Định Thành A cũng là nơi xảy ra vụ việc cán bộ xã chuyển tiền cho thành viên đoàn thanh tra 134 triệu đồng gây xôn xao dư luận vừa qua. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ. (Nld.com.vn 16/4, Duy Nhân)Về đầu trang

Bắt Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn

Ngày 15-4, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 Bước đầu công an xác định ông Duyệt bị khởi tố, điều tra trong giai đoạn làm Trưởng ban quản lý các dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn. Trong vai trò là Trưởng ban quản lý dự án đã móc nối với nhà thầu, cố tình làm trái để trục lợi cá nhân gây thất thoát hàng tỉ đồng của ngân sách nhà nước.

 Liên quan đến vụ án này, trước đó, vào đầu năm 2020, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam một số chủ doanh nghiệp thi công các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. (Nld.com.vn 16/4, Nguyễn Hường)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Singapore ra mắt cổng thông tin giúp người dân sử dụng thời gian hiệu quả khi ở nhà

Thời gian giãn cách xã hội giờ đây trở nên ý nghĩa hơn với sáng kiến mang tên Stay Home for Singapore - Ở nhà vì Singapore.

 Ra đời với mục đích gắn kết các cá nhân với cộng đồng, trang web Stay Home for Singapore tổng hợp các liên kết dẫn đến hang loạt nội dung hữu ích như video luyện tập thể thao, cẩm nang nuôi dạy con và các câu chuyện cho trẻ em. Ngoài ra, trang web cũng là nơi tư vấn cho những người cần trợ giúp và cung cấp danh sách các tổ chức từ thiện, gây quỹ trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

 Giải pháp này được đưa ra sau khi chính phủ công bố biện pháp giãn cách xã hội trong suốt một tháng tại Singapore, yêu cầu người dân ngừng giao tiếp xã hội và các tiếp xúc vật lý với người thân. Mặc dù các biện pháp quyết liệt này mang đến cảm giác khác thường và có thể đi ngược lại bản năng tự nhiên, nhưng theo chính phủ Singapore, "kiến tạo tiềm năng phục hồi xã hội là động thái thiết yếu trong cuộc chiến chống lại virus corona trong tương lai".

 A-List - cẩm nang trực tuyến về nghệ thuật, văn hóa và giải trí - là một trong những liên kết nội dung trên cổng thông tin "Stay Home for Singapore".

 Các liên kết thông tin trên trang web này sẽ được cập nhật liên tục và được chia thành bốn nội dung chính:

 - "Thrive - Phát triển": gồm liên kết nội dung đến các triển lãm nghệ thuật trực tuyến, công thức nấu ăn và kế hoạch luyện tập thể dục, thể thao.

 - "Connect - Kết nối": gồm liên kết nội dung đến các nhóm cộng đồng như Tổ chức Hoạt động vì Hòa bình - Roses for Peace và các sáng kiến truyền thông xã hội như Thử thách #StayhomeforSG.

 - "Help Others – Trao đi sự giúp đỡ": với liên kết nội dung đến các sáng kiến tình nguyện hoặc quyên góp như ChopeAndSave, nơi mọi người mua thẻ quà tặng để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và chương trình dạy kèm miễn phí cho học sinh trong mùa COVID-19.

 - "Get Help – Nhận sự trợ giúp": cung cấp liên kết đến các dịch vụ tư vấn và dịch vụ chính phủ cho những người cần hỗ trợ tài chính, hoặc đơn giản là có nhu cầu muốn tâm sự cùng người khác. (VTV.vn 16/4)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More