Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1- Chương trình 212

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
(Website Sở TT&TT Quảng Bình) - Đề án “Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá thông tin ở xã, phường, thị trấn” (Đề án 1- Chương trình 212) là một trong bốn đề án thuộc “Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (Chương trình 212) được ban hành kèm theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ. 

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình là 4 đơn vị cùng triển khai thực hiện Đề án 1- Chương trình 212. Với tư cách là cơ quan chủ trì Đề án, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Ban chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh và các ban, ngành hữu quan, trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã nghiêm túc triển khai các kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2006 - 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh và của Ban chỉ đạo Chương trình 212.

Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn; phân khai kinh phí được giao hàng năm cho các đơn vị; phân công trách nhiệm, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung của đề án đảm bảo tiến độ, có hiệu quả.

 Trong 5 năm, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã tổ chức được 20 lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền PBGDPL cho trên 1.000 lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong tỉnh; các bản tin, trang thông tin điện tử; các đài truyền thanh-truyền hình huyện, thành phố; các đài, trạm truyền thanh cơ sở; cán bộ văn hoá thông tin huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Nội dung tập trung giới thiệu và hướng dẫn kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng như: phổ biến, tuyên truyền pháp luật qua báo chí, qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, qua mạng Internet…; hướng dẫn tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của nhân dân như: Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phổ biến, quán triệt các văn bản, luật chuyên ngành như: Luật Báo chí sửa đổi, Luật Xuất bản sửa đổi, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông…Thông qua 2 trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông (http://www.dic-quangbinh.gov.vn/và Trung tâm Công nghệ thông tin (http://www.qbinh.vn/) Sở đã đăng tải nhiều thông tin quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực báo chí, xuất bản; phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; công nghệ thông tin; bưu chính, viễn thông và internet. Trong đó chú trọng chuyển tải các thông tin tuyên truyền về pháp luật. Ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn quản lý Nhà nước chuyên ngành có lồng ghép nội dung tuyên truyền về pháp luật cho các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, để đổi mới phương thức, tăng thời lượng tuyên truyền về chuyên ngành nói chung và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong năm 2010, Sở đã xuất bản 2 tập san “Thông tin và Truyền thông Quảng Bình”; in ấn 30.000 tờ gấp tuyên truyền về Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông, một số nội dung cơ bản về trạm phát sóng thông tin di động (BTS) phát hành đến tận các thôn, bản, tiểu khu trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1-CT 212, các đơn vị cùng tham gia đã nỗ lực cố gắng, thực hiện tốt các nội dung và mục tiêu của Đề án đó là: Đẩy mạnh thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách thường xuyên, có trọng điểm, bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước hết, nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm thực hiện và thi hành pháp luật của cán bộ, công chức ở cơ sở, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Qua thực hiện Đề án 1- Chương trình 212, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình đã duy trì đăng tải, phát sóng định kỳ các chuyên mục “Pháp luật - Bạn đọc”, “Pháp luật và đời sống”, “Tiếp chuyện bạn nghe đài”. Tăng thời lượng đăng tải kịp thời các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Chú trọng đăng tải các tin, bài, phóng sự biểu dương các nhân tố tích cực, điển hình trong thi hành, chấp hành pháp luật, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư.

Mặc dù có những hạn chế so với hình thức tuyên truyền qua báo chí, song việc tuyên truyền qua mạng lưới truyền thanh cơ sở cũng có những lợi thế nhất định: gần gũi, thân thiết với người dân ở cơ sở; chủ động về thời gian, nội dung tuyên truyền; có thể phát lại nhiều lần…do đó, hệ thống truyền thanh cơ sở đã được các địa phương trong tỉnh sử dụng có hiệu quả. Nhất là phổ biến, thông tin về các nội dung như: giới thiệu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương, giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến những quy định về pháp luật... Đối với người dân, nghe đài qua hệ thống loa truyền thanh là một thói quen không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, sản xuất.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật thông qua hoạt động của các Đội thông tin lưu động, Trung tâm văn hoá Thông tin, Nhà văn hoá các cấp được đẩy mạnh. Các đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng nhiều chương trình văn nghệ, văn hoá dân gian, thông tin cổ động, thông tin lưu động gắn với vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư. Trong 5 năm, các Đội chiếu bóng lưu động đã tổ chức được gần 2.700 buổi chiếu phim nhựa, vi déo ở cơ sở, trước mỗi buổi chiếu, đã dành 10 phút để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Phạm vi tuyên truyền ngày càng được mở rộng đến tận các vùng, miền; tập trung hướng về cơ sở, đến tận mọi người dân.

Tuy việc triển khai thực hiện Đề án 1- Chương trình 212 vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, song nhìn chung Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình và các đơn vị cùng tham gia đề án đã nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với cơ sở. Triển khai thực hiện đúng kế hoạch của BCĐ Chương trình 212 tỉnh đề ra.

Về nhiệm vụ thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thời gian tới, đồng chí Trương Tấn Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh cho biết: “Chương trình 212 giai đoạn 2005-2010 đã kết thúc, nhưng Sở Thông tin và Truyền thông xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là công việc thường xuyên và liên tục. Trong năm 2011, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về tuyên truyền pháp luật cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách pháp luật của các cơ quan báo chí, truyền thông và cán bộ văn hoá - thông tin cơ sở . Trong đó tập trung giới thiệu các văn bản pháp luật mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Hướng dẫn tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành, nhất là với các sở, ngành trong Đề án 1- Chương trình 212 và các cơ quan báo chí để triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo kế hoạch đã đề ra”./.

 


Thuý Nhung

More