Làm việc trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình được phụ cấp độc hại

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
(Website Sở TT&TT Quảng Bình) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BTTTT ngày 23/3/2010 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2010, áp dụng đối với cán bộ, công chức ( kể cả công chức dự bị ), viên chức thuộc biên chế nhà nước; Viên chức quản lý, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ, và người lao động của doanh nghiệp.

Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình được chia làm 4 mức, tương ứng với hệ số được hưởng là 0,1; 0,2; 0,3; và 0,4. Các nghề, công việc được tính phụ cấp là: vận hành, điều khiển, sửa chữa máy phát thanh, phát hình, máy phát sóng viba, vận hành trạm truyền dẫn tín hiệu vệ tinh, máy phát điện. Ghi hình, dựng hình trong trường quay, phòng dựng, phòng thu. Ghi, dựng hình, đạo diễn âm thanh và hình trên xe phát thanh, xe truyền hình lưu động. Ghi hình, lồng tiếng, thu nhạc, truyền dẫn tín hiệu âm thanh, tín hiệu truyền hình trong trường quay. Vận hành trong phòng tổng khống chế trung tâm truyền hình cáp. Quản lý kho phim, băng, bảo quản, sao chép tư liệu bằng băng từ, đĩa hình, đĩa tiếng, xử lý kỹ thuật hồ sơ tài liệu lưu trữ, vận hành máy chiếu phim, tu sửa, phục hồi phim điện ảnh. Phóng viên, biên tập viên tổ chức sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, đạo diễn, biên tập chương trình trên xe phát thanh, truyền hình lưu động. Phát thanh viên, biên tập viên dẫn chương trình trong trường quay, phòng dựng. Điều hành, kiểm soát phòng phát thanh, truyền hình quốc gia. Lắp đặt, sửa chữa đường dây phi-đơ anten, móng néo cột anten; lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng cột anten. Lắp đặt, vận hành, sửa chữa hệ thống cung cấp điện cho đài phát thanh, truyền hình và trung tâm kỹ thuật, phát thanh, truyền hình. Đo đạc, kiểm tra tần số, công suất, chất lượng máy phát thanh, máy phát hình…

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ do ngân sách Nhà nước chi trả. Đối với các cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ tài chính do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ. Đối với các doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông./.

 

Thúy Nhung

More