Tài liệu tuyên truyền Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024) số 05

Post date: 07/05/2024

Font size : A- A A+

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu Tài liệu tuyên truyền “Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604 - 2024)”. Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình biên soạn và phát hành.

II. BƯỚC CHÂN THỜI GIAN

1. Danh xưng Quảng Bình (năm 1604)

(Tiếp theo)

1.3. Quảng Bình thời kỳ thuộc lãnh thổ vương quốc Champa

Cũng như ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân phía Bắc, nhân dân các bộ tộc ở quận Nhật Nam phía Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thống trị và bóc lột nặng nề. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 ở Giao Chỉ, nhân dân ở quận Nhật Nam không ngừng nổi dậy chống quân xâm lược, giành lại quyền sống cho dân tộc mình, trung tâm của các cuộc khởi nghĩa là huyện Tượng Lâm (năm 138 đời Hán Vĩnh Hòa thứ 3). Nhân dân ở đây chủ yếu là người Chăm, có truyền thống thượng võ và tinh thần quật cường đã nhiều lần nổi dậy chống lại ách thống trị của quân Nam Hán. Cuối đời nhà Hán, nhân dân Tượng Lâm dưới sự lãnh đạo của Khu Liên nổi dậy giết huyện lệnh rồi tự xưng làm vua, lập nên nước Lâm Ấp. Sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp sau cuộc khởi nghĩa do Khu Liên lãnh đạo đã khởi đầu cho tiến trình lịch sử Champa trên đất Quảng Bình.

Từ sau năm 749, sau sự kiện sứ bộ của vua Rudravarman sang triều cống Trung Quốc, các sách sử của Trung Quốc không còn nhắc nhở gì đến danh xưng Lâm Ấp nữa. Gần 10 năm sau đó xuất hiện một tên nước thay thế từ Lâm Ấp ở những tài liệu Trung Quốc đó là Hoàn Vương. Quốc hiệu này được dùng trong một thế kỷ (758 - 859), và đến năm 859, tên gọi Chiêm Thành mới bắt đầu được nhắc đến trong thư tịch phương Bắc.

Mặc dù sau đó diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành giật vùng đất quận Nhật Nam đoạn từ Hoành Sơn đến Hải Vân giữa các triều đại phong kiến Trung Quốc và vương quốc Hoàn Vương, nhưng về cơ bản vùng đất Quảng Bình sau thời kỳ thuộc Hán thuộc lãnh thổ của Hoàn Vương, sau là Chiêm Thành. Sau khi mở rộng biên giới ra phía Bắc là Nam Hoành Sơn, nhận thấy đây là địa bàn xung yếu, là địa đầu của quốc thổ, các triều đại Chiêm Thành đã chăm lo xây dựng hệ thống đồn lũy trên đất Quảng Bình khá kiên cố. Điển hình là lũy Hoàn Vương được xây từ Đông sang Tây dưới chân Hoành Sơn làm chiến lũy trấn giữ đường tiến quân của các triều đại phong kiến Trung Quốc xuống phía Nam. Ngoài ra, nhiều thành lũy được xây dựng khá kiên cố như thành Khu Túc, thành Nhà Ngô. Trong thời gian thuộc Chiêm Thành, vùng đất Quảng Bình là châu Bố Chính và châu Địa lý.

                                                                             (Còn nữa)

More