Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 16-01-2020

Post date: 16/01/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.  Những điều cán bộ, công chức không được làm trong dịp Tết 2020. 1

2.10 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã bị xét xử trong năm 2019. 3

CHỈ THỊ MỚI 5

3.  Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

4. Kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ sáng hơn. 6

5.Ngành thuế tập trung thanh tra doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều năm.. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

6. “Đi cửa sau”, “chạy cửa sau”, phá vỡ trật tự xã hội, giết chết sự phát triển. 8

7.   Cần thiết phải hợp nhất sở, ngành. 10

QUẢN LÝ.. 12

8.  Ông Hồ Đức Phớc: Kiểm toán phải nêu gương trong phòng chống tham nhũng. 12

9. Năm 2020 Bộ TN&MT thanh tra các dự án bỏ hoang. 13

10.Hà Nội: Chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ trong các cơ quan, đơn vị hành chính. 14

11.Bộ trưởng lên tiếng vụ in tên Chủ tịch nước, Thủ tướng lên ấm chén. 15

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 16

12. Nhiều thủ tục “lỡ hẹn” kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. 16

13. Nghị quyết 02/NQ-CP : “Cú huých” mới cho cải cách. 17

14.Sơn La: Hiệu quả của phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến. 19

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 19

15. Nhiều lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp bị đề nghị kỷ luật 19

16. Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chấp nhận phán quyết của tòa án  20

17. TPHCM: Đình chỉ trung tâm đăng kiểm vì cho xe không đạt chuẩn “qua cửa”. 21

THẾ GIỚI 22

18. Mỹ siết chặt quy định đầu tư nước ngoài 22

19. Thủ tướng Nga từ chức. 22

 TIÊU ĐIỂM

Những điều cán bộ, công chức không được làm trong dịp Tết 2020

Cấm nhận quà và biếu quà trái quy định, cấm dùng xe công đi lễ chùa sau Tết, cấm uống rượu, bia, đi lễ hội, du xuân trong thời gian làm việc... là những điều cấm mà mọi cán bộ, công chức cần phải nhớ kỹ trong dịp Tết năm nay.

 Cấm nhận quà và biếu quà trái quy định

 Khoản 2 Điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức từ đối tượng có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

 Theo đó, trước đây, Luật chỉ cấm cán bộ, công chức, viên chức không được "nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất". Còn hiệu nay, phạm vi cấm đã mở rộng "dưới mọi hình thức".

 Qua đó, để công tác phòng chống tham nhũng được triệt để và quán triệt hơn với các hình thức quà tặng phi vật chất mà trước đây chưa được quy định trong Luật.

 Không chỉ vậy, theo Quy định số 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành, việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi nhất là các dịp lễ Tết để tặng quà, tiền, bất động sản… nhằm đạt được vị trí, chức vụ, quyền lợi là biểu hiện của chạy chức, chạy quyền.

 Trong dịp Tết năm 2020, nếu không thể từ chối được việc tặng quà thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xử lý bằng các cách nêu tại Điều 27 Nghị định 59/2019/NĐ-CP:

 - Quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá: Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước;

 - Quà tặng bằng hiện vật: Xác định giá trị quà tặng sau đó có thể quyết định bán hoặc công khai bán và nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan…

 Cấm dùng ngân sách Nhà nước đi biếu quà Tết

 Không chỉ cấm cán bộ, công chức đi tặng quà, biếu quà Tết sếp mà Nghị định 59 nêu trên còn cấm dùng ngân sách Nhà nước để tặng quà Tết lãnh đạo. Theo đó, tài sản công chỉ được dùng làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách (Điều 24).

 Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân dùng tài sản công không đúng thẩm quyền thì phải bồi hoàn và tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý.

 Theo đó, Điều 10 Nghị định 63/2019/NĐ-CP nói rõ: Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng với hành vi tặng cho tài sản công không đúng quy định (vi phạm Quy chế tặng quà do cơ quan Nhà nước ban hành)

 Cấm uống rượu, bia, đi lễ hội, du xuân trong thời gian làm việc

 Theo quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg năm 2016 của Thủ tướng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức không được uống các đồ có cồn như rượu, bia… trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc.

 Đồng thời, cũng tại Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng. Một trong số đó là hút thuốc lá, đi lễ hội, liên hoan, du xuân…

 Đặc biệt, trong Tết năm 2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức đã có hiệu lực từ 01/01/2020 thì quy định này đã được Luật hóa. Cán bộ, công chức, viên chức không được uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

 Cấm đánh bạc dưới mọi hình thức

 Nhiều người vẫn nghĩ chơi bài, đánh bạc chỉ là thú vui giải trí ngày Tết, tuy nhiên, đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, đặc biệt với cán bộ, công chức. Tại Chỉ thị 26, Thủ tướng Chính phủ cấm cán bộ, công chức không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.

 Ngoài ra, nếu đánh bạc cán bộ, công chức còn có thể bị: Xử phạt hành chính: Bị phạt tiền với mức cao nhất lên đến 20 triệu đồng (Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP); chịu trách nhiệm hình sự: Bị phạt tù cao nhất đến 07 năm tù (Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).

 Cấm dùng xe công đi lễ chùa sau Tết 

Theo Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng, tham nhũng được định nghĩa là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Trong đó, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dùng xe công đi lễ hội dịp Tết cũng là một trong những biểu hiện của tham nhũng.

 Tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc thậm chí là buộc thôi việc. Trong đó, căn cứ để áp dụng các hình thức kỷ luật là Điều 77 Nghị định 59 năm 2019 của Chính phủ.

 Không chỉ bị xử lý kỷ luật, trong một số trường hợp, cán bộ, công chức còn có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 10 - 20 triệu đồng (Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Nghị định 63 năm 2019 của Chính phủ). (Cafef.vn 15/01, PV)Về đầu trang

10 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã bị xét xử trong năm 2019

Sáng 15/1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã họp phiên thứ 17 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Nội dung của cuộc họp là đánh giá kết quả hoạt động năm 2019; thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020.

 Nhìn lại năm 2019, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nổi bật là đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực đời sống. Cụ thể là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN. Quốc hội đã thông qua 18 Luật, 20 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 100 Nghị định, 119 Nghị quyết, 37 Quyết định, 33 Chỉ thị.

 Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với hơn 420 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 3 tổ chức đảng và hơn 20 cán bộ diện Trung ương quản lý.

  Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

 Cũng trong năm 2019, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý 67 vụ án, 55 vụ việc, trong đó khởi tố mới và phục hồi điều tra 19 vụ án. Đáng chú ý, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

 Một kết quả nổi bật trong công tác PCTN là các cơ quan chức năng đã khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác giám định, định giá tài sản, giải mật, cung cấp hồ sơ, tài liệu; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt"; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương; góp phần khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

 Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng đánh giá cao Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTN góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

 Nhận định tổng quát, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định về cơ bản công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 đã tiếp tục được đà của năm 2018 đồng thời có một số kết quả mới nổi bật hơn năm ngoái. Do vậy, nếu trước đây, có một bộ phận tâm trạng nhân dân lo lắng, đặt câu hỏi công tác PCTN liệu có dừng nghỉ hay không? có tiếp tục làm nữa hay không? thì với kết quả PCTN nêu trên có thể khẳng định chắc chắn điều đó đã không xảy ra trong năm 2019. Thậm chí, có những mặt còn làm tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn như xử tội hối lộ, thu hồi tài sản, kinh nghiệm xét xử tại các phiên tòa. Có được những kết quả trên, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải phân tích và làm rõ được các nguyên nhân.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phân tích năm 2020 là năm quan trọng, có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý không được vin cớ chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XII để chùng xuống công tác PCTN mà thậm chí phải làm tốt công tác phòng chống tham nhũng hơn nữa để phục vụ đại hội thành công tốt đẹp. Cũng trong năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN yêu cầu tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. (VTV.vn 15/01)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

 Để đạt mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung thực hiện triệt để 12 giải pháp:

 1. Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2020.

 2. Xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam của từng ngành, từng địa phương theo giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

 3. Xác lập 01 đầu mối ở Trung ương và 01 đầu mối ở mỗi địa phương để thực hiện việc tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số.

 4. Xây dựng khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong giai đoạn 2020 - 2021. 

5. Xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh,…

 6. Cải cách các quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để cho phép đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ đánh giá hiệu quả dựa trên tổng mức đầu tư theo chu kỳ 3-5 năm, hoàn thành trong năm 2021.

 7. Đơn giản hoá các thủ tục quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tăng cường đầu tư cho ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

 8. Nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với nguồn vốn huy động từ xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

 9. Định hướng, hỗ trợ tối thiểu 5-10 doanh nghiệp công nghệ sốViệt Nam phát triển một số sản phẩm số trọng điểm quốc gia, trở thành trụ cột của hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trước năm 2025.

 10. Phát triển tối thiểu 5-10 nền tảng công nghệ số dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản phẩm số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đưa vào sử dụng trước năm 2025.

 11. Định kỳ tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

 12. Tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu thực hiện tốt chiến lược “Make in Viet Nam” và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm lực về nhân lực và tài chính đầu tư cho nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi, xây dựng nền tảng công nghệ số dùng chung, phát triển hệ sinh thái số cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm quốc gia; tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số; tăng cường đặt hàng nghiên cứu đối với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu để tạo ra giải pháp công nghệ số phục vụ doanh nghiệp. (Baochinhphu.vn 15/01, Minh Hiển)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ sáng hơn

Đó là nhận định chung về triển vọng kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo  “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

 Năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục đã tăng trưởng tích cực,  GDP tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% - 6,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD; số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12.5 tỷ đồng, cao nhất trong những năm trở lại đây…

 Năm 2020, mặc dù vẫn còn nhiều dự báo về những tiềm ẩn khó khăn, thách thức đối với đất nước. Điển hình như, những bất ổn về chính trị, chiến tranh thương mại, bảo hộ hàng hóa… trên thế giới.

 Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam: Năm 2019, dường như Việt Nam khá thuận lợi giữa những rủi ro của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, năm 2020 bên cạnh những thuận lợi thì rủi ro cũng hiệu hữu rõ nét, nếu chúng ta không nắm chắc và có những giải pháp ứng phó trước thì thách thức là rất lớn.

 Bên cạnh đó, tình hình trong nước cũng còn những khó khăn tồn tại như: Nguồn thu từ doanh nghiệp là nguồn thu bền vững nhất cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, 60% các doanh nghiệp làm ăn không có lãi trong năm 2019 dẫn đến nguồn thu không đạt dù đã hạ chỉ tiêu. Ngoài ra, 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, Cùng với 25 điểm chồng chéo về chính sách giữa các luật, các nghị định, các thông tư vẫn chưa được tháo gỡ đang gây áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

 Mặc dù vậy, nhìn về triển vọng năm 2020, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục sáng hơn. Ông Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ sáng sủa hơn và mở ra một thời kỳ mới.

 “Kinh tế Việt Nam thời điểm này so với 5 năm trước đã tốt hơn, những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng từng bị coi là "quả bom nổ chậm" hiện nay đã cực kỳ ổn định”,  ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

 Đồng thuận với đánh giá trên, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, từ góc độ thể chế, năm 2020 có cơ sở để hy vọng, mà đây là hy vọng không phải của tôi mà của các doanh nghiệp Mỹ mà tôi có liên quan. Theo dõi động thái Chính phủ trong vài năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có cơ sở tin rằng năm 2020 sẽ nhiều tin vui hơn tin buồn.

 Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, trong năm 2020, những điểm tắc nghẽn về đầu tư công trong năm 2019 sẽ được giải quyết, qua đó vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Điều này sẽ là động lực thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng cao… (Tapchitaichinh.vn 15/01)Về đầu trang

Ngành thuế tập trung thanh tra doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều năm

Năm 2020, Cục Thuế T.p Hồ Chí Minh sẽ thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp FDI phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh...

 Để tạo thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ công tác thuế 2020, đại diện Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2020, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với Kho bạc giải quyết một số vướng mắc và khó khăn nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế trong năm 2020.

 Đồng thời, Cục Thuế thành phố cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân phù hợp để giải quyết tận gốc rễ áp lực này.

 Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng thừa nhận, việc hoàn thuế thu nhập cá nhân vẫn còn một số bất cập. Hiện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang triển khai một số giải pháp để tháo gỡ những bất cập này.

 Trong đó, có nội dung kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân thêm một tháng so với trước đây được thể hiện trong Luật Quản lý thuế 2019 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020. Giải pháp dài hơi hơn là sẽ điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân, nhưng điều này cần thêm thời gian, có thể sẽ thực hiện trong giai đoạn 2020-2021…

 Theo ông Lê Duy Minh, trong năm 2020, Cục Thuế thành phố sẽ thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 19,5% số lượng người nộp thuế đang hoạt động.

 Theo đó, tập trung phân tích các hồ sơ có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn (dầu khí, xăng, điện lực, bất động sản), ngành nghề kinh doanh mới (kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, games…), các doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp xây dựng BOT, BT; doanh nghiệp có ưu đãi, miễn giảm thuế.

 Đặc biệt, ngành thuế sẽ tập trung thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn,  doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; các tổ chức cá nhân có giao dịch đáng ngờ.

 Coca-Cola và Heineken là hai doanh nghiệp đầu tiên trong danh sách các doanh nghiệp FDI sắp tới sẽ bị kiểm tra.

 Coca-Cola từng bị Cục thuế Tp.Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Cuối năm 2019, ngành thuế ban hành kết luận thanh tra và tiến hành truy thu, phạt Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam hơn 821 tỷ đồng.

 Heineken Việt Nam bị truy thu và phạt hơn 917 tỷ đồng với vi phạm được xác định trong thương vụ chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam vào năm 2018, trị giá hơn 4.800 tỷ đồng.

 Tại  hội nghị, ông Cao Anh Tuấn cũng cho biết, để chống chuyển giá, Việt Nam sẽ ban hành Luật trong thời gian sắp tới. Đây là công cụ để chống lại tập đoàn xuyên quốc gia có hành vi chuyển giá, trốn thuế. (TTXVN 15/01)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

“Đi cửa sau”, “chạy cửa sau”, phá vỡ trật tự xã hội, giết chết sự phát triển

Ở nước ta, “đi cửa sau” đã trở thành thói quen của nhiều người. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiều tiêu cực trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, làm chậm tiến trình xây dựng nền hành chính công hiện đại, gây mất công bằng xã hội. Vấn nạn “đi cửa sau” rất khó phát hiện và chưa thể chấm dứt nếu cán bộ, công chức, viên chức còn có tư tưởng thiếu tôn trọng pháp luật, kỷ luật và tranh thủ chức vụ, quyền hạn để “tăng gia”.

 Ngày 13/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với: Chu Bá Toàn, Phó chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Chi Ma và Hoàng Thanh Sơn, công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma vì tiếp tay cho các đối tượng khác mở tờ khai hải quan 72 chủng loại dược liệu (388 bao hàng) dưới dạng hoa quả khô, gây thất thu thuế cho nhà nước.

 Việc làm thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch tiếp tay cho buôn lậu của Chu Bá Toàn, Hoàng Thanh Sơn khiến dư luận nghi ngờ, liệu đây có phải là hành vi tiếp tay cho hiện tượng “chạy cửa sau” hay không?

 Một sự việc khác vừa xảy ra ở Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa bị phát hiện có biểu hiện “chạy cửa sau” cũng hết sức đáng lưu ý. Trong thời gian trước khi nhận quyết định nghỉ hưu (1-2-2020), bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã ký hàng loạt quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ sai với Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Dư luận cho rằng, việc làm sai quy định này liệu có trong sáng, thực sự vì sự phát triển của tổ chức hay nhằm thu lợi cá nhân.

 “Đi cửa sau” ra đời từ khi nào, nó khác với “đi cửa trước” ra sao và tại sao nó lại tồn tại dai dẳng cùng với nền hành chính nước nhà...? Đó là những câu hỏi mà nhiều chuyên gia về lĩnh vực pháp lý đã từng lý giải, đi tìm câu trả lời và đưa ra các biện pháp khắc phục nhưng chưa khả thi.

 Phân tích vấn đề này, luật sư Vũ Quang Dũng, Văn phòng Luật sư Quang Dũng và cộng sự (Đoàn Luật sư Bắc Ninh) cho biết, từ thời trước đổi mới (năm 1986), trong thực hiện nền kinh tế kế hoạch tập trung thì hiện tượng "đi cửa sau” đã xuất hiện.

 Bởi “đi cửa sau” tuy phải bỏ ra một lượng kinh phí để "lót tay, bôi trơn" nhưng lại được việc hơn so với người “đi cửa trước”; đỡ tốn thời gian, đỡ mất công sức chờ đợi và đỡ phải lo lắng... vì rất khó "vạch mặt, chỉ tên" sai phạm. Có rất nhiều lĩnh vực “đi cửa sau” trong xã hội chúng ta, ví dụ như làm các thủ tục giấy tờ về quyền sở hữu, sử dụng đất, khám sức khỏe, giám định thương tật cho quân nhân, nghỉ mất sức, thực hiện nghĩa vụ quân sự...

 Sang đến thời kỳ đổi mới và đặc biệt là nhiều năm gần đây, “đi cửa sau” không chỉ có ở cá nhân mà đã phát triển ở mức cao hơn là “chạy cửa sau”. Điển hình, như: Chạy trường, chạy lớp, chạy bằng cấp, chạy việc, chạy chức, chạy quyền... mà cao hơn là cơ quan, đơn vị, địa phương chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy nhiệm vụ, chạy biên chế, chạy án, chạy dự án...

 Dù nền hành chính đã được số hóa khiến hiện tượng "đi cửa sau", "chạy cửa sau"  đã giảm nhưng trong thực tế nó vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực trong các cơ quan công quyền, kéo lùi sự phát triển của xã hội.

 Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng “đi cửa sau” rồi phát triển thành “chạy cửa sau” là do hệ thống văn bản hành chính chậm đổi mới, quá nhiêu khê, qua nhiều cấp, nhiều ngành cùng phối hợp quản lý nên khiến cho người dân đi làm các thủ tục như “đi vào ma trận”.

 Thứ nữa là do không ít cán bộ, công chức, viên chức cũng muốn thông qua cơ hội này để “chấm mút”, làm “tăng gia” cải thiện đời sống vốn chỉ trông vào đồng lương chưa thể đủ trang trải cuốc sống.

 Lợi ích từ “chạy cửa sau” đã mang lại lợi ích rất lớn cho những người làm trong cơ quan công quyền nên hình thành những đường dây liên kết chặt chẽ. Đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng cán bộ thoái hóa biến chất, lạm quyền, lộng quyền và quyết tất mọi thứ, cho dù vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương như hai ví dụ nêu ở trên.

 Bởi trong thâm tâm họ, món lợi trước mắt từ bảo kê cho “chạy cửa sau” mang lại có sức hấp dẫn lớn hơn vinh dự, trách nhiệm, quyền hạn và bản lĩnh chính trị, lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.

 Theo bà Nguyễn Thị Linh, cán bộ nghỉ hưu tại phường Phúc Lợi (Hà Nội), “đi cửa sau” hay “chạy cửa sau” cứ mặc nhiên tồn tại trong thời gian dài gây ra mất công bằng xã hội trầm trọng, làm thất thoát nguồn lực con người và tài sản Nhà nước ở các mức độ khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp đẻ ra “lợi ích nhóm” mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn.

 Tuy nhiên, việc “đi cửa sau”, “chạy cửa sau” để đạt được mục đích thông qua "lót tay, bôi trơn" còn dẫn đến hệ lụy xấu trong xã hội. Nhiều thành phần trong xã hội đã lợi dụng việc này để lừa đảo, trong đó phổ biến nhất là hiện tượng lừa chạy việc vào các cơ quan nhà nước mà gần như địa phương nào cũng có. Xin đưa ra một ví dụ điển hình.

 Cuối năm 2019, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Trần Trọng Quyền (sinh năm 1984, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng) 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các bị cáo khác trong đường dây lừa chạy việc vào cơ quan nhà nước do Quyền cầm đầu cũng lĩnh án từ 10 năm đến 12 năm với cùng tội danh.

 Trước đó, Trần Trọng Quyền giới thiệu quen nhiều lãnh đạo các ngành công an, y tế nên có khả năng xin cho nhiều người vào làm việc với mức “chi phí” từ 550-800 triệu đồng/suất. Quyền đã làm giả các giấy tờ, như: Thư đề nghị, thông báo tuyển dụng, quyết định tuyển dụng của Bộ Công an và Bộ Y tế, có dấu đỏ… rồi chụp ảnh bằng điện thoại, đưa cho đồng bọn gửi đến các bị hại, lấy lòng tin.

 Đã có 8 trường hợp nộp gần 5 tỷ đồng cho Quyền và đồng bọn để xin việc nhưng đạt mục đích và bị kiện ra tòa và bị lĩnh các mức án nặng khác nhau như đã trình bày.

 Có thể dẫn ra hàng nghìn trường hợp "đi cửa sau", "chạy cửa sau" trong đội ngũ công chức để chứng minh. Điều đó cho thấy, thói quen “đi cửa sau”, “chạy cửa sau”, khi gặp việc gì cũng nghĩ đến "lót tay, bôi chơn"... là điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực tồn tại và lan rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc này đã khiến cho cán bộ, công chức hình thành tâm lý coi đây là một đặc quyền, đặc lợi, là vấn đề mặc nhiên, tất yếu khi thực thi công vụ.

 Đặc biệt, việc này đã dẫn tới tâm lý phổ biến trong nhiều cán bộ, công chức, coi tài sản của Nhà nước là "của chùa", sử dụng lãng phí, bỏ mặc không có người coi giữ, thậm chí bị chiếm đoạt, nhưng không có ai lên tiếng phản đối... (Viettimes.vn 14/1, Lan Phạm) Về đầu trang

Cần thiết phải hợp nhất sở, ngành

Chủ trương của Chính phủ là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, vì dân. Muốn vậy, một trong những yếu tố đầu tiên là cơ cấu tổ chức phải gọn nhẹ. Do đó, việc sáp nhập các bộ, ngành ở Trung ương, sở, ngành và phòng, ban ở địa phương là việc cần thiết.

 Bộ Nội vụ đang được giao nhiệm vụ tổng kết tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và chuẩn bị xây dựng các phương án bộ máy Chính phủ của nhiệm kỳ tới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ mới là tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, giảm áp lực cho ngân sách.

 Theo đó, ngày 3/12/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành thông báo đăng ký thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.

 Các địa phương được phép đăng ký thí điểm hợp nhất 8 sở, ngành, trong đó Sở Tài chính và Sở Kế hoạch Đầu tư hợp nhất thành Sở Tài chính và Kế hoạch. Sở Giao thông Vận tải hợp nhất với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng. Sở Nội vụ được thí điểm hợp nhất với Ban tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh.

 Cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ, và tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ. Thanh tra cấp tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy có thể thí điểm hợp nhất thành cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp tỉnh.

 Còn tuyến bộ, sẽ được nghiên cứu để đề ra giải pháp thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo...

Đây không phải là vấn đề mới, vì từ năm 2001, khi vận hành Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hợp lý.

 Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, rất nhiều ĐBQH đã có ý kiến và đề xuất Chính phủ nên hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính thành Bộ Kế hoạch – Tài chính.

 Tương tự, nên sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải với Bộ Xây dựng, tránh tình trạng chồng chéo trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

 Như Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói: “Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tổng kết và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

 Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều cần nghiên cứu xem xét giảm cấp phó, giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách thức làm việc… Cần làm sao để chức năng, nhiệm vụ của tất cả các cơ quan phải hướng đến phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

 Thực tế, đến  nay mới có 15 trong 63 tỉnh, thành đã gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm sáp nhập sở, ngành cấp tỉnh và phòng, ban cấp huyện. Dĩ nhiên, số tỉnh, thành đăng ký chưa đủ để thực hiện thí điểm vì để thí điểm thì ít nhất 20% của 63 tỉnh, thành, nên Bộ Nội vụ vẫn phải tiếp tục gửi văn bản yêu cầu các địa phương khác đăng ký.

 Tức là, dù đó là yêu cầu cấp thiết, việc làm mang tính chất cải cách, nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn của ngành nội vị. Vì cái khó nhất hiện nay khi sáp nhập các đơn vị, sở ngành là vấn đề lợi ích của các cá nhân, đơn vị.

 “Trong cải cách tổ chức bộ máy, giảm quyền anh, quyền tôi thì sẽ tăng lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân. Vì triết lý này, một số cá nhân ở những vị trí nhất định phải chấp nhận để đạt được mục tiêu có lợi chung cho đất nước. Tuy nhiên, cũng cần làm tốt công tác giáo dục tư tưởng để cán bộ có sự chia sẻ, đồng thuận và thống nhất thực hiện bằng ý thức gương mẫu của người đảng viên”  - ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

 Dẫu vậy, vẫn cần coi sáp nhập các sở, ban, ngành cùng chức năng là bước đột phá về cải cách bộ máy hành chính nhằm thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Vì lẽ đó, nhiệm vụ có khó mấy chúng ta phải bằng mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ này. (Enternews.vn 14/1, Hải Đăng) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ông Hồ Đức Phớc: Kiểm toán phải nêu gương trong phòng chống tham nhũng

Chiều 15/1, Kiểm toán nhà nước tổ chức tọa đàm kiểm toán hoạt động ngân sách cấp huyện. Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dù là một cuộc kiểm toán loại hình gì thì bao giờ cũng được lồng ghép, trong kiểm toán hoạt động có kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính. Tuy nhiên, từ các cuộc kiểm toán hoạt động sẽ tìm ra trách nhiệm trong quản lý, điều hành, quản lý đầu tư công, tài chính công của người đứng đầu.

 “Lâu nay chúng ta chỉ kiểm toán về tài chính và kiểm toán tuân thủ, cùng lắm chỉ đến được với cấp Ban quản lý dự án. Chỉ có kiểm toán hoạt động mới làm rõ được trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Phải đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện, triển khai dự án đầu tư thì mới đánh giá được trách nhiệm của chủ đầu tư, rồi đến trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu như Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp Bộ, ngành. Những vi phạm trong đấu thầu, chỉ định thầu… cứ dồn lên và người quản lý phải chịu trách nhiệm, như vậy kiểm toán mới làm rung chuyển”, ông Phớc cho hay.

 Ông Phớc dẫn dụ, khi kiểm toán ngân sách cấp huyện, thay vì giao dự toán không đúng quy định, bên ra Nghị quyết là HĐND, nhưng trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách liên quan đến các khoản chi ngoài thì có trách nhiệm của ông chủ tịch UBND trong quản lý điều hành. Cần phải làm rõ, xem việc thực hiện quy định về quản lý ngân sách của ông có đúng không?

 Ông Hồ Đức Phớc lưu ý, sau cuộc kiểm toán, mỗi đoàn phải ngồi lại, trao đổi thậm chí tranh luận với nhau, đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó mới có kết luận, kiến nghị đúng, mới tạo ra sự rung chuyển. Theo ông, nếu cơ quan kiểm toán mà không nắm chắc được pháp luật, hoặc không coi trọng nghiệp vụ thì dễ đưa ra kết luận sai, từ đó gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến uy tín của ngành.

 Đặc biệt Tổng Kiểm toán cũng nhấn mạnh, tới đây ngành sẽ phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều lần khi Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ trách nhiệm với thanh tra, kiểm toán. “Các đối tượng được kiểm toán có quyền kiện chúng ta ra tòa. Chúng ta và đối tượng được kiểm toán bình đẳng trước pháp luật và người phán quyết đúng sai là quan tòa. Cho nên kiểm toán viên phải tinh thông về nghiệp vụ, nắm chắc về pháp luật và phải có phương pháp tốt, như vậy mới đưa ra kết luận đúng”, Tổng kiểm toán cho hay.

 Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, trong năm 2019, ngành kiểm toán đã xử lý tài chính 72 nghìn tỷ đồng, chuyển 82 vụ việc cho các cơ quan, trong đó có 5 vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra… Trong đó các đoàn viên thanh niên trong ngành kiểm toán có vai trò quan trọng, tạo ra sức sống của Kiểm toán nhà nước, nên phải tranh luận, không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đóng góp nhiều hơn cho ngành và cho đất nước.

 “Bản thân tôi cũng thường xuyên phải tranh luận ngay tại diễn đàn Quốc hội cũng như tại cuộc họp Chính phủ, tranh luận với các Bộ, ngành, các cơ quan thanh tra khi có kết quả trái ngược với Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán cũng giống như phi công, càng bay nhiều giờ càng có nhiều kinh nghiệm.

 Khi đúc rút được nhiều kinh nghiệm, có nhiều sáng tạo mới, từ đó người ta sẽ nhìn kiểm toán chúng ta bằng con mắt khác, còn nếu cứ theo lối mòn, không đổi mới cải cách thì chúng ta sẽ thất bại”, ông nhấn mạnh. 

Đề cập đến vấn đề đạo đức công vụ, Tổng kiểm toán viện dẫn trường hợp vừa qua cơ quan thanh tra đi kiểm toán ở một địa phương, đã tiến hành lập biên bản vì hối lộ đoàn thanh tra. “Sau khi yêu cầu đứng nghiêm, lập biên bản, họ run rẩy khóc và xin xỏ. Ngành kiểm toán phải đề cao giá trị, đạo đức nghiệp vụ, đặc biệt chúng ta đang thực hiện chống tham nhũng trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng, nên ngành mình phải nêu gương”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh. (Tienphong.vn 15/01, Luân Dũng)Về đầu trang

Năm 2020 Bộ TN&MT thanh tra các dự án bỏ hoang 

Trong chương trình hành động năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị trực thuộc tại các địa phương tập trung thanh tra đối với các dự án đầu tư để lãng phí, hoang hóa đất đai, quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, việc thực hiện các quy định về điều kiện khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký quyết định ban hành chương trình hành động của Bộ này nhằm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

 Theo đó, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở TN&MT các địa phương hoàn thành việc rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành. Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận.

 Đồng thời, tập trung thanh tra đối với các dự án đầu tư để lãng phí, hoang hóa đất đai, quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, việc thực hiện các quy định về điều kiện khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác. Thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khai thác thực tế tại một số mỏ đá vôi, đá sét làm xi măng; đá ốp lát; mỏ cao lanh.

 Đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, Bộ này yêu cầu cần hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.

 Trong chương trình hành động, quý II/2020, Bộ này sẽ trình Chính phủ ban hành cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất để nâng cao chỉ số đăng ký tài sản (A7) lên từ 10 đến 15 bậc, rút ngắn thời gian thực hiện đăng ký tài sản trên thực tế xuống còn không quá 30 ngày.

 Phối hợp với tòa án nghiên cứu đề xuất các giải pháp công khai số liệu về giải quyết tranh chấp đất đai, rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc về tranh chấp đất đai.

 Thực hiện việc đấu giá đất công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại. Hoàn thành dứt điểm việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại. Đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. (Thời báo kinh doanh 15/01)Về đầu trang

Hà Nội: Chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ trong các cơ quan, đơn vị hành chính

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Công văn số 121/UBND-NC, yêu cầu các sở, cơ quan tương đương; UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

 Theo đó, các cơ quan, đơn vị hành chính thành phố tiếp tục phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; kiểm tra, giám sát, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; thực hiện nghiêm nội quy, quy chế làm việc; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy trình giải quyết công việc, cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ; tiếp nhận, xác minh thông tin phản ánh về công tác tổ chức cán bộ, xử lý vi phạm theo thẩm quyền (nếu có); sử dụng biên chế, lao động hợp đồng đúng chỉ tiêu được giao; không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn trong cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện việc nâng bậc lương, việc lưu trữ hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng quy định.

 Bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức theo đúng đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Thường xuyên rà soát điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; kiên quyết thu hồi quyết định bổ nhiệm hoặc không bổ nhiệm lại đối với những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định...

 Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức. (Hanoimoi.com.vn 14/1, Thúy Nga) Về đầu trang

Bộ trưởng lên tiếng vụ in tên Chủ tịch nước, Thủ tướng lên ấm chén

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc gắn tên lãnh đạo Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ... lên sản phẩm để phục vụ mục đích thương mại khi các cơ quan này không đặt hàng là việc làm "giả danh".

 Mới đây, theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cơ quan này vừa phạt một hộ kinh doanh đồ sành sứ tại Bát Tràng 6 triệu đồng vì bán hàng có nhãn ghi chữ viết, biểu tượng liên quan đến các lãnh đạo nhà nước không đúng sự thật và không có giấy phép kinh doanh.

 Về việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết việc gắn tên lãnh đạo Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ... lên sản phẩm để phục vụ mục đích thương mại khi các cơ quan này không đặt hàng là việc làm "giả danh". Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh việc này cần phải lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định.

 Văn phòng Chính phủ không đặt hàng ở Bát Tràng và việc giả danh in lên sản phẩm để phục vụ mục đích thương mại khi các cơ quan này không đặt hàng cần phải lên án. Việc giả danh gắn tên Thủ tướng, các cơ quan nhà nước vào sản phẩm để phục vụ mục đích kinh doanh, mục đích tạo quan hệ, ngoại giao được cảnh báo có thể gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của lãnh đạo, cơ quan Nhà nước và những bên liên quan.

 Như Dân Việt thông tin, trong thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xôn xao thông tin về một cơ sở gốm sứ sản xuất các sản phẩm ấm, chén uống nước có ghi thông tin “Chủ tịch nước tặng”, “Thủ tướng chính phủ tặng”.

  Sau đó, lực lượng QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh đồ sành sứ Trần Thị Kim Hoa (xóm 4, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) và phát hiện cơ sở đang bày bán 35 bộ ấm chén uống trà trên nhãn ghi: Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ tặng, ước tính, lô hàng có trị giá khoảng 11.200.000 đồng.

 Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình được các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

 Theo QLTT, với hành vi kinh doanh hàng hóa không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi chữ viết, biểu tượng không đúng sự thật, Cục QLTT Hà Nội đã ra Quyết định xử phạt cơ sở kinh doanh của bà Trần Thị Kim Hoa 6 triệu đồng. Đồng thời, buộc hộ kinh doanh phải tự huỷ bỏ thông tin sai phạm trên sản phẩm và gỡ bỏ thông tin quảng cáo trên mạng xã hội.” đại diện QLTT Hà Nội thông tin.

 Trước đó, cơ sở kinh doanh này rao bán bộ ấm chén in tên Thủ tướng, Chủ tịch nước trên mạng xã hội. Sản phẩm được hộ kinh doanh này rao bán theo bộ gồm 1 hộp lụa, 1 túi xách, 6 chén, 7 đĩa và một ấm.

 Sản phẩm được vẽ vàng 24k và được quảng cáo là chuẩn gốm bát tràng. Nhân viên tư vấn cho biết 1 bộ ấm chén cao cấp có giá 1.200.000 đồng/bộ đang thanh lý còn 690.000 đồng/bộ và được miễn phí ship.

 Ngoài ra, tại website: Gomsuhoanmy.com của xưởng sản xuất Gốm sứ Hoàn Mỹ - Gốm sứ Bát Tràng (có địa chỉ tại số 51 Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) quảng cáo bộ ấm chén Văn phòng Chính phủ có giá 320.000 đồng, sản phẩm được in logo vàng kim và là bộ ấm trà chất liệu cao cấp nhất được sản xuất tại Bát Tràng. Khi mua bộ ấm chén Văn phòng chính phủ này làm quà tặng, người tiêu dùng phải mua thêm hộp xi đỏ in nhũ lót lụa 25.000 đồng. Nếu khách hàng có nhu cầu in tên, logo của công ty, để làm quà tặng dịp Tết cho công nhân viên, khách hàng và đối tác phải cộng thêm 20.000 đồng vào giá thành sản phẩm.  (Danviet.vn 15/01, PVCT)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Nhiều thủ tục “lỡ hẹn” kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Năm 2019, mục tiêu đặt ra cho các bộ, ngành là kết nối 51 thủ tục mới vào Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) nhưng đến nay mới đi được khoảng 1/3 chặng đường.

 Trong năm 2019, Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thống nhất quy trình nghiệp vụ, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để mở rộng thực hiện các thủ tục mới thông qua NSW.

 Hết năm, đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 2,7 triệu hồ sơ của trên 35.000 doanh nghiệp.

 Theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai NSW đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính. Qua đó, các doanh nghiệp không phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành thủ tục hành chính, giúp giảm chi phí, thời gian thông quan.

 Đồng thời, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay.

 Tuy nhiên, điểm đáng quan tâm là thực tế kết nối trong năm 2019 chưa được như mục tiêu đặt ra.

 

Cụ thể, theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ- Chủ tịch Ủy ban 1899 (tại các Thông báo kết luận số 105/TB-VPCP ngày 22/3/2019 và số 292/TB-VPCP ngày 15/8/2019 của Văn phòng Chính phủ), năm 2019 các bộ, ngành cần triển khai mới 61 thủ tục hành chính.

 

Theo tổng hợp kết quả rà soát của các bộ, ngành về việc điều chỉnh Quyết định số 1254/QĐ-TTg 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã giảm số lượng thủ tục cần triển khai trong năm 2019 còn 51 thủ tục.

 

Đến nay, đã triển khai được 15/51 thủ tục (29,4%), đang trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng kết nối 22/51 thủ tục, qua đó nâng tổng số lên 37/51 thủ tục (72,5%). Dự kiến đến hết quý I/2020, sẽ hoàn thành triển khai 51 thủ tục hành chính trên NSW.

 

Được biết, việc triển khai các thủ tục hành chính trong năm 2019 qua NSW còn chậm so với kế hoạch đề ra do các bộ, ngành cần tập trung để rà soát, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, cũng như triển khai mở rộng nên nguồn lực bị phân tán, chưa tập trung đầy đủ cho triển khai các thủ tục mới.

 Bên cạnh đó, với mỗi thủ tục hành chính, cần ít nhất 3-4 tháng để hoàn thành các bước khi triển khai trên NSW. Ngoài ra, việc thực hiện NSW ngày càng có nhiều nội dung cần đổi mới toàn diện về pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin… mất nhiều thời gian để rà soát, xây dựng và thực thi…

 Trong năm 2019 tiếp tục ghi nhận nỗ lực của Việt Nam thực hiện ASW. Năm qua, chúng ta đã trao đổi thông tin C/O mẫu D với quốc gia mới là Brunei (từ ngày 1/4/2019) và Campuchia (từ 15/7/2019). Như vậy, đến nay nước ta đã kết nối ASW với 6 quốc gia trong khu vực (trước đó đã kết nối chính thức với 4 nước: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan từ ngày 1/1/2018).

 Hết năm 2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 156.878 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 194.058 C/O.

 Ngoài ra, tháng 12/2019, Việt Nam đã kết nối thử nghiệm với Myanmar và Lào, dự kiến kết nối chính thức trong tháng 1/2020.

 Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật (xây dựng thông điệp thử nghiệm, kiểm tra kết nối...) để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (đang thí điểm với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (đang thí điểm với Indonesia)...

 Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu (hiện đang kiểm thử việc trao đổi thông tin tờ khai và cấu hình kênh truyền VPN); đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc… (Haiquanonline.com.vn 14/1, Thái Bình) Về đầu trang

Nghị quyết 02/NQ-CP : “Cú huých” mới cho cải cách

Trong bối cảnh nỗ lực cải cách các chỉ số môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam được Chính phủ đẩy mạnh, sự ra đời của Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được xem như một “cú huých” mới, động lực cải cách liên tục, định hướng đến năm 2021.

 Thông tin tại cuộc họp giữa Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018. Mặc dù cải cách thủ tục này ở từng bộ đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác phối hợp giữa các bộ còn chưa tốt, còn tình trạng ùn ứ từ việc liên thông, kết nối, chuyển từ thủ tục giấy sang điện tử.

 Để cải thiện chỉ số này, cần có sự quyết tâm của các cơ quan liên quan trong nỗ lực giảm số thủ tục khởi sự kinh doanh từ 8 xuống còn 4 thủ tục, tích hợp thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN) ngay trong năm 2020. Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam tập trung cải cách thủ tục này trong nửa đầu năm 2020, Chỉ số Khởi sự kinh doanh hoàn toàn có thể tăng lên hàng chục bậc trong Bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).

 Tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số này lên 10 - 15 bậc với nhiều giải pháp. Cụ thể, ngay trong quý I, Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành, đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày theo quy định…

 Bên cạnh mục tiêu nâng bậc chỉ số Khởi sự kinh doanh lên 10 - 15 bậc, Nghị quyết 02/NQ-CP còn đặt quyết tâm cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Nghị quyết yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ ĐKKD đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019. Công khai bảng so sánh các ĐKKD trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa, hoàn thành trong tháng 1/2020. Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

 Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc cắt giảm ĐKKD thời gian qua mới dừng ở cấp nghị định, thực tế còn nhiều ĐKKD quy định trong các luật đang gây khó khăn cho DN. Công tác rà soát sơ bộ cho thấy, hiện có khoảng 38 luật có quy định về ĐKKD đang trở thành rào cản đối với DN.

 Mặt khác, các ĐKKD trong luật thường rất chung chung, cách làm này tạo ra bất cập vì cơ quan nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn tới thừa, thiếu, không đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch của quy định, nhưng do các điều kiện này đã có trong luật nên cấp nghị định không thể bãi bỏ được.

 Do vậy, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành ĐKKD trong các dự thảo luật, nghị định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu các địa phương thực thi đúng, đầy đủ những quy định ĐKKD đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm ĐKKD dưới mọi hình thức.

 Theo các chuyên gia, việc cải thiện MTKD Việt Nam chỉ từ phía Chính phủ là chưa đủ. Chính vì vậy, Nghị quyết 02/NQ-CP đã nêu rõ mục tiêu, giải pháp đã có, cùng với đó là sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt của các cơ quan bộ, ngành, địa phương. Theo đó, tất cả cùng phải chuyển động về một hướng. Tạo dựng MTKD tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng DN. (Congthuong.vn 15/1, Thu Trang) Về đầu trang

Sơn La: Hiệu quả của phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến

Thay vì phải lưu trữ và quản lý thông tin lưu trú qua các loại giấy tờ, Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có thể cập nhật, tổng hợp danh sách, thông tin của các cơ sở lưu trú và những người đến lưu trú, tạm trú trên địa bàn huyện bằng cách tra cứu trên phần mềm quản lý lưu trú.

 Không cần phải chờ đến cuối ngày nộp thông tin khách lưu trú về Công an huyện. Giờ đây, với phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến, nhân viên lễ tân chỉ cần 2 phút có thể hoàn thành công việc này. Cũng chừng đó thời gian. Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ nắm rõ được thông tin chi tiết của cơ sở từ số lượng phòng đã đặt, số người đang lưu trú.

 Ông Lê Việt Ánh, Giám đốc, Phó Giám đốc Resort Thảo Nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Trước đây chúng tôi chúng tôi chủ yếu áp dụng theo phương pháp thủ công rất mất thời gian. Từ ngày áp dụng phần mềm này thì thấy tiết kiệm thời gian. Nếu lần sau khách quen đến thì nhân viên lễ tân có thể nhập dữ liệu rất nhanh chóng. Ngoài ra, phần mềm có tiện ích cảnh báo nếu khách lưu trú quá thời gian đăng ký.

 Việc thông báo lưu trú qua mạng Internet không chỉ giúp cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, công sức cho cơ sở kinh doanh mà còn tạo điều kiện trong  việc tra cứu thông tin phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an thuận lợi hơn. Thông qua thông tin lưu trú từ các cơ sở, lực lượng công an đã kịp thời phát hiện nhiều đối tượng truy nã, đối tượng phạm tội hoạt động lưu động lẩn trốn trên địa bàn.

 Trung tá Mai Hoàng, Trưởng Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói: Tôi cho rằng đây là bước tiến vượt bậc của lực lượng công an miền núi, được nhân dân đánh giá cao . Từ đó việc quản lý hành chính đã rất tốt vấn đề quản lý cư trú tạm trú trên địa bàn. Chúng tôi nhận thức rõ việc áp dụng KHCN đó là biện pháp rất quan trọng.

 Hệ thống phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến mới được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2019, nhưng đã tạo được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các đơn vị và các cơ sở lưu trú. Đến nay, Công an huyện Mộc Châu đã cấp tài khoản cho 180/239 cơ sở lưu trú trên địa bàn, với trên 33 nghìn lượt khai báo qua hệ thống phần mềm này. (Cand.com.vn 15/01, Trung Hiếu) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Nhiều lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp bị đề nghị kỷ luật

Chiều 14/1, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TPHCM, bà Lê Thị Kim Loan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ đã họp và thống nhất đề nghị hình thức kỷ luật về mặt Đảng đối với chánh án và hai phó chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp.

 Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ đã thống nhất đề nghị cách chức ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với ông Nguyễn Thành Thơ, Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp; mức cảnh cáo đối với hai phó chánh án là bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Văn Mỹ.

 Ngoài ra, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp còn thống nhất đề nghị kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Thông, Chánh văn phòng TAND tỉnh.

 Theo bà Loan, do đây là nhân sự cần trao đổi ý kiến với TAND Tối cao, nên Tỉnh ủy đang hoàn tất hồ sơ gửi TAND Tối cao để trao đổi thêm ý kiến, sau đó sẽ triển khai các phần việc tiếp theo.

 Cũng theo bà Loan, trước đó UBKT Tỉnh ủy đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại TAND tỉnh Đồng Tháp với số tiền hàng tỉ đồng, trong đó có sai phạm về việc lập quỹ để ngoài sổ sách.

 Lý do ông Thơ bị đề nghị kỷ luật là vì các sai phạm của Ban cán sự đảng TAND tỉnh, trong sai phạm này không có dấu hiệu tư túi. Tại tòa án xảy ra việc lập quỹ để ngoài sổ sách và từ nguồn này đã sử dụng sửa chữa trụ sở, xây dựng hai sân tennis khi chưa có ý kiến của TAND Tối cao. (Danviet.vn 15/01, Hải Dương)Về đầu trang

Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chấp nhận phán quyết của tòa án

Ngày 14/1, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Tín cho hay, ông Nguyễn Hữu Tín không kháng án, chấp nhận 7 năm tù mà tòa án đã tuyên phạt đối với ông.

 “Ông Tín nói rằng rất đau lòng, vì quá tin tưởng cấp dưới và vì an ninh quốc gia mà hỗ trợ cho thuê đất 15 Thi Sách để làm trụ sở theo đề nghị của Bộ Công an” – luật sư Huyền Trang thuật lời ông Tín.

 Giải thích quyết định không kháng án, luật sư của ông Tín nói rằng, ông Tín không thể ngờ lại bị người khác lợi dụng chính sách an ninh, từ một quyết định sai lầm dẫn đến hủy hoại tất cả.

 Hôm 31/12/2019, TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm, phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) 7  năm tù, Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) 6 năm 6 tháng tù, Trương Văn Út (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM) 5 năm tù,  Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM) 4 năm tù và Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng Phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TPHCM) 3 năm tù -  cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

 Bản án của Tòa nêu, năm 2014, Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’, Chủ tịch HĐQT Cty  CP XD Bắc Nam 79) đã lợi dụng danh nghĩa “tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an” ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký các văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách, quận 1, TPHCM  nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an.

 Ông Nguyễn Hữu Tín khi tiếp nhận đề nghị về việc cho phép Cty CP XD Bắc Nam 79 được trực tiếp ký hợp đồng thuê đất tại số 15 Thi Sách thì đã không báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM (lúc này là ông Lê Hoàng Quân), không giao Ban Chỉ đạo 09 tham mưu đề xuất mà đã bút phê chỉ đạo Sở TN&MT hướng dẫn thủ tục.

 Các ông Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út đã tham mưu cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định. 

Nhận được nhà đất 15 Thi Sách, Vũ ‘nhôm’ không sử dụng vào mục đích hoạt động nghiệp vụ của ngành mà thực hiện dự án xây dựng trên khu đất 15 Thi Sách nhằm thu lợi cá nhân. (Tiền Phong 15/01, Tân Châu)Về đầu trang

TPHCM: Đình chỉ trung tâm đăng kiểm vì cho xe không đạt chuẩn “qua cửa”

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết vừa đình chỉ hoạt động Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-13D tại huyện Bình Chánh, TP.HCM vì đã cấp kiểm định cho 2 xe không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

 Trước đó, ngày 6-1, tổ kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm phúc tra chất lượng kiểm định 2 ôtô biển kiểm soát 51C-716.02 và 62C-054.23 đã được Trung tâm đăng kiểm 50-13D kiểm định, cấp chứng nhận kiểm định.

 Kết quả phúc tra cho thấy xe 62C- 054.23 có lốp bị rách, đèn lùi không hoạt động, đèn chiếu sáng không đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật, phanh xe không đạt yêu cầu; bầu phanh trục bị rách, khung xe được gia cố thêm...

 Còn xe 51C-716.02 đèn lùi không hoạt động, đèn chiếu sáng không đảm bảo tiêu chuẩn, phanh tay không đạt yêu cầu, rô-tuyn dọc trước rơ lắc, bulông các-đăng lỏng.

 Cục Đăng kiểm xác định trách nhiệm trực tiếp để lọt các vi phạm trên thuộc về đăng kiểm viên Nguyễn Phước Quang, Lê Quang Đồng, Trương Văn Long.

 Ngoài việc đình chỉ hoạt động 1 tháng đối với 3 đăng kiểm viên nói trên, cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-13D thuộc Công ty CP Đăng kiểm Bình Chánh kể từ giữa tháng 1-2020.

 Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm cũng vừa có quyết định đình chỉ hoạt động 1 dây chuyền kiểm định của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 34-02D tại Hải Dương thuộc Công ty TNHH Bình Minh EPC, Hải Dương.

 Lý do, ngày 3-1, tổ kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm phát hiện đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm 34-02D bỏ qua lỗi cơi nới chiều cao của thùng xe vượt mức thiết kế đối với 2 xe tải biển kiểm soát 14C-107.73 và 14C-106.05.

 Các đăng kiểm viên vẫn kết luận 2 xe trên đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và được Trung tâm đăng kiểm 34-02D cấp giấy chứng nhận kiểm định. Hai đăng kiểm viên và một nhân viên kỹ thuật liên quan bị đình chỉ công việc 1 tháng.

 Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng có quyết định đình chỉ hoạt động 1 tháng đối với 2 đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 74-02S và 74-03D ở Quảng Bình do bỏ qua quy trình, tiêu chuẩn kiểm định và chứng nhận hạng mục kỹ thuật của xe đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng thực tế xe không đạt yêu cầu về kỹ thuật. (Tuoitre.vn 15/01, Tuấn Phùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Mỹ siết chặt quy định đầu tư nước ngoài

Tổng thống Mỹ sẽ được tăng thêm quyền hạn trong việc rà soát và ngăn chặn các thương vụ đầu tư nước ngoài nhạy cảm có thể đe dọa an ninh quốc gia.

 Các quy định mới nghiêm ngặt hơn của Mỹ về đầu tư nước ngoài tới đây sẽ cho phép Tổng thống rà soát và ngăn chặn các thương vụ đầu tư nước ngoài nhạy cảm có thể đe dọa an ninh quốc gia.

 Theo điều chỉnh mới, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) sẽ được gia tăng quyền hạn cao nhất đối với tất cả các khoản đầu tư liên quan đến công nghệ, cơ sở hạ tầng then chốt cũng như dữ liệu cá nhân. Các quy định mới này sẽ giúp thực thi những cải cách mà Quốc hội Mỹ đã ban hành năm 2018 trước những lo ngại ngày càng gia tăng về hoạt động do thám kinh tế của Trung Quốc, dù giới chức nước này cho biết các biện pháp không nhắm đến bất kỳ một quốc gia nào.

 Trong báo cáo thường niên mới nhất được Bộ Tài chính Mỹ công bố, số giao dịch bị "đưa vào tầm ngắm đánh giá thẩm định" liên quan đến Trung Quốc đã tăng mạnh trong giai đoạn 2015-2017, chiếm 26% trong tổng số 552 giao dịch bị theo dõi. Nó vượt xa con số 12% của nước đứng thứ hai trong danh sách là Canada. (VTV.vn 15/01)Về đầu trang

Thủ tướng Nga từ chức

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo ông cùng toàn bộ quan chức chính phủ từ chức để tạo điều kiện cho Putin sửa hiến pháp.

 Medvedev, 55 tuổi, đưa ra thông báo trên truyền hình nhà nước hôm nay, khi ngồi cạnh Putin. Medvedev nói rằng các đề xuất sửa hiến pháp sẽ tạo ra thay đổi đáng kể với "cân bằng quyền lực" giữa nhánh hành pháp, tư pháp, luật pháp và vì vậy, chính quyền hiện tại cần được thay thế.

 "Chúng tôi nên cung cấp cho Tổng thống khả năng thực hiện tất cả biện pháp cần thiết" để thực hiện các thay đổi, Medvedev nói. "Tất cả quyết định tiếp theo sẽ do Tổng thống đưa ra".

 Quyết định của Medvedev cho phép Putin bổ nhiệm một thủ tướng mới, có khả năng báo hiệu người ông ủng hộ làm tổng thống tương lai. Putin, 67 tuổi, lãnh đạo nước Nga trong 20 năm qua, sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ tư vào năm 2024.

 Không rõ khi nào thủ tướng mới sẽ được bổ nhiệm, Putin yêu cầu Medvedev và các bộ trưởng tiếp tục làm việc cho đến khi chính quyền mới được thành lập. Các ứng viên tiềm năng có thể thay thế Medvedev gồm Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin, Bộ trưởng Kinh tế Maxim Oreshkin hay Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak.

 Trước đó, Putin đã đọc Thông điệp Liên bang, đề xuất sửa hiến pháp để cho hạ viện Nga quyền chọn thủ tướng và các vị trí nội các cấp cao. Quyền lực này hiện thuộc về Tổng thống.

 Nga hiện áp dụng giới hạn một tổng thống không được cầm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Putin muốn thay đổi quy định này thành tổng thống chỉ được đảm nhiệm hai nhiệm kỳ. Ông cũng đề xuất thắt chặt tiêu chuẩn với ứng viên tổng thống Nga. (Vnexpress.net 15/01, Phương Vũ)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More